Khối các nước công nghiệp phát triển, G7, không đạt được sự nhất trí đối với đề xuất của Anh theo đó muốn áp các lệnh trừng phạt lên Nga sau vụ tấn công bằng chất hóa học chết người mà phương Tây nói do đồng minh của Nga là Syria thực hiện.
Ngoại trưởng Italy nói khối này không muốn dồn Nga vào chân tường và muốn chọn giải pháp đối thoại.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã rời kỳ họp G7 tại Italy để sang Nga thảo luận tình hình.
Các sỹ quan Nga 'có thể bị trừng phạt'
G7 tìm kiếm đồng thuận về Syria và Nga
Nga 'không ngăn được' Syria tấn công hóa học
Ông nói tổng thống Syria không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong tương lai nước này.
Kỳ họp của khối G7 diễn ra tại thành phố Lucca của Ý, sau vụ tấn công bằng hóa chất hồi tuần trước vào thị trấn Khan Sheikhoun do các phiến quân Syria nắm giữ đã khiến cho 89 người thiệt mạng.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba xác nhận rằng chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong vụ đó.
Syria bác bỏ việc họ tiến hành vụ tấn công, nhưng Hoa Kỳ sau đó đã thực hiện một cuộc oach tạc trả đũa bằng cách phóng 59 hỏa tiễn tuần du vào một căn cứ không quân của Syria.
Kỳ họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng khối có mục đích tìm ra cách tiếp cận trong vấn đề Syria trước khi ông Tillerson đi Moscow.
Nhưng đã có những phân rẽ khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đề xuất áp lệnh trừng phạt đối với các nhân vật quân sự của Syria và của Nga liên quan tới vụ tấn công hóa học.
Phóng viên chuyên về ngoại giao của BBC James Robbins nói ông Johnson đã hy vọng là có thể giành được ít nhiều ủng hộ, nhưng thông cáo mà khối G7 đưa ra không nhắc gì tới việc trừng phạt.
Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano nói các bộ trưởng muốn thảo luận với Nga.
Ông Johnson bác bỏ những bình luận nói ông đã thất bại, và nói sự ủng hộ đối với việc áp lệnh trừng phạt sẽ được đưa ra nếu như có thêm bằng chứng về vụ tấn công hóa học.
Một điểm có vẻ như được cả khối nhất trí là tương lai của ông Assad.
Ông Tillerson tóm tắt rằng: "Điều rõ ràng với tất cả chúng ta là sự trị vì của gia đình Assad đang đi đến hồi kết."
Ông cũng giành được sự ủng hộ đối với việc Mỹ tiến hành vụ tấn công trả đũa, điều mà ông gọi là "cần thiết, vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".