Đoạn Đường Chiến Binh
Cà phê Tùng, một chỗ ngồi dưới chân cầu thang...
SGTT Xuân 2013 - Tùng có một không gian chính, nhiều người biết. Và một góc phụ khiêm cung nằm khuất phía sau quầy phục vụ, ít ai ngồi.
Không biết ngày trước thì sao, chứ bây giờ, người các nơi đến, kể cả dân Đà Lạt nữa, hễ ghé càphê Tùng hầu hết cứ thích ngồi ở phía trước. Có đông người để ngó qua ngó lại, dù là người đến Tùng, hình như bao nhiêu năm nay, vẫn cứ cũ rích, hao hao phong thái của nhau, nhìn nhàm cả mắt.
Có view. Dù dăm lần bảy lượt, con đường hình hai cánh cung giao nhau tạo quãng rộng trước chợ và nhà triển lãm bây giờ hàng quán thòi ra thụt vào lô xô, xe cộ dựng ngổn ngang, chạy nườm nượp, dải đường nhỏ vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ cũng nhanh hơn, dáo dác, luồn luột ngó mờ cả mắt, có nhìn ra cái view thì cũng chẳng thấy gì ngoài cái bắng nhắng dễ gặp ở những thành phố lớn. Nhưng. "Có view". Có nhiều cái ngắm nghía vẫn cứ là chọn lựa, phóng chiếu, khi mà một trong những thứ người ta sợ nhất là đối diện và nhìn sâu vào cõi hun hút trong cái bản đồ tâm thần của chính mình. Thế nên, giữa buổi phố phường ngột ngạt chật chội thì đến khoảng không lộn xộn để ngồi mà phóng cái nhìn ra chung quanh cũng là một thứ giá trị. Giá trị kiên quyết loại bỏ sự cô độc với vẻ ngoài rất cô độc. Đó, mốt của thời đô hội. View trong chuyện này đóng vai trò là thứ cung cấp cho mắt nhìn một quang cảnh hai chiều, để người trong ngó ra – hẳn, hướng ngoại, nhưng người ngoài ngó vô, chỉ để thấy người trong đang rất chi thành công trong vai diễn hướng nội.
Những cuộc hẹn hò thường được xác định ở gian chính của quán. Gặp hôm quán vắng, hai ba người khúm rúm ngồi được cái góc lồi mé trái, chỗ cánh cửa đẩy hình rẻ quạt, đủ tạo ra một vách ngăn biệt lập thì càng thích. Dù nhìn qua thấy nó khổ gì đâu. Nó làm nhớ câu "thành ngữ a còng" mà đám teen hay giễu nhại cái thứ giáo huấn đạo mạo của mấy ông bà tự kỷ truyền thống tới mức không chịu chừa mâm cơm ra: "ăn trông nồi ngồi trong hốc".
Đã đến thời khổ hạnh, tù túng, chống lại sự thoải mái mà còn đủ sức tạo ra một thứ giá trị nữa, thì đáng giễu nhại thật!
Những hôm mùa đông trời se sắt lạnh và gió thổi trong veo, ngồi ở trong "hốc" này, có thể nhìn nắng vàng đậu hẫng hiu trên mặt bàn hàng giờ, nếu chóng mặt vì đường sá hỗn độn bên ngoài, chỉ cần thở một hơi dài lên vách kính, là có thể xoá mù cái khung cảnh trước mặt trong chớp mắt. Hình như có một khoái cảm lạ lùng nào đó khi người ta tự đặt mình ở tư thế ngồi như thể co rúm, xúm xít, bất động đối nghịch với cái bộn bề chóng qua từ cự li tiệm cận, cách cuộc đời rộn rã kia một lề đường bị chiếm dụng bởi mấy chiếc xe máy để tuỳ tiện và một vách kính trong veo vằn vện vài vệt sương sớm đang tuôn vô hướng như những vết rạn vỡ trước mắt.
