Đoạn Đường Chiến Binh

Đi lính Cộng Hòa .

Quả tình tôi đi lính không phải vì bị lôi cuốn theo thời đại, như trong bài hát trích ở trên của Phạm Duy. Mãi đến khi tôi đi lính rồi, người miền Trung (Quảng Trị) mà lưu lạc vô tới Rạch Giá, Hà Tiên, hoạt động trong các vùng Cái Sắn
Một, hai, ba, chúng ta đi lính Cộng Hòa
Vì quê hương chúng ta thì rất hiền hòa
. . . . .
Đi, đi nào cùng đi, đi giữ phố phường
Đi, đi nào cùng đi, đi giữ ruộng nương.
(Phạm Duy) (1)


Quả tình tôi đi lính không phải vì bị lôi cuốn theo thời đại, như trong bài hát trích ở trên của Phạm Duy. Mãi đến khi tôi đi lính rồi, người miền Trung (Quảng Trị) mà lưu lạc vô tới Rạch Giá, Hà Tiên, hoạt động trong các vùng Cái Sắn, Mỹ Lâm (quê hương của Nguyễn Tấn Dũng), cho tới Chùa Hang, hòn Phụ Tử, Đông Hồ, Mũi Nai..., tôi mới nghe bài hát trên, được trình bày trong các chương trình phát thanh của bộ Xây Dựng Nông Thôn. Tôi thấy vui, và thấy rõ thêm rằng, tôi bỏ Huế nhập ngũ sau tết Mậu Thân năm 1968, hay đang lội bùn, vạch lau lách chèo xuồng ba-lá mà đi hành quân ở “Kinh Kháng Chiến”, bên ngoài “Rừng Tràm Trà Tiên”, là tôi làm cái công việc “giữ phố phường”, “giữ ruộng nương” như trong bài hát vậy.

Giữ cho cái đẹp của Huế được tồn tại, việc ấy, những ai ở Huế tết năm ấy, Mậu Thân, biết rõ cả, còn như “giữ ruộng nương” thì phải về tận thôn xã, mới biết Việt Cộng “thâu thuế nông nghiệp ác” như thế nào. Thu thuế như cách của Trần Chí Tài (Phó bí thư huyện Hà Tiên), Ba Vốn (kinh tài xã Tân Hội, Kiên Tân), cha con Bảy Lơi, Sáu Lánh ở xã Đức Phương (tức Vàm (Dàm) Rầy), quê hương sinh đẻ của chị Tư Nết, (Annette), tức là bà đại tướng thủ tướng Khiêm đấy, thì nông dân không còn hột gạo để đổ vô nồi mà nấu cơm.

Như tôi kể trong bài “Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ”, sau tết Mậu Thân, tôi tự nguyện “bỏ cục phấn đi cầm súng”, chả là “chán lắm rồi”. “Sách vở ích gì cho buổi ấy” là câu thơ của cụ Tú Xương, cụ chán cái học nhà Nho, thời đại suy vi của đất nước. Còn tôi, “giặc tới (tận) nhà” tôi rồi, “giã từ trường yêu...” giã từ “10 năm gõ đầu trẻ”, đi lính là vừa.

Tôi trình diện không có lịnh gọi cá nhân, trễ mất hai ngày, theo thông báo của Nha Động Viên/ Bộ Quốc Phòng. Ông đại úy Trầu, sai lính lật sổ trình diện, ghi tôi lên hàng đầu, trước cả người trình diện mang con số 1. Dễ hiểu thôi, hôm ấy, tôi gọi người em rể là đại úy Trương Đình Hiên, lái xe Jeep qua đưa tôi đi. Dĩ nhiên, ông đại úy trưởng phòng Tuyển mộ Nhập ngũ Tiểu khu Thừa Thiên, không xa lạ gì với ông đại úy Quản lý Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bạn bè với nhau vậy mà.

Tôi là người “lề mề”.

Tết Mậu Thân, khi hai phe đang đánh nhau, Huế chưa giải tỏa hoàn toàn, không nhớ vì chuyện gì, tôi lang thang gần chỗ bãi trực thăng ở bến đò Tòa Khâm, thấy có một ông mang ba mai bạc, bảng tên là ĐAM, xuống trực thăng rồi đi vào tiểu khu. Ít lâu sau, có thông cáo của Nha Động Viên/ Bộ Quốc Phòng, “ân xá” cho thanh niên Huế, những ai có lệnh gọi nhập ngũ, đều được hoãn trình diện một tháng. Có thể ông đại tá Bùi Bình Đạm, giám đốc Nha Động Viên lúc ấy, thấy tình cảnh tang thương của Huế, nên ban một chút ân huệ, gia hạn trình diện, để người ta có thêm thì giờ thu xếp việc nhà, trước khi “tòng quân”. Vậy đó, đã có lệnh cho hoãn một tháng mà tôi vẫn trình diện trễ.

Việc nhà tôi lúc đó lu bu lắm. Phải thuê nhà mới vì nhà cũ đã bị pháo kích sập hồi tết Mậu Thân, vợ tôi lại mới sinh đứa con thứ tư.

Vợ tôi im lặng, không nói một lời, không than thở, can ngăn khi tôi với với cô ấy: “Thôi! Anh nhập ngũ.” Thật là khác với ba năm trước, hôm tôi đi dạy về, cô ấy ôm tôi thật chặt, rồi hôn tới tấp lên mặt tôi. Tôi nghĩ thầm: “Việc chi ri hè?” Té ra, em gái tôi, làm xướng ngôn viên ở đài phát thanh Huế, thấy có danh sách gọi nhập ngũ khóa 21 Thủ Đức sắp đọc trên đài, có tên tôi, vội vàng về nhà báo cho chị dâu biết: “Anh Hải có tên gọi rồi.”
Biết có tên, vợ tôi sợ tôi phải đi lính. Tôi thì không vui, không buồn. Rồi cũng tới phiên mà thôi!
Tại sao lần nầy thái độ vợ tôi khác đi. Có lẽ do tác động của bạn bè.
Sau khi tình hình Huế tạm yên, thì lại có tin “Việt Cộng sắp tấn công đợt 2”. Tin ấy là do ông trung úy Liên Thành, phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt cho biết, hôm ông ấy gặp vợ tôi đến thăm Thanh Yên, em gái ông Liên Thành, vợ thiếu tá Hóa, chánh văn phòng đại tá Trưởng (cấp bậc lúc ấy), tư lệnh Sư Đoàn 1.

Thế rồi, vì tin VC sắp tấn công đợt 2, tôi đưa vợ con vô Đà Nẵng, trong đó có Quân Đoàn, tình hình an ninh tốt hơn. Ở Đà Nẵng, vợ tôi đến thăm người bạn thân hồi con gái: Như Xuân, vợ Hoàng Xuân Định, em nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu. Định lại là bạn thân của tôi hồi mới học trung học. Định nói với vợ tôi: “Về biểu thằng Hải đi lính. Người ta đi hết rồi, còn “lặn” chi nữa!”

Tôi trình diện ở Phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ xong, được cho về. Hôm sau, 8 giờ sáng trở lại, có xe đưa vô Đà Nẵng. Tôi nhờ anh Hoàng Dĩnh, học trò của tôi, chở tôi đi. Cô ấy ở nhà, không biết có khóc hay không! Tới nơi, có chiếc GMC chờ sẵn. Một lúc sau, tất cả người trình diện lên xe, xe đầy người, có ông trung sĩ “chỉ huy”. Xe lên đường vô Đà Nẵng, địa chỉ là “Trung Tâm I, Tuyển Mộ Nhập Ngũ.” Vài ngày sau, đưa qua Tổng Y Viện Duy Tân khám sức khỏe; tình trạng tốt. Vậy là hôm sau nữa lãnh quân trang: Trước tiên là một cái xách “ma-re”, hai bộ đồ trận, - thường gọi là đồ treilly -, hai áo “may-ô”, hai quần xà lỏn - may kiểu quần chân què như của mấy bà hồi xưa -, một cái nịt vải, hai đôi tất (vớ) vải, một đôi giày bố (cao su, màu đen) có giây, một mũ lưỡi trai, khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng, “pông-sô” (poncho), “gà-mèn”...

Đời lính “gian lao” từ đây...

Trung tâm nầy, tôi vào lần nầy là lần thứ hai. Hai lần trước đều được hoãn. Việc vào ra trại dễ dàng, không như bây giờ: “Nội bất xuất”.

Một buổi chiều, trung úy (cấp bậc lúc ấy) Lê Văn Tịnh chở “mạ” đến thăm tôi. Tịnh gọi tôi bằng cậu. Mẹ Tịnh là chị tôi, con gái người chị cả của mẹ tôi. Ở Quảng Trị, gia đình Tịnh và gia đình tôi cùng xóm. Chiều chiều, vài khi rảnh việc, “Chị Đội”, cái tên thân yêu, bà con xóm phường đều gọi như thế cả, mẹ của Tịnh, sang thăm mẹ tôi. Nói cho đúng là “sang chơi với dì”, là mẹ tôi. Chị ấy mồ côi mẹ sớm. Đó cũng là lý do rất gần gũi giữa hai dì cháu. Tịnh, tuy là cháu, nhưng thua tuổi tôi cũng không bao nhiêu, học sau tôi chỉ có 2 lớp, cũng như bạn.

Khi đến thăm tôi ở Trung Tâm, mẹ Tịnh đem theo dĩa xôi, thịt kho. Mấy lần trình diện trước, ra trại được, tôi thường đến ăn cơm nhà chị. Bà chị tôi kho cá nục “hết sẩy”. Cơm, cá nục, rau muống chấm nước cá có ớt cay. Đời như thế hạnh phúc chán. Tìm đâu cho xa!
Tịnh hỏi: “Lần ni cậu đi chưa hay về?”
- “Không về nữa. Đi luôn”. Tôi nói.
Bà chị tôi cự nự: “Nói xui! Đi lính rồi về. Ai nói đi luôn như cậu!”

Người Việt Nam hay tin dị đoan, sợ những lời nói xui, nhất là khi “đi giữa súng đạn.”

Những ngày ở tại Trung tâm thật buồn. Ăn xong chẳng biết làm gì, đi lòng vòng quanh trại. Con đường phía ngoài hàng rào kẽm gai, dân chúng đi lại tấp nập, vui vẻ... Một đám mấy cô đi ngang, mỗi cô mặc một màu áo dài khác nhau: xanh, trắng đỏ... Một tay “cờ bạc” nào đó, nói to: “L. tứ sắc”. Ai nấy đều cười. Buổi chiều, tôi hay trải “pong-sô” nằm bên cạnh một gốc dương liễu, nghe gió reo và nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Bầu trời nầy làm tôi nhớ bầu trời trên sông Thạch Hãn, cũng những buổi chiều hè, cũng nằm trên bãi cỏ, cũng nhìn lên trời. Nhưng cái thời niên thiếu ấy đã xa rồi, xa lắm rồi. Một chốc, mới đó mà đã gần hai mươi năm...
Cơ quan Tâm Lý Chiến của “phe ta” thực hiện nhiều công tác cũng “lạ” lắm. Cứ những chiều buồn như thế, trên loa phát thanh của trại lại thường phát bài do Hoàng Oanh ca. Giọng cô ta trong, làn hơi mạnh, lại buồn, mà cứ réo rắt: “Nếu có anh, chiều nay ta sẽ lên đồi sim, Anh hái hoa tím cắm lên đôi bờ tóc mềm...” Đúng ra, họ nên cho phát những bài nào hùng mạnh lên một chút... để cho lòng người ta phấn chấn. Đã xa nhà, mới xa nhà, nghe những bài như thế chỉ muốn trốn trại. Không lý Trung Tâm Nhập Ngũ xúi chúng tôi đào ngũ?

Hôm đi khám sức khỏe ở Tổng Viện Duy Tân lại gặp một chuyện buồn nữa. Sau Tết Mậu Thân, Quân đội Mỹ và Quân đội VNCH hoạt động mạnh hơn, đuổi địch ra càng lúc càng xa các thành phố, thị xã. Bên kia hàng rào Tổng Y Viện là phi trường Quân sự Đà Nẵng, máy bay lên xuống liền liền. Mỗi khi cất cánh, máy bay oanh tạc phản lực gầm rú nghe ghê lắm, lửa đỏ phừng phực, tuôn ra sau ống phản lực, chớp chớp, sáng lòe, tôi chưa từng thấy bao giờ.

Đang ngồi nhìn qua phi trường thì có anh thương binh đến “chào thầy”. Tôi biểu anh ta ngồi xuống bên cạnh hỏi chuyện chơi. Tưởng ai lạ, té ra là Đắc, mới năm kia còn học với tôi. Đắc học không giỏi, nhưng cả trường, nhiều người biết anh. Anh là tay “đập bóng sấm sét” trong đội bóng chuyền của trường. Anh cũng lại là tay đánh trống trong đội múa “Trấn Thủ Lưu Đồn” của thầy giáo Nguyễn Minh Sơn. Với trang phục “lính thú ngày xưa”, anh ta múa tay “thùng thùng trống đánh ngũ liên” thật nhuyễn và lạ mắt, nhiều người khen ngợi. Thế rồi “hỏng tú tài, anh đi trung sĩ”, ra đơn vị chưa bao lâu thì bị thương nặng trong một trận đánh ở Quế Sơn: Mất một chân, hư một mắt. Anh học trò giỏi thể thao, văn nghệ như thế, tài ba như thế mà nay bỗng “tàn phế”.

Anh ta đi lâu rồi, thế mà tôi vẫn còn ngồi trên ghế xi-măng, thẩn thờ. Có phải lỗi tại tôi không nhỉ? Dạy “Chinh Phụ Ngâm” cho học sinh, tôi đem cái hình tượng chinh phu mà vẽ ra trong trí óc bọn trẻ, là thần tượng của một thời đại, của mọi thời đại, rằng một thanh niên thì phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, rằng “chàng niên thiếu vốn dòng hào kiệt”, rằng “Áo chàng đỏ tựa ráng pha”, rằng “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử?” Không! Tôi chỉ làm một việc phải, chỉ ra con đường người thanh niên của thời đại chúng ta phải đi, và chính tôi cũng đang đi trên con đường ấy, như mọi người, chớ tôi đâu có “xúi dại” người khác đi, để tôi được “một đời an nhàn vô sự...” đâu?

Khi ngồi trên chiếc C-123 đi Saigon thụ huấn, tôi buồn hơn là lo cho vợ con. Sau trận đánh tết Mậu Thân, nhà cửa không còn, tài sản không còn, thế mà tôi đành bỏ vợ lại và bốn đứa con nhỏ cho vợ chăm sóc mà đi lính. Nghỉ dạy, cũng có nghĩa là “cắt hợp đồng”, lương tiền không còn, cô ấy lấy gì nuôi con? Nhưng đi thì cứ đi, đâu có riêng gì tôi trong hoàn cảnh đó. Đó cũng là cách tự an ủi vậy thôi! Nhưng tại sao tôi lại muốn ứa nước mắt khi nghĩ đến gia đình: “Tình gia thất nào ai chẳng có? Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.” Trước mặt tôi, phia bên kia máy bay, đối diện là trung úy Thương, mặc đồ rằn ri Biệt Động Quân, trước kia học một lớp với em gái tôi. Anh quê ở làng thủy cơ An Hội. Cũng mới về thăm nhà, trông anh cũng không vui gì hơn tôi, mặc dầu anh xa nhà đã lâu, xông pha trận mạc đã nhiều.

Từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tất cả chúng tôi đều được đưa về Trại Tiếp Liên ở Khánh Hội. Trại dành cho tất cả binh sĩ và gia đình, không kể cấp bậc, tạm trú trên đường đi qua Saigon nhưng không có nơi tạm trú, không muốn hay không có tiền thuê khách sạn.

Phía trong cổng trại là nơi buôn bán “sầm uất”, nhiều nhất là các món nhậu và bia chai. Đi cùng chuyến với tôi có ông Trần Văn Rô, giáo sư trường Bồ Đề Huế và Tôn Thất Hùng, cùng dạy với tôi một trường. Thấy có món nhậu và bia rẻ hơn ở Huế nhiều, Rô rủ tôi và Hùng ra nhậu một chầu. Bia cao rẻ hơn bia lùn, “xí quách” lại rẻ hơn nữa. Thế là hôm đó, “bọn tôi ba đứa” làm không biết mấy chai, thau đựng “xí quách” chỉ còn xương, rồi ngủ một giấc không còn biết trăng trời chi nữa...

Tại trại tiếp liên, không chỉ có “dân vùng I”. Hôm đó, “dân Vùng II” cũng tới luôn nên sáng hôm sau phải 3 xe GMC mới chở đủ bọn lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Khi xe theo đường Hai Bà Trưng, ngang trước Dinh Độc Lập, mới xây lại xong, anh nào cũng muốn ngoái cổ nhìn, có nhiều anh chẳng thấy được gì.

Xe dừng trước cổng trại Nguyễn Tri Phương, là trại tiếp chuyển, trước khi chuyển qua Liên Đoàn A hay Liên Đoàn B để thụ huấn. Chưa kịp xuống xe, lại còn phải lè kè cái xắc Ma-re, thì ông thiếu úy Thêm, người ra nhận khóa sinh, đi dọc các xe la nạt om sòm, khiến ai nấy đều sợ. Có người than: “Lính chớ có phải tù đâu mà ghê thế!” Sắp hàng, điểm danh xong, cho vô từng nhà tìm chỗ ngủ. Ông thiếu úy Thêm ra về, ai nấy nhẹ nhỏm. Té ra, ông thiếu úy Thêm cũng rất hiền. Bởi vì ông ta là thương binh loại 2, miểng đạn còn trong sọ não, nên đôi khi, như Rô bảo: “Điện xăng đít lên đơ xăng vanh”, la lối một chút vậy thôi, chưa phạt ai bao giờ.

Tối đó tập họp điểm danh mới là... kinh!

Cái sân tối mờ mờ, không có điện. Ánh sáng trong nhà tỏa ra yếu ớt. Sắp hàng xong, chưa kịp điểm danh thì một anh nào đó, ngã chúi xuống đất, “bất tỉnh nhơn sự”, được khiêng lên bệnh xá. Sau đó một giờ, ngồi chơi trong sân, có người nói, anh chàng té lúc nãy chết rồi. Gì mà ghê thế?! Vào trại chưa được 24 giờ đồng hồ đã có người “vị Quốc vong thân”. Thầy giáo Rô nói với tôi, “cậu mày biết không”, đất nầy xưa là rừng cao su, khí hậu độc lắm, “đi dễ khó về”. Tôi nhớ có đọc “Rừng Địa Ngục” của Ngọc Chấn. Rừng địa ngục là rừng cao su đấy, không sợ sao được!

Gần tới khuya thì có ông trung sĩ già đi tuần, thấy bọn tôi còn thức nói chuyện, ông hỏi: “Tụi bây chưa ngủ, nhớ quê? “Qua” hồi nẳm cũng dzậy!”

