Tôn Thất Phú Sĩ
Hai năm tròn thụ huấn tại Quân trường Hải Quân Quân Lực VNCH, hôm nay là ngày mãn khoá ra trường. Nam, người Sĩ Quan trẻ buồn bả bỏ lại hàng dừa xanh mát với bãi cát trắng ngần của Nha Trang đầy kỷ niệm, Quân trường thân yêu một thời học làm lính thủy, sau đó theo chương trình thực tập hải hành, Nam tu nghiệp 5 tháng trên một Hàng không Mẫu hạm của Ðệ thất hạm đội Mỹ, Ngày về nước Nam được thuyên chuyển làm việc trên một chiến hạm tên Lôi Công, mang số HQ 330, một loại tàu Giang vận hạm chuyên tuần tiểu trên sông rạch miền Nam, chiến hạm sửa chữa đại kỳ tại Guam vừa mới về cập bến SaiGon. Ngày đầu tháng 10/66, trong Quân phục Tiểu Lễ màu trắng trinh nguyên của người thuỷ thủ mới ra trường, Nam và hai bạn cùng khoá cũng vừa thực tập về, cả ba trình diện Hạm Trưởng để nhận nhiệm sở mới, Thiện giử chức vụ Sĩ Quan trọng pháo, Huân chức vụ SQ vận chuyển và Nam SQ Hải hành. Trưa hôm đó tất cả đươc tham dự một bữa cơm chung với toàn thể nhân viên trên tàu gọi là lễ giới thiệu Sĩ Quan tân đáo. Thực phẩm từ Guam đem về lạ miệng, ngon và nhất là vui nhộn trong không khí hoà đồng cởi mở. Thuỷ thủ đoàn tất cả 46 người, thành phần chỉ huy gồm có Hạm Trưởng, Hạm Phó, 4 Sĩ Quan khoá đàn anh và 3 SQ vừa nhập hạm.
***
Trong những ngày còn nghỉ bến, chiến hạm cập tại cầu A, Bộ Tư Lệnh HQ nằm dọc theo bờ sông Bạch Ðằng SaiGon, thời gian chờ công tác rãnh rỗi, Nam không có gia đình tại SaiGon nên thường lang thang một mình dạo phố để nhìn những tà áo bay, ăn kem, nghe nhạc, rồi lủi thủi về tàu nằm nhớ người yêu, nhớ Ðà Nẵng, nhớ Huế nơi sinh ra và lớn lên trong vòng tay Mẹ Cha, nhớ những ngày từ Quân trường về phép thăm nhà, đưa đón người yêu trước cổng trường, dìu em đi trong cơn mưa bụi, dưới hàng thông dài thẳng tắp dọc theo con đường mang nhiều dấu chân kỷ niệm của những ngày mới yêu, mùa thu trong Nam, trong em sao mà nhớ nhung ray rức lạ lùng :
Sương xuống mà sao nắng vẫn còn
Từng cụm vàng rơi trên cỏ non
Bâng khuâng màu lá vàng tâm sự
Ngơ ngẩn lần đầu anh biết hôn.
Cứ như thế, một mình lang thang trên khắp đường phố SaiGon những ngày tàu nghỉ bến, trong môt phiên trực tối, Nam nhận được công điện lệnh công tác, một ngày đầu thu tháng chín, tàu rời bến khởi hành tuần tiểu vùng Ðảo Côn Sơn, thay cho một chiến hạm khác ( HQ10 ) đang công tác tuần tiểu tại đây đổi hướng về Vùng 1 Duyên Hải – Ðà Nẵng, thôi giã từ SaiGon, bến mẹ của những con tàu luôn luôn di chuyển đây đó, một đời bềnh bồng trôi nỗị Sáng sớm hôm nay thuỷ thủ đoàn HQ 330 ra khơi.
***
Nam bắt đầu viết trang nhật ký của một cuộc hành trình gởi cho người yêu bé nhỏ phương xa :
Ngày N,
Bây giờ anh mới thật sự sống đồi sông biển, trong chuyến hải hành anh nhớ đến em, nhớ đến tận cùng nỗi nhớ, hàng đêm trong những phiên đi ( Quart ) Ca hải hành, cô đơn lặng lẽ anh đếm những vì sao rơi trên biển, muôn ngàn lớp sóng phủ thân tàu, anh gọi thầm tên em…
Không hiểu tôi vô ý thế nào, một hôm tàu cập cầu Côn Sơn, đang đi dạo quanh đảo, bỗng Thiện nói vơi Nam : – Bây giờ mày hãy tả cảnh Côn Sơn cho người yêu của mày đi, tao đang thấy những đốm sao rơi trong màu nắng của biển, chứ khi tàu chạy tao đâu có thấy sao rơi gì đâu mà mày nói dốc. Nam đỏ mặt, muốn gây sự với nó, tại sao mày đọc lén thư tao, bất lịch sự, như vậy là mày xâm phạm đời tư cá nhân, nó cười khì, gật gật cái đầu như có vẽ thích thú, Nam không thể nào giận được sự tinh nghịch của thằng bạn, chỉ còn biết cười xoà, trời đang nắng gắt bỗng dịu lại, gió từ biển thổi vào đảo làm bay bay những mái tóc bồng bềnh.