Khách trẻ thì đôi khi, cái lý do thật đơn giản, ngồi gần cửa kính để còn tạo dáng, chụp hình, tức thời share lên Facebook, Twitter... câu view, câu like, show chuyện mình đang phiêu diêu ở một nơi lý tưởng trong một thành phố lý tưởng cho thiên hạ thèm chơi. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì còn có một nguyên do thầm kín khác. Hemingway có nói một ý thật hay trong Hội hè miên man rằng, thời ông ở Paris, nhiều người trong giới viết thường đến các salon học thuật, văn nghệ đôi khi không phải vì nhu cầu sinh hoạt học thuật gì đâu, mà để người khác phát hiện ra mình. Ở Tùng, chắc cũng có chuyện đó. Đường nét xưa của ngôi quán được lưu giữ cũng chỉ là một trong những cách khơi gợi sự hoài niệm về một khí hậu trí thức trong quá khứ. Cảm nhận đó diễn ra trong chấp chới tưởng tượng nơi mỗi người đôi khi là cách thế tự cân bằng với xôi thịt chè chén của đời sống văn nghệ hiện tại.
Nhiều người trong giới văn nghệ ngày nay thật thà nói rằng, ngồi ở Tùng, họ có cảm giác được người khác nhìn thấy, hay ít ra, cũng được nhìn thấy người khác trong bộ dạng trầm tư, các kiểu trầm tư đó sẵn giống nhau về vỏ ngoài và vì thế không cần đến một sự giao tiếp hay quan hệ nào.
Nói về các huyền thoại văn nghệ. Tùng luôn nhắc người ta về một sự kiện hội đủ tinh thần "showbiz". Đó là cuộc gặp giữa Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Cuộc gặp được chính người trong cuộc định danh là "định mệnh".
Định mệnh của đôi du ca trong nền âm nhạc trí thức trước 1975 ít nhiều được thêu dệt cho thêm phần huyền hoặc. Thời đó, không biết họ thường chọn góc bàn nào? Tôi đoán rằng, kẻ tài hoa gặp khách tri âm, chắc sẽ chọn một góc khuất để hàn huyên. Có thể là cái bàn có ba chiếc ghế nhỏ ở góc dưới cầu thang gỗ, khuất phía sau quầy phục vụ. Câu chuyện của họ được kể lại luôn được phủ một màn sương úp mở, bí hiểm, một mối quan hệ chật đầy những lặng thinh. Những khoảng lặng đầy mập mờ kích thích sự tưởng tượng và thêu dệt là yếu tố quan trọng làm cho huyền thoại đứng được với thời gian.
Về sau, Khánh Ly viết trong hồi ký của mình: "Tại sao không là Sài Gòn. Tại sao không là Huế. Không, Sài Gòn và Huế không phải là Đà Lạt. Mọi sự phải khởi đi từ đó. Một sự tình cờ, mà ngẫm lại thì không đúng, không phải. Rõ ràng là sự sắp đặt của cái mà chúng ta gọi là định mệnh. Một người lưu lạc từ sông Hồng, một người rời xa sông Hương để gặp nhau vào một đêm có mưa và gió đầy trời, ở cái thành phố nhỏ bé, nhìn ai cũng là bạn. Cái thành phố đó nếu bạn đến một lần là sẽ nhớ mãi. Đến rồi không muốn rời đi. Đi rồi lại muốn trở lại. Nhưng đó là Đà Lạt của 40 năm về trước, một Đà Lạt hiền lành như ngô khoai, trong sạch đẹp đẽ thơm như hoa hồng nhung, ngọt ngào như chuối La Ba và thuỷ chung như những hàng thông thẳng đứng suốt đời chỉ reo mãi một khúc nhạc hiền hoà".
Có lẽ đó là hồi tưởng về những ngày khởi đầu cho một "huyền thoại" trong cuộc đời người ca sĩ này. Không nhắc đến Tùng, nhưng người ta thấy dáng dấp của những cuộc hẹn hò mãi không khép lại trong tâm trí hóng hớt của người ngoài cuộc.
Nâng niu một tình trạng huyền thoại vang bóng cũng là cách thế làm cho thời gian ngưng đọng trên cơ thể thành phố này mà không biết chán, khi thực tại ngày càng bạc màu này chỉ làm cho người ta muốn phắn!
