Cõi Người Ta
Chùm khế ngọt
Trong “quê hương bỏ túi” đằng sau nhà, tôi có trồng một cây khế ngọt. Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân trong nước đã viết trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông, trong các thứ cây nhiệt đới, có lẽ cây khế là hình ảnh gợi nhớ quê hương nhiều nhứt, nhứt là những cái bông lấm chấm. Khế ở Việt Nam ra trái quanh năm. Khế ở Úc này có lẽ cảm thông được với tâm trạng buồn nhớ quê hương của người Việt tỵ nạn chăng, cho nên chỉ ra trái vào mùa Thu, mùa có “tháng tư đen”. Trái chín không đậm đà như ở quê nhà, nhưng cũng đủ ngọt để người thưởng thức vẫn nhớ mãi quê hương và biết rằng dù ở đâu hay có mất tất cả, họ vẫn ôm ấp mãi quê hương trong lòng.
Thật ra, với tôi, quê hương không thu gọn trong “chùm khế ngọt trong vườn, con diều thả trên cánh đồng, con đò nhỏ khua nước trên sông, chiếc cầu tre nhỏ bắc qua con mương, giàn hoa bí, giậu mồng tơi, hàng rào dâm bụt …” Dĩ nhiên, nói đến quê hương người ta dễ nhớ đến những kỷ niệm của thời thơ ấu. Nhiều lắm, kể không xiết. Nhưng quê hương cũng chưa hẳn là những kỷ niệm, những nơi mình đã sống. Có lẽ mỗi người đều giữ cho mình một hình ảnh quê hương của riêng mình. Theo ý nghĩa ấy, người nước nào cũng có một quê hương để ôm ấp. Tôi nghĩ đến trước tiên những người Úc mà tôi đang sống với.
Lối vào nhà tôi hiện nay được chia thành hai con đường cụt nối liền với nhau theo hình chữ T. Có một hiện tượng cứ khiến tôi phải suy nghĩ mãi là: chỉ nội trong 5 năm vừa qua, trong khoảng trên dưới 30 ngôi nhà, đã có hơn một nửa được bán đi. Ngoại trừ vài cặp vợ chồng già, đa số cư dân mới trong xóm của tôi đều là những người mới đến. Người Úc quả không quyến luyến với ngôi nhà họ đang ở. Thích thì ở, không thích thì dọn đi nơi khác. Nhưng có phải vì vậy mà họ không có quê hương sao?
Ở quê tôi, ít có ai bỏ xóm làng để đi phương xa lập nghiệp. Có đói khổ cách mấy, người ta cũng cố bám vào quê cha đất tổ mà sống. Như trường hợp mấy đứa cháu con của bà chị cả của tôi chẳng hạn: mảnh đất của chị để lại rộng không hơn một ngàn thước vuông, vậy mà có đến 5 đứa con của chị chia nhau mỗi người một mảng để cất nhà túm rụm bên nhau.
Kể từ khi ra khỏi Việt Nam, tôi mới nhận thấy rằng quê hương không còn giới hạn trong một mảnh đất hay những kỷ niệm của thời thơ ấu nữa. Vì nhu cầu của cuộc sống, vì đòi hỏi của những tiện nghi vật chất, vì sự cần thiết phải thích ứng với những tiến bộ của kỹ thuật và nhất là vì công ăn việc làm, con người thời đại xem mọi thứ trong cuộc đời này là tạm bợ. Chẳng có nơi nào là nơi chôn nhau cắt rún, chẳng có ngôi nhà nào là nhà của tổ tiên. Nếu cần, nhứt là để thay đổi cuộc sống, người ta có thể bỏ lại tất cả để ra đi.
Trước kia, nhứt là ở thôn quê, giữa con người và sự vật luôn có một quan hệ mật thiết. Thi sĩ Alphonse de Lamartine của Pháp (1790-1869) đã diễn tả đúng sợi giây liên kết giữa con người và sự vật qua câu thơ nổi tiếng: “Hỡi những vật vô tri giác, các ngươi có linh hồn không mà lại quyến luyến với linh hồn của chúng ta và buộc chúng ta phải yêu thương?” (Objets inanimés, avez –vous donc une âme qui s’ attache à nôtre âme et la force d’aimer?). Tôi hiểu được cái thói quen khác thường của cô con gái con của người bạn chí cốt của tôi bên Mỹ. Năm nay đã sắp ra trường đại học, nhưng cô không thể nào ngủ mà không có tấm chăn đã hầu như rách nát mà cha cô đã mua tặng cho mẹ cô khi hai người mới yêu nhau và được dùng để đắp cho cô khi cô còn đỏ hỏn. Giữa con người và sự vật quả có một mối liên kết mật thiết khó giải thích được.