***
Tuần tiểu vùng biển đảo Côn Sơn đươc 10 ngày, tàu nhận lệnh chuyển vùng công tác, quay về tuần tiểu vùng 4 sông ngòi, Nam rất vui vì biết mình sắp được du lịch đồng bằng sông Cửu Long, con tàu chuyển mình đổi hướng, đêm nay trăng lên cao, trăng sáng lạ lùng, ánh sáng vàng huyền dịu trãi sáng một dòng sông, nước từ các cửa sông đổ ra biển, giờ đây con tàu ngược dòng từ biển chạy về sông, tàu đang trôi trên sông Hàm Luông trãi dài như vô tận, rạng sáng sớm hôm sau chiến hạm cập cầu Bến Ninh Kiều Cần Thơ, Hạm Trưởng trình diện Tư Lệnh HQ Vùng 4 sông ngòi, nhận lệnh công tác tuần tiểu tuyến giao thông sông Hàm Luông, Vàm cỏ Ðông, Vàm cỏ Tây, sông Bassac, chận đường tiếp tế của địch tại các cửa sông Long Tào, Ðịnh An, Soài Rạp, Bồ Ðề, Tranh Ðề… và yểm trợ hải pháo cho các cuộc hành quân của Bộ binh trên bờ. Nam lại có dịp thăm viếng các tỉnh miền Nam trù phú, đươc lang thang từ Thủ Ðô miền Tây đến Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Ðốc, Sa Ðéc về Tân Châu, Hồng Ngự đến tận biên giới Miên Việt, nơi đâu cũng ghi được nhiều kỷ niệm mến yêu. Sau ngày công tác, tàu về bến để tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm và đạn dược, Nam thường dạo chơi Bến Ninh Kiều và các đường phố Tây Ðô, có những chiều khi nắng vàng vừa tắt các nam nữ học sinh các trường trung học Cần Thơ xuống thăm tàu, các cô nữ sinh Trường Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long. còn nảy ra ý kiến kết nghĩa Huynh Ðệ với HQ 330, vui quá là vui, nhất là các chàng thuỷ thủ độc thân, riêng Nam không dám đi xa hơn, bởi vì con thuyền này đã có bến đậu rồi, loạn quạng bến sẽ bỏ thuyền và đời thuyền sẽ mãi mãi lênh đênh. Những lần thăm tàu các cô các cậu còn đem quà tặng nhân viên chiến hạm : xoài, ổi, sầu riêng, măng cụt, mít, cam, nhản… có cô tinh nghịch mang đến con vịt, thả chạy trên sàn tàu kêu cạp cạp, đố ai nín được tiếng cười.
Hạm Trưởng chịu chơi, đãi tiệc trên tàu, món ăn, thức uống toàn là đồ hộp, thực phẫm ” A ” tồn trử của chiến hạm cho những ngày bão tố hay hành quân, Nam nhìn đã thấy ngán thế mà các khách quí tranh nhau ăn và khen ngon đáo để. Chịu chơi đến cùng, Hạm Trưởng cho tổ chức văn nghệ bỏ túi, sân tàu biến thành sân khấu và sàn khiêu vũ, dưới ánh đèn, gió sông mát rượi thổi về, trong tiếng nhạc lời ca, tình Dân Quân như cá với nước, như ánh trăng vàng lan toả trên dòng sông. Chuyến công tác đối với Nam, một người lính mới ra trường, chưa nếm mùi súng đạn, Nam cứ ngỡ tàu giang hành như một chuyến viễn du cho tầm mắt mình mở rộng, để mình có dịp nhìn thấy quê hương Miền Nam phì nhiêu, bát ngát lúa vàng, tôm cá đầy sông rạch, trái cây trĩu cành trãi dài trên vùng đất phù sa màu mỡ,bao nhiêu là thơ mộng theo con tàu xuôi dòng như mơ trên dòng sông nước ngọt, hai bên bờ lá dừa buông phủ như muôn ngàn mái tóc tiểu thư, mỗi lần xuống Ca, xong nhiệm vụ điều khiển con tàu, Nam thường ngồi trên boong tàu nhìn về chân trời xa thẵm để mường tượng những bóng hình thân yêụ Ngày giữa tháng 10, ( N + 45 ) sau 45 ngày rời bến, sáng nay nhận được công điện Mật ngày mai chấm dứt công tác, về SaiGon nghỉ ngơi và tu bổ chiến hạm để chuẩn bị cho chuyến công tác khác. Hình như đã thành thói quen, những lúc rãnh rỗi như chiều nay, Nam vẫn đứng dựa lang can sân tàu nhìn dòng nước chảy, con tàu rời bến Ninh Kiều hộ tống đoàn giang đỉnh chở một toán Biệt Ðộng hành quân phục kích giặc trong đêm nay, đến kinh Xà No sông cạn tàu không vào được, phải neo ngoài để pháo yểm trợ cho đoàn Giang Ðỉnh tiến sâu vào Chương Thiện, Vị Thanh, Hoà Lựu, cho toán Biệt Ðông đổ bộ khu rừng dừa Bà Quẹọ Nam miêng mang trong cái vô tận của đất trời, chợt nghe tiếng hát vọng từ phòng ngủ đoàn viên : “Một chiều hành quân qua thôn xưa lúc nắng xuân chưa nhạt màụ Chạnh lòng tìm cô em gái cũ, em tôi đã đi phương nào. Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh, ngắm bóng chim đùa trên cành, lời thề ngày xưa đã trót hứa, em ơi xin đừng quên… ” Một anh Thuỷ Thủ vừa hát vừa nhìn Nam mỉm cười tinh nghịch dơ tay chào, Nam miễm cười chào lại và vẫy tay gọi anh.
