“ Bất khả xâm phạm ”
Nếu tính theo đường thẳng thì Chiến khu D cách Sài Gòn khoảng 60 cây số, ngó xuống Biên Hòa khoảng 30 cây số, thì phi trường Biên Hòa là mục tiêu pháo kích của Việt cọng hằng đêm.
Hiệp định hòa bình Paris ký kết đã được một năm, nhưng hai tiếng “hòa bình” trong hiệp định chỉ là cái bình phong để Việt cọng gây… chiến tranh. Do đó, mức độ Việt cọng pháo kích phi trường Biên Hòa càng lúc càng gia tăng, khiến Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III trở nên “nóng máy”. Không thể để bọn chúng quá tự tung tự tác, đám Việt cọng này phải đánh nó tới tận cùng sào huyệt, phải nắm thế chủ động trên chiến trường, nghĩa là Biệt Cách Nh ảy Dù phải vào Chiến khu D “nắm đầu bọn ngoan cố”.
Áp lực của địch vào Biên Hòa, Sài Gòn là từ Chiến Khu D. Nó không ở đâu xa mà ngay bên cạnh Trị An. Phía Đông là Định Quán trên Quốc Lộ 20, đường đi Đà Lạt, kế là Võ Xu. Phía Nam là Quốc Lộ 1, đoạn Biên Hòa – Long Khánh. Phía Tây Bắc là Đồng Xoài, kéo dài lên tới Bình Long, Phước Long qua tới biên giới Xứ Chùa Tháp, có Snoul là nơi từng diễn ra trận đánh lớn khi Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa tràn qua Miên năm 1970. Phía Tây là Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương, có Quốc Lộ 22 đường đi Tây Ninh…
Căn cứ Hành Quân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đóng ở Suối Máu, sát nách phi trường Biên Hòa, đã mấy lần nếm trải những trận pháo 122 ly xuất phát từ trong vùng chiến khu này. Đại Úy Lưu Huyên, Đại Đội Trưởng Đại Đội Thám Sát, đã vĩnh viễn giã từ vũ khí do bởi những quả đạn pháo của bọn chúng, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù vô cùng thương tiếc vì đã mất đi một Chiến Sĩ diệt cọng tài ba. Nếu không đi tìm diệt chúng, biết đâu sẽ còn nhiều Chiến Hữu của đơn vị cũng sẽ hy sinh.
Thế là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù không thể chần chờ.
Hai Biệt Đội 811 và 812, được chuyển vận đến Chi Khu Công Thanh, từ đó vượt qua sông Đồng Nai vào Xã Thái Hưng, Quận Tân Uyên, đây là khu định cư của người Miền Bắc di cư, họ là thành trì chống cọng một mất một còn. Nơi này có ngọn núi Bà Cẩm, cao khoảng 200 mét, được dùng để đặt các trạm thông tin, liên lạc. Xã Thái Hưng nằm về hướng Nam của Chiến khu D, bọn Việt cọng cũng thường về đây phá rối, nên Tiểu Khu Biên Hòa đã điều một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân đến an ninh phòng thủ.
Từ xuất phát này, Biệt Đội 811 và 812 đã mở các cuộc hành quân lục soát, truy lùng về hướng Bắc, dọc theo con Sông Bé, phát hiện các dàn phóng hỏa tiễn làm bằng cây rừng, một vài căn cứ trú phòng bỏ hoang của chúng, đồng thời tổ chức phục kích bắt sống được một số cán bộ địch quân mang về khai thác.
Cũng trong thời gian này, Bộ Chỉ Huy Hành Quân đã thả các toán Thám Sát vào hoạt động sâu trong chiến khu D, ở hướng chính Bắc Thị Xã Định Quán.
Đã mấy ngày trôi qua, các Toán Thám Sát di chuyển theo lộ trình từ mạn Bắc xuôi về Tây Nam, hay từ Đông sang Tây, cũng chỉ phát hiện các hầm hố, địa đạo, các khu canh tác đã bị bỏ hoang. Có thể Việt cọng đã di dời quân về hướng Tây Bắc Thị xã Phước Long, hay Đông Bắc Thị Xã Ban Mê Thuộc?. Thế nhưng, quả thật là bất ngờ, vào sáng ngày thứ tư, Chuẩn Úy Vinh, Trưởng Toán 6 Thám Sát, chuyển công điện, báo cáo về Trung Tâm Hành Quân, là Toán đã khám phá ra một kho vũ khí của Việt cọng.
&
Tôi không rõ kế hoạch hành quân của Toán Chuẩn Úy Vinh như thế nào, chỉ biết đây là một trong hai Toán có nhiệm vụ nhảy vào lòng địch ngay tại chiến khu D. Nhưng khi Toán của Chuẩn Úy Vinh, tình cờ phát hiện ra kho vũ khí địch, thì trong Biệt Đội Thám Sát, nỗi lên một giai thoại khá kỳ thú về Chuẩn Úy Vinh, Trưởng Toán 6 Thám Sát này.