Tôi hỏi:

- “Trung sĩ đi lính lâu chưa?”

- “Đừng gọi “qua” là trung sĩ. Gọi “qua” là thầy đội. Thầy đội Điều.” Rồi ông ta nói thêm một hơi: “Qua” Đi lính hồi Tây nó mới trở lại. Người ta đi “Nam bộ kháng chiến”, “qua” đi lính Tây. Tây nó cần “qua”vì “qua” có “du học Hà Nội” (2). Hồi nẳm thằng đại tá Nguyễn Văn Q. cùng đi lính với “qua”. Sau, nó đi “xĩ kuang”, làm giám đốc nha Quân Pháp đấy. “Qua” không thiết. “Qua” đóng loon đội là được rồi. Làm “kuang” chi cho mệt.

Tôi nói: “Thời Tây, trong Nam mới có người đóng loon quan một, quan hai. Ngoài tui, loon “Thầy đội” là to lắm, không mấy ai lên quan quản.” Rồi tôi đọc câu ca dao:
Gió đưa ông đội vô dinh,
Mụ đội thương tình, xách nón chạy theo.
Ông đội đòi cưới con heo,
Mụ đội đòi cưới con mèo cụt đuôi!

Thầy đội Điều nói: “Ngoài Huế tụi bây bày đặt “thơ dzăng”. Cái chi mà đòi cưới con heo, con mèo. Cưới thì cưới con “dzợ bé”. Dzợ con, mệt lắm. Nhậu là “dzui”. Ngày nào “qua” cũng làm một “xị”.
Cứ thế cho tới khuya, bọn tôi hỏi vì tò mò, thầy đội Điều thì khoái kể chuyện nhậu, chuyện mồi. Mồi thì có rắn, lươn, rùa, cần đước, kỳ đà, cá lóc, tôm, tép... Hết món nhậu dưới đất tới món nhậu trên trời: chim cu, tu hú, chàng bè, cò, ngỗng, vịt xiêm, vịt xiêm lai... Chuyện nhậu kể sao cho hết.

Vốn không phải dân nhậu, tôi hỏi “nhậu một xị, xị là cái gì?” Thầy giáo Trần Văn Rô cười, trả lời: “Thế mà cũng hỏi. Rượu đựng trong cái chai xá-xị, nên mới gọi “xị” rượu. Biết chưa?” Tôi cười: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” (3)

Những ngày sau, khám bệnh lần hai, chỉ khám răng. Sắp hàng dài, hết người nầy, tới người khác, đứng trước mặt ông thượng sĩ già, há miệng ra. Ông dùng miếng gỗ nhỏ, banh má ra, hết má bên nầy tới má bên kia, xem qua loa, rồi hô to: “Tốt”. Thế là xong.

Nhưng không xong, bởi vì ông thượng sĩ “giọng Bắc Kỳ rệt”, vừa banh miệng chúng tôi, vừa đọc sang sảng thơ Nguyễn Công Trứ cho chúng tôi nghe: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên. Có giang sơn thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán vốn sĩ nầy là quí....” (4) Ông thượng sĩ đọc một hơi toàn bài, hết bài nầy tới bài khác. Ông thuộc thơ lắm, nhưng ông chỉ đọc thơ Nguyễn Công Trứ, có lẽ vì ông nghĩ rằng chúng tôi là “sĩ”. Bề gì thì chúng tôi đang là “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan”. Thỉnh thoảng, ông thượng sĩ ngưng đọc, hỏi anh chàng đang đứng trước mặt ông: “Biết cụ Nguyễn Công Trứ không?”, “Thuộc câu nào của cụ Nguyễn Công Trứ không?” Người được hỏi phần nhiều trả lời biết, hoặc biết chút ít. Không ai trả lời không biết. Học sinh hồi ấy, dù ít nhiều cũng đã học thơ Nguyễn Công Trứ, trong chương trình Việt Văn lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), và học lại một lần nữa ở lớp đệ Nhị (lớp 11 bây giờ). Thí sinh Tú Tài 1, rất thường gặp đề bài hỏi về Nguyễn Công Trứ, nhất là dưới chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Lại có thi trắc nghiệm để chọn ngành. Vào phòng, mỗi người một ghế, nhận tờ giấy quay ronéo có sẵn mấy chục câu hỏi, trả lời theo kiểu Mỹ, cứ a, b, c khoanh, xong đem nộp. Về sau, khi gần mãn khóa ở Thủ Đức, theo thông báo của bộ Tổng Tham Mưu, chẳng mấy ai được chọn vào lính văn phòng, không tác chiến như quân nhu, quân cụ, quân vận... Phần đông là bộ binh, chọn binh chủng: Nhảy dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Sư đoàn Bộ Binh hay Tiểu Khu... Anh chàng Nhơn, học trò cũ của tôi, nói: “Em khoanh bậy cho xong. Em muốn đi TQLC.” Tôi hỏi: “Sao vậy?” Anh ta cười: “Loon TQLC đẹp hơn, đeo oai hơn.” Tôi cười, thông cảm cho người trẻ. Thế mà khi thông cáo phổ biến, anh lại đi Công Binh. Máy điện tử chạy sai rồi!

Đang ở trại Nguyễn Tri Phương thì nghe tin “phái đoàn dân biểu Quốc hội” lên Quang Trung.

Câu chuyện mấy ông dân biểu “chiếu cố” là như thế nầy:

Toàn bộ khóa 1/ 68, học xong giai đoạn 1 ở Quang Trung, được điều lên Trường Bộ Binh Thủ Đức học giai đoạn hai, ra trường mang loon “chuẩn oái”. (Chuẩn úy, chúng tôi gọi đùa là chuẩn oái). Đến khóa 2/ 68, một nửa lên Thủ Đức, một nửa ra trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế (Nha Trang), ra trường mang “loon trung sĩ”. Ở đây, đâu phải “hỏng tú tài anh đi trung sĩ”. Lý do là: Thủ Đức không còn chỗ chứa. Số “khóa sinh Dự bị Sĩ quan” bị đưa ra Đồng Đế một cách ngang xương, không vì học kém hay vô kỷ luật mà vì Thủ Đức “chật như nêm”. Người ta đồn, anh thủ khoa khóa 2/ 68 ở Quang Trung, bị ra Nha Trang, uất ức, kê mũi súng garand M-1 vào cằm, tay nhấn cò. Thế là xong một đời trai trẻ. Hầu hết đám Khóa sinh Dự bị Sĩ quan bị ra Nha Trang tuyệt thực, biểu tình. Quốc Hội họp liền, lên tiếng: Bộ Quốc phòng phí phạm tài nguyên quốc gia. Khả năng của họ là sĩ quan, tại sao lại cho đi hạ sĩ quan? Báo chí phản đối um sùm, dân chúng dư luận xôn xao, sinh viên giao động... Tổng thống Thiệu ngồi yên đâu được. Phụ tá đặc trách liên lạc quốc hội của tổng thống là ông dược sĩ Nguyễn Cao Thăng chạy lui, chạy tới giữa quốc hội và phủ đầu rồng. Mọi việc yên ổn: Dù ra Nha Trang, các Khóa sinh Dự bị Sĩ quan nếu thi đậu, sẽ ra trường với loon chuẩn úy như các sinh viên sĩ quan Thủ Đức vậy.

Sự kiện nầy không kéo dài, chỉ mấy hôm, các cơ quan chính phủ, Hạ Viện, Thượng viện họp bàn, quyết định gấp. Thế là xong. Các dân biểu, nghị sĩ đối lập như Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Nguyễn Sinh Tứ, Hồng Sơn Đông và (cái gì...) Nhuận đấy, (tôi không nhớ)... hết sức “hung hăng con bọ xít”. Đây là dịp mấy chả hát bài “mãi võ Sơn Đông” kiếm phiếu, “bỏ qua rất uổng”! Cũng nhờ vậy mà việc được giải quyết nhanh hơn. Dù là “Dân chủ nửa mùa”, - như có người chê - , xem ra, so với chế độ cai trị bây giờ ở Việt Nam, cũng tốt hơn nhiều! Mấy chả được ra sĩ quan, các khóa sau cũng yên tâm, dù sao cũng hy vọng được gắn cái “quai chảo” (loon chuẩn úy), khi ra trường.

Thế rồi, cả đám chúng tôi ở trại Nguyễn Tri Phương được cho đi phép... một tháng. Lý do: Khóa 4/ 68 đã đủ quân số, không thể nhận thêm. Chúng tôi chờ khóa sau, khóa 5/ 68. Đi phép, chúng tôi vui mà Bộ Quốc phòng cũng khỏe, phát đủ lương binh nhì cho chúng tôi mà khỏi lo “nuôi ăn”.

Tôi mừng như trúng số, ra ngay Saigon, nhờ cô cháu gái tên là H.T.K.K. đang làm việc ở Air Việt Nam mua vé máy bay, ngày mai đi Huế, thăm vợ con. Một tháng ở nhà qua nhanh, cũng đủ thời gian đưa cô ấy và mấy đứa nhỏ vô Qui Nhơn, tạm trú nhà người chị, cùng vợ vô Saigon dự đám cưới “Hùng Móm”. Xong, đến ngày trình diện, lại vô trại Nguyễn Tri Phương. Lần nầy đã quen, không còn bở ngỡ và... sợ, như “thuở ban đầu” làm lính mới tò te. Mấy ngày sau thì mang xắc “ma-re”, lội bộ qua Liên Đoàn A. Đầu tiên thì vô tiểu đoàn Trần Bình Trọng. Hú hồn, khỏi vô Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ! Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ do ông đại úy Hiến làm tiểu đoàn trưởng, nổi tiếng kỷ luật. Anh nào lè phè được ông tiểu đoàn trưởng chiếu cố đặc biệt, chăm sóc tận tình: hít đất, nhảy xổm với đầy đủ súng đạn, ba-lô... là việc rất thường.

Kể cả thời gian đi phép, tôi đi lính đã được một tháng, tới kỳ lảnh lương. Ông đại úy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Trần Bình Trọng ngồi ở bàn ông. Bọn chúng tôi, tập họp từng trung đội, đứng hàng một, chờ phía ngoài. Ông thượng sĩ thường vụ đại đội đứng ngay cửa, kêu tên từng người, hết anh nầy lãnh lương xong, đi ra, anh kế tiếp được gọi vào. Người vào, đứng nghiêm trước mặt tiểu đoàn trưởng, đưa tay chào, nói to và mạnh: “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan Nguyễn Văn X. (hay Trần Văn Y. gì đó), số quân xxx, xxx, trình diện đại úy.” Xong ông đại úy đưa tiền, - ông chỉ đưa tiền chẳn, tiền lẻ ông “quên”. - Người lãnh lương lại đưa tay chào: “Cám ơn đại úy”, xong quay ra. Vì chưa học “cơ bản thao diễn”, chỉ mới học trình diện cấp chỉ huy, nên việc quay phải, quay trái còn lung tung, chưa đúng “cơ bản thao diễn”.

Được một chốc, ông thượng sĩ thường vụ đại đội, đứng tại cửa, nói to: “Các anh vô, nhớ trình diện số quân tám số nghe chưa!” Số quân 8 số nghĩa là phải có 2 số đầu, “ngụy số” của năm sinh. Ví dụ: Số quân của tôi 2 số đầu là 59, có nghĩa là tôi sinh năm 1939, cộng thêm 20 (năm “trưng binh”) là 59. Sáu số sau là số vùng chiến thuật: 205 vì khi tôi làm thẻ trưng binh, bắt đầu có số quân, thì miền trung thuộc Đệ Nhị Quân khu, nên tôi có số 2 đầu tiên, v.v... Như vậy, khi vào trình diện, câu tôi nói là: “Khóa sinh Dự bị sĩ quan H.L.H., số quân: (tôi phải đọc đủ 8 con số như đã nói).

Tới phiên một khóa sinh vào lãnh lương, chào xong, anh nói to: “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan L.Đ. (XXX - xin dấu tên, mặc dù tôi còn nhớ), số quân tám số, trình diện đại úy.”

Ông đại úy tiểu đoàn trưởng không khỏi ngạc nhiên: “Anh trình diện cái gì lạ dzậy? Hai chục cái hít đất.” Thấy anh ta “thi hành lệnh phạt”, cả bọn chúng tôi cười mà không dám cười to. Bình tĩnh là điều quan trọng, nhất là khi “đụng trận”. Sự sợ hãi, trong nhiều trường hợp, cũng giống như “giận mất khôn” vậy.

Thế rồi bất thần, chúng tôi được chuyển qua tiểu đoàn khóa sinh Đinh Tiên Hoàng. Chỉ đổi cái danh hiệu, doanh trại thì như cũ. Hôm sau, toàn cả tiểu đoàn họp ở sân chỉ huy. Trời mưa nhỏ và hơi lạnh, ai nấy trùm poncho ngồi chồm hổm. Thầy giáo Trần Văn Rô, ngồi bên cạnh tôi, rủ rê: “Xuống câu lạc bộ làm chai bia mày, bớt lạnh.” Tôi và Rô trốn xuống câu lạc bộ, uống hết chai bia, sợ lặn lâu sinh chuyện, lại mò về chỗ tập họp. Vừa tới nơi thì nghe ông tiểu đoàn trưởng, đại úy Nguyễn Hữu Tài, gọi tên tôi. “Chết cha rồi!” - Tôi tự nghĩ thầm, không lý ông ta biết tôi lặn? Té ra, tiểu đoàn khóa sinh tập họp bầu đại diện. “Tiểu đoàn trưởng, đại diện tiểu đoàn khóa sinh” (tên gọi như thế) đã bầu xong, là ông kỹ sư Nguyễn Đình Mô. Bây giờ tới bầu “phó đại diện”, có người đề nghị tên tôi, nên tôi được đại úy Nguyễn Hữu Tài gọi lên. Ông ấy bảo: “Anh em muốn bầu anh làm phó. Anh có ý kiến gì không”. Bấy giờ tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện, tại sao ông đại úy tiểu đoàn trưởng gọi tôi lên đây, không phải cái tội “lặn xuống câu lạc bộ uống bia” trong khi tiểu đoàn khóa sinh đang sinh hoạt. Hú hồn!

Biết rồi, tôi nói ngay: “Thưa đại úy tiểu đoàn trưởng, thưa anh em. Tình hình bây giờ sau vụ khóa sinh bị đưa ra Đồng Đế cũng hơi căng. Chúng ta là thành phần đi sĩ quan, không thể “ra trung sĩ” được. Việc nầy, nếu tôi làm việc gì đó đại diện cho anh em, thì tôi phải là cái gạch nối (tôi tránh dùng chữ đấu tranh) vững chắc, giữa ban chỉ huy tiểu đoàn và anh em, nhất định quyền lợi chúng ta không bị thiệt thòi.”

Nghe nói tới chuyện không thể “ra trung sĩ”, là trúng ngay mối lo của mọi người nên họ hoan hô to lắm, hầu hết đưa tay bầu cho tôi, nên tôi “đắc cử vẻ vang”, gần một trăm phần trăm, mà không cần phải “bầu cử gian lận”.

Thấy không khí vui vẻ, ông đại úy Tài nói đùa: “Anh Hải đi lính rồi mà còn tưởng còn đi dạy, gọi tất cả khóa sinh bằng em”. Thật ra, vì trốn đi uống bia mới quay lại, hồi hộp, lại “hơi men” đang còn, - tửu lượng tôi kém -, lại trời lạnh, lại bị gọi lên bất thần, hơi “hoảng” nên tôi phát biểu không rõ. Hai tiếng “anh em”, tôi chỉ nói rõ tiếng “em”, mà không rõ tiếng “anh”, nên ông mới nhận xét như thế.

(Trong hình của tôi, độc giả thấy tôi đeo tòn ten ở ngực miếng nhựa có ba gạch vàng là “loon” tiểu đoàn phó của tôi đấy. Cái chức nầy cũng cho tôi nhiều cái “khỏe” trong suốt 9 tuần học quân sự ở Quang Trung. Đó là “dễ kiếm cớ ở nhà” khi đại đội phải đi ra bãi bắn. Bãi xa lắm. Tôi có cớ để “lặn” rất tài tình!)

Thụ huấn chưa được một tuần thì mỗi người được chích một mũi TAB, thuốc làm da đen lại, môi tím ngắt. Nhờ vậy nên số đông chẳng ai bệnh hoạn gì hết. Tôi bị chứng nhức đầu kinh niên, bệnh đi mất, mãi tới bây giờ, mấy chục năm, cũng chưa thấy “trở lại viếng thăm”. Sau đó là “hiến máu”, hiến một bịch. Hiến xong, được ăn một ổ bánh mì thịt to tướng, rồi cầm tờ giấy phép 24 giờ.

Về vũ khí cá nhân, ban đầu chúng tôi học súng Garand M-1, thường gọi đùa là “Garand - Em-mệt”, cây súng khá nặng, 5kg3, bán tự động, mỗi gắp đạn chỉ có 8 viên, rất phổ biến trong bộ binh Mỹ hồi Thế giới Chiến Tranh thứ hai. Tết Mậu Thân vừa qua, trong khi quân đội VNCH còn dùng Garand M-1 thì VC dùng AK-47 (Kalashnikov), chỉ nặng có 3kg47, băng đạn 20 viên, bắn nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn. Vì vậy, quân đội VNCH bắt buộc thay Garand bằng M-15, - chưa phải M-16 -, có dịp sẽ nói sau. M-15 chỉ nặng 3kg2. Tuy nhiên, trong khi học, thi tác xạ, vẫn dùng Garand M-1. Về M-15, chỉ học cho biết, ra đơn vị, tính sau. Sự kiện nầy cho chúng ta thấy, chúng ta “đi sau” Việt Cộng là vậy.

Việc thứ hai, ở Quang Trung, cũng “khá quan trọng” là “chà láng”. Vùng nầy đất pha cát. Các đường mương thoát nước chung quanh đại đội thường bị nghẻn vì cát đổ xuống. Chúng tôi được lệnh mỗi ngày phải vét cái mương ấy cho thông nước. Công việc được chia cho từng trung đội, tiểu đội, chia xuống cho từng khóa sinh, mỗi người chịu trách nhiệm chưa tới một thước bề ngang. Sáng sớm, sau kẻng đánh thức là chúng tôi ra ngay cái đường mương thoát nước ấy, lấy “gà-mèn” xúc cát dưới đáy mương lên, đắp vào hai bên bờ, rồi lật cái đáy “gà-mèn” chà cho láng bờ mương, xong đi rửa mặt, xuống câu lạc bộ dằn bụng bằng một gói xôi lạp xường. Công việc vét mương, chúng tôi gọi là “chà láng”. Danh từ nầy xuất hiện đâu từ các “bậc tiền bối”, chúng tôi nói theo. Sợ quan khách đến viếng trại chê, nên chúng tôi được lệnh trên bắt phải chà láng bờ mương hằng ngày, phải chà đẹp, không thì dễ bị “lãnh củ”. Chuyện chà láng, vì vậy, cũng quan trọng như việc học. Đó là “bệnh hình thức”, như người ta hay chê “bịnh hình thức”. Hình thức mà lại quan trọng!!!???