Nhưng trong xã hội tiêu thụ ngày nay, xem chừng mối quan hệ ấy ngày càng lỏng lẻo. Hầu như chẳng có thứ gì mật thiết đến độ khiến con người thời đại phải bám víu vào suốt đời nữa. Từ miếng giấy lau tay, lau mặt thế cho chiếc khăn “mù soa” cho đến chiếc xe hơi, thứ gì cũng có thể dùng rồi vứt đi (disposable) hay bán lại. Văn hóa tiêu thụ cũng đồng nghĩa với văn hóa “vứt bỏ”. Chỉ trong một xóm nhỏ như nơi tôi ở, tháng nào tôi cũng thấy có gia đình mang đồ cũ ra bỏ trước nhà để được hội đồng thành phố cho người đến hốt đi. Thỉnh thoảng, bắt chước người Úc, tôi cũng “ngang nhiên” đi bới rác. Đôi khi, trong cái đống rác nhà giàu này, tôi cũng lượm được khối đồ vật còn tốt chán. Tôi cứ nghĩ: cũ người mà mới ta. Có sao đâu! Nếu có mang chút mặc cảm thì có lẽ không phải vì lượm đồ cũ cho bằng cảm thấy như mình không đóng góp hết mình cho sự chuyển vận của bánh xe kinh tế. Kinh tế nước nào mà cũng gặp toàn dân “trùm sò” như tôi, nghĩa là không thích mua sắm mà chỉ thích xài đồ cũ thì chắc phải sập tiệm thôi!
Kinh tế và kỹ thuật tân tiến ngày nay cứ bắt con người phải chạy theo hàng mới đến bở hơi tai. Có những thứ máy móc như điện thoại hay máy vi tính cầm tay tôi chưa dám đụng tới, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành lỗi thời. Thứ gì cũng trở thành tạm bợ và nhứt thời đối với người tiêu dùng ngày nay. Hãy nói đến số phận của chiếc xe tại Hoa Kỳ chẳng hạn. Ai cũng thích xe. Ai cũng thích nói về xe. Nhưng “tình cảm” của con người đối với chiếc xe không đủ mãnh liệt để khiến họ phải giữ mãi một chiếc xe. Trung bình, người dân Mỹ chỉ xử dụng một chiếc xe 3 năm rưỡi. Chính vì thời gian xử dụng một chiếc xe không quá lâu mà kỹ nghệ bán xe cũ mới thịnh đạt. Chính kỹ nghệ xe hơi tại Hoa Kỳ đã thành công trong việc đánh đổ cái quan niệm truyền thống cho rằng đã mua sắm cái gì thì phải xử dụng nó cho đến cùng. Ngày nay, “ăn chắc mặc bền” có thể là một quan niệm đi ngược lại với sự phát triển của kinh tế. Nói đến kinh tế là phải nói đến sản xuất và tiêu thụ. Có tiêu thụ nhiều, nghĩa là có xài rồi vứt bỏ thì mới có sản xuất và như vậy kinh tế mới phát triển.
Song song với việc thay đổi xe nhanh chóng như thế, có một hiện tượng khác phát sinh từ Hoa Kỳ và lan rộng đến hầu hết mọi nơi trên thế giới: đó là việc thuê xe! Ngày nay, nhứt là trong những thành phố lớn, nơi mà chỗ đậu xe cũng đắt gần như mua một chiếc xe mới, ngày càng có nhiều người thay vì mua xe đã chọn giải pháp thuê xe. Đi đâu cũng thuê xe được. Ở đâu cũng có chỗ cho thuê xe. Vừa tiện lợi, vừa ít tốn tiền, vừa không phải đóng bảo hiểm và thuế đường hàng năm.
