Quán Bên Đường
Chuyện Tình Buồn - Vũ đình Hải KBC 3119
Tự dưng nàng liên tưởng tới Hùng, người con trai bướng bỉnh mà nàng đã yêu say đắm. Một nỗi lo lắng, một linh cảm kỳ lạ xâm chiếm hồn nàng. Người nàng bỗng nhiên lạnh ngắt, rùng mình, nàng bật kêu lên :- Hùng ơi, anh Hùng ơi !
Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù.
“ Gởi theo hương hồn Nguyễn Quốc Hùng, Sinh viên năm thứ hai Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Thiếu úy Trung đội trưởng, Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND. Một trang thanh niên tuấn tú đã gục ngã dưới lằn đạn của đối phương trong chuyến vượt trại không thành tại trại cải tạo KàTum, năm 1978. "
***
- Anh Hùng ơi, cậu Thịnh nói tình yêu là một trò cút bắt giống như cái bóng của chính mình.
Khi mình chạy nó chạy theo, khi mình dừng nó cũng ngừng lại, có đúng vậy không anh ?
Hùng lẩm bẩm trong miệng :
- Lại cậu Thịnh, cái gì cũng cậu Thịnh.
Hoàng Nga nghiêng nghiêng khuôn mặt :
- Anh nói gì vậy anh Hùng, nói lớn lên cho em nghe với.
Hùng lướt trên khuôn mặt xinh đẹp nét thiên thần tựa mẹ Maria, lòng bỗng dâng lên một niềm yêu thương vô bờ bến, chàng dịu dàng:
- Cũng tùy thôi Hoàng Nga ơi. Hoàng Nga không thấy người ta yêu nhau rồi cưới nhau hà rầm đó sao, bóng với hình cũng gặp nhau đó chứ. Như là anh với Hoàng Nga đây này.
Hùng ngừng nói, chàng dõi theo ánh mắt Hoàng Nga đang mơ màng trôi theo đám mây trắng lững lờ trên nền trời xanh của Sài Gòn hoa lệ. Phía dưới kia là đại lộ Lê Lợi, ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Hùng đẩy nhẹ ly kem đến gần nàng hơn và nói :
- Hoàng Nga, em ăn kem đi chứ, kem chảy hết rồi kìa.
- Vâng, mà anh cũng ăn đi chứ, ly kem của anh còn nguyên kìa.
Hùng tủm tỉm cười :
- Nãy giờ ngắm mắt môi Hoàng Nga, anh no rồi chẳng còn thiết ăn uống gì nữa.
Hai má Hoàng Nga chợt đỏ bừng, nàng bẽn lẽn cúi xuống tránh ánh mắt chứa chan yêu thương của Hùng.
Hùng lái xe đưa Hoàng Nga về đến đầu con ngõ. Hoa phượng vĩ đã trải đầy trên lối đi một màu đỏ của kỷ niệm, của bàn ghế học trò.
Hoàng Nga xuống xe, bước lại bên Hùng nhỏ nhẹ :
- Em về nha Hùng ơi, thứ bảy anh nhé.
Hùng ân cần :
- Chịu khó học bài nghe Hoàng Nga, sắp thi rồi đó. Trước khi học bài nhớ gọi lớn anh Hùng ơi, mau thuộc bài lắm đó.
1Hoàng Nga nắm tay Hùng cười lớn :
- Anh khôn quá trời Hùng ơi.
Hùng rồ ga phóng xe về số 4 Duy Tân, Trung tâm sinh hoạt CPS. Năm nay trường Luật sửa sang và nới rộng thêm nên phải di tản qua các cơ sở khác, thày trò kéo nhau qua số 4 Duy Tân học ké.
Không khí giảng đường dạo này ngột ngạt lạ thường. Không phải vì lạ nhà lạ cửa, mà vì cuộc chiến bùng lên dữ dội quá. Báo chí, đài phát thanh dầy dặc những tin tức chiến sự. Những cuộc phản công mãnh liệt của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buộc địch quân phải rời bỏ vị trí, tan tác chạy ngược về phía rừng sâu. Hình ảnh oai hùng của những người lính trẻ đứng tươi cười trên những chiếc T.54 gãy gọng làm nức lòng toàn quân, toàn dân khắp cả nước. Trên mặt báo Tiền Tuyến ngày nào cũng cho in hình ảnh chiến trường khói súng mù mịt, cảnh quân ta xung phong dưới lằn mưa đạn, cảnh các chiến sĩ dìu đồng bào về tuyến sau an toàn.
Lạ thật, trong suốt một cuộc chiến dài đăng đẳng như thế, mỗi khi có giao tranh, có bom đạn gầm thét là người dân chỉ chạy về một phía, chẳng bao giờ chịu chạy về phía bên kia…
- Cậu Thịnh ơi, tí nữa cậu sang nhà cháu, giảng dùm cháu bài toán nhé.
- Bây giờ cậu đang bận, để tí nữa cậu sang.
- Cháu để dành cho cậu ổi xá lị và muối ớt, sang ngay kẻo hết cậu nhé.
Hoàng Nga nhảy chân sáo về nhà, lòng nhẹ nhõm vì bài toán của nợ ấy nàng vừa bán cái cho cậu Thịnh xong, khỏi phải suy nghĩ cho mệt óc. Nàng chúa ghét môn toán, cộng trừ bớt một thêm hai sao nhỏ nhen quá. Mấy cái công thức, định lý ôi sao mà rắc rối xương xẩu, khó nuốt quá trời. Chẳng bù với môn Văn chương, khỏi cần học cũng thuộc. Những vần thơ óng ả len nhẹ vào hồn làm rung động trái tim mới hé nụ hồng, chưa kịp học thì thơ đã nằm ngoan ngoãn trong lòng rồi.
Hôm nọ cậu Thịnh sang chơi, quà cho bé tập thơ Áo Lụa Hà Đông, cậu Thịnh bảo bài thơ này hay lắm, cậu tặng riêng cho Hoàng Nga để thưởng thức.
Ôm tập thơ vào lòng, Hoàng Nga vội vã chạy vào phòng. Nàng kê gối nằm lên giường và cẩn thận mở tập thơ ra đọc.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh thay mực cho vừa màu áo tím.
Chỉ cần ngâm nga vài câu thơ tình tự khéo léo này, bao ưu phiền bỗng chấp cánh bay xa. Còn lại ta với miên man huyền ảo của màu tình yêu.
Hoàng Nga cảm nhận bài thơ này tuyệt vời gấp bội, vì cậu Thịnh đã bảo rằng bài thơ này hay lắm mà. Cái gì cậu Thịnh bảo đẹp thì chắc chắn phải là đẹp, bảo hay chắc chắn phải là hay, điều này thấm trong lòng Hoàng Nga tự bao giờ không biết. Dưới mắt nàng, cậu Thịnh là một cánh đại bàng bay lượn trên cao, nàng chỉ là một con cá bé tí teo dại khờ, thỉnh thoảng ngóc lên mặt nước há miệng đớp một hớp bóng nước, mà cậu Thịnh là cả một bầu trời xanh thẳm bên trên.
Thịnh vẫn ở chung nhà với bố, Lan là chị cả của Thịnh, hai chị em thân nhau từ thuở bé. Sau khi lập gia đình, chị Lan vẫn giữ tình thân thiết với đứa em trai út của mình. Hai nhà cách nhau một con phố, mỗi khi nhà nấu món gì ngon ngọt, Lan đều sai con sang mời cậu Thịnh. Thịnh thương chị, rảnh rỗi chàng lại ghé sang thăm, sẵn dịp kèm cặp thêm cho các cháu về việc học hành. Vốn văn hay chữ tốt, tính tình lại dễ dãi nên các cháu rất quí mến Thịnh.
Hôm nay Thịnh rảnh rỗi nên ghé thăm chị Lan. Thịnh và chị Lan đang trò chuyện trong phòng khách thì Vân đi học về. Vừa bước vào nhà Vân đã chu chéo lên khi nhìn thấy Thịnh :
- Cậu Thịnh ơi, chết rồi cậu ơi.
- Thịnh hơi hoảng:
- Chuyện gì vậy Vân, nói cho cậu nghe nào.
- Hồng Loan, nhỏ bạn của cháu, nó hỏi thăm cháu về cậu. Nhỏ Loan là hoa khôi của lớp cháu đó nhe cậu. Quân từ trong nhà bước ra, góp chuyện :
- Hôm trước chị Khanh con bác Quý cũng hỏi thăm cháu về cậu đấy. Sao cậu nhiều mối thế. Thịnh nhe răng cười :
- Lắm mối tối nằm không cháu ạ. Hoàng Nga đang đọc sách bên khung cửa sổ, nàng gấp sách rồi nhè nhẹ quay lại nhìn. Nàng tò mò ngắm nghía Thịnh. Hôm nay Thịnh mặc một chiếc áo Polo ngắn tay để lộ những bắp thịt rắn chắc. Đôi chân mày rậm, hàm răng trắng đều như những hạt bắp non. Khuôn mặt và thân thể chàng trai toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Hoàng Nga nghe tiếng tim mình đập sai nhịp mất rồi, nàng bỗng cảm thấy hai tai mình nóng bừng lên. Hoàng Nga vội chúi đầu vào trang sách, sợ ai đó nhìn thấy thì xấu hổ chết đi được.
Từ cái hôm bất chợt nghe hồn mình như tròng trành xao xác, Hoàng Nga tưởng nhớ đến cậu Thịnh luôn, chỉ mong sao gặp bài toán khó để réo cậu Thịnh sang, hỏi han hành hạ cho đỡ nhớ. Nàng bỗng thấy bài thơ Áo Lụa Hà Đông hay vô vàn, nàng đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thấy thấm thía hơn, bài thơ sao mà lãng mạn dễ yêu đến thế.
Bỗng nhiên Hoàng Nga tự hỏi :
- Tại sao cậu Thịnh lại tặng mình cuốn thơ này nhỉ ?
Và rồi nàng bỗng thẹn thùng, một nỗi hạnh phúc bất chợt reo lên trong lòng khi nàng tự trả lời câu hỏi của chính mình…
Mấy hôm nay mẹ bận liền tay. Mẹ đi chợ mua sắm thức ăn để chuẩn bị nấu những món ăn hợp khẩu cho cậu Thịnh. Mẹ nhẩm tính thế nào cũng phải có món cà-ri ăn với bánh mì để mọi người dùng chung. Không thể thiếu món xôi gấc vì cậu Thịnh rất mê món này, nhưng phải do chính tay mẹ nấu. Những món nấu riêng cho cậu Thịnh thì gồm có giò dim với muối tiêu có thể dùng lâu được. Dưa mắm, chà bông thì rất thuận tiện, ở đâu lúc nào cũng có thể làm thức ăn với cơm được. Cá lóc kho tộ để Thịnh có thể dùng ngay trong vài ngày. Soài mùa này đang rộ, ngọt lịm thơm ngon, đem lên cho Thịnh một chục, cậu ăn cho thỏa thích.
Thấy mẹ lo lắng chắt chiu cho cậu Thịnh từng li từng tí, Hoàng Nga cảm động vô cùng, nàng đùa với mẹ :
- Mẹ cứ làm như người ta bỏ đói cậu Thịnh không bằng. Lan cười thật hiền lành :
- Nếu bà ngoại còn sống thì mẹ đâu có phải lo lắng cho cậu Thịnh như thế này. Lan chợt nhớ lại thuở thơ ấu ngày xưa, bố mẹ nhọc nhằn nuôi cả một đàn con thơ dại. Thằng cu Thịnh út ít, cả nhà ai cũng cưng chiều thương yêu, thoáng bây giờ đã khôn lớn trưởng thành như thế này đây.
Sáng hôm nay Hoàng Nga đem về nhà chiếc áo dài mà nàng đã đặt may từ hai tuần trước. Chiếc áo màu xanh may bằng vải lụa rất mềm mại, phía trước ngực điểm vài cánh hoa phượng vĩ nổi bật trên nền xanh của áo. Sáng nay khi nàng mặc thử chiếc áo, bà chủ tiệm may đã phải tấm tắc khen ngợi :
- Thân hình của cô đẹp quá, chiếc áo này thật xứng với cô. Tôi ưng ý lắm.
Hoàng Nga ngắm nghía mình rạng rỡ trong gương. Màu áo lụa ôm sát lấy tấm hình hài đang bừng lên sức sống của nàng. Lớp vải lụa mềm mại mong manh như thăng hoa cho bộ ngực no tròn đang ngượng ngùng vươn vai. Hai bên hông cắt hơi xích lên trên để lộ làn da trắng ngần mời mọc. Màu xanh của áo làm nổi bật chiếc cổ cao thon, mềm mại trống trải chạy xuống vùng ngực phập phồng làm nghiêng ngả lòng người.
Nàng thì thầm :
- Cậu Thịnh ơi, Nga mặc chiếc áo này cho cậu đấy. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường, cậu còn nhớ chứ.
Suốt đêm chập chờn với cơn ngủ khó dỗ, Hoàng Nga thấp thỏm đợi chờ, trời vừa sáng là nàng tót ngay xuống giường, vội vã đánh răng rửa mặt. Nàng nghe tiếng động vang vang bên ngoài phòng khách, bố mẹ đang chuẩn bị tay xách nách mang. Sau khi mặc xong chiếc áo dài còn thơm mùi lụa mới, Hoàng Nga soi bóng mình trong gương, bỗng nàng nảy ra một ý nghĩ. Nàng lẻn sang phòng của mẹ, lục bàn phấn, thoa trộm một chút phấn hồng lên hai má.
Hoàng Nga mở cửa bước ra phòng khách. Mẹ ngước lên nhìn. Ngạc nhiên và thích thú, mẹ nói như reo lên :
- Trời ơi, con của mẹ hôm nay xinh quá.
Bố thấy vậy cũng dừng tay nhìn con gái :
- Ái chà, con bé lọ lem của bố nay đã thành nàng công chúa xinh đẹp rồi đấy, chóng thật. Hoàng Nga e thẹn ngồi thụp xuống bên mẹ, mẹ vội ngăn lại :
- Để mẹ làm được rồi con ạ, đứng lên đi con. Đừng làm nhăn quần áo, mất đẹp.
Sáng hôm nay nắng ấm chan hòa trên đồi Tăng Nhơn Phú. Nhộn nhịp bước chân người, những khuôn mặt tươi cười như hoa, lòng Hoàng Nga rộn lên một nỗi ngóng trông. Khu tiếp tân náo nhiệt với những tà áo muôn màu muôn vẻ, thấp thoáng những bộ Quân phục màu lá cây rừng. Xa xa trên sân khấu, một chàng trai Quân phục chỉnh tề, nón nhựa cầm tay đang cất tiếng hát :
“…Sao em không đến chiều nay thứ bảy
Sao em không lại đường vắng em đi
Sao em không lại sao em không lại
Quân trường riêng tôi đứng đây…”
Bố nặng trĩu hai tay hai giỏ đựng đầy đồ ăn, trái cây, mà vẫn phom phom dẫn trước, mẹ và Hoàng Nga phải rảo bước thật nhanh mới theo kịp. Bố dừng lại, quay sang bảo với Hoàng Nga :
- Nga, con viết tên cậu Thịnh vào một tờ giấy, rồi đem lại bàn tiếp tân nhờ các cậu ấy gọi trên loa phóng thanh, nhắn cậu con ra. Bản nhạc vừa dứt, một tràng pháo tay ròn rã kéo dài. Tiếp theo là lời thông báo :
- Sinh viên Sĩ quan Nguyễn Tuấn Thịnh, Đại đội 11 ra khu tiếp tân có người yêu đến tìm. Hoàng Nga sững người, rõ ràng nàng ghi trên giấy là có thân nhân đến tìm, sao bây giờ lại là có người yêu đến tìm. Dẫu sao một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cũng bất ngờ xâm chiếm hồn nàng. Các cậu Sinh viên Sĩ quan này thật là láu lỉnh và… thông minh.
Hoàng Nga thơ thẩn dõi mắt theo con đường hai bên có hai hàng cây dương xanh ngát dẫn ra khu tiếp tân. Nàng để ý có một người mặc Quân phục đứng lạnh lùng bên lề đường, hai tay chống nạnh, mặt hất lên trời. Bóng một người khác từ xa đi tới. Tiếng hét tuy xa nhưng vẫn văng vẳng đến tai Hoàng Nga :
- Đàn em ra khu tiếp tân mừng quá không chào Huynh trưởng hả ? Bóng người kia khựng lại, đứng nghiêm dơ tay chào. Tiếng quát vang lên :
- Làm 50 cái hít đất.
Bóng người kia đổ xuống mặt đường, lên lên xuống xuống. Người ấy đứng lên, lại nghiêm chỉnh dơ tay chào. Lại nghe tiếng hét :
- Đàn em yếu đuối lắm, nói nhỏ như vậy đàn anh không nghe thấy gì hết, gào to lên. Tiếng gào lần này như cọp rống :
- Thi hành lệnh phạt xong, chờ lệnh huynh trưởng. Bóng người thất thểu bước nhanh, không dám ngoái đầu nhìn lại. Người kia vẫn đứng đó, tiếp tục chống nạnh, hất mặt lên trời, chờ đợi.
Hoàng Nga hoang mang, cùng là lính với nhau sao mà ác thế, tội nghiệp anh chàng kia hiền lành quá, gặp Hoàng Nga thì…đừng có mong.
Hoàng Nga bỗng tê tái khi nghĩ đến cậu Thịnh, nếu cậu Thịnh cũng bị ăn hiếp như vậy thì… trời ơi.
Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ miên man :
- Hoàng Nga lại đây, cậu Thịnh đây rồi con. Hoàng Nga cuống quít quay lại. Bỗng nhiên mắt nàng hoa lên, tim đập mạnh, một nỗi hoảng hốt chèn vào cổ họng nàng khi Hoàng Nga nhìn thấy cậu Thịnh đang nắm tay một người con gái mặc váy đầm, tươi cười trò chuyện với bố mẹ nàng. Cậu Thịnh nhìn Hoàng Nga tấm tắc khen :
- Chao ôi hôm nay Hoàng Nga xinh đẹp quá.
Rồi cậu Thịnh quay sang người con gái, giới thiệu :
- Đây là Diễm, bạn gái của cậu.
Thịnh giới thiệu Hoàng Nga với Diễm :
- Còn đây là Hoàng Nga, cô cháu dễ thương của Thịnh.
Diễm ngắm Hoàng Nga rồi khen :
- Hoàng Nga xinh quá, và chiếc áo dài cũng thật tuyệt vời. Diễm nghe anh Thịnh nói chuyện về Hoàng Nga đã lâu, nay mới có dịp gặp gỡ Hoàng Nga. Hoàng Nga lặng người đi, chả biết nói sao bây giờ, nàng lí nhí trong miệng :
- Dạ chào chị ạ.
Cậu Thịnh trìu mến nhìn Diễm rồi quay sang Hoàng Nga :
- Diễm cũng là con cháu hai bà Trưng đấy Hoàng Nga ạ, bây giờ thì Diễm đang học bên Đại học Sư Phạm.
Hoàng Nga đứng nép sau lưng mẹ. Trong lúc mọi người trò chuyện, nàng lặng lẽ quan sát người yêu của cậu Thịnh. Khuôn mặt chị Diễm trông thật khả ái. Chị có đôi mắt to, đen nhánh. Miệng lúc nào cũng sẵn sàng nở một nụ cười, hai bên má lúm đồng tiền khiến nụ cười lại thêm duyên dáng. Chiếc váy màu đen thả những nếp ly chạy từ trên xuống, vừa quá đùi một chút đã vội vã ngừng lại để khoe đôi chân thon dài cân đối. Chiếc áo pull màu xanh da trời khoét hơi sâu nên gió ban mai được dịp mơn trớn trên làn da trắng nuốt, nhô cao của bộ ngực đang căng phồng nhựa sống. Mái tóc đen nhánh uốn bồng bềnh xuống ngang vai, trông chị thật khuê các. Hoàng Nga có cảm giác như mình vừa tuột tay đánh rơi một vật rất thân thiết, vô cùng quí giá. Trong cơn hụt hẫng, nàng thấy nhói trong tim một cơn đau thật buốt…
Làn gió mát thổi trên mặt sông Sài Gòn cũng không xua tan nổi áng mây mù đang che phủ tâm tư rối bời. Hoàng Nga thả đôi mắt sang bên kia bờ sông, mấy dãy nhà sàn bên kia bờ Thủ Thiêm trông siêu vẹo thảm thương có khác gì lòng Hoàng Nga bây giờ. Hùng bất giác thở dài, chàng nhìn thật sâu vào đôi mắt của Hoàng Nga:
- Mấy hôm nay em có chuyện buồn, phải vậy không Hoàng Nga. Em có thể kể cho anh nghe với được không ? Hãy cho anh chia xẻ chút ưu phiền với em, được không hở Hoàng Nga ?
Hoàng Nga khe khẽ lắc đầu, nàng bỗng thấy trong mắt Hùng ánh lên một nỗi lo lắng chân tình, một nỗi thương yêu dạt dào. Nàng chợt thấy mình có lỗi với Hùng thật nhiều. Hoàng Nga nắm lấy bàn tay Hùng, nàng ngước mắt lên nhìn :
- Anh Hùng, em xin lỗi anh.
Hùng ôn tồn dịu dàng :
- Đừng em, Hoàng Nga đâu có lỗi gì với anh.
Hùng thấy một nỗi yêu thương ngút ngàn dâng ngập trong lòng. Chàng bỗng thấy khát khao được đặt một nụ hôn lên khuôn mặt kiều diễm của người yêu, và chàng đã không kềm lòng được nữa rồi. Mùi thơm của tóc, của mắt môi yêu dấu đã nhận chìm Hùng trong biển cả yêu đương…
Hôm cậu Thịnh tốt nghiệp khoá Sĩ quan trừ bị trường Bộ binh Thủ Đức, Hoàng Nga cáo bệnh nằm ở nhà, bố mẹ và hai em Vân, Quân đón xe đi từ sáng sớm. Hoàng Nga thấy hồn mình dật dờ khi nghe mẹ chuẩn bị lo toan cho đám hỏi của cậu Thịnh và chị Diễm. Mẹ dự tính may cho cậu Thịnh một bộ Vest, đóng cho cậu một đôi giày mới, mẹ đã đi dọ hỏi chỗ cho mướn khay quả.
Nhưng mọi lo toan của gia đình chợt gãy đổ, chỉ 6 tháng sau ngày mãn khóa, tin từ mặt trận đưa về báo tin cậu Thịnh đã tử trận. Tin dữ làm mọi người không nhấc nổi tay chân. Người khóc tả tơi nhất là mẹ. Tội nghiệp mẹ, mới hôm trước hôm sau đã thấy mẹ già xọm hẳn đi.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mùa hè năm 1972, nhà quàng chật cứng những quan tài gói ghém hình hài của các tử sĩ từ mọi nơi đưa về. Tiếng khóc than, tiếng kể lể, tiếng nấc nghẹn, tiếng gào thống khổ làm rung rinh cả những chiếc áo quan phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Chiến sự còn kéo dài nên người ta cho đào sẵn những dãy huyệt chạy dài trên triền đồi. Đào đến bao nhiêu mới ngừng thì chỉ có trời mới biết. Còn tiếng bom đạn rung chuyển đất trời thì còn đào huyệt cho hình hài tử sĩ.
Chị Diễm vật vã khóc than điên loạn bên chiếc quan tài phủ kín thân xác cậu Thịnh. Hoàng Nga nước mắt ràn rụa ôm lấy hai vai chị Diễm, ước sao được san xẻ nỗi thống khổ của chị.
Hoàng Nga đã khóc hết nước mắt, mắt nàng sưng tấy lên một màu đỏ, nàng đã khóc như chưa bao giờ được khóc… - Thế là hết cậu Thịnh ơi, nhưng cậu sẽ mãi mãi trong trái tim nhỏ bé này, cậu ơi…
Quân Mỹ đã cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tình hình chiến sự bỗng lan rộng, bùng lên khốc liệt. Do nhu cầu chiến trường cần bổ xung một số lượng lớn Sĩ quan cho toàn Quân đội, một lệnh Tổng động viên mới, vừa được ban hành.
Giới hạn tuổi để được hoãn dịch vì lý do học vấn bị giảm xuống 1 năm. Tin tức nóng hổi này lan nhanh vào giảng đường như một quả bom, không sát thương một ai nhưng làm sụp đổ biết bao mộng đẹp của các chàng Sinh viên. Công lao bao nhiêu năm cố công học hành, thức đêm dậy sớm, nay tan tành theo mây khói. Con đường tương lai đang thênh thang rộng mở bỗng nhiên bị chận lại bởi một lớp hàng rào kẽm gai có mìn, có lựu đạn gài, có thịt da vung vãi trên đất cát.
Các cô Sinh viên ngơ ngác nhìn nhau, giảng đường vắng hẳn đi như gánh hát về khuya, không còn cảnh đi học thật sớm để xí chỗ, hết rồi hình ảnh các chàng sinh viên ngồi đong đưa trên khung cửa sổ vì…hết chỗ.
Người ở lại ngậm ngùi lo lắng cho người ra đi, trong đó có bạn bè, có người tình…
Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ không hứng nổi số lượng thanh niên nhập ngũ đột ngột tăng vọt quá lớn, nên Quân trường nào vừa có chỗ trống là gởi người đi ngay. Số còn lại tạm thời cho về phép 2 tuần một lần, giữ các cậu ở lại vừa phải lo nơi ăn chốn ở, vừa phải ngậm đắng nuốt cay với các trò tinh nghịch của lũ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.
Các khóa đào tạo Sĩ quan trừ bị không còn phải qua giai đoạn I Tân binh tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung nữa, mà được đưa thẳng vào trường Bộ binh Thủ Đức hoặc Trung tâm Huấn luyện Đồng Đế, Nha Trang. Trước kia Đồng Đế là Trung tâm Huấn luyện Hạ sĩ quan, nay cải tổ kiêm luôn chức năng huấn luyện đào tạo Sĩ quan cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hầu hết các Sinh viên Sĩ quan trừ bị được gọi theo lệnh Tổng động viên năm 1972 đều là các Sinh viên ưu tú của các trường Đại học, người thì đang theo học năm thứ ba Đại học, người bét nhất cũng đang theo học năm thứ nhất Đại học.
Giã từ trường Luật, Hùng lên đường nhập ngũ bỏ lại sau lưng con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Trước một đổi thay bất ngờ lớn lao như thế, người ta phải e ngại, nhất là bước chân vào đời Quân ngũ thì lành ít dữ nhiều. Tự nhiên Hùng thấy lo âu cho cuộc tình của mình với Hoàng Nga.
Hùng cố gắng kéo dài những ngày tháng ở Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ để lấy phép về thăm Hoàng Nga, đưa người yêu đi đây đi đó, như sợ không còn có dịp nào nữa. Hai đứa quấn quít nhau chẳng rời. Hùng cứ hay nhìn sâu vào mắt người yêu mà đắm đuối, nặng trĩu yêu thương. Hùng giữ kỹ những hình ảnh ấy và sẽ đem theo với nỗi nhớ thương vào miền đất xa xôi..
Suốt thời gian huấn luyện ở trường Bộ binh Thủ Đức, tuần nào Hùng không về phép thì Hoàng Nga lại lên thăm người yêu, cũng tay xách nách mang, con gái đã đẹp còn có dáng đảm đang nữa, càng nghĩ càng thương. Tuần nào Hùng được về phép, đoàn xe GMC vừa dừng bánh trên đường Tú Xương, Hùng đã vội vã nhảy xuống vẫy tắc xi đi tìm Hoàng Nga ngay, cứ như tình để lâu sẽ nguội không bằng.
Hiệp định Paris năm 1973 với giải pháp ngưng bắn da beo, các Sinh viên Sĩ quan được đưa về các địa phương xa xôi làm công tác dân vận. Các đợt đi chiến dịch khiến thời gian thụ huấn kéo dài thêm vài tháng. Sau khi chấm dứt thời gian đi chiến dịch, Hùng trở về Quân trường Thủ Đức để tiếp tục huấn luyện. Một hôm cả Tiểu đoàn Khóa sinh của Hùng được lệnh tập trung lên hội trường, các phái đoàn đại diện cho các quân binh chủng đến gặp gỡ để giới thiệu và tuyển mộ.
Vốn cao to, khỏe mạnh lại đẹp trai, Hùng dễ dàng được nhận về Binh chủng Nhảy Dù. Chiều hôm ấy Hùng xuống khu sinh hoạt tìm mua một cái huy hiệu nho nhỏ vuông vuông, có hình con ó xinh xinh, chàng gắn lên nắp túi cho thỏa chí tang bồng. Hà hà, từ nay ta đã là Chiến binh Sư đoàn Nhảy Dù rồi đó nhé.
Mãn khóa trường Bộ binh Thủ Đức. Hùng và các bạn theo đoàn GMC về trình diện Bộ tư lệnh Sư đoàn Dù trong trại Hoàng Hoa Thám, được thông báo chuẩn bị tinh thần, gân cốt cho khóa huấn luyện nhảy dù sẽ ướt đẫm mồ hôi sắp tới. Hùng xuống chợ Sư đoàn tìm mua ngay một bộ quần áo hoa Dù và một chiếc Beret đỏ. Ngắm nghía trước gương, Hùng thấy mình oai phong lẫm liệt hẳn ra.
Chiều hôm ấy, Hùng diện ngay bộ quần áo hoa Dù và chiếc nón đỏ về thăm gia đình. Gần bữa cơm chiều nên mọi người quây quần đông đủ. Vừa bước vào nhà, mẹ chàng đã tròn mắt lên nhìn, Hùng nghĩ bụng chắc mình oai quá nên mẹ ngạc nhiên đó thôi. Mẹ quay vào phòng trong, gọi bố trong tiếng lo lắng khác thường :
- Bố nó ơi ra mà xem thằng Hùng này.
Tiếng cửa phòng bật mở, bố bước ra nhìn Hùng chăm chăm mà chưa nói gì. Hùng vội vã chào bố mẹ, chàng thoáng hiểu ngay có bầu không khí ngột ngạt này là vì chàng đã cố tình quên câu cá không ăn muối cá ươn.
- Ông bảo rằng ông đã gởi gấm con kỹ lắm rồi mà, sao bây giờ nó về Nhảy Dù hở ông ?
Bố nhìn Hùng, chậm rãi nói :
- Bố đã nói với con rồi mà Hùng, bố đã sắp xếp để đưa con về Tiểu khu Gia Định, sao con lại tình nguyện về Nhảy Dù mà không nói cho bố biết trước hở con ?
- Bố ơi, con không thích đi lính Địa phương quân. Con đã chọn từ lâu rồi, nếu phải đi lính, con sẽ chọn Binh chủng Nhảy Dù.
- Mình xin đổi bây giờ còn kịp không hở ông ? Mẹ bồn chồn hỏi bố.
