Đây là lá thư của liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa trong chiến tranh biên giới năm 1979 gửi người yêu ngày 19-2-1079, 2 ngày sau cuộc chiến bùng nổ. Anh đã hy sinh 2 tuần sau đó (2-3-1979) trên mặt trận phía Bắc chống quân Trung quốc xâm lược.
19/2/1979
Em thân yêu của anh!
Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường đi chiến đấu. Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh.
Em thân yêu! Ở xa em có thể hiểu được tâm trạng của anh lúc này không em – bâng khuâng, buồn và nhớ da diết, anh bâng khuâng vì đêm nay là đêm cuối cùng ở vùng đất khu 4 này. Ngày mai anh sẽ ra phương Bắc để bước vào cuộc chiến mới.
Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra. Nơi đó quân thù đang giày xéo biên cương của Tổ quốc. Nơi đó đồng đội đang chờ anh. Anh buồn vì những lúc này anh thấy mình cô đơn và buồn tẻ. Anh nhớ em da diết bởi vì anh sẽ phải xa em nhiều năm nữa, chưa biết khi nào anh mới quay trở lại gặp em. Ôm em và hôn em thắm thiết. Tình yêu của em và anh trong những ngày tháng qua đã để lại cho anh tình thương em, yêu em vô bờ bến. Có thể nói rằng mỗi bước đi, mỗi ngày sống anh đều có em…
Em ơi, ngày mai anh đi về phương Bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly! Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ? Chỉ có anh thôi, anh đang sống trong giờ phút chia ly. Bao lời anh nói em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em.
Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của tình yêu. Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.
Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây. Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé. Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã viết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi nốt trang thư trên mảnh đất này. Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.
Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé – tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.
Đêm 19/2.
Anh yêu của em
PS. Liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa sinh năm 1952, nếu anh còn sống thì cũng ở lứa tuổi một số vị cao niên nhảy múa và hát hò trước tượng đài Lý Thái Tổ, một ngày trước kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới với Trung Quốc.
Tin cho hay, ngày 16-2-2014, nhiều nhân sỹ yêu nước, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và thanh niên muốn đặt vòng hoa tưởng niệm cuộc chiến Việt – Trung đã bị cản trở bởi “hoạt động văn hóa” của nhóm người trên.
Nếu liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa biết trước những người cùng thế hệ với anh và thuộc hàng con cháu của anh đã làm như nhà văn Thùy Linh viết trên Facebook “Hôm nay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài cảm tử, các cụ bô lão cùng các cháu đoàn viên thanh niên nhảy múa vui vẻ trước anh linh 6 vạn chiến sỹ đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược”, thì liệu rằng anh có còn muốn nhắn người yêu “Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh” như cách đây 35 năm.
Từ đục bỏ lòng yêu nước đến cưa đá nham nhở chặn biểu tình và nay là nhảy múa hát ca trước cái chết của những người đã khuất trong cuộc chiến 17-2-1979, chính quyền định gửi thông điệp gì nhân kỷ niệm 35 năm chống xâm lược Trung Quốc, cuộc chiến tàn bạo, ngắn ngủi mà cướp đi 60 ngàn sinh mạng người Việt.
HM. 16-2-2014
Sự hèn hạ

Nhảy múa trước tượng đài Lý Thái Tổ nhằm cản trở người đến dâng hương những liệt sỹ và nạn nhân chiến trang biên giới. Ảnh: Blog Tễu.
Trong lúc đó, nhân sỹ, trí thức, và thanh niên muốn biểu thị lòng yêu nước và tưởng niệm người ngã xuống trong cuộc chiến 17-2-1979
Bạn đọc hãy nhấn 5 sao vào Đánh giá entry để tưởng niệm những chiến sỹ và đồng bào ngã xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tháng 2-1979.