Lâu lâu được gặp cái khoái “đi gác tuyến” ở “Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre”, gần “bãi trực thăng”. Đài phát thanh Sàigon là đài vô tuyến, tức là phát bằng làn sóng điện, không có giây. Làn sóng được Đài Quán Tre phát lại, cũng bằng vô tuyến, nhưng tên thì gọi “tréo cẳng ngỗng” là “Phát Tuyến”. Tuyến là đường giây, là giây. Giây đâu mà phát? Mấy chả ưa chơi chữ, sao không gọi là trung tâm “phát sóng Quán Tre”. Nhưng chỉ có Việt Cộng mới gọi là phát sóng. Phát là tiếng Hán Việt. Sóng là tiếng Nôm, tiếng Hán-Việt sóng là “ba”, ghép chung với nhau thành một tiếng nghe sao được!? Ghép như vậy khác chi trên thì mặc “áo veston”, mà dưới thì “quần cháo lòng”, hay quấn “xà-rông” như mấy ông Miên hay mấy ông tổng thống Bắc Phi, ngó không được con mắt. “Trung Tâm Phát Tuyến”, gọi thế mà gọi được?! Nhưng gọi như thế nào thì “mặc cha người ta”, đi tuyến ở bên đó thì được ăn bún bò. Bên đó, có một bà cũng khá lớn tuổi, vợ một ông thượng sĩ, người Huế, mở quán bán “bún bò khuya”, nghĩa là sau 8 giờ mới mở cửa. Ngay Huế, những người bán bún gánh, bún tiệm, không mấy ai bán bún bò khuya, huống chi ở “rừng cao su” nầy. Khuya, nằm ngoài tuyến khó ngủ, “lặn” đi ăn một tô bún bò, sao mà nó ngon thế! Ngon vì cái tài của người nấu, mà cũng vì nhớ Huế nữa đấy! Nuốt một sợi bún bò, là nuốt vào lòng “sợi nhớ, sợi thương”.

Lương lính chẳng bao nhiêu, lại ưa uống bia, sáng ăn xôi mà không ăn bánh mì kèm với chuối chín hay đường cát do trại phát, lại còn bày đặt ăn bún bò khuya, chẳng bao lâu mà có anh “bạn cùng khóa” mượn tiền tôi. Cự nự, hỏi tiền lương đâu, anh ta than: “Tiền lính tính liền” mà anh!”

Đáng thương và đáng mến nhất là các khóa sinh tiểu đoàn Vương Mộng Hồng ở bên cạnh. Đây là tiểu đoàn khóa sinh của Binh Chủng Dù. Họ dậy rất sớm, 4giờ rưởi sáng, trời chưa sáng hẳn, đã ra bãi. Họ không đi bộ lè phè như chúng tôi mà vừa chạy vừa hô “Nhảy Dù! Cố gắng”, “Nhảy Dù! Cố gắng”. Đơn giản chỉ là “cố gắng”, nhưng không ít anh mệt quá mà xỉu trên đường chạy, thì cán bộ “đánh thức” bằng roi giây điện chặp lại, không phải bằng thuốc khỏe. Bị đánh đau quá, không tỉnh cũng phải tỉnh. “Nhảy Dù! Cố gắng!” “Cố gắng” tới bao giờ??!!!

Một hôm gặp Lê Đắc Lực, một người học trò cũ mà cũng là em của anh Nguyễn Minh Sơn, bạn đồng nghiệp. Thấy anh ấy đội mũ đỏ Nhảy Dù, loon thiếu úy, tôi hỏi: “Đi lính khi nào?” “Dẹp bàn thờ xong thì đi.” Tôi nhớ năm 1966, anh ấy có tham gia “Phong trào đấu tranh”. Xong, anh đi mất, bây giờ mới gặp, anh đã là cấp trên của tôi. “Tha hương ngộ cố tri” nên vui lắm. Tôi không hỏi anh ấy làm gì ở tiểu đoàn Vương Mộng Hồng. Vả, anh ấy là người vui tính, vui chuyện nên chuyện vui như pháo tết. Một lúc tôi than: “Học bên Nhảy Dù cực quá! Học sao nỗi”. Thiếu úy Lực giải thích: “Phải vậy thầy à! Khi đánh nhau mới biết, huấn luyện không kỹ, rất dễ “rửa chân ngồi bàn thờ”. “Rửa chân ngồi bàn thờ” là tiếng gọi đùa về cái chết của người lính.

Trong chín tuần học quân sự, cái khổ nhất đối với tôi là thiếu ngủ. Buổi sáng dậy thì cũng không quá sớm, tối chẳng bao giờ ngủ muộn, vậy mà muốn ngủ kinh khủng. Ngồi đâu tôi cũng ngủ được; còn như ngồi trong lớp, tôi ngủ gục là chuyện thường. Nhớ hồi còn đi dạy, thấy học trò ngủ gục là tôi rầy, phạt. Vậy mà bây giờ, chẳng có huấn luyện viên nào phạt tôi cái tội ngủ gục. Có thấy, họ cũng nói nhỏ nhẹ: “Anh ra ngoài rửa mặt đi.” Có khi giờ nghỉ, tôi ngồi dựa lưng vào cây bã đậu, giống cây vông đồng, nhưng nhỏ hơn, thân có gai nhọn. Tôi dựa lưng vào những cái gai đó mà ngủ ngon lành.

Trong khi tôi ngủ thì anh em chung quanh phì phà thuốc lá, vừa hút vừa kháo nhau về “tên mới”của các hiệu thuốc lá do binh lính đặt ra mà đùa. Người ta khoái nhất là câu “Cho anh phát súng tại anh ngu” diễn dịch từ tên gói thuốc lá Capstan đấy.

Trung tâm Huấn luyện Quang Trung trồng rất nhiều cây bã đậu để có bóng im cho khóa sinh. Trước cổng mỗi đại đội có một bể nước để khóa sinh lấy nước uống, bể làm bằng một cái ống cống lớn bằng xi-măng để dứng, có nắp, xe nước tới châm nước hằng ngày. Bể nước nầy lâu lâu phải súc, bằng cách khóa sinh nhảy vào trong mà vét cho sạch. Thế rồi có cả đại đội bị tiêu chảy, kéo nhau lên bệnh xá xin thuốc. Bệnh xá cho điều tra. Té ra bên cạnh bể nước có cây bã đậu, mấy trái bã đậu già rụng vào bể, ngay miệng nắp, như “cò ỉa miệng ve” vậy! Theo ngoại khoa, người xưa dùng hột bã đậu để làm thuốc xổ. Nay cả chục hột bã đậu thối rã trong bể nước, cả đại đội “bị Tào Tháo đuổi” thì có gì lạ đâu! Có anh chạy không kịp, phải qua “gởi nhờ” ở nhà cầu đại đội bên cạnh. Thế là có lệnh toàn tiểu đoàn đi súc tất cả các bể nước. Được nghỉ một buổi học, khỏe quá!

Tất cả các môn học, vũ khí, chiến thuật, cá nhân, tiểu đội, di hành, tuần tiểu, vượt sông... cái gì tôi cũng học, nhưng tinh thần và kết quả thì... qua loa. Hôm học bài “Di hành đêm”, 8 giờ, trời sập tối, đại đội di chuyển ra bãi tập. Tất cả ngồi bệt xuống đất. Huấn luyện viên đứng phía trước đoàn quân giảng bài, tôi có nghe được cái gì đâu. Trước mặt tôi, một đám năm sáu anh, chuyền tay nhau, chụm đầu xem cái gì đó, cười rúc rích. Không biết là gì, tôi nói: “Ê! cho tao xem với!” Có đứa nói: “Dẹp ông đi! để bọn tôi.” Té ra tụi nó có một vật gì đó, lớn hơn hộp quẹt một chút. Bấm vào nút, màn hình hiện ra một con đầm... ở truồng. Xem hết hình nầy chuyển qua hình khác. Huấn luyện viên giảng bài cứ giảng, bọn dưới nầy xem hình đầm ở truồng cứ xem, coi như không biết đến nhau. Thầy giáo Trần Văn Rô ngồi bên tôi nói: “Ở ngoài hình PlayBoy thiếu gì, không xem, vô đây giành nhau.” Tôi cười: “Không có thành hiếm, giành nhau coi cho vui. Ông không thông cảm gì tụi trẻ cả. Coi hình thì vậy, đến khi thấy thực tế nằm chình ình trước mặt thì run”. “Ông kinh nghiệm dữ!” Thầy giáo Rô nói mỉa tôi. Tôi cười: “Không ai nói tài thánh được cả. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Rô lại nói: “Sướng muốn chết mà ông gọi là đoạn trường, văn với thơ!”

Đêm ngồi giữa bãi, bốn bề trống trải, gió thổi nhẹ và mát. Thấy thích thú, tôi bèn nằm ngữa xuống đất, ngó lên trời. Hôm đó, trời trong, không trăng, nên sao ra nhiều. Nhìn sao trên trời, tôi bỗng nhớ một đoạn văn của Lưu Nghi: “Đêm đêm trời lặng gió lành, nằm ngữa mặt nhìn ngàn sao, lòng người êm dịu một cách kỳ lạ. Nằm sát mặt đất mà tưởng như đứng đỉnh núi cao, nhìn ra đại hải. Những chấm thuyền li ti xê dịch dọc ngang, cái xê dịch chỉ thoáng nhẹ như chút hoài nghi, mắt người không thấy được, nhưng lòng người lâng lâng say một cuộc viễn hành. Trong tư duy dấy lên những bụi đường...”

Một cuộc viễn hành?

Vâng, tôi đã từng mơ một cuộc viễn hành. Tên tôi là Hải, tôi từng nộp đơn xin học khóa 8 Hải Quân Nha Trang. Tôi không mơ lắm để thành một sĩ quan, nhưng tôi yêu vô cùng đời một thủy thủ phiêu bạt đầu trời cuối bể như Jack London, mơ “thần tượng” cách mạng “gót giày lấm bụi đường” ở quê người như Nhất Linh, như Ché Guévara của Châu Mỹ La-Tinh. Một người làm cách mạng như Nhất Linh, như Ché, như Nasser; không phải một người làm chính trị như Phidel. Khi một người làm cách mạng trở thành một người làm chính trị, là người ấy tự “xóa sổ đời mình” như ông Ngô Đình Diệm, ông Hà Thúc Ký, Phidel Castro và cả ông Hồ Chí Minh...

Người lãng mạn là người thiếu thực tế. Tôi mê những câu hát “Viễn Du” mà trở thành người mơ mộng hảo huyền: “Hãy ghé bến bờ, có những xóm dừa, chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ. Có những núi mờ, đứng mãi ngóng chờ, chờ người về đầu non trắng xóa...” Từ giã tuổi ấu thơ, tôi dìu tâm hồn niên thiếu của tôi vào những hình ảnh mơ mộng như thế...

Tôi không thực hiện được điều tôi mơ ước khi còn trẻ. Gánh nặng gia đình, lo dạy học thay mẹ nuôi các em, rồi có vợ con... đến bấy giờ, quá “tam thập nhi lập” như Khổng Tử bảo thì đời tôi đã trễ tràng, còn ước mơ gì nữa. Dù không có lệnh gọi, “tự động trình diện”, tôi không phải là người chọn binh nghiệp. Tôi chỉ làm theo lời dạy của cổ nhân “Quốc gia lâm nguy…” Giờ đây, chỉ mới những ngày đầu của anh lính mới tò te, cùng thao dượt quân trường với một đám thanh niên nhỏ hơn tôi ít nhất mười tuổi, tôi không ao ước đậu thủ khoa, mà chỉ cần “theo kịp” các bạn đồng môn là đủ, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy cô đơn, lạc lỏng một cách kỳ lạ, như một con ngựa già chạy nhảy giữa đồng cỏ hoang với những con ngựa trẻ. Con ngựa già không biết nó già, nhưng tôi biết phận mình giữa một đám thanh niên còn đầy nhiệt huyết. Tôi vẫn thấy đời còn đẹp, nhưng nghĩ tới tuổi tác của mình, tranh đua với bọn trẻ trong quân trường, tôi thấy mệt, mệt lắm. Mai đây, trên con đường đi tới tương lai, hay trở về nghề cũ, tâm hồn tôi giống như một câu thơ của Pham Thiên Thư: “Con đường..., bông hoa còn đẹp, lòng sao thấm mệt!?”

Lệnh tổng động viên đưa quá nhiều thanh niên vào quân trường, khiến nhiều trường thiếu thầy giáo. Ưu tiên là các “giáo viên ấp tân sinh”, được biệt phái về trường cũ sớm nhất, dù khóa học chưa xong. Các giáo sư trung học, trình diện sau tôi vài tháng, chỉ học 9 tuần, cũng được biệt phái về nhiệm sở cũ. Công việc phó đại diện tiểu đoàn của tôi, chính yếu là soạn và sắp xếp các bài học in bằng ronéo của khóa trước để lại, phát cho khóa sinh trong tiểu đoàn. Vì công việc nầy nên vài giáo sư, đồng nghiệp cũ của tôi ở Huế, như anh Trần Văn Đ., hiệu trưởng trường Tây Lộc, bị động viên ở tiểu đoàn Trần Bình Trọng xin tôi bài đem về học. Họ sợ, cuối khóa, nếu họ thi hỏng, sẽ không được biệt phái.

Các đồng nghiệp cũ khuyên tôi nên làm đơn xin biệt phái. Tôi lập hồ sơ, theo lời khuyên của họ, nhưng khi tôi tới phòng Quân Vụ, bộ Giáo Dục, ông thiếu tá trưởng phòng nói thẳng với tôi, phải có 5 chục ngàn, “việc nầy mới xong”. Một phần không có tiền, mấy ai làm nghề “gõ đầu trẻ” mà giàu? Một phần không muốn trở lại con đường cũ. Con đường cũ chỉ đẹp trong tâm hồn, khi nó trở thành hiện thực, không thiếu những điều đáng buồn, nên tôi không tìm cách trở lại “con đường trong tâm tưởng” đó nữa.

Có lần tôi nói Phạm Văn Nga: “Ngán nhất là tập “Đoạn đường chiến binh”. Anh ta cười: “Có gì mà ngán!” Đu giây, leo giây, leo tường, nhảy dài, nhảy cao... tôi không ngán, nhưng lần bị té ở cầu cây, - cây hình tròn - khiến tôi bị trượt chân, té không đau, nhưng bi trặc chân, làm tôi hoảng hồn. Tuy vậy, hôm thi mãn khóa, tất cả khóa sinh phải qua “Đoạn Đường Chiến Binh”, môn thi có số điểm cao, thì trước khi vào “bài thi”, đang chờ, gần như hầu hết khóa sinh đều “sắp hàng ngang tưới cỏ” bên đường. Tôi nói với Nga: “Cậu thấy chưa! Sợ té đái đấy! Thi cái nầy thằng nào chẳng sợ...”

Một khóa sinh đại đội tôi được bằng thiện xạ. Anh ấy đạt điểm cao cả ba thế bắn: Đứng, quì và nằm, mặc dù súng ở quân trường là súng cũ. Tôi bị phạt ba ngày trong cấm, - phạt không ghi hồ sơ, theo nguyên tắc -, vì súng tôi quá cũ. Tôi thường đùa với các bạn bằng cách: “Coi súng tao nè!” Nói xong, tôi lấy một đầu đạn Garand 7ly 62 nhét vào đầu nòng súng. Viên chạy chạy ngược trong nòng, đụng cơ bẩm cái cạch. Tôi mở cơ bẩm, lôi viên đạn ra, đưa cho mọi người xem. Cười.

Trường hợp thầy giáo Trần Văn Rô “kinh hoàng” hơn. Hôm thi, anh đưa súng lên vai, nhắm mục tiêu bắn phát đầu tiên. Anh bóp cò, súng nổ. Anh lại nhắm vào đầu ruồi để bắn phát thứ hai, không thấy đầu ruồi đâu cả. Ống hơi và đầu ruồi bay mất. Vì đang lúc thi, anh hoảng hốt đưa súng khiếu nại giám khảo, mà lại vô ý chỉa ngay mũi súng vào ông ta để giải thích, khiến ông này cũng hoảng hồn: “Đạn còn trong nòng mà anh chỉa súng vào tôi.”

Nút ống hơi gài vào ống hơi bằng gai như đinh ốc, sợ bị phạt, khóa sinh mở ra chùi hàng ngày, chùi từ mấy đời, khiến gai mòn, có khi rớt mất. Bị mất, nếu khai lên đại đội, sợ “lãnh củ” nên người mất lén lấy ở súng của người bên cạnh, gắn vào súng của mình. Anh thứ hai mất nút ống hơi, lại lặng lẽ “chôm” của người thứ ba, v.v... Cứ thế nút ống hơi mất dài dài... Chỉ có một cái nút ống hơi mà cả chục người mất. Tới phiên Rô, anh lặng lẽ nói riêng với ông thượng sĩ thường vụ, nhờ mua ở kho, chỉ có 20 đồng. Rô “công bố” việc anh ta mua nút ống hơi, từ đó, ai mất thì cứ đi mua, đại đội mới hết lộn xộn, than vản, thắc mắc, nghi ngờ nhau.

Tới bữa, khóa sinh xuống nhà bàn lãnh thực phẩm về ăn. Cơm không hạn chế, tuy không phải gạo ngon, nhưng bổ, vì khi cơm sôi, nhà bếp xổ vào đó cả mấy trăm viên Vitamin C, lấy xẻng trộn cho đều, ăn vào không khỏe sao được! Còn đồ ăn, ngày nào cũng có hai món: Rau muống chặt từng khúc, rửa, không lặt lá úa, lá thối. Cá thì chỉ có một thứ: Cá mối; ngày nào cũng như ngày nào. Vì vậy, trong khóa sinh có câu nói đùa: Trước, “gà-mèn” sắp lối (để nhà bếp xúc cơm vào cho), sau cá mối thẳng hàng. (cá mối để từng hàng dài, có muỗng to, mặc sức mà lấy). Chúng tôi chỉ lấy cơm, xong ra cái kiosque phía ngoài nhà bếp. Kiosque nầy thường lảnh thêu bảng tên cho khóa sinh, và bán thức ăn phụ: Một bịch nylon nước mắm ớt pha loảng, ba bốn lát chã mỏng, giá 1 đồng. Có một kiosque có hai cô con gái đứng bán, “thiên hạ” chen nhau mua.

