Hình Ảnh & Sự Kiện
Đám tang xưa, đám tang nay
Dưới đây là câu chuyện của anh Sáu Sớm, người Quảng Nam, làm rể trên đất Huế, câu chuyện đám tang những người thân của ông trước đây 30 năm và bây giờ:
Xin nói là tôi còn rất nhỏ, nếu bàn về đám tang, về chuyện “nghĩa tử nghĩa tận”, có vẻ như tôi được xếp vào diện ‘chưa sạch cứt mũi’. Nhưng chí ít, trong quan sát của tôi suốt ba mươi mấy năm nay, kể từ khi tôi biết buồn khi người thân (bà cố tôi qua đời) đến nay, có vẻ như có một sự thay đổi đáng kể, theo chiều hướng xấu đi trong chuyện thiêng liêng này. Nhưng có một điều đáng mừng, là ở những nơi nghèo khổ, dường như con người còn giữ những thói quen tử tế với nhau, tình thương cũng đậm đà hơn. Mà tình thương với đám tang có liên quan gì với nhau?
Có, phải nói là tình thương và sự tử tế của con người, của xóm làng hay cộng đồng, người ta nhìn qua một đám tang. Và tôi đã nhìn bốn đám tang, chứng kiến từ đầu đến cuối, qua hai thời kỳ, có vẻ như thời bây giờ, sự tử tế đã xuống thấp đến mức không thể thấp hơn. Và đâu đó, giữa xứ Huế, ở nơi heo hút nhất, lại còn giữ được sự tử tế này, lạy trời họ giữ cho được lâu bền!
Lạnh lòng đám tang thời dịch vụ
Hai đám tang đầu mà tôi chứng kiến là đám tang của bà cố nội và đám tang của bà cố ngoại tôi. Thời đó, quê tôi còn thắp đèn dầu, chưa biết điện là gì, chỉ có thành phố Ðà Nẵng mới có điện 110 volt. Tôi nhớ năm đó, giữa khuya, chừng 3h sáng, cậu Thắng (cháu gọi bà ngoại tôi bằng cô ruột) chạy vào nhà, gọi: “Cô ơi, bà nội mất rồi cô ơi!”. Cả nhà thức dậy, bà ngoại loay hoay rửa mặt, khóc thút thít một hồi xong quay ra an ủi cậu: “Bình tĩnh đi, con ăn uống chi chưa, cô nấu cơm?”. Cậu lắc đầu: “Con chưa ăn chi hồi tối qua tới giờ, nhưng con không ăn đâu cô!”.
Ngoại im lặng xuống vo gạo, rút rơm vào nấu cơm, ra ngoài ổ gà lượm hai cái trứng vào chiên, bắt cậu phải ăn cho no rồi hai cô cháu đi ra Ðà Nẵng, cậu đèo theo cả tôi. 5h sáng, con cháu có mặt đầy đủ, những người dân trong quê cũng được báo tin, kéo ra giúp, có người mang theo mấy đoạn tre để chẻ lạt, mấy người chở theo mỗi người nửa bao tải đất sét để khâm liệm. Không ai hỏi han gì ai, dường như ai cũng biết mình phải làm gì, có cả ông thầy chiêm tinh, địa lý trong quê ra để giúp chọn giờ khâm liệm, ngày giờ an táng. Ðến trưa thì cho con cháu để tang. Mọi việc diễn ra trong im lặng, trang nghiêm. Khác xa với đám tang bây giờ.
Ðám tang bà cố nội của tôi cũng vậy, tình làng nghĩa xóm đậm đà, mặc dù là chuyện buồn của gia đình, nhiều người khóc lóc, tiếc thương… Nhưng sao vẫn thấy ấm áp, thấy có gì đó khó nói. Ðiều đó khác xa với thời bây giờ, mà gần đây nhất là đám tang của bà ngoại tôi. Tôi thực sự sốc, sau đám tang cả ba năm trời tôi vẫn chưa quên được cú sốc đó.
Tôi nhớ là cậu Thắng đã nói với tôi:
“Hay là mình thuê dịch vụ trọn gói đi cháu?”.