Khi Toán Chuẩn Úy Vinh nhận lệnh hành quân, thâm nhập vào chiến khu D, đây cũng là sào huyệt “bất khả xâm phạm” của Việt cọng. Các Toán Trưởng khác đã cười thầm: “Thằng nầy bị đì!”. Thật ra, Chuẩn Úy Vinh chẳng có “quậy phá” gì đâu, ngoài việc, cũng như các Toán Trưởng khác vậy thôi. Khi “vô sự” thì rủ nhau ra Biên Hòa đánh bi-da, xem chiếu bóng hay nhậu nhẹt chơi. Khổ cho anh chàng Chuẩn úy Vinh trẻ tuổi, có một “em gái hậu phương” nào đó ở Hố Nai, hễ mỗi lần anh đứng lên từ giã, thì cô nàng mè nheo, thút thít…khóc: “Anh đi em buồn lắm!…” vân vân và vân vân… Thế rồi, trước sau gì anh chàng Vinh cũng phải “giã từ em yêu” nhưng hơi trễ. Tuy không bị phạt, nhưng mỗi lần trễ, không lý cấp chỉ huy không “xài xể” vài ba câu. Việc anh ta lần nầy có bị “đì” vì cái tội trễ phép hay không, chỉ là câu nói bông đùa.
Không như trước kia, mỗi Toán có 2 “người bạn đồng minh”, bây giờ thì chỉ 6 người, toàn là người Việt. Toán Chuẩn Úy Vinh, trong một chiều khuất nắng, được Trực Thăng thả xuống ở một bãi trống trong rặng núi Tà Lài, về hướng Đông của Chiến Khu D.
Ba ngày đi từ Đông sang Tây, chẳng thấy động tỉnh gì. Chiều lại, Toán leo lên một ngọn đồi, cây rừng rậm rạp, địa thế thuận lợi để đóng quân qua đêm. Sáng hôm sau, thức dậy sớm, lợi dụng trời còn mờ hơi sương, Toán chuẩn bị ăn sáng. Lương thực Toán mang theo thường là cá, thịt hộp và gạo sấy. Phải có chút nước sôi để đổ vào gạo sấy hay hâm nóng hộp cá, thịt. Lửa, thì sử dụng loại “xăng đặc”, một cục to bằng nửa hộp quẹt, bọc hàn kín bởi một loại bao giấy bạc không thấm nước. Xé bao nylon, mở gói giấy bạc và châm lửa. Nhưng đâu có đơn giản, dễ dàng vậy.
Ngọn lửa xăng đặc màu xanh lè, địch dễ nhận biết. Phải đào một cái hố nhỏ, để cục xăng đặc vào đáy hố, đốt lửa, để lon thiếc lên ngọn lửa. Khi lửa vừa tắt thì nước sôi, thịt cá cũng nóng. Xong, tất cả “rác rưởi” cho xuống hố, lấp đất, phủ lá khô lên trên, tránh không cho địch phát hiện.
Trước khi lên đường, để thanh toán ba cái thứ thừa thải đang chất chứa trong người, Chuẩn Úy Vinh đi lần theo đỉnh đồi, chừng ba bốn thước, đến cạnh một bụi cây hoang mọc sát một hốc đá, vừa ngồi xuống, dùng dao đào hố, thì Chuẩn Úy Vinh bất ngờ nhìn thấy bên trái hốc đá là một cửa hang, tò mò bước vào, Chuẩn Úy Vinh vô cùng bàng hoàng, sửng sốt, miệng há hốc khi nhìn thấy bên trong chứa đầy dẫy, ngổn ngang các loại vũ khí. Vinh tức tốc quay trở lại Toán và báo cáo khẩn cấp về Trung Tâm Hành Quân.
Đại Tá Phan Văn Huấn Chỉ Huy Trưởng, với kinh nghiệm dày dặn, từng trải trên khắp các chiến trường trận địa, không tin chỉ có một căn hầm, mà còn nhiều căn hầm khác nữa. Đây phải là nơi chúng chôn dấu vũ khí, hỏa tiễn để pháo kích Phi Trường Biên Hòa. Đại Tá chỉ thị Toán 6 mở rộng vòng đai, lục soát chung quanh đỉnh đồi. Và đúng như tiên đoán của Đại Tá Phan văn Huấn, Toán đã tìm thấy thêm một cửa hầm khác, rồi lại thêm hai ba cửa hầm khác nữa. Vừa phát hiện thêm, Chuẩn Úy Vinh vừa vui mừng báo cáo về cho Trung tâm Hành Quân: “Cả một đồi toàn hầm vũ khí”, đến nỗi bao gạo sấy của Vinh, vẫn còn nguyên trong túi quần bên hông. Anh đã quên… ăn sáng mất rồi.