Thường cuối tuần, chúng tôi được đi phép; Thứ bảy ra trại, chiều chủ nhật vô. Thỉnh thoảng bị cấm trại, không có phép vì một lý do gì đó. Một hôm cấm trại, có anh học trò cũ đến rủ tôi: “Ba em đến thăm, thầy ra câu lạc bộ chơi.” Tôi theo anh ta. Chào hỏi xong, thân phụ người học trò, đại úy hải quân, kêu bia cho tôi. Tôi nói chỉ uống một chai, không uống được nhiều. Ông ta cười:

- “Thế là hỏng, cấp chỉ huy như thầy là hỏng!”
Chưa kịp hiểu ý, ông nói ngay:
- “Thầy biết ra đơn vị, lính nó hỏi nhau cái gì không? Ông chuẩn úy nầy có uống rượu được không hay “sữa nước sôi”. “Sữa nước sôi” là hỏng, không chỉ huy chúng nó được đâu. “Chuẩn úy sữa nước sôi” mà chỉ huy được ai?”

Từ đó, tôi phải tập nhậu, không, sợ lính nó “leo lên đầu”.
Có một tuần, nhà tôi lên thăm mà không có phép. May gặp ông thiếu tá Gíp A Sáng, liên đoàn phó, nhà tôi xin thăm. Ông thiếu tá bảo lính gác gọi tôi ra. Vợ chồng ngồi chuyện trò ngay cổng. Ấy là thăm đặc biệt đấy. Hình như ông thiếu tá nầy sau đắc cử “dân biểu”. Nhắc lại câu chuyện nầy là để cám ơn ông thiếu tá.

Khóa sinh Dự bị Sĩ quan thường được đi phép. Khóa sinh tân binh ít đi phép hơn. Tuy nhiên, gần bộ Chỉ huy Trung tâm, có “Vườn Tao Ngộ” để khóa sinh được gặp gia đình. Lại chữ nghĩa tào lao! Tao ngộ là sự gặp gỡ “tình cờ”, như Tú Uyên gặp Giáng Kiều trong “Bích Câu kỳ ngộ”. Ở đây, gia đình, thân nhân, bạn bè, người yêu, người tình, v.v… đi thăm tân binh, sao gọi là Tao Ngộ? Vườn Tao Ngộ có nhà để ngồi, che nắng che mưa. Nhưng cũng có nhiều cặp, vợ chồng hay bồ bịch gặp nhau, hôn hít trước mắt mọi người thấy kỳ lắm - Xứ Việt Nam đâu như Mỹ miếc nầy - bèn căng poncho ngoài vườn, dưới gốc cây cho im mát. Hai “anh chị” làm gì trong đó mà cái poncho lùng bùng, rung rinh; ai mà biết!

Tuy nhiên, khi độc giả nghe Phương Hồng Quế hát “Vườn Tao Ngộ” không thấy xúc động hay sao?

“Hôm nay ngày Chủ Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần.
Ta nhìn nhau bâng khuâng.
Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn.
Ngày mai ra đơn vị,
đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao...”

Ngày mai ra đơn vị, đời vui hay buồn là có thật, nhưng bảo rằng hai lối mộng thì ông nhạc sĩ thi vị hóa đời lính đấy! Vài ông nhà thơ, nhà văn quân đội, mang lon đội mũ, ngồi ngậm ống vố, uống càphê ở La pagode, Saigon, làm thơ tán gái, nói chuyện chiến trường, chuyện lính, tưởng tượng ra những chuyện mơ mộng hảo huyền, “tào lao thiên đế”, chẳng ra thế nào cả.

Thơ văn là mộng mị. Ngoại trừ một số người đi lính vì ham danh vọng, còn phần đông “thất phu hữu trách”, “anh ơi phải lính thì đi”, như tổ tiên dạy, chẳng phải “tránh nặng tìm nhẹ”, núp bóng che dù, COCC (5) để khỏi ra chiến trường. Mấy ai mơ khanh tướng làm chi? Ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng kinh qua đấy: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều... em ơi!”

Giấy phép cho Khóa sinh Dự bị Sĩ quan thường là 24 giờ,“bốn giờ đi lại thêm bốn giờ về”. Có anh còn cộng thêm mấy giờ vô Chợ Lớn mua... đuôi chuột. Ở Quang Trung nhiều chuột quá nên có “lệnh diệt chuột”. Ai giết được nhiều chuột sẽ được thưởng 12 hay 24 giờ phép. Thế là thiên hạ kéo nhau đi diệt chuột. “Tìm và diệt” (5) riết rồi chuột cũng ít đi, khó kiếm. Có người nảy ra sáng kiến. Chợ Lớn nổi tiếng “bánh bao thịt chuột”. Vậy thì vô Chợ Lớn mua đuôi chuột. Đuôi chuột không làm bánh bao được. Mua đuôi chuột xong, đem vào nộp cho đại đội, để được ghi phép đặc biệt tuần sau. Thế rồi, tiểu đoàn biết chuyện, lại “bể mánh”. Bây giờ lệnh ra không chỉ nộp đuôi chuột mà phải nộp nguyên con. Lệnh nầy có khó khăn hơn, nhưng vẫn ăn gian được. Chuột chết thì hôi, mở bao đựng chuột chết ra cho thượng sĩ thường vụ kiểm soát. Ông nhăn mũi hỏi: “Mấy con?” Năm nói thành mười. Ai hơi đâu lật từng con mà đếm. 5 con thì 12 giờ phép, 10 con thì 24 giờ. Có khi, ở đời, thằng ăn gian vẫn hơn!?!?

Tuần nào không đi phép, cuối tuần ở lại, đêm thứ Bảy, tới Văn Khang “thưởng thức văn nghệ”. Từ khóa trước, tiểu đoàn đã dựng một nhà hát văn nghệ, đặt tên là Văn Khang. Nó như một câu lạc bộ, bàn ghế là những thân cây lớn cưa ngang, rất mỹ thuật. Một tấm thân cây rộng cỡ 2 mét, làm bàn, bên cạnh là những khúc cây nhỏ, giống như những cái đôn, làm ghế. Cuối căn nhà là sân khấu. Văn Khang chỉ bán “Coca”, ngâm trong thùng phuy đá, không bán bia. Ai muốn hát, ghi tên lên sân khấu hát chơi. Vài ba cô ca sĩ hạng hai của Saigon, được mời vô biểu diễn, có nhạc sĩ Xuân Điềm kéo violon phụ họa. Ca sĩ hát không tệ, nhạc sĩ kéo violon cũng hay. Thế là chương rình kéo dài từ 7 giờ tối cho tới 10 giờ đêm. Nhạc sĩ Xuân Điềm cũng như em ông, Xuân Lạ là Khóa sinh Dự bị Sĩ quan khóa tôi. Xuân Điềm phụ trách chương trình văn nghệ cho Văn Khang, nên mỗi tuần, ông đi “công tác” cũng hơi sớm. Lý do: Để mời ca sĩ. Bù lại thì cuối tuần, ông phải ở lại trại để coi sóc chương trình. Ông Xuân Lạ nghe như đã hy sinh, ông Xuân Điềm còn sống, hiện ở Cali, lãnh đạo ban Tù Ca, v.v....

Gần cuối khóa, tôi được gọi lên văn phòng. Tới nơi, một ông đại úy tuyên úy đứng dậy chào tôi: “Thầy khỏe không?” Tôi mừng rỡ. Trường tôi dạy thường có mấy chú, đại đức đến học nhờ các lớp Trung học Đệ nhị cấp (cấp ba). Họ không muốn học ở trường Quốc Học, lại không thể vào Thiên Hựu. Ông hiệu trưởng trường tôi, là “đệ tử” thầy Trí Quang, nên các chú, đại đức được ưu tiên học ở đây, miễn học phí. Chú Bình, chú Thuyết, chú Ca... đều học trường nầy cả. Chú Bình học ở đây, sau tốt nghiệp Đại Học, làm hiệu trưởng trường Bồ Đề Huế, hiện giờ là thượng tọa Thiện Hạnh đấy.

Người đến thăm tôi hôm đó là chú Thái, bây giờ là đại đức đại úy tuyên úy Phật giáo. Thầy ấy nói:

- “Thầy vừa về Huế, (ông tự xưng là thầy, theo phong tục Việt Nam), ghé thăm trường, nghethầy Xướng nói thầy (ông cũng còn gọi tôi bằng thầy), đang học ở đây, nên ghé thăm.”

Tôi hỏi: “Thầy làm tuyên úy?”

Làm tuyên úy, đồng hóa cấp bậc đại úy. Một cách tế nhị, ông đại đức tuyên úy nói với tôi: “Thầy phải đeo loon, mới dễ xin phép vô thăm thầy.”

Ngồi chuyện trò thăm hỏi một lúc, đại đức tuyên úy hỏi tôi: “Ở trại, thầy có đi chùa được không?”

Tôi trả lời: “Ai muốn đi chùa, cứ xin phép đại đội trưởng, có người đưa đi vì chùa nằm ngoài phạm vi liên đoàn.” Một lúc, tôi nói tiếp: “Nhưng thầy biết, trước giờ, tui có đi chùa chiền gì đâu! Tui không phải là “phật tử thuần thành”, không thuộc kinh kệ. Cũng như đại đa số người Việt, tui là “phật tử truyền thống”. Tổ tiên, ông bà tui theo Phật, tui cũng theo Phật. Tui học Phật với cha mẹ, bà con, xóm làng, dân chúng.” Rồi tôi lại hỏi: “Thầy nhớ hồi ấy tui dạy “Văn chương Bình dân” không? Đạo Phật của dân tộc ta ở trong “Văn chương Bình dân” đấy. Tui dạy môn ấy là dạy đạo Phật cho học trò.”

Ông đại đức cười: “Thầy biết. Thầy cũng biết luôn thâm ý của thầy khi thầy giảng về truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao.” Đại đức tuyên úy hỏi tiếp: “Về Chiến tranh Chính trị, người ta dạy cái gì?”

- “Có gì đâu!” Tôi nói. “Chiến tranh Chính trị”, chúng tôi gọi đùa là “lấy mồm mép, đỡ chân

tay”, viết tắt là CTCT, nghĩa là “cứ thế, cứ thế” mà học, mà dạy. Người nghe thì “cứ thế” mà nghe, riết rồi cũng không biết mình nghe cái gì. Huấn luyện viên cũng có người “cứ thế” mà nói, rồi không nhớ mình nói cái gì?”

- “Buồn cười! Nghe có học bài “Tứ đại công khai?” Đại đức hỏi.

Tôi lại cười: “Cũng có người công khai, nhưng nếu cấp chỉ huy “không công khai” thì mình thưa được à? Thưa ai? Có khi còn bị đì. Trong quân đội, quan trọng là “Tình thầy Trò”. Cấp chỉ huy biết thương lính, lính thương cấp chỉ huy. “Tình thầy trò” là truyền thống người Việt mình.”

Ông đại đức tuyên úy lại hỏi: “Vậy “Huynh đệ chi binh?”

Tôi lại cười: “Cái nầy cũng là truyền thống dân tộc, nhưng cái chi mà tuyên truyền thì thiệt cũng thành dỗm. Điều nầy thì “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi”. (3)

- “Nếu nói “Thầy Trò”, tình thương, là nói tới tôn giáo. Không đưa tôn giáo vào chương trìnhhọc Chiến tranh Chính trị” được hay sao?” Ông đại đức tuyên úy lại hỏi.

Tôi trả lời: “Tôi không hiểu sao đặt Nha Tuyên Úy vào trong Tổng Cục Chiến tranh Chính trị. Vậy là muốn “quân đội hóa tôn giáo” hay “tôn giáo hóa quân đội” hay tôn giáo cũng là một phương tiện chính trị? Tôn giáo phải nằm ngoài quân đội. Quân đội chỉ có Dân tộc. Tuyên úy phải lo về từ bi của Phật, bác ái của Chúa là quan trọng nhất, không phải chỉ có cầu an, cầu siêu, cầu nguyện...”

“Tình thương xóa bỏ hận thù?” Ông tuyên úy hỏi.

- “Vậy là tuyên truyền nữa. Cuộc chiến tranh nầy, người ta gọi là “Chiến tranh ý thức hệ.” Cộng

Sản thì có chủ nghĩa Cộng Sản, còn phe Quốc Gia, có chủ nghĩa gì? “Chủ nghĩa Quốc Gia”. Nhưng khi hỏi Chủ nghĩa Quốc Gia như thế nào? Mấy ông lớn cũng lúng túng. Chủ nghĩa Quốc Gia là “Tam dân” (6) hay “Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc”. Cái trước, ông Tôn Văn nói mà không làm được. Cái sau, ông Hồ nói, nhưng làm thì ngược lại. Một cách đơn giản, chủ nghĩa Quốc Gia là chủ nghĩa Dân Tộc, là phải học về dân tộc, dân tộc Việt Nam, là truyền thống chống Tàu một ngàn năm đô hộ, chống Tây một trăm năm nô lệ, là lịch sử mở mang bờ cõi về phương Nam. Khổ một nỗi, nói như vậy là kẹt vì ở miền Nam nầy, trong chính quyền, trong quân đội cũng có người từng theo Tây. Thầy nghĩ sao? Làm tuyên úy, không lý chỉ có cầu an, cầu siêu. Vậy còn “Từ bi - Hỉ xả” của Phật tổ nữa chi? Trong “Tình Thầy Trò” có tha thứ, có hỉ xả đó thầy.”

Ông đại đức băn khoăn: “Thầy cứ lúng túng trong cái chức năng của mình hoài!”

- “Trong chương trình truyền thanh, truyền hình của Cục Tâm Lý Chiến,” - tôi nói - “họ thường

tuyên truyền về ông Nguyễn Trãi. “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo.” “Đại nghĩa” là cái nghĩa gì? “Đại nghĩa” là cái nghĩa lớn đối với nước nhà, với quốc gia, dân tộc. Tiểu nghĩa là cái nghĩa nhỏ hẹp hòi, cá nhân, ích kỷ. “Chí nhân” là cái lòng thương lớn, cực điểm, là hết lòng. Tôi phải tìm trong tự điển Hán Việt mới hiểu hết mấy chữ nầy khi tôi dạy “Bình Ngô Đại cáo” cho học sinh. Mình lấy cái truyền thống “Chí nhân” của Văn hóa Dân tộc để chống lại “hận thù” của chủ nghĩa Cộng Sản. “Chí nhân” là nền tảng Văn hóa Dân tộc. Không có “Chủ nghĩa Dân tộc”, làm sao chống “Chủ nghĩa Quốc tế”. Tôi không được học như thế trong các buổi học Chiến tranh Chính trị.”

- “Cộng Sản còn chủ trương “giai cấp đấu tranh”. Xã hội mình đâu có phân chia giai cấp nhưbên Tây phương, bên Ấn Độ?” Ông đại đức nói với tôi.

- “Vô sản chống Tư sản. Thành phần như tôi với thầy là tiểu tư sản, tư sản. Binh lính của mình

phần đông là nông dân, là vô sản, tiểu nông hay công nhân. Người lính trơn chống Cộng Sản là họ chống cho chúng mình hay họ chống cho họ, hay họ chống lại chính giai cấp của họ? Khó lắm, trong trường hợp nầy, họ dễ bị Cộng Sản tuyên truyền. Mình không làm cho “Chủ nghĩa Dân Tộc”, “Chủ nghĩa Quốc Gia” sáng lên, không lột mặt nạ chủ nghĩa Quốc tế của Cộng Sản thì không chống Cộng được.”

- “Không hiểu, sau nầy, các sĩ quan xuất thân trường Chiến tranh Chính trị ra có làm sáng tỏ

thêm cho binh lính những vấn đề nầy hay không?” Ông đại đức tuyên úy nói.

- “Vấn đề là bản chất thầy ạ. Thầy đọc “Chân Trời Tím” của Văn Quang chưa? Câu chuyện mở

đầu bằng một anh trung sĩ. Anh ta sống, chiến đấu. Khi kết thúc câu chuyện, anh ta theo học khóa sĩ quan. Tại sao lại phải sĩ quan, như thầy, như tui? Nếu là hạ sĩ quan, binh sĩ, không chống Cộng được hay sao? Thầy nghĩ, có phải đó là bản chất giai cấp không? Chúng ta còn lúng túng trong mớ bòng bong đó nên khó khăn khi chống Cộng bằng... mồm. Tổ tiên chúng ta đơn giản hơn. “Tiến vi quan, thối vi nông”. Quan hay nông cũng chỉ là một giai cấp. Nếu mọi người hiểu như vậy thì chủ nghĩa Cộng sản không có đất sống ở xứ nầy.”

Một lúc sau, tôi nói: “Thầy nhớ “Việt Nam Văn hóa Sử cương” của Đào Duy Anh chớ! Trong đó, ông ta chỉ rõ: Đơn vị căn bản của xã hội Việt Nam là Làng. Đất nước yên vui thanh bình là từ làng mà ra; loạn lạc giặc giã cũng từ làng mà ra. Chống ngoại xâm, giữ độc lập cũng từ làng mà ra. Đạo Phật cũng từ làng, từ chùa làng mà ra. Muốn bảo vệ miền Nam chống Cộng sản xâm lược, trước tiên phải bảo vệ làng. Đạo Phật muốn phục hồi, phát triển cũng phải bảo vệ làng, chùa làng. Làng là “hạ tầng cơ sở” của đất nước, của xã hội, chính quyền miền Nam, cũng là “hạ tầng cơ sở” của Đạo Phật. Củng cố, phát triển Chùa làng, khuôn hội quan trọng hơn đưa người vào ngồi ở Trung ương.”

- “Thật lý thú”, đại đức tuyên úy nói. “Ngày trước học với thầy mỗi tuần một bài “Công dân

Giáo dục”, thấy hay thì quả là hay, nhưng không thực tế như điều thầy nói bữa nay.”

Xong, ông đại đức chấp tay chào tôi ra về, sau khi dặn dò tôi “Rán giữ gìn sức khỏe”.

Lòng tôi cứ cấn vương mãi về câu chuyện ông đại đức tuyên úy đến thăm tôi hôm đó cho đến khi học xong giai đoạn 1, nghỉ phép một tuần mà vô quân trường “Thủ Đức” năm canh “thức đủ.”

hoànglonghải .
Sáu Bó chuyển
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=197644
__________________________________________________ _____________________

(1) Một bài hát của Phạm Duy.

(2) Nam kỳ thuộc địa, thuộc lãnh thổ Pháp. Người miền Nam ra học Hà Nội, thường gọi là “du học.”

(3) “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, câu nói của một ông già trong “Số Đỏ” của Vũ Trong Phụng.

(4) “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,

Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.

Có giang sơn thì sĩ đã có tên,

Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quí. ... (Nguyễn Công Trứ).



(5) COCC là tóm tắt chữ “Con ông, cháu cha” thường phổ biến trong chế độ cũ, phê phán những người cũng đi lính, nhưng núp bóng cha ông để khỏi gian khổ, khỏi ra chiến trường, sống quanh quẩn ở các thành phố lớn hay Saigon.

(6) “Tìm và diệt” (dịch từ tiếng Anh: Search/ Seek and destroy), tên một chiến thuật quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam

(7) Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Văn.

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Đi lính Cộng Hòa .