“Không, xóm làng mà, tộc nuôi thì xóm dưỡng, chuyện đám tang của bà hãy để cho xóm lo, gia đình cứ lo mua áo quan, khăn tang và những gì cần thiết, riêng chuyện lễ nghĩa để xóm lo cho”. – Ông trưởng xóm nói chen vào.
Nhà hiếm người, vợ chồng tôi quán xuyến mọi chuyện, cậu Thắng và mấy người cháu khác của bà ngoại thì mỗi người giúp một tay. Nhưng cũng từ chuyện giúp đỡ của hàng xóm, bà con, tự dưng tôi thấy thất vọng một cách khó nói. Nhất là cậu Thắng, người nặng lòng với quá khứ, nặng lòng với chuyện họ hàng, xóm giềng. Ðến ngày đưa ngoại tôi ra nghĩa trang. Sáng đó, chừng mới 3h, cậu gọi tôi ra góc sân, nói nhỏ:
“Con coi tính chuyện dự phòng, mai liên lạc thuê gấp đội trợ tang nghe!”.
“Sao vậy cậu, hình như có chuyện gì?”.
“Hồi chiều tình cờ cậu ngồi uống nước, nghe người ta bàn tán xì xào với nhau rằng bà ngoại của con trước đây là địa chủ, rồi làm dâu địa chủ chi đó… Bây giờ không đi khiêng cho bỏ ghét!”.
“Nhưng bà ngoại sống tốt với mọi người, đám tang nào trong làng ngoại cũng tới giúp, rồi thời trước, con nghe người ta kể là ngoại giúp đỡ nhiều người nữa mà cậu!”.
“Nhưng thôi, cứ đề phòng đi thì tốt hơn, chuẩn bị “phương án” hai nghe con!”.
Ðúng như lời cậu nói, sáng hôm sau, tôi cũng chuẩn bị “phương án” hai. Và cay đắng là gần tới giờ di quan, chỉ có lèo tèo vài thanh niên đến khiêng, còn lại toàn rặt người già, trẻ con đi đưa tang. Ðội trợ tang lèo tèo vài người, tôi nhìn mà muốn quỵ vì buồn. Tôi nói người làm dịch vụ gọi ngay đội trợ tang của họ tới. Nhưng đội trợ tang chưa tới thì có một ông chừng 80 tuổi, ở xóm khác, chặn tôi lại, nói đợi ông ít phút. Ông lấy điện thoại ra gọi về nhà, gọi đâu chừng mười mấy cuộc thì chưa đầy mười phút sau, cả một đội thanh niên mấy chục người kéo đến, lấy áo trợ tang mặc vào, tập dân và đúng giờ thì đưa bà ra nghĩa trang.
Khi trở về, tôi vừa mừng lại vừa tò mò, hỏi thăm người đàn ông ân nhân:
“Dạ, bác cho con nói lời cám ơn bác, gia đình con đội ơn bác!”.
“Cũng may con à, nếu mà xóm người ta khiêng đủ người thì bác không có cơ hội đền ơn cho bà ngoại của con. Nguyên cái đội khiêng bà đi là con cháu của bác hết đó!”.
“Ui chao!”.
“Ừ, ngày xưa, nhà bác nghèo khổ lắm, mà đông con, vợ bác đi mót lúa, thím (tức bà ngoại tôi) là chủ lúa, đi coi ruộng, thấy vợ bác mót lúa thì la, bảo sao bụng mang dạ chửa mà đi phơi nắng về bệnh thì ai lo. Thôi vào chỗ mát mát cắt vài nắm mang về, cắt ít thôi. Vợ bác cắt một ít, ôm ra đường thì thím đã ôm một ôm lúa ứ hự đứng sẵn đó và bảo bỏ luôn ôm lúa đó vào rồi gọi thằng cả lên ôm về. Từ đó tới sau là thím ngày nào cũng giúp cho vợ bác, sau khi vợ bác sinh xong thì thím cho lên giúp việc cho thím luôn. Ơn này bác nhớ không quên. Mà ngày xưa thím sống tốt lắm, không riêng chi với nhà bác đâu. Sau này, từ 1975 trở đi, ruộng đất bị tịch thu hết, nhà cửa tan nát, thím trở nên nghèo dần, bọn nó quay ra trở mặt. Ðời là rứa đó con ơi!”