- Chậm mất rồi, vì người ta luôn luôn ưu tiên cho những người đã chọn Binh chủng từ giữa khóa học.
- Vậy thì bây giờ phải làm sao hở ông ? Mẹ hỏi dồn bố.
- Mẹ nó đừng quá lo lắng như vậy, việc này để tôi lo.
Hôm sau Hùng và các bạn về trình diện Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù, trong trại Hoàng Hoa Thám kế bên phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tuần lễ chật vật đẫm ướt mồ hôi, toàn thân rã rời, buổi tối về nhà lúc lên giường ngủ, phải dùng hai tay khe khẽ đặt người nhè nhẹ lên giường, vậy mà vẫn còn cảm thấy xương cốt vỡ vụn đau nhức.
Giai đoạn cuối cùng là nhảy dù từ trên máy bay. Hùng thích lắm cái cảm giác bồng bềnh trôi trong không gian, thấy đất trời tròng trành nghiêng ngả như vừa uống xong 1 thùng bia. Vừa lao ra khỏi phi cơ, Hùng bắt đầu đếm : - một chai lade, hai chai lade, ba chai lade.
Đếm tới đây nếu dù không mở thì phải mở ngay dù bụng, nếu chần chờ sẽ tan xương nát thịt. May quá, một tiếng bục nhỏ vang lên, dù bắt đầu từ từ mở để bọc gió. Người Hùng như bị níu lại. Hai tay vươn lên nắm lấy đai dù, làm động tác khám dù, kiểm soát an toàn, sau đó thong thả nhìn chung quanh ngắm các cánh dù của bạn bè. Nhìn xuống bãi đáp khu ấp Đồn, những mái nhà tranh ẩn hiện trong hàng cau xanh mướt, những thửa ruộng xanh ngắt vuông vắn như ô vuông bàn cờ. Những con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ bên cạnh những mồ mả nhọn hoắt. Mặt đất càng lúc càng gần hơn, Hùng co chân, lấy thế sẵn sàng. Chân vừa chạm đất, Hùng ngã người lộn một vòng rồi đứng dậy nhẹ nhàng, thế là xong, chỉ việc thu xếp dù vác về điểm tập trung. Nhảy dù dễ lắm, ai cũng có thể nhảy được, miễn là trong người có một chút máu liều.
Sau khi chấm dứt khóa dù, Hùng không khỏi hào hứng khi nhìn thấy tấm bằng nhảy dù, có tên tuổi và hình ảnh của mình trên đó. Hùng biết rằng cuộc đời của mình sắp sửa bước qua một ngã rẽ ghê gớm lắm đây, nhưng đối với những ai đã từng tung mình ra khỏi cửa phi cơ để rơi xuống đất thì trên cuộc đời này chẳng còn có điều gì phải sợ hãi nữa cả.
Hùng và các bạn nằm chờ ở khối bổ sung được hơn tuần lễ thì đáp chuyến bay C-130 ra phi trường Phú Bài, sau đó theo đoàn GMC về Bộ tư lệnh tiền phương đóng tại Hiệp Khánh. Hùng và các bạn lưu lại Hiệp Khánh 3 tuần lễ để tham dự một đợt huấn luyện mới, mục đích là để làm quen với nếp sinh hoạt của đơn vị mới, học hỏi các chiến thuật của Binh chủng Nhảy Dù, thực tập điều chỉnh pháo binh, cách hướng dẫn phi cơ đánh bom yểm trợ…
Ngày mãn khóa đã đến, các bạn chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, 9 Tiểu đoàn tác chiến và 3 Đại đội trinh sát. Hùng chọn về Tiểu đoàn 8 ND, vì nghe nói TĐ 8 sắp về Sài Gòn để dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị. Xa nhà mới có non một tháng mà đã thấy nhớ thương khôn cùng, nhớ hàng mi của ai cong cong, ánh mắt sáng long lanh càng ngắm càng yêu, đôi môi mềm chẳng muốn rời ra. Chết thật, bây giờ mới biết, biết mình lậm Hoàng Nga quá rồi đấy Hùng ơi !
Khoảng cuối năm 1973, Tiểu đoàn 8 ND tiếp nhận các đợt Sĩ quan mới ra trường bổ xung về. Họ cùng một lứa tuổi thanh xuân, còn đang nhìn đời qua lăng kính màu hồng, nên dễ chơi thân với nhau. Các Sĩ quan trừ bị mới toanh này được phân phối về các Đại đội tác chiến:
- Đại đội 81: Ngô văn Cường : Đại học Luật khoa.
Đoàn Tấn : Đại học Khoa học.
Đặng minh Sắc : Đại học Khoa học.
- Đại đội 82: Nguyễn văn Phú : Đại học Khoa học.
Trần văn Toàn : Đại học Luật khoa.
Nguyễn chí Linh : Đại học Văn Khoa.
- Đại đội 83: Trần phan Kiệt : Đại học Khoa học.
Nghiêm sĩ Thành : Đại học Khoa học.
Phạm đình Minh : Đại học Luật khoa.
Nguyễn đình Trung : Đại học Luật khoa.
- Đại đội 84: Nguyễn quốc Hùng: Đại học Luật khoa.
Vũ đình Hải : Đại học Văn khoa.
Trần văn Hết : Đại học Khoa học.
Thời gian này tiểu đoàn 8 ND của Hùng đóng quân ở vùng căn cứ Bình Trị, khu vực giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị. Sư đoàn Nhẩy Dù biến thành địa phương quân, nằm chết một chỗ giữ đất. Hai bên gườm qua gườm lại trong thế cài răng lược. Có nơi ta nằm trên đỉnh đồi, dưới chân đồi lại là một chốt của địch, ngứa mắt lắm chỉ muốn nhổ quách đi. Ngược lại có khi ta nằm ở dưới thì họ lại ở bên trên. Anh em trong trung đội của Hùng là những chàng trai đang độ tuổi bẻ gãy sừng trâu, họ dầm mưa dãi nắng, chịu đựng cơ cực rất giỏi. Những chàng độc thân vui tính này suốt ngày không ca hát thì chòng ghẹo lẫn nhau, cứ như đang chung dưới một mái nhà thân thương.
Ngày qua ngày, trên một mặt trận mênh mông cả một Sư đoàn dàn quân, không có lấy một tiếng súng nổ từ cả hai phía, tuy nhiên anh em luôn luôn được căn dặn lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Y như rằng, có một lần đặc công của địch từ bên kia suối Ô Lâu, nương theo màn đêm xâm nhập tấn công vào chốt đóng quân của Trung đội 2, ĐĐ 83 do Chuẩn úy Trần phan Kiệt trấn giữ. Nhưng địch không ngờ lính Nhảy Dù đã phát giác và phản ứng kịp thời, dập cho một trận tơi bời. Sáng hôm sau anh em đi lục soát bắt gặp nhiều vết máu, lẫn cả óc người, rơi rớt theo vết cỏ tranh rạp xuống vì thây người kéo đi.
Màn đêm trong núi rừng dầy dặc tối om, ngồi gác đưa bàn tay của mình ra trước mặt có mở trừng mắt ra cũng chẳng thấy gì. Lính Nhảy Dù gác đêm bằng tai, tiếng 1 cành cây gãy vang lên trong màn đêm tịch mịch nghe rất rõ nếu lắng nghe. Nó tố cáo có vịt con đang bò về phía mình, nhờ đó mới phản ứng kịp thời…móc mắt nó chà giấy nhám.
Hùng rất phiền muộn, suy tư khi đã rất nhiều lần nghe anh em than thở :
- Chuẩn Úy ơi, em tình nguyện về Nhảy Dù chứ đâu có tình nguyện vào lính Địa phương quân, sao nằm chết một chỗ hoài vầy nè.
- Em mà biết trước như thế này thì em hổng có đăng lính Nhảy Dù đâu Chuẩn úy. Lính Nhảy Dù gì mà hổng thấy đánh giặc, toàn là lội vô rừng chặt tranh tre tràm không hà, cực thấy bà nội.
- Chuẩn úy, mấy đứa bạn em đi chặt tranh tre tràm bị vướng lựu đạn có được Huy chương không Chuẩn úy?
Tiếng bắc kỳ Luận :
- Tao bị Việt cộng bắn gãy chân, cái Chiến thương Bội tinh còn chưa tới được tay tao.
Mấy thằng bạn dỏm của mày có…cái búa, lấy không ? Nghèo mà ham.
- Em tưởng về Nhảy Dù ngon lắm nên em mới đăng, ai dè trần thân vác từng ống sạc nước từ khe suối lên tưới cho mấy cây bầu, cây bí nông trường Yên Bầu, cực hơn con chó. Kỳ này về Sài Gòn dưỡng quân là em biến luôn đó nghe Chuẩn úy.
- Hôm qua thằng bạn tao đi kéo cày nông trường Yên Bầu, nó lỡ dại chôm có trái bí, bị Thượng sĩ Bến, Ban 2 Tiểu đoàn uýnh cho một trận dãn xương sống.
- Ai biểu ngu, mấy trái bầu trái bí đó là để thờ, sao nó dám rớ vô. Bộ không thấy lâu lâu có phái đoàn từ trên Lữ đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn tới thăm viếng, chụp hình quay phim đó sao. Chôm mấy trái đó đi lấy gì chụp, lấy gì quay, hổng lẽ chụp hình mày, ăn đòn là phải lắm rồi.
Các Sĩ quan mới ra trường về Sư đoàn Nhảy Dù không được nắm Trung đội ngay, phải đi theo phụ tá học nghề của một Trung đội trưởng kỳ cựu. Thường thì được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh chốt. Chốt của Hùng nằm trên một ngọn đồi thấp, kể cả Hùng là 5 mạng. Chốt nằm sát bên dòng suối Ô Lâu, nhìn qua bờ bên kia vẫn thấy bóng địch quân thoáng hiện. Mỗi ngày chốt phải cắt 2 người đi công tác về Tiểu đoàn. Sáng sớm nào cũng vậy, cứ 2, 3 giờ sáng là đã nổi lửa nấu cơm, nhét vội mấy chén cơm với cá khô vào bụng rồi lục đục khăn gói súng đạn lên đường tập trung về đại đội. Trên đường đi phải lội qua một con suối, bình thường thì nước ngập lên tới ngang lưng, hôm nào trời đổ mưa thì nước dâng cao tới ngang ngực. Anh em tay đưa súng lên cao khỏi đầu, lội bì bõm. Trời rét căm căm, nước lạnh luồn vào da thịt thấm tới xương.
Chờ Đại đội điểm danh quân số, báo máy xong, anh em khập khiễng lên đường trực chỉ Tiểu đoàn. Nón sắt súng đạn lầm lủi bước đi, mãi đến 8 giờ sáng mới đến được Tiểu đoàn.
Đại đội 81 đóng quân gần Tiểu đoàn hơn, mỗi khi tới chốt của Chuẩn úy Đoàn Tấn, đóng trên một ngọn đồi ven đường, Hùng lại ghé vào uống ly nước, châm một điếu thuốc. Nếu trên 10 đường về thì thỉnh thoảng Hùng nán lại trò chuyện với Tấn, hai đứa ôn lại khung trời Đại học thơ mộng ngày xưa không còn nữa. Đến Tiểu đoàn, anh em trình diện Sĩ quan trực rồi được phân chia thành nhiều toán. Toán cuốc đất vun giồng trồng rau muống khô, toán đào lỗ trồng bầu bí, toán vào rừng chặt cây về làm dàn cho bầu bí leo, toán lủi xuống điểm nước vác từng ống sạc nước lên tưới bầu bí, toán làm cỏ, toán biến vào rừng chặt tranh tre tràm.
Khung cảnh lao động trên nông trường Yên Bầu của Tiểu đoàn 8 ND chộn rộn lắm, người đi tới kẻ đi lui lăng xăng, quần áo thì rách bươm, nhiều chỗ hở cả da thịt. Đôi khi Hùng cũng lo lo trong bụng, lấy 2 mạng đi sưu dịch, ở nhà chỉ còn có 3 mạng, tụi nó đánh úp một cái thì coi như xong.
Ngày ấy Hùng nghe anh em đọc cho nhau nghe một bài vè, mỗi khi đọc xong thì anh em lại cười lên hô hố. Mỗi chữ trong bài vè đều bắt đầu bằng vần T, bài vè có tên: Tranh Tre Tràm. Bắt đầu bài vè là những chữ : Trung tá … Vè là một hình thái sinh hoạt tự nhiên của loài người, nhằm phản kháng chống đối một cách tiêu cực những áp bức bất công với lời lẽ châm chọc mỉa mai của lớp người thấp cổ, bé miệng.
Hôm nay là ngày lãnh tiếp tế, cũng là lúc anh em trông mong những lá thư gởi từ hậu phương ra. Hùng nhận được 2 lá thư. Lần tiếp tế nào có kế toán trưởng bay từ hậu cứ ra, chàng cũng đều nhận được ít nhất một lá thư của Hoàng Nga, có khi 2, 3 lá, nàng thương nhớ nhiều, một lá thư chưa đủ vơi đi niềm tâm sự, nỗi nhớ nhung…Nét chữ mềm mại, lời nói yêu thương của Hoàng Nga khiến Hùng quên ngay những nỗi mệt nhọc chán chường, chàng lại mơ mộng thả hồn về bên người yêu ở chốn thành đô nghìn trùng xa cách.
Lá thư kia là của mẹ Hùng gởi. Cơm nước xong, Hùng đốt một điếu thuốc rồi chậm rãi mở lá thư của mẹ ra đọc.
Người gởi : Phó thị Tá
29 Đường Thánh Mẫu
Tân Bình, Sài gòn.
Người nhận : Nguyễn quốc Hùng
Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/HQ
Hùng con,
Giáng sinh sắp đến, ngoài miền Trung chắc hẳn lạnh lắm. Mẹ vào hậu cứ gởi ít quà cho con.
Một chiếc khăn quàng cổ và một cái áo len mẹ mới đan xong, khăn mặt, kem đánh răng , bàn chải răng, dao cạo râu, 5 cái áo thun, 5 cái quần đùi, 1 Kg khô mực, 1 Kg lạp xưởng. Một hộp kẹo rượu, một chai rượu Whisky bố gởi cho con. Mẹ cũng định gởi 1 con vịt quay để con và các bạn thưởng thức, nhưng ông kế toán trưởng không nhận nên mẹ phải đem về.
Cái thư bố dặn con phải đưa ngay cho bác B. Bộ tư lệnh sư đoàn, con đã đưa chưa, mà sao giờ này con vẫn còn ở ngoài ấy. Nếu chưa gởi thì gởi ngay để mẹ yên tâm, bố con đã gởi gấm đâu vào đó rồi.
Cả nhà vẫn mạnh khỏe, gia đình vẫn hằng cầu nguyện ơn trên ban cho con mọi sự an lành. Chủ nhật vừa rồi đi xem lễ, mẹ gặp con bé Xuyến trong ca đoàn, dạo này con bé càng lớn càng xinh đẹp ra. Lần nào gặp mẹ, nó cũng xin gởi lời hỏi thăm con.
Mẹ tạm ngừng bút, chúc con yên vui.
Mẹ của con.
Hùng đưa mắt nhìn chiếc ba lô bên đầu nằm, lá thư mà bố dặn gởi cho Trung tá B, một người bạn thân của bố, sẽ mãi mãi nằm dưới đáy ba lô, nó sẽ chỉ là một kỷ niệm mà thôi.
Tháng 7 năm 1974, toàn bộ tiểu đoàn 8 ND đang dưỡng quân ở Sài Gòn, đột ngột được lệnh ứng chiến 100%. Ngày hôm sau, một đoàn xe GMC hối hả lăn bánh chở toàn bộ Tiểu đoàn qua phi trường Tân sơn Nhất, dồn chật cứng lên những chiếc C-130 trực chỉ Đà Nẵng.
Phi cơ vừa chạm bánh đáp trên phi đạo, mọi người đã được căn dặn từ trước, đứng lên chuẩn bị rời phi cơ thật nhanh. Cảng phi cơ vừa hạ xuống, Hùng thoáng nhìn thấy bên dưới, một dãy quan tài nằm chờ sẵn. Tiếng đại bác đâu đó ầm ì dội lại, như gầm gừ đe dọa. Một đoàn xe quân vận chực sẵn đã bốc tiểu đoàn vào vùng hành quân. Ngay buổi chiều hôm ấy, đơn vị của Hùng đã có mặt trong quận Hiếu Đức, Hùng được lệnh dẫn Trung đội lên một ngọn đồi nằm bảo vệ cho 2 khẩu pháo 105 ly.
Cả đêm hôm ấy không ngủ nghê gì được vì tiếng đạn đại bác bắn đi xé nát không gian, dựng mọi người thức dậy. Hùng nằm thao thức nhớ về Hoàng Nga, giờ này em đang làm gì, đã yên giấc ngủ hay còn chong đèn đọc sách, có nhớ đến anh không, người yêu hỡi !
Sáng hôm sau, tiểu đoàn lại tiếp tục theo đoàn GMC hướng về quận Đại Lộc, qua Ái Nghĩa, cầu Chìm, đoàn xe chạy văng mạng, bụi đất tung bay mù mịt. Đoàn xe vừa dừng bánh, mọi người nhảy ào xuống xe, ba lô súng đạn gọn ghẽ, triển khai đội hình, bắt đầu lấn vào vùng hành quân.
Đứng trên đồi cao nhìn về phía quận Thường Đức, 2 bên trái phải là 2 dãy núi cao chót vót, trùng điệp chạy chụm lại theo hình mũi tên, đầu nhọn của mũi tên là một hẻm núi rất hẹp, có tên là Ba Khe, nơi có ngọn đồi 52 trọc lóc đỏ ối nằm chận ngay vào yết hầu của con đường độc đạo chạy từ Đại Lộc vào Thường Đức, vào sâu nữa là vùng Bến Giàng rồi Khâm Đức.
Đưa mắt nhìn theo con đường độc đạo chạy ngoằn ngoèo, Hùng chứng kiến những toán quân của đơn vị bạn đang nhớn nhác tháo chạy từ hướng Thường Đức ra. Lẫn lộn trong đoàn binh lính là những áo quần đủ màu sắc của dân lành bồng bế nhau nương theo đoàn quân tìm đường thoát hiểm. Những loạt đạn đại bác 130 ly của địch từ trong núi sâu bắn rải theo đoàn người.
Đứng trên đồi cao nhìn xuống, Hùng thấy những đốm khói bục lên dọc trên mặt lộ. Mỗi khi một cụm khói bục lên, người ta lại ngã xô xuống. Khi cụm khói tan đi, có những dáng người loạng choạng đứng lên tiếp tục lê bước, có những hình thù vẫn nằm im trên mặt đường không động đậy.
Klong Ha Thanh đứng dậy xốc khẩu đại liên M 60 lên vai, mỉm cười khi Hùng vừa bước ngang qua :
- Kỳ này đi tapi vui quá Thiếu úy. Hết tranh tre tràm, hết nông trường rồi, khỏe quá.
Tiểu đoàn trưởng đã ra đi để nắm chức vụ lữ đoàn phó, anh em thở dài nhẹ nhõm, mong sao ông ấy đừng bao giờ trở lại nữa. Vào trận Thường Đức, Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân lên nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND.
Hùng dẫn tiểu đội 1 của Trung sĩ Lê thế Hiền đi mở đường, Võ phú Hiệp dẫn đầu toán quân, tiếp theo là Nguyễn văn Tốt, Hùng là khinh binh số 3, rồi tới Trần minh Hồng mang máy truyền tin, Trung sĩ nhất Lê viết Hưng đi sau bọc chót trung đội.
Trung đội trưởng Nhảy Dù luôn luôn dẫn đầu đoàn quân trong mọi tình huống. Khi Trung đội di chuyển thì Trung đội trưởng chỉ đi sau vài người khinh binh. Khi tấn công, Trung đội trưởng căng một hàng ngang với anh em, miệng vừa hô xung phong thì người cũng vừa lao lên phía trước, tay xiết cò súng băng lên hô hoán, anh em binh sĩ hừng hực khí thế xông lên. Đang đóng quân phòng thủ, bất ngờ địch nổ súng tấn công thì Trung đội trưởng ngay tức khắc la hét om xòm lên để giữ vững tinh thần anh em, rồi ném lựu đạn, rồi nâng súng lên nhả đạn.
Trung đội trưởng Nhảy Dù vừa là người chỉ huy Trung đội, vừa là một khinh binh thiện chiến như mọi đồng đội khác. Trong bảng cấp số, vũ khí của Trung đội trưởng Nhảy Dù là một khẩu M 16, 300 viên đạn, 4 trái lựu đạn…chứ không phải là một khẩu colt 45, không có một tác dụng nào trên chiến trường.
Trung đội trưởng Nhảy Dù bò, trườn, nấp, xông lên xả đạn vào địch quân, ném lựu đạn, lại còn phải điều động anh em, điều chỉnh pháo binh, liên lạc truyền tin, nên nhiều lúc quên đi phần tác chiến cá nhân. Đứng khơi khơi giữa đồng trống liên lạc máy với Đại đội mà quên không ẩn nấp, mãi đến khi một tràng AK rít qua đầu mới sực giật mình nhận ra, đôi khi quá muộn màng.
Số lượng các Quân nhân ngã xuống để tô đậm cho mầu cờ sắc áo của Sư đoàn Nhảy Dù, nhiều nhất vẫn là các anh em Binh sĩ, các Hạ sĩ quan Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Trung đội phó và các Sĩ quan Trung đội trưởng xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị. Số lượng các Sĩ quan trừ bị hy sinh không thể nào đếm xuể. Mạng sống của các Sĩ quan Trung đội trưởng Nhảy Dù rất ngắn ngủi vì mạng sống của các khinh binh có kéo dài được bao lâu.
Là Sĩ quan trừ bị, họ tình nguyện gia nhập đoàn quân mũ đỏ, giữ chức vụ Trung đội trưởng từ khi còn mang lon Chuẩn úy, một năm rưỡi sau lên lon Thiếu úy, 2 hoặc 3 năm sau lên lon Trung úy vẫn còn là Trung đội trưởng nếu không chết trận. Thời gian chỉ huy Trung đội kéo dài tối thiểu cũng 3 năm. Trong 3 năm máu lửa đó trải qua biết bao nhiêu cuộc hành quân, bao nhiêu lần căng hàng ngang hô xung phong lao lên phía trước giữa lúc hỏa lực của địch bắn ra xối xả như mưa. Chỉ có phép màu mới che chở được cho những người trai đi giữa chiến tranh này mà thôi.
***
Đoàn quân mũ đỏ súng hờm trên tay, cẩn trọng trải rộng đội hình dấn bước vào lò lửa đang sôi sùng sục. Khi những người lính của Đại đội 84 đặt chân đến làng Hà Nha thì trời đã sụp tối, anh em canh gác cẩn mật, đào hầm hố củng cố vị trí chiến đấu.
Hà Nha là một giải đồng bằng hẹp, bên trái là con đường độc đạo dẫn vào quận Thường Đức, bên phải tiếp nối với chân của rặng núi Sơn Ya cao ngất trời xanh.
Bên khu vực trách nhiệm của Đại đội 83 do Đại úy Phạm văn Hiệu chỉ huy, Thiếu úy Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn Trung đội lấn sâu hơn trước khi trời tối. Thiếu úy Hoàng văn Tiến theo lệnh dẫn quân thọc sâu quá nên phía sau lưng trống trơn, không có cánh quân nào bảo vệ.
Giữa đêm khuya đột nhiên tiếng súng nổ dữ dội đều khắp trên toàn vị trí đóng quân của Thiếu úy Hoàng văn Tiến. Địch điều động một quân số áp đảo khóa đuôi Trung đội của Thiếu úy Hoàng văn Tiến và mở nhiều cuộc tấn công ào ạt.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến chỉ huy Trung đội co lại để phản công. Tiếng pháo 105 ly bắt đầu đóng vào trận địa, con gà cồ 81 của Tiểu đoàn cũng cất tiếng gáy theo, tinh thần anh em phấn chấn hẳn lên. Trung đội cố gắng chống chỏi dằng dai với địch, chờ sáng sớm Đại đội sẽ điều quân lên tiếp viện. Nhưng đến nửa đêm về sáng thì tuyến phòng thủ của Trung đội bị chọc thủng. Thiếu úy Hoàng văn Tiến chết giữa trận tiền.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến là Sĩ quan đầu tiên của Tiểu đoàn 8 ND ngã xuống trên mặt trận Thường Đức, mở đường cho 6 Sĩ quan Trung đội trưởng sau đó theo chân Hoàng văn Tiến ra đi không hẹn ngày về.
Danh sách 7 Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND đã tử trận trong cuộc hành quân Thường Đức :
1- Thiếu úy Đoàn Tấn : ĐĐ 81
2- Trung úy Nguyễn ngọc Phước : ĐĐ 82
3- Thiếu úy Hoàng văn Tiến : ĐĐ 83
4- Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành : ĐĐ 83
5- Thiếu úy Vũ đức Tiềm : ĐĐ 84
6- Thiếu úy Nguyễn văn Trí : ĐĐ 84
7- Thiếu úy Đến : ĐĐ 84
Danh sách các Sĩ quan Trung đội đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 8 ND bị thương rời mặt trận, tản thương về các Bệnh viện điều trị :
1- Trung úy Huỳnh hữu Hạnh : ĐĐ 81
2- Thiếu úy Quách Giang : ĐĐ 81
3- Thiếu úy Ngô văn Cường : ĐĐ81
4- Thiếu úy Nguyễn phước Bảo Huệ : ĐĐ 82
5- Thiếu úy Trần văn Toàn : ĐĐ 82
6- Thiếu úy Tiến ( Tiến Huế ) : ĐĐ82
7- Trung úy Hoàng đắc Hùng : ĐĐ 83
8- Thiếu úy Nguyễn đình Trung : ĐĐ 83
9- Thiếu úy Lê mậu Sức : ĐĐ 83
10- Thiếu úy Thạch Huôn : ĐĐ 83
1411- Thiếu úy Phạm đình Minh : ĐĐ 83
12- Chuẩu úy Trình : ĐĐ83
13- Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng : ĐĐ 84
14- Thiếu úy Vũ đình Hải : ĐĐ 84
15- Thiếu úy Phan văn Hữu : ĐĐ 84
16- Thiếu úy Hà mai Trường : ĐĐ 84
Sau khi chiếm xong ngọn đồi chiến lược 1062, bàn giao lại cho tiểu đoàn 3 ND, Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND chỉ còn lại vài người trên trận địa.
- Thiếu úy Nguyễn chí Linh của ĐĐ 82
- Thiếu úy Nguyễn minh Trung của ĐĐ 84
Cả hai người đều đã bị thương. Thiếu úy Nguyễn minh Trung một tay treo trước ngực, tay kia cầm lựu đạn ung dung chỉ huy Trung đội cho tới phút cuối cùng.
Trong danh sách các Sĩ quan trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND tử trận và bị thương, Trung úy Nguyễn ngọc Phước là Sĩ quan hiện dịch khóa 25 Võ Bị Đà Lạt và Thiếu úy Hà mai Trường khóa 26 VBĐL. Tất cả còn lại đều xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị.
Chỉ mới trải qua một cuộc hành quân thôi, dàn Sĩ quan trung đội trưởng của một Tiểu đoàn ND đã vơi đi gần hết. Cùng với dàn hạ Sĩ quan, anh em Binh sĩ trong Tiểu đoàn, cuộc sống của họ xem ra thật ngắn ngủi. Những hy sinh to lớn đó đã giáng cho địch những tổn thất nặng nề, đến nỗi trong trận chiến Thường Đức họ đã phải xiềng xích bộ đội của họ vào công sự chiến đấu, đến nỗi 2 Sư đoàn chính qui không thắng nổi 1 Sư đoàn Nhảy Dù.
Trước khi cùng đơn vị rời Sài Gòn ra Quảng Nam tham dự cuộc hành quân Thường Đức, Hoàng văn Tiến đã ước hẹn với người yêu, vài tháng sau sẽ trở về cử hành đám hỏi kết đôi.
Người yêu của Tiến là một cô giáo nhà ở vùng Quang Trung, Hốc Môn. Cô giáo cũng có một người em trai tên là Chung, phục vụ tại Trung đội 3, Đại đội 84. Trong trận đánh đẫm máu ở Thường Đức, mảnh pháo 130 ly của địch đã tiện đứt gọn 2 bàn tay của Chung.
Trong dàn Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND, Hoàng văn Tiến nổi tiếng là một Sĩ quan ba gai. Tướng to ngang, mặt mũi đen đui đũi, bước đi nghênh ngang, nên Hoàng văn Tiến có biệt danh là Tiến trâu. Thời gian còn đóng quân ở căn cứ Bình Trị, một hôm Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn một Trung đội đi nhảy dù bồi dưỡng bằng trực thăng ở ven bờ biển. Sau khi nhảy dù xong, thay vì dẫn anh em trở về đơn vị, Hoàng văn Tiến dẫn toàn bộ Trung đội trực chỉ thành phố Huế. Sau khi ăn nhậu đã đời, bù lại những ngày thiếu thốn gian khổ trong rừng sâu, trời chạng vạng tối Hoàng văn Tiến mới dẫn Trung đội lù lù trở về Tiểu đoàn.
Nhảy dù có một thứ kỷ luật mà sắt cũng phải mềm. Binh sĩ thì bị cạo trọc đầu, Thượng sĩ Bến, ban 2 Tiểu đoàn bắt nằm xuống đánh bằng hèo, tiếng cây vun vút quất trên da thịt, tiếng rên bật qua kẽ răng mím chặt nghe rợn người.
Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân, biệt danh Vân đen, đích thân ra lệnh cho Thiếu úy Hoàng văn Tiến vào trình diện. Hoàng văn Tiến gồng người lên, cắn răng đón nhận những cú đấm cú đá mà vẫn phải giữ tư thế đứng nghiêm.
Hoàng vănTiến đã đem cái ba gai từ ngoài đời vào trong Quân ngũ, rồi đem cả cái ba gai ấy vào cuộc tình của mình, Tiến đã ba gai lỗi hẹn với người yêu, cô giáo đang trông chờ bước chân Tiến trở về mở tiệc hoa đăng.
Gia đình đem thi hài của Tiến về an táng trong nghĩa trang Phú thọ Hòa…
Ngày hôm sau Đại đội 84 tiến sâu hơn vào Hà Nha, khu làng này bỏ hoang đã lâu, không một bóng người. Bắt đầu đụng độ lẻ tẻ với địch. Địch bắn cản cầm chừng rồi rút, chúng được yểm trợ bằng đại bác 130 ly, súng cối, và cả đại bác không giật bắn trực xạ từ dãy núi bên kia, đạn bay qua sông Vu Gia nhắm vào đội hình của đoàn quân mũ đỏ.