Hai Phi Đội Trực Thăng UH.1B được cấp tốc tăng cường. Hai Biệt Đội 813 do Đại Úy Nguyễn văn Hải chỉ huy và Biệt Đội 814 do tôi chỉ huy, được lệnh lên đường khai thác mục tiêu.
Bãi đổ quân hai Biệt Đội 813 và 814 là một trảng trống nằm về hướng Tây, cách ngọn đồi của Chuẩn Úy Vinh khoảng chừng nửa cây số. Theo lệnh hành quân, hai Biệt Đội chia làm hai cánh cùng băng rừng tiến về hướng đồi có kho vũ khí. Biệt Đội 813 lên đến đỉnh đồi sẽ dàn quân trải rộng phòng thủ mặt Tây Nam và Tây Bắc. Biệt Đội 814, sau khi bắt tay với Toán 6 của Chuẩn Úy Vinh, sẽ bố trí ba Trung Đội giữ mặt Đông Bắc và Đông Nam, còn một Trung Đội phối hợp với Toán để kiểm định lại tất cả các hầm vũ khí.
Toàn bộ ngọn đồi là những hầm vũ khí, đạn dược. Mỗi hầm sâu cỡ 2 mét, rộng 3 hoặc 4 mét, trên phủ một lớp nylon và cây lá khá kỹ để che dấu ngụy trang. Nếu không biết đây là nơi địch chôn dấu vũ khí và quyết tâm đi tìm, chắc cũng khó mà phát hiện ra các hầm nầy.
Trong thời gian phòng thủ, chờ đợi các Phi Đội Trực Thăng đến để chuyển vận Chiến lợi phẩm. Khoảng quá trưa, một tiếng nổ kinh hoàng long trời lở đất vang lên, một tiếng nổ lớn tôi chưa từng bao giờ nghe đến như vậy, chấn động, vang dội cả khu rừng. Đất đá, cây cối bay tung lên trời và rơi rớt lã chã khắp khu đồi, một cánh tay và một vài mảnh thịt rớt xuống nằm ngay bên cạnh hố phòng thủ của tôi… Phản ứng cố hữu của một đơn vị trưởng tác chiến, tôi truyền lệnh cho các Trung Đội trong tư thế sẵn sàng đối phó, đề phòng địch sẽ tiếp tục pháo kích và tấn công. Sau nửa giờ trôi qua, chẳng có biến cố gì tiếp diễn, trong lòng tôi hơi hoảng hốt đôi chút, nhưng định thần lại được ngay. Tôi đi về hướng đã phát ra tiếng nổ, một khoảnh đất rộng bằng nửa sân bóng chuyền bày ra giữa khu rừng, bên trong la liệt xen lẫn cành cây, thùng ống và những mảnh thịt tươi dính đầy đất máu. Vào lúc đó Đại Úy Hải cũng xuất hiện để xem xét hiện trường. Cuối cùng Đại Úy Hải và tôi cùng có chung một kết luận: nguyên do vụ nổ là do sự vô ý. Một vài Quân Nhân trong đó có Trung Sĩ Khưu Công Qúi Trung Đội Phó, Hạ Sĩ I Phiêu âm thoại viên, thuộc Biệt Đội 814, Thượng sĩ Khẩn, Ban 2, và hai Binh Sĩ thuộc Biệt Đội 813, trong niềm phấn chấn cao độ, đã đến các căn hầm chụp hình lưu giữ tư liệu, họ đã vô tình, trèo lên đứng trên các thùng chứa chất nổ, khiến chúng bị kích nhiệt, gây nổ tung cả căn hầm. Tất cả họ đã bị thiệt mạng, xác thân bị tan tành từng mảnh, thật vô cùng thương tâm và oan uổng.
Trước sự kiện thảm khốc này. Lo ngại Việt cọng khi biết được kho vũ khí đã bị khám phá sẽ tập trung binh lực để tấn công các Biệt Đội. Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn đã trực tiếp bay lên vùng, để điều động hai Biệt Đội vừa phòng thủ vừa chuyển tải gấp rút tất cả chiến lợi phẩm này ra bãi để trực thăng, bốc về Căn cứ Hành Quân. Không thể nào chuyển hết số lượng vũ khí nầy bằng trực thăng UH.1B. Số vũ khí tìm thấy là những loại vũ khí nặng bao gồm: súng Phòng Không 12 ly 7, Đại Liên, Trung Liên, vô số vũ khí cá nhân B-40, B-41, AK, CKC, mìn bẫy, đạn dược, khí tài v.v…Đại Tá Huấn phải nhu cầu Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, điều động thêm các Phi Đội Trực Thăng Shinook đến tăng cường, và mãi cho đến tối trời mới chuyển về hết được tất cả.