“Con vẫn không hiểu được tại sao bác tốt với bà ngoại con như vậy và tại sao bà con vẫn còn may mắn gặp bác lúc này?”.
“Ừ đúng rồi, hỏi như vậy là giỏi đó, đừng hỏi tại sao người ta xấu với mình, vì xã hội này nó vậy, hỏi như vậy mất công buồn và đau đầu lắm, chỉ cần hỏi tại sao vẫn còn người tốt với mình là đủ”. Nói xong, ông cười khà khà, nụ cười của ông làm tôi ấm lòng ngay cái lúc buồn nhất! Nhưng tôi ấm lòng chưa đầy mười phút thì lại gặp chuyện khác, ông trưởng xóm đến đòi tiền tôi.
“Con cho chú lấy tiền nhé, tiền ông công một triệu, tiền đội trợ tang một triệu!”
“Ủa, thưa chú là lúc sáng con có bưng trầu cau, trình với xóm và mâm trầu cau có kèm phong bì hai triệu đồng mà?”.
“À, cái đó con cúng xóm, thì xóm nhận, để đó làm quỹ xóm. Còn tiền cho ông công, đội trợ tang thì tính riêng”.
“Dạ, vậy thì cho con gởi tiền ông công, vì đội trợ tang của nhà bác đây đưa tới giúp”.
“Không, bốn ông đầu roi (tức là bốn ông mặc áo quần cân đai mũ mão kiểu hát tuồng đứng vịn bốn cái đầu rồng của dàn khiêng quan tài và di chuyển theo đội trợ tang). Nếu không có mấy ổng điều khiển thì làm sao khiêng được?!”.
Tôi ngậm bồ hòn mà trả thêm hai triệu, vị chi trả cho xóm 4 triệu đồng, trong khi đó, nếu thuê đội trợ tang thì chi phí gồm ông công, đầu roi và người khiêng đưa từ nhà ra mộ chỉ tốn gần ba triệu đồng mà được yên tâm mọi thứ. Bác vừa giúp gia đình tôi nhìn thấy vậy chỉ biết lắc đầu, chép miệng. Còn tôi thì ngao ngán cái cảnh xóm làng khi cúng xóm thì ông trưởng xóm cứ than thiếu tiền, xóm ai cũng nghèo, có nhiều người xin khất, nhưng…!
Tôi thất vọng cho cái thời đại mà người chết nếu con cháu nghèo khổ, không có tiền thuê dịch vụ thì chỉ còn nước lạy dài xóm làng mà cũng chẳng mấy ai nghe để giúp. Mà khi xóm làng chịu giúp miễn phí vì gia chủ quá nghèo thì chắc là cái ơn miệng tiếng cả đời không trả nổi, nếu xóm làng giúp mà con cháu làm có chút tiền thì xóm cũng nặng hơn dịch vụ, đếm đầu chia xôi!
Nhưng cũng còn một xóm…
Tôi không dám tin là còn xóm thứ hai như vậy, vì tôi đi đâu bây giờ cũng gặp y cảnh đám tang bà ngoại tôi, những nhà có đông người khiêng do con cháu đông đúc, mỗi đứa con, đứa cháu gọi vài đứa bạn về khiêng nên thấy vậy chứ xóm làng cũng qua loa cho có chuyện. Mãi cho đến lúc đám tang ông ngoại vợ của tôi ở làng Quảng An, Quảng Ðiền, Thừa Thiên Huế, tôi thực sự bất ngờ. Bởi mọi chuyện lại nhắc tôi cái thời người ta còn đối xử tử tế với nhau. Thời nghèo mà vui. Ở đây mọi chuyện đều chỉ dựa vào xóm làng, người ta làm vừa trang nghiêm, vừa đậm chất nghi lễ và rất chi là hồn vía. Tôi chỉ cầu mong sao sự tử tế ở đây còn được lâu bền!