Địch rút nhè nhẹ về phía sau như có mưu toan, ẩn ý. Hầm hố của địch bỏ lại được dựng lên rất kiên cố. Họ cưa cột nhà của dân chúng đem gác thành khung chữ A, tháo tôn trên mái nhà đặt lên bề mặt, rồi tấn đất cát, gạch đá chặt lên phía trên. Những chiếc hầm kiên cố đến nỗi nếu 1 quả đạn đại bác 105 ly có nổ trên nắp hầm cũng chẳng ăn thua gì, địch vẫn ngồi bên dưới ung dung kéo thuốc lào.
Địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ này từ lâu lắm rồi. Họ đã khống chế toàn bộ khu vực này từ khuya, nhưng vẫn để cho con đường độc đạo này thông thương qua lại, dân chúng vẫn ra vào, quân ta vẫn đi lại, lui tới tưởng như nhà của mình. Nhưng nếu thử tung 1 toán Trinh sát thọc sâu vào hướng chân núi sẽ thấy địch quân nằm đầy ở đó, trong những hầm hố rất vững chắc.
Ánh mặt trời vàng vọt, yếu ớt khuất dần, nhường chỗ cho bóng đêm chầm chậm phủ một lớp áo đen thùng thình lên vạn vật. Các Trung đội của Đại đội 84 củng cố vị trí qua đêm. Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng nằm xa nhất. Lùi về phía sau, chếch sang bên phải, sát chân núi là vị trí của Trung đội 3. Đột nhiên người lính gác của Trung đội 3 báo cáo có địch xuất hiện phía sau lưng Trung đội của Hùng. Nhìn kỹ thì thấy khoảng 1 Trung đội địch trong màu áo kaki Nam Định, đội nón cối đang lom khom kéo từ chân núi đi ra, lòn sát vào phía sau lưng Trung đội
Trung đội 3 gọi máy thông báo cho Đại đội và Trung đội 1, đồng thời điều động cả 2 khẩu đại liên M 60 về một chỗ. Hai khẩu đại liên cùng một lúc nhả đạn như mưa vào đội hình của địch. Bị lộ bất ngờ, địch tan tác quay lưng chạy về phía chân núi.
Các Trung đội được lệnh tăng cường phòng thủ chặt chẽ, tổ chức canh gác cẩn mật hơn. Các Trung đội trưởng xác định lại lần nữa các yếu tố tác xạ tiên liệu để nhanh chóng gọi pháo binh yểm trợ khi cần thiết.
Khoảng nửa đêm, địch bất ngờ khai hỏa mở các đợt tấn công vào vị trí phòng thủ của trung đội 1. Đã chuẩn bị tiếp đón địch từ trước nên các tay súng của Trung đội 1 rất tự tin nhả đạn và ném lựu đạn nghênh cản các đợt xung phong của địch. Giữa tiếng súng nổ ròn rã xen lẫn tiếng lựu đạn nổ ì ầm, tiếng hò hét lanh lảnh của Hùng vang lên nghe rõ mồn một :
- Chờ nó vào gần bắt sống nó, móc mắt nó chà giấy nhám.
Suốt đêm hôm ấy, thỉnh thoảng đan trong tiếng súng là tiếng hò hét của Hùng vang lên để giữ vững tinh thần chiến đấu của anh em.
Trong ống liên hợp tiếng của Hùng bắt đầu khàn khàn vang lên lẫn lộn với tiếng súng nổ :
- Minh Mạng đây 161 gọi.
- Minh mạng nghe đây, nói đi 161- Đại úy Đồng văn Minh, Đại đội trưởng ĐĐ 84 trả lời.
- Ve chai nó vào sát quá, xin cho gà gáy nhanh lên, phía sườn bên phải của tôi.
- Có ngay cho 161, yên tâm. 161 dặn con cái lúc nào cũng phải ngóc đầu lên quan sát. Nghe rõ trả lời ?
- 161 nghe rõ.
Yêu cầu xin pháo binh yểm trợ được thỏa mãn ngay tức thì. Tiếng pháo 105 ly quen thuộc bắt đầu gầm thét vào trận địa. Địch dãn ra, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Thời khắc trôi qua, địch tái tổ chức các đợt tấn công. Cuộc binh đao kéo dài đến gần sáng thì địch rút lui về phía chân núi. Địch đã thất bại trong keo thử lửa đầu tiên với Đại đội 84.
Cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn khi tiểu doàn 8 ND lần lượt rời bỏ Hà Nha, chuyển dần lên núi để đánh địch trên các cao điểm.
Địch vào trận với lợi thế trên sân nhà, họ lợi dụng tối đa địa thế, địa hình sẵn có. Khi quân ta vừa băng qua một trảng trống lập tức bị địch truy cản rất mạnh mẽ, nếu nhìn chung quanh thấy những tảng đá lớn nằm chênh vênh trên sườn núi thì đừng có dại dột mà chạy vào ẩn nấp, sau lưng tảng đá là một bãi mìn gài sẵn. Địch từ vị trí thuận lợi trên cao nhìn xuống thấy rõ từng người lính đang hút thuốc, đang chửi thề, và sử dụng tối đa súng cối 61 ly, 82 ly bắn vào quân ta. Số thương vong do đạn súng cối của địch gây ra là một con số khá cao.
Trung tá Đào thiện Tuyển trở về nắm lại quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND. Tin tức lan nhanh đến chiến hào, anh em dáo dác nhìn nhau. Đúng là số kiếp nghiệt ngã. Huy hiệu của Tiểu đoàn 8 ND là hình một con ngựa què, anh em vẫn càu nhàu như thế. Làm thân trâu ngựa đã khổ lắm rồi, lại còn què nữa thì chỉ có nước húp cháo loãng. Cái huy hiệu nó vận vào cả Tiểu đoàn, xin thầy Mạc Bìa chỉ giáo dùm cho.
Khi Tiểu đoàn 8 ND lên thay thế Tiểu đoàn 1 ND để tiến chiếm cao điểm 1062, sức lực của đơn vị đã sứt mẻ khá nhiều, còn lại bao nhiêu sinh lực ta dồn vào cú chót, được ăn cả ngã về không. Đỉnh 1062 là một nấm mộ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên.
Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, thì lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi dành lại đỉnh 1062 nhiều lần, cứ như hai gã thanh niên cùng tranh dành một cô em gái thơm như múi mít, bên nào cũng đòi sở hữu em gái, không ai chịu nhường ai.
Cuối cùng thì Tiểu đoàn 8 ND cũng đã vớt được em gái khi toàn bộ Tiểu đoàn gom lại, rướn sức dấn lên lần cuối. Riêng Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng thì chẳng sơ múi được chút nào, mảnh pháo 130 ly đã phang gãy chân Hùng trong một đợt phản kích.
***
Thôi thì cũng cám ơn mấy ông thần ve chai đã ký cho Hùng tờ giấy đi phép. Từ ngày ra đơn vị đến giờ chưa khi nào Hùng được nhìn thấy mặt mũi tờ giấy phép. Nay bỗng dưng được đi phép bằng băng ca, xe GMC chở ra tận điểm cứu thương, lên trực thăng bay về Bệnh viện dã chiến ở căn cứ Non Nước, vài ngày sau lên C- 130 bay về Sài Gòn.
Chiều hôm ấy Hùng đã nằm yên ổn ấm cúng trên giường nệm êm ái, trắng tinh thơm tho trong Tổng y viện Cộng Hòa. Được ăn chén cơm nóng, nhắp ngụm Café thơm ngon, được rít một hơi thuốc Pallmall ém chặt khói vào lồng ngực, đời đẹp làm sao. Thôi tạm quên đi những gian khổ hiểm nguy mà các đồng đội vẫn còn đang phải gánh vác trên vai.
Sáng hôm sau bóng Hoàng Nga thấp thoáng ngoài hành lang, Hùng nhận ra ngay và lập tức chồm dậy nhảy phắt xuống giường. Nhưng Hùng ối lên một tiếng rồi ngã bật trở xuống, đầu dội vào vách tường. Hùng nghiến răng nhịn đau, mồ hôi toát ra trên trán. Chàng nghe như có ai thò hai tay vào chân chàng rồi vận sức bẻ ngang.
Hoàng Nga nhìn thấy tất cả, nàng luýnh quýnh chạy vội vào phòng, hai tay nắm lấy vai Hùng lắc lắc, nước mắt tuôn rơi :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi.
Hùng cố gượng nằm thẳng lại, đưa tay lên xóa những giọt nước mắt đang lăn trên má người yêu, miệng chàng lảm nhảm:
- Anh tưởng không bao giờ được nhìn thấy em lần nữa.
Bỗng sắc mặt chàng đầy vẻ hoang mang lo sợ, đây là thực hay là mơ hở trời ? Nếu đây chỉ là cơn mộng mị thì thật là khốn nạn. Hai tay Hùng nắm chặt lấy bàn tay của Hoàng Nga, áp sát lên ngực mình, sợ rằng đây chỉ là một cơn mơ mà thôi.
Từ ngày ấy phố xá bỗng xôn xao hơn, bình minh bỗng tươi sáng hơn. Hoàng Nga lơ là việc đèn sách, hai đứa dẫn nhau đi xem Ciné, ăn kem, dạo phố, chiếc nạng gỗ cũng không gây ra điều gì phiền muộn cho lắm. 17 Năm nay Hoàng Nga đã vào đại học, nàng xinh đẹp quyến rũ hơn với thân hình nảy nở, như không bằng lòng nép dưới lớp vải mong manh. Hùng càng say sưa chất ngất mỗi khi ngắm nhìn người yêu.
Người con gái Sài Gòn lớn dậy trong khói súng chiến tranh, quen dần đi dấu vết của bom đạn, nên lòng cũng tự dưng ngả về những người con trai đi giữa chiến tranh.
Hoàng Nga yêu say đắm người con trai ngang bướng này, nàng đã biết lo toan cho chàng, bắt chàng há to miệng để dốc những viên thuốc mà chàng rất lười uống thuốc theo toa Bác sĩ.
Thời gian thơ mộng của đôi uyên ương chỉ kéo dài được vài tháng, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 tang tóc bất ngờ đổ ập xuống…
Trại cải tạo Kà Tum năm 1978.
Vừa đi lao động về đến trại, người lấm luốc nhễ nhại mồ hôi, Tuấn ngồi xuống bên Hùng chưa kịp hỏi, Hùng đã nhìn bạn :
- Ổn rồi, hôm nay tao khai bệnh làm việc nhẹ, nhổ cỏ vườn lang. Tao đã nhấc mấy câyhàng rào lên, rồi bỏ hờ xuống. Nhưng sợi lạt trên cao thì không tháo được, sợ vệ binh trên chòi gác nhìn thấy. Thấy Tuấn đăm chiêu, Hùng nói thêm :
- Mấy hôm trước trời mưa, đất mềm ra, chỉ cần dạt mạnh chân rào là đủ Tuấn à. Toán 4 người tù cải tạo gồm có Hùng, Tuấn, Phương và Tâm đã âm thầm chuẩn bị từ hai tháng nay, và đêm nay sẽ là đêm khởi sự đột phá một cuộc vượt thoát tìm tự do.
Theo dự tính, sau khi vượt thoát khỏi trại cải tạo sẽ đâm về hướng Tây, nhắm hướng biên giới Campuchia, vượt qua chiều rộng của đất nước chùa tháp tiến về biên giới Thái Lan, bến bờ tự do như đang thấp thoáng trước mắt 4 người tù cải tạo.
Khâu khó khăn nguy hiểm nhất là làm sao lọt ra khỏi trại an toàn để lẩn vào rừng sâu. Sau mấy đợt vượt trại, họ đã bắt tù cải tạo chặt lồ ô về dựng thêm một lớp hàng rào thứ hai vây quanh trại. Họ bắt khai quang rộng thêm về phía sau trại nơi tiếp giáp với vườn khoai mì, nhất là khu vực nhà cầu lộ thiên.
An ninh trại tăng cường chặt chẽ hơn, hàng đêm có thêm vệ binh vác AK đi tuần chung quanh trại. Thỉnh thoảng tiếng chân dẫm lên cành cây, nằm ở trong lán vẫn nghe thấy rõ ràng. Những lộ trình và giờ giấc đổi ca của họ đã được ghi nhận chu đáo. Những diễn biến cho thấy họ tập trung sự chú ý vào phía sau lưng trại, nơi có vườn khoai mì xanh um rộng mênh mông sẽ là lá chắn an toàn cho cuộc vượt thoát.
Toán của Hùng quyết định đột phá nơi cánh trái, hơi trống trải nhưng đạt yếu tố bất ngờ. Ráng làm sao vượt qua được con suối cạn, vào được cánh rừng nơi hàng ngày vẫn đi chặt tre, chặt cây. Đường đi lối về trong khu rừng này đã rất quen thuộc. Ép sang bên phải để tránh cái sóc Thượng, sau đó thì sẽ có Chúa giúp sức, chưa bao giờ niềm tin nơi Thiên chúa lại dâng cao trong lòng anh em đến như vậy.
Cơm phơi khô là thực phẩm chính, đã kín đáo thực hiện từ lâu, muối đậu phộng đã trữ đủ, mỗi người giữ một ít thuốc trụ sinh, vài lưỡi câu cá chế từ giây kẽm, dao chế từ khung thép của chiếc ba lô rất bén. Hôm trước lẻn vào sóc Thượng đổi bộ quần áo được ít gạo và mè đen, anh em lại có thêm chút lương thực cho chuyến đi dài ngày này. Tấm vải đắp được biến chế thành chiếc võng, tiện và lợi cho lúc nghỉ ngơi và giấc ngủ ban đêm trong rừng.
Cả toán 4 người đã được anh Nguyễn bá Cừ, một người đã theo bố mẹ sinh sống và lớn lên ở Nam Vang từ thuở nhỏ, dạy cho một số câu tiếng Khờ me :
- Còm banh : Đừng bắn.
- Khò nhum rút pua Việt Cộng : Tôi chạy trốn Việt Cộng.
- Còn leng ní chia còn leng na ? Đây là đâu ?
Một Nhảy dù, một Biệt động quân, một Pháo binh, một Thủy quân lục chiến, nếu thả ra đọ sức trên chiến trường thì ta trội hơn địch. Nhưng nay trong thân phận gậm một khối căm hờn trong củi sắt, thì đành phải gặp thời thế thế thời phải thế.
Lính gác vừa đổi ca, tên vệ binh mới nhận ca gác vừa hoàn tất xong một vòng kiểm tra. Hùng và các bạn tuột xuống khỏi giường, ba lô gọn ghẽ lên vai. Hùng khom người thấp xuống nép vào cửa lán, nhìn ra ngoài trời tối đen như mực. Một cảm giác hồi hộp nén chặt lên lồng ngực, Hùng vội nuốt một miếng nước bọt lấy lại bình tĩnh. Chết thì thôi, có gì đâu mà sợ, đáng lẽ mình đã chết ở trận Thường Đức rồi cơ mà.
Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu xuất phát về phía sau. Hùng khom lưng, rùn chân thấp xuống, cẩn thận bước ra khỏi lán, mờ mờ trước mặt là dãy nhà bếp, lách sang bên trái nhà bếp, lọt ra phía sau là vạt trồng khoai lang. Hùng nghe rõ tiếng chân của mình và các bạn lạo xạo trên mặt đất. Hùng nép sát vào vách nhà bếp, nghe ngóng, vạn vật chung quanh vẫn chìm trong giấc ngủ sâu. Chàng đếm từ bìa trái của vạt khoai lang, luống khoai thứ 5 là lối áp sát vào vị trí đã chọn dưới chân hàng rào. Tín hiệu an toàn từ phía sau truyền lên theo sợi dây đến tay chàng. Hùng nằm sát xuống đất, trườn người tới phía trước, người chàng lọt vào giữa hai luống khoai lang, chàng nghe bên tai tiếng sột soạt trườn người của các bạn từ phía sau.
Hùng với tay về phía trước mò mẫm vào chân hàng rào lồ ô, đúng nó đây rồi. Chàng nâng nhẹ gốc lồ ô lên, gạt nhẹ qua một bên. Gạt cả hai gốc lồ ô giạt sang hai bên mà vẫn chưa đủ khoảng trống cho thân người lọt qua. Hùng vận sức vào cánh tay đẩy gốc lồ ô giạt mạnh sang một bên, cọng lạt ở phía trên bục lên một tiếng, gốc lồ ô nhích sang một bên tạo thành một lỗ hổng vừa vặn cho thân người chui lọt.
Hùng luồn cả người qua và đụng đến lớp hàng rào thứ hai. Lớp lồ ô này mới làm nên cứng quá, nằm không có đủ thế để nhổ nó lên, Hùng đành phải ngồi dậy, quì hai đầu gối xuống đất, vận sức vào hai tay hết sức nhổ gốc lồ ô lên. Nhờ mấy hôm trước trời mưa tầm tã nên đất mềm ra, chàng nhổ luôn hai gốc lồ ô lên không khó khăn lắm. Nhưng chàng giạt nó ra không nổi, sợi lạt bên trên còn mới nên dai và chắc, ghì chặt hai cây lồ ô lại với nhau. Hùng thử dùng vai đẩy gốc lồ ô, tiếng vỏ lồ ô cọ sát kêu lên tiếng cọt kẹt. Hùng điếng người, lỡ ăn thua rồi, Hùng đổi vai sang gốc lồ ô bên kia, đẩy mạnh. Tiếng kọt kẹt lại dội lên, nhưng hai lần kọt kẹt cũng mở được một lỗ hổng. Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu về phía sau, rồi chàng trườn qua khe hàng rào lọt ra ngoài. Nhanh như cắt, chàng khom người băng qua khoảng trống, ẩn mình vào đám cỏ phía bên kia vệ đường.
Bên trong lán, tim của các bạn yểm trợ cho toán vượt trại thót lên những nhịp đập dồn dập, căng thẳng. Không gian im phăng phắc, đêm đen phẳng lặng như tờ. Có ai đó vừa nuốt nước bọt.
Bỗng một loạt AK dội lên chát chúa, xé toang màn đêm.
Có tiếng người rên lên :
- Thua rồi, trời ơi !
Nhiều loạt AK nối đuôi nhau, tiếng quát tháo vang lên lồng lộng :
- Chúng nó vượt trại. Bắn ! bắn !
Tiếng chân người chạy rầm rập về phía con suối.
Hùng vùng người dậy phóng về phía trước, chàng dồn hết sức lực vào đôi chân, lao đi thật mạnh. Chạy được một quãng, đang trên đà lao người về phía trước, thình lình chàng vập mạnh vào một gốc cây. Hùng văng người qua một bên ngã sòng soài trên mặt đất. Chàng vội chồm ngay dậy, rướn người lên lấy đà chạy tiếp. Bỗng chàng nghe đau nhói trong ống quyển. Cái chân gãy ngày xưa ở trận Thường Đức, chàng vội đổi chân trụ sang bên kia, vọt lên. Nhưng khi cái chân gãy vừa chạm đất thì chàng cũng chúi xuống theo, gượng lại không được nữa rồi.
Một loạt AK nổ vang từ phía sau. Hùng nghe có những viên đạn đi qua người mình. Người chàng bị hất văng xuống đất, chàng thấy sao tự dưng mình mệt thế này, thở không ra hơi nữa. Trước mắt chàng lờ mờ hiện ra khuôn mặt của bố mẹ, của Oai, của Hương, các em của chàng, rồi khuôn mặt ngàn đời yêu dấu của Hoàng Nga đang đăm đăm nhìn chàng ướt sũng một trời thương yêu.
Tiếng chân người dồn dập chạy tới bao quanh Hùng, ánh đèn pin rọi chói chang vào mặt chàng.
- Các đồng chí khẩn trương truy bắt ba thằng kia, thằng này để tôi lo.
- Mẹ kiếp, chống đối cải tạo hả, phản động hả, muốn chết tao cho mày chết. Họng AK hạ xuống kê sát vào thái dương Hùng, xiết cò…
Hoàng Nga bỗng giật mình thức giấc, nàng nghe như vừa rồi có tiếng súng nổ. Tự dưng nàng liên tưởng tới Hùng, người con trai bướng bỉnh mà nàng đã yêu say đắm. Một nỗi lo lắng, một linh cảm kỳ lạ xâm chiếm hồn nàng. Người nàng bỗng nhiên lạnh ngắt, rùng mình, nàng bật kêu lên :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi !
30-4-2005.
Vũ Đình Hải KBC 3119.
hoiquanphidung.com
Biên Hùng chuyển
Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù.
“ Gởi theo hương hồn Nguyễn Quốc Hùng, Sinh viên năm thứ hai Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Thiếu úy Trung đội trưởng, Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND. Một trang thanh niên tuấn tú đã gục ngã dưới lằn đạn của đối phương trong chuyến vượt trại không thành tại trại cải tạo KàTum, năm 1978. "
***
- Anh Hùng ơi, cậu Thịnh nói tình yêu là một trò cút bắt giống như cái bóng của chính mình.
Khi mình chạy nó chạy theo, khi mình dừng nó cũng ngừng lại, có đúng vậy không anh ?
Hùng lẩm bẩm trong miệng :
- Lại cậu Thịnh, cái gì cũng cậu Thịnh.
Hoàng Nga nghiêng nghiêng khuôn mặt :
- Anh nói gì vậy anh Hùng, nói lớn lên cho em nghe với.
Hùng lướt trên khuôn mặt xinh đẹp nét thiên thần tựa mẹ Maria, lòng bỗng dâng lên một niềm yêu thương vô bờ bến, chàng dịu dàng:
- Cũng tùy thôi Hoàng Nga ơi. Hoàng Nga không thấy người ta yêu nhau rồi cưới nhau hà rầm đó sao, bóng với hình cũng gặp nhau đó chứ. Như là anh với Hoàng Nga đây này.
Hùng ngừng nói, chàng dõi theo ánh mắt Hoàng Nga đang mơ màng trôi theo đám mây trắng lững lờ trên nền trời xanh của Sài Gòn hoa lệ. Phía dưới kia là đại lộ Lê Lợi, ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Hùng đẩy nhẹ ly kem đến gần nàng hơn và nói :
- Hoàng Nga, em ăn kem đi chứ, kem chảy hết rồi kìa.
- Vâng, mà anh cũng ăn đi chứ, ly kem của anh còn nguyên kìa.
Hùng tủm tỉm cười :
- Nãy giờ ngắm mắt môi Hoàng Nga, anh no rồi chẳng còn thiết ăn uống gì nữa.
Hai má Hoàng Nga chợt đỏ bừng, nàng bẽn lẽn cúi xuống tránh ánh mắt chứa chan yêu thương của Hùng.
Hùng lái xe đưa Hoàng Nga về đến đầu con ngõ. Hoa phượng vĩ đã trải đầy trên lối đi một màu đỏ của kỷ niệm, của bàn ghế học trò.
Hoàng Nga xuống xe, bước lại bên Hùng nhỏ nhẹ :
- Em về nha Hùng ơi, thứ bảy anh nhé.
Hùng ân cần :
- Chịu khó học bài nghe Hoàng Nga, sắp thi rồi đó. Trước khi học bài nhớ gọi lớn anh Hùng ơi, mau thuộc bài lắm đó.
1Hoàng Nga nắm tay Hùng cười lớn :
- Anh khôn quá trời Hùng ơi.
Hùng rồ ga phóng xe về số 4 Duy Tân, Trung tâm sinh hoạt CPS. Năm nay trường Luật sửa sang và nới rộng thêm nên phải di tản qua các cơ sở khác, thày trò kéo nhau qua số 4 Duy Tân học ké.
Không khí giảng đường dạo này ngột ngạt lạ thường. Không phải vì lạ nhà lạ cửa, mà vì cuộc chiến bùng lên dữ dội quá. Báo chí, đài phát thanh dầy dặc những tin tức chiến sự. Những cuộc phản công mãnh liệt của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buộc địch quân phải rời bỏ vị trí, tan tác chạy ngược về phía rừng sâu. Hình ảnh oai hùng của những người lính trẻ đứng tươi cười trên những chiếc T.54 gãy gọng làm nức lòng toàn quân, toàn dân khắp cả nước. Trên mặt báo Tiền Tuyến ngày nào cũng cho in hình ảnh chiến trường khói súng mù mịt, cảnh quân ta xung phong dưới lằn mưa đạn, cảnh các chiến sĩ dìu đồng bào về tuyến sau an toàn.
Lạ thật, trong suốt một cuộc chiến dài đăng đẳng như thế, mỗi khi có giao tranh, có bom đạn gầm thét là người dân chỉ chạy về một phía, chẳng bao giờ chịu chạy về phía bên kia…
- Cậu Thịnh ơi, tí nữa cậu sang nhà cháu, giảng dùm cháu bài toán nhé.
- Bây giờ cậu đang bận, để tí nữa cậu sang.
- Cháu để dành cho cậu ổi xá lị và muối ớt, sang ngay kẻo hết cậu nhé.
Hoàng Nga nhảy chân sáo về nhà, lòng nhẹ nhõm vì bài toán của nợ ấy nàng vừa bán cái cho cậu Thịnh xong, khỏi phải suy nghĩ cho mệt óc. Nàng chúa ghét môn toán, cộng trừ bớt một thêm hai sao nhỏ nhen quá. Mấy cái công thức, định lý ôi sao mà rắc rối xương xẩu, khó nuốt quá trời. Chẳng bù với môn Văn chương, khỏi cần học cũng thuộc. Những vần thơ óng ả len nhẹ vào hồn làm rung động trái tim mới hé nụ hồng, chưa kịp học thì thơ đã nằm ngoan ngoãn trong lòng rồi.
Hôm nọ cậu Thịnh sang chơi, quà cho bé tập thơ Áo Lụa Hà Đông, cậu Thịnh bảo bài thơ này hay lắm, cậu tặng riêng cho Hoàng Nga để thưởng thức.
Ôm tập thơ vào lòng, Hoàng Nga vội vã chạy vào phòng. Nàng kê gối nằm lên giường và cẩn thận mở tập thơ ra đọc.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh thay mực cho vừa màu áo tím.
Chỉ cần ngâm nga vài câu thơ tình tự khéo léo này, bao ưu phiền bỗng chấp cánh bay xa. Còn lại ta với miên man huyền ảo của màu tình yêu.
Hoàng Nga cảm nhận bài thơ này tuyệt vời gấp bội, vì cậu Thịnh đã bảo rằng bài thơ này hay lắm mà. Cái gì cậu Thịnh bảo đẹp thì chắc chắn phải là đẹp, bảo hay chắc chắn phải là hay, điều này thấm trong lòng Hoàng Nga tự bao giờ không biết. Dưới mắt nàng, cậu Thịnh là một cánh đại bàng bay lượn trên cao, nàng chỉ là một con cá bé tí teo dại khờ, thỉnh thoảng ngóc lên mặt nước há miệng đớp một hớp bóng nước, mà cậu Thịnh là cả một bầu trời xanh thẳm bên trên.
Thịnh vẫn ở chung nhà với bố, Lan là chị cả của Thịnh, hai chị em thân nhau từ thuở bé. Sau khi lập gia đình, chị Lan vẫn giữ tình thân thiết với đứa em trai út của mình. Hai nhà cách nhau một con phố, mỗi khi nhà nấu món gì ngon ngọt, Lan đều sai con sang mời cậu Thịnh. Thịnh thương chị, rảnh rỗi chàng lại ghé sang thăm, sẵn dịp kèm cặp thêm cho các cháu về việc học hành. Vốn văn hay chữ tốt, tính tình lại dễ dãi nên các cháu rất quí mến Thịnh.
Hôm nay Thịnh rảnh rỗi nên ghé thăm chị Lan. Thịnh và chị Lan đang trò chuyện trong phòng khách thì Vân đi học về. Vừa bước vào nhà Vân đã chu chéo lên khi nhìn thấy Thịnh :
- Cậu Thịnh ơi, chết rồi cậu ơi.
- Thịnh hơi hoảng:
- Chuyện gì vậy Vân, nói cho cậu nghe nào.
- Hồng Loan, nhỏ bạn của cháu, nó hỏi thăm cháu về cậu. Nhỏ Loan là hoa khôi của lớp cháu đó nhe cậu. Quân từ trong nhà bước ra, góp chuyện :
- Hôm trước chị Khanh con bác Quý cũng hỏi thăm cháu về cậu đấy. Sao cậu nhiều mối thế. Thịnh nhe răng cười :
- Lắm mối tối nằm không cháu ạ. Hoàng Nga đang đọc sách bên khung cửa sổ, nàng gấp sách rồi nhè nhẹ quay lại nhìn. Nàng tò mò ngắm nghía Thịnh. Hôm nay Thịnh mặc một chiếc áo Polo ngắn tay để lộ những bắp thịt rắn chắc. Đôi chân mày rậm, hàm răng trắng đều như những hạt bắp non. Khuôn mặt và thân thể chàng trai toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Hoàng Nga nghe tiếng tim mình đập sai nhịp mất rồi, nàng bỗng cảm thấy hai tai mình nóng bừng lên. Hoàng Nga vội chúi đầu vào trang sách, sợ ai đó nhìn thấy thì xấu hổ chết đi được.
Từ cái hôm bất chợt nghe hồn mình như tròng trành xao xác, Hoàng Nga tưởng nhớ đến cậu Thịnh luôn, chỉ mong sao gặp bài toán khó để réo cậu Thịnh sang, hỏi han hành hạ cho đỡ nhớ. Nàng bỗng thấy bài thơ Áo Lụa Hà Đông hay vô vàn, nàng đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thấy thấm thía hơn, bài thơ sao mà lãng mạn dễ yêu đến thế.
Bỗng nhiên Hoàng Nga tự hỏi :
- Tại sao cậu Thịnh lại tặng mình cuốn thơ này nhỉ ?
Và rồi nàng bỗng thẹn thùng, một nỗi hạnh phúc bất chợt reo lên trong lòng khi nàng tự trả lời câu hỏi của chính mình…
Mấy hôm nay mẹ bận liền tay. Mẹ đi chợ mua sắm thức ăn để chuẩn bị nấu những món ăn hợp khẩu cho cậu Thịnh. Mẹ nhẩm tính thế nào cũng phải có món cà-ri ăn với bánh mì để mọi người dùng chung. Không thể thiếu món xôi gấc vì cậu Thịnh rất mê món này, nhưng phải do chính tay mẹ nấu. Những món nấu riêng cho cậu Thịnh thì gồm có giò dim với muối tiêu có thể dùng lâu được. Dưa mắm, chà bông thì rất thuận tiện, ở đâu lúc nào cũng có thể làm thức ăn với cơm được. Cá lóc kho tộ để Thịnh có thể dùng ngay trong vài ngày. Soài mùa này đang rộ, ngọt lịm thơm ngon, đem lên cho Thịnh một chục, cậu ăn cho thỏa thích.