Mà đâu chỉ có xe hơi. Hiện nay, bất cứ vật dụng gì cũng đều có thể thuê mướn được. Nhiều người ngày nay có lẽ cũng thích mướn nhà hơn mua nhà. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, khi có đến hàng triệu người thất nghiệp và lâm cảnh “vô gia cư” thì có được một ngôi nhà riêng của mình là một mơ ước cả đời người và đồng thời cũng là động lực thúc đẩy kinh tế trong các xã hội tư bản. Ngay nay, ở đâu cũng thế, ước muốn có được một ngôi nhà riêng của mình vẫn luôn mạnh. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ chẳng hạn, kể từ sau Đệ nhị thế chiến, tỷ lệ của những căn phòng được cất lên để cho thuê ngày càng gia tăng. Cuối năm 1955, tỷ lệ này chỉ có khoảng 8 phần trăm số nhà ở. Đầu thập niên 1960, tỷ lệ này lên đến 24 phần trăm. Hiện nay, nhứt là trong những thành phố lớn, số người ở nhà thuê ngày càng gia tăng. Vì tình trạng tài chính của gia đình cũng có, vì công ăn việc làm cũng có mà vì sở thích cũng có. Người ở nhà thuê luôn có cái cảm giác được tự do. Họ có thể thay đổi chỗ ở bất cứ lúc nào. Giữa đô thị, con người thời đại vẫn có thể sống kiếp “du mục” nay đây mai đó.
Hãy thử tưởng tượng nhịp sống của một viên giám đốc công ty tại Wall Street chẳng hạn. 4.30 chiều mỗi thứ sáu, ông xếp lại giấy tờ và cho vào một chiếc cặp xách tay. Từ tầng lầu thứ 29 của một cao ốc, ông đi thang máy xuống tầng trệt và mất 10 phút để chen chúc trong đám đông mới có thể đến một bãi đậu dành cho trực thăng. 6 phút sau, ông ra đến phi trường J.F Kennedy. Một giờ sau, ông đến phi trường Colombus, tiểu bang Ohio. Từ đây, ông mất khoảng 30 phút để lái xe về nhà.
Mỗi tuần, ông ngủ bốn đêm trong một khách sạn ở Manhattan. 3 đêm còn lại, ông dành cho vợ con tại Columbus. Trung bình, mỗi năm, ông đi đi về về như thế gần một trăm ngàn cây số.
Chuyện đi lại của viên giám đốc trên đây không phải là một trường hợp cá biệt. Tại tiểu bang California, mỗi sáng những chủ nông trại giàu có đều lái máy bay khoảng hai trăm cây số từ nhà của họ ở vùng duyên hải Thái bình dương đến thung lũng San Bernadino Valley để thăm các nông trại và ở lại đó cho đến chiều tối.
Ngày nay, với những phương tiện di chuyển ngày càng tối tân, con người ngày càng đi lại nhiều hơn. Thời đệ Nhứt thế chiến, trung bình một người Mỹ mỗi năm chỉ di chuyển tối đa gần 3 ngàn cây số. Ngày nay, tại Hoa Kỳ cũng như tại Úc Đại Lợi này, những người có xe riêng mỗi năm có thể di chuyển đến 20 ngàn cây số (x. Alvin Toffler, Future Shock, Pan Books, London 1971).
Không quyến luyến với sự vật mình đang xử dụng, không gắn bó với ngôi nhà mình đang ở, phải chăng con người thời đại ở các nước văn minh không có một “quê hương” để nhớ? “Trông người lại nghĩ đến ta”, phải chăng bỏ nước ra đi như tôi là mất quê hương? Tôi còn nhớ, trong những ngày đầu tiên khi từ trại tỵ nạn mới đến Pháp, giấy chứng nhận là người tỵ nạn tôi nhận được có ghi rõ tình trạng của tôi: “vô tổ quốc”, nghĩa là không phải là công dân của một quốc gia nào. “Vô tổ quốc” nhưng không phải là “vô quê hương”. Điều đó có nghĩa là dù có ăn nhờ ở đậu ở đâu, ai cũng còn có một quê hương. Và ngay cả không thể trở về quê hương, họ cũng vẫn mang theo một quê hương trong lòng.