HL
( Báo Trẻ )
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Thảm họa đường sắt Ấn Độ ( Lão Phan Sưu Tầm )
- Biển Ukraine.. nổi sóng – OCS Florida ( TVQ Úc Chuyển )
- Biểu tình phản đối trụ sở ban giao thương mại của CSVN tại Brooklyn, TB Victoria ( TVQ chuyển )
- Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm Nhâm Dần tại Maribyrnong, Brimbank và Greater Dandenong Tiểu Bang Victoria ( TVQ Chuyển )
- Những Địa Danh Mang Tên "CÁI" Ở Miền Nam ( Trần Văn Giang ghi lại )
Đám tang xưa, đám tang nay
Dưới đây là câu chuyện của anh Sáu Sớm, người Quảng Nam, làm rể trên đất Huế, câu chuyện đám tang những người thân của ông trước đây 30 năm và bây giờ:
Xin nói là tôi còn rất nhỏ, nếu bàn về đám tang, về chuyện “nghĩa tử nghĩa tận”, có vẻ như tôi được xếp vào diện ‘chưa sạch cứt mũi’. Nhưng chí ít, trong quan sát của tôi suốt ba mươi mấy năm nay, kể từ khi tôi biết buồn khi người thân (bà cố tôi qua đời) đến nay, có vẻ như có một sự thay đổi đáng kể, theo chiều hướng xấu đi trong chuyện thiêng liêng này. Nhưng có một điều đáng mừng, là ở những nơi nghèo khổ, dường như con người còn giữ những thói quen tử tế với nhau, tình thương cũng đậm đà hơn. Mà tình thương với đám tang có liên quan gì với nhau?
Có, phải nói là tình thương và sự tử tế của con người, của xóm làng hay cộng đồng, người ta nhìn qua một đám tang. Và tôi đã nhìn bốn đám tang, chứng kiến từ đầu đến cuối, qua hai thời kỳ, có vẻ như thời bây giờ, sự tử tế đã xuống thấp đến mức không thể thấp hơn. Và đâu đó, giữa xứ Huế, ở nơi heo hút nhất, lại còn giữ được sự tử tế này, lạy trời họ giữ cho được lâu bền!
Lạnh lòng đám tang thời dịch vụ
Hai đám tang đầu mà tôi chứng kiến là đám tang của bà cố nội và đám tang của bà cố ngoại tôi. Thời đó, quê tôi còn thắp đèn dầu, chưa biết điện là gì, chỉ có thành phố Ðà Nẵng mới có điện 110 volt. Tôi nhớ năm đó, giữa khuya, chừng 3h sáng, cậu Thắng (cháu gọi bà ngoại tôi bằng cô ruột) chạy vào nhà, gọi: “Cô ơi, bà nội mất rồi cô ơi!”. Cả nhà thức dậy, bà ngoại loay hoay rửa mặt, khóc thút thít một hồi xong quay ra an ủi cậu: “Bình tĩnh đi, con ăn uống chi chưa, cô nấu cơm?”. Cậu lắc đầu: “Con chưa ăn chi hồi tối qua tới giờ, nhưng con không ăn đâu cô!”.
Ngoại im lặng xuống vo gạo, rút rơm vào nấu cơm, ra ngoài ổ gà lượm hai cái trứng vào chiên, bắt cậu phải ăn cho no rồi hai cô cháu đi ra Ðà Nẵng, cậu đèo theo cả tôi. 5h sáng, con cháu có mặt đầy đủ, những người dân trong quê cũng được báo tin, kéo ra giúp, có người mang theo mấy đoạn tre để chẻ lạt, mấy người chở theo mỗi người nửa bao tải đất sét để khâm liệm. Không ai hỏi han gì ai, dường như ai cũng biết mình phải làm gì, có cả ông thầy chiêm tinh, địa lý trong quê ra để giúp chọn giờ khâm liệm, ngày giờ an táng. Ðến trưa thì cho con cháu để tang. Mọi việc diễn ra trong im lặng, trang nghiêm. Khác xa với đám tang bây giờ.
Ðám tang bà cố nội của tôi cũng vậy, tình làng nghĩa xóm đậm đà, mặc dù là chuyện buồn của gia đình, nhiều người khóc lóc, tiếc thương… Nhưng sao vẫn thấy ấm áp, thấy có gì đó khó nói. Ðiều đó khác xa với thời bây giờ, mà gần đây nhất là đám tang của bà ngoại tôi. Tôi thực sự sốc, sau đám tang cả ba năm trời tôi vẫn chưa quên được cú sốc đó.