– Lên đây nói chuyện chơi, anh tên gì, nhảy đầm giỏi, bây giờ lại hát hay nữa.
– Chào Thiếu Uý, Thiếu Uý nhạo em, em hát như gà tục tác mắc đẻ mà hay cái gì, sao Thiếu uý biết em nhảy đầm giỏi.
– Hôm tổ chức dạ vũ với đoàn văn nghệ học sinh Vĩnh Long, tôi thấy anh biểu diễn Tango bay bướm lắm mà, thôi không có anh em gì cả, xưng tôi đi, anh bao nhiêu tuổi rồi.
– Dạ, em 24
– Lại dạ với em, tôi ra lệnh bỏ hai chữ đó đi nghe.
– Tôi 24 bằng tuổi anh.
– Thiếu uý dui lắm, nếu cho phép thì OK.
– Tôi mới thuyên chuyển xuống tàu, chưa biết tên anh, anh tên gì. Sao không thấy đeo bảng tên, Tôi tên Nam .
– Tôi biết tên Thiếu úy rồi, hôm buổi lễ ra mắt, Hạm Trưỡng đã giới thiệu tên. Tôi tên Huỳnh, Hạ sĩ vận chuyển Huỳnh, Thường thường đi hành quân không ai mang bản tên trên áo Thiếu úy đẹp trai nhất tàu đấỵ
– Thế à, khéo nịnh, trong thế giới người mù, người một mắt làm vua.
– Thiếu úy có Bồ chưa ?
– Bộ anh Huỳnh, muốn giới thiệu em gái hả.
– Muốn lắm chứ, nhưng em gái tôi mới 5 tuổi.
Chúng tôi cười xoà, Huỳnh còn hứa về SaiGon rũ Nam đến nhà anh chơi, anh sẽ dẫn tôi đi Ðêm màu hồng, Maxim, Mỹ Cảnh, Vũ trường Rex… Câu chuyện tâm tình của hai đứa vui như những chòm sao lấp lánh trên bầu trời của sông Hàm Luông, vừa mới mọc. Khuya nay tàu quay về Cần Thơ để bàn giao công tác chấm dứt nhiệm vụ, Chiến hạm qua dòng Bến Tranh, Nam nhìn rõ cây cầu sắt bắt ngang nối vào tỉnh lỵ Bến Tre con tàu đen ngòm lầm lủi đi, Nam xuống Ca về phòng vừa ngả lưng trên cái nệm êm ấm của mình sau 6 giờ ngồi trên đài Chỉ huy lái tàu, bỗng một hồi còi rúc lên báo động nhiệm sở tác chiến, nhanh và phản xạ như cái máy, chụp lấy cái áo giáp, chiếc nón sắt, chạy lên khẩu 40 ly đầu mũi tàu, vị trí tác chiến của Nam. Vừa chạy ra khỏi phòng ngủ, Nam nghe một tiếng nổ Ầm. Một trái đạn súng cối bắn vào phòng Nam, tiếng dội hất tung Nam vào một góc của thành tàu, may quá, nếu châm vài giây Nam đã tan xác rồi, tiếp theo một tiếng ầm sau lái tàu, lúc này cố bình tỉnh chạy đến vị trí nòng súng 40 ly do Nam trách nhiệm, chỉa thắng vào nơi phát ra ánh lửa súng cối của địch, chiến hạm nhả đạn vào mục tiêu như mưa rào, đồng thời hàng đại liên bên hữu hạm và M79 bắn như xối vào bờ chận đường tháo lui của địch, Nam nghe tiếng Hạm Trưởng truyền lệnh từ trên đài chỉ huy : Chuẩn bị Ðổ Bộ, Con tàu đâm thắng mũi vào bờ, cửa đổ bộ mở ra, toán quân 12 người do HQ Trung Uý Thu ( Sĩ quan Đệ tam của tàu và cũng là khoá đàn anh của Nam) Chỉ huy toán quân phóng lên bờ…. dưới dàn pháo yểm trợ của chiến hạm. Khoảng một giờ sau, với chiến thuật đánh mạnh rút nhanh, toán quân an toàn rút lên tàu với hai tù binh và một số chiến lợi phẩm, con tàu tư từ rút lui, vừa rút vừa