Nghĩ như thế cho nên kể từ lúc bỏ nước ra đi, dù sống ở chân trời góc bể nào, tôi cũng vẫn luôn thấy mình vẫn còn có một quê hương. Người ta có lý để gọi đất nước mình chọn lựa để dung thân là quê hương thứ hai. Quê hương thứ hai không chỉ là lãnh thổ của một đất nước, ngôi nhà mới mình đang cư ngụ, cảnh vườn mới xung quanh nhà, mà còn là hình ảnh của quê hương cũ được mình cố gắng tái hiện bằng nhiều cách. Chính trong ý nghĩ đó mà tôi cố gắng tạo dựng một “quê hương bỏ túi” trong ngôi vườn đàng sau nhà.
Tôi đã có dịp trở lại thăm “quê nhà”. Nhớ quê hương, yêu mến quê hương thì lúc nào tôi cũng có. Nhưng trở về sống ở quê hương bây giờ thì dứt khoát không. Bởi cái quê hương của “riêng” tôi không còn nữa. Không phải vì khung cảnh cũ không còn mà chính là vì cái chất “keo” thiêng liêng của an bình, của đầm ấm giữa xóm làng, giữa người với thiên nhiên trong cái nhìn của tôi không còn nữa. Cũng mảnh đất quê hương ấy, cũng những con người ấy, nhưng cái chất “keo” kia ra vẻ không còn nữa. Nhìn nhau thật sâu nhưng sao không tìm thấy mình trong đáy mắt của người kia. Ngồi cách nhau một mặt bàn mà xa nhau hơn nửa vòng trái đất. Tôi sợ mình sẽ trở thành người xa lạ ngay chính trên quê hương của mình. Nhưng mãi mãi không gì có thể làm cho nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương trong tôi.
“Quê hương là chùm khế ngọt”. Đúng vậy, tôi không thể thưởng thức trái khế ngọt trong “quê hương bỏ túi” đàng sau nhà mà không cảm thấy như mình đang sống ở quê hương. Thật ra đâu chỉ có chùm khế ngọt. Một khung cảnh thanh bình, một môi trường lành mạnh, những mối quan hệ tốt đẹp với người lối xóm…ở đâu tôi cảm thấy an bình thì ở đó chính là quê hương của tôi vậy.
Chu Thập
http://www.buinhuhung.com/VieetjNamTangCheek/Chumr_3.jpg
Hung Thê chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Chùm khế ngọt
Trong “quê hương bỏ túi” đằng sau nhà, tôi có trồng một cây khế ngọt. Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân trong nước đã viết trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông, trong các thứ cây nhiệt đới, có lẽ cây khế là hình ảnh gợi nhớ quê hương nhiều nhứt, nhứt là những cái bông lấm chấm. Khế ở Việt Nam ra trái quanh năm. Khế ở Úc này có lẽ cảm thông được với tâm trạng buồn nhớ quê hương của người Việt tỵ nạn chăng, cho nên chỉ ra trái vào mùa Thu, mùa có “tháng tư đen”. Trái chín không đậm đà như ở quê nhà, nhưng cũng đủ ngọt để người thưởng thức vẫn nhớ mãi quê hương và biết rằng dù ở đâu hay có mất tất cả, họ vẫn ôm ấp mãi quê hương trong lòng.
Thật ra, với tôi, quê hương không thu gọn trong “chùm khế ngọt trong vườn, con diều thả trên cánh đồng, con đò nhỏ khua nước trên sông, chiếc cầu tre nhỏ bắc qua con mương, giàn hoa bí, giậu mồng tơi, hàng rào dâm bụt …” Dĩ nhiên, nói đến quê hương người ta dễ nhớ đến những kỷ niệm của thời thơ ấu. Nhiều lắm, kể không xiết. Nhưng quê hương cũng chưa hẳn là những kỷ niệm, những nơi mình đã sống. Có lẽ mỗi người đều giữ cho mình một hình ảnh quê hương của riêng mình. Theo ý nghĩa ấy, người nước nào cũng có một quê hương để ôm ấp. Tôi nghĩ đến trước tiên những người Úc mà tôi đang sống với.
Lối vào nhà tôi hiện nay được chia thành hai con đường cụt nối liền với nhau theo hình chữ T. Có một hiện tượng cứ khiến tôi phải suy nghĩ mãi là: chỉ nội trong 5 năm vừa qua, trong khoảng trên dưới 30 ngôi nhà, đã có hơn một nửa được bán đi. Ngoại trừ vài cặp vợ chồng già, đa số cư dân mới trong xóm của tôi đều là những người mới đến. Người Úc quả không quyến luyến với ngôi nhà họ đang ở. Thích thì ở, không thích thì dọn đi nơi khác. Nhưng có phải vì vậy mà họ không có quê hương sao?