Thấy mẹ lo lắng chắt chiu cho cậu Thịnh từng li từng tí, Hoàng Nga cảm động vô cùng, nàng đùa với mẹ :
- Mẹ cứ làm như người ta bỏ đói cậu Thịnh không bằng. Lan cười thật hiền lành :
- Nếu bà ngoại còn sống thì mẹ đâu có phải lo lắng cho cậu Thịnh như thế này. Lan chợt nhớ lại thuở thơ ấu ngày xưa, bố mẹ nhọc nhằn nuôi cả một đàn con thơ dại. Thằng cu Thịnh út ít, cả nhà ai cũng cưng chiều thương yêu, thoáng bây giờ đã khôn lớn trưởng thành như thế này đây.
Sáng hôm nay Hoàng Nga đem về nhà chiếc áo dài mà nàng đã đặt may từ hai tuần trước. Chiếc áo màu xanh may bằng vải lụa rất mềm mại, phía trước ngực điểm vài cánh hoa phượng vĩ nổi bật trên nền xanh của áo. Sáng nay khi nàng mặc thử chiếc áo, bà chủ tiệm may đã phải tấm tắc khen ngợi :
- Thân hình của cô đẹp quá, chiếc áo này thật xứng với cô. Tôi ưng ý lắm.
Hoàng Nga ngắm nghía mình rạng rỡ trong gương. Màu áo lụa ôm sát lấy tấm hình hài đang bừng lên sức sống của nàng. Lớp vải lụa mềm mại mong manh như thăng hoa cho bộ ngực no tròn đang ngượng ngùng vươn vai. Hai bên hông cắt hơi xích lên trên để lộ làn da trắng ngần mời mọc. Màu xanh của áo làm nổi bật chiếc cổ cao thon, mềm mại trống trải chạy xuống vùng ngực phập phồng làm nghiêng ngả lòng người.
Nàng thì thầm :
- Cậu Thịnh ơi, Nga mặc chiếc áo này cho cậu đấy. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường, cậu còn nhớ chứ.
Suốt đêm chập chờn với cơn ngủ khó dỗ, Hoàng Nga thấp thỏm đợi chờ, trời vừa sáng là nàng tót ngay xuống giường, vội vã đánh răng rửa mặt. Nàng nghe tiếng động vang vang bên ngoài phòng khách, bố mẹ đang chuẩn bị tay xách nách mang. Sau khi mặc xong chiếc áo dài còn thơm mùi lụa mới, Hoàng Nga soi bóng mình trong gương, bỗng nàng nảy ra một ý nghĩ. Nàng lẻn sang phòng của mẹ, lục bàn phấn, thoa trộm một chút phấn hồng lên hai má.
Hoàng Nga mở cửa bước ra phòng khách. Mẹ ngước lên nhìn. Ngạc nhiên và thích thú, mẹ nói như reo lên :
- Trời ơi, con của mẹ hôm nay xinh quá.
Bố thấy vậy cũng dừng tay nhìn con gái :
- Ái chà, con bé lọ lem của bố nay đã thành nàng công chúa xinh đẹp rồi đấy, chóng thật. Hoàng Nga e thẹn ngồi thụp xuống bên mẹ, mẹ vội ngăn lại :
- Để mẹ làm được rồi con ạ, đứng lên đi con. Đừng làm nhăn quần áo, mất đẹp.
Sáng hôm nay nắng ấm chan hòa trên đồi Tăng Nhơn Phú. Nhộn nhịp bước chân người, những khuôn mặt tươi cười như hoa, lòng Hoàng Nga rộn lên một nỗi ngóng trông. Khu tiếp tân náo nhiệt với những tà áo muôn màu muôn vẻ, thấp thoáng những bộ Quân phục màu lá cây rừng. Xa xa trên sân khấu, một chàng trai Quân phục chỉnh tề, nón nhựa cầm tay đang cất tiếng hát :
“…Sao em không đến chiều nay thứ bảy
Sao em không lại đường vắng em đi
Sao em không lại sao em không lại
Quân trường riêng tôi đứng đây…”
Bố nặng trĩu hai tay hai giỏ đựng đầy đồ ăn, trái cây, mà vẫn phom phom dẫn trước, mẹ và Hoàng Nga phải rảo bước thật nhanh mới theo kịp. Bố dừng lại, quay sang bảo với Hoàng Nga :
- Nga, con viết tên cậu Thịnh vào một tờ giấy, rồi đem lại bàn tiếp tân nhờ các cậu ấy gọi trên loa phóng thanh, nhắn cậu con ra. Bản nhạc vừa dứt, một tràng pháo tay ròn rã kéo dài. Tiếp theo là lời thông báo :
- Sinh viên Sĩ quan Nguyễn Tuấn Thịnh, Đại đội 11 ra khu tiếp tân có người yêu đến tìm. Hoàng Nga sững người, rõ ràng nàng ghi trên giấy là có thân nhân đến tìm, sao bây giờ lại là có người yêu đến tìm. Dẫu sao một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cũng bất ngờ xâm chiếm hồn nàng. Các cậu Sinh viên Sĩ quan này thật là láu lỉnh và… thông minh.
Hoàng Nga thơ thẩn dõi mắt theo con đường hai bên có hai hàng cây dương xanh ngát dẫn ra khu tiếp tân. Nàng để ý có một người mặc Quân phục đứng lạnh lùng bên lề đường, hai tay chống nạnh, mặt hất lên trời. Bóng một người khác từ xa đi tới. Tiếng hét tuy xa nhưng vẫn văng vẳng đến tai Hoàng Nga :
- Đàn em ra khu tiếp tân mừng quá không chào Huynh trưởng hả ? Bóng người kia khựng lại, đứng nghiêm dơ tay chào. Tiếng quát vang lên :
- Làm 50 cái hít đất.
Bóng người kia đổ xuống mặt đường, lên lên xuống xuống. Người ấy đứng lên, lại nghiêm chỉnh dơ tay chào. Lại nghe tiếng hét :
- Đàn em yếu đuối lắm, nói nhỏ như vậy đàn anh không nghe thấy gì hết, gào to lên. Tiếng gào lần này như cọp rống :
- Thi hành lệnh phạt xong, chờ lệnh huynh trưởng. Bóng người thất thểu bước nhanh, không dám ngoái đầu nhìn lại. Người kia vẫn đứng đó, tiếp tục chống nạnh, hất mặt lên trời, chờ đợi.
Hoàng Nga hoang mang, cùng là lính với nhau sao mà ác thế, tội nghiệp anh chàng kia hiền lành quá, gặp Hoàng Nga thì…đừng có mong.
Hoàng Nga bỗng tê tái khi nghĩ đến cậu Thịnh, nếu cậu Thịnh cũng bị ăn hiếp như vậy thì… trời ơi.
Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ miên man :
- Hoàng Nga lại đây, cậu Thịnh đây rồi con. Hoàng Nga cuống quít quay lại. Bỗng nhiên mắt nàng hoa lên, tim đập mạnh, một nỗi hoảng hốt chèn vào cổ họng nàng khi Hoàng Nga nhìn thấy cậu Thịnh đang nắm tay một người con gái mặc váy đầm, tươi cười trò chuyện với bố mẹ nàng. Cậu Thịnh nhìn Hoàng Nga tấm tắc khen :
- Chao ôi hôm nay Hoàng Nga xinh đẹp quá.
Rồi cậu Thịnh quay sang người con gái, giới thiệu :
- Đây là Diễm, bạn gái của cậu.
Thịnh giới thiệu Hoàng Nga với Diễm :
- Còn đây là Hoàng Nga, cô cháu dễ thương của Thịnh.
Diễm ngắm Hoàng Nga rồi khen :
- Hoàng Nga xinh quá, và chiếc áo dài cũng thật tuyệt vời. Diễm nghe anh Thịnh nói chuyện về Hoàng Nga đã lâu, nay mới có dịp gặp gỡ Hoàng Nga. Hoàng Nga lặng người đi, chả biết nói sao bây giờ, nàng lí nhí trong miệng :
- Dạ chào chị ạ.
Cậu Thịnh trìu mến nhìn Diễm rồi quay sang Hoàng Nga :
- Diễm cũng là con cháu hai bà Trưng đấy Hoàng Nga ạ, bây giờ thì Diễm đang học bên Đại học Sư Phạm.
Hoàng Nga đứng nép sau lưng mẹ. Trong lúc mọi người trò chuyện, nàng lặng lẽ quan sát người yêu của cậu Thịnh. Khuôn mặt chị Diễm trông thật khả ái. Chị có đôi mắt to, đen nhánh. Miệng lúc nào cũng sẵn sàng nở một nụ cười, hai bên má lúm đồng tiền khiến nụ cười lại thêm duyên dáng. Chiếc váy màu đen thả những nếp ly chạy từ trên xuống, vừa quá đùi một chút đã vội vã ngừng lại để khoe đôi chân thon dài cân đối. Chiếc áo pull màu xanh da trời khoét hơi sâu nên gió ban mai được dịp mơn trớn trên làn da trắng nuốt, nhô cao của bộ ngực đang căng phồng nhựa sống. Mái tóc đen nhánh uốn bồng bềnh xuống ngang vai, trông chị thật khuê các. Hoàng Nga có cảm giác như mình vừa tuột tay đánh rơi một vật rất thân thiết, vô cùng quí giá. Trong cơn hụt hẫng, nàng thấy nhói trong tim một cơn đau thật buốt…
Làn gió mát thổi trên mặt sông Sài Gòn cũng không xua tan nổi áng mây mù đang che phủ tâm tư rối bời. Hoàng Nga thả đôi mắt sang bên kia bờ sông, mấy dãy nhà sàn bên kia bờ Thủ Thiêm trông siêu vẹo thảm thương có khác gì lòng Hoàng Nga bây giờ. Hùng bất giác thở dài, chàng nhìn thật sâu vào đôi mắt của Hoàng Nga:
- Mấy hôm nay em có chuyện buồn, phải vậy không Hoàng Nga. Em có thể kể cho anh nghe với được không ? Hãy cho anh chia xẻ chút ưu phiền với em, được không hở Hoàng Nga ?
Hoàng Nga khe khẽ lắc đầu, nàng bỗng thấy trong mắt Hùng ánh lên một nỗi lo lắng chân tình, một nỗi thương yêu dạt dào. Nàng chợt thấy mình có lỗi với Hùng thật nhiều. Hoàng Nga nắm lấy bàn tay Hùng, nàng ngước mắt lên nhìn :
- Anh Hùng, em xin lỗi anh.
Hùng ôn tồn dịu dàng :
- Đừng em, Hoàng Nga đâu có lỗi gì với anh.
Hùng thấy một nỗi yêu thương ngút ngàn dâng ngập trong lòng. Chàng bỗng thấy khát khao được đặt một nụ hôn lên khuôn mặt kiều diễm của người yêu, và chàng đã không kềm lòng được nữa rồi. Mùi thơm của tóc, của mắt môi yêu dấu đã nhận chìm Hùng trong biển cả yêu đương…
Hôm cậu Thịnh tốt nghiệp khoá Sĩ quan trừ bị trường Bộ binh Thủ Đức, Hoàng Nga cáo bệnh nằm ở nhà, bố mẹ và hai em Vân, Quân đón xe đi từ sáng sớm. Hoàng Nga thấy hồn mình dật dờ khi nghe mẹ chuẩn bị lo toan cho đám hỏi của cậu Thịnh và chị Diễm. Mẹ dự tính may cho cậu Thịnh một bộ Vest, đóng cho cậu một đôi giày mới, mẹ đã đi dọ hỏi chỗ cho mướn khay quả.
Nhưng mọi lo toan của gia đình chợt gãy đổ, chỉ 6 tháng sau ngày mãn khóa, tin từ mặt trận đưa về báo tin cậu Thịnh đã tử trận. Tin dữ làm mọi người không nhấc nổi tay chân. Người khóc tả tơi nhất là mẹ. Tội nghiệp mẹ, mới hôm trước hôm sau đã thấy mẹ già xọm hẳn đi.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mùa hè năm 1972, nhà quàng chật cứng những quan tài gói ghém hình hài của các tử sĩ từ mọi nơi đưa về. Tiếng khóc than, tiếng kể lể, tiếng nấc nghẹn, tiếng gào thống khổ làm rung rinh cả những chiếc áo quan phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Chiến sự còn kéo dài nên người ta cho đào sẵn những dãy huyệt chạy dài trên triền đồi. Đào đến bao nhiêu mới ngừng thì chỉ có trời mới biết. Còn tiếng bom đạn rung chuyển đất trời thì còn đào huyệt cho hình hài tử sĩ.
Chị Diễm vật vã khóc than điên loạn bên chiếc quan tài phủ kín thân xác cậu Thịnh. Hoàng Nga nước mắt ràn rụa ôm lấy hai vai chị Diễm, ước sao được san xẻ nỗi thống khổ của chị.
Hoàng Nga đã khóc hết nước mắt, mắt nàng sưng tấy lên một màu đỏ, nàng đã khóc như chưa bao giờ được khóc… - Thế là hết cậu Thịnh ơi, nhưng cậu sẽ mãi mãi trong trái tim nhỏ bé này, cậu ơi…
Quân Mỹ đã cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tình hình chiến sự bỗng lan rộng, bùng lên khốc liệt. Do nhu cầu chiến trường cần bổ xung một số lượng lớn Sĩ quan cho toàn Quân đội, một lệnh Tổng động viên mới, vừa được ban hành.
Giới hạn tuổi để được hoãn dịch vì lý do học vấn bị giảm xuống 1 năm. Tin tức nóng hổi này lan nhanh vào giảng đường như một quả bom, không sát thương một ai nhưng làm sụp đổ biết bao mộng đẹp của các chàng Sinh viên. Công lao bao nhiêu năm cố công học hành, thức đêm dậy sớm, nay tan tành theo mây khói. Con đường tương lai đang thênh thang rộng mở bỗng nhiên bị chận lại bởi một lớp hàng rào kẽm gai có mìn, có lựu đạn gài, có thịt da vung vãi trên đất cát.
Các cô Sinh viên ngơ ngác nhìn nhau, giảng đường vắng hẳn đi như gánh hát về khuya, không còn cảnh đi học thật sớm để xí chỗ, hết rồi hình ảnh các chàng sinh viên ngồi đong đưa trên khung cửa sổ vì…hết chỗ.
Người ở lại ngậm ngùi lo lắng cho người ra đi, trong đó có bạn bè, có người tình…
Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ không hứng nổi số lượng thanh niên nhập ngũ đột ngột tăng vọt quá lớn, nên Quân trường nào vừa có chỗ trống là gởi người đi ngay. Số còn lại tạm thời cho về phép 2 tuần một lần, giữ các cậu ở lại vừa phải lo nơi ăn chốn ở, vừa phải ngậm đắng nuốt cay với các trò tinh nghịch của lũ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.
Các khóa đào tạo Sĩ quan trừ bị không còn phải qua giai đoạn I Tân binh tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung nữa, mà được đưa thẳng vào trường Bộ binh Thủ Đức hoặc Trung tâm Huấn luyện Đồng Đế, Nha Trang. Trước kia Đồng Đế là Trung tâm Huấn luyện Hạ sĩ quan, nay cải tổ kiêm luôn chức năng huấn luyện đào tạo Sĩ quan cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hầu hết các Sinh viên Sĩ quan trừ bị được gọi theo lệnh Tổng động viên năm 1972 đều là các Sinh viên ưu tú của các trường Đại học, người thì đang theo học năm thứ ba Đại học, người bét nhất cũng đang theo học năm thứ nhất Đại học.
Giã từ trường Luật, Hùng lên đường nhập ngũ bỏ lại sau lưng con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Trước một đổi thay bất ngờ lớn lao như thế, người ta phải e ngại, nhất là bước chân vào đời Quân ngũ thì lành ít dữ nhiều. Tự nhiên Hùng thấy lo âu cho cuộc tình của mình với Hoàng Nga.
Hùng cố gắng kéo dài những ngày tháng ở Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ để lấy phép về thăm Hoàng Nga, đưa người yêu đi đây đi đó, như sợ không còn có dịp nào nữa. Hai đứa quấn quít nhau chẳng rời. Hùng cứ hay nhìn sâu vào mắt người yêu mà đắm đuối, nặng trĩu yêu thương. Hùng giữ kỹ những hình ảnh ấy và sẽ đem theo với nỗi nhớ thương vào miền đất xa xôi..
Suốt thời gian huấn luyện ở trường Bộ binh Thủ Đức, tuần nào Hùng không về phép thì Hoàng Nga lại lên thăm người yêu, cũng tay xách nách mang, con gái đã đẹp còn có dáng đảm đang nữa, càng nghĩ càng thương. Tuần nào Hùng được về phép, đoàn xe GMC vừa dừng bánh trên đường Tú Xương, Hùng đã vội vã nhảy xuống vẫy tắc xi đi tìm Hoàng Nga ngay, cứ như tình để lâu sẽ nguội không bằng.
Hiệp định Paris năm 1973 với giải pháp ngưng bắn da beo, các Sinh viên Sĩ quan được đưa về các địa phương xa xôi làm công tác dân vận. Các đợt đi chiến dịch khiến thời gian thụ huấn kéo dài thêm vài tháng. Sau khi chấm dứt thời gian đi chiến dịch, Hùng trở về Quân trường Thủ Đức để tiếp tục huấn luyện. Một hôm cả Tiểu đoàn Khóa sinh của Hùng được lệnh tập trung lên hội trường, các phái đoàn đại diện cho các quân binh chủng đến gặp gỡ để giới thiệu và tuyển mộ.
Vốn cao to, khỏe mạnh lại đẹp trai, Hùng dễ dàng được nhận về Binh chủng Nhảy Dù. Chiều hôm ấy Hùng xuống khu sinh hoạt tìm mua một cái huy hiệu nho nhỏ vuông vuông, có hình con ó xinh xinh, chàng gắn lên nắp túi cho thỏa chí tang bồng. Hà hà, từ nay ta đã là Chiến binh Sư đoàn Nhảy Dù rồi đó nhé.
Mãn khóa trường Bộ binh Thủ Đức. Hùng và các bạn theo đoàn GMC về trình diện Bộ tư lệnh Sư đoàn Dù trong trại Hoàng Hoa Thám, được thông báo chuẩn bị tinh thần, gân cốt cho khóa huấn luyện nhảy dù sẽ ướt đẫm mồ hôi sắp tới. Hùng xuống chợ Sư đoàn tìm mua ngay một bộ quần áo hoa Dù và một chiếc Beret đỏ. Ngắm nghía trước gương, Hùng thấy mình oai phong lẫm liệt hẳn ra.
Chiều hôm ấy, Hùng diện ngay bộ quần áo hoa Dù và chiếc nón đỏ về thăm gia đình. Gần bữa cơm chiều nên mọi người quây quần đông đủ. Vừa bước vào nhà, mẹ chàng đã tròn mắt lên nhìn, Hùng nghĩ bụng chắc mình oai quá nên mẹ ngạc nhiên đó thôi. Mẹ quay vào phòng trong, gọi bố trong tiếng lo lắng khác thường :
- Bố nó ơi ra mà xem thằng Hùng này.
Tiếng cửa phòng bật mở, bố bước ra nhìn Hùng chăm chăm mà chưa nói gì. Hùng vội vã chào bố mẹ, chàng thoáng hiểu ngay có bầu không khí ngột ngạt này là vì chàng đã cố tình quên câu cá không ăn muối cá ươn.
- Ông bảo rằng ông đã gởi gấm con kỹ lắm rồi mà, sao bây giờ nó về Nhảy Dù hở ông ?
Bố nhìn Hùng, chậm rãi nói :
- Bố đã nói với con rồi mà Hùng, bố đã sắp xếp để đưa con về Tiểu khu Gia Định, sao con lại tình nguyện về Nhảy Dù mà không nói cho bố biết trước hở con ?
- Bố ơi, con không thích đi lính Địa phương quân. Con đã chọn từ lâu rồi, nếu phải đi lính, con sẽ chọn Binh chủng Nhảy Dù.
- Mình xin đổi bây giờ còn kịp không hở ông ? Mẹ bồn chồn hỏi bố.
- Chậm mất rồi, vì người ta luôn luôn ưu tiên cho những người đã chọn Binh chủng từ giữa khóa học.
- Vậy thì bây giờ phải làm sao hở ông ? Mẹ hỏi dồn bố.
- Mẹ nó đừng quá lo lắng như vậy, việc này để tôi lo.
Hôm sau Hùng và các bạn về trình diện Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù, trong trại Hoàng Hoa Thám kế bên phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tuần lễ chật vật đẫm ướt mồ hôi, toàn thân rã rời, buổi tối về nhà lúc lên giường ngủ, phải dùng hai tay khe khẽ đặt người nhè nhẹ lên giường, vậy mà vẫn còn cảm thấy xương cốt vỡ vụn đau nhức.
Giai đoạn cuối cùng là nhảy dù từ trên máy bay. Hùng thích lắm cái cảm giác bồng bềnh trôi trong không gian, thấy đất trời tròng trành nghiêng ngả như vừa uống xong 1 thùng bia. Vừa lao ra khỏi phi cơ, Hùng bắt đầu đếm : - một chai lade, hai chai lade, ba chai lade.
Đếm tới đây nếu dù không mở thì phải mở ngay dù bụng, nếu chần chờ sẽ tan xương nát thịt. May quá, một tiếng bục nhỏ vang lên, dù bắt đầu từ từ mở để bọc gió. Người Hùng như bị níu lại. Hai tay vươn lên nắm lấy đai dù, làm động tác khám dù, kiểm soát an toàn, sau đó thong thả nhìn chung quanh ngắm các cánh dù của bạn bè. Nhìn xuống bãi đáp khu ấp Đồn, những mái nhà tranh ẩn hiện trong hàng cau xanh mướt, những thửa ruộng xanh ngắt vuông vắn như ô vuông bàn cờ. Những con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ bên cạnh những mồ mả nhọn hoắt. Mặt đất càng lúc càng gần hơn, Hùng co chân, lấy thế sẵn sàng. Chân vừa chạm đất, Hùng ngã người lộn một vòng rồi đứng dậy nhẹ nhàng, thế là xong, chỉ việc thu xếp dù vác về điểm tập trung. Nhảy dù dễ lắm, ai cũng có thể nhảy được, miễn là trong người có một chút máu liều.
Sau khi chấm dứt khóa dù, Hùng không khỏi hào hứng khi nhìn thấy tấm bằng nhảy dù, có tên tuổi và hình ảnh của mình trên đó. Hùng biết rằng cuộc đời của mình sắp sửa bước qua một ngã rẽ ghê gớm lắm đây, nhưng đối với những ai đã từng tung mình ra khỏi cửa phi cơ để rơi xuống đất thì trên cuộc đời này chẳng còn có điều gì phải sợ hãi nữa cả.
Hùng và các bạn nằm chờ ở khối bổ sung được hơn tuần lễ thì đáp chuyến bay C-130 ra phi trường Phú Bài, sau đó theo đoàn GMC về Bộ tư lệnh tiền phương đóng tại Hiệp Khánh. Hùng và các bạn lưu lại Hiệp Khánh 3 tuần lễ để tham dự một đợt huấn luyện mới, mục đích là để làm quen với nếp sinh hoạt của đơn vị mới, học hỏi các chiến thuật của Binh chủng Nhảy Dù, thực tập điều chỉnh pháo binh, cách hướng dẫn phi cơ đánh bom yểm trợ…
Ngày mãn khóa đã đến, các bạn chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, 9 Tiểu đoàn tác chiến và 3 Đại đội trinh sát. Hùng chọn về Tiểu đoàn 8 ND, vì nghe nói TĐ 8 sắp về Sài Gòn để dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị. Xa nhà mới có non một tháng mà đã thấy nhớ thương khôn cùng, nhớ hàng mi của ai cong cong, ánh mắt sáng long lanh càng ngắm càng yêu, đôi môi mềm chẳng muốn rời ra. Chết thật, bây giờ mới biết, biết mình lậm Hoàng Nga quá rồi đấy Hùng ơi !
Khoảng cuối năm 1973, Tiểu đoàn 8 ND tiếp nhận các đợt Sĩ quan mới ra trường bổ xung về. Họ cùng một lứa tuổi thanh xuân, còn đang nhìn đời qua lăng kính màu hồng, nên dễ chơi thân với nhau. Các Sĩ quan trừ bị mới toanh này được phân phối về các Đại đội tác chiến:
- Đại đội 81: Ngô văn Cường : Đại học Luật khoa.
Đoàn Tấn : Đại học Khoa học.
Đặng minh Sắc : Đại học Khoa học.
- Đại đội 82: Nguyễn văn Phú : Đại học Khoa học.
Trần văn Toàn : Đại học Luật khoa.
Nguyễn chí Linh : Đại học Văn Khoa.
- Đại đội 83: Trần phan Kiệt : Đại học Khoa học.
Nghiêm sĩ Thành : Đại học Khoa học.
Phạm đình Minh : Đại học Luật khoa.
Nguyễn đình Trung : Đại học Luật khoa.
- Đại đội 84: Nguyễn quốc Hùng: Đại học Luật khoa.
Vũ đình Hải : Đại học Văn khoa.
Trần văn Hết : Đại học Khoa học.
Thời gian này tiểu đoàn 8 ND của Hùng đóng quân ở vùng căn cứ Bình Trị, khu vực giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị. Sư đoàn Nhẩy Dù biến thành địa phương quân, nằm chết một chỗ giữ đất. Hai bên gườm qua gườm lại trong thế cài răng lược. Có nơi ta nằm trên đỉnh đồi, dưới chân đồi lại là một chốt của địch, ngứa mắt lắm chỉ muốn nhổ quách đi. Ngược lại có khi ta nằm ở dưới thì họ lại ở bên trên. Anh em trong trung đội của Hùng là những chàng trai đang độ tuổi bẻ gãy sừng trâu, họ dầm mưa dãi nắng, chịu đựng cơ cực rất giỏi. Những chàng độc thân vui tính này suốt ngày không ca hát thì chòng ghẹo lẫn nhau, cứ như đang chung dưới một mái nhà thân thương.
Ngày qua ngày, trên một mặt trận mênh mông cả một Sư đoàn dàn quân, không có lấy một tiếng súng nổ từ cả hai phía, tuy nhiên anh em luôn luôn được căn dặn lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Y như rằng, có một lần đặc công của địch từ bên kia suối Ô Lâu, nương theo màn đêm xâm nhập tấn công vào chốt đóng quân của Trung đội 2, ĐĐ 83 do Chuẩn úy Trần phan Kiệt trấn giữ. Nhưng địch không ngờ lính Nhảy Dù đã phát giác và phản ứng kịp thời, dập cho một trận tơi bời. Sáng hôm sau anh em đi lục soát bắt gặp nhiều vết máu, lẫn cả óc người, rơi rớt theo vết cỏ tranh rạp xuống vì thây người kéo đi.
Màn đêm trong núi rừng dầy dặc tối om, ngồi gác đưa bàn tay của mình ra trước mặt có mở trừng mắt ra cũng chẳng thấy gì. Lính Nhảy Dù gác đêm bằng tai, tiếng 1 cành cây gãy vang lên trong màn đêm tịch mịch nghe rất rõ nếu lắng nghe. Nó tố cáo có vịt con đang bò về phía mình, nhờ đó mới phản ứng kịp thời…móc mắt nó chà giấy nhám.
Hùng rất phiền muộn, suy tư khi đã rất nhiều lần nghe anh em than thở :
- Chuẩn Úy ơi, em tình nguyện về Nhảy Dù chứ đâu có tình nguyện vào lính Địa phương quân, sao nằm chết một chỗ hoài vầy nè.
- Em mà biết trước như thế này thì em hổng có đăng lính Nhảy Dù đâu Chuẩn úy. Lính Nhảy Dù gì mà hổng thấy đánh giặc, toàn là lội vô rừng chặt tranh tre tràm không hà, cực thấy bà nội.
- Chuẩn úy, mấy đứa bạn em đi chặt tranh tre tràm bị vướng lựu đạn có được Huy chương không Chuẩn úy?
Tiếng bắc kỳ Luận :
- Tao bị Việt cộng bắn gãy chân, cái Chiến thương Bội tinh còn chưa tới được tay tao.
Mấy thằng bạn dỏm của mày có…cái búa, lấy không ? Nghèo mà ham.
- Em tưởng về Nhảy Dù ngon lắm nên em mới đăng, ai dè trần thân vác từng ống sạc nước từ khe suối lên tưới cho mấy cây bầu, cây bí nông trường Yên Bầu, cực hơn con chó. Kỳ này về Sài Gòn dưỡng quân là em biến luôn đó nghe Chuẩn úy.
- Hôm qua thằng bạn tao đi kéo cày nông trường Yên Bầu, nó lỡ dại chôm có trái bí, bị Thượng sĩ Bến, Ban 2 Tiểu đoàn uýnh cho một trận dãn xương sống.
- Ai biểu ngu, mấy trái bầu trái bí đó là để thờ, sao nó dám rớ vô. Bộ không thấy lâu lâu có phái đoàn từ trên Lữ đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn tới thăm viếng, chụp hình quay phim đó sao. Chôm mấy trái đó đi lấy gì chụp, lấy gì quay, hổng lẽ chụp hình mày, ăn đòn là phải lắm rồi.
Các Sĩ quan mới ra trường về Sư đoàn Nhảy Dù không được nắm Trung đội ngay, phải đi theo phụ tá học nghề của một Trung đội trưởng kỳ cựu. Thường thì được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh chốt. Chốt của Hùng nằm trên một ngọn đồi thấp, kể cả Hùng là 5 mạng. Chốt nằm sát bên dòng suối Ô Lâu, nhìn qua bờ bên kia vẫn thấy bóng địch quân thoáng hiện. Mỗi ngày chốt phải cắt 2 người đi công tác về Tiểu đoàn. Sáng sớm nào cũng vậy, cứ 2, 3 giờ sáng là đã nổi lửa nấu cơm, nhét vội mấy chén cơm với cá khô vào bụng rồi lục đục khăn gói súng đạn lên đường tập trung về đại đội. Trên đường đi phải lội qua một con suối, bình thường thì nước ngập lên tới ngang lưng, hôm nào trời đổ mưa thì nước dâng cao tới ngang ngực. Anh em tay đưa súng lên cao khỏi đầu, lội bì bõm. Trời rét căm căm, nước lạnh luồn vào da thịt thấm tới xương.
Chờ Đại đội điểm danh quân số, báo máy xong, anh em khập khiễng lên đường trực chỉ Tiểu đoàn. Nón sắt súng đạn lầm lủi bước đi, mãi đến 8 giờ sáng mới đến được Tiểu đoàn.