tác xạ nát cả vùng hành quân. Bấy giờ hai chiếc Trực thăng của Không Quân từ Phi trường Trà Nóc – Cần Thơ đến tăng viện, chiếu trái sáng, sáng rực cả một vùng trời… Giải tán nhiệm sở tác chiến, Nam rời khẩu 40 ly trở về phòng, Nam gặp Thiện, nó than van : Tức quá, không bắn được phát nào, bởi vì tao ứng chiến tại khẩu 76,2 ly, khẩu này súng lớn đạn bự chỉ dùng để tác xạ xa Nam bàng hoàng sững sốt khi nghe Hạm Phó báo cáo tổng kết lên Hạm Trưởng, tàu có một nhân viên bị thương bởi trái pháo thứ hai của địch bắn vào phía sau lái, và Nam lặng người chết điếng khi biết người bị thương là Hạ Sĩ Vận Chuyển Nguyễn ngọc Huỳnh, người thuỷ thủ đã cùng Nam tâm sự bên lang can tàu chiều qua Nam chạy vội đến bên anh, anh được đặt nằm trên chiếc băng – ca trong phòng Y-Tá , ngực anh băng lại, nhưng máu vẫn tiếp tục rĩ ra, anh thấy Nam, anh dơ hai tay như muốn ôm, mắt mở tròn, miệng thì thào gọi :
– Thiếu uý Nam, Nam cầm lấy hai bàn tay anh :
– Có tôi đây, bạn của anh đây, chốc nữa trực thăng sẽ đưa anh về bệnh viện Cần Thơ, anh bình tỉnh an tâm nghe.
– Huỳnh lắc đầu, em biết mà em không sống được, em không còn hy vọng dẫn Thiếu uý đi Ðêm màu Hồng, Maxim, Mỹ Cảnh …
– Huỳnh ơi, đừng nói bậy, tôi đi với anh mà, đi đến bất cứ chổ nào mà anh thích, tôi là bạn thân của anh, dù mình mới quen nhau.
– Em xin lổi Thiếu uý đã thất hứa, em nhờ Thiếu uý báo tin cho mẹ và em gái em khi tàu về bến, nói xong Huỳnh nấc lên và buông xuôi hai tay.
Nam hoảng hốt gọi Y-tá, nhưng đâu có còn gì nữa mà gọi Huỳnh đã đi thật rồi, Nam ôm lấy người bạn mới quen, dòng máu gần đông đặc từ ngực anh thấm qua ngực Nam, thoang thoảng đâu đây tiếng hát của anh như tiếng lòng của một tình bạn mới chớm nở rồ vụt tắt bay xa :
“Một chiều hành quân qua thôn xưa, lúc nắng xuân chưa nhạt màu. Chạnh lòng tìm cô em gái cũ, em tôi đã đi phương nào. Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh, ngắm bóng chim đùa trên cành…. Lời thề ngày xưa đã trót hứa em ơi xin đừng quên…
Những vì sao đêm vãn nhấp nháy trên đỉnh cột cờ chiến hạm, dưới ánh vàng, dòng nước phù sa chảy như một dòng sữa đặc, đưa con tàu vừa mang nặng vết thương lầm lì trôi, hai bên bờ những đám lục bình nhấp nhô theo làn sóng bạc, Nam chợt nhớ đến Ba Mẹ, đến em trai, và nhất là nhớ người yêu mà mình đã hứa hẹn về làm đám hỏi sau chuyến công tác này, hình ảnh người bạn thuỷ thủ vừa mới ra đi, Nam bàng hoàng trong cơn xúc động, cầm chặc lá bùa Mẹ cho, mẹ nói đã thỉnh của một vị Sư già, mẹ đeo cho khi Nam vào lính để giữ gìn mạng sống cho Nam, không tin nhưng Nam vẫn đeo cho Me an lòng, 24 tuổi rồi mà Nam vẫn còn gọi Me ơi ! như thời còn bé dại.
Paris, mùa thu 03
Tôn Thất Phú Sĩ 7/03