Khi chiếc Chinook cuối cùng cất cánh an toàn. Lệnh của Đại Tá Huấn là hai Biệt Đội phải cấp tốc triệt thoái về Định Quán, nằm ở hướng Đông Nam khoảng trên 10 cây số. Toàn khu đồi giờ này đã tối hẳn. Con đường rừng mịt mù âm u, ngửa bàn tay cũng không còn thấy rõ. Bấy giờ, phải di chuyển giữa rừng già trong đêm tăm tối, điều tôi lo lắng nhứt là sợ có anh em binh sĩ không theo kịp, sẽ đi lạc phương hướng. Kinh nghiệm đi rừng trong suốt hai năm là Toán Trưởng Thám Sát Delta, cho tôi một sáng kiến: các cành cây khô mục, rơi rụng trong rừng lâu ngày, thường tỏa ra ánh sáng lân tinh vào ban đêm, vậy đây là một giải pháp quá tuyệt vời, đem áp dụng vào lúc này thì thật đúng là “ăn mày mà gặp chiếu manh”. Tôi ban lệnh cho toàn Binh Sĩ, bốc lấy những cây mục ấy, bỏ lên trên nắp ba lô của mình. Người đi sau cứ theo ánh sáng ấy của người đi trước mà nối đuôi nhau, để tránh khỏi bị lạc đường. Nhờ cách đó, Biệt Đội di hành trong rừng rậm hiểm hóc, leo đồi, vượt suối suốt đêm, trong khoảng hơn ba giờ đồng hồ, quân số Biệt Đội vẫn đầy đủ, không một ai thất lạc cả. Ra khỏi rừng, Biệt Đội phải lội qua một vùng đầm lầy, nước lấp xấp tới bụng, lau sậy mọc chằng chịt, phải vạch lối mà đi. Không xem Bản Đồ kịp và cũng không cần thiết, tôi đoán chừng đây là vùng Thác Trị An. Tiếp tục di chuyển, khi trời hừng sáng, Biệt Đội ra tới các khu đồi trồng chuối, đu đủ cách Quốc Lộ 20 chừng 500 mét. Đây là khu vực canh tác của đồng bào Định Quán, lẫn lộn giữa dân cư địa phương và người Bắc di cư. Tôi cho lệnh dừng quân quanh một đồi trồng chuối. Cũng không bao lâu sau đó, Biệt Đội 813 của Đại Úy Nguyễn Văn Hải cũng vừa đến và bố trí trong một ngọn đồi trồng đu đủ kế cận. Cả hai Biệt Đội đều được lệnh chờ đoàn xe GMC của đơn vị đến đón trở về lại căn cứ hành quân ở Suối Máu, Biên Hòa.
Hai ba ngày sau, cũng ngay tại Căn cứ Hành Quân Suối Máu, Biên Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III, cùng một phái đoàn Sĩ Quan cao cấp của Bộ Tổng Tham Mưu đã đến chủ tọa và tham dự Lễ gắn huy chương và đặc cách cấp bậc cho các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ hữu công của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, trong dịp này Đại Úy Hải và tôi cũng được tuyên dương công trạng trước Quân Đoàn, đích thân Trung Tướng Tư Lệnh gắn Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng lên trên ngực áo chúng tôi. Sau đó Trung Tướng Tư Lệnh và Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn đã cắt băng khai mạc khu triển lãm hàng ngàn vũ khí chiến lợi phẩm đủ loại của Việt cọng do Liên Đoàn tịch thu được, lớn nhất từ trước tới nay. Đài Truyền Hình số 9, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Phát Thanh Quân Đội, các Phóng viên Báo chí của Tuần, Nhật Báo Diều Hâu, Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Sóng Thần, Tia Sáng, Trắng Đen, đã đến quan sát, quay phim, chụp hình, phỏng vấn Chuẩn Úy Vinh, các Toán Viên Toán 6 Thám Sát, Đại Tá Phan Văn Huấn, Đại Úy Hải và tôi.
Cuộc triển lãm Chiến lợi phẩm kéo dài trong suốt một Tuần Lễ. Các đơn vị bạn thuộc các Quân Binh chủng trú đóng tại Biệt Khu Thủ Đô, tại Quân Đoàn III, Quân Khu III đều đến tham dự và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, trước khám phá kho vũ khí của giặc cọng có một không hai này.
Dù thế nào chăng nữa chiến công nầy của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, dù không bẻ gảy ý đồ của địch cũng sẽ làm chậm trễ mưu đồ của chúng.