Nếu tổng thống Mỹ có nhiếp ảnh gia Pete Souza luôn theo sát gót, thì một phóng viên ảnh khác cũng đã theo chân Emmanuel Macron suốt 10 tháng qua. Đôi chân thoải mái gác lên bàn, chăm chú nhìn vào điện thoại di động, nụ hôn với người vợ…Vài bức ảnh loại này khiến người ta liên tưởng đến các tầm hình của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Những điểm giống nhau còn nhiều. Bản quốc ca « Marseillaise » được hát lên trong khi bàn tay đặt trước ngực « theo kiểu Mỹ ». Hay trong một cuộc mít-tinh, Macron « tung đòn » chống lại đối thủ cực hữu Marine Le Pen : « Đừng la ó, hãy đấu với bà ta ! » nhắc nhở đến câu nói của ông Obama chống lại ông Trump : « Don’t boo, vote ! » (« Đừng la hét làm gì, hãy đi bỏ phiếu ! »
Hồi giữa tháng Tư, nội dung một cuộc điện đàm đã được đăng lên tài khoản của Macron : cựu tổng thống Mỹ vốn được yêu thích tại Pháp, đã cổ vũ ứng cử viên trung dung. Đến trước vòng hai, ông Obama đã lên tiếng ủng hộ chính thức.
Chiến dịch tranh cử của Macron trên thực tế có vẻ lấy lại những ý tưởng của chiến dịch Obama năm 2008 : chú trọng thực địa, gõ cửa từng nhà, các nhân tố chủ chốt ở từng địa phương…
Cách đây một năm, phong trào Tiến Bước đã sử dụng dịch vụ của Liegey Muller Pons (LMP), một công ty start-up chuyên về « chiến lược tranh cử », vận dụng các dữ liệu trên mạng và công nghệ mới. Trong vòng ba tháng, đã có 300.000 hộ gia đình được thăm viếng tại các khu phố đang nhắm đến, để điều tra về các vấn đề mà người dân Pháp quan tâm.
LMP được thành lập bởi ba người Pháp vốn là tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2008 trong lúc học tập tại Hoa Kỳ. Công ty giải thích : « Họ đã trông thấy công nghệ được dùng để phân bổ, tính toán, biết được nên gõ cửa những nhà nào, nên đã nhập khẩu ý tưởng ».
Vào tháng Tư, tạp chí Mỹ The Atlantic viết : « Nếu Emmanuel Macron thắng cử, phần lớn là nhờ một sự huy động người tình nguyện đông đảo chưa từng thấy, cùng với các kỹ thuật tổ chức theo kiểu Mỹ, phản ánh rõ phong cách chiến dịch tranh cử của Obama ».
Nhà báo Guillemette Faure, thông tín viên của báo chí Pháp từ nhiều năm qua tại New York, cũng nêu ra khía cạnh tích cực trong thông điệp của ứng cử viên Macron. Bà nói : « Các phát biểu về thời kỳ Pháp đô hộ Algérie hay về hôn nhân đồng giới là cố gắng nhằm hòa giải đất nước, và điều này gợi nhớ đến bài diễn văn của ông Obama trong đại hội đảng Dân Chủ năm 2004 về những rạn nứt trong xã hội Mỹ ».
Ngoài ra còn có thể kể đến người vợ tâm đầu ý hợp, trong một gia đình « rổ rá cạp lại » mà từ thời cựu tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2007 đến nay mới thấy lại. Nhưng nhật báo Achentina Clarin lại nhìn thấy trong bà Macron một « Michelle Obama của Pháp » qua tính năng động và dễ tiếp xúc của bà.
Sophie des Déserts của tạp chí Vanity Fair France khẳng định với AFP : « Khuyến cáo đầu tiên cho Macron của Laurence Haïm (cựu thông tín viên kênh truyền hình tin tức iTélé tại Hoa Kỳ, sau trở thành phát ngôn viên của Tiến Bước!), là hãy hành động như Obama. Họ đã biến lời khuyên này thành thực tiễn ! »
Bà Laurence Haïm chống chế : « Tôi tham gia vì chiến dịch tranh cử của Macron khiến tôi nghĩ đến Obama : dân chủ với sự tham gia tích cực của người dân, mong muốn đổi mới, nhiệt thành (…). Nhưng đây không phải là sao chép đơn thuần ».
Thực tế thì câu chuyện không giống nhau, giữa ông Obama – một nhân vật ít được biết đến, có cha là người Kenya và mẹ ở bang Kansas - với Macron, phải chiến đấu với hình ảnh cựu quản trị viên ngân hàng, tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng.
Và hôm 7/5, đêm chiến thắng, chính là trong giai điệu « Khúc hát hân hoan » (« Ode à la joie », bài hát chính thức của châu Âu), mà Emmanuel Macron đã bước lên khán đài trước các ủng hộ viên. Nhà nghiên cứu Denis Lacorne nhận định : « Việc chọn lựa « quốc thiều » châu Âu, vượt ra khỏi khuôn khổ lòng ái quốc, cho thấy sự quan trọng của quốc tế, là điều khó thể tưởng tượng được tại Hoa Kỳ ».
Còn Bruce Crumley, nhà báo làm việc cho tờ Time trong 25 năm qua, thì nhận ra một khác biệt về chiều sâu : « Ông Obama được bầu lên sau nhiệm kỳ gây chia rẽ của tổng thống Bush, nhưng cũng nhằm cải tổ lại sau những thiệt hại về tài chính và xã hội do chính sách siêu tự do của Bill Clinton. Còn Macron thì không muốn chỉnh đốn những tai hại của việc tháo gỡ những ràng buộc cho giới tài chính, nhưng lại là một Bill Clinton mới ».