Đại đội 81 đóng quân gần Tiểu đoàn hơn, mỗi khi tới chốt của Chuẩn úy Đoàn Tấn, đóng trên một ngọn đồi ven đường, Hùng lại ghé vào uống ly nước, châm một điếu thuốc. Nếu trên 10 đường về thì thỉnh thoảng Hùng nán lại trò chuyện với Tấn, hai đứa ôn lại khung trời Đại học thơ mộng ngày xưa không còn nữa. Đến Tiểu đoàn, anh em trình diện Sĩ quan trực rồi được phân chia thành nhiều toán. Toán cuốc đất vun giồng trồng rau muống khô, toán đào lỗ trồng bầu bí, toán vào rừng chặt cây về làm dàn cho bầu bí leo, toán lủi xuống điểm nước vác từng ống sạc nước lên tưới bầu bí, toán làm cỏ, toán biến vào rừng chặt tranh tre tràm.
Khung cảnh lao động trên nông trường Yên Bầu của Tiểu đoàn 8 ND chộn rộn lắm, người đi tới kẻ đi lui lăng xăng, quần áo thì rách bươm, nhiều chỗ hở cả da thịt. Đôi khi Hùng cũng lo lo trong bụng, lấy 2 mạng đi sưu dịch, ở nhà chỉ còn có 3 mạng, tụi nó đánh úp một cái thì coi như xong.
Ngày ấy Hùng nghe anh em đọc cho nhau nghe một bài vè, mỗi khi đọc xong thì anh em lại cười lên hô hố. Mỗi chữ trong bài vè đều bắt đầu bằng vần T, bài vè có tên: Tranh Tre Tràm. Bắt đầu bài vè là những chữ : Trung tá … Vè là một hình thái sinh hoạt tự nhiên của loài người, nhằm phản kháng chống đối một cách tiêu cực những áp bức bất công với lời lẽ châm chọc mỉa mai của lớp người thấp cổ, bé miệng.
Hôm nay là ngày lãnh tiếp tế, cũng là lúc anh em trông mong những lá thư gởi từ hậu phương ra. Hùng nhận được 2 lá thư. Lần tiếp tế nào có kế toán trưởng bay từ hậu cứ ra, chàng cũng đều nhận được ít nhất một lá thư của Hoàng Nga, có khi 2, 3 lá, nàng thương nhớ nhiều, một lá thư chưa đủ vơi đi niềm tâm sự, nỗi nhớ nhung…Nét chữ mềm mại, lời nói yêu thương của Hoàng Nga khiến Hùng quên ngay những nỗi mệt nhọc chán chường, chàng lại mơ mộng thả hồn về bên người yêu ở chốn thành đô nghìn trùng xa cách.
Lá thư kia là của mẹ Hùng gởi. Cơm nước xong, Hùng đốt một điếu thuốc rồi chậm rãi mở lá thư của mẹ ra đọc.
Người gởi : Phó thị Tá
29 Đường Thánh Mẫu
Tân Bình, Sài gòn.
Người nhận : Nguyễn quốc Hùng
Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/HQ
Hùng con,
Giáng sinh sắp đến, ngoài miền Trung chắc hẳn lạnh lắm. Mẹ vào hậu cứ gởi ít quà cho con.
Một chiếc khăn quàng cổ và một cái áo len mẹ mới đan xong, khăn mặt, kem đánh răng , bàn chải răng, dao cạo râu, 5 cái áo thun, 5 cái quần đùi, 1 Kg khô mực, 1 Kg lạp xưởng. Một hộp kẹo rượu, một chai rượu Whisky bố gởi cho con. Mẹ cũng định gởi 1 con vịt quay để con và các bạn thưởng thức, nhưng ông kế toán trưởng không nhận nên mẹ phải đem về.
Cái thư bố dặn con phải đưa ngay cho bác B. Bộ tư lệnh sư đoàn, con đã đưa chưa, mà sao giờ này con vẫn còn ở ngoài ấy. Nếu chưa gởi thì gởi ngay để mẹ yên tâm, bố con đã gởi gấm đâu vào đó rồi.
Cả nhà vẫn mạnh khỏe, gia đình vẫn hằng cầu nguyện ơn trên ban cho con mọi sự an lành. Chủ nhật vừa rồi đi xem lễ, mẹ gặp con bé Xuyến trong ca đoàn, dạo này con bé càng lớn càng xinh đẹp ra. Lần nào gặp mẹ, nó cũng xin gởi lời hỏi thăm con.
Mẹ tạm ngừng bút, chúc con yên vui.
Mẹ của con.
Hùng đưa mắt nhìn chiếc ba lô bên đầu nằm, lá thư mà bố dặn gởi cho Trung tá B, một người bạn thân của bố, sẽ mãi mãi nằm dưới đáy ba lô, nó sẽ chỉ là một kỷ niệm mà thôi.
Tháng 7 năm 1974, toàn bộ tiểu đoàn 8 ND đang dưỡng quân ở Sài Gòn, đột ngột được lệnh ứng chiến 100%. Ngày hôm sau, một đoàn xe GMC hối hả lăn bánh chở toàn bộ Tiểu đoàn qua phi trường Tân sơn Nhất, dồn chật cứng lên những chiếc C-130 trực chỉ Đà Nẵng.
Phi cơ vừa chạm bánh đáp trên phi đạo, mọi người đã được căn dặn từ trước, đứng lên chuẩn bị rời phi cơ thật nhanh. Cảng phi cơ vừa hạ xuống, Hùng thoáng nhìn thấy bên dưới, một dãy quan tài nằm chờ sẵn. Tiếng đại bác đâu đó ầm ì dội lại, như gầm gừ đe dọa. Một đoàn xe quân vận chực sẵn đã bốc tiểu đoàn vào vùng hành quân. Ngay buổi chiều hôm ấy, đơn vị của Hùng đã có mặt trong quận Hiếu Đức, Hùng được lệnh dẫn Trung đội lên một ngọn đồi nằm bảo vệ cho 2 khẩu pháo 105 ly.
Cả đêm hôm ấy không ngủ nghê gì được vì tiếng đạn đại bác bắn đi xé nát không gian, dựng mọi người thức dậy. Hùng nằm thao thức nhớ về Hoàng Nga, giờ này em đang làm gì, đã yên giấc ngủ hay còn chong đèn đọc sách, có nhớ đến anh không, người yêu hỡi !
Sáng hôm sau, tiểu đoàn lại tiếp tục theo đoàn GMC hướng về quận Đại Lộc, qua Ái Nghĩa, cầu Chìm, đoàn xe chạy văng mạng, bụi đất tung bay mù mịt. Đoàn xe vừa dừng bánh, mọi người nhảy ào xuống xe, ba lô súng đạn gọn ghẽ, triển khai đội hình, bắt đầu lấn vào vùng hành quân.
Đứng trên đồi cao nhìn về phía quận Thường Đức, 2 bên trái phải là 2 dãy núi cao chót vót, trùng điệp chạy chụm lại theo hình mũi tên, đầu nhọn của mũi tên là một hẻm núi rất hẹp, có tên là Ba Khe, nơi có ngọn đồi 52 trọc lóc đỏ ối nằm chận ngay vào yết hầu của con đường độc đạo chạy từ Đại Lộc vào Thường Đức, vào sâu nữa là vùng Bến Giàng rồi Khâm Đức.
Đưa mắt nhìn theo con đường độc đạo chạy ngoằn ngoèo, Hùng chứng kiến những toán quân của đơn vị bạn đang nhớn nhác tháo chạy từ hướng Thường Đức ra. Lẫn lộn trong đoàn binh lính là những áo quần đủ màu sắc của dân lành bồng bế nhau nương theo đoàn quân tìm đường thoát hiểm. Những loạt đạn đại bác 130 ly của địch từ trong núi sâu bắn rải theo đoàn người.
Đứng trên đồi cao nhìn xuống, Hùng thấy những đốm khói bục lên dọc trên mặt lộ. Mỗi khi một cụm khói bục lên, người ta lại ngã xô xuống. Khi cụm khói tan đi, có những dáng người loạng choạng đứng lên tiếp tục lê bước, có những hình thù vẫn nằm im trên mặt đường không động đậy.
Klong Ha Thanh đứng dậy xốc khẩu đại liên M 60 lên vai, mỉm cười khi Hùng vừa bước ngang qua :
- Kỳ này đi tapi vui quá Thiếu úy. Hết tranh tre tràm, hết nông trường rồi, khỏe quá.
Tiểu đoàn trưởng đã ra đi để nắm chức vụ lữ đoàn phó, anh em thở dài nhẹ nhõm, mong sao ông ấy đừng bao giờ trở lại nữa. Vào trận Thường Đức, Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân lên nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND.
Hùng dẫn tiểu đội 1 của Trung sĩ Lê thế Hiền đi mở đường, Võ phú Hiệp dẫn đầu toán quân, tiếp theo là Nguyễn văn Tốt, Hùng là khinh binh số 3, rồi tới Trần minh Hồng mang máy truyền tin, Trung sĩ nhất Lê viết Hưng đi sau bọc chót trung đội.
Trung đội trưởng Nhảy Dù luôn luôn dẫn đầu đoàn quân trong mọi tình huống. Khi Trung đội di chuyển thì Trung đội trưởng chỉ đi sau vài người khinh binh. Khi tấn công, Trung đội trưởng căng một hàng ngang với anh em, miệng vừa hô xung phong thì người cũng vừa lao lên phía trước, tay xiết cò súng băng lên hô hoán, anh em binh sĩ hừng hực khí thế xông lên. Đang đóng quân phòng thủ, bất ngờ địch nổ súng tấn công thì Trung đội trưởng ngay tức khắc la hét om xòm lên để giữ vững tinh thần anh em, rồi ném lựu đạn, rồi nâng súng lên nhả đạn.
Trung đội trưởng Nhảy Dù vừa là người chỉ huy Trung đội, vừa là một khinh binh thiện chiến như mọi đồng đội khác. Trong bảng cấp số, vũ khí của Trung đội trưởng Nhảy Dù là một khẩu M 16, 300 viên đạn, 4 trái lựu đạn…chứ không phải là một khẩu colt 45, không có một tác dụng nào trên chiến trường.
Trung đội trưởng Nhảy Dù bò, trườn, nấp, xông lên xả đạn vào địch quân, ném lựu đạn, lại còn phải điều động anh em, điều chỉnh pháo binh, liên lạc truyền tin, nên nhiều lúc quên đi phần tác chiến cá nhân. Đứng khơi khơi giữa đồng trống liên lạc máy với Đại đội mà quên không ẩn nấp, mãi đến khi một tràng AK rít qua đầu mới sực giật mình nhận ra, đôi khi quá muộn màng.
Số lượng các Quân nhân ngã xuống để tô đậm cho mầu cờ sắc áo của Sư đoàn Nhảy Dù, nhiều nhất vẫn là các anh em Binh sĩ, các Hạ sĩ quan Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Trung đội phó và các Sĩ quan Trung đội trưởng xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị. Số lượng các Sĩ quan trừ bị hy sinh không thể nào đếm xuể. Mạng sống của các Sĩ quan Trung đội trưởng Nhảy Dù rất ngắn ngủi vì mạng sống của các khinh binh có kéo dài được bao lâu.
Là Sĩ quan trừ bị, họ tình nguyện gia nhập đoàn quân mũ đỏ, giữ chức vụ Trung đội trưởng từ khi còn mang lon Chuẩn úy, một năm rưỡi sau lên lon Thiếu úy, 2 hoặc 3 năm sau lên lon Trung úy vẫn còn là Trung đội trưởng nếu không chết trận. Thời gian chỉ huy Trung đội kéo dài tối thiểu cũng 3 năm. Trong 3 năm máu lửa đó trải qua biết bao nhiêu cuộc hành quân, bao nhiêu lần căng hàng ngang hô xung phong lao lên phía trước giữa lúc hỏa lực của địch bắn ra xối xả như mưa. Chỉ có phép màu mới che chở được cho những người trai đi giữa chiến tranh này mà thôi.
***
Đoàn quân mũ đỏ súng hờm trên tay, cẩn trọng trải rộng đội hình dấn bước vào lò lửa đang sôi sùng sục. Khi những người lính của Đại đội 84 đặt chân đến làng Hà Nha thì trời đã sụp tối, anh em canh gác cẩn mật, đào hầm hố củng cố vị trí chiến đấu.
Hà Nha là một giải đồng bằng hẹp, bên trái là con đường độc đạo dẫn vào quận Thường Đức, bên phải tiếp nối với chân của rặng núi Sơn Ya cao ngất trời xanh.
Bên khu vực trách nhiệm của Đại đội 83 do Đại úy Phạm văn Hiệu chỉ huy, Thiếu úy Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn Trung đội lấn sâu hơn trước khi trời tối. Thiếu úy Hoàng văn Tiến theo lệnh dẫn quân thọc sâu quá nên phía sau lưng trống trơn, không có cánh quân nào bảo vệ.
Giữa đêm khuya đột nhiên tiếng súng nổ dữ dội đều khắp trên toàn vị trí đóng quân của Thiếu úy Hoàng văn Tiến. Địch điều động một quân số áp đảo khóa đuôi Trung đội của Thiếu úy Hoàng văn Tiến và mở nhiều cuộc tấn công ào ạt.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến chỉ huy Trung đội co lại để phản công. Tiếng pháo 105 ly bắt đầu đóng vào trận địa, con gà cồ 81 của Tiểu đoàn cũng cất tiếng gáy theo, tinh thần anh em phấn chấn hẳn lên. Trung đội cố gắng chống chỏi dằng dai với địch, chờ sáng sớm Đại đội sẽ điều quân lên tiếp viện. Nhưng đến nửa đêm về sáng thì tuyến phòng thủ của Trung đội bị chọc thủng. Thiếu úy Hoàng văn Tiến chết giữa trận tiền.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến là Sĩ quan đầu tiên của Tiểu đoàn 8 ND ngã xuống trên mặt trận Thường Đức, mở đường cho 6 Sĩ quan Trung đội trưởng sau đó theo chân Hoàng văn Tiến ra đi không hẹn ngày về.
Danh sách 7 Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND đã tử trận trong cuộc hành quân Thường Đức :
1- Thiếu úy Đoàn Tấn : ĐĐ 81
2- Trung úy Nguyễn ngọc Phước : ĐĐ 82
3- Thiếu úy Hoàng văn Tiến : ĐĐ 83
4- Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành : ĐĐ 83
5- Thiếu úy Vũ đức Tiềm : ĐĐ 84
6- Thiếu úy Nguyễn văn Trí : ĐĐ 84
7- Thiếu úy Đến : ĐĐ 84
Danh sách các Sĩ quan Trung đội đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 8 ND bị thương rời mặt trận, tản thương về các Bệnh viện điều trị :
1- Trung úy Huỳnh hữu Hạnh : ĐĐ 81
2- Thiếu úy Quách Giang : ĐĐ 81
3- Thiếu úy Ngô văn Cường : ĐĐ81
4- Thiếu úy Nguyễn phước Bảo Huệ : ĐĐ 82
5- Thiếu úy Trần văn Toàn : ĐĐ 82
6- Thiếu úy Tiến ( Tiến Huế ) : ĐĐ82
7- Trung úy Hoàng đắc Hùng : ĐĐ 83
8- Thiếu úy Nguyễn đình Trung : ĐĐ 83
9- Thiếu úy Lê mậu Sức : ĐĐ 83
10- Thiếu úy Thạch Huôn : ĐĐ 83
1411- Thiếu úy Phạm đình Minh : ĐĐ 83
12- Chuẩu úy Trình : ĐĐ83
13- Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng : ĐĐ 84
14- Thiếu úy Vũ đình Hải : ĐĐ 84
15- Thiếu úy Phan văn Hữu : ĐĐ 84
16- Thiếu úy Hà mai Trường : ĐĐ 84
Sau khi chiếm xong ngọn đồi chiến lược 1062, bàn giao lại cho tiểu đoàn 3 ND, Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND chỉ còn lại vài người trên trận địa.
- Thiếu úy Nguyễn chí Linh của ĐĐ 82
- Thiếu úy Nguyễn minh Trung của ĐĐ 84
Cả hai người đều đã bị thương. Thiếu úy Nguyễn minh Trung một tay treo trước ngực, tay kia cầm lựu đạn ung dung chỉ huy Trung đội cho tới phút cuối cùng.
Trong danh sách các Sĩ quan trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND tử trận và bị thương, Trung úy Nguyễn ngọc Phước là Sĩ quan hiện dịch khóa 25 Võ Bị Đà Lạt và Thiếu úy Hà mai Trường khóa 26 VBĐL. Tất cả còn lại đều xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị.
Chỉ mới trải qua một cuộc hành quân thôi, dàn Sĩ quan trung đội trưởng của một Tiểu đoàn ND đã vơi đi gần hết. Cùng với dàn hạ Sĩ quan, anh em Binh sĩ trong Tiểu đoàn, cuộc sống của họ xem ra thật ngắn ngủi. Những hy sinh to lớn đó đã giáng cho địch những tổn thất nặng nề, đến nỗi trong trận chiến Thường Đức họ đã phải xiềng xích bộ đội của họ vào công sự chiến đấu, đến nỗi 2 Sư đoàn chính qui không thắng nổi 1 Sư đoàn Nhảy Dù.
Trước khi cùng đơn vị rời Sài Gòn ra Quảng Nam tham dự cuộc hành quân Thường Đức, Hoàng văn Tiến đã ước hẹn với người yêu, vài tháng sau sẽ trở về cử hành đám hỏi kết đôi.
Người yêu của Tiến là một cô giáo nhà ở vùng Quang Trung, Hốc Môn. Cô giáo cũng có một người em trai tên là Chung, phục vụ tại Trung đội 3, Đại đội 84. Trong trận đánh đẫm máu ở Thường Đức, mảnh pháo 130 ly của địch đã tiện đứt gọn 2 bàn tay của Chung.
Trong dàn Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND, Hoàng văn Tiến nổi tiếng là một Sĩ quan ba gai. Tướng to ngang, mặt mũi đen đui đũi, bước đi nghênh ngang, nên Hoàng văn Tiến có biệt danh là Tiến trâu. Thời gian còn đóng quân ở căn cứ Bình Trị, một hôm Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn một Trung đội đi nhảy dù bồi dưỡng bằng trực thăng ở ven bờ biển. Sau khi nhảy dù xong, thay vì dẫn anh em trở về đơn vị, Hoàng văn Tiến dẫn toàn bộ Trung đội trực chỉ thành phố Huế. Sau khi ăn nhậu đã đời, bù lại những ngày thiếu thốn gian khổ trong rừng sâu, trời chạng vạng tối Hoàng văn Tiến mới dẫn Trung đội lù lù trở về Tiểu đoàn.
Nhảy dù có một thứ kỷ luật mà sắt cũng phải mềm. Binh sĩ thì bị cạo trọc đầu, Thượng sĩ Bến, ban 2 Tiểu đoàn bắt nằm xuống đánh bằng hèo, tiếng cây vun vút quất trên da thịt, tiếng rên bật qua kẽ răng mím chặt nghe rợn người.
Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân, biệt danh Vân đen, đích thân ra lệnh cho Thiếu úy Hoàng văn Tiến vào trình diện. Hoàng văn Tiến gồng người lên, cắn răng đón nhận những cú đấm cú đá mà vẫn phải giữ tư thế đứng nghiêm.
Hoàng vănTiến đã đem cái ba gai từ ngoài đời vào trong Quân ngũ, rồi đem cả cái ba gai ấy vào cuộc tình của mình, Tiến đã ba gai lỗi hẹn với người yêu, cô giáo đang trông chờ bước chân Tiến trở về mở tiệc hoa đăng.
Gia đình đem thi hài của Tiến về an táng trong nghĩa trang Phú thọ Hòa…
Ngày hôm sau Đại đội 84 tiến sâu hơn vào Hà Nha, khu làng này bỏ hoang đã lâu, không một bóng người. Bắt đầu đụng độ lẻ tẻ với địch. Địch bắn cản cầm chừng rồi rút, chúng được yểm trợ bằng đại bác 130 ly, súng cối, và cả đại bác không giật bắn trực xạ từ dãy núi bên kia, đạn bay qua sông Vu Gia nhắm vào đội hình của đoàn quân mũ đỏ.
Địch rút nhè nhẹ về phía sau như có mưu toan, ẩn ý. Hầm hố của địch bỏ lại được dựng lên rất kiên cố. Họ cưa cột nhà của dân chúng đem gác thành khung chữ A, tháo tôn trên mái nhà đặt lên bề mặt, rồi tấn đất cát, gạch đá chặt lên phía trên. Những chiếc hầm kiên cố đến nỗi nếu 1 quả đạn đại bác 105 ly có nổ trên nắp hầm cũng chẳng ăn thua gì, địch vẫn ngồi bên dưới ung dung kéo thuốc lào.
Địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ này từ lâu lắm rồi. Họ đã khống chế toàn bộ khu vực này từ khuya, nhưng vẫn để cho con đường độc đạo này thông thương qua lại, dân chúng vẫn ra vào, quân ta vẫn đi lại, lui tới tưởng như nhà của mình. Nhưng nếu thử tung 1 toán Trinh sát thọc sâu vào hướng chân núi sẽ thấy địch quân nằm đầy ở đó, trong những hầm hố rất vững chắc.
Ánh mặt trời vàng vọt, yếu ớt khuất dần, nhường chỗ cho bóng đêm chầm chậm phủ một lớp áo đen thùng thình lên vạn vật. Các Trung đội của Đại đội 84 củng cố vị trí qua đêm. Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng nằm xa nhất. Lùi về phía sau, chếch sang bên phải, sát chân núi là vị trí của Trung đội 3. Đột nhiên người lính gác của Trung đội 3 báo cáo có địch xuất hiện phía sau lưng Trung đội của Hùng. Nhìn kỹ thì thấy khoảng 1 Trung đội địch trong màu áo kaki Nam Định, đội nón cối đang lom khom kéo từ chân núi đi ra, lòn sát vào phía sau lưng Trung đội
Trung đội 3 gọi máy thông báo cho Đại đội và Trung đội 1, đồng thời điều động cả 2 khẩu đại liên M 60 về một chỗ. Hai khẩu đại liên cùng một lúc nhả đạn như mưa vào đội hình của địch. Bị lộ bất ngờ, địch tan tác quay lưng chạy về phía chân núi.
Các Trung đội được lệnh tăng cường phòng thủ chặt chẽ, tổ chức canh gác cẩn mật hơn. Các Trung đội trưởng xác định lại lần nữa các yếu tố tác xạ tiên liệu để nhanh chóng gọi pháo binh yểm trợ khi cần thiết.
Khoảng nửa đêm, địch bất ngờ khai hỏa mở các đợt tấn công vào vị trí phòng thủ của trung đội 1. Đã chuẩn bị tiếp đón địch từ trước nên các tay súng của Trung đội 1 rất tự tin nhả đạn và ném lựu đạn nghênh cản các đợt xung phong của địch. Giữa tiếng súng nổ ròn rã xen lẫn tiếng lựu đạn nổ ì ầm, tiếng hò hét lanh lảnh của Hùng vang lên nghe rõ mồn một :
- Chờ nó vào gần bắt sống nó, móc mắt nó chà giấy nhám.
Suốt đêm hôm ấy, thỉnh thoảng đan trong tiếng súng là tiếng hò hét của Hùng vang lên để giữ vững tinh thần chiến đấu của anh em.
Trong ống liên hợp tiếng của Hùng bắt đầu khàn khàn vang lên lẫn lộn với tiếng súng nổ :
- Minh Mạng đây 161 gọi.
- Minh mạng nghe đây, nói đi 161- Đại úy Đồng văn Minh, Đại đội trưởng ĐĐ 84 trả lời.
- Ve chai nó vào sát quá, xin cho gà gáy nhanh lên, phía sườn bên phải của tôi.
- Có ngay cho 161, yên tâm. 161 dặn con cái lúc nào cũng phải ngóc đầu lên quan sát. Nghe rõ trả lời ?
- 161 nghe rõ.
Yêu cầu xin pháo binh yểm trợ được thỏa mãn ngay tức thì. Tiếng pháo 105 ly quen thuộc bắt đầu gầm thét vào trận địa. Địch dãn ra, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Thời khắc trôi qua, địch tái tổ chức các đợt tấn công. Cuộc binh đao kéo dài đến gần sáng thì địch rút lui về phía chân núi. Địch đã thất bại trong keo thử lửa đầu tiên với Đại đội 84.
Cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn khi tiểu doàn 8 ND lần lượt rời bỏ Hà Nha, chuyển dần lên núi để đánh địch trên các cao điểm.
Địch vào trận với lợi thế trên sân nhà, họ lợi dụng tối đa địa thế, địa hình sẵn có. Khi quân ta vừa băng qua một trảng trống lập tức bị địch truy cản rất mạnh mẽ, nếu nhìn chung quanh thấy những tảng đá lớn nằm chênh vênh trên sườn núi thì đừng có dại dột mà chạy vào ẩn nấp, sau lưng tảng đá là một bãi mìn gài sẵn. Địch từ vị trí thuận lợi trên cao nhìn xuống thấy rõ từng người lính đang hút thuốc, đang chửi thề, và sử dụng tối đa súng cối 61 ly, 82 ly bắn vào quân ta. Số thương vong do đạn súng cối của địch gây ra là một con số khá cao.
Trung tá Đào thiện Tuyển trở về nắm lại quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND. Tin tức lan nhanh đến chiến hào, anh em dáo dác nhìn nhau. Đúng là số kiếp nghiệt ngã. Huy hiệu của Tiểu đoàn 8 ND là hình một con ngựa què, anh em vẫn càu nhàu như thế. Làm thân trâu ngựa đã khổ lắm rồi, lại còn què nữa thì chỉ có nước húp cháo loãng. Cái huy hiệu nó vận vào cả Tiểu đoàn, xin thầy Mạc Bìa chỉ giáo dùm cho.
Khi Tiểu đoàn 8 ND lên thay thế Tiểu đoàn 1 ND để tiến chiếm cao điểm 1062, sức lực của đơn vị đã sứt mẻ khá nhiều, còn lại bao nhiêu sinh lực ta dồn vào cú chót, được ăn cả ngã về không. Đỉnh 1062 là một nấm mộ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên.
Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, thì lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi dành lại đỉnh 1062 nhiều lần, cứ như hai gã thanh niên cùng tranh dành một cô em gái thơm như múi mít, bên nào cũng đòi sở hữu em gái, không ai chịu nhường ai.
Cuối cùng thì Tiểu đoàn 8 ND cũng đã vớt được em gái khi toàn bộ Tiểu đoàn gom lại, rướn sức dấn lên lần cuối. Riêng Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng thì chẳng sơ múi được chút nào, mảnh pháo 130 ly đã phang gãy chân Hùng trong một đợt phản kích.
***
Thôi thì cũng cám ơn mấy ông thần ve chai đã ký cho Hùng tờ giấy đi phép. Từ ngày ra đơn vị đến giờ chưa khi nào Hùng được nhìn thấy mặt mũi tờ giấy phép. Nay bỗng dưng được đi phép bằng băng ca, xe GMC chở ra tận điểm cứu thương, lên trực thăng bay về Bệnh viện dã chiến ở căn cứ Non Nước, vài ngày sau lên C- 130 bay về Sài Gòn.
Chiều hôm ấy Hùng đã nằm yên ổn ấm cúng trên giường nệm êm ái, trắng tinh thơm tho trong Tổng y viện Cộng Hòa. Được ăn chén cơm nóng, nhắp ngụm Café thơm ngon, được rít một hơi thuốc Pallmall ém chặt khói vào lồng ngực, đời đẹp làm sao. Thôi tạm quên đi những gian khổ hiểm nguy mà các đồng đội vẫn còn đang phải gánh vác trên vai.
Sáng hôm sau bóng Hoàng Nga thấp thoáng ngoài hành lang, Hùng nhận ra ngay và lập tức chồm dậy nhảy phắt xuống giường. Nhưng Hùng ối lên một tiếng rồi ngã bật trở xuống, đầu dội vào vách tường. Hùng nghiến răng nhịn đau, mồ hôi toát ra trên trán. Chàng nghe như có ai thò hai tay vào chân chàng rồi vận sức bẻ ngang.
Hoàng Nga nhìn thấy tất cả, nàng luýnh quýnh chạy vội vào phòng, hai tay nắm lấy vai Hùng lắc lắc, nước mắt tuôn rơi :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi.
Hùng cố gượng nằm thẳng lại, đưa tay lên xóa những giọt nước mắt đang lăn trên má người yêu, miệng chàng lảm nhảm:
- Anh tưởng không bao giờ được nhìn thấy em lần nữa.
Bỗng sắc mặt chàng đầy vẻ hoang mang lo sợ, đây là thực hay là mơ hở trời ? Nếu đây chỉ là cơn mộng mị thì thật là khốn nạn. Hai tay Hùng nắm chặt lấy bàn tay của Hoàng Nga, áp sát lên ngực mình, sợ rằng đây chỉ là một cơn mơ mà thôi.
Từ ngày ấy phố xá bỗng xôn xao hơn, bình minh bỗng tươi sáng hơn. Hoàng Nga lơ là việc đèn sách, hai đứa dẫn nhau đi xem Ciné, ăn kem, dạo phố, chiếc nạng gỗ cũng không gây ra điều gì phiền muộn cho lắm. 17 Năm nay Hoàng Nga đã vào đại học, nàng xinh đẹp quyến rũ hơn với thân hình nảy nở, như không bằng lòng nép dưới lớp vải mong manh. Hùng càng say sưa chất ngất mỗi khi ngắm nhìn người yêu.
Người con gái Sài Gòn lớn dậy trong khói súng chiến tranh, quen dần đi dấu vết của bom đạn, nên lòng cũng tự dưng ngả về những người con trai đi giữa chiến tranh.
Hoàng Nga yêu say đắm người con trai ngang bướng này, nàng đã biết lo toan cho chàng, bắt chàng há to miệng để dốc những viên thuốc mà chàng rất lười uống thuốc theo toa Bác sĩ.
Thời gian thơ mộng của đôi uyên ương chỉ kéo dài được vài tháng, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 tang tóc bất ngờ đổ ập xuống…
Trại cải tạo Kà Tum năm 1978.
Vừa đi lao động về đến trại, người lấm luốc nhễ nhại mồ hôi, Tuấn ngồi xuống bên Hùng chưa kịp hỏi, Hùng đã nhìn bạn :
- Ổn rồi, hôm nay tao khai bệnh làm việc nhẹ, nhổ cỏ vườn lang. Tao đã nhấc mấy câyhàng rào lên, rồi bỏ hờ xuống. Nhưng sợi lạt trên cao thì không tháo được, sợ vệ binh trên chòi gác nhìn thấy. Thấy Tuấn đăm chiêu, Hùng nói thêm :
- Mấy hôm trước trời mưa, đất mềm ra, chỉ cần dạt mạnh chân rào là đủ Tuấn à. Toán 4 người tù cải tạo gồm có Hùng, Tuấn, Phương và Tâm đã âm thầm chuẩn bị từ hai tháng nay, và đêm nay sẽ là đêm khởi sự đột phá một cuộc vượt thoát tìm tự do.
