Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời lên bên những ly cà phê đắng chát
Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, tuổi
trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những điếu thuốc đầu tiên
trong đời lên bên những ly cà phê đắng chát và quán cà phê trở thành
nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy ngẫm như là mốt
thời thượng.
Lúc xưa, chỉ người lớn tuổi
mới uống cà phê, còn thanh niên mà nghiện thứ này, kì lắm. Tôi là trong
số người trẻ tuổi thời ấy lê la cà phê khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định,
trung thành với cà phê như một người bạn thân thiết. Cà phê Sài Gòn
trước 1975 cho tôi cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưỡi, âm thầm
đọng vị ngọt nơi bờ môi, quyến rũ không tả được trong không gian nhạc
tiền chiến với khói thuốc Capstan rít đỏ đầu và Ruby, Basto xanh nặng
đậm mới đã đời, thú vị buồn lâng lâng, vui nhè nhẹ.
Nghiện cà phê hay là nghiện quán?
Tự pha một ly cà phê cho mình thưởng
thức không khó, nhưng cà phê ở nhà sao mà loãng nước ít mùi thơm, có khi
vô vị dù nguyên chất, nguyên hạt cà phê. Đích thị dân sành cà phê,
nghiện cà phê, uống cà phê ở nhà là chỉ mới uống cà phê có phân nửa. Còn
cà phê quán là không khí và cảnh sắc cà phê, dân nghiện cà phê “uống”
câu chuyện, “uống” con người tại quán cà phê. Cà phê ở nhà là cà phê
thiếu cảnh sắc, thiếu người tri âm, chỉ ngon có phân nửa là vậy. Giống
như uống coca thì phải có thêm chút muối cho mặn mà đầu lưỡi, uống chanh
đường pha thêm chút rhum cho nó ra dáng tay chơi. Còn cà phê ngon
tuyệt thì phải thêm vào chút xác cau khô, muốn lâng lâng cùng hương vị
thì có rhum, thích béo béo, thơm thơm cứ bỏ chút bretain vào. Có khi,
người ta cho cà phê biến tấu bằng nước mắm nhĩ để đậm đà khó quên. Có
phải vậy mà người ta ghiền quán cà phê chăng? Thế hệ vào quán uống cà
phê trên dĩa sành trước những năm 60 dần dà không còn, giờ đây quán cà
phê Sài Gòn cũng không còn cách bán cà phê cũ bằng vợt.
Quán cà phê - một góc của nhân gian
Tôi không biết những quán cà phê Sài
Gòn ra đời khi nào, còn nhà văn Sơn Nam lúc còn sống ông bảo quán cà
phê là một góc của nhân gian. Ông thầy nói rất đúng, quán cà phê Sài
Gòn là nơi hứng sóng gió cuộc đời, thời cuộc thế sự, và quán không dành
cho riêng ai, không riêng cho một hạng người nào, nhưng chính nó lại là
một khung cảnh riêng cho từng người. Người ngồi trong quán cà phê một
mình để phân vân, trăn trở và lựa chọn một thái độ sống, hoặc ngồi cùng
bạn nhìn ông đi qua, bà đi lại, nói chuyện tào lao rồi đứng dậy ra về
như một cái thú không thể thiếu mỗi ngày. Và như thế, người Sài Gòn rất
thích ngồi quán, lâu dần từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành
thói quen, cá tính của người Sài Gòn. Quán không chỉ là một góc nhân
gian như cách nói của nhà văn Sơn Nam. Quán mở ra hè phố, đón nắng gió
chói chang, nhận đủ mọi thứ tiếng động và cơ man dáng hình người đô
thị, phơi bày rõ phong cách nhiệt đới rất độc đáo của Sài Gòn. Giữa
bão tố thời cuộc và bão tố trong lòng, chưa biết đi đâu về đâu, thì vào
quán ngồi lì ở góc khuất ôm nỗi buồn thân phận và nhìn những mảnh đời
phiêu lãng của người đời bên tách cà phê.
Quán cà phê Sài Gòn nhập vào dòng lịch
sử cuồn cuộn tử sinh qua những thế hệ người ngồi quán. Không có quán
nào dành riêng cho một hạng người nào. Chỉ có hạng người nào đó tự chọn
cái quán cho riêng mình, để cùng ngồi với bè bạn, lâu dần tự dưng có
một cách riêng khi chọn quán ngồi uống cà phê. Từ khi “bố già” Sơn Nam
qua đời, tôi có cảm giác dường như những người cuối cùng uống cà phê
bằng ly xây chừng đổ vô cái dĩa sành rồi húp cái rột dòng cà phê nóng
hổi, nghi ngút khói đã ra đi. Và quán cà phê chỉ còn tồn tại hai chữ
“cà phê”, còn chữ “quán” hình như đã bị thời đại ăn cắp, đem bỏ vào tận
xó xỉnh nào rồi. Tôi nhiễm cái tật ngồi quán tự hồi nào không hay.