Bấy giờ là mùa đông cuối cùng của thời độc thân. Tôi trở lại Tùng. Buổi sáng cuối tuần không gian yên tĩnh, ngôi quán nhỏ đong đầy những cuộc hẹn hò. Nhạc chuông điện thoại xập xèng liên tục đè trên nền tiết tấu lãng mạn của những bản nhạc Pháp thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Những cuộc tranh luận ồn ào khua môi múa mép của nhóm khách xem ra có họ hàng rất gần với văn hoá phở quát, bún chửi bỗ bã nổi lên trên nền nhạc Trịnh Công Sơn qua hơi ngân mệt nhoài và quánh đặc của Khánh Ly.
Tùng như đôi mắt già nua căng lên và đục câm không vì khói sương mà vì khói thuốc.
Tôi như bao người phàm khác, không giỏi giấu mình. Nhưng tình thế đẩy đưa, phải trôi dạt từ bàn này qua bàn khác rồi cuối cùng cũng neo lại một mình ở cái bàn nằm như mồ côi ở trong hốc tối của gian phòng phụ, cạnh chân cầu thang gỗ có cửa thép uốn hình hoa sen cách điệu cũ kỹ. Mùi gỗ từ mảng lamri màu sạm cũ trên tường gợi cảm xúc hoài cổ. Nền gạch men xưa, màu vôi tường vàng xỉn. Một bức sơn dầu của Cù Nguyễn với chân dung thiếu nữ với nước màu đen, trầm như được trát bằng những vết bầm thời cuộc đang thoi thóp trên tường, trong không khí thiếu sáng đến u tịch.
Tất cả đều cũ kỹ, như thấm đẫm trong mình thứ nước màu thất sủng của thời gian. Chỉ có giọt càphê phin thánh thót sưởi ấm lòng bàn tay là được kẻ phù phiếm nâng niu cất nhắc – mà không chừng, cũng đang thất sủng trong chốc lát nữa thôi, với năng lực lãng quên vô hạn.
Tôi nhận ra, có lẽ từ rất lâu trước khi tôi đến, một bà cụ tóc bạc trắng áo len màu nâu sồng đã ngồi đó, dưới chân cầu thang. Chỗ ngồi của bà là nơi giao thoa giữa thứ ánh sáng đèn xem tranh võ vàng trên bức tường với một vệt xiên khoai của thứ ánh ngày yếu ớt trong buổi sớm đầu đông. Bà lặng lẽ nhìn ra khung cửa kính rộng phía trước. Nhìn cuộc hí trường đang diễn ra từ một khoảng lùi hun hút mà cũng thật gần. Ai mà biết, từ chân cầu thang này, đã có bao ngày dài trong đời, người đàn bà này đã ngồi ngó những buổi sớm đến rồi tiễn chiều đi cùng biết bao dấu tích dâu bể. Biết bao ngày trong đời, người đàn bà bình thường đó đã chứng kiến những cuộc đối thoại thành huyền thoại, những đàn đúm thành giai thoại, những điều phù du được dệt thêu lộng lẫy, những cuộc tụ, tán, hợp, tan, những thân phận sấp ngửa biện bày trước mắt...
Chụp tháng 1.2010. Ảnh: NVN
|
Có lẽ vậy, nên từ thẳm sâu trong ánh nhìn kia là một vẻ an nhiên khác lạ, vết chân chim hằn chằng chịt trên khuôn mặt hiền từ đã thanh thản vô ngần. Tôi đã tìm gặp một tinh thần Đà Lạt từ giây phút đó. Một Đà Lạt lặng thinh vô chấp trước những cuộc ra đi hay trở về, nhớ hay quên, thất vọng hay hoan hỉ của đám lữ khách u mê, của đám người bản xứ đắm chìm trong nông nổi. Một Đà Lạt như rêu, như cỏ, như khí trời, thanh thoát, tĩnh tại, khoan hoà, không mảy may xáo trộn với cuộc đời đầy cuồng vọng, xung năng, ý chí ngay cả khi những thứ đó đang đóng đinh lên cơ thể mình. Một Đà Lạt trong đáy mắt từng trải, chỉ có sự lặng thinh tuyệt đối mới thấu đạt kênh run rẩy vi tế bên trong – cái lặng thinh như Hàn Mặc Tử một đêm xa xôi nào đó, trải nghiệm trong thơ: "Ai hãy lặng im chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo..."(*)
Tôi đã diễm phúc nhìn thấy ở Tùng một cốt cách, một hiện thân của cái gọi là Đà Lạt mà nhiều năm tuổi trẻ gắn bó với thành phố này, với sự bắng nhắng ồn ào, nhiều năm xa thành phố này, với sự xét nét và kiêu ngạo của lý trí, tôi đã không nhận ra. Từ buổi sáng mùa đông đó, Tùng, với tôi không gắn với những cuộc hẹn hò chóng vánh, mà là đôi mắt an nhiên lặng lẽ, gắn với mái tóc trắng như biến cả cuộc đời này thành âm bản, là tiếng bước chân rất nhẹ trên nền gạch men cũ kỹ, là tiếng gậy trúc rất khẽ khàng khua vào miền thăm thẳm thời gian, nhắc nhớ những cuộc hành hương về quá khứ đầy thanh thản vào thời sau hết của mỗi cuộc đời.