Quả tình tôi đi lính không phải vì bị lôi cuốn theo thời đại, như trong bài hát trích ở trên của Phạm Duy. Mãi đến khi tôi đi lính rồi, người miền Trung (Quảng Trị) mà lưu lạc vô tới Rạch Giá, Hà Tiên, hoạt động trong các vùng Cái Sắn
Một, hai, ba, chúng ta đi lính Cộng Hòa
Vì quê hương chúng ta thì rất hiền hòa
. . . . .
Đi, đi nào cùng đi, đi giữ phố phường
Đi, đi nào cùng đi, đi giữ ruộng nương.
(Phạm Duy) (1)


Quả tình tôi đi lính không phải vì bị lôi cuốn theo thời đại, như trong bài hát trích ở trên của Phạm Duy. Mãi đến khi tôi đi lính rồi, người miền Trung (Quảng Trị) mà lưu lạc vô tới Rạch Giá, Hà Tiên, hoạt động trong các vùng Cái Sắn, Mỹ Lâm (quê hương của Nguyễn Tấn Dũng), cho tới Chùa Hang, hòn Phụ Tử, Đông Hồ, Mũi Nai..., tôi mới nghe bài hát trên, được trình bày trong các chương trình phát thanh của bộ Xây Dựng Nông Thôn. Tôi thấy vui, và thấy rõ thêm rằng, tôi bỏ Huế nhập ngũ sau tết Mậu Thân năm 1968, hay đang lội bùn, vạch lau lách chèo xuồng ba-lá mà đi hành quân ở “Kinh Kháng Chiến”, bên ngoài “Rừng Tràm Trà Tiên”, là tôi làm cái công việc “giữ phố phường”, “giữ ruộng nương” như trong bài hát vậy.

Giữ cho cái đẹp của Huế được tồn tại, việc ấy, những ai ở Huế tết năm ấy, Mậu Thân, biết rõ cả, còn như “giữ ruộng nương” thì phải về tận thôn xã, mới biết Việt Cộng “thâu thuế nông nghiệp ác” như thế nào. Thu thuế như cách của Trần Chí Tài (Phó bí thư huyện Hà Tiên), Ba Vốn (kinh tài xã Tân Hội, Kiên Tân), cha con Bảy Lơi, Sáu Lánh ở xã Đức Phương (tức Vàm (Dàm) Rầy), quê hương sinh đẻ của chị Tư Nết, (Annette), tức là bà đại tướng thủ tướng Khiêm đấy, thì nông dân không còn hột gạo để đổ vô nồi mà nấu cơm.

Như tôi kể trong bài “Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ”, sau tết Mậu Thân, tôi tự nguyện “bỏ cục phấn đi cầm súng”, chả là “chán lắm rồi”. “Sách vở ích gì cho buổi ấy” là câu thơ của cụ Tú Xương, cụ chán cái học nhà Nho, thời đại suy vi của đất nước. Còn tôi, “giặc tới (tận) nhà” tôi rồi, “giã từ trường yêu...” giã từ “10 năm gõ đầu trẻ”, đi lính là vừa.

Tôi trình diện không có lịnh gọi cá nhân, trễ mất hai ngày, theo thông báo của Nha Động Viên/ Bộ Quốc Phòng. Ông đại úy Trầu, sai lính lật sổ trình diện, ghi tôi lên hàng đầu, trước cả người trình diện mang con số 1. Dễ hiểu thôi, hôm ấy, tôi gọi người em rể là đại úy Trương Đình Hiên, lái xe Jeep qua đưa tôi đi. Dĩ nhiên, ông đại úy trưởng phòng Tuyển mộ Nhập ngũ Tiểu khu Thừa Thiên, không xa lạ gì với ông đại úy Quản lý Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bạn bè với nhau vậy mà.

Tôi là người “lề mề”.

Tết Mậu Thân, khi hai phe đang đánh nhau, Huế chưa giải tỏa hoàn toàn, không nhớ vì chuyện gì, tôi lang thang gần chỗ bãi trực thăng ở bến đò Tòa Khâm, thấy có một ông mang ba mai bạc, bảng tên là ĐAM, xuống trực thăng rồi đi vào tiểu khu. Ít lâu sau, có thông cáo của Nha Động Viên/ Bộ Quốc Phòng, “ân xá” cho thanh niên Huế, những ai có lệnh gọi nhập ngũ, đều được hoãn trình diện một tháng. Có thể ông đại tá Bùi Bình Đạm, giám đốc Nha Động Viên lúc ấy, thấy tình cảnh tang thương của Huế, nên ban một chút ân huệ, gia hạn trình diện, để người ta có thêm thì giờ thu xếp việc nhà, trước khi “tòng quân”. Vậy đó, đã có lệnh cho hoãn một tháng mà tôi vẫn trình diện trễ.

Việc nhà tôi lúc đó lu bu lắm. Phải thuê nhà mới vì nhà cũ đã bị pháo kích sập hồi tết Mậu Thân, vợ tôi lại mới sinh đứa con thứ tư.

Vợ tôi im lặng, không nói một lời, không than thở, can ngăn khi tôi với với cô ấy: “Thôi! Anh nhập ngũ.” Thật là khác với ba năm trước, hôm tôi đi dạy về, cô ấy ôm tôi thật chặt, rồi hôn tới tấp lên mặt tôi. Tôi nghĩ thầm: “Việc chi ri hè?” Té ra, em gái tôi, làm xướng ngôn viên ở đài phát thanh Huế, thấy có danh sách gọi nhập ngũ khóa 21 Thủ Đức sắp đọc trên đài, có tên tôi, vội vàng về nhà báo cho chị dâu biết: “Anh Hải có tên gọi rồi.”
Biết có tên, vợ tôi sợ tôi phải đi lính. Tôi thì không vui, không buồn. Rồi cũng tới phiên mà thôi!
Tại sao lần nầy thái độ vợ tôi khác đi. Có lẽ do tác động của bạn bè.
Sau khi tình hình Huế tạm yên, thì lại có tin “Việt Cộng sắp tấn công đợt 2”. Tin ấy là do ông trung úy Liên Thành, phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt cho biết, hôm ông ấy gặp vợ tôi đến thăm Thanh Yên, em gái ông Liên Thành, vợ thiếu tá Hóa, chánh văn phòng đại tá Trưởng (cấp bậc lúc ấy), tư lệnh Sư Đoàn 1.

Thế rồi, vì tin VC sắp tấn công đợt 2, tôi đưa vợ con vô Đà Nẵng, trong đó có Quân Đoàn, tình hình an ninh tốt hơn. Ở Đà Nẵng, vợ tôi đến thăm người bạn thân hồi con gái: Như Xuân, vợ Hoàng Xuân Định, em nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu. Định lại là bạn thân của tôi hồi mới học trung học. Định nói với vợ tôi: “Về biểu thằng Hải đi lính. Người ta đi hết rồi, còn “lặn” chi nữa!”

Tôi trình diện ở Phòng Tuyển Mộ Nhập Ngũ xong, được cho về. Hôm sau, 8 giờ sáng trở lại, có xe đưa vô Đà Nẵng. Tôi nhờ anh Hoàng Dĩnh, học trò của tôi, chở tôi đi. Cô ấy ở nhà, không biết có khóc hay không! Tới nơi, có chiếc GMC chờ sẵn. Một lúc sau, tất cả người trình diện lên xe, xe đầy người, có ông trung sĩ “chỉ huy”. Xe lên đường vô Đà Nẵng, địa chỉ là “Trung Tâm I, Tuyển Mộ Nhập Ngũ.” Vài ngày sau, đưa qua Tổng Y Viện Duy Tân khám sức khỏe; tình trạng tốt. Vậy là hôm sau nữa lãnh quân trang: Trước tiên là một cái xách “ma-re”, hai bộ đồ trận, - thường gọi là đồ treilly -, hai áo “may-ô”, hai quần xà lỏn - may kiểu quần chân què như của mấy bà hồi xưa -, một cái nịt vải, hai đôi tất (vớ) vải, một đôi giày bố (cao su, màu đen) có giây, một mũ lưỡi trai, khăn mặt, kem và bàn chải đánh răng, “pông-sô” (poncho), “gà-mèn”...

Đời lính “gian lao” từ đây...

Trung tâm nầy, tôi vào lần nầy là lần thứ hai. Hai lần trước đều được hoãn. Việc vào ra trại dễ dàng, không như bây giờ: “Nội bất xuất”.

Một buổi chiều, trung úy (cấp bậc lúc ấy) Lê Văn Tịnh chở “mạ” đến thăm tôi. Tịnh gọi tôi bằng cậu. Mẹ Tịnh là chị tôi, con gái người chị cả của mẹ tôi. Ở Quảng Trị, gia đình Tịnh và gia đình tôi cùng xóm. Chiều chiều, vài khi rảnh việc, “Chị Đội”, cái tên thân yêu, bà con xóm phường đều gọi như thế cả, mẹ của Tịnh, sang thăm mẹ tôi. Nói cho đúng là “sang chơi với dì”, là mẹ tôi. Chị ấy mồ côi mẹ sớm. Đó cũng là lý do rất gần gũi giữa hai dì cháu. Tịnh, tuy là cháu, nhưng thua tuổi tôi cũng không bao nhiêu, học sau tôi chỉ có 2 lớp, cũng như bạn.

Khi đến thăm tôi ở Trung Tâm, mẹ Tịnh đem theo dĩa xôi, thịt kho. Mấy lần trình diện trước, ra trại được, tôi thường đến ăn cơm nhà chị. Bà chị tôi kho cá nục “hết sẩy”. Cơm, cá nục, rau muống chấm nước cá có ớt cay. Đời như thế hạnh phúc chán. Tìm đâu cho xa!
Tịnh hỏi: “Lần ni cậu đi chưa hay về?”
- “Không về nữa. Đi luôn”. Tôi nói.
Bà chị tôi cự nự: “Nói xui! Đi lính rồi về. Ai nói đi luôn như cậu!”

Người Việt Nam hay tin dị đoan, sợ những lời nói xui, nhất là khi “đi giữa súng đạn.”

Những ngày ở tại Trung tâm thật buồn. Ăn xong chẳng biết làm gì, đi lòng vòng quanh trại. Con đường phía ngoài hàng rào kẽm gai, dân chúng đi lại tấp nập, vui vẻ... Một đám mấy cô đi ngang, mỗi cô mặc một màu áo dài khác nhau: xanh, trắng đỏ... Một tay “cờ bạc” nào đó, nói to: “L. tứ sắc”. Ai nấy đều cười. Buổi chiều, tôi hay trải “pong-sô” nằm bên cạnh một gốc dương liễu, nghe gió reo và nhìn lên bầu trời xanh thẳm. Bầu trời nầy làm tôi nhớ bầu trời trên sông Thạch Hãn, cũng những buổi chiều hè, cũng nằm trên bãi cỏ, cũng nhìn lên trời. Nhưng cái thời niên thiếu ấy đã xa rồi, xa lắm rồi. Một chốc, mới đó mà đã gần hai mươi năm...
Cơ quan Tâm Lý Chiến của “phe ta” thực hiện nhiều công tác cũng “lạ” lắm. Cứ những chiều buồn như thế, trên loa phát thanh của trại lại thường phát bài do Hoàng Oanh ca. Giọng cô ta trong, làn hơi mạnh, lại buồn, mà cứ réo rắt: “Nếu có anh, chiều nay ta sẽ lên đồi sim, Anh hái hoa tím cắm lên đôi bờ tóc mềm...” Đúng ra, họ nên cho phát những bài nào hùng mạnh lên một chút... để cho lòng người ta phấn chấn. Đã xa nhà, mới xa nhà, nghe những bài như thế chỉ muốn trốn trại. Không lý Trung Tâm Nhập Ngũ xúi chúng tôi đào ngũ?

Hôm đi khám sức khỏe ở Tổng Viện Duy Tân lại gặp một chuyện buồn nữa. Sau Tết Mậu Thân, Quân đội Mỹ và Quân đội VNCH hoạt động mạnh hơn, đuổi địch ra càng lúc càng xa các thành phố, thị xã. Bên kia hàng rào Tổng Y Viện là phi trường Quân sự Đà Nẵng, máy bay lên xuống liền liền. Mỗi khi cất cánh, máy bay oanh tạc phản lực gầm rú nghe ghê lắm, lửa đỏ phừng phực, tuôn ra sau ống phản lực, chớp chớp, sáng lòe, tôi chưa từng thấy bao giờ.

Đang ngồi nhìn qua phi trường thì có anh thương binh đến “chào thầy”. Tôi biểu anh ta ngồi xuống bên cạnh hỏi chuyện chơi. Tưởng ai lạ, té ra là Đắc, mới năm kia còn học với tôi. Đắc học không giỏi, nhưng cả trường, nhiều người biết anh. Anh là tay “đập bóng sấm sét” trong đội bóng chuyền của trường. Anh cũng lại là tay đánh trống trong đội múa “Trấn Thủ Lưu Đồn” của thầy giáo Nguyễn Minh Sơn. Với trang phục “lính thú ngày xưa”, anh ta múa tay “thùng thùng trống đánh ngũ liên” thật nhuyễn và lạ mắt, nhiều người khen ngợi. Thế rồi “hỏng tú tài, anh đi trung sĩ”, ra đơn vị chưa bao lâu thì bị thương nặng trong một trận đánh ở Quế Sơn: Mất một chân, hư một mắt. Anh học trò giỏi thể thao, văn nghệ như thế, tài ba như thế mà nay bỗng “tàn phế”.

Anh ta đi lâu rồi, thế mà tôi vẫn còn ngồi trên ghế xi-măng, thẩn thờ. Có phải lỗi tại tôi không nhỉ? Dạy “Chinh Phụ Ngâm” cho học sinh, tôi đem cái hình tượng chinh phu mà vẽ ra trong trí óc bọn trẻ, là thần tượng của một thời đại, của mọi thời đại, rằng một thanh niên thì phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, rằng “chàng niên thiếu vốn dòng hào kiệt”, rằng “Áo chàng đỏ tựa ráng pha”, rằng “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử?” Không! Tôi chỉ làm một việc phải, chỉ ra con đường người thanh niên của thời đại chúng ta phải đi, và chính tôi cũng đang đi trên con đường ấy, như mọi người, chớ tôi đâu có “xúi dại” người khác đi, để tôi được “một đời an nhàn vô sự...” đâu?

Khi ngồi trên chiếc C-123 đi Saigon thụ huấn, tôi buồn hơn là lo cho vợ con. Sau trận đánh tết Mậu Thân, nhà cửa không còn, tài sản không còn, thế mà tôi đành bỏ vợ lại và bốn đứa con nhỏ cho vợ chăm sóc mà đi lính. Nghỉ dạy, cũng có nghĩa là “cắt hợp đồng”, lương tiền không còn, cô ấy lấy gì nuôi con? Nhưng đi thì cứ đi, đâu có riêng gì tôi trong hoàn cảnh đó. Đó cũng là cách tự an ủi vậy thôi! Nhưng tại sao tôi lại muốn ứa nước mắt khi nghĩ đến gia đình: “Tình gia thất nào ai chẳng có? Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.” Trước mặt tôi, phia bên kia máy bay, đối diện là trung úy Thương, mặc đồ rằn ri Biệt Động Quân, trước kia học một lớp với em gái tôi. Anh quê ở làng thủy cơ An Hội. Cũng mới về thăm nhà, trông anh cũng không vui gì hơn tôi, mặc dầu anh xa nhà đã lâu, xông pha trận mạc đã nhiều.

Từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tất cả chúng tôi đều được đưa về Trại Tiếp Liên ở Khánh Hội. Trại dành cho tất cả binh sĩ và gia đình, không kể cấp bậc, tạm trú trên đường đi qua Saigon nhưng không có nơi tạm trú, không muốn hay không có tiền thuê khách sạn.

Phía trong cổng trại là nơi buôn bán “sầm uất”, nhiều nhất là các món nhậu và bia chai. Đi cùng chuyến với tôi có ông Trần Văn Rô, giáo sư trường Bồ Đề Huế và Tôn Thất Hùng, cùng dạy với tôi một trường. Thấy có món nhậu và bia rẻ hơn ở Huế nhiều, Rô rủ tôi và Hùng ra nhậu một chầu. Bia cao rẻ hơn bia lùn, “xí quách” lại rẻ hơn nữa. Thế là hôm đó, “bọn tôi ba đứa” làm không biết mấy chai, thau đựng “xí quách” chỉ còn xương, rồi ngủ một giấc không còn biết trăng trời chi nữa...

Tại trại tiếp liên, không chỉ có “dân vùng I”. Hôm đó, “dân Vùng II” cũng tới luôn nên sáng hôm sau phải 3 xe GMC mới chở đủ bọn lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Khi xe theo đường Hai Bà Trưng, ngang trước Dinh Độc Lập, mới xây lại xong, anh nào cũng muốn ngoái cổ nhìn, có nhiều anh chẳng thấy được gì.

Xe dừng trước cổng trại Nguyễn Tri Phương, là trại tiếp chuyển, trước khi chuyển qua Liên Đoàn A hay Liên Đoàn B để thụ huấn. Chưa kịp xuống xe, lại còn phải lè kè cái xắc Ma-re, thì ông thiếu úy Thêm, người ra nhận khóa sinh, đi dọc các xe la nạt om sòm, khiến ai nấy đều sợ. Có người than: “Lính chớ có phải tù đâu mà ghê thế!” Sắp hàng, điểm danh xong, cho vô từng nhà tìm chỗ ngủ. Ông thiếu úy Thêm ra về, ai nấy nhẹ nhỏm. Té ra, ông thiếu úy Thêm cũng rất hiền. Bởi vì ông ta là thương binh loại 2, miểng đạn còn trong sọ não, nên đôi khi, như Rô bảo: “Điện xăng đít lên đơ xăng vanh”, la lối một chút vậy thôi, chưa phạt ai bao giờ.

Tối đó tập họp điểm danh mới là... kinh!

Cái sân tối mờ mờ, không có điện. Ánh sáng trong nhà tỏa ra yếu ớt. Sắp hàng xong, chưa kịp điểm danh thì một anh nào đó, ngã chúi xuống đất, “bất tỉnh nhơn sự”, được khiêng lên bệnh xá. Sau đó một giờ, ngồi chơi trong sân, có người nói, anh chàng té lúc nãy chết rồi. Gì mà ghê thế?! Vào trại chưa được 24 giờ đồng hồ đã có người “vị Quốc vong thân”. Thầy giáo Rô nói với tôi, “cậu mày biết không”, đất nầy xưa là rừng cao su, khí hậu độc lắm, “đi dễ khó về”. Tôi nhớ có đọc “Rừng Địa Ngục” của Ngọc Chấn. Rừng địa ngục là rừng cao su đấy, không sợ sao được!

Gần tới khuya thì có ông trung sĩ già đi tuần, thấy bọn tôi còn thức nói chuyện, ông hỏi: “Tụi bây chưa ngủ, nhớ quê? “Qua” hồi nẳm cũng dzậy!”

Tôi hỏi:

- “Trung sĩ đi lính lâu chưa?”

