Khoảng giữa thập niên 90, tôi có dịp ngồi trò chuyện với vị Thứ trường trẻ tuổi (nay đã ra người thiên cổ) tại tư gia của ông. Vui chuyện, ông kể về một cuộc họp TW Đảng
|
Hình minh họa |
Chuyện thứ nhất :
Khoảng giữa thập niên 90, tôi có dịp ngồi trò chuyện với vị Thứ trường trẻ tuổi (nay đã ra người thiên cổ) tại tư gia của ông. Vui chuyện, ông kể về một cuộc họp TW Đảng có những tình tiết khiến ông không thể nào quên. Số là tại cuộc họp ấy, nguyên TBT (người đã từng một thời làm báo chí dậy sóng vì những bút danh viết tắt của mình) đã phát biểu đại loại rằng thanh niên ngày nay không ra gì, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí chiến đấu...Vốn là AHLLVT, lại là dũng sỹ diệt Mỹ trước khi trở thành “người Nhà nước”, vị Thứ trưởng trẻ tuổi đã đứng lên phản pháo rằng đồng chí nói vậy là hơi có phần chụp mũ vì đa số thanh niên là tốt, nếu không thì làm sao thắng được cuộc chiến tranh và tiếp tục giữ cho xã hội ổn dịnh trong thời bình...Thứ trưởng kể với tôi đáng lẽ ông còn phát biểu dài nữa, vì lúc ấy cảm thấy khá bức xúc, nếu như ông TBT không có một hành động mà vị Thứ trưởng sẽ chẳng thể nào quên. TBT mặt đỏ gay, giơ tay chỉ thẳng vào vị Thứ trưởng : “Mày là thằng nào?”. Dĩ nhiên, Thứ trưởng nhà ta lúc ấy chợt nhớ ra mình là ai và thay vì bức xúc, ông cảm thấy khá sợ. Đó là một cuộc họp có ghi âm, ghi hình và ngay sau cuộc họp ấy, chi tiết nói trên đã bị xóa đi. Chuyện sau đó thì không có gì đặc sắc. Một vị đầu bạc đứng lên giới thiệu với TBT rằng đây là Thứ trưởng Bộ X, AHLLVT, dũng sỹ diệt Mỹ...và TBT nguôi giận, ngồi xuống không nói gì nữa.
Chuyện thứ hai:
Hồi cái khu tập thể ấy chưa bị dọn đi do người ta phát hiện ra bên dưới mảnh đất rộng là một tòa thành nghe nói được xây từ từ mấy trăm năm trước, đó là khu tập thể có vị trí thuộc loại đẹp nhất nhì thành phố. Khu tập thể khá rộng, các căn hộ 1-2 tầng san sát nhau tạo thành lối đi ngang dọc như bàn cờ. Gia đình ông A dọn tới đây ở từ hồi thập niên 70. Ông là trưởng phòng của một Cục quan trọng trong quân đội. Làm trưởng phòng đối với ông có vẻ khó hơn rất nhiều so với làm trung đoàn trưởng bởi dẫu chiến tranh có gian khổ tới đâu thì đánh hết một trận, vài trận hoặc một chiến dịch là xong, là được nghỉ ngơi. Còn ở cơ quan của Bộ Quốc phòng, ngày nào đối với ông cũng là trận đánh. Lập thành tích trong chiến tranh nên ông được đưa về Bộ làm công tác tổng hợp lại các kinh nghiệm tác chiến. Tổng hợp là phải viết lách chứ đâu có nói chơi chơi được, mà vốn văn hóa của ông lại chẳng nhiều chỉ tương đương lớp 7 nên ai cũng biết là ông cực nhọc, có điều chẳng thể giúp nhiều vì người nào cũng công lên việc xuống của thời bom đạn.