Theo dự tính, sau khi vượt thoát khỏi trại cải tạo sẽ đâm về hướng Tây, nhắm hướng biên giới Campuchia, vượt qua chiều rộng của đất nước chùa tháp tiến về biên giới Thái Lan, bến bờ tự do như đang thấp thoáng trước mắt 4 người tù cải tạo.
Khâu khó khăn nguy hiểm nhất là làm sao lọt ra khỏi trại an toàn để lẩn vào rừng sâu. Sau mấy đợt vượt trại, họ đã bắt tù cải tạo chặt lồ ô về dựng thêm một lớp hàng rào thứ hai vây quanh trại. Họ bắt khai quang rộng thêm về phía sau trại nơi tiếp giáp với vườn khoai mì, nhất là khu vực nhà cầu lộ thiên.
An ninh trại tăng cường chặt chẽ hơn, hàng đêm có thêm vệ binh vác AK đi tuần chung quanh trại. Thỉnh thoảng tiếng chân dẫm lên cành cây, nằm ở trong lán vẫn nghe thấy rõ ràng. Những lộ trình và giờ giấc đổi ca của họ đã được ghi nhận chu đáo. Những diễn biến cho thấy họ tập trung sự chú ý vào phía sau lưng trại, nơi có vườn khoai mì xanh um rộng mênh mông sẽ là lá chắn an toàn cho cuộc vượt thoát.
Toán của Hùng quyết định đột phá nơi cánh trái, hơi trống trải nhưng đạt yếu tố bất ngờ. Ráng làm sao vượt qua được con suối cạn, vào được cánh rừng nơi hàng ngày vẫn đi chặt tre, chặt cây. Đường đi lối về trong khu rừng này đã rất quen thuộc. Ép sang bên phải để tránh cái sóc Thượng, sau đó thì sẽ có Chúa giúp sức, chưa bao giờ niềm tin nơi Thiên chúa lại dâng cao trong lòng anh em đến như vậy.
Cơm phơi khô là thực phẩm chính, đã kín đáo thực hiện từ lâu, muối đậu phộng đã trữ đủ, mỗi người giữ một ít thuốc trụ sinh, vài lưỡi câu cá chế từ giây kẽm, dao chế từ khung thép của chiếc ba lô rất bén. Hôm trước lẻn vào sóc Thượng đổi bộ quần áo được ít gạo và mè đen, anh em lại có thêm chút lương thực cho chuyến đi dài ngày này. Tấm vải đắp được biến chế thành chiếc võng, tiện và lợi cho lúc nghỉ ngơi và giấc ngủ ban đêm trong rừng.
Cả toán 4 người đã được anh Nguyễn bá Cừ, một người đã theo bố mẹ sinh sống và lớn lên ở Nam Vang từ thuở nhỏ, dạy cho một số câu tiếng Khờ me :
- Còm banh : Đừng bắn.
- Khò nhum rút pua Việt Cộng : Tôi chạy trốn Việt Cộng.
- Còn leng ní chia còn leng na ? Đây là đâu ?
Một Nhảy dù, một Biệt động quân, một Pháo binh, một Thủy quân lục chiến, nếu thả ra đọ sức trên chiến trường thì ta trội hơn địch. Nhưng nay trong thân phận gậm một khối căm hờn trong củi sắt, thì đành phải gặp thời thế thế thời phải thế.
Lính gác vừa đổi ca, tên vệ binh mới nhận ca gác vừa hoàn tất xong một vòng kiểm tra. Hùng và các bạn tuột xuống khỏi giường, ba lô gọn ghẽ lên vai. Hùng khom người thấp xuống nép vào cửa lán, nhìn ra ngoài trời tối đen như mực. Một cảm giác hồi hộp nén chặt lên lồng ngực, Hùng vội nuốt một miếng nước bọt lấy lại bình tĩnh. Chết thì thôi, có gì đâu mà sợ, đáng lẽ mình đã chết ở trận Thường Đức rồi cơ mà.
Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu xuất phát về phía sau. Hùng khom lưng, rùn chân thấp xuống, cẩn thận bước ra khỏi lán, mờ mờ trước mặt là dãy nhà bếp, lách sang bên trái nhà bếp, lọt ra phía sau là vạt trồng khoai lang. Hùng nghe rõ tiếng chân của mình và các bạn lạo xạo trên mặt đất. Hùng nép sát vào vách nhà bếp, nghe ngóng, vạn vật chung quanh vẫn chìm trong giấc ngủ sâu. Chàng đếm từ bìa trái của vạt khoai lang, luống khoai thứ 5 là lối áp sát vào vị trí đã chọn dưới chân hàng rào. Tín hiệu an toàn từ phía sau truyền lên theo sợi dây đến tay chàng. Hùng nằm sát xuống đất, trườn người tới phía trước, người chàng lọt vào giữa hai luống khoai lang, chàng nghe bên tai tiếng sột soạt trườn người của các bạn từ phía sau.
Hùng với tay về phía trước mò mẫm vào chân hàng rào lồ ô, đúng nó đây rồi. Chàng nâng nhẹ gốc lồ ô lên, gạt nhẹ qua một bên. Gạt cả hai gốc lồ ô giạt sang hai bên mà vẫn chưa đủ khoảng trống cho thân người lọt qua. Hùng vận sức vào cánh tay đẩy gốc lồ ô giạt mạnh sang một bên, cọng lạt ở phía trên bục lên một tiếng, gốc lồ ô nhích sang một bên tạo thành một lỗ hổng vừa vặn cho thân người chui lọt.
Hùng luồn cả người qua và đụng đến lớp hàng rào thứ hai. Lớp lồ ô này mới làm nên cứng quá, nằm không có đủ thế để nhổ nó lên, Hùng đành phải ngồi dậy, quì hai đầu gối xuống đất, vận sức vào hai tay hết sức nhổ gốc lồ ô lên. Nhờ mấy hôm trước trời mưa tầm tã nên đất mềm ra, chàng nhổ luôn hai gốc lồ ô lên không khó khăn lắm. Nhưng chàng giạt nó ra không nổi, sợi lạt bên trên còn mới nên dai và chắc, ghì chặt hai cây lồ ô lại với nhau. Hùng thử dùng vai đẩy gốc lồ ô, tiếng vỏ lồ ô cọ sát kêu lên tiếng cọt kẹt. Hùng điếng người, lỡ ăn thua rồi, Hùng đổi vai sang gốc lồ ô bên kia, đẩy mạnh. Tiếng kọt kẹt lại dội lên, nhưng hai lần kọt kẹt cũng mở được một lỗ hổng. Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu về phía sau, rồi chàng trườn qua khe hàng rào lọt ra ngoài. Nhanh như cắt, chàng khom người băng qua khoảng trống, ẩn mình vào đám cỏ phía bên kia vệ đường.
Bên trong lán, tim của các bạn yểm trợ cho toán vượt trại thót lên những nhịp đập dồn dập, căng thẳng. Không gian im phăng phắc, đêm đen phẳng lặng như tờ. Có ai đó vừa nuốt nước bọt.
Bỗng một loạt AK dội lên chát chúa, xé toang màn đêm.
Có tiếng người rên lên :
- Thua rồi, trời ơi !
Nhiều loạt AK nối đuôi nhau, tiếng quát tháo vang lên lồng lộng :
- Chúng nó vượt trại. Bắn ! bắn !
Tiếng chân người chạy rầm rập về phía con suối.
Hùng vùng người dậy phóng về phía trước, chàng dồn hết sức lực vào đôi chân, lao đi thật mạnh. Chạy được một quãng, đang trên đà lao người về phía trước, thình lình chàng vập mạnh vào một gốc cây. Hùng văng người qua một bên ngã sòng soài trên mặt đất. Chàng vội chồm ngay dậy, rướn người lên lấy đà chạy tiếp. Bỗng chàng nghe đau nhói trong ống quyển. Cái chân gãy ngày xưa ở trận Thường Đức, chàng vội đổi chân trụ sang bên kia, vọt lên. Nhưng khi cái chân gãy vừa chạm đất thì chàng cũng chúi xuống theo, gượng lại không được nữa rồi.
Một loạt AK nổ vang từ phía sau. Hùng nghe có những viên đạn đi qua người mình. Người chàng bị hất văng xuống đất, chàng thấy sao tự dưng mình mệt thế này, thở không ra hơi nữa. Trước mắt chàng lờ mờ hiện ra khuôn mặt của bố mẹ, của Oai, của Hương, các em của chàng, rồi khuôn mặt ngàn đời yêu dấu của Hoàng Nga đang đăm đăm nhìn chàng ướt sũng một trời thương yêu.
Tiếng chân người dồn dập chạy tới bao quanh Hùng, ánh đèn pin rọi chói chang vào mặt chàng.
- Các đồng chí khẩn trương truy bắt ba thằng kia, thằng này để tôi lo.
- Mẹ kiếp, chống đối cải tạo hả, phản động hả, muốn chết tao cho mày chết. Họng AK hạ xuống kê sát vào thái dương Hùng, xiết cò…
Hoàng Nga bỗng giật mình thức giấc, nàng nghe như vừa rồi có tiếng súng nổ. Tự dưng nàng liên tưởng tới Hùng, người con trai bướng bỉnh mà nàng đã yêu say đắm. Một nỗi lo lắng, một linh cảm kỳ lạ xâm chiếm hồn nàng. Người nàng bỗng nhiên lạnh ngắt, rùng mình, nàng bật kêu lên :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi !
30-4-2005.
Vũ Đình Hải KBC 3119.
hoiquanphidung.com
Biên Hùng chuyển
Chuyện Tình Buồn - Vũ đình Hải KBC 3119
Tự dưng nàng liên tưởng tới Hùng, người con trai bướng bỉnh mà nàng đã yêu say đắm. Một nỗi lo lắng, một linh cảm kỳ lạ xâm chiếm hồn nàng. Người nàng bỗng nhiên lạnh ngắt, rùng mình, nàng bật kêu lên :- Hùng ơi, anh Hùng ơi !
Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù.
“ Gởi theo hương hồn Nguyễn Quốc Hùng, Sinh viên năm thứ hai Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Thiếu úy Trung đội trưởng, Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND. Một trang thanh niên tuấn tú đã gục ngã dưới lằn đạn của đối phương trong chuyến vượt trại không thành tại trại cải tạo KàTum, năm 1978. "
***
- Anh Hùng ơi, cậu Thịnh nói tình yêu là một trò cút bắt giống như cái bóng của chính mình.
Khi mình chạy nó chạy theo, khi mình dừng nó cũng ngừng lại, có đúng vậy không anh ?
Hùng lẩm bẩm trong miệng :
- Lại cậu Thịnh, cái gì cũng cậu Thịnh.
Hoàng Nga nghiêng nghiêng khuôn mặt :
- Anh nói gì vậy anh Hùng, nói lớn lên cho em nghe với.
Hùng lướt trên khuôn mặt xinh đẹp nét thiên thần tựa mẹ Maria, lòng bỗng dâng lên một niềm yêu thương vô bờ bến, chàng dịu dàng:
- Cũng tùy thôi Hoàng Nga ơi. Hoàng Nga không thấy người ta yêu nhau rồi cưới nhau hà rầm đó sao, bóng với hình cũng gặp nhau đó chứ. Như là anh với Hoàng Nga đây này.
Hùng ngừng nói, chàng dõi theo ánh mắt Hoàng Nga đang mơ màng trôi theo đám mây trắng lững lờ trên nền trời xanh của Sài Gòn hoa lệ. Phía dưới kia là đại lộ Lê Lợi, ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Hùng đẩy nhẹ ly kem đến gần nàng hơn và nói :
- Hoàng Nga, em ăn kem đi chứ, kem chảy hết rồi kìa.
- Vâng, mà anh cũng ăn đi chứ, ly kem của anh còn nguyên kìa.
Hùng tủm tỉm cười :
- Nãy giờ ngắm mắt môi Hoàng Nga, anh no rồi chẳng còn thiết ăn uống gì nữa.
Hai má Hoàng Nga chợt đỏ bừng, nàng bẽn lẽn cúi xuống tránh ánh mắt chứa chan yêu thương của Hùng.
Hùng lái xe đưa Hoàng Nga về đến đầu con ngõ. Hoa phượng vĩ đã trải đầy trên lối đi một màu đỏ của kỷ niệm, của bàn ghế học trò.
Hoàng Nga xuống xe, bước lại bên Hùng nhỏ nhẹ :
- Em về nha Hùng ơi, thứ bảy anh nhé.
Hùng ân cần :
- Chịu khó học bài nghe Hoàng Nga, sắp thi rồi đó. Trước khi học bài nhớ gọi lớn anh Hùng ơi, mau thuộc bài lắm đó.
1Hoàng Nga nắm tay Hùng cười lớn :
- Anh khôn quá trời Hùng ơi.
Hùng rồ ga phóng xe về số 4 Duy Tân, Trung tâm sinh hoạt CPS. Năm nay trường Luật sửa sang và nới rộng thêm nên phải di tản qua các cơ sở khác, thày trò kéo nhau qua số 4 Duy Tân học ké.
Không khí giảng đường dạo này ngột ngạt lạ thường. Không phải vì lạ nhà lạ cửa, mà vì cuộc chiến bùng lên dữ dội quá. Báo chí, đài phát thanh dầy dặc những tin tức chiến sự. Những cuộc phản công mãnh liệt của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buộc địch quân phải rời bỏ vị trí, tan tác chạy ngược về phía rừng sâu. Hình ảnh oai hùng của những người lính trẻ đứng tươi cười trên những chiếc T.54 gãy gọng làm nức lòng toàn quân, toàn dân khắp cả nước. Trên mặt báo Tiền Tuyến ngày nào cũng cho in hình ảnh chiến trường khói súng mù mịt, cảnh quân ta xung phong dưới lằn mưa đạn, cảnh các chiến sĩ dìu đồng bào về tuyến sau an toàn.
Lạ thật, trong suốt một cuộc chiến dài đăng đẳng như thế, mỗi khi có giao tranh, có bom đạn gầm thét là người dân chỉ chạy về một phía, chẳng bao giờ chịu chạy về phía bên kia…
- Cậu Thịnh ơi, tí nữa cậu sang nhà cháu, giảng dùm cháu bài toán nhé.
- Bây giờ cậu đang bận, để tí nữa cậu sang.
- Cháu để dành cho cậu ổi xá lị và muối ớt, sang ngay kẻo hết cậu nhé.
Hoàng Nga nhảy chân sáo về nhà, lòng nhẹ nhõm vì bài toán của nợ ấy nàng vừa bán cái cho cậu Thịnh xong, khỏi phải suy nghĩ cho mệt óc. Nàng chúa ghét môn toán, cộng trừ bớt một thêm hai sao nhỏ nhen quá. Mấy cái công thức, định lý ôi sao mà rắc rối xương xẩu, khó nuốt quá trời. Chẳng bù với môn Văn chương, khỏi cần học cũng thuộc. Những vần thơ óng ả len nhẹ vào hồn làm rung động trái tim mới hé nụ hồng, chưa kịp học thì thơ đã nằm ngoan ngoãn trong lòng rồi.
Hôm nọ cậu Thịnh sang chơi, quà cho bé tập thơ Áo Lụa Hà Đông, cậu Thịnh bảo bài thơ này hay lắm, cậu tặng riêng cho Hoàng Nga để thưởng thức.
Ôm tập thơ vào lòng, Hoàng Nga vội vã chạy vào phòng. Nàng kê gối nằm lên giường và cẩn thận mở tập thơ ra đọc.
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương.
Anh thay mực cho vừa màu áo tím.
Chỉ cần ngâm nga vài câu thơ tình tự khéo léo này, bao ưu phiền bỗng chấp cánh bay xa. Còn lại ta với miên man huyền ảo của màu tình yêu.
Hoàng Nga cảm nhận bài thơ này tuyệt vời gấp bội, vì cậu Thịnh đã bảo rằng bài thơ này hay lắm mà. Cái gì cậu Thịnh bảo đẹp thì chắc chắn phải là đẹp, bảo hay chắc chắn phải là hay, điều này thấm trong lòng Hoàng Nga tự bao giờ không biết. Dưới mắt nàng, cậu Thịnh là một cánh đại bàng bay lượn trên cao, nàng chỉ là một con cá bé tí teo dại khờ, thỉnh thoảng ngóc lên mặt nước há miệng đớp một hớp bóng nước, mà cậu Thịnh là cả một bầu trời xanh thẳm bên trên.
Thịnh vẫn ở chung nhà với bố, Lan là chị cả của Thịnh, hai chị em thân nhau từ thuở bé. Sau khi lập gia đình, chị Lan vẫn giữ tình thân thiết với đứa em trai út của mình. Hai nhà cách nhau một con phố, mỗi khi nhà nấu món gì ngon ngọt, Lan đều sai con sang mời cậu Thịnh. Thịnh thương chị, rảnh rỗi chàng lại ghé sang thăm, sẵn dịp kèm cặp thêm cho các cháu về việc học hành. Vốn văn hay chữ tốt, tính tình lại dễ dãi nên các cháu rất quí mến Thịnh.
Hôm nay Thịnh rảnh rỗi nên ghé thăm chị Lan. Thịnh và chị Lan đang trò chuyện trong phòng khách thì Vân đi học về. Vừa bước vào nhà Vân đã chu chéo lên khi nhìn thấy Thịnh :
- Cậu Thịnh ơi, chết rồi cậu ơi.
- Thịnh hơi hoảng:
- Chuyện gì vậy Vân, nói cho cậu nghe nào.
- Hồng Loan, nhỏ bạn của cháu, nó hỏi thăm cháu về cậu. Nhỏ Loan là hoa khôi của lớp cháu đó nhe cậu. Quân từ trong nhà bước ra, góp chuyện :
- Hôm trước chị Khanh con bác Quý cũng hỏi thăm cháu về cậu đấy. Sao cậu nhiều mối thế. Thịnh nhe răng cười :
- Lắm mối tối nằm không cháu ạ. Hoàng Nga đang đọc sách bên khung cửa sổ, nàng gấp sách rồi nhè nhẹ quay lại nhìn. Nàng tò mò ngắm nghía Thịnh. Hôm nay Thịnh mặc một chiếc áo Polo ngắn tay để lộ những bắp thịt rắn chắc. Đôi chân mày rậm, hàm răng trắng đều như những hạt bắp non. Khuôn mặt và thân thể chàng trai toát ra một sức hấp dẫn lạ thường. Hoàng Nga nghe tiếng tim mình đập sai nhịp mất rồi, nàng bỗng cảm thấy hai tai mình nóng bừng lên. Hoàng Nga vội chúi đầu vào trang sách, sợ ai đó nhìn thấy thì xấu hổ chết đi được.
Từ cái hôm bất chợt nghe hồn mình như tròng trành xao xác, Hoàng Nga tưởng nhớ đến cậu Thịnh luôn, chỉ mong sao gặp bài toán khó để réo cậu Thịnh sang, hỏi han hành hạ cho đỡ nhớ. Nàng bỗng thấy bài thơ Áo Lụa Hà Đông hay vô vàn, nàng đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thấy thấm thía hơn, bài thơ sao mà lãng mạn dễ yêu đến thế.
Bỗng nhiên Hoàng Nga tự hỏi :
- Tại sao cậu Thịnh lại tặng mình cuốn thơ này nhỉ ?
Và rồi nàng bỗng thẹn thùng, một nỗi hạnh phúc bất chợt reo lên trong lòng khi nàng tự trả lời câu hỏi của chính mình…
Mấy hôm nay mẹ bận liền tay. Mẹ đi chợ mua sắm thức ăn để chuẩn bị nấu những món ăn hợp khẩu cho cậu Thịnh. Mẹ nhẩm tính thế nào cũng phải có món cà-ri ăn với bánh mì để mọi người dùng chung. Không thể thiếu món xôi gấc vì cậu Thịnh rất mê món này, nhưng phải do chính tay mẹ nấu. Những món nấu riêng cho cậu Thịnh thì gồm có giò dim với muối tiêu có thể dùng lâu được. Dưa mắm, chà bông thì rất thuận tiện, ở đâu lúc nào cũng có thể làm thức ăn với cơm được. Cá lóc kho tộ để Thịnh có thể dùng ngay trong vài ngày. Soài mùa này đang rộ, ngọt lịm thơm ngon, đem lên cho Thịnh một chục, cậu ăn cho thỏa thích.
Thấy mẹ lo lắng chắt chiu cho cậu Thịnh từng li từng tí, Hoàng Nga cảm động vô cùng, nàng đùa với mẹ :
- Mẹ cứ làm như người ta bỏ đói cậu Thịnh không bằng. Lan cười thật hiền lành :
- Nếu bà ngoại còn sống thì mẹ đâu có phải lo lắng cho cậu Thịnh như thế này. Lan chợt nhớ lại thuở thơ ấu ngày xưa, bố mẹ nhọc nhằn nuôi cả một đàn con thơ dại. Thằng cu Thịnh út ít, cả nhà ai cũng cưng chiều thương yêu, thoáng bây giờ đã khôn lớn trưởng thành như thế này đây.
Sáng hôm nay Hoàng Nga đem về nhà chiếc áo dài mà nàng đã đặt may từ hai tuần trước. Chiếc áo màu xanh may bằng vải lụa rất mềm mại, phía trước ngực điểm vài cánh hoa phượng vĩ nổi bật trên nền xanh của áo. Sáng nay khi nàng mặc thử chiếc áo, bà chủ tiệm may đã phải tấm tắc khen ngợi :
- Thân hình của cô đẹp quá, chiếc áo này thật xứng với cô. Tôi ưng ý lắm.
Hoàng Nga ngắm nghía mình rạng rỡ trong gương. Màu áo lụa ôm sát lấy tấm hình hài đang bừng lên sức sống của nàng. Lớp vải lụa mềm mại mong manh như thăng hoa cho bộ ngực no tròn đang ngượng ngùng vươn vai. Hai bên hông cắt hơi xích lên trên để lộ làn da trắng ngần mời mọc. Màu xanh của áo làm nổi bật chiếc cổ cao thon, mềm mại trống trải chạy xuống vùng ngực phập phồng làm nghiêng ngả lòng người.
Nàng thì thầm :
- Cậu Thịnh ơi, Nga mặc chiếc áo này cho cậu đấy. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường, cậu còn nhớ chứ.
Suốt đêm chập chờn với cơn ngủ khó dỗ, Hoàng Nga thấp thỏm đợi chờ, trời vừa sáng là nàng tót ngay xuống giường, vội vã đánh răng rửa mặt. Nàng nghe tiếng động vang vang bên ngoài phòng khách, bố mẹ đang chuẩn bị tay xách nách mang. Sau khi mặc xong chiếc áo dài còn thơm mùi lụa mới, Hoàng Nga soi bóng mình trong gương, bỗng nàng nảy ra một ý nghĩ. Nàng lẻn sang phòng của mẹ, lục bàn phấn, thoa trộm một chút phấn hồng lên hai má.
Hoàng Nga mở cửa bước ra phòng khách. Mẹ ngước lên nhìn. Ngạc nhiên và thích thú, mẹ nói như reo lên :
- Trời ơi, con của mẹ hôm nay xinh quá.
Bố thấy vậy cũng dừng tay nhìn con gái :
- Ái chà, con bé lọ lem của bố nay đã thành nàng công chúa xinh đẹp rồi đấy, chóng thật. Hoàng Nga e thẹn ngồi thụp xuống bên mẹ, mẹ vội ngăn lại :
- Để mẹ làm được rồi con ạ, đứng lên đi con. Đừng làm nhăn quần áo, mất đẹp.
Sáng hôm nay nắng ấm chan hòa trên đồi Tăng Nhơn Phú. Nhộn nhịp bước chân người, những khuôn mặt tươi cười như hoa, lòng Hoàng Nga rộn lên một nỗi ngóng trông. Khu tiếp tân náo nhiệt với những tà áo muôn màu muôn vẻ, thấp thoáng những bộ Quân phục màu lá cây rừng. Xa xa trên sân khấu, một chàng trai Quân phục chỉnh tề, nón nhựa cầm tay đang cất tiếng hát :
“…Sao em không đến chiều nay thứ bảy
Sao em không lại đường vắng em đi
Sao em không lại sao em không lại
Quân trường riêng tôi đứng đây…”
Bố nặng trĩu hai tay hai giỏ đựng đầy đồ ăn, trái cây, mà vẫn phom phom dẫn trước, mẹ và Hoàng Nga phải rảo bước thật nhanh mới theo kịp. Bố dừng lại, quay sang bảo với Hoàng Nga :
- Nga, con viết tên cậu Thịnh vào một tờ giấy, rồi đem lại bàn tiếp tân nhờ các cậu ấy gọi trên loa phóng thanh, nhắn cậu con ra. Bản nhạc vừa dứt, một tràng pháo tay ròn rã kéo dài. Tiếp theo là lời thông báo :
- Sinh viên Sĩ quan Nguyễn Tuấn Thịnh, Đại đội 11 ra khu tiếp tân có người yêu đến tìm. Hoàng Nga sững người, rõ ràng nàng ghi trên giấy là có thân nhân đến tìm, sao bây giờ lại là có người yêu đến tìm. Dẫu sao một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cũng bất ngờ xâm chiếm hồn nàng. Các cậu Sinh viên Sĩ quan này thật là láu lỉnh và… thông minh.
Hoàng Nga thơ thẩn dõi mắt theo con đường hai bên có hai hàng cây dương xanh ngát dẫn ra khu tiếp tân. Nàng để ý có một người mặc Quân phục đứng lạnh lùng bên lề đường, hai tay chống nạnh, mặt hất lên trời. Bóng một người khác từ xa đi tới. Tiếng hét tuy xa nhưng vẫn văng vẳng đến tai Hoàng Nga :
- Đàn em ra khu tiếp tân mừng quá không chào Huynh trưởng hả ? Bóng người kia khựng lại, đứng nghiêm dơ tay chào. Tiếng quát vang lên :
- Làm 50 cái hít đất.
Bóng người kia đổ xuống mặt đường, lên lên xuống xuống. Người ấy đứng lên, lại nghiêm chỉnh dơ tay chào. Lại nghe tiếng hét :
- Đàn em yếu đuối lắm, nói nhỏ như vậy đàn anh không nghe thấy gì hết, gào to lên. Tiếng gào lần này như cọp rống :
- Thi hành lệnh phạt xong, chờ lệnh huynh trưởng. Bóng người thất thểu bước nhanh, không dám ngoái đầu nhìn lại. Người kia vẫn đứng đó, tiếp tục chống nạnh, hất mặt lên trời, chờ đợi.
Hoàng Nga hoang mang, cùng là lính với nhau sao mà ác thế, tội nghiệp anh chàng kia hiền lành quá, gặp Hoàng Nga thì…đừng có mong.
Hoàng Nga bỗng tê tái khi nghĩ đến cậu Thịnh, nếu cậu Thịnh cũng bị ăn hiếp như vậy thì… trời ơi.
Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ miên man :
- Hoàng Nga lại đây, cậu Thịnh đây rồi con. Hoàng Nga cuống quít quay lại. Bỗng nhiên mắt nàng hoa lên, tim đập mạnh, một nỗi hoảng hốt chèn vào cổ họng nàng khi Hoàng Nga nhìn thấy cậu Thịnh đang nắm tay một người con gái mặc váy đầm, tươi cười trò chuyện với bố mẹ nàng. Cậu Thịnh nhìn Hoàng Nga tấm tắc khen :
- Chao ôi hôm nay Hoàng Nga xinh đẹp quá.
Rồi cậu Thịnh quay sang người con gái, giới thiệu :
- Đây là Diễm, bạn gái của cậu.
Thịnh giới thiệu Hoàng Nga với Diễm :
- Còn đây là Hoàng Nga, cô cháu dễ thương của Thịnh.
Diễm ngắm Hoàng Nga rồi khen :
- Hoàng Nga xinh quá, và chiếc áo dài cũng thật tuyệt vời. Diễm nghe anh Thịnh nói chuyện về Hoàng Nga đã lâu, nay mới có dịp gặp gỡ Hoàng Nga. Hoàng Nga lặng người đi, chả biết nói sao bây giờ, nàng lí nhí trong miệng :
- Dạ chào chị ạ.
Cậu Thịnh trìu mến nhìn Diễm rồi quay sang Hoàng Nga :
- Diễm cũng là con cháu hai bà Trưng đấy Hoàng Nga ạ, bây giờ thì Diễm đang học bên Đại học Sư Phạm.
Hoàng Nga đứng nép sau lưng mẹ. Trong lúc mọi người trò chuyện, nàng lặng lẽ quan sát người yêu của cậu Thịnh. Khuôn mặt chị Diễm trông thật khả ái. Chị có đôi mắt to, đen nhánh. Miệng lúc nào cũng sẵn sàng nở một nụ cười, hai bên má lúm đồng tiền khiến nụ cười lại thêm duyên dáng. Chiếc váy màu đen thả những nếp ly chạy từ trên xuống, vừa quá đùi một chút đã vội vã ngừng lại để khoe đôi chân thon dài cân đối. Chiếc áo pull màu xanh da trời khoét hơi sâu nên gió ban mai được dịp mơn trớn trên làn da trắng nuốt, nhô cao của bộ ngực đang căng phồng nhựa sống. Mái tóc đen nhánh uốn bồng bềnh xuống ngang vai, trông chị thật khuê các. Hoàng Nga có cảm giác như mình vừa tuột tay đánh rơi một vật rất thân thiết, vô cùng quí giá. Trong cơn hụt hẫng, nàng thấy nhói trong tim một cơn đau thật buốt…
Làn gió mát thổi trên mặt sông Sài Gòn cũng không xua tan nổi áng mây mù đang che phủ tâm tư rối bời. Hoàng Nga thả đôi mắt sang bên kia bờ sông, mấy dãy nhà sàn bên kia bờ Thủ Thiêm trông siêu vẹo thảm thương có khác gì lòng Hoàng Nga bây giờ. Hùng bất giác thở dài, chàng nhìn thật sâu vào đôi mắt của Hoàng Nga:
- Mấy hôm nay em có chuyện buồn, phải vậy không Hoàng Nga. Em có thể kể cho anh nghe với được không ? Hãy cho anh chia xẻ chút ưu phiền với em, được không hở Hoàng Nga ?
Hoàng Nga khe khẽ lắc đầu, nàng bỗng thấy trong mắt Hùng ánh lên một nỗi lo lắng chân tình, một nỗi thương yêu dạt dào. Nàng chợt thấy mình có lỗi với Hùng thật nhiều. Hoàng Nga nắm lấy bàn tay Hùng, nàng ngước mắt lên nhìn :
- Anh Hùng, em xin lỗi anh.
Hùng ôn tồn dịu dàng :
- Đừng em, Hoàng Nga đâu có lỗi gì với anh.
Hùng thấy một nỗi yêu thương ngút ngàn dâng ngập trong lòng. Chàng bỗng thấy khát khao được đặt một nụ hôn lên khuôn mặt kiều diễm của người yêu, và chàng đã không kềm lòng được nữa rồi. Mùi thơm của tóc, của mắt môi yêu dấu đã nhận chìm Hùng trong biển cả yêu đương…
Hôm cậu Thịnh tốt nghiệp khoá Sĩ quan trừ bị trường Bộ binh Thủ Đức, Hoàng Nga cáo bệnh nằm ở nhà, bố mẹ và hai em Vân, Quân đón xe đi từ sáng sớm. Hoàng Nga thấy hồn mình dật dờ khi nghe mẹ chuẩn bị lo toan cho đám hỏi của cậu Thịnh và chị Diễm. Mẹ dự tính may cho cậu Thịnh một bộ Vest, đóng cho cậu một đôi giày mới, mẹ đã đi dọ hỏi chỗ cho mướn khay quả.
Nhưng mọi lo toan của gia đình chợt gãy đổ, chỉ 6 tháng sau ngày mãn khóa, tin từ mặt trận đưa về báo tin cậu Thịnh đã tử trận. Tin dữ làm mọi người không nhấc nổi tay chân. Người khóc tả tơi nhất là mẹ. Tội nghiệp mẹ, mới hôm trước hôm sau đã thấy mẹ già xọm hẳn đi.
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mùa hè năm 1972, nhà quàng chật cứng những quan tài gói ghém hình hài của các tử sĩ từ mọi nơi đưa về. Tiếng khóc than, tiếng kể lể, tiếng nấc nghẹn, tiếng gào thống khổ làm rung rinh cả những chiếc áo quan phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Chiến sự còn kéo dài nên người ta cho đào sẵn những dãy huyệt chạy dài trên triền đồi. Đào đến bao nhiêu mới ngừng thì chỉ có trời mới biết. Còn tiếng bom đạn rung chuyển đất trời thì còn đào huyệt cho hình hài tử sĩ.
Chị Diễm vật vã khóc than điên loạn bên chiếc quan tài phủ kín thân xác cậu Thịnh. Hoàng Nga nước mắt ràn rụa ôm lấy hai vai chị Diễm, ước sao được san xẻ nỗi thống khổ của chị.
Hoàng Nga đã khóc hết nước mắt, mắt nàng sưng tấy lên một màu đỏ, nàng đã khóc như chưa bao giờ được khóc… - Thế là hết cậu Thịnh ơi, nhưng cậu sẽ mãi mãi trong trái tim nhỏ bé này, cậu ơi…
Quân Mỹ đã cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Tình hình chiến sự bỗng lan rộng, bùng lên khốc liệt. Do nhu cầu chiến trường cần bổ xung một số lượng lớn Sĩ quan cho toàn Quân đội, một lệnh Tổng động viên mới, vừa được ban hành.
Giới hạn tuổi để được hoãn dịch vì lý do học vấn bị giảm xuống 1 năm. Tin tức nóng hổi này lan nhanh vào giảng đường như một quả bom, không sát thương một ai nhưng làm sụp đổ biết bao mộng đẹp của các chàng Sinh viên. Công lao bao nhiêu năm cố công học hành, thức đêm dậy sớm, nay tan tành theo mây khói. Con đường tương lai đang thênh thang rộng mở bỗng nhiên bị chận lại bởi một lớp hàng rào kẽm gai có mìn, có lựu đạn gài, có thịt da vung vãi trên đất cát.
Các cô Sinh viên ngơ ngác nhìn nhau, giảng đường vắng hẳn đi như gánh hát về khuya, không còn cảnh đi học thật sớm để xí chỗ, hết rồi hình ảnh các chàng sinh viên ngồi đong đưa trên khung cửa sổ vì…hết chỗ.
Người ở lại ngậm ngùi lo lắng cho người ra đi, trong đó có bạn bè, có người tình…
Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ không hứng nổi số lượng thanh niên nhập ngũ đột ngột tăng vọt quá lớn, nên Quân trường nào vừa có chỗ trống là gởi người đi ngay. Số còn lại tạm thời cho về phép 2 tuần một lần, giữ các cậu ở lại vừa phải lo nơi ăn chốn ở, vừa phải ngậm đắng nuốt cay với các trò tinh nghịch của lũ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.
Các khóa đào tạo Sĩ quan trừ bị không còn phải qua giai đoạn I Tân binh tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung nữa, mà được đưa thẳng vào trường Bộ binh Thủ Đức hoặc Trung tâm Huấn luyện Đồng Đế, Nha Trang. Trước kia Đồng Đế là Trung tâm Huấn luyện Hạ sĩ quan, nay cải tổ kiêm luôn chức năng huấn luyện đào tạo Sĩ quan cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hầu hết các Sinh viên Sĩ quan trừ bị được gọi theo lệnh Tổng động viên năm 1972 đều là các Sinh viên ưu tú của các trường Đại học, người thì đang theo học năm thứ ba Đại học, người bét nhất cũng đang theo học năm thứ nhất Đại học.
Giã từ trường Luật, Hùng lên đường nhập ngũ bỏ lại sau lưng con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Trước một đổi thay bất ngờ lớn lao như thế, người ta phải e ngại, nhất là bước chân vào đời Quân ngũ thì lành ít dữ nhiều. Tự nhiên Hùng thấy lo âu cho cuộc tình của mình với Hoàng Nga.
Hùng cố gắng kéo dài những ngày tháng ở Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ để lấy phép về thăm Hoàng Nga, đưa người yêu đi đây đi đó, như sợ không còn có dịp nào nữa. Hai đứa quấn quít nhau chẳng rời. Hùng cứ hay nhìn sâu vào mắt người yêu mà đắm đuối, nặng trĩu yêu thương. Hùng giữ kỹ những hình ảnh ấy và sẽ đem theo với nỗi nhớ thương vào miền đất xa xôi..
Suốt thời gian huấn luyện ở trường Bộ binh Thủ Đức, tuần nào Hùng không về phép thì Hoàng Nga lại lên thăm người yêu, cũng tay xách nách mang, con gái đã đẹp còn có dáng đảm đang nữa, càng nghĩ càng thương. Tuần nào Hùng được về phép, đoàn xe GMC vừa dừng bánh trên đường Tú Xương, Hùng đã vội vã nhảy xuống vẫy tắc xi đi tìm Hoàng Nga ngay, cứ như tình để lâu sẽ nguội không bằng.
Hiệp định Paris năm 1973 với giải pháp ngưng bắn da beo, các Sinh viên Sĩ quan được đưa về các địa phương xa xôi làm công tác dân vận. Các đợt đi chiến dịch khiến thời gian thụ huấn kéo dài thêm vài tháng. Sau khi chấm dứt thời gian đi chiến dịch, Hùng trở về Quân trường Thủ Đức để tiếp tục huấn luyện. Một hôm cả Tiểu đoàn Khóa sinh của Hùng được lệnh tập trung lên hội trường, các phái đoàn đại diện cho các quân binh chủng đến gặp gỡ để giới thiệu và tuyển mộ.
Vốn cao to, khỏe mạnh lại đẹp trai, Hùng dễ dàng được nhận về Binh chủng Nhảy Dù. Chiều hôm ấy Hùng xuống khu sinh hoạt tìm mua một cái huy hiệu nho nhỏ vuông vuông, có hình con ó xinh xinh, chàng gắn lên nắp túi cho thỏa chí tang bồng. Hà hà, từ nay ta đã là Chiến binh Sư đoàn Nhảy Dù rồi đó nhé.
Mãn khóa trường Bộ binh Thủ Đức. Hùng và các bạn theo đoàn GMC về trình diện Bộ tư lệnh Sư đoàn Dù trong trại Hoàng Hoa Thám, được thông báo chuẩn bị tinh thần, gân cốt cho khóa huấn luyện nhảy dù sẽ ướt đẫm mồ hôi sắp tới. Hùng xuống chợ Sư đoàn tìm mua ngay một bộ quần áo hoa Dù và một chiếc Beret đỏ. Ngắm nghía trước gương, Hùng thấy mình oai phong lẫm liệt hẳn ra.
Chiều hôm ấy, Hùng diện ngay bộ quần áo hoa Dù và chiếc nón đỏ về thăm gia đình. Gần bữa cơm chiều nên mọi người quây quần đông đủ. Vừa bước vào nhà, mẹ chàng đã tròn mắt lên nhìn, Hùng nghĩ bụng chắc mình oai quá nên mẹ ngạc nhiên đó thôi. Mẹ quay vào phòng trong, gọi bố trong tiếng lo lắng khác thường :
- Bố nó ơi ra mà xem thằng Hùng này.
Tiếng cửa phòng bật mở, bố bước ra nhìn Hùng chăm chăm mà chưa nói gì. Hùng vội vã chào bố mẹ, chàng thoáng hiểu ngay có bầu không khí ngột ngạt này là vì chàng đã cố tình quên câu cá không ăn muối cá ươn.
- Ông bảo rằng ông đã gởi gấm con kỹ lắm rồi mà, sao bây giờ nó về Nhảy Dù hở ông ?
Bố nhìn Hùng, chậm rãi nói :
- Bố đã nói với con rồi mà Hùng, bố đã sắp xếp để đưa con về Tiểu khu Gia Định, sao con lại tình nguyện về Nhảy Dù mà không nói cho bố biết trước hở con ?
- Bố ơi, con không thích đi lính Địa phương quân. Con đã chọn từ lâu rồi, nếu phải đi lính, con sẽ chọn Binh chủng Nhảy Dù.
- Mình xin đổi bây giờ còn kịp không hở ông ? Mẹ bồn chồn hỏi bố.
- Chậm mất rồi, vì người ta luôn luôn ưu tiên cho những người đã chọn Binh chủng từ giữa khóa học.
- Vậy thì bây giờ phải làm sao hở ông ? Mẹ hỏi dồn bố.
- Mẹ nó đừng quá lo lắng như vậy, việc này để tôi lo.
Hôm sau Hùng và các bạn về trình diện Trung tâm Huấn luyện Nhảy dù, trong trại Hoàng Hoa Thám kế bên phi trường Tân Sơn Nhất. Ba tuần lễ chật vật đẫm ướt mồ hôi, toàn thân rã rời, buổi tối về nhà lúc lên giường ngủ, phải dùng hai tay khe khẽ đặt người nhè nhẹ lên giường, vậy mà vẫn còn cảm thấy xương cốt vỡ vụn đau nhức.
Giai đoạn cuối cùng là nhảy dù từ trên máy bay. Hùng thích lắm cái cảm giác bồng bềnh trôi trong không gian, thấy đất trời tròng trành nghiêng ngả như vừa uống xong 1 thùng bia. Vừa lao ra khỏi phi cơ, Hùng bắt đầu đếm : - một chai lade, hai chai lade, ba chai lade.
Đếm tới đây nếu dù không mở thì phải mở ngay dù bụng, nếu chần chờ sẽ tan xương nát thịt. May quá, một tiếng bục nhỏ vang lên, dù bắt đầu từ từ mở để bọc gió. Người Hùng như bị níu lại. Hai tay vươn lên nắm lấy đai dù, làm động tác khám dù, kiểm soát an toàn, sau đó thong thả nhìn chung quanh ngắm các cánh dù của bạn bè. Nhìn xuống bãi đáp khu ấp Đồn, những mái nhà tranh ẩn hiện trong hàng cau xanh mướt, những thửa ruộng xanh ngắt vuông vắn như ô vuông bàn cờ. Những con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ bên cạnh những mồ mả nhọn hoắt. Mặt đất càng lúc càng gần hơn, Hùng co chân, lấy thế sẵn sàng. Chân vừa chạm đất, Hùng ngã người lộn một vòng rồi đứng dậy nhẹ nhàng, thế là xong, chỉ việc thu xếp dù vác về điểm tập trung. Nhảy dù dễ lắm, ai cũng có thể nhảy được, miễn là trong người có một chút máu liều.
Sau khi chấm dứt khóa dù, Hùng không khỏi hào hứng khi nhìn thấy tấm bằng nhảy dù, có tên tuổi và hình ảnh của mình trên đó. Hùng biết rằng cuộc đời của mình sắp sửa bước qua một ngã rẽ ghê gớm lắm đây, nhưng đối với những ai đã từng tung mình ra khỏi cửa phi cơ để rơi xuống đất thì trên cuộc đời này chẳng còn có điều gì phải sợ hãi nữa cả.
Hùng và các bạn nằm chờ ở khối bổ sung được hơn tuần lễ thì đáp chuyến bay C-130 ra phi trường Phú Bài, sau đó theo đoàn GMC về Bộ tư lệnh tiền phương đóng tại Hiệp Khánh. Hùng và các bạn lưu lại Hiệp Khánh 3 tuần lễ để tham dự một đợt huấn luyện mới, mục đích là để làm quen với nếp sinh hoạt của đơn vị mới, học hỏi các chiến thuật của Binh chủng Nhảy Dù, thực tập điều chỉnh pháo binh, cách hướng dẫn phi cơ đánh bom yểm trợ…
Ngày mãn khóa đã đến, các bạn chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, 9 Tiểu đoàn tác chiến và 3 Đại đội trinh sát. Hùng chọn về Tiểu đoàn 8 ND, vì nghe nói TĐ 8 sắp về Sài Gòn để dưỡng quân, chỉnh bị đơn vị. Xa nhà mới có non một tháng mà đã thấy nhớ thương khôn cùng, nhớ hàng mi của ai cong cong, ánh mắt sáng long lanh càng ngắm càng yêu, đôi môi mềm chẳng muốn rời ra. Chết thật, bây giờ mới biết, biết mình lậm Hoàng Nga quá rồi đấy Hùng ơi !
Khoảng cuối năm 1973, Tiểu đoàn 8 ND tiếp nhận các đợt Sĩ quan mới ra trường bổ xung về. Họ cùng một lứa tuổi thanh xuân, còn đang nhìn đời qua lăng kính màu hồng, nên dễ chơi thân với nhau. Các Sĩ quan trừ bị mới toanh này được phân phối về các Đại đội tác chiến:
- Đại đội 81: Ngô văn Cường : Đại học Luật khoa.
Đoàn Tấn : Đại học Khoa học.
Đặng minh Sắc : Đại học Khoa học.
- Đại đội 82: Nguyễn văn Phú : Đại học Khoa học.
Trần văn Toàn : Đại học Luật khoa.
Nguyễn chí Linh : Đại học Văn Khoa.
- Đại đội 83: Trần phan Kiệt : Đại học Khoa học.
Nghiêm sĩ Thành : Đại học Khoa học.
Phạm đình Minh : Đại học Luật khoa.
Nguyễn đình Trung : Đại học Luật khoa.
- Đại đội 84: Nguyễn quốc Hùng: Đại học Luật khoa.
Vũ đình Hải : Đại học Văn khoa.
Trần văn Hết : Đại học Khoa học.
Thời gian này tiểu đoàn 8 ND của Hùng đóng quân ở vùng căn cứ Bình Trị, khu vực giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị. Sư đoàn Nhẩy Dù biến thành địa phương quân, nằm chết một chỗ giữ đất. Hai bên gườm qua gườm lại trong thế cài răng lược. Có nơi ta nằm trên đỉnh đồi, dưới chân đồi lại là một chốt của địch, ngứa mắt lắm chỉ muốn nhổ quách đi. Ngược lại có khi ta nằm ở dưới thì họ lại ở bên trên. Anh em trong trung đội của Hùng là những chàng trai đang độ tuổi bẻ gãy sừng trâu, họ dầm mưa dãi nắng, chịu đựng cơ cực rất giỏi. Những chàng độc thân vui tính này suốt ngày không ca hát thì chòng ghẹo lẫn nhau, cứ như đang chung dưới một mái nhà thân thương.
Ngày qua ngày, trên một mặt trận mênh mông cả một Sư đoàn dàn quân, không có lấy một tiếng súng nổ từ cả hai phía, tuy nhiên anh em luôn luôn được căn dặn lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Y như rằng, có một lần đặc công của địch từ bên kia suối Ô Lâu, nương theo màn đêm xâm nhập tấn công vào chốt đóng quân của Trung đội 2, ĐĐ 83 do Chuẩn úy Trần phan Kiệt trấn giữ. Nhưng địch không ngờ lính Nhảy Dù đã phát giác và phản ứng kịp thời, dập cho một trận tơi bời. Sáng hôm sau anh em đi lục soát bắt gặp nhiều vết máu, lẫn cả óc người, rơi rớt theo vết cỏ tranh rạp xuống vì thây người kéo đi.
Màn đêm trong núi rừng dầy dặc tối om, ngồi gác đưa bàn tay của mình ra trước mặt có mở trừng mắt ra cũng chẳng thấy gì. Lính Nhảy Dù gác đêm bằng tai, tiếng 1 cành cây gãy vang lên trong màn đêm tịch mịch nghe rất rõ nếu lắng nghe. Nó tố cáo có vịt con đang bò về phía mình, nhờ đó mới phản ứng kịp thời…móc mắt nó chà giấy nhám.
Hùng rất phiền muộn, suy tư khi đã rất nhiều lần nghe anh em than thở :
- Chuẩn Úy ơi, em tình nguyện về Nhảy Dù chứ đâu có tình nguyện vào lính Địa phương quân, sao nằm chết một chỗ hoài vầy nè.
- Em mà biết trước như thế này thì em hổng có đăng lính Nhảy Dù đâu Chuẩn úy. Lính Nhảy Dù gì mà hổng thấy đánh giặc, toàn là lội vô rừng chặt tranh tre tràm không hà, cực thấy bà nội.
- Chuẩn úy, mấy đứa bạn em đi chặt tranh tre tràm bị vướng lựu đạn có được Huy chương không Chuẩn úy?
Tiếng bắc kỳ Luận :
- Tao bị Việt cộng bắn gãy chân, cái Chiến thương Bội tinh còn chưa tới được tay tao.
Mấy thằng bạn dỏm của mày có…cái búa, lấy không ? Nghèo mà ham.
- Em tưởng về Nhảy Dù ngon lắm nên em mới đăng, ai dè trần thân vác từng ống sạc nước từ khe suối lên tưới cho mấy cây bầu, cây bí nông trường Yên Bầu, cực hơn con chó. Kỳ này về Sài Gòn dưỡng quân là em biến luôn đó nghe Chuẩn úy.
- Hôm qua thằng bạn tao đi kéo cày nông trường Yên Bầu, nó lỡ dại chôm có trái bí, bị Thượng sĩ Bến, Ban 2 Tiểu đoàn uýnh cho một trận dãn xương sống.
- Ai biểu ngu, mấy trái bầu trái bí đó là để thờ, sao nó dám rớ vô. Bộ không thấy lâu lâu có phái đoàn từ trên Lữ đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn tới thăm viếng, chụp hình quay phim đó sao. Chôm mấy trái đó đi lấy gì chụp, lấy gì quay, hổng lẽ chụp hình mày, ăn đòn là phải lắm rồi.
Các Sĩ quan mới ra trường về Sư đoàn Nhảy Dù không được nắm Trung đội ngay, phải đi theo phụ tá học nghề của một Trung đội trưởng kỳ cựu. Thường thì được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh chốt. Chốt của Hùng nằm trên một ngọn đồi thấp, kể cả Hùng là 5 mạng. Chốt nằm sát bên dòng suối Ô Lâu, nhìn qua bờ bên kia vẫn thấy bóng địch quân thoáng hiện. Mỗi ngày chốt phải cắt 2 người đi công tác về Tiểu đoàn. Sáng sớm nào cũng vậy, cứ 2, 3 giờ sáng là đã nổi lửa nấu cơm, nhét vội mấy chén cơm với cá khô vào bụng rồi lục đục khăn gói súng đạn lên đường tập trung về đại đội. Trên đường đi phải lội qua một con suối, bình thường thì nước ngập lên tới ngang lưng, hôm nào trời đổ mưa thì nước dâng cao tới ngang ngực. Anh em tay đưa súng lên cao khỏi đầu, lội bì bõm. Trời rét căm căm, nước lạnh luồn vào da thịt thấm tới xương.
Chờ Đại đội điểm danh quân số, báo máy xong, anh em khập khiễng lên đường trực chỉ Tiểu đoàn. Nón sắt súng đạn lầm lủi bước đi, mãi đến 8 giờ sáng mới đến được Tiểu đoàn.
Đại đội 81 đóng quân gần Tiểu đoàn hơn, mỗi khi tới chốt của Chuẩn úy Đoàn Tấn, đóng trên một ngọn đồi ven đường, Hùng lại ghé vào uống ly nước, châm một điếu thuốc. Nếu trên 10 đường về thì thỉnh thoảng Hùng nán lại trò chuyện với Tấn, hai đứa ôn lại khung trời Đại học thơ mộng ngày xưa không còn nữa. Đến Tiểu đoàn, anh em trình diện Sĩ quan trực rồi được phân chia thành nhiều toán. Toán cuốc đất vun giồng trồng rau muống khô, toán đào lỗ trồng bầu bí, toán vào rừng chặt cây về làm dàn cho bầu bí leo, toán lủi xuống điểm nước vác từng ống sạc nước lên tưới bầu bí, toán làm cỏ, toán biến vào rừng chặt tranh tre tràm.
Khung cảnh lao động trên nông trường Yên Bầu của Tiểu đoàn 8 ND chộn rộn lắm, người đi tới kẻ đi lui lăng xăng, quần áo thì rách bươm, nhiều chỗ hở cả da thịt. Đôi khi Hùng cũng lo lo trong bụng, lấy 2 mạng đi sưu dịch, ở nhà chỉ còn có 3 mạng, tụi nó đánh úp một cái thì coi như xong.
Ngày ấy Hùng nghe anh em đọc cho nhau nghe một bài vè, mỗi khi đọc xong thì anh em lại cười lên hô hố. Mỗi chữ trong bài vè đều bắt đầu bằng vần T, bài vè có tên: Tranh Tre Tràm. Bắt đầu bài vè là những chữ : Trung tá … Vè là một hình thái sinh hoạt tự nhiên của loài người, nhằm phản kháng chống đối một cách tiêu cực những áp bức bất công với lời lẽ châm chọc mỉa mai của lớp người thấp cổ, bé miệng.
Hôm nay là ngày lãnh tiếp tế, cũng là lúc anh em trông mong những lá thư gởi từ hậu phương ra. Hùng nhận được 2 lá thư. Lần tiếp tế nào có kế toán trưởng bay từ hậu cứ ra, chàng cũng đều nhận được ít nhất một lá thư của Hoàng Nga, có khi 2, 3 lá, nàng thương nhớ nhiều, một lá thư chưa đủ vơi đi niềm tâm sự, nỗi nhớ nhung…Nét chữ mềm mại, lời nói yêu thương của Hoàng Nga khiến Hùng quên ngay những nỗi mệt nhọc chán chường, chàng lại mơ mộng thả hồn về bên người yêu ở chốn thành đô nghìn trùng xa cách.
Lá thư kia là của mẹ Hùng gởi. Cơm nước xong, Hùng đốt một điếu thuốc rồi chậm rãi mở lá thư của mẹ ra đọc.
Người gởi : Phó thị Tá
29 Đường Thánh Mẫu
Tân Bình, Sài gòn.
Người nhận : Nguyễn quốc Hùng
Đại đội 84, Tiểu đoàn 8 ND
KBC 3119/HQ
Hùng con,
Giáng sinh sắp đến, ngoài miền Trung chắc hẳn lạnh lắm. Mẹ vào hậu cứ gởi ít quà cho con.
Một chiếc khăn quàng cổ và một cái áo len mẹ mới đan xong, khăn mặt, kem đánh răng , bàn chải răng, dao cạo râu, 5 cái áo thun, 5 cái quần đùi, 1 Kg khô mực, 1 Kg lạp xưởng. Một hộp kẹo rượu, một chai rượu Whisky bố gởi cho con. Mẹ cũng định gởi 1 con vịt quay để con và các bạn thưởng thức, nhưng ông kế toán trưởng không nhận nên mẹ phải đem về.
Cái thư bố dặn con phải đưa ngay cho bác B. Bộ tư lệnh sư đoàn, con đã đưa chưa, mà sao giờ này con vẫn còn ở ngoài ấy. Nếu chưa gởi thì gởi ngay để mẹ yên tâm, bố con đã gởi gấm đâu vào đó rồi.
Cả nhà vẫn mạnh khỏe, gia đình vẫn hằng cầu nguyện ơn trên ban cho con mọi sự an lành. Chủ nhật vừa rồi đi xem lễ, mẹ gặp con bé Xuyến trong ca đoàn, dạo này con bé càng lớn càng xinh đẹp ra. Lần nào gặp mẹ, nó cũng xin gởi lời hỏi thăm con.
Mẹ tạm ngừng bút, chúc con yên vui.
Mẹ của con.
Hùng đưa mắt nhìn chiếc ba lô bên đầu nằm, lá thư mà bố dặn gởi cho Trung tá B, một người bạn thân của bố, sẽ mãi mãi nằm dưới đáy ba lô, nó sẽ chỉ là một kỷ niệm mà thôi.
Tháng 7 năm 1974, toàn bộ tiểu đoàn 8 ND đang dưỡng quân ở Sài Gòn, đột ngột được lệnh ứng chiến 100%. Ngày hôm sau, một đoàn xe GMC hối hả lăn bánh chở toàn bộ Tiểu đoàn qua phi trường Tân sơn Nhất, dồn chật cứng lên những chiếc C-130 trực chỉ Đà Nẵng.
Phi cơ vừa chạm bánh đáp trên phi đạo, mọi người đã được căn dặn từ trước, đứng lên chuẩn bị rời phi cơ thật nhanh. Cảng phi cơ vừa hạ xuống, Hùng thoáng nhìn thấy bên dưới, một dãy quan tài nằm chờ sẵn. Tiếng đại bác đâu đó ầm ì dội lại, như gầm gừ đe dọa. Một đoàn xe quân vận chực sẵn đã bốc tiểu đoàn vào vùng hành quân. Ngay buổi chiều hôm ấy, đơn vị của Hùng đã có mặt trong quận Hiếu Đức, Hùng được lệnh dẫn Trung đội lên một ngọn đồi nằm bảo vệ cho 2 khẩu pháo 105 ly.
Cả đêm hôm ấy không ngủ nghê gì được vì tiếng đạn đại bác bắn đi xé nát không gian, dựng mọi người thức dậy. Hùng nằm thao thức nhớ về Hoàng Nga, giờ này em đang làm gì, đã yên giấc ngủ hay còn chong đèn đọc sách, có nhớ đến anh không, người yêu hỡi !
Sáng hôm sau, tiểu đoàn lại tiếp tục theo đoàn GMC hướng về quận Đại Lộc, qua Ái Nghĩa, cầu Chìm, đoàn xe chạy văng mạng, bụi đất tung bay mù mịt. Đoàn xe vừa dừng bánh, mọi người nhảy ào xuống xe, ba lô súng đạn gọn ghẽ, triển khai đội hình, bắt đầu lấn vào vùng hành quân.
Đứng trên đồi cao nhìn về phía quận Thường Đức, 2 bên trái phải là 2 dãy núi cao chót vót, trùng điệp chạy chụm lại theo hình mũi tên, đầu nhọn của mũi tên là một hẻm núi rất hẹp, có tên là Ba Khe, nơi có ngọn đồi 52 trọc lóc đỏ ối nằm chận ngay vào yết hầu của con đường độc đạo chạy từ Đại Lộc vào Thường Đức, vào sâu nữa là vùng Bến Giàng rồi Khâm Đức.
Đưa mắt nhìn theo con đường độc đạo chạy ngoằn ngoèo, Hùng chứng kiến những toán quân của đơn vị bạn đang nhớn nhác tháo chạy từ hướng Thường Đức ra. Lẫn lộn trong đoàn binh lính là những áo quần đủ màu sắc của dân lành bồng bế nhau nương theo đoàn quân tìm đường thoát hiểm. Những loạt đạn đại bác 130 ly của địch từ trong núi sâu bắn rải theo đoàn người.
Đứng trên đồi cao nhìn xuống, Hùng thấy những đốm khói bục lên dọc trên mặt lộ. Mỗi khi một cụm khói bục lên, người ta lại ngã xô xuống. Khi cụm khói tan đi, có những dáng người loạng choạng đứng lên tiếp tục lê bước, có những hình thù vẫn nằm im trên mặt đường không động đậy.
Klong Ha Thanh đứng dậy xốc khẩu đại liên M 60 lên vai, mỉm cười khi Hùng vừa bước ngang qua :
- Kỳ này đi tapi vui quá Thiếu úy. Hết tranh tre tràm, hết nông trường rồi, khỏe quá.
Tiểu đoàn trưởng đã ra đi để nắm chức vụ lữ đoàn phó, anh em thở dài nhẹ nhõm, mong sao ông ấy đừng bao giờ trở lại nữa. Vào trận Thường Đức, Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân lên nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND.
Hùng dẫn tiểu đội 1 của Trung sĩ Lê thế Hiền đi mở đường, Võ phú Hiệp dẫn đầu toán quân, tiếp theo là Nguyễn văn Tốt, Hùng là khinh binh số 3, rồi tới Trần minh Hồng mang máy truyền tin, Trung sĩ nhất Lê viết Hưng đi sau bọc chót trung đội.
Trung đội trưởng Nhảy Dù luôn luôn dẫn đầu đoàn quân trong mọi tình huống. Khi Trung đội di chuyển thì Trung đội trưởng chỉ đi sau vài người khinh binh. Khi tấn công, Trung đội trưởng căng một hàng ngang với anh em, miệng vừa hô xung phong thì người cũng vừa lao lên phía trước, tay xiết cò súng băng lên hô hoán, anh em binh sĩ hừng hực khí thế xông lên. Đang đóng quân phòng thủ, bất ngờ địch nổ súng tấn công thì Trung đội trưởng ngay tức khắc la hét om xòm lên để giữ vững tinh thần anh em, rồi ném lựu đạn, rồi nâng súng lên nhả đạn.
Trung đội trưởng Nhảy Dù vừa là người chỉ huy Trung đội, vừa là một khinh binh thiện chiến như mọi đồng đội khác. Trong bảng cấp số, vũ khí của Trung đội trưởng Nhảy Dù là một khẩu M 16, 300 viên đạn, 4 trái lựu đạn…chứ không phải là một khẩu colt 45, không có một tác dụng nào trên chiến trường.
Trung đội trưởng Nhảy Dù bò, trườn, nấp, xông lên xả đạn vào địch quân, ném lựu đạn, lại còn phải điều động anh em, điều chỉnh pháo binh, liên lạc truyền tin, nên nhiều lúc quên đi phần tác chiến cá nhân. Đứng khơi khơi giữa đồng trống liên lạc máy với Đại đội mà quên không ẩn nấp, mãi đến khi một tràng AK rít qua đầu mới sực giật mình nhận ra, đôi khi quá muộn màng.
