Tác giả: Quỳnh Nguyễn (thực hiện)
KD: Thú thực mình không mê lắm Bolero, tùy từng bài thôi. Đôi khi mệt mỏi, nghe cũng thấy hay, dịu thần kinh. Nhưng đọc thêm bài viết này, thấy thêm một tình trạng bi hài. Người ta sửa lời bài hát để được tồn tại. Còn nếu nguyên bản gốc thì bị cấm là cái chắc. Nay tác giả đã khuất, con trai tác giả không biết đến một nốt nhạc. Sự “thích ứng” của bản nhạc, xét cho cùng rất tội nghiệp. Chỉ vì để được tồn tại, được công chúng nghe và đón nhận, bản nhạc này đã được sửa lời để tồn tại, cũng… không xong. T
Vậy tốt nhất các vị Cục Cấm (NTBD) xuống… âm gian hỏi Nhạc sĩ Minh Kỳ???
————
Đọc thêm: http://www.tienphong.vn/van-nghe/con-duong-xua-hay-con-duong-dau-kho-1138328.tpo
Tối 8-4, PV Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông Bảo Thương, con trai nhạc sĩ Minh Kỳ, về việc cấm lưu hành 5 ca khúc vì lý do sửa lời, trong đó có Cánh thiệp đầu xuân, một sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ.
Bản nhạc Cánh thiệp đầu xuân |
Ông Bảo Thương (hiện đang sinh sống tại TP.HCM) vừa bị tai nạn giao thông, bị thương khá nặng nên trò chuyện khá khó khăn.
Ông cho biết: “Tôi vừa xuất viện hai ngày. Trước đó, gia đình tôi cũng có biết việc ca khúc Cánh thiệp đầu xuân cùng bốn ca khúc khác vì sửa lời bị cấm lưu hành”.
* Khi hay tin anh cảm thấy thế nào?
– Ban đầu tôi cũng chưa biết thực hư thế nào. Sau này, qua báo đài, tôi biết ca khúc Cánh thiệp đầu xuân cùng bốn ca khúc kia bị cấm lưu hành vì lời ca khúc hiện hành không đúng như bản gốc, cần được xem xét lại
* Và khi biết rõ vấn đề rồi thì anh và gia đình có ý kiến gì không?
– Tuy ba tôi là nhạc sĩ nhưng tôi một nốt nhạc cũng không biết. Mọi việc trong làng văn nghệ tôi đều không rành. Các tác phẩm của ba tôi đã được gia đình ủy quyền cho Trung tâm tác quyền nên lâu nay mọi việc liên quan đến các tác phẩm của ba tôi đều được trung tâm tác quyền thông báo về gia đình.
Sau năm 1975, cũng có thời gian Cánh thiệp đầu xuân không được cho phép lưu hành rộng rãi. Tôi đoán vì ca khúc có đoạn “để người anh lính chiến quay về gia đình…”. Thiệt tình tôi cũng không nhớ là từ khi nào Cánh thiệp đầu xuân được lưu hành trở lại và tôi nghe thấy mọi người hát “để người anh yêu dấu quay về gia đình…”.
Tôi cũng không rõ ai đã đổi lời như vậy.
Ca khúc này ba tôi viết cùng ông Lê Dinh. Khi ca khúc được đổi lời thì ba tôi đã chết rồi nên cũng không biết ý ông thế nào. Còn về phía ông Lê Dinh thì tôi chỉ biết là ông đã sang ngoại quốc sinh sống chứ cũng không có cơ hội trò chuyện để hỏi han.
* Bây giờ Cục nghệ thuật và biểu diễn đã cấm ca khúc này vì lời hát không đúng với bản gốc. Vậy gia đình anh có ý định xin phép cho ca khúc được lưu hành trở lại đúng với nguyên bản không?
– Tôi nghĩ người ta thay đổi lời so với bản gốc cũng chỉ vì đoạn “để người anh lính chiến quay về gia đình…”. Đổi đi để dễ được cấp phép trình diễn chứ không phải để ca khúc hay hơn hay tốt hơn. Nên bây giờ nếu để nguyên bản gốc và đi xin cấp phép chắc khó mà được.
Hơn nữa như tôi đã chia sẻ, tôi không làm trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, tôi không rành việc đi xin phép. Tôi không biết làm cách nào để xin phép cho một ca khúc được lưu hành trở lại cả.
* Anh tiếc không khi Cánh thiệp đầu xuân bị cấm lưu hành?
– Tôi tiếc chứ, rất tiếc! Với tôi đây là một ca khúc hay. Tôi nghĩ ba tôi hay các nhạc sĩ khác khi viết một bài hát thì cũng nói lên tiếng lòng của mình, những người cùng thế hệ, hoàn cảnh của mình. Hoàn cảnh lúc đó như vậy, thời thế như vậy thì phải viết theo đúng tâm trạng, sự việc đang diễn ra.
Nhưng tôi nghĩ những ca khúc xưa, quá đổi quen thuộc như Cánh thiệp đầu xuân của ba tôi nó đã là kỷ niệm, một phần ký ức khó có thể xóa nhòa của rất nhiều người.
Đó là những gì mà ba tôi để lại cho đời nên gia đình dĩ nhiên là rất tiếc.
* Vậy sau này, nếu có ai đó xin phép đổi lời một chút để ca khúc có thể được lưu hành trở lại thì anh và gia đình có đồng ý không?
– Vì đây là một ca khúc đồng sáng tác nên việc có đồng ý hay không còn phụ thuộc vào tác giả còn lại là ông Lê Dinh. Nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó có trường hợp đó nên hiện thời dù rất tiếc nhưng chúng tôi cũng đành chấp hành luật cấm vừa đưa ra.
————