Cách nhà ông ở 1 dãy, có một vị thượng tá làm mảng công tác chính trị. Vị này ông A không ưa. Lý do là vì ông ta cứ tằng tằng mà lên quân hàm, chẳng phải ra chiến trường một ngày nào, nhưng hễ nói chuyện thì phán như thánh như tướng. Ở khu tập thể có vài máy nước dùng chung chứ chưa có nước riêng từng nhà như bây giờ. Nhà vị thượng tá nọ ở gần máy nước hơn nên thường huy động gia đình đem xô chậu nồi niêu xếp hàng lấy chỗ để hứng nước trước, người đến sau luôn phải chờ khi các xô chậu nồi niêu ấy được hứng đầy mới đến lượt mình. Vồn đã thành kiến nên khi họp khu tập thể, ông A đứng lên chỉ trích cách ứng xử của vị thượng tá nọ. Đến kỳ họp chi bộ Cục, ông A được bí thư Đảng ủy mời ra nói chuyện riêng và thông báo rằng kỳ này ông không trúng thường vụ (mà theo cơ cấu thì ông chắc chắn phải nằm trong thường vụ do là trưởng phòng) vì lý do “anh em xì xào” một số hành vi tiểu tư sản của ông ở khu tập thể. Chuyện có nằm trong thường vụ hay không là việc liên quan tới uy tín, mà ông thì chỉ giỏi tác chiến chứ không giỏi cãi nhau. Nỗi ấm ức bùng phát khiến ông làm một chuyện thật rồ dại theo đánh giá ở thời bấy giờ : nửa đêm, ông cùng 2 đứa con lấy phấn và sơn kẻ mấy hàng chữ thật to ở cái bảng tin của khu tập thể. Nội dung của nó là “Đả đảo bè lũ XYZ trù dập người lương thiện”, trong đó XYZ kia là tên của vị thượng tá cùng vài vị khác mà ông nghĩ chủ mưu hại ông.
Sau vụ ấy, ông hối hận rồi sợ hãi, đinh ninh thế nào người ta cũng tra xét. Nhưng mà không, sự việc cứ lặng lẽ trôi qua, chẳng ai nói gì, ngoại trừ cái bảng tin được xóa và sơn lại nền. Độ nửa năm sau, ông tình cờ nhận được thư của người bạn thân cùng đơn vị chiến đấu. Người bạn ông đang sống trong Sài Gòn, vẫn còn trong quân đội và ngỏ ý mời ông vào chơi một chuyến để anh em hàn huyên. Kể từ khi về Cục, ông hầu như chẳng gặp ai cùng đơn vị, bởi lúc ấy vẫn còn đang chiến tranh. Nhận được thư bạn, ông mừng lắm và quyết định đi Sài Gòn một chuyến. Bạn bè lâu ngày gặp gỡ, đêm nằm gác chân kể đủ thứ trên đời và cùng nhau ôn kỷ niệm. Ông kể cho bạn nghe những khó khăn mà một người ít học như ông phải gánh chịu khi về Cục. cả những bức xúc đời thường của những vụ như vụ máy nước ở khu tập thể khiến ông đã có hành động dại dột...Nghỉ chơi nhà bạn vài ngày, sáng hôm ấy bạn đưa ông đi ăn sáng uống cà phê, buổi tối ông đã phải lên tàu ra Bắc. Uống cạn ly cà phê, bỗng người bạn đứng dậy hô nhỏ nhưng đanh thép : “Nguyễn Xuân A, đứng dậy”. Ông ngơ ngác cười, tưởng bạn đùa bèn bảo “Này ông làm cái gì thế, ngồi xuống đi”. Người bạn mặt nghiêm lại : “Không đùa! Đứng dậy, anh bị bắt!”. Ông lập cập đứng dậy, tai ù đi khi nghe người bạn đọc lệnh bắt của cơ quan an ninh quân đội.
Ông bị giam mất gần một năm, ngày nào cũng phải viết kiểm điểm xem có ai chỉ đạo “vụ máy nước” hay không. Thế rồi người ta thả ông ra, cũng đột ngột như khi đọc lệnh bắt. Cách đây mấy năm nhân dịp ghé qua nhà mới của ông, tôi vui miệng hỏi ông về người bạn ngày ấy. Ông chẳng nói gì, chỉ cười như mếu. Nhưng bà vợ ông thì khác. Bà cao giọng chì chiết : “Nhắc cái ngữ phản thùng ấy chỉ tổ bẩn mồm. Nó ở trong đó được phân nhà nhưng tham lam cướp thêm một cái nhà vắng chủ, bị kiện đi tù, cũng nằm trại giam chứ hơn gì đâu”.
TH sưu tầm
(TTHN)