Ở quê tôi, ít có ai bỏ xóm làng để đi phương xa lập nghiệp. Có đói khổ cách mấy, người ta cũng cố bám vào quê cha đất tổ mà sống. Như trường hợp mấy đứa cháu con của bà chị cả của tôi chẳng hạn: mảnh đất của chị để lại rộng không hơn một ngàn thước vuông, vậy mà có đến 5 đứa con của chị chia nhau mỗi người một mảng để cất nhà túm rụm bên nhau.
Kể từ khi ra khỏi Việt Nam, tôi mới nhận thấy rằng quê hương không còn giới hạn trong một mảnh đất hay những kỷ niệm của thời thơ ấu nữa. Vì nhu cầu của cuộc sống, vì đòi hỏi của những tiện nghi vật chất, vì sự cần thiết phải thích ứng với những tiến bộ của kỹ thuật và nhất là vì công ăn việc làm, con người thời đại xem mọi thứ trong cuộc đời này là tạm bợ. Chẳng có nơi nào là nơi chôn nhau cắt rún, chẳng có ngôi nhà nào là nhà của tổ tiên. Nếu cần, nhứt là để thay đổi cuộc sống, người ta có thể bỏ lại tất cả để ra đi.
Trước kia, nhứt là ở thôn quê, giữa con người và sự vật luôn có một quan hệ mật thiết. Thi sĩ Alphonse de Lamartine của Pháp (1790-1869) đã diễn tả đúng sợi giây liên kết giữa con người và sự vật qua câu thơ nổi tiếng: “Hỡi những vật vô tri giác, các ngươi có linh hồn không mà lại quyến luyến với linh hồn của chúng ta và buộc chúng ta phải yêu thương?” (Objets inanimés, avez –vous donc une âme qui s’ attache à nôtre âme et la force d’aimer?). Tôi hiểu được cái thói quen khác thường của cô con gái con của người bạn chí cốt của tôi bên Mỹ. Năm nay đã sắp ra trường đại học, nhưng cô không thể nào ngủ mà không có tấm chăn đã hầu như rách nát mà cha cô đã mua tặng cho mẹ cô khi hai người mới yêu nhau và được dùng để đắp cho cô khi cô còn đỏ hỏn. Giữa con người và sự vật quả có một mối liên kết mật thiết khó giải thích được.
Nhưng trong xã hội tiêu thụ ngày nay, xem chừng mối quan hệ ấy ngày càng lỏng lẻo. Hầu như chẳng có thứ gì mật thiết đến độ khiến con người thời đại phải bám víu vào suốt đời nữa. Từ miếng giấy lau tay, lau mặt thế cho chiếc khăn “mù soa” cho đến chiếc xe hơi, thứ gì cũng có thể dùng rồi vứt đi (disposable) hay bán lại. Văn hóa tiêu thụ cũng đồng nghĩa với văn hóa “vứt bỏ”. Chỉ trong một xóm nhỏ như nơi tôi ở, tháng nào tôi cũng thấy có gia đình mang đồ cũ ra bỏ trước nhà để được hội đồng thành phố cho người đến hốt đi. Thỉnh thoảng, bắt chước người Úc, tôi cũng “ngang nhiên” đi bới rác. Đôi khi, trong cái đống rác nhà giàu này, tôi cũng lượm được khối đồ vật còn tốt chán. Tôi cứ nghĩ: cũ người mà mới ta. Có sao đâu! Nếu có mang chút mặc cảm thì có lẽ không phải vì lượm đồ cũ cho bằng cảm thấy như mình không đóng góp hết mình cho sự chuyển vận của bánh xe kinh tế. Kinh tế nước nào mà cũng gặp toàn dân “trùm sò” như tôi, nghĩa là không thích mua sắm mà chỉ thích xài đồ cũ thì chắc phải sập tiệm thôi!