Một
mình cũng ngồi, ngồi một mình, tôi biết mình đã ghiền ngồi quán. Ngồi,
không vì cà phê ngon, hương vị độc đáo, cũng không phải vì con tim rỉ
máu bởi người yêu đi lấy chồng, chẳng qua chỉ là ghiền không khí quán,
ghiền khung cảnh quán, chỗ ngồi quen thuộc. Chuyện trò ở quán cà phê,
thuộc loại sống sít, hồn nhiên như đời sống, chuyện tếu lâm gà trống
đẻ, chuyện đùa như thật, chuyện làm ăn chơi bời. Quán là nơi người ta
dễ làm quen và bắt chuyện với nhau, đó cũng là nơi làm người ta cảm thấy
dễ chịu nhất khi gặp muộn phiền. Gặp bạn bè, người thân quen là kéo ra
quán uống cà phê, hết chuyện “cà kê dê ngỗng” thì ngồi coi người đi
đường, uống hết mấy bình trà mà vẫn không muốn đứng lên, ra về. Lạ một
điều chẳng thấy chủ quán nào bực mình, cằn nhằn, nói gì tới xua đuổi.
Thiệt là tình thương mến thương. Sài Gòn có không biết bao nhiêu là
quán xá, mỗi quán có một diện mạo, màu sắc khác nhau, tạo nên một
xâu chuỗi quán xá sôi động, náo nhiệt và tràn đầy sức sống.
Sức sống mới của cà phê Sài Gòn
Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn bắt
đầu hình thành nhiều quán cà phê kiểu mới, trang hoàng những giò lan,
những giỏ gùi sơn nữ, những cung tên binh sĩ đã tạo cho quán một dáng
vẻ ngồ ngộ, dễ thương. Rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ
những gốc cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ làm quán cà phê Sài
Gòn thêm sức sống, mang sắc thái mới. Rồi hệ thống âm thanh tối tân và
nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo
tên những bản nhạc nổi tiếng - Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương
Xưa, Biển Nhớ, Hoài Cảm… Thời đó, nhạc Trịnh Công Sơn trở thành một cái
“mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi ở những quán cà phê như vậy.
Nhạc Trịnh đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người,
vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly.
Cà phê cóc đậm nét Sài Gòn
Đậm nét trong kí ức tôi là những cái
quán cóc với vài chiếc ghế thấp trên vỉa hè hay đầu con hẻm, hình ảnh
đó luôn vương vấn tôi mỗi khi tạm rời xa Sài Gòn. Quán cóc lụp xụp,
nghèo nàn, không bao giờ thiếu tiếng ồn nhưng ngon, rẻ và thân tình. Đấy
là đặc điểm chung của hầu hết các quán cóc ven đường Sài Gòn. Tìm một
quán cóc ở Sài Gòn là địa chỉ dễ tìm nhất. Đêm xuống, những chiếc đèn
tù mù càng làm quán cóc thêm vẻ huyền bí. Đến quán cóc, người ta chẳng
yêu cầu chiếc ghế ngồi tươm tất, chỉ cần một không gian chan hòa để xua
đi nỗi buồn và gánh nặng mưu sinh, để thỏa mãn thói quen la cà trót
ngấm sâu vào máu của người Sài Gòn.
Trong họ hàng quán cóc, cà phê cóc có
sức sống mãnh liệt hơn hết. Nhiều loại hình cà phê hưng thịnh rồi suy
tàn, nhưng cà phê cóc vẫn âm thầm sống dai dẳng dù qua bao cuộc đổi dời.
Xếp đầu bảng có lẽ là quán trước hẻm 47 nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1). Sinh thời, nhạc sĩ họ Trịnh
chẳng mấy khi lê la ở quán cóc này nhưng nhiều người vẫn thích tìm đến
đây, trong đó có tôi. Có người vì muốn nhìn ngắm ngôi nhà của nhạc sĩ
tài ba để suy tưởng về ca từ nào đó trong bài hát của ông. Nhưng cũng
có không ít người dừng chân vì quen chỗ. Cách cà phê hẻm Trịnh không xa
lắm là quán cà phê cóc trên đường Hàn Thuyên (quận 1).
Dăm chiếc ghế đặt cạnh gian hàng thiệp
đủ màu sắc, bên kia đường là công viên với hàng cây xanh mát, giờ tan
trường từng tà áo trắng Trưng Vương thướt tha lướt nhẹ dưới hàng cây
làm gợi nhớ đến nhạc phẩm Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy để
rồi mơ mộng, để rồi thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Những người bạn tôi
sống hàng chục năm nơi xứ người, nhưng lòng vẫn đau đáu nhớ về những
quán cà phê cóc ven đường. Những quán cóc bên đường Sài Gòn đã nuôi
sống hàng trăm hàng ngàn, có khi là con số hàng triệu hộ dân, tồn tại từ
thế hệ này qua thế hệ khác, là nơi diễn ra cảnh ngộ muôn màu muôn vẻ
của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ cỏn con, những cuộc đời
nhỏ bé, những số phận không tên. Và tôi cũng đã trưởng thành từ nhưng
nơi đó.
Nguyễn Thiện / Duyên dáng Việt Nam