- “Đừng gọi “qua” là trung sĩ. Gọi “qua” là thầy đội. Thầy đội Điều.” Rồi ông ta nói thêm một hơi: “Qua” Đi lính hồi Tây nó mới trở lại. Người ta đi “Nam bộ kháng chiến”, “qua” đi lính Tây. Tây nó cần “qua”vì “qua” có “du học Hà Nội” (2). Hồi nẳm thằng đại tá Nguyễn Văn Q. cùng đi lính với “qua”. Sau, nó đi “xĩ kuang”, làm giám đốc nha Quân Pháp đấy. “Qua” không thiết. “Qua” đóng loon đội là được rồi. Làm “kuang” chi cho mệt.

Tôi nói: “Thời Tây, trong Nam mới có người đóng loon quan một, quan hai. Ngoài tui, loon “Thầy đội” là to lắm, không mấy ai lên quan quản.” Rồi tôi đọc câu ca dao:
Gió đưa ông đội vô dinh,
Mụ đội thương tình, xách nón chạy theo.
Ông đội đòi cưới con heo,
Mụ đội đòi cưới con mèo cụt đuôi!

Thầy đội Điều nói: “Ngoài Huế tụi bây bày đặt “thơ dzăng”. Cái chi mà đòi cưới con heo, con mèo. Cưới thì cưới con “dzợ bé”. Dzợ con, mệt lắm. Nhậu là “dzui”. Ngày nào “qua” cũng làm một “xị”.
Cứ thế cho tới khuya, bọn tôi hỏi vì tò mò, thầy đội Điều thì khoái kể chuyện nhậu, chuyện mồi. Mồi thì có rắn, lươn, rùa, cần đước, kỳ đà, cá lóc, tôm, tép... Hết món nhậu dưới đất tới món nhậu trên trời: chim cu, tu hú, chàng bè, cò, ngỗng, vịt xiêm, vịt xiêm lai... Chuyện nhậu kể sao cho hết.

Vốn không phải dân nhậu, tôi hỏi “nhậu một xị, xị là cái gì?” Thầy giáo Trần Văn Rô cười, trả lời: “Thế mà cũng hỏi. Rượu đựng trong cái chai xá-xị, nên mới gọi “xị” rượu. Biết chưa?” Tôi cười: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” (3)

Những ngày sau, khám bệnh lần hai, chỉ khám răng. Sắp hàng dài, hết người nầy, tới người khác, đứng trước mặt ông thượng sĩ già, há miệng ra. Ông dùng miếng gỗ nhỏ, banh má ra, hết má bên nầy tới má bên kia, xem qua loa, rồi hô to: “Tốt”. Thế là xong.

Nhưng không xong, bởi vì ông thượng sĩ “giọng Bắc Kỳ rệt”, vừa banh miệng chúng tôi, vừa đọc sang sảng thơ Nguyễn Công Trứ cho chúng tôi nghe: “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt, Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên. Có giang sơn thì sĩ đã có tên, Từ Chu, Hán vốn sĩ nầy là quí....” (4) Ông thượng sĩ đọc một hơi toàn bài, hết bài nầy tới bài khác. Ông thuộc thơ lắm, nhưng ông chỉ đọc thơ Nguyễn Công Trứ, có lẽ vì ông nghĩ rằng chúng tôi là “sĩ”. Bề gì thì chúng tôi đang là “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan”. Thỉnh thoảng, ông thượng sĩ ngưng đọc, hỏi anh chàng đang đứng trước mặt ông: “Biết cụ Nguyễn Công Trứ không?”, “Thuộc câu nào của cụ Nguyễn Công Trứ không?” Người được hỏi phần nhiều trả lời biết, hoặc biết chút ít. Không ai trả lời không biết. Học sinh hồi ấy, dù ít nhiều cũng đã học thơ Nguyễn Công Trứ, trong chương trình Việt Văn lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), và học lại một lần nữa ở lớp đệ Nhị (lớp 11 bây giờ). Thí sinh Tú Tài 1, rất thường gặp đề bài hỏi về Nguyễn Công Trứ, nhất là dưới chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Lại có thi trắc nghiệm để chọn ngành. Vào phòng, mỗi người một ghế, nhận tờ giấy quay ronéo có sẵn mấy chục câu hỏi, trả lời theo kiểu Mỹ, cứ a, b, c khoanh, xong đem nộp. Về sau, khi gần mãn khóa ở Thủ Đức, theo thông báo của bộ Tổng Tham Mưu, chẳng mấy ai được chọn vào lính văn phòng, không tác chiến như quân nhu, quân cụ, quân vận... Phần đông là bộ binh, chọn binh chủng: Nhảy dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Sư đoàn Bộ Binh hay Tiểu Khu... Anh chàng Nhơn, học trò cũ của tôi, nói: “Em khoanh bậy cho xong. Em muốn đi TQLC.” Tôi hỏi: “Sao vậy?” Anh ta cười: “Loon TQLC đẹp hơn, đeo oai hơn.” Tôi cười, thông cảm cho người trẻ. Thế mà khi thông cáo phổ biến, anh lại đi Công Binh. Máy điện tử chạy sai rồi!

Đang ở trại Nguyễn Tri Phương thì nghe tin “phái đoàn dân biểu Quốc hội” lên Quang Trung.

Câu chuyện mấy ông dân biểu “chiếu cố” là như thế nầy:

Toàn bộ khóa 1/ 68, học xong giai đoạn 1 ở Quang Trung, được điều lên Trường Bộ Binh Thủ Đức học giai đoạn hai, ra trường mang loon “chuẩn oái”. (Chuẩn úy, chúng tôi gọi đùa là chuẩn oái). Đến khóa 2/ 68, một nửa lên Thủ Đức, một nửa ra trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế (Nha Trang), ra trường mang “loon trung sĩ”. Ở đây, đâu phải “hỏng tú tài anh đi trung sĩ”. Lý do là: Thủ Đức không còn chỗ chứa. Số “khóa sinh Dự bị Sĩ quan” bị đưa ra Đồng Đế một cách ngang xương, không vì học kém hay vô kỷ luật mà vì Thủ Đức “chật như nêm”. Người ta đồn, anh thủ khoa khóa 2/ 68 ở Quang Trung, bị ra Nha Trang, uất ức, kê mũi súng garand M-1 vào cằm, tay nhấn cò. Thế là xong một đời trai trẻ. Hầu hết đám Khóa sinh Dự bị Sĩ quan bị ra Nha Trang tuyệt thực, biểu tình. Quốc Hội họp liền, lên tiếng: Bộ Quốc phòng phí phạm tài nguyên quốc gia. Khả năng của họ là sĩ quan, tại sao lại cho đi hạ sĩ quan? Báo chí phản đối um sùm, dân chúng dư luận xôn xao, sinh viên giao động... Tổng thống Thiệu ngồi yên đâu được. Phụ tá đặc trách liên lạc quốc hội của tổng thống là ông dược sĩ Nguyễn Cao Thăng chạy lui, chạy tới giữa quốc hội và phủ đầu rồng. Mọi việc yên ổn: Dù ra Nha Trang, các Khóa sinh Dự bị Sĩ quan nếu thi đậu, sẽ ra trường với loon chuẩn úy như các sinh viên sĩ quan Thủ Đức vậy.

Sự kiện nầy không kéo dài, chỉ mấy hôm, các cơ quan chính phủ, Hạ Viện, Thượng viện họp bàn, quyết định gấp. Thế là xong. Các dân biểu, nghị sĩ đối lập như Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Nguyễn Sinh Tứ, Hồng Sơn Đông và (cái gì...) Nhuận đấy, (tôi không nhớ)... hết sức “hung hăng con bọ xít”. Đây là dịp mấy chả hát bài “mãi võ Sơn Đông” kiếm phiếu, “bỏ qua rất uổng”! Cũng nhờ vậy mà việc được giải quyết nhanh hơn. Dù là “Dân chủ nửa mùa”, - như có người chê - , xem ra, so với chế độ cai trị bây giờ ở Việt Nam, cũng tốt hơn nhiều! Mấy chả được ra sĩ quan, các khóa sau cũng yên tâm, dù sao cũng hy vọng được gắn cái “quai chảo” (loon chuẩn úy), khi ra trường.

Thế rồi, cả đám chúng tôi ở trại Nguyễn Tri Phương được cho đi phép... một tháng. Lý do: Khóa 4/ 68 đã đủ quân số, không thể nhận thêm. Chúng tôi chờ khóa sau, khóa 5/ 68. Đi phép, chúng tôi vui mà Bộ Quốc phòng cũng khỏe, phát đủ lương binh nhì cho chúng tôi mà khỏi lo “nuôi ăn”.

Tôi mừng như trúng số, ra ngay Saigon, nhờ cô cháu gái tên là H.T.K.K. đang làm việc ở Air Việt Nam mua vé máy bay, ngày mai đi Huế, thăm vợ con. Một tháng ở nhà qua nhanh, cũng đủ thời gian đưa cô ấy và mấy đứa nhỏ vô Qui Nhơn, tạm trú nhà người chị, cùng vợ vô Saigon dự đám cưới “Hùng Móm”. Xong, đến ngày trình diện, lại vô trại Nguyễn Tri Phương. Lần nầy đã quen, không còn bở ngỡ và... sợ, như “thuở ban đầu” làm lính mới tò te. Mấy ngày sau thì mang xắc “ma-re”, lội bộ qua Liên Đoàn A. Đầu tiên thì vô tiểu đoàn Trần Bình Trọng. Hú hồn, khỏi vô Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ! Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ do ông đại úy Hiến làm tiểu đoàn trưởng, nổi tiếng kỷ luật. Anh nào lè phè được ông tiểu đoàn trưởng chiếu cố đặc biệt, chăm sóc tận tình: hít đất, nhảy xổm với đầy đủ súng đạn, ba-lô... là việc rất thường.

Kể cả thời gian đi phép, tôi đi lính đã được một tháng, tới kỳ lảnh lương. Ông đại úy tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Trần Bình Trọng ngồi ở bàn ông. Bọn chúng tôi, tập họp từng trung đội, đứng hàng một, chờ phía ngoài. Ông thượng sĩ thường vụ đại đội đứng ngay cửa, kêu tên từng người, hết anh nầy lãnh lương xong, đi ra, anh kế tiếp được gọi vào. Người vào, đứng nghiêm trước mặt tiểu đoàn trưởng, đưa tay chào, nói to và mạnh: “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan Nguyễn Văn X. (hay Trần Văn Y. gì đó), số quân xxx, xxx, trình diện đại úy.” Xong ông đại úy đưa tiền, - ông chỉ đưa tiền chẳn, tiền lẻ ông “quên”. - Người lãnh lương lại đưa tay chào: “Cám ơn đại úy”, xong quay ra. Vì chưa học “cơ bản thao diễn”, chỉ mới học trình diện cấp chỉ huy, nên việc quay phải, quay trái còn lung tung, chưa đúng “cơ bản thao diễn”.

Được một chốc, ông thượng sĩ thường vụ đại đội, đứng tại cửa, nói to: “Các anh vô, nhớ trình diện số quân tám số nghe chưa!” Số quân 8 số nghĩa là phải có 2 số đầu, “ngụy số” của năm sinh. Ví dụ: Số quân của tôi 2 số đầu là 59, có nghĩa là tôi sinh năm 1939, cộng thêm 20 (năm “trưng binh”) là 59. Sáu số sau là số vùng chiến thuật: 205 vì khi tôi làm thẻ trưng binh, bắt đầu có số quân, thì miền trung thuộc Đệ Nhị Quân khu, nên tôi có số 2 đầu tiên, v.v... Như vậy, khi vào trình diện, câu tôi nói là: “Khóa sinh Dự bị sĩ quan H.L.H., số quân: (tôi phải đọc đủ 8 con số như đã nói).

Tới phiên một khóa sinh vào lãnh lương, chào xong, anh nói to: “Khóa sinh Dự bị Sĩ quan L.Đ. (XXX - xin dấu tên, mặc dù tôi còn nhớ), số quân tám số, trình diện đại úy.”

Ông đại úy tiểu đoàn trưởng không khỏi ngạc nhiên: “Anh trình diện cái gì lạ dzậy? Hai chục cái hít đất.” Thấy anh ta “thi hành lệnh phạt”, cả bọn chúng tôi cười mà không dám cười to. Bình tĩnh là điều quan trọng, nhất là khi “đụng trận”. Sự sợ hãi, trong nhiều trường hợp, cũng giống như “giận mất khôn” vậy.

Thế rồi bất thần, chúng tôi được chuyển qua tiểu đoàn khóa sinh Đinh Tiên Hoàng. Chỉ đổi cái danh hiệu, doanh trại thì như cũ. Hôm sau, toàn cả tiểu đoàn họp ở sân chỉ huy. Trời mưa nhỏ và hơi lạnh, ai nấy trùm poncho ngồi chồm hổm. Thầy giáo Trần Văn Rô, ngồi bên cạnh tôi, rủ rê: “Xuống câu lạc bộ làm chai bia mày, bớt lạnh.” Tôi và Rô trốn xuống câu lạc bộ, uống hết chai bia, sợ lặn lâu sinh chuyện, lại mò về chỗ tập họp. Vừa tới nơi thì nghe ông tiểu đoàn trưởng, đại úy Nguyễn Hữu Tài, gọi tên tôi. “Chết cha rồi!” - Tôi tự nghĩ thầm, không lý ông ta biết tôi lặn? Té ra, tiểu đoàn khóa sinh tập họp bầu đại diện. “Tiểu đoàn trưởng, đại diện tiểu đoàn khóa sinh” (tên gọi như thế) đã bầu xong, là ông kỹ sư Nguyễn Đình Mô. Bây giờ tới bầu “phó đại diện”, có người đề nghị tên tôi, nên tôi được đại úy Nguyễn Hữu Tài gọi lên. Ông ấy bảo: “Anh em muốn bầu anh làm phó. Anh có ý kiến gì không”. Bấy giờ tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện, tại sao ông đại úy tiểu đoàn trưởng gọi tôi lên đây, không phải cái tội “lặn xuống câu lạc bộ uống bia” trong khi tiểu đoàn khóa sinh đang sinh hoạt. Hú hồn!

Biết rồi, tôi nói ngay: “Thưa đại úy tiểu đoàn trưởng, thưa anh em. Tình hình bây giờ sau vụ khóa sinh bị đưa ra Đồng Đế cũng hơi căng. Chúng ta là thành phần đi sĩ quan, không thể “ra trung sĩ” được. Việc nầy, nếu tôi làm việc gì đó đại diện cho anh em, thì tôi phải là cái gạch nối (tôi tránh dùng chữ đấu tranh) vững chắc, giữa ban chỉ huy tiểu đoàn và anh em, nhất định quyền lợi chúng ta không bị thiệt thòi.”

Nghe nói tới chuyện không thể “ra trung sĩ”, là trúng ngay mối lo của mọi người nên họ hoan hô to lắm, hầu hết đưa tay bầu cho tôi, nên tôi “đắc cử vẻ vang”, gần một trăm phần trăm, mà không cần phải “bầu cử gian lận”.

Thấy không khí vui vẻ, ông đại úy Tài nói đùa: “Anh Hải đi lính rồi mà còn tưởng còn đi dạy, gọi tất cả khóa sinh bằng em”. Thật ra, vì trốn đi uống bia mới quay lại, hồi hộp, lại “hơi men” đang còn, - tửu lượng tôi kém -, lại trời lạnh, lại bị gọi lên bất thần, hơi “hoảng” nên tôi phát biểu không rõ. Hai tiếng “anh em”, tôi chỉ nói rõ tiếng “em”, mà không rõ tiếng “anh”, nên ông mới nhận xét như thế.

(Trong hình của tôi, độc giả thấy tôi đeo tòn ten ở ngực miếng nhựa có ba gạch vàng là “loon” tiểu đoàn phó của tôi đấy. Cái chức nầy cũng cho tôi nhiều cái “khỏe” trong suốt 9 tuần học quân sự ở Quang Trung. Đó là “dễ kiếm cớ ở nhà” khi đại đội phải đi ra bãi bắn. Bãi xa lắm. Tôi có cớ để “lặn” rất tài tình!)

Thụ huấn chưa được một tuần thì mỗi người được chích một mũi TAB, thuốc làm da đen lại, môi tím ngắt. Nhờ vậy nên số đông chẳng ai bệnh hoạn gì hết. Tôi bị chứng nhức đầu kinh niên, bệnh đi mất, mãi tới bây giờ, mấy chục năm, cũng chưa thấy “trở lại viếng thăm”. Sau đó là “hiến máu”, hiến một bịch. Hiến xong, được ăn một ổ bánh mì thịt to tướng, rồi cầm tờ giấy phép 24 giờ.

Về vũ khí cá nhân, ban đầu chúng tôi học súng Garand M-1, thường gọi đùa là “Garand - Em-mệt”, cây súng khá nặng, 5kg3, bán tự động, mỗi gắp đạn chỉ có 8 viên, rất phổ biến trong bộ binh Mỹ hồi Thế giới Chiến Tranh thứ hai. Tết Mậu Thân vừa qua, trong khi quân đội VNCH còn dùng Garand M-1 thì VC dùng AK-47 (Kalashnikov), chỉ nặng có 3kg47, băng đạn 20 viên, bắn nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn. Vì vậy, quân đội VNCH bắt buộc thay Garand bằng M-15, - chưa phải M-16 -, có dịp sẽ nói sau. M-15 chỉ nặng 3kg2. Tuy nhiên, trong khi học, thi tác xạ, vẫn dùng Garand M-1. Về M-15, chỉ học cho biết, ra đơn vị, tính sau. Sự kiện nầy cho chúng ta thấy, chúng ta “đi sau” Việt Cộng là vậy.

Việc thứ hai, ở Quang Trung, cũng “khá quan trọng” là “chà láng”. Vùng nầy đất pha cát. Các đường mương thoát nước chung quanh đại đội thường bị nghẻn vì cát đổ xuống. Chúng tôi được lệnh mỗi ngày phải vét cái mương ấy cho thông nước. Công việc được chia cho từng trung đội, tiểu đội, chia xuống cho từng khóa sinh, mỗi người chịu trách nhiệm chưa tới một thước bề ngang. Sáng sớm, sau kẻng đánh thức là chúng tôi ra ngay cái đường mương thoát nước ấy, lấy “gà-mèn” xúc cát dưới đáy mương lên, đắp vào hai bên bờ, rồi lật cái đáy “gà-mèn” chà cho láng bờ mương, xong đi rửa mặt, xuống câu lạc bộ dằn bụng bằng một gói xôi lạp xường. Công việc vét mương, chúng tôi gọi là “chà láng”. Danh từ nầy xuất hiện đâu từ các “bậc tiền bối”, chúng tôi nói theo. Sợ quan khách đến viếng trại chê, nên chúng tôi được lệnh trên bắt phải chà láng bờ mương hằng ngày, phải chà đẹp, không thì dễ bị “lãnh củ”. Chuyện chà láng, vì vậy, cũng quan trọng như việc học. Đó là “bệnh hình thức”, như người ta hay chê “bịnh hình thức”. Hình thức mà lại quan trọng!!!???