Kinh tế và kỹ thuật tân tiến ngày nay cứ bắt con người phải chạy theo hàng mới đến bở hơi tai. Có những thứ máy móc như điện thoại hay máy vi tính cầm tay tôi chưa dám đụng tới, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn đã trở thành lỗi thời. Thứ gì cũng trở thành tạm bợ và nhứt thời đối với người tiêu dùng ngày nay. Hãy nói đến số phận của chiếc xe tại Hoa Kỳ chẳng hạn. Ai cũng thích xe. Ai cũng thích nói về xe. Nhưng “tình cảm” của con người đối với chiếc xe không đủ mãnh liệt để khiến họ phải giữ mãi một chiếc xe. Trung bình, người dân Mỹ chỉ xử dụng một chiếc xe 3 năm rưỡi. Chính vì thời gian xử dụng một chiếc xe không quá lâu mà kỹ nghệ bán xe cũ mới thịnh đạt. Chính kỹ nghệ xe hơi tại Hoa Kỳ đã thành công trong việc đánh đổ cái quan niệm truyền thống cho rằng đã mua sắm cái gì thì phải xử dụng nó cho đến cùng. Ngày nay, “ăn chắc mặc bền” có thể là một quan niệm đi ngược lại với sự phát triển của kinh tế. Nói đến kinh tế là phải nói đến sản xuất và tiêu thụ. Có tiêu thụ nhiều, nghĩa là có xài rồi vứt bỏ thì mới có sản xuất và như vậy kinh tế mới phát triển.
Song song với việc thay đổi xe nhanh chóng như thế, có một hiện tượng khác phát sinh từ Hoa Kỳ và lan rộng đến hầu hết mọi nơi trên thế giới: đó là việc thuê xe! Ngày nay, nhứt là trong những thành phố lớn, nơi mà chỗ đậu xe cũng đắt gần như mua một chiếc xe mới, ngày càng có nhiều người thay vì mua xe đã chọn giải pháp thuê xe. Đi đâu cũng thuê xe được. Ở đâu cũng có chỗ cho thuê xe. Vừa tiện lợi, vừa ít tốn tiền, vừa không phải đóng bảo hiểm và thuế đường hàng năm.
Mà đâu chỉ có xe hơi. Hiện nay, bất cứ vật dụng gì cũng đều có thể thuê mướn được. Nhiều người ngày nay có lẽ cũng thích mướn nhà hơn mua nhà. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước, khi có đến hàng triệu người thất nghiệp và lâm cảnh “vô gia cư” thì có được một ngôi nhà riêng của mình là một mơ ước cả đời người và đồng thời cũng là động lực thúc đẩy kinh tế trong các xã hội tư bản. Ngay nay, ở đâu cũng thế, ước muốn có được một ngôi nhà riêng của mình vẫn luôn mạnh. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ chẳng hạn, kể từ sau Đệ nhị thế chiến, tỷ lệ của những căn phòng được cất lên để cho thuê ngày càng gia tăng. Cuối năm 1955, tỷ lệ này chỉ có khoảng 8 phần trăm số nhà ở. Đầu thập niên 1960, tỷ lệ này lên đến 24 phần trăm. Hiện nay, nhứt là trong những thành phố lớn, số người ở nhà thuê ngày càng gia tăng. Vì tình trạng tài chính của gia đình cũng có, vì công ăn việc làm cũng có mà vì sở thích cũng có. Người ở nhà thuê luôn có cái cảm giác được tự do. Họ có thể thay đổi chỗ ở bất cứ lúc nào. Giữa đô thị, con người thời đại vẫn có thể sống kiếp “du mục” nay đây mai đó.
Hãy thử tưởng tượng nhịp sống của một viên giám đốc công ty tại Wall Street chẳng hạn. 4.30 chiều mỗi thứ sáu, ông xếp lại giấy tờ và cho vào một chiếc cặp xách tay. Từ tầng lầu thứ 29 của một cao ốc, ông đi thang máy xuống tầng trệt và mất 10 phút để chen chúc trong đám đông mới có thể đến một bãi đậu dành cho trực thăng. 6 phút sau, ông ra đến phi trường J.F Kennedy. Một giờ sau, ông đến phi trường Colombus, tiểu bang Ohio. Từ đây, ông mất khoảng 30 phút để lái xe về nhà.
Mỗi tuần, ông ngủ bốn đêm trong một khách sạn ở Manhattan. 3 đêm còn lại, ông dành cho vợ con tại Columbus. Trung bình, mỗi năm, ông đi đi về về như thế gần một trăm ngàn cây số.