Bẵng một thời gian không có dịp về Đà Lạt để ngồi một mình lặng lẽ dưới chân cầu thang gỗ ngôi quán ấy, nhưng hình ảnh bà cụ già tóc trắng có ánh nhìn an nhiên xa xăm, bộ bàn ghế giản dị nằm như mồ côi trong nhập nhoạng, nhịp rơi thao thức của những giọt càphê đắng như rót từ trăm năm phế tích cứ trở đi trở lại trong tôi, khiến tôi trằn trọc những đêm cuối năm Sài Gòn hoang mang gió.
Gần đây. Trong câu chuyện qua điện thoại với người bạn làm nhiếp ảnh phố núi có tiếng ăn dầm nằm dề ở Tùng, tình cờ và hẫng hụt, tôi hay tin bà cụ đã mang Đà Lạt đi qua cuộc đời này được mấy mùa sương khói.
tuỳ bút: nguyễn vĩnh nguyên
(*) Trích trong bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử
http://sgtt.vn/Loi-song/174752/Tung-mot-cho-ngoi-duoi-chan-cau-thang.html
Bàn ra tán vào (0)
Cà phê Tùng, một chỗ ngồi dưới chân cầu thang...
SGTT Xuân 2013 - Tùng có một không gian chính, nhiều người biết. Và một góc phụ khiêm cung nằm khuất phía sau quầy phục vụ, ít ai ngồi.
Không biết ngày trước thì sao, chứ bây giờ, người các nơi đến, kể cả dân Đà Lạt nữa, hễ ghé càphê Tùng hầu hết cứ thích ngồi ở phía trước. Có đông người để ngó qua ngó lại, dù là người đến Tùng, hình như bao nhiêu năm nay, vẫn cứ cũ rích, hao hao phong thái của nhau, nhìn nhàm cả mắt.
Có view. Dù dăm lần bảy lượt, con đường hình hai cánh cung giao nhau tạo quãng rộng trước chợ và nhà triển lãm bây giờ hàng quán thòi ra thụt vào lô xô, xe cộ dựng ngổn ngang, chạy nườm nượp, dải đường nhỏ vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ cũng nhanh hơn, dáo dác, luồn luột ngó mờ cả mắt, có nhìn ra cái view thì cũng chẳng thấy gì ngoài cái bắng nhắng dễ gặp ở những thành phố lớn. Nhưng. "Có view". Có nhiều cái ngắm nghía vẫn cứ là chọn lựa, phóng chiếu, khi mà một trong những thứ người ta sợ nhất là đối diện và nhìn sâu vào cõi hun hút trong cái bản đồ tâm thần của chính mình. Thế nên, giữa buổi phố phường ngột ngạt chật chội thì đến khoảng không lộn xộn để ngồi mà phóng cái nhìn ra chung quanh cũng là một thứ giá trị. Giá trị kiên quyết loại bỏ sự cô độc với vẻ ngoài rất cô độc. Đó, mốt của thời đô hội. View trong chuyện này đóng vai trò là thứ cung cấp cho mắt nhìn một quang cảnh hai chiều, để người trong ngó ra – hẳn, hướng ngoại, nhưng người ngoài ngó vô, chỉ để thấy người trong đang rất chi thành công trong vai diễn hướng nội.
Những cuộc hẹn hò thường được xác định ở gian chính của quán. Gặp hôm quán vắng, hai ba người khúm rúm ngồi được cái góc lồi mé trái, chỗ cánh cửa đẩy hình rẻ quạt, đủ tạo ra một vách ngăn biệt lập thì càng thích. Dù nhìn qua thấy nó khổ gì đâu. Nó làm nhớ câu "thành ngữ a còng" mà đám teen hay giễu nhại cái thứ giáo huấn đạo mạo của mấy ông bà tự kỷ truyền thống tới mức không chịu chừa mâm cơm ra: "ăn trông nồi ngồi trong hốc".
Đã đến thời khổ hạnh, tù túng, chống lại sự thoải mái mà còn đủ sức tạo ra một thứ giá trị nữa, thì đáng giễu nhại thật!
Những hôm mùa đông trời se sắt lạnh và gió thổi trong veo, ngồi ở trong "hốc" này, có thể nhìn nắng vàng đậu hẫng hiu trên mặt bàn hàng giờ, nếu chóng mặt vì đường sá hỗn độn bên ngoài, chỉ cần thở một hơi dài lên vách kính, là có thể xoá mù cái khung cảnh trước mặt trong chớp mắt. Hình như có một khoái cảm lạ lùng nào đó khi người ta tự đặt mình ở tư thế ngồi như thể co rúm, xúm xít, bất động đối nghịch với cái bộn bề chóng qua từ cự li tiệm cận, cách cuộc đời rộn rã kia một lề đường bị chiếm dụng bởi mấy chiếc xe máy để tuỳ tiện và một vách kính trong veo vằn vện vài vệt sương sớm đang tuôn vô hướng như những vết rạn vỡ trước mắt.
Khách trẻ thì đôi khi, cái lý do thật đơn giản, ngồi gần cửa kính để còn tạo dáng, chụp hình, tức thời share lên Facebook, Twitter... câu view, câu like, show chuyện mình đang phiêu diêu ở một nơi lý tưởng trong một thành phố lý tưởng cho thiên hạ thèm chơi. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì còn có một nguyên do thầm kín khác. Hemingway có nói một ý thật hay trong Hội hè miên man rằng, thời ông ở Paris, nhiều người trong giới viết thường đến các salon học thuật, văn nghệ đôi khi không phải vì nhu cầu sinh hoạt học thuật gì đâu, mà để người khác phát hiện ra mình. Ở Tùng, chắc cũng có chuyện đó. Đường nét xưa của ngôi quán được lưu giữ cũng chỉ là một trong những cách khơi gợi sự hoài niệm về một khí hậu trí thức trong quá khứ. Cảm nhận đó diễn ra trong chấp chới tưởng tượng nơi mỗi người đôi khi là cách thế tự cân bằng với xôi thịt chè chén của đời sống văn nghệ hiện tại.
Nhiều người trong giới văn nghệ ngày nay thật thà nói rằng, ngồi ở Tùng, họ có cảm giác được người khác nhìn thấy, hay ít ra, cũng được nhìn thấy người khác trong bộ dạng trầm tư, các kiểu trầm tư đó sẵn giống nhau về vỏ ngoài và vì thế không cần đến một sự giao tiếp hay quan hệ nào.
Nói về các huyền thoại văn nghệ. Tùng luôn nhắc người ta về một sự kiện hội đủ tinh thần "showbiz". Đó là cuộc gặp giữa Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Cuộc gặp được chính người trong cuộc định danh là "định mệnh".
Định mệnh của đôi du ca trong nền âm nhạc trí thức trước 1975 ít nhiều được thêu dệt cho thêm phần huyền hoặc. Thời đó, không biết họ thường chọn góc bàn nào? Tôi đoán rằng, kẻ tài hoa gặp khách tri âm, chắc sẽ chọn một góc khuất để hàn huyên. Có thể là cái bàn có ba chiếc ghế nhỏ ở góc dưới cầu thang gỗ, khuất phía sau quầy phục vụ. Câu chuyện của họ được kể lại luôn được phủ một màn sương úp mở, bí hiểm, một mối quan hệ chật đầy những lặng thinh. Những khoảng lặng đầy mập mờ kích thích sự tưởng tượng và thêu dệt là yếu tố quan trọng làm cho huyền thoại đứng được với thời gian.