Lâu lâu được gặp cái khoái “đi gác tuyến” ở “Trung Tâm Phát Tuyến Quán Tre”, gần “bãi trực thăng”. Đài phát thanh Sàigon là đài vô tuyến, tức là phát bằng làn sóng điện, không có giây. Làn sóng được Đài Quán Tre phát lại, cũng bằng vô tuyến, nhưng tên thì gọi “tréo cẳng ngỗng” là “Phát Tuyến”. Tuyến là đường giây, là giây. Giây đâu mà phát? Mấy chả ưa chơi chữ, sao không gọi là trung tâm “phát sóng Quán Tre”. Nhưng chỉ có Việt Cộng mới gọi là phát sóng. Phát là tiếng Hán Việt. Sóng là tiếng Nôm, tiếng Hán-Việt sóng là “ba”, ghép chung với nhau thành một tiếng nghe sao được!? Ghép như vậy khác chi trên thì mặc “áo veston”, mà dưới thì “quần cháo lòng”, hay quấn “xà-rông” như mấy ông Miên hay mấy ông tổng thống Bắc Phi, ngó không được con mắt. “Trung Tâm Phát Tuyến”, gọi thế mà gọi được?! Nhưng gọi như thế nào thì “mặc cha người ta”, đi tuyến ở bên đó thì được ăn bún bò. Bên đó, có một bà cũng khá lớn tuổi, vợ một ông thượng sĩ, người Huế, mở quán bán “bún bò khuya”, nghĩa là sau 8 giờ mới mở cửa. Ngay Huế, những người bán bún gánh, bún tiệm, không mấy ai bán bún bò khuya, huống chi ở “rừng cao su” nầy. Khuya, nằm ngoài tuyến khó ngủ, “lặn” đi ăn một tô bún bò, sao mà nó ngon thế! Ngon vì cái tài của người nấu, mà cũng vì nhớ Huế nữa đấy! Nuốt một sợi bún bò, là nuốt vào lòng “sợi nhớ, sợi thương”.

Lương lính chẳng bao nhiêu, lại ưa uống bia, sáng ăn xôi mà không ăn bánh mì kèm với chuối chín hay đường cát do trại phát, lại còn bày đặt ăn bún bò khuya, chẳng bao lâu mà có anh “bạn cùng khóa” mượn tiền tôi. Cự nự, hỏi tiền lương đâu, anh ta than: “Tiền lính tính liền” mà anh!”

Đáng thương và đáng mến nhất là các khóa sinh tiểu đoàn Vương Mộng Hồng ở bên cạnh. Đây là tiểu đoàn khóa sinh của Binh Chủng Dù. Họ dậy rất sớm, 4giờ rưởi sáng, trời chưa sáng hẳn, đã ra bãi. Họ không đi bộ lè phè như chúng tôi mà vừa chạy vừa hô “Nhảy Dù! Cố gắng”, “Nhảy Dù! Cố gắng”. Đơn giản chỉ là “cố gắng”, nhưng không ít anh mệt quá mà xỉu trên đường chạy, thì cán bộ “đánh thức” bằng roi giây điện chặp lại, không phải bằng thuốc khỏe. Bị đánh đau quá, không tỉnh cũng phải tỉnh. “Nhảy Dù! Cố gắng!” “Cố gắng” tới bao giờ??!!!

Một hôm gặp Lê Đắc Lực, một người học trò cũ mà cũng là em của anh Nguyễn Minh Sơn, bạn đồng nghiệp. Thấy anh ấy đội mũ đỏ Nhảy Dù, loon thiếu úy, tôi hỏi: “Đi lính khi nào?” “Dẹp bàn thờ xong thì đi.” Tôi nhớ năm 1966, anh ấy có tham gia “Phong trào đấu tranh”. Xong, anh đi mất, bây giờ mới gặp, anh đã là cấp trên của tôi. “Tha hương ngộ cố tri” nên vui lắm. Tôi không hỏi anh ấy làm gì ở tiểu đoàn Vương Mộng Hồng. Vả, anh ấy là người vui tính, vui chuyện nên chuyện vui như pháo tết. Một lúc tôi than: “Học bên Nhảy Dù cực quá! Học sao nỗi”. Thiếu úy Lực giải thích: “Phải vậy thầy à! Khi đánh nhau mới biết, huấn luyện không kỹ, rất dễ “rửa chân ngồi bàn thờ”. “Rửa chân ngồi bàn thờ” là tiếng gọi đùa về cái chết của người lính.

Trong chín tuần học quân sự, cái khổ nhất đối với tôi là thiếu ngủ. Buổi sáng dậy thì cũng không quá sớm, tối chẳng bao giờ ngủ muộn, vậy mà muốn ngủ kinh khủng. Ngồi đâu tôi cũng ngủ được; còn như ngồi trong lớp, tôi ngủ gục là chuyện thường. Nhớ hồi còn đi dạy, thấy học trò ngủ gục là tôi rầy, phạt. Vậy mà bây giờ, chẳng có huấn luyện viên nào phạt tôi cái tội ngủ gục. Có thấy, họ cũng nói nhỏ nhẹ: “Anh ra ngoài rửa mặt đi.” Có khi giờ nghỉ, tôi ngồi dựa lưng vào cây bã đậu, giống cây vông đồng, nhưng nhỏ hơn, thân có gai nhọn. Tôi dựa lưng vào những cái gai đó mà ngủ ngon lành.

Trong khi tôi ngủ thì anh em chung quanh phì phà thuốc lá, vừa hút vừa kháo nhau về “tên mới”của các hiệu thuốc lá do binh lính đặt ra mà đùa. Người ta khoái nhất là câu “Cho anh phát súng tại anh ngu” diễn dịch từ tên gói thuốc lá Capstan đấy.

Trung tâm Huấn luyện Quang Trung trồng rất nhiều cây bã đậu để có bóng im cho khóa sinh. Trước cổng mỗi đại đội có một bể nước để khóa sinh lấy nước uống, bể làm bằng một cái ống cống lớn bằng xi-măng để dứng, có nắp, xe nước tới châm nước hằng ngày. Bể nước nầy lâu lâu phải súc, bằng cách khóa sinh nhảy vào trong mà vét cho sạch. Thế rồi có cả đại đội bị tiêu chảy, kéo nhau lên bệnh xá xin thuốc. Bệnh xá cho điều tra. Té ra bên cạnh bể nước có cây bã đậu, mấy trái bã đậu già rụng vào bể, ngay miệng nắp, như “cò ỉa miệng ve” vậy! Theo ngoại khoa, người xưa dùng hột bã đậu để làm thuốc xổ. Nay cả chục hột bã đậu thối rã trong bể nước, cả đại đội “bị Tào Tháo đuổi” thì có gì lạ đâu! Có anh chạy không kịp, phải qua “gởi nhờ” ở nhà cầu đại đội bên cạnh. Thế là có lệnh toàn tiểu đoàn đi súc tất cả các bể nước. Được nghỉ một buổi học, khỏe quá!

Tất cả các môn học, vũ khí, chiến thuật, cá nhân, tiểu đội, di hành, tuần tiểu, vượt sông... cái gì tôi cũng học, nhưng tinh thần và kết quả thì... qua loa. Hôm học bài “Di hành đêm”, 8 giờ, trời sập tối, đại đội di chuyển ra bãi tập. Tất cả ngồi bệt xuống đất. Huấn luyện viên đứng phía trước đoàn quân giảng bài, tôi có nghe được cái gì đâu. Trước mặt tôi, một đám năm sáu anh, chuyền tay nhau, chụm đầu xem cái gì đó, cười rúc rích. Không biết là gì, tôi nói: “Ê! cho tao xem với!” Có đứa nói: “Dẹp ông đi! để bọn tôi.” Té ra tụi nó có một vật gì đó, lớn hơn hộp quẹt một chút. Bấm vào nút, màn hình hiện ra một con đầm... ở truồng. Xem hết hình nầy chuyển qua hình khác. Huấn luyện viên giảng bài cứ giảng, bọn dưới nầy xem hình đầm ở truồng cứ xem, coi như không biết đến nhau. Thầy giáo Trần Văn Rô ngồi bên tôi nói: “Ở ngoài hình PlayBoy thiếu gì, không xem, vô đây giành nhau.” Tôi cười: “Không có thành hiếm, giành nhau coi cho vui. Ông không thông cảm gì tụi trẻ cả. Coi hình thì vậy, đến khi thấy thực tế nằm chình ình trước mặt thì run”. “Ông kinh nghiệm dữ!” Thầy giáo Rô nói mỉa tôi. Tôi cười: “Không ai nói tài thánh được cả. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Rô lại nói: “Sướng muốn chết mà ông gọi là đoạn trường, văn với thơ!”

Đêm ngồi giữa bãi, bốn bề trống trải, gió thổi nhẹ và mát. Thấy thích thú, tôi bèn nằm ngữa xuống đất, ngó lên trời. Hôm đó, trời trong, không trăng, nên sao ra nhiều. Nhìn sao trên trời, tôi bỗng nhớ một đoạn văn của Lưu Nghi: “Đêm đêm trời lặng gió lành, nằm ngữa mặt nhìn ngàn sao, lòng người êm dịu một cách kỳ lạ. Nằm sát mặt đất mà tưởng như đứng đỉnh núi cao, nhìn ra đại hải. Những chấm thuyền li ti xê dịch dọc ngang, cái xê dịch chỉ thoáng nhẹ như chút hoài nghi, mắt người không thấy được, nhưng lòng người lâng lâng say một cuộc viễn hành. Trong tư duy dấy lên những bụi đường...”

Một cuộc viễn hành?

Vâng, tôi đã từng mơ một cuộc viễn hành. Tên tôi là Hải, tôi từng nộp đơn xin học khóa 8 Hải Quân Nha Trang. Tôi không mơ lắm để thành một sĩ quan, nhưng tôi yêu vô cùng đời một thủy thủ phiêu bạt đầu trời cuối bể như Jack London, mơ “thần tượng” cách mạng “gót giày lấm bụi đường” ở quê người như Nhất Linh, như Ché Guévara của Châu Mỹ La-Tinh. Một người làm cách mạng như Nhất Linh, như Ché, như Nasser; không phải một người làm chính trị như Phidel. Khi một người làm cách mạng trở thành một người làm chính trị, là người ấy tự “xóa sổ đời mình” như ông Ngô Đình Diệm, ông Hà Thúc Ký, Phidel Castro và cả ông Hồ Chí Minh...

Người lãng mạn là người thiếu thực tế. Tôi mê những câu hát “Viễn Du” mà trở thành người mơ mộng hảo huyền: “Hãy ghé bến bờ, có những xóm dừa, chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ. Có những núi mờ, đứng mãi ngóng chờ, chờ người về đầu non trắng xóa...” Từ giã tuổi ấu thơ, tôi dìu tâm hồn niên thiếu của tôi vào những hình ảnh mơ mộng như thế...

Tôi không thực hiện được điều tôi mơ ước khi còn trẻ. Gánh nặng gia đình, lo dạy học thay mẹ nuôi các em, rồi có vợ con... đến bấy giờ, quá “tam thập nhi lập” như Khổng Tử bảo thì đời tôi đã trễ tràng, còn ước mơ gì nữa. Dù không có lệnh gọi, “tự động trình diện”, tôi không phải là người chọn binh nghiệp. Tôi chỉ làm theo lời dạy của cổ nhân “Quốc gia lâm nguy…” Giờ đây, chỉ mới những ngày đầu của anh lính mới tò te, cùng thao dượt quân trường với một đám thanh niên nhỏ hơn tôi ít nhất mười tuổi, tôi không ao ước đậu thủ khoa, mà chỉ cần “theo kịp” các bạn đồng môn là đủ, nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy cô đơn, lạc lỏng một cách kỳ lạ, như một con ngựa già chạy nhảy giữa đồng cỏ hoang với những con ngựa trẻ. Con ngựa già không biết nó già, nhưng tôi biết phận mình giữa một đám thanh niên còn đầy nhiệt huyết. Tôi vẫn thấy đời còn đẹp, nhưng nghĩ tới tuổi tác của mình, tranh đua với bọn trẻ trong quân trường, tôi thấy mệt, mệt lắm. Mai đây, trên con đường đi tới tương lai, hay trở về nghề cũ, tâm hồn tôi giống như một câu thơ của Pham Thiên Thư: “Con đường..., bông hoa còn đẹp, lòng sao thấm mệt!?”

Lệnh tổng động viên đưa quá nhiều thanh niên vào quân trường, khiến nhiều trường thiếu thầy giáo. Ưu tiên là các “giáo viên ấp tân sinh”, được biệt phái về trường cũ sớm nhất, dù khóa học chưa xong. Các giáo sư trung học, trình diện sau tôi vài tháng, chỉ học 9 tuần, cũng được biệt phái về nhiệm sở cũ. Công việc phó đại diện tiểu đoàn của tôi, chính yếu là soạn và sắp xếp các bài học in bằng ronéo của khóa trước để lại, phát cho khóa sinh trong tiểu đoàn. Vì công việc nầy nên vài giáo sư, đồng nghiệp cũ của tôi ở Huế, như anh Trần Văn Đ., hiệu trưởng trường Tây Lộc, bị động viên ở tiểu đoàn Trần Bình Trọng xin tôi bài đem về học. Họ sợ, cuối khóa, nếu họ thi hỏng, sẽ không được biệt phái.

Các đồng nghiệp cũ khuyên tôi nên làm đơn xin biệt phái. Tôi lập hồ sơ, theo lời khuyên của họ, nhưng khi tôi tới phòng Quân Vụ, bộ Giáo Dục, ông thiếu tá trưởng phòng nói thẳng với tôi, phải có 5 chục ngàn, “việc nầy mới xong”. Một phần không có tiền, mấy ai làm nghề “gõ đầu trẻ” mà giàu? Một phần không muốn trở lại con đường cũ. Con đường cũ chỉ đẹp trong tâm hồn, khi nó trở thành hiện thực, không thiếu những điều đáng buồn, nên tôi không tìm cách trở lại “con đường trong tâm tưởng” đó nữa.

Có lần tôi nói Phạm Văn Nga: “Ngán nhất là tập “Đoạn đường chiến binh”. Anh ta cười: “Có gì mà ngán!” Đu giây, leo giây, leo tường, nhảy dài, nhảy cao... tôi không ngán, nhưng lần bị té ở cầu cây, - cây hình tròn - khiến tôi bị trượt chân, té không đau, nhưng bi trặc chân, làm tôi hoảng hồn. Tuy vậy, hôm thi mãn khóa, tất cả khóa sinh phải qua “Đoạn Đường Chiến Binh”, môn thi có số điểm cao, thì trước khi vào “bài thi”, đang chờ, gần như hầu hết khóa sinh đều “sắp hàng ngang tưới cỏ” bên đường. Tôi nói với Nga: “Cậu thấy chưa! Sợ té đái đấy! Thi cái nầy thằng nào chẳng sợ...”

Một khóa sinh đại đội tôi được bằng thiện xạ. Anh ấy đạt điểm cao cả ba thế bắn: Đứng, quì và nằm, mặc dù súng ở quân trường là súng cũ. Tôi bị phạt ba ngày trong cấm, - phạt không ghi hồ sơ, theo nguyên tắc -, vì súng tôi quá cũ. Tôi thường đùa với các bạn bằng cách: “Coi súng tao nè!” Nói xong, tôi lấy một đầu đạn Garand 7ly 62 nhét vào đầu nòng súng. Viên chạy chạy ngược trong nòng, đụng cơ bẩm cái cạch. Tôi mở cơ bẩm, lôi viên đạn ra, đưa cho mọi người xem. Cười.

Trường hợp thầy giáo Trần Văn Rô “kinh hoàng” hơn. Hôm thi, anh đưa súng lên vai, nhắm mục tiêu bắn phát đầu tiên. Anh bóp cò, súng nổ. Anh lại nhắm vào đầu ruồi để bắn phát thứ hai, không thấy đầu ruồi đâu cả. Ống hơi và đầu ruồi bay mất. Vì đang lúc thi, anh hoảng hốt đưa súng khiếu nại giám khảo, mà lại vô ý chỉa ngay mũi súng vào ông ta để giải thích, khiến ông này cũng hoảng hồn: “Đạn còn trong nòng mà anh chỉa súng vào tôi.”

Nút ống hơi gài vào ống hơi bằng gai như đinh ốc, sợ bị phạt, khóa sinh mở ra chùi hàng ngày, chùi từ mấy đời, khiến gai mòn, có khi rớt mất. Bị mất, nếu khai lên đại đội, sợ “lãnh củ” nên người mất lén lấy ở súng của người bên cạnh, gắn vào súng của mình. Anh thứ hai mất nút ống hơi, lại lặng lẽ “chôm” của người thứ ba, v.v... Cứ thế nút ống hơi mất dài dài... Chỉ có một cái nút ống hơi mà cả chục người mất. Tới phiên Rô, anh lặng lẽ nói riêng với ông thượng sĩ thường vụ, nhờ mua ở kho, chỉ có 20 đồng. Rô “công bố” việc anh ta mua nút ống hơi, từ đó, ai mất thì cứ đi mua, đại đội mới hết lộn xộn, than vản, thắc mắc, nghi ngờ nhau.

Tới bữa, khóa sinh xuống nhà bàn lãnh thực phẩm về ăn. Cơm không hạn chế, tuy không phải gạo ngon, nhưng bổ, vì khi cơm sôi, nhà bếp xổ vào đó cả mấy trăm viên Vitamin C, lấy xẻng trộn cho đều, ăn vào không khỏe sao được! Còn đồ ăn, ngày nào cũng có hai món: Rau muống chặt từng khúc, rửa, không lặt lá úa, lá thối. Cá thì chỉ có một thứ: Cá mối; ngày nào cũng như ngày nào. Vì vậy, trong khóa sinh có câu nói đùa: Trước, “gà-mèn” sắp lối (để nhà bếp xúc cơm vào cho), sau cá mối thẳng hàng. (cá mối để từng hàng dài, có muỗng to, mặc sức mà lấy). Chúng tôi chỉ lấy cơm, xong ra cái kiosque phía ngoài nhà bếp. Kiosque nầy thường lảnh thêu bảng tên cho khóa sinh, và bán thức ăn phụ: Một bịch nylon nước mắm ớt pha loảng, ba bốn lát chã mỏng, giá 1 đồng. Có một kiosque có hai cô con gái đứng bán, “thiên hạ” chen nhau mua.