Tôi nhớ là cậu Thắng đã nói với tôi:
“Hay là mình thuê dịch vụ trọn gói đi cháu?”.
“Không, xóm làng mà, tộc nuôi thì xóm dưỡng, chuyện đám tang của bà hãy để cho xóm lo, gia đình cứ lo mua áo quan, khăn tang và những gì cần thiết, riêng chuyện lễ nghĩa để xóm lo cho”. – Ông trưởng xóm nói chen vào.
Nhà hiếm người, vợ chồng tôi quán xuyến mọi chuyện, cậu Thắng và mấy người cháu khác của bà ngoại thì mỗi người giúp một tay. Nhưng cũng từ chuyện giúp đỡ của hàng xóm, bà con, tự dưng tôi thấy thất vọng một cách khó nói. Nhất là cậu Thắng, người nặng lòng với quá khứ, nặng lòng với chuyện họ hàng, xóm giềng. Ðến ngày đưa ngoại tôi ra nghĩa trang. Sáng đó, chừng mới 3h, cậu gọi tôi ra góc sân, nói nhỏ:
“Con coi tính chuyện dự phòng, mai liên lạc thuê gấp đội trợ tang nghe!”.
“Sao vậy cậu, hình như có chuyện gì?”.
“Hồi chiều tình cờ cậu ngồi uống nước, nghe người ta bàn tán xì xào với nhau rằng bà ngoại của con trước đây là địa chủ, rồi làm dâu địa chủ chi đó… Bây giờ không đi khiêng cho bỏ ghét!”.
“Nhưng bà ngoại sống tốt với mọi người, đám tang nào trong làng ngoại cũng tới giúp, rồi thời trước, con nghe người ta kể là ngoại giúp đỡ nhiều người nữa mà cậu!”.
“Nhưng thôi, cứ đề phòng đi thì tốt hơn, chuẩn bị “phương án” hai nghe con!”.
Ðúng như lời cậu nói, sáng hôm sau, tôi cũng chuẩn bị “phương án” hai. Và cay đắng là gần tới giờ di quan, chỉ có lèo tèo vài thanh niên đến khiêng, còn lại toàn rặt người già, trẻ con đi đưa tang. Ðội trợ tang lèo tèo vài người, tôi nhìn mà muốn quỵ vì buồn. Tôi nói người làm dịch vụ gọi ngay đội trợ tang của họ tới. Nhưng đội trợ tang chưa tới thì có một ông chừng 80 tuổi, ở xóm khác, chặn tôi lại, nói đợi ông ít phút. Ông lấy điện thoại ra gọi về nhà, gọi đâu chừng mười mấy cuộc thì chưa đầy mười phút sau, cả một đội thanh niên mấy chục người kéo đến, lấy áo trợ tang mặc vào, tập dân và đúng giờ thì đưa bà ra nghĩa trang.
Khi trở về, tôi vừa mừng lại vừa tò mò, hỏi thăm người đàn ông ân nhân:
“Dạ, bác cho con nói lời cám ơn bác, gia đình con đội ơn bác!”.
“Cũng may con à, nếu mà xóm người ta khiêng đủ người thì bác không có cơ hội đền ơn cho bà ngoại của con. Nguyên cái đội khiêng bà đi là con cháu của bác hết đó!”.
“Ui chao!”.
“Ừ, ngày xưa, nhà bác nghèo khổ lắm, mà đông con, vợ bác đi mót lúa, thím (tức bà ngoại tôi) là chủ lúa, đi coi ruộng, thấy vợ bác mót lúa thì la, bảo sao bụng mang dạ chửa mà đi phơi nắng về bệnh thì ai lo. Thôi vào chỗ mát mát cắt vài nắm mang về, cắt ít thôi. Vợ bác cắt một ít, ôm ra đường thì thím đã ôm một ôm lúa ứ hự đứng sẵn đó và bảo bỏ luôn ôm lúa đó vào rồi gọi thằng cả lên ôm về. Từ đó tới sau là thím ngày nào cũng giúp cho vợ bác, sau khi vợ bác sinh xong thì thím cho lên giúp việc cho thím luôn. Ơn này bác nhớ không quên. Mà ngày xưa thím sống tốt lắm, không riêng chi với nhà bác đâu. Sau này, từ 1975 trở đi, ruộng đất bị tịch thu hết, nhà cửa tan nát, thím trở nên nghèo dần, bọn nó quay ra trở mặt. Ðời là rứa đó con ơi!”