Về sau, Khánh Ly viết trong hồi ký của mình: "Tại sao không là Sài Gòn. Tại sao không là Huế. Không, Sài Gòn và Huế không phải là Đà Lạt. Mọi sự phải khởi đi từ đó. Một sự tình cờ, mà ngẫm lại thì không đúng, không phải. Rõ ràng là sự sắp đặt của cái mà chúng ta gọi là định mệnh. Một người lưu lạc từ sông Hồng, một người rời xa sông Hương để gặp nhau vào một đêm có mưa và gió đầy trời, ở cái thành phố nhỏ bé, nhìn ai cũng là bạn. Cái thành phố đó nếu bạn đến một lần là sẽ nhớ mãi. Đến rồi không muốn rời đi. Đi rồi lại muốn trở lại. Nhưng đó là Đà Lạt của 40 năm về trước, một Đà Lạt hiền lành như ngô khoai, trong sạch đẹp đẽ thơm như hoa hồng nhung, ngọt ngào như chuối La Ba và thuỷ chung như những hàng thông thẳng đứng suốt đời chỉ reo mãi một khúc nhạc hiền hoà".
Có lẽ đó là hồi tưởng về những ngày khởi đầu cho một "huyền thoại" trong cuộc đời người ca sĩ này. Không nhắc đến Tùng, nhưng người ta thấy dáng dấp của những cuộc hẹn hò mãi không khép lại trong tâm trí hóng hớt của người ngoài cuộc.
Nâng niu một tình trạng huyền thoại vang bóng cũng là cách thế làm cho thời gian ngưng đọng trên cơ thể thành phố này mà không biết chán, khi thực tại ngày càng bạc màu này chỉ làm cho người ta muốn phắn!
Bấy giờ là mùa đông cuối cùng của thời độc thân. Tôi trở lại Tùng. Buổi sáng cuối tuần không gian yên tĩnh, ngôi quán nhỏ đong đầy những cuộc hẹn hò. Nhạc chuông điện thoại xập xèng liên tục đè trên nền tiết tấu lãng mạn của những bản nhạc Pháp thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Những cuộc tranh luận ồn ào khua môi múa mép của nhóm khách xem ra có họ hàng rất gần với văn hoá phở quát, bún chửi bỗ bã nổi lên trên nền nhạc Trịnh Công Sơn qua hơi ngân mệt nhoài và quánh đặc của Khánh Ly.
Tùng như đôi mắt già nua căng lên và đục câm không vì khói sương mà vì khói thuốc.
Tôi như bao người phàm khác, không giỏi giấu mình. Nhưng tình thế đẩy đưa, phải trôi dạt từ bàn này qua bàn khác rồi cuối cùng cũng neo lại một mình ở cái bàn nằm như mồ côi ở trong hốc tối của gian phòng phụ, cạnh chân cầu thang gỗ có cửa thép uốn hình hoa sen cách điệu cũ kỹ. Mùi gỗ từ mảng lamri màu sạm cũ trên tường gợi cảm xúc hoài cổ. Nền gạch men xưa, màu vôi tường vàng xỉn. Một bức sơn dầu của Cù Nguyễn với chân dung thiếu nữ với nước màu đen, trầm như được trát bằng những vết bầm thời cuộc đang thoi thóp trên tường, trong không khí thiếu sáng đến u tịch.
Tất cả đều cũ kỹ, như thấm đẫm trong mình thứ nước màu thất sủng của thời gian. Chỉ có giọt càphê phin thánh thót sưởi ấm lòng bàn tay là được kẻ phù phiếm nâng niu cất nhắc – mà không chừng, cũng đang thất sủng trong chốc lát nữa thôi, với năng lực lãng quên vô hạn.
Tôi nhận ra, có lẽ từ rất lâu trước khi tôi đến, một bà cụ tóc bạc trắng áo len màu nâu sồng đã ngồi đó, dưới chân cầu thang. Chỗ ngồi của bà là nơi giao thoa giữa thứ ánh sáng đèn xem tranh võ vàng trên bức tường với một vệt xiên khoai của thứ ánh ngày yếu ớt trong buổi sớm đầu đông. Bà lặng lẽ nhìn ra khung cửa kính rộng phía trước. Nhìn cuộc hí trường đang diễn ra từ một khoảng lùi hun hút mà cũng thật gần. Ai mà biết, từ chân cầu thang này, đã có bao ngày dài trong đời, người đàn bà này đã ngồi ngó những buổi sớm đến rồi tiễn chiều đi cùng biết bao dấu tích dâu bể. Biết bao ngày trong đời, người đàn bà bình thường đó đã chứng kiến những cuộc đối thoại thành huyền thoại, những đàn đúm thành giai thoại, những điều phù du được dệt thêu lộng lẫy, những cuộc tụ, tán, hợp, tan, những thân phận sấp ngửa biện bày trước mắt...
Chụp tháng 1.2010. Ảnh: NVN
|
Có lẽ vậy, nên từ thẳm sâu trong ánh nhìn kia là một vẻ an nhiên khác lạ, vết chân chim hằn chằng chịt trên khuôn mặt hiền từ đã thanh thản vô ngần. Tôi đã tìm gặp một tinh thần Đà Lạt từ giây phút đó. Một Đà Lạt lặng thinh vô chấp trước những cuộc ra đi hay trở về, nhớ hay quên, thất vọng hay hoan hỉ của đám lữ khách u mê, của đám người bản xứ đắm chìm trong nông nổi. Một Đà Lạt như rêu, như cỏ, như khí trời, thanh thoát, tĩnh tại, khoan hoà, không mảy may xáo trộn với cuộc đời đầy cuồng vọng, xung năng, ý chí ngay cả khi những thứ đó đang đóng đinh lên cơ thể mình. Một Đà Lạt trong đáy mắt từng trải, chỉ có sự lặng thinh tuyệt đối mới thấu đạt kênh run rẩy vi tế bên trong – cái lặng thinh như Hàn Mặc Tử một đêm xa xôi nào đó, trải nghiệm trong thơ: "Ai hãy lặng im chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo..."(*)
Tôi đã diễm phúc nhìn thấy ở Tùng một cốt cách, một hiện thân của cái gọi là Đà Lạt mà nhiều năm tuổi trẻ gắn bó với thành phố này, với sự bắng nhắng ồn ào, nhiều năm xa thành phố này, với sự xét nét và kiêu ngạo của lý trí, tôi đã không nhận ra. Từ buổi sáng mùa đông đó, Tùng, với tôi không gắn với những cuộc hẹn hò chóng vánh, mà là đôi mắt an nhiên lặng lẽ, gắn với mái tóc trắng như biến cả cuộc đời này thành âm bản, là tiếng bước chân rất nhẹ trên nền gạch men cũ kỹ, là tiếng gậy trúc rất khẽ khàng khua vào miền thăm thẳm thời gian, nhắc nhớ những cuộc hành hương về quá khứ đầy thanh thản vào thời sau hết của mỗi cuộc đời.
Bẵng một thời gian không có dịp về Đà Lạt để ngồi một mình lặng lẽ dưới chân cầu thang gỗ ngôi quán ấy, nhưng hình ảnh bà cụ già tóc trắng có ánh nhìn an nhiên xa xăm, bộ bàn ghế giản dị nằm như mồ côi trong nhập nhoạng, nhịp rơi thao thức của những giọt càphê đắng như rót từ trăm năm phế tích cứ trở đi trở lại trong tôi, khiến tôi trằn trọc những đêm cuối năm Sài Gòn hoang mang gió.
Gần đây. Trong câu chuyện qua điện thoại với người bạn làm nhiếp ảnh phố núi có tiếng ăn dầm nằm dề ở Tùng, tình cờ và hẫng hụt, tôi hay tin bà cụ đã mang Đà Lạt đi qua cuộc đời này được mấy mùa sương khói.
tuỳ bút: nguyễn vĩnh nguyên
(*) Trích trong bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử
http://sgtt.vn/Loi-song/174752/Tung-mot-cho-ngoi-duoi-chan-cau-thang.html