Thường cuối tuần, chúng tôi được đi phép; Thứ bảy ra trại, chiều chủ nhật vô. Thỉnh thoảng bị cấm trại, không có phép vì một lý do gì đó. Một hôm cấm trại, có anh học trò cũ đến rủ tôi: “Ba em đến thăm, thầy ra câu lạc bộ chơi.” Tôi theo anh ta. Chào hỏi xong, thân phụ người học trò, đại úy hải quân, kêu bia cho tôi. Tôi nói chỉ uống một chai, không uống được nhiều. Ông ta cười:

- “Thế là hỏng, cấp chỉ huy như thầy là hỏng!”
Chưa kịp hiểu ý, ông nói ngay:
- “Thầy biết ra đơn vị, lính nó hỏi nhau cái gì không? Ông chuẩn úy nầy có uống rượu được không hay “sữa nước sôi”. “Sữa nước sôi” là hỏng, không chỉ huy chúng nó được đâu. “Chuẩn úy sữa nước sôi” mà chỉ huy được ai?”

Từ đó, tôi phải tập nhậu, không, sợ lính nó “leo lên đầu”.
Có một tuần, nhà tôi lên thăm mà không có phép. May gặp ông thiếu tá Gíp A Sáng, liên đoàn phó, nhà tôi xin thăm. Ông thiếu tá bảo lính gác gọi tôi ra. Vợ chồng ngồi chuyện trò ngay cổng. Ấy là thăm đặc biệt đấy. Hình như ông thiếu tá nầy sau đắc cử “dân biểu”. Nhắc lại câu chuyện nầy là để cám ơn ông thiếu tá.

Khóa sinh Dự bị Sĩ quan thường được đi phép. Khóa sinh tân binh ít đi phép hơn. Tuy nhiên, gần bộ Chỉ huy Trung tâm, có “Vườn Tao Ngộ” để khóa sinh được gặp gia đình. Lại chữ nghĩa tào lao! Tao ngộ là sự gặp gỡ “tình cờ”, như Tú Uyên gặp Giáng Kiều trong “Bích Câu kỳ ngộ”. Ở đây, gia đình, thân nhân, bạn bè, người yêu, người tình, v.v… đi thăm tân binh, sao gọi là Tao Ngộ? Vườn Tao Ngộ có nhà để ngồi, che nắng che mưa. Nhưng cũng có nhiều cặp, vợ chồng hay bồ bịch gặp nhau, hôn hít trước mắt mọi người thấy kỳ lắm - Xứ Việt Nam đâu như Mỹ miếc nầy - bèn căng poncho ngoài vườn, dưới gốc cây cho im mát. Hai “anh chị” làm gì trong đó mà cái poncho lùng bùng, rung rinh; ai mà biết!

Tuy nhiên, khi độc giả nghe Phương Hồng Quế hát “Vườn Tao Ngộ” không thấy xúc động hay sao?

“Hôm nay ngày Chủ Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần.
Ta nhìn nhau bâng khuâng.
Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn.
Ngày mai ra đơn vị,
đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao...”

Ngày mai ra đơn vị, đời vui hay buồn là có thật, nhưng bảo rằng hai lối mộng thì ông nhạc sĩ thi vị hóa đời lính đấy! Vài ông nhà thơ, nhà văn quân đội, mang lon đội mũ, ngồi ngậm ống vố, uống càphê ở La pagode, Saigon, làm thơ tán gái, nói chuyện chiến trường, chuyện lính, tưởng tượng ra những chuyện mơ mộng hảo huyền, “tào lao thiên đế”, chẳng ra thế nào cả.

Thơ văn là mộng mị. Ngoại trừ một số người đi lính vì ham danh vọng, còn phần đông “thất phu hữu trách”, “anh ơi phải lính thì đi”, như tổ tiên dạy, chẳng phải “tránh nặng tìm nhẹ”, núp bóng che dù, COCC (5) để khỏi ra chiến trường. Mấy ai mơ khanh tướng làm chi? Ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng kinh qua đấy: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều... em ơi!”

Giấy phép cho Khóa sinh Dự bị Sĩ quan thường là 24 giờ,“bốn giờ đi lại thêm bốn giờ về”. Có anh còn cộng thêm mấy giờ vô Chợ Lớn mua... đuôi chuột. Ở Quang Trung nhiều chuột quá nên có “lệnh diệt chuột”. Ai giết được nhiều chuột sẽ được thưởng 12 hay 24 giờ phép. Thế là thiên hạ kéo nhau đi diệt chuột. “Tìm và diệt” (5) riết rồi chuột cũng ít đi, khó kiếm. Có người nảy ra sáng kiến. Chợ Lớn nổi tiếng “bánh bao thịt chuột”. Vậy thì vô Chợ Lớn mua đuôi chuột. Đuôi chuột không làm bánh bao được. Mua đuôi chuột xong, đem vào nộp cho đại đội, để được ghi phép đặc biệt tuần sau. Thế rồi, tiểu đoàn biết chuyện, lại “bể mánh”. Bây giờ lệnh ra không chỉ nộp đuôi chuột mà phải nộp nguyên con. Lệnh nầy có khó khăn hơn, nhưng vẫn ăn gian được. Chuột chết thì hôi, mở bao đựng chuột chết ra cho thượng sĩ thường vụ kiểm soát. Ông nhăn mũi hỏi: “Mấy con?” Năm nói thành mười. Ai hơi đâu lật từng con mà đếm. 5 con thì 12 giờ phép, 10 con thì 24 giờ. Có khi, ở đời, thằng ăn gian vẫn hơn!?!?

Tuần nào không đi phép, cuối tuần ở lại, đêm thứ Bảy, tới Văn Khang “thưởng thức văn nghệ”. Từ khóa trước, tiểu đoàn đã dựng một nhà hát văn nghệ, đặt tên là Văn Khang. Nó như một câu lạc bộ, bàn ghế là những thân cây lớn cưa ngang, rất mỹ thuật. Một tấm thân cây rộng cỡ 2 mét, làm bàn, bên cạnh là những khúc cây nhỏ, giống như những cái đôn, làm ghế. Cuối căn nhà là sân khấu. Văn Khang chỉ bán “Coca”, ngâm trong thùng phuy đá, không bán bia. Ai muốn hát, ghi tên lên sân khấu hát chơi. Vài ba cô ca sĩ hạng hai của Saigon, được mời vô biểu diễn, có nhạc sĩ Xuân Điềm kéo violon phụ họa. Ca sĩ hát không tệ, nhạc sĩ kéo violon cũng hay. Thế là chương rình kéo dài từ 7 giờ tối cho tới 10 giờ đêm. Nhạc sĩ Xuân Điềm cũng như em ông, Xuân Lạ là Khóa sinh Dự bị Sĩ quan khóa tôi. Xuân Điềm phụ trách chương trình văn nghệ cho Văn Khang, nên mỗi tuần, ông đi “công tác” cũng hơi sớm. Lý do: Để mời ca sĩ. Bù lại thì cuối tuần, ông phải ở lại trại để coi sóc chương trình. Ông Xuân Lạ nghe như đã hy sinh, ông Xuân Điềm còn sống, hiện ở Cali, lãnh đạo ban Tù Ca, v.v....

Gần cuối khóa, tôi được gọi lên văn phòng. Tới nơi, một ông đại úy tuyên úy đứng dậy chào tôi: “Thầy khỏe không?” Tôi mừng rỡ. Trường tôi dạy thường có mấy chú, đại đức đến học nhờ các lớp Trung học Đệ nhị cấp (cấp ba). Họ không muốn học ở trường Quốc Học, lại không thể vào Thiên Hựu. Ông hiệu trưởng trường tôi, là “đệ tử” thầy Trí Quang, nên các chú, đại đức được ưu tiên học ở đây, miễn học phí. Chú Bình, chú Thuyết, chú Ca... đều học trường nầy cả. Chú Bình học ở đây, sau tốt nghiệp Đại Học, làm hiệu trưởng trường Bồ Đề Huế, hiện giờ là thượng tọa Thiện Hạnh đấy.

Người đến thăm tôi hôm đó là chú Thái, bây giờ là đại đức đại úy tuyên úy Phật giáo. Thầy ấy nói:

- “Thầy vừa về Huế, (ông tự xưng là thầy, theo phong tục Việt Nam), ghé thăm trường, nghethầy Xướng nói thầy (ông cũng còn gọi tôi bằng thầy), đang học ở đây, nên ghé thăm.”

Tôi hỏi: “Thầy làm tuyên úy?”

Làm tuyên úy, đồng hóa cấp bậc đại úy. Một cách tế nhị, ông đại đức tuyên úy nói với tôi: “Thầy phải đeo loon, mới dễ xin phép vô thăm thầy.”

Ngồi chuyện trò thăm hỏi một lúc, đại đức tuyên úy hỏi tôi: “Ở trại, thầy có đi chùa được không?”

Tôi trả lời: “Ai muốn đi chùa, cứ xin phép đại đội trưởng, có người đưa đi vì chùa nằm ngoài phạm vi liên đoàn.” Một lúc, tôi nói tiếp: “Nhưng thầy biết, trước giờ, tui có đi chùa chiền gì đâu! Tui không phải là “phật tử thuần thành”, không thuộc kinh kệ. Cũng như đại đa số người Việt, tui là “phật tử truyền thống”. Tổ tiên, ông bà tui theo Phật, tui cũng theo Phật. Tui học Phật với cha mẹ, bà con, xóm làng, dân chúng.” Rồi tôi lại hỏi: “Thầy nhớ hồi ấy tui dạy “Văn chương Bình dân” không? Đạo Phật của dân tộc ta ở trong “Văn chương Bình dân” đấy. Tui dạy môn ấy là dạy đạo Phật cho học trò.”

Ông đại đức cười: “Thầy biết. Thầy cũng biết luôn thâm ý của thầy khi thầy giảng về truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao.” Đại đức tuyên úy hỏi tiếp: “Về Chiến tranh Chính trị, người ta dạy cái gì?”

- “Có gì đâu!” Tôi nói. “Chiến tranh Chính trị”, chúng tôi gọi đùa là “lấy mồm mép, đỡ chân

tay”, viết tắt là CTCT, nghĩa là “cứ thế, cứ thế” mà học, mà dạy. Người nghe thì “cứ thế” mà nghe, riết rồi cũng không biết mình nghe cái gì. Huấn luyện viên cũng có người “cứ thế” mà nói, rồi không nhớ mình nói cái gì?”

- “Buồn cười! Nghe có học bài “Tứ đại công khai?” Đại đức hỏi.

Tôi lại cười: “Cũng có người công khai, nhưng nếu cấp chỉ huy “không công khai” thì mình thưa được à? Thưa ai? Có khi còn bị đì. Trong quân đội, quan trọng là “Tình thầy Trò”. Cấp chỉ huy biết thương lính, lính thương cấp chỉ huy. “Tình thầy trò” là truyền thống người Việt mình.”

Ông đại đức tuyên úy lại hỏi: “Vậy “Huynh đệ chi binh?”

Tôi lại cười: “Cái nầy cũng là truyền thống dân tộc, nhưng cái chi mà tuyên truyền thì thiệt cũng thành dỗm. Điều nầy thì “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi”. (3)

- “Nếu nói “Thầy Trò”, tình thương, là nói tới tôn giáo. Không đưa tôn giáo vào chương trìnhhọc Chiến tranh Chính trị” được hay sao?” Ông đại đức tuyên úy lại hỏi.

Tôi trả lời: “Tôi không hiểu sao đặt Nha Tuyên Úy vào trong Tổng Cục Chiến tranh Chính trị. Vậy là muốn “quân đội hóa tôn giáo” hay “tôn giáo hóa quân đội” hay tôn giáo cũng là một phương tiện chính trị? Tôn giáo phải nằm ngoài quân đội. Quân đội chỉ có Dân tộc. Tuyên úy phải lo về từ bi của Phật, bác ái của Chúa là quan trọng nhất, không phải chỉ có cầu an, cầu siêu, cầu nguyện...”

“Tình thương xóa bỏ hận thù?” Ông tuyên úy hỏi.

- “Vậy là tuyên truyền nữa. Cuộc chiến tranh nầy, người ta gọi là “Chiến tranh ý thức hệ.” Cộng

Sản thì có chủ nghĩa Cộng Sản, còn phe Quốc Gia, có chủ nghĩa gì? “Chủ nghĩa Quốc Gia”. Nhưng khi hỏi Chủ nghĩa Quốc Gia như thế nào? Mấy ông lớn cũng lúng túng. Chủ nghĩa Quốc Gia là “Tam dân” (6) hay “Độc lập, Tự do, Hạnh Phúc”. Cái trước, ông Tôn Văn nói mà không làm được. Cái sau, ông Hồ nói, nhưng làm thì ngược lại. Một cách đơn giản, chủ nghĩa Quốc Gia là chủ nghĩa Dân Tộc, là phải học về dân tộc, dân tộc Việt Nam, là truyền thống chống Tàu một ngàn năm đô hộ, chống Tây một trăm năm nô lệ, là lịch sử mở mang bờ cõi về phương Nam. Khổ một nỗi, nói như vậy là kẹt vì ở miền Nam nầy, trong chính quyền, trong quân đội cũng có người từng theo Tây. Thầy nghĩ sao? Làm tuyên úy, không lý chỉ có cầu an, cầu siêu. Vậy còn “Từ bi - Hỉ xả” của Phật tổ nữa chi? Trong “Tình Thầy Trò” có tha thứ, có hỉ xả đó thầy.”

Ông đại đức băn khoăn: “Thầy cứ lúng túng trong cái chức năng của mình hoài!”

- “Trong chương trình truyền thanh, truyền hình của Cục Tâm Lý Chiến,” - tôi nói - “họ thường

tuyên truyền về ông Nguyễn Trãi. “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo.” “Đại nghĩa” là cái nghĩa gì? “Đại nghĩa” là cái nghĩa lớn đối với nước nhà, với quốc gia, dân tộc. Tiểu nghĩa là cái nghĩa nhỏ hẹp hòi, cá nhân, ích kỷ. “Chí nhân” là cái lòng thương lớn, cực điểm, là hết lòng. Tôi phải tìm trong tự điển Hán Việt mới hiểu hết mấy chữ nầy khi tôi dạy “Bình Ngô Đại cáo” cho học sinh. Mình lấy cái truyền thống “Chí nhân” của Văn hóa Dân tộc để chống lại “hận thù” của chủ nghĩa Cộng Sản. “Chí nhân” là nền tảng Văn hóa Dân tộc. Không có “Chủ nghĩa Dân tộc”, làm sao chống “Chủ nghĩa Quốc tế”. Tôi không được học như thế trong các buổi học Chiến tranh Chính trị.”

- “Cộng Sản còn chủ trương “giai cấp đấu tranh”. Xã hội mình đâu có phân chia giai cấp nhưbên Tây phương, bên Ấn Độ?” Ông đại đức nói với tôi.

- “Vô sản chống Tư sản. Thành phần như tôi với thầy là tiểu tư sản, tư sản. Binh lính của mình

phần đông là nông dân, là vô sản, tiểu nông hay công nhân. Người lính trơn chống Cộng Sản là họ chống cho chúng mình hay họ chống cho họ, hay họ chống lại chính giai cấp của họ? Khó lắm, trong trường hợp nầy, họ dễ bị Cộng Sản tuyên truyền. Mình không làm cho “Chủ nghĩa Dân Tộc”, “Chủ nghĩa Quốc Gia” sáng lên, không lột mặt nạ chủ nghĩa Quốc tế của Cộng Sản thì không chống Cộng được.”

- “Không hiểu, sau nầy, các sĩ quan xuất thân trường Chiến tranh Chính trị ra có làm sáng tỏ

thêm cho binh lính những vấn đề nầy hay không?” Ông đại đức tuyên úy nói.

- “Vấn đề là bản chất thầy ạ. Thầy đọc “Chân Trời Tím” của Văn Quang chưa? Câu chuyện mở

đầu bằng một anh trung sĩ. Anh ta sống, chiến đấu. Khi kết thúc câu chuyện, anh ta theo học khóa sĩ quan. Tại sao lại phải sĩ quan, như thầy, như tui? Nếu là hạ sĩ quan, binh sĩ, không chống Cộng được hay sao? Thầy nghĩ, có phải đó là bản chất giai cấp không? Chúng ta còn lúng túng trong mớ bòng bong đó nên khó khăn khi chống Cộng bằng... mồm. Tổ tiên chúng ta đơn giản hơn. “Tiến vi quan, thối vi nông”. Quan hay nông cũng chỉ là một giai cấp. Nếu mọi người hiểu như vậy thì chủ nghĩa Cộng sản không có đất sống ở xứ nầy.”

Một lúc sau, tôi nói: “Thầy nhớ “Việt Nam Văn hóa Sử cương” của Đào Duy Anh chớ! Trong đó, ông ta chỉ rõ: Đơn vị căn bản của xã hội Việt Nam là Làng. Đất nước yên vui thanh bình là từ làng mà ra; loạn lạc giặc giã cũng từ làng mà ra. Chống ngoại xâm, giữ độc lập cũng từ làng mà ra. Đạo Phật cũng từ làng, từ chùa làng mà ra. Muốn bảo vệ miền Nam chống Cộng sản xâm lược, trước tiên phải bảo vệ làng. Đạo Phật muốn phục hồi, phát triển cũng phải bảo vệ làng, chùa làng. Làng là “hạ tầng cơ sở” của đất nước, của xã hội, chính quyền miền Nam, cũng là “hạ tầng cơ sở” của Đạo Phật. Củng cố, phát triển Chùa làng, khuôn hội quan trọng hơn đưa người vào ngồi ở Trung ương.”

- “Thật lý thú”, đại đức tuyên úy nói. “Ngày trước học với thầy mỗi tuần một bài “Công dân

Giáo dục”, thấy hay thì quả là hay, nhưng không thực tế như điều thầy nói bữa nay.”

Xong, ông đại đức chấp tay chào tôi ra về, sau khi dặn dò tôi “Rán giữ gìn sức khỏe”.

Lòng tôi cứ cấn vương mãi về câu chuyện ông đại đức tuyên úy đến thăm tôi hôm đó cho đến khi học xong giai đoạn 1, nghỉ phép một tuần mà vô quân trường “Thủ Đức” năm canh “thức đủ.”

hoànglonghải .
Sáu Bó chuyển
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=197644
__________________________________________________ _____________________

(1) Một bài hát của Phạm Duy.

(2) Nam kỳ thuộc địa, thuộc lãnh thổ Pháp. Người miền Nam ra học Hà Nội, thường gọi là “du học.”

(3) “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, câu nói của một ông già trong “Số Đỏ” của Vũ Trong Phụng.

(4) “Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt,

Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên.

Có giang sơn thì sĩ đã có tên,

Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quí. ... (Nguyễn Công Trứ).



(5) COCC là tóm tắt chữ “Con ông, cháu cha” thường phổ biến trong chế độ cũ, phê phán những người cũng đi lính, nhưng núp bóng cha ông để khỏi gian khổ, khỏi ra chiến trường, sống quanh quẩn ở các thành phố lớn hay Saigon.

(6) “Tìm và diệt” (dịch từ tiếng Anh: Search/ Seek and destroy), tên một chiến thuật quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam

(7) Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Văn.

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm