Trần Giao Thủy
Ủng hộ quan điểm của Hoàng Minh Phương có Pierre Journoud với bài “Paris, Hanoi et Pékin” đăng trong tạp chí Communisme và Bản tin của l’Institut Pierre Renouvin de l’Université Paris I Panthéon-Sorbonne(28).
Pierre Journoud dẫn chứng bằng lời kể của Trần Văn Quang, Thượng tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, đặc biệt chuyên trách chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Huy Lê và cựu Đại tá Hoàng Minh Phương.
Ở Bắc Mỹ, hai nhà nghiên cứu khác là Chen Jian và Qiang Zhai ghi lại sự kiện lịch sử đó với chi tiết khác.
Chen Jian trong bài China and the First Indochina War, 1950-54 đăng trên The China Quarterly, số 133, tháng 3, 1993, trang 101, viết:
Ngày 24 tháng 1, 1954 Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh điện chỉ thị Vi Quốc Thanh về chiến lược tấn công Điện Biên Phủ:
“Khi tấn công Điện Biên Phủ đồng chí nên tránh tấn công đồng loạt từ mọi phía; thay vào đó đồng chí cần có chiến lược tách nhỏ và bao vây lực lượng địch và từng miếng tiêu diệt chúng.”(29) (“Đánh chắc, tiến chắc” – TGT)
Cũng như Chen Jian, Qiang Zhai trong cuốn China and the Vietnam Wars, 1950-1975, Nhà xuất bản Đại học North Carolina phát hành năm 2000, trang 46-47, ghi:
Trong những điện tín gởi Vi Quốc Thanh ngày 24 và 27 tháng 1, 1950 Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh cho Vi Quốc Thanh không được đồng loạt tấn công “từ mọi phía” nhưng phải dùng chiến lược “tách nhỏ và bao vây lực lượng địch và từng miếng tiêu diệt chúng.” “Đồng chí nên tiêu diệt địch từng tiểu đoàn một”… Thi hành theo đề nghị từ Băc Kinh, ĐCVQS và bộ đội Việt Nam đã đổi từ “giải pháp nhanh” sang “tiến chắc”(30).
Chen Jian và Qiang Zhai tham khảo và trích dẫn tài liệu gốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồ Chí Minh và Chu Đức (Cầu viện Bắc Kinh, 30/1/1950). Nguồn: idcpc.org.cn
Một nhà nghiên cứu khác, Christopher Goscha, cho biết Bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam đã phê chuẩn cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ vào tháng 12, 1953, đồng điệu với ĐCVQS. Kế hoạch đã vạch là phải đánh trước khi Pháp đủ thời gian củng cố phòng thủ Điện Biên Phủ, nghĩa là phải “đánh nhanh”. Goscha viết tiếp, trong hồi ký mới nhất(31), Giáp cho biết là ông đã bí mật không đồng ý với kế hoạch này. Đến ngày 14/01, tất cả đồng ý tấn công nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ binh đội Pháp tại Điện Biên Phủ đúng kế hoạch vào lúc 5 giờ chiều ngày 25/01/1954. Ngày 24/01 một bộ đội của đại đoàn 312 bị Pháp bắt và để lộ ngày giờ tấn công. Việt Minh dời cuộc tấn công lại 24 giờ khi biết địch đã biết kế hoạch. Mặc dù bị áp lực từ mọi phía Giáp quyết định không “đánh nhanh”, kéo pháo lui quân vào ngày 26/01, và được Vi Quốc Thanh đồng ý(32).
Thực ra chiến thuật “Đánh chắc, tiến chắc” đã được chuẩn bị dùng làm kế hoạch B nếu chiến thuật đánh biển người (“đánh nhanh”) không ăn chắc 100%. Như thế đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” không nhất thiết mâu thuẫn với cố vấn của cố vấn quân sự Trung Quốc. Nhận định này cũng được Hoàng Minh Phương xác nhận trong bài “Về một cuốn sách xuất bản ở Trung Quốc viết về Điện Biên Phủ”, 14 trang, Tạp chí Xưa & Nay, số 3 (6/1994), Hội Sử học(33). Mặt khác, Hoàng Xuân Thuỷ, aide-de-camp của Tướng Giáp, trả lời phỏng vấn của Pierre Asselin ngày 19/09/1990 tại Sài Gòn đã cho biết, đa số các sĩ quan chỉ huy đơn vị ban đầu không đồng ý với “quyết định khó nhất đời” của Võ Nguyên Giáp, nhưng cuối cùng Bộ chính trị đảng Lao động Việt Nam đã tán thành(34).
Cũng cần ghi thêm, trong những ngày đầu tấn công Điện Biên Phủ, từ 13 đến 16 tháng 3, Võ Nguyên Giáp đã dùng chiến thuật biển người – một chiến thuật không có trong Binh thư Yếu lược hay Vạn Kiếp Binh thư nhà Trần hoặc Hổ trướng Xu cơ của nhà Nguyễn. Trong 4 ngày giữa tháng 3 đó, tổng số tổn thất của Việt Minh lên đến 9000 người, trong đó có 2000 bộ đội chết trận(35). Những thanh niên này, ngày nay, không thể tham gia vào cuộc tranh cãi để tuyên bố là họ đã chết vì “đánh nhanh” hay “đánh chắc”.
Quan hệ giữa ĐCVQS và cấp chỉ huy bộ đội Việt Minh
Vi Quốc Thanh.
Nguồn” OntheNet
Ngoài những đoạn viết để biểu dương tinh thần “vừa là anh em vừa là đồng chí”, tác giả các bài viết trong tập Hồi Ký còn có những phê bình về bộ đội Việt Minh.
Vi Quốc Thanh cho rằng “quân đội nhân dân nói chung không đề bạt cán bộ trong chiến sĩ, mà là tuyển dụng học sinh thanh niên,… phân phối về bộ đội làm cán bộ trung đội, đại đội.” Một tác giả tập Hồi ký, Vu Hoá Thầm, nói những cán bộ loại này nhiều “người không biết đánh giặc, không biết chỉ huy, ra trận nhút nhát, tham sống sợ chết” và được xếp vào “thành phần khá phức tạp” trong hàng ngũ cán bộ các cấp(36).
Độc Kim Ba viết
“Tôi phát hiện chức vụ cán bộ chỉ huy càng cao, càng không hiểu rõ tình hình chiến đấu cụ thể, họ có thể chỉ huy bộ đội khi tiếp cận địch, cũng có thể chỉ huy khi hai bên bắn nhau, một khi bắt đầu xung kích thì họ không hiểu tình hình”(37).
Cho rằng cán bộ chỉ huy của Việt Minh không biết đánh giặc, nhút nhát vì thuộc “thành phần khá phức tạp”, không thuộc thành phần cơ sở, hoàn toàn không phản ảnh đúng thực tế lúc bấy giờ. Thử nhìn qua một số cán bộ lãnh đạo của bộ đội Việt Minh trong thời chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
‒ Tổng tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Biên giới Hoàng Văn Thái, tên thật là Xiêm, con gia đình nông dân nghèo, 13 tuổi đã bỏ học đi làm thuê, cắt tóc. Đến 18 tuổi đi làm thợ mỏ ở Quảng Ninh rồi Cao Bằng(38).
‒ Chính ủy khu Tây Bắc, Bí thư Ban cán sự bộ đội tình nguyện vùng Thượng Lào, Chính ủy Đại đoàn 308, Bí thư Đại đoàn ủy Song Hào 19 tuổi đã hoạt động các mạng và cũng là nguời tổ chức hội Ái hữu thợ thêu(39).
‒ Đại đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Đại đoàn 308, Đại tá Vương Thừa Vũ theo cha sang Vân Nam từ nhỏ và sau làm thợ hỏa xa ở đó(40).
‒ Phó Chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, mồ cô cha từ bé, hoạt động cách mạng sớm; 17 tuổi đã là đảng viên cộng sản(41).
‒ Chính ủy Liên khu 3, kiêm Tư lệnh liên khu, Thường vụ Khu ủy Khu 3, sau chiến dịch Biên giới là Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn chủ lực 320 Văn Tiến Dũng sinh ra trong gia đình vô sản, mồ côi mẹ từ nhỏ. 15 tuổi mất cha giúp anh làm thợ may; 17 tuổi làm công nhân xưởng dệt. Hai mươi tuổi vào đảng(42).
‒ Phó Chính uỷ, rồi Chính uỷ Đại đoàn 351, 305, Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn Phạm Ngọc Mậu gốc nông dân, 20 là đảng viên cộng sản(43).
‒ Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn số 3 sau là Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn pháo binh 351 Doãn Tuế, 14 tuổi đã thoát ly gia đình đi lính khố xanh phục vụ trong pháo binh Pháp trước 1945.
Nhìn chung, cấp lãnh đạo bộ đội Việt Minh trong chiến tranh chống Pháp là người làm thuê, thợ may, thợ mỏ, thợ hoả xa, nông dân, thợ thêu, thợ dệt, lính khố xanh,.. đều thuộc thành phần cơ bản (công nông, nghèo hoặc vô sản). Trong đó cũng có một số, ít hơn, là ngoại lệ thuộc “thành phần khá phức tạp”. Thí dụ, Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt, con quan của triều đình nhà Nguyễn, Đại đoàn phó đại đoàn 308 Cao Văn Khánh tốt nghiệp cử nhân Luật và đi dạy học, hay Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng các Trung đoàn: Sơn La, Sơn Tây, quyền Khu trưởng Khu XIV, khu phó Liên khu X Lê Trọng Tấn con cụ đồ, học trò trường Bưởi, đá bóng và đi lính cho Pháp (hạ sĩ lính khố đỏ).
Tuy không nhắc đến đóng góp của ĐCVQS cũng như viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Pháp trong cuốn “Điện Biên Phủ” (Nxb Thế giới 1994) như Bob Seals ghi nhận, Võ Nguyên Giáp, theo lời kể của Vu Hoá Thầm, đã nói về Vi Quốc Thanh nhân dịp thăm vợ và con gái của Vi trong kỳ tham dự Á Vận hội Bắc Kinh tháng 9, năm 1990:
“…Khi đồng chí nói sắp rời Việt Nam, chúng tôi cùng nhìn lại công tác mấy năm qua, quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Đồng chí tặng tôi một bức hoành xinh đẹp ‘Gió đông đón khải hoàn’ vẫn treo trong phòng làm việc của tôi, người bạn tri kỷ nhất của tôi là đồng chí Vi Quốc Thanh”(44).
Khi phê bình lãnh đạo bộ đội Việt Nam các tác giả của tập Hồi Ký thường không nêu đích danh và chỉ dùng đại danh từ bất định.
“Lúc này có người lãnh đạo Việt Nam bàn tán rằng, nếu thừa thắng xốc tới đánh lấy Hà Nội thì tốt biết mấy! Có người nói đánh Hà Nội cần phải đánh sân bay Gia Lâm trước, đồng thời cắt đứt con đường của địch từ Hà Nội thông ra các cảng ven biển như Hải Phòng, v.v…”
Hay
“Phía Việt Nam có người lãnh đạo có tư tưởng kiêu căng mù quáng lại bộc lộ ra. Khẩu hiệu “tổng phản công” lại dâng cao, chủ yếu thể hiện trong việc lựa chọn hướng tác chiến tiếp theo”(45).
Trần Canh (c. 1950).
Nguồn” OntheNet
Tuy nhiên, trong cuốn Hồi ký Trần Canh – không được Nhóm biên tập Hồi ký chọn đăng – Trần Canh miêu tả Võ Nguyên Giáp là người “quay quắt, không chính trực và không lương thiện lắm” (slippery, and not very upright and honest)(46). Theo Trần Canh, có lần Giáp phàn nàn với Trần Canh về những phê bình của La Quý Ba về Giáp, nhưng khi La Quý Ba có mặt thì Giáp lại luôn tỏ vẻ chân tình và nồng nhiệt. Trần Canh viết,
“Khuyết điểm lớn nhất của người cộng sản Việt Nam là lo ngại người khác biết được chỗ yếu của mình. Họ không có tinh thần tự phê của người bônsêvíc.”
Theo Trần Canh, Giáp là minh chứng tiêu biểu nhất của khuyết điểm này(47).
Lời kết
Trong lịch sử ngàn năm trước hay ngay thời đương đại, quan hệ Việt–Trung lúc nào cũng là mối quan tâm của người Việt Nam, nhất là trước những đe doạ lớn đến chủ quyền và những thua mất tài nguyên đất nước trong thời gian gần đây dọc đường biên giới phía Bắc cũng như ở Vịnh Bắc Việt, cả vùng Biển Đông và trước mặt là mối cơ nguy môi sinh Tây Nguyên bị phá huỷ, và không xa lắm, dòng Cửu Long cạn nước.
Tập Hồi Ký này chỉ rõ một phần tư duy và cách ứng xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ban lãnh đạo nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc đối với đảng Lao Động Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong chiến tranh chống Pháp – hô hào tinh thần quốc tế chủ nghĩa không ngoài mục đích bảo vệ an ninh và nâng cấp quyền lợi riêng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tại sao lại có sự gạn lọc “Ghi chép thực về việc tham dự của Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc trong cuộc viện trợ Việt Nam Chiến đấu chống Pháp” của Nhóm biên tập về Lịch sử của Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam do nhà xuất bản Giải phóng Quân Nhân dân ấn hành năm 1990 tại Bắc Kinh thành “Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp” (Hồi ký của những người trong cuộc) do nhà xuất bản Lịch sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc phát hành năm 2002?