“Con vẫn không hiểu được tại sao bác tốt với bà ngoại con như vậy và tại sao bà con vẫn còn may mắn gặp bác lúc này?”.
“Ừ đúng rồi, hỏi như vậy là giỏi đó, đừng hỏi tại sao người ta xấu với mình, vì xã hội này nó vậy, hỏi như vậy mất công buồn và đau đầu lắm, chỉ cần hỏi tại sao vẫn còn người tốt với mình là đủ”. Nói xong, ông cười khà khà, nụ cười của ông làm tôi ấm lòng ngay cái lúc buồn nhất! Nhưng tôi ấm lòng chưa đầy mười phút thì lại gặp chuyện khác, ông trưởng xóm đến đòi tiền tôi.
“Con cho chú lấy tiền nhé, tiền ông công một triệu, tiền đội trợ tang một triệu!”
“Ủa, thưa chú là lúc sáng con có bưng trầu cau, trình với xóm và mâm trầu cau có kèm phong bì hai triệu đồng mà?”.
“À, cái đó con cúng xóm, thì xóm nhận, để đó làm quỹ xóm. Còn tiền cho ông công, đội trợ tang thì tính riêng”.
“Dạ, vậy thì cho con gởi tiền ông công, vì đội trợ tang của nhà bác đây đưa tới giúp”.
“Không, bốn ông đầu roi (tức là bốn ông mặc áo quần cân đai mũ mão kiểu hát tuồng đứng vịn bốn cái đầu rồng của dàn khiêng quan tài và di chuyển theo đội trợ tang). Nếu không có mấy ổng điều khiển thì làm sao khiêng được?!”.
Tôi ngậm bồ hòn mà trả thêm hai triệu, vị chi trả cho xóm 4 triệu đồng, trong khi đó, nếu thuê đội trợ tang thì chi phí gồm ông công, đầu roi và người khiêng đưa từ nhà ra mộ chỉ tốn gần ba triệu đồng mà được yên tâm mọi thứ. Bác vừa giúp gia đình tôi nhìn thấy vậy chỉ biết lắc đầu, chép miệng. Còn tôi thì ngao ngán cái cảnh xóm làng khi cúng xóm thì ông trưởng xóm cứ than thiếu tiền, xóm ai cũng nghèo, có nhiều người xin khất, nhưng…!
Tôi thất vọng cho cái thời đại mà người chết nếu con cháu nghèo khổ, không có tiền thuê dịch vụ thì chỉ còn nước lạy dài xóm làng mà cũng chẳng mấy ai nghe để giúp. Mà khi xóm làng chịu giúp miễn phí vì gia chủ quá nghèo thì chắc là cái ơn miệng tiếng cả đời không trả nổi, nếu xóm làng giúp mà con cháu làm có chút tiền thì xóm cũng nặng hơn dịch vụ, đếm đầu chia xôi!
Nhưng cũng còn một xóm…
Tôi không dám tin là còn xóm thứ hai như vậy, vì tôi đi đâu bây giờ cũng gặp y cảnh đám tang bà ngoại tôi, những nhà có đông người khiêng do con cháu đông đúc, mỗi đứa con, đứa cháu gọi vài đứa bạn về khiêng nên thấy vậy chứ xóm làng cũng qua loa cho có chuyện. Mãi cho đến lúc đám tang ông ngoại vợ của tôi ở làng Quảng An, Quảng Ðiền, Thừa Thiên Huế, tôi thực sự bất ngờ. Bởi mọi chuyện lại nhắc tôi cái thời người ta còn đối xử tử tế với nhau. Thời nghèo mà vui. Ở đây mọi chuyện đều chỉ dựa vào xóm làng, người ta làm vừa trang nghiêm, vừa đậm chất nghi lễ và rất chi là hồn vía. Tôi chỉ cầu mong sao sự tử tế ở đây còn được lâu bền!
HL
( Báo Trẻ )