Số lượng các Quân nhân ngã xuống để tô đậm cho mầu cờ sắc áo của Sư đoàn Nhảy Dù, nhiều nhất vẫn là các anh em Binh sĩ, các Hạ sĩ quan Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng, Trung đội phó và các Sĩ quan Trung đội trưởng xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị. Số lượng các Sĩ quan trừ bị hy sinh không thể nào đếm xuể. Mạng sống của các Sĩ quan Trung đội trưởng Nhảy Dù rất ngắn ngủi vì mạng sống của các khinh binh có kéo dài được bao lâu.
Là Sĩ quan trừ bị, họ tình nguyện gia nhập đoàn quân mũ đỏ, giữ chức vụ Trung đội trưởng từ khi còn mang lon Chuẩn úy, một năm rưỡi sau lên lon Thiếu úy, 2 hoặc 3 năm sau lên lon Trung úy vẫn còn là Trung đội trưởng nếu không chết trận. Thời gian chỉ huy Trung đội kéo dài tối thiểu cũng 3 năm. Trong 3 năm máu lửa đó trải qua biết bao nhiêu cuộc hành quân, bao nhiêu lần căng hàng ngang hô xung phong lao lên phía trước giữa lúc hỏa lực của địch bắn ra xối xả như mưa. Chỉ có phép màu mới che chở được cho những người trai đi giữa chiến tranh này mà thôi.
***
Đoàn quân mũ đỏ súng hờm trên tay, cẩn trọng trải rộng đội hình dấn bước vào lò lửa đang sôi sùng sục. Khi những người lính của Đại đội 84 đặt chân đến làng Hà Nha thì trời đã sụp tối, anh em canh gác cẩn mật, đào hầm hố củng cố vị trí chiến đấu.
Hà Nha là một giải đồng bằng hẹp, bên trái là con đường độc đạo dẫn vào quận Thường Đức, bên phải tiếp nối với chân của rặng núi Sơn Ya cao ngất trời xanh.
Bên khu vực trách nhiệm của Đại đội 83 do Đại úy Phạm văn Hiệu chỉ huy, Thiếu úy Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn Trung đội lấn sâu hơn trước khi trời tối. Thiếu úy Hoàng văn Tiến theo lệnh dẫn quân thọc sâu quá nên phía sau lưng trống trơn, không có cánh quân nào bảo vệ.
Giữa đêm khuya đột nhiên tiếng súng nổ dữ dội đều khắp trên toàn vị trí đóng quân của Thiếu úy Hoàng văn Tiến. Địch điều động một quân số áp đảo khóa đuôi Trung đội của Thiếu úy Hoàng văn Tiến và mở nhiều cuộc tấn công ào ạt.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến chỉ huy Trung đội co lại để phản công. Tiếng pháo 105 ly bắt đầu đóng vào trận địa, con gà cồ 81 của Tiểu đoàn cũng cất tiếng gáy theo, tinh thần anh em phấn chấn hẳn lên. Trung đội cố gắng chống chỏi dằng dai với địch, chờ sáng sớm Đại đội sẽ điều quân lên tiếp viện. Nhưng đến nửa đêm về sáng thì tuyến phòng thủ của Trung đội bị chọc thủng. Thiếu úy Hoàng văn Tiến chết giữa trận tiền.
Thiếu úy Hoàng văn Tiến là Sĩ quan đầu tiên của Tiểu đoàn 8 ND ngã xuống trên mặt trận Thường Đức, mở đường cho 6 Sĩ quan Trung đội trưởng sau đó theo chân Hoàng văn Tiến ra đi không hẹn ngày về.
Danh sách 7 Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND đã tử trận trong cuộc hành quân Thường Đức :
1- Thiếu úy Đoàn Tấn : ĐĐ 81
2- Trung úy Nguyễn ngọc Phước : ĐĐ 82
3- Thiếu úy Hoàng văn Tiến : ĐĐ 83
4- Thiếu úy Nghiêm sĩ Thành : ĐĐ 83
5- Thiếu úy Vũ đức Tiềm : ĐĐ 84
6- Thiếu úy Nguyễn văn Trí : ĐĐ 84
7- Thiếu úy Đến : ĐĐ 84
Danh sách các Sĩ quan Trung đội đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 8 ND bị thương rời mặt trận, tản thương về các Bệnh viện điều trị :
1- Trung úy Huỳnh hữu Hạnh : ĐĐ 81
2- Thiếu úy Quách Giang : ĐĐ 81
3- Thiếu úy Ngô văn Cường : ĐĐ81
4- Thiếu úy Nguyễn phước Bảo Huệ : ĐĐ 82
5- Thiếu úy Trần văn Toàn : ĐĐ 82
6- Thiếu úy Tiến ( Tiến Huế ) : ĐĐ82
7- Trung úy Hoàng đắc Hùng : ĐĐ 83
8- Thiếu úy Nguyễn đình Trung : ĐĐ 83
9- Thiếu úy Lê mậu Sức : ĐĐ 83
10- Thiếu úy Thạch Huôn : ĐĐ 83
1411- Thiếu úy Phạm đình Minh : ĐĐ 83
12- Chuẩu úy Trình : ĐĐ83
13- Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng : ĐĐ 84
14- Thiếu úy Vũ đình Hải : ĐĐ 84
15- Thiếu úy Phan văn Hữu : ĐĐ 84
16- Thiếu úy Hà mai Trường : ĐĐ 84
Sau khi chiếm xong ngọn đồi chiến lược 1062, bàn giao lại cho tiểu đoàn 3 ND, Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND chỉ còn lại vài người trên trận địa.
- Thiếu úy Nguyễn chí Linh của ĐĐ 82
- Thiếu úy Nguyễn minh Trung của ĐĐ 84
Cả hai người đều đã bị thương. Thiếu úy Nguyễn minh Trung một tay treo trước ngực, tay kia cầm lựu đạn ung dung chỉ huy Trung đội cho tới phút cuối cùng.
Trong danh sách các Sĩ quan trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND tử trận và bị thương, Trung úy Nguyễn ngọc Phước là Sĩ quan hiện dịch khóa 25 Võ Bị Đà Lạt và Thiếu úy Hà mai Trường khóa 26 VBĐL. Tất cả còn lại đều xuất thân từ các khóa Sĩ quan trừ bị.
Chỉ mới trải qua một cuộc hành quân thôi, dàn Sĩ quan trung đội trưởng của một Tiểu đoàn ND đã vơi đi gần hết. Cùng với dàn hạ Sĩ quan, anh em Binh sĩ trong Tiểu đoàn, cuộc sống của họ xem ra thật ngắn ngủi. Những hy sinh to lớn đó đã giáng cho địch những tổn thất nặng nề, đến nỗi trong trận chiến Thường Đức họ đã phải xiềng xích bộ đội của họ vào công sự chiến đấu, đến nỗi 2 Sư đoàn chính qui không thắng nổi 1 Sư đoàn Nhảy Dù.
Trước khi cùng đơn vị rời Sài Gòn ra Quảng Nam tham dự cuộc hành quân Thường Đức, Hoàng văn Tiến đã ước hẹn với người yêu, vài tháng sau sẽ trở về cử hành đám hỏi kết đôi.
Người yêu của Tiến là một cô giáo nhà ở vùng Quang Trung, Hốc Môn. Cô giáo cũng có một người em trai tên là Chung, phục vụ tại Trung đội 3, Đại đội 84. Trong trận đánh đẫm máu ở Thường Đức, mảnh pháo 130 ly của địch đã tiện đứt gọn 2 bàn tay của Chung.
Trong dàn Sĩ quan Trung đội trưởng của Tiểu đoàn 8 ND, Hoàng văn Tiến nổi tiếng là một Sĩ quan ba gai. Tướng to ngang, mặt mũi đen đui đũi, bước đi nghênh ngang, nên Hoàng văn Tiến có biệt danh là Tiến trâu. Thời gian còn đóng quân ở căn cứ Bình Trị, một hôm Hoàng văn Tiến được lệnh dẫn một Trung đội đi nhảy dù bồi dưỡng bằng trực thăng ở ven bờ biển. Sau khi nhảy dù xong, thay vì dẫn anh em trở về đơn vị, Hoàng văn Tiến dẫn toàn bộ Trung đội trực chỉ thành phố Huế. Sau khi ăn nhậu đã đời, bù lại những ngày thiếu thốn gian khổ trong rừng sâu, trời chạng vạng tối Hoàng văn Tiến mới dẫn Trung đội lù lù trở về Tiểu đoàn.
Nhảy dù có một thứ kỷ luật mà sắt cũng phải mềm. Binh sĩ thì bị cạo trọc đầu, Thượng sĩ Bến, ban 2 Tiểu đoàn bắt nằm xuống đánh bằng hèo, tiếng cây vun vút quất trên da thịt, tiếng rên bật qua kẽ răng mím chặt nghe rợn người.
Thiếu tá Tiểu đoàn phó Nguyễn quang Vân, biệt danh Vân đen, đích thân ra lệnh cho Thiếu úy Hoàng văn Tiến vào trình diện. Hoàng văn Tiến gồng người lên, cắn răng đón nhận những cú đấm cú đá mà vẫn phải giữ tư thế đứng nghiêm.
Hoàng vănTiến đã đem cái ba gai từ ngoài đời vào trong Quân ngũ, rồi đem cả cái ba gai ấy vào cuộc tình của mình, Tiến đã ba gai lỗi hẹn với người yêu, cô giáo đang trông chờ bước chân Tiến trở về mở tiệc hoa đăng.
Gia đình đem thi hài của Tiến về an táng trong nghĩa trang Phú thọ Hòa…
Ngày hôm sau Đại đội 84 tiến sâu hơn vào Hà Nha, khu làng này bỏ hoang đã lâu, không một bóng người. Bắt đầu đụng độ lẻ tẻ với địch. Địch bắn cản cầm chừng rồi rút, chúng được yểm trợ bằng đại bác 130 ly, súng cối, và cả đại bác không giật bắn trực xạ từ dãy núi bên kia, đạn bay qua sông Vu Gia nhắm vào đội hình của đoàn quân mũ đỏ.
Địch rút nhè nhẹ về phía sau như có mưu toan, ẩn ý. Hầm hố của địch bỏ lại được dựng lên rất kiên cố. Họ cưa cột nhà của dân chúng đem gác thành khung chữ A, tháo tôn trên mái nhà đặt lên bề mặt, rồi tấn đất cát, gạch đá chặt lên phía trên. Những chiếc hầm kiên cố đến nỗi nếu 1 quả đạn đại bác 105 ly có nổ trên nắp hầm cũng chẳng ăn thua gì, địch vẫn ngồi bên dưới ung dung kéo thuốc lào.
Địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ này từ lâu lắm rồi. Họ đã khống chế toàn bộ khu vực này từ khuya, nhưng vẫn để cho con đường độc đạo này thông thương qua lại, dân chúng vẫn ra vào, quân ta vẫn đi lại, lui tới tưởng như nhà của mình. Nhưng nếu thử tung 1 toán Trinh sát thọc sâu vào hướng chân núi sẽ thấy địch quân nằm đầy ở đó, trong những hầm hố rất vững chắc.
Ánh mặt trời vàng vọt, yếu ớt khuất dần, nhường chỗ cho bóng đêm chầm chậm phủ một lớp áo đen thùng thình lên vạn vật. Các Trung đội của Đại đội 84 củng cố vị trí qua đêm. Trung đội 1 của Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng nằm xa nhất. Lùi về phía sau, chếch sang bên phải, sát chân núi là vị trí của Trung đội 3. Đột nhiên người lính gác của Trung đội 3 báo cáo có địch xuất hiện phía sau lưng Trung đội của Hùng. Nhìn kỹ thì thấy khoảng 1 Trung đội địch trong màu áo kaki Nam Định, đội nón cối đang lom khom kéo từ chân núi đi ra, lòn sát vào phía sau lưng Trung đội
Trung đội 3 gọi máy thông báo cho Đại đội và Trung đội 1, đồng thời điều động cả 2 khẩu đại liên M 60 về một chỗ. Hai khẩu đại liên cùng một lúc nhả đạn như mưa vào đội hình của địch. Bị lộ bất ngờ, địch tan tác quay lưng chạy về phía chân núi.
Các Trung đội được lệnh tăng cường phòng thủ chặt chẽ, tổ chức canh gác cẩn mật hơn. Các Trung đội trưởng xác định lại lần nữa các yếu tố tác xạ tiên liệu để nhanh chóng gọi pháo binh yểm trợ khi cần thiết.
Khoảng nửa đêm, địch bất ngờ khai hỏa mở các đợt tấn công vào vị trí phòng thủ của trung đội 1. Đã chuẩn bị tiếp đón địch từ trước nên các tay súng của Trung đội 1 rất tự tin nhả đạn và ném lựu đạn nghênh cản các đợt xung phong của địch. Giữa tiếng súng nổ ròn rã xen lẫn tiếng lựu đạn nổ ì ầm, tiếng hò hét lanh lảnh của Hùng vang lên nghe rõ mồn một :
- Chờ nó vào gần bắt sống nó, móc mắt nó chà giấy nhám.
Suốt đêm hôm ấy, thỉnh thoảng đan trong tiếng súng là tiếng hò hét của Hùng vang lên để giữ vững tinh thần chiến đấu của anh em.
Trong ống liên hợp tiếng của Hùng bắt đầu khàn khàn vang lên lẫn lộn với tiếng súng nổ :
- Minh Mạng đây 161 gọi.
- Minh mạng nghe đây, nói đi 161- Đại úy Đồng văn Minh, Đại đội trưởng ĐĐ 84 trả lời.
- Ve chai nó vào sát quá, xin cho gà gáy nhanh lên, phía sườn bên phải của tôi.
- Có ngay cho 161, yên tâm. 161 dặn con cái lúc nào cũng phải ngóc đầu lên quan sát. Nghe rõ trả lời ?
- 161 nghe rõ.
Yêu cầu xin pháo binh yểm trợ được thỏa mãn ngay tức thì. Tiếng pháo 105 ly quen thuộc bắt đầu gầm thét vào trận địa. Địch dãn ra, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Thời khắc trôi qua, địch tái tổ chức các đợt tấn công. Cuộc binh đao kéo dài đến gần sáng thì địch rút lui về phía chân núi. Địch đã thất bại trong keo thử lửa đầu tiên với Đại đội 84.
Cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn khi tiểu doàn 8 ND lần lượt rời bỏ Hà Nha, chuyển dần lên núi để đánh địch trên các cao điểm.
Địch vào trận với lợi thế trên sân nhà, họ lợi dụng tối đa địa thế, địa hình sẵn có. Khi quân ta vừa băng qua một trảng trống lập tức bị địch truy cản rất mạnh mẽ, nếu nhìn chung quanh thấy những tảng đá lớn nằm chênh vênh trên sườn núi thì đừng có dại dột mà chạy vào ẩn nấp, sau lưng tảng đá là một bãi mìn gài sẵn. Địch từ vị trí thuận lợi trên cao nhìn xuống thấy rõ từng người lính đang hút thuốc, đang chửi thề, và sử dụng tối đa súng cối 61 ly, 82 ly bắn vào quân ta. Số thương vong do đạn súng cối của địch gây ra là một con số khá cao.
Trung tá Đào thiện Tuyển trở về nắm lại quyền chỉ huy Tiểu đoàn 8 ND. Tin tức lan nhanh đến chiến hào, anh em dáo dác nhìn nhau. Đúng là số kiếp nghiệt ngã. Huy hiệu của Tiểu đoàn 8 ND là hình một con ngựa què, anh em vẫn càu nhàu như thế. Làm thân trâu ngựa đã khổ lắm rồi, lại còn què nữa thì chỉ có nước húp cháo loãng. Cái huy hiệu nó vận vào cả Tiểu đoàn, xin thầy Mạc Bìa chỉ giáo dùm cho.
Khi Tiểu đoàn 8 ND lên thay thế Tiểu đoàn 1 ND để tiến chiếm cao điểm 1062, sức lực của đơn vị đã sứt mẻ khá nhiều, còn lại bao nhiêu sinh lực ta dồn vào cú chót, được ăn cả ngã về không. Đỉnh 1062 là một nấm mộ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên.
Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, thì lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại cho bằng được. Cả hai bên mất đi dành lại đỉnh 1062 nhiều lần, cứ như hai gã thanh niên cùng tranh dành một cô em gái thơm như múi mít, bên nào cũng đòi sở hữu em gái, không ai chịu nhường ai.
Cuối cùng thì Tiểu đoàn 8 ND cũng đã vớt được em gái khi toàn bộ Tiểu đoàn gom lại, rướn sức dấn lên lần cuối. Riêng Thiếu úy Nguyễn quốc Hùng thì chẳng sơ múi được chút nào, mảnh pháo 130 ly đã phang gãy chân Hùng trong một đợt phản kích.
***
Thôi thì cũng cám ơn mấy ông thần ve chai đã ký cho Hùng tờ giấy đi phép. Từ ngày ra đơn vị đến giờ chưa khi nào Hùng được nhìn thấy mặt mũi tờ giấy phép. Nay bỗng dưng được đi phép bằng băng ca, xe GMC chở ra tận điểm cứu thương, lên trực thăng bay về Bệnh viện dã chiến ở căn cứ Non Nước, vài ngày sau lên C- 130 bay về Sài Gòn.
Chiều hôm ấy Hùng đã nằm yên ổn ấm cúng trên giường nệm êm ái, trắng tinh thơm tho trong Tổng y viện Cộng Hòa. Được ăn chén cơm nóng, nhắp ngụm Café thơm ngon, được rít một hơi thuốc Pallmall ém chặt khói vào lồng ngực, đời đẹp làm sao. Thôi tạm quên đi những gian khổ hiểm nguy mà các đồng đội vẫn còn đang phải gánh vác trên vai.
Sáng hôm sau bóng Hoàng Nga thấp thoáng ngoài hành lang, Hùng nhận ra ngay và lập tức chồm dậy nhảy phắt xuống giường. Nhưng Hùng ối lên một tiếng rồi ngã bật trở xuống, đầu dội vào vách tường. Hùng nghiến răng nhịn đau, mồ hôi toát ra trên trán. Chàng nghe như có ai thò hai tay vào chân chàng rồi vận sức bẻ ngang.
Hoàng Nga nhìn thấy tất cả, nàng luýnh quýnh chạy vội vào phòng, hai tay nắm lấy vai Hùng lắc lắc, nước mắt tuôn rơi :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi.
Hùng cố gượng nằm thẳng lại, đưa tay lên xóa những giọt nước mắt đang lăn trên má người yêu, miệng chàng lảm nhảm:
- Anh tưởng không bao giờ được nhìn thấy em lần nữa.
Bỗng sắc mặt chàng đầy vẻ hoang mang lo sợ, đây là thực hay là mơ hở trời ? Nếu đây chỉ là cơn mộng mị thì thật là khốn nạn. Hai tay Hùng nắm chặt lấy bàn tay của Hoàng Nga, áp sát lên ngực mình, sợ rằng đây chỉ là một cơn mơ mà thôi.
Từ ngày ấy phố xá bỗng xôn xao hơn, bình minh bỗng tươi sáng hơn. Hoàng Nga lơ là việc đèn sách, hai đứa dẫn nhau đi xem Ciné, ăn kem, dạo phố, chiếc nạng gỗ cũng không gây ra điều gì phiền muộn cho lắm. 17 Năm nay Hoàng Nga đã vào đại học, nàng xinh đẹp quyến rũ hơn với thân hình nảy nở, như không bằng lòng nép dưới lớp vải mong manh. Hùng càng say sưa chất ngất mỗi khi ngắm nhìn người yêu.
Người con gái Sài Gòn lớn dậy trong khói súng chiến tranh, quen dần đi dấu vết của bom đạn, nên lòng cũng tự dưng ngả về những người con trai đi giữa chiến tranh.
Hoàng Nga yêu say đắm người con trai ngang bướng này, nàng đã biết lo toan cho chàng, bắt chàng há to miệng để dốc những viên thuốc mà chàng rất lười uống thuốc theo toa Bác sĩ.
Thời gian thơ mộng của đôi uyên ương chỉ kéo dài được vài tháng, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 tang tóc bất ngờ đổ ập xuống…
Trại cải tạo Kà Tum năm 1978.
Vừa đi lao động về đến trại, người lấm luốc nhễ nhại mồ hôi, Tuấn ngồi xuống bên Hùng chưa kịp hỏi, Hùng đã nhìn bạn :
- Ổn rồi, hôm nay tao khai bệnh làm việc nhẹ, nhổ cỏ vườn lang. Tao đã nhấc mấy câyhàng rào lên, rồi bỏ hờ xuống. Nhưng sợi lạt trên cao thì không tháo được, sợ vệ binh trên chòi gác nhìn thấy. Thấy Tuấn đăm chiêu, Hùng nói thêm :
- Mấy hôm trước trời mưa, đất mềm ra, chỉ cần dạt mạnh chân rào là đủ Tuấn à. Toán 4 người tù cải tạo gồm có Hùng, Tuấn, Phương và Tâm đã âm thầm chuẩn bị từ hai tháng nay, và đêm nay sẽ là đêm khởi sự đột phá một cuộc vượt thoát tìm tự do.
Theo dự tính, sau khi vượt thoát khỏi trại cải tạo sẽ đâm về hướng Tây, nhắm hướng biên giới Campuchia, vượt qua chiều rộng của đất nước chùa tháp tiến về biên giới Thái Lan, bến bờ tự do như đang thấp thoáng trước mắt 4 người tù cải tạo.
Khâu khó khăn nguy hiểm nhất là làm sao lọt ra khỏi trại an toàn để lẩn vào rừng sâu. Sau mấy đợt vượt trại, họ đã bắt tù cải tạo chặt lồ ô về dựng thêm một lớp hàng rào thứ hai vây quanh trại. Họ bắt khai quang rộng thêm về phía sau trại nơi tiếp giáp với vườn khoai mì, nhất là khu vực nhà cầu lộ thiên.
An ninh trại tăng cường chặt chẽ hơn, hàng đêm có thêm vệ binh vác AK đi tuần chung quanh trại. Thỉnh thoảng tiếng chân dẫm lên cành cây, nằm ở trong lán vẫn nghe thấy rõ ràng. Những lộ trình và giờ giấc đổi ca của họ đã được ghi nhận chu đáo. Những diễn biến cho thấy họ tập trung sự chú ý vào phía sau lưng trại, nơi có vườn khoai mì xanh um rộng mênh mông sẽ là lá chắn an toàn cho cuộc vượt thoát.
Toán của Hùng quyết định đột phá nơi cánh trái, hơi trống trải nhưng đạt yếu tố bất ngờ. Ráng làm sao vượt qua được con suối cạn, vào được cánh rừng nơi hàng ngày vẫn đi chặt tre, chặt cây. Đường đi lối về trong khu rừng này đã rất quen thuộc. Ép sang bên phải để tránh cái sóc Thượng, sau đó thì sẽ có Chúa giúp sức, chưa bao giờ niềm tin nơi Thiên chúa lại dâng cao trong lòng anh em đến như vậy.
Cơm phơi khô là thực phẩm chính, đã kín đáo thực hiện từ lâu, muối đậu phộng đã trữ đủ, mỗi người giữ một ít thuốc trụ sinh, vài lưỡi câu cá chế từ giây kẽm, dao chế từ khung thép của chiếc ba lô rất bén. Hôm trước lẻn vào sóc Thượng đổi bộ quần áo được ít gạo và mè đen, anh em lại có thêm chút lương thực cho chuyến đi dài ngày này. Tấm vải đắp được biến chế thành chiếc võng, tiện và lợi cho lúc nghỉ ngơi và giấc ngủ ban đêm trong rừng.
Cả toán 4 người đã được anh Nguyễn bá Cừ, một người đã theo bố mẹ sinh sống và lớn lên ở Nam Vang từ thuở nhỏ, dạy cho một số câu tiếng Khờ me :
- Còm banh : Đừng bắn.
- Khò nhum rút pua Việt Cộng : Tôi chạy trốn Việt Cộng.
- Còn leng ní chia còn leng na ? Đây là đâu ?
Một Nhảy dù, một Biệt động quân, một Pháo binh, một Thủy quân lục chiến, nếu thả ra đọ sức trên chiến trường thì ta trội hơn địch. Nhưng nay trong thân phận gậm một khối căm hờn trong củi sắt, thì đành phải gặp thời thế thế thời phải thế.
Lính gác vừa đổi ca, tên vệ binh mới nhận ca gác vừa hoàn tất xong một vòng kiểm tra. Hùng và các bạn tuột xuống khỏi giường, ba lô gọn ghẽ lên vai. Hùng khom người thấp xuống nép vào cửa lán, nhìn ra ngoài trời tối đen như mực. Một cảm giác hồi hộp nén chặt lên lồng ngực, Hùng vội nuốt một miếng nước bọt lấy lại bình tĩnh. Chết thì thôi, có gì đâu mà sợ, đáng lẽ mình đã chết ở trận Thường Đức rồi cơ mà.
Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu xuất phát về phía sau. Hùng khom lưng, rùn chân thấp xuống, cẩn thận bước ra khỏi lán, mờ mờ trước mặt là dãy nhà bếp, lách sang bên trái nhà bếp, lọt ra phía sau là vạt trồng khoai lang. Hùng nghe rõ tiếng chân của mình và các bạn lạo xạo trên mặt đất. Hùng nép sát vào vách nhà bếp, nghe ngóng, vạn vật chung quanh vẫn chìm trong giấc ngủ sâu. Chàng đếm từ bìa trái của vạt khoai lang, luống khoai thứ 5 là lối áp sát vào vị trí đã chọn dưới chân hàng rào. Tín hiệu an toàn từ phía sau truyền lên theo sợi dây đến tay chàng. Hùng nằm sát xuống đất, trườn người tới phía trước, người chàng lọt vào giữa hai luống khoai lang, chàng nghe bên tai tiếng sột soạt trườn người của các bạn từ phía sau.
Hùng với tay về phía trước mò mẫm vào chân hàng rào lồ ô, đúng nó đây rồi. Chàng nâng nhẹ gốc lồ ô lên, gạt nhẹ qua một bên. Gạt cả hai gốc lồ ô giạt sang hai bên mà vẫn chưa đủ khoảng trống cho thân người lọt qua. Hùng vận sức vào cánh tay đẩy gốc lồ ô giạt mạnh sang một bên, cọng lạt ở phía trên bục lên một tiếng, gốc lồ ô nhích sang một bên tạo thành một lỗ hổng vừa vặn cho thân người chui lọt.
Hùng luồn cả người qua và đụng đến lớp hàng rào thứ hai. Lớp lồ ô này mới làm nên cứng quá, nằm không có đủ thế để nhổ nó lên, Hùng đành phải ngồi dậy, quì hai đầu gối xuống đất, vận sức vào hai tay hết sức nhổ gốc lồ ô lên. Nhờ mấy hôm trước trời mưa tầm tã nên đất mềm ra, chàng nhổ luôn hai gốc lồ ô lên không khó khăn lắm. Nhưng chàng giạt nó ra không nổi, sợi lạt bên trên còn mới nên dai và chắc, ghì chặt hai cây lồ ô lại với nhau. Hùng thử dùng vai đẩy gốc lồ ô, tiếng vỏ lồ ô cọ sát kêu lên tiếng cọt kẹt. Hùng điếng người, lỡ ăn thua rồi, Hùng đổi vai sang gốc lồ ô bên kia, đẩy mạnh. Tiếng kọt kẹt lại dội lên, nhưng hai lần kọt kẹt cũng mở được một lỗ hổng. Hùng giật nhẹ sợi dây truyền tín hiệu về phía sau, rồi chàng trườn qua khe hàng rào lọt ra ngoài. Nhanh như cắt, chàng khom người băng qua khoảng trống, ẩn mình vào đám cỏ phía bên kia vệ đường.
Bên trong lán, tim của các bạn yểm trợ cho toán vượt trại thót lên những nhịp đập dồn dập, căng thẳng. Không gian im phăng phắc, đêm đen phẳng lặng như tờ. Có ai đó vừa nuốt nước bọt.
Bỗng một loạt AK dội lên chát chúa, xé toang màn đêm.
Có tiếng người rên lên :
- Thua rồi, trời ơi !
Nhiều loạt AK nối đuôi nhau, tiếng quát tháo vang lên lồng lộng :
- Chúng nó vượt trại. Bắn ! bắn !
Tiếng chân người chạy rầm rập về phía con suối.
Hùng vùng người dậy phóng về phía trước, chàng dồn hết sức lực vào đôi chân, lao đi thật mạnh. Chạy được một quãng, đang trên đà lao người về phía trước, thình lình chàng vập mạnh vào một gốc cây. Hùng văng người qua một bên ngã sòng soài trên mặt đất. Chàng vội chồm ngay dậy, rướn người lên lấy đà chạy tiếp. Bỗng chàng nghe đau nhói trong ống quyển. Cái chân gãy ngày xưa ở trận Thường Đức, chàng vội đổi chân trụ sang bên kia, vọt lên. Nhưng khi cái chân gãy vừa chạm đất thì chàng cũng chúi xuống theo, gượng lại không được nữa rồi.
Một loạt AK nổ vang từ phía sau. Hùng nghe có những viên đạn đi qua người mình. Người chàng bị hất văng xuống đất, chàng thấy sao tự dưng mình mệt thế này, thở không ra hơi nữa. Trước mắt chàng lờ mờ hiện ra khuôn mặt của bố mẹ, của Oai, của Hương, các em của chàng, rồi khuôn mặt ngàn đời yêu dấu của Hoàng Nga đang đăm đăm nhìn chàng ướt sũng một trời thương yêu.
Tiếng chân người dồn dập chạy tới bao quanh Hùng, ánh đèn pin rọi chói chang vào mặt chàng.
- Các đồng chí khẩn trương truy bắt ba thằng kia, thằng này để tôi lo.
- Mẹ kiếp, chống đối cải tạo hả, phản động hả, muốn chết tao cho mày chết. Họng AK hạ xuống kê sát vào thái dương Hùng, xiết cò…
Hoàng Nga bỗng giật mình thức giấc, nàng nghe như vừa rồi có tiếng súng nổ. Tự dưng nàng liên tưởng tới Hùng, người con trai bướng bỉnh mà nàng đã yêu say đắm. Một nỗi lo lắng, một linh cảm kỳ lạ xâm chiếm hồn nàng. Người nàng bỗng nhiên lạnh ngắt, rùng mình, nàng bật kêu lên :
- Hùng ơi, anh Hùng ơi !
30-4-2005.
Vũ Đình Hải KBC 3119.
hoiquanphidung.com
Biên Hùng chuyển