Chuyện đi lại của viên giám đốc trên đây không phải là một trường hợp cá biệt. Tại tiểu bang California, mỗi sáng những chủ nông trại giàu có đều lái máy bay khoảng hai trăm cây số từ nhà của họ ở vùng duyên hải Thái bình dương đến thung lũng San Bernadino Valley để thăm các nông trại và ở lại đó cho đến chiều tối.
Ngày nay, với những phương tiện di chuyển ngày càng tối tân, con người ngày càng đi lại nhiều hơn. Thời đệ Nhứt thế chiến, trung bình một người Mỹ mỗi năm chỉ di chuyển tối đa gần 3 ngàn cây số. Ngày nay, tại Hoa Kỳ cũng như tại Úc Đại Lợi này, những người có xe riêng mỗi năm có thể di chuyển đến 20 ngàn cây số (x. Alvin Toffler, Future Shock, Pan Books, London 1971).
Không quyến luyến với sự vật mình đang xử dụng, không gắn bó với ngôi nhà mình đang ở, phải chăng con người thời đại ở các nước văn minh không có một “quê hương” để nhớ? “Trông người lại nghĩ đến ta”, phải chăng bỏ nước ra đi như tôi là mất quê hương? Tôi còn nhớ, trong những ngày đầu tiên khi từ trại tỵ nạn mới đến Pháp, giấy chứng nhận là người tỵ nạn tôi nhận được có ghi rõ tình trạng của tôi: “vô tổ quốc”, nghĩa là không phải là công dân của một quốc gia nào. “Vô tổ quốc” nhưng không phải là “vô quê hương”. Điều đó có nghĩa là dù có ăn nhờ ở đậu ở đâu, ai cũng còn có một quê hương. Và ngay cả không thể trở về quê hương, họ cũng vẫn mang theo một quê hương trong lòng.
Nghĩ như thế cho nên kể từ lúc bỏ nước ra đi, dù sống ở chân trời góc bể nào, tôi cũng vẫn luôn thấy mình vẫn còn có một quê hương. Người ta có lý để gọi đất nước mình chọn lựa để dung thân là quê hương thứ hai. Quê hương thứ hai không chỉ là lãnh thổ của một đất nước, ngôi nhà mới mình đang cư ngụ, cảnh vườn mới xung quanh nhà, mà còn là hình ảnh của quê hương cũ được mình cố gắng tái hiện bằng nhiều cách. Chính trong ý nghĩ đó mà tôi cố gắng tạo dựng một “quê hương bỏ túi” trong ngôi vườn đàng sau nhà.
Tôi đã có dịp trở lại thăm “quê nhà”. Nhớ quê hương, yêu mến quê hương thì lúc nào tôi cũng có. Nhưng trở về sống ở quê hương bây giờ thì dứt khoát không. Bởi cái quê hương của “riêng” tôi không còn nữa. Không phải vì khung cảnh cũ không còn mà chính là vì cái chất “keo” thiêng liêng của an bình, của đầm ấm giữa xóm làng, giữa người với thiên nhiên trong cái nhìn của tôi không còn nữa. Cũng mảnh đất quê hương ấy, cũng những con người ấy, nhưng cái chất “keo” kia ra vẻ không còn nữa. Nhìn nhau thật sâu nhưng sao không tìm thấy mình trong đáy mắt của người kia. Ngồi cách nhau một mặt bàn mà xa nhau hơn nửa vòng trái đất. Tôi sợ mình sẽ trở thành người xa lạ ngay chính trên quê hương của mình. Nhưng mãi mãi không gì có thể làm cho nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương trong tôi.
“Quê hương là chùm khế ngọt”. Đúng vậy, tôi không thể thưởng thức trái khế ngọt trong “quê hương bỏ túi” đàng sau nhà mà không cảm thấy như mình đang sống ở quê hương. Thật ra đâu chỉ có chùm khế ngọt. Một khung cảnh thanh bình, một môi trường lành mạnh, những mối quan hệ tốt đẹp với người lối xóm…ở đâu tôi cảm thấy an bình thì ở đó chính là quê hương của tôi vậy.
Chu Thập
http://www.buinhuhung.com/VieetjNamTangCheek/Chumr_3.jpg
Hung Thê chuyển