Chắc chắn, không ai hiểu người anh-em-đồng-chí cộng sản Trung Quốc hơn người cộng sản Việt Nam. Cuốn bạch thư Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua do nhà xuất bản ự Thật ấn hành tháng 10, năm 1979 tại Hà Nội là bằng cớ không thể tranh cãi.
Đã thế, tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam để mãi đến 2009 mới cho phép dịch Hồi ký sang tiếng Việt để “lưu hành nội bộ”?
Bìa Truyền Thông 32-33″ Hồ Chí Minh cùng Trần Canh bàn kế hoạch chiến tranh biên giới (1950). Nguồn:blog.udn.com
Đọc ký sự do cả hai bên ghi lại chuyện xảy ra 55 năm trước giữa những người anh-em-đồng-chí có “mẫu mực sáng ngời của Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản” không dễ. Người đọc cần phải có thái độ thận trọng dè dặt như, hay hơn cả khi đọc sách An Nam chí lược của Lê Tắc.
Âu đây cũng là một bài học lịch sử quý giá cho tất cả mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc.
Ngày 7 tháng 5, 2009.
Phụ đính ‒ Vài nét về một số nhà nghiên cứu đương đại về chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất
Đến đầu thập niên 1990 giới nghiên cứu phương tây đã có những biên khảo mới dùng tài liệu gốc của Trung Quốc.
CQY volume 230 Cover and Front matter | Cambridge University Press. © SOAS University of London 2017
Sớm nhất là một khảo luận 25 trang đăng trên The China Quarterly, số 133 tháng Ba, 1993 mang tựa đề Trung Quốc và cuộc chiến Đông Dương thứ nhất, 1950-54 (China and the First Indochina War, 1950-54) của Chen Jian. Tài liệu này đã được báo cáo tại Hội nghị thường niên lần thứ năm của Sử gia Trung Quốc tại Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 8, năm 1991 tại Đại học Clark.
Một tài liệu quan trọng khác là cuốn Trung Quốc và các cuộc chiến Việt Nam, 1950-1975 của Qiang Zhai (“China and the Vietnam Wars, 1950-1975”) do nhà xuất bản Đại học North Carolina phát hành năm 2000.
Sau đó vào năm 2001 Chen Jian viết cuốn Trung Quốc của Mao và Chiến tranh Lạnh, (“Mao’s China and the Cold War”) cũng do nhà xuất bản Đại học North Carolina phát hành.
Một nhà nghiên cứu tây phương về lịch sử Việt Nam cận đại là Christopher E. Goscha. Vài khảo cứu tiêu biểu của Goscha như Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950), Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, Numbers 1-2, pps. 59–103. © 2006 by the Regents of the University of California và Building force: Asian origins of twentieth-century military science in Vietnam (1905–54), Journal of Southeast Asian Studies, 34 (3), pp 535–560 October 2003. © 2003 The National University of Singapore.
Mark Atwood Lawrence, The First Vietnam War Colonial Conflict and Cold War Crisis, Fredrik Logevall. Nguồn: Harvard University Press (2 Mar 2007).
Gần đây nhất về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là cuốn Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất: Xung đột thuộc địa và khủng hoảng chiến tranh lạnh (“The First Vietnam War: colonial conflict and cold war crisis”), Mark Atwood Lawrence, Fredrik Logevall biên soạn và do nhà xuất bản của Đại học Havard phát hành năm 2007.
Trong cuốn The First Vietnam War vừa nêu có hai tác giả Mỹ gốc Á Châu. Một là Lien-Hang T. Nguyen (Nguyễn Thị Liên-Hằng) viết chương 3, tựa đề Sử gia về Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương thứ nhất (Vietnamese Historians and the First Indochina War). Hai là Chen Jian viết chương 12 mang tựa đề Trung Quốc và Thoả hiệp Đông Dương tại Hội nghị Geneva (“China and the Indochina Settlement at the Geneva Conference of 1954”).
Hai tác giả khai thác tài liệu gốc từ Trung Quốc nhiều nhất là Qiang Zhai và Chen Jian. Cả hai đều là giáo sư sử học tốt nghiệp cử nhân và cao học tại Trung Quốc và tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Giáo sư Chen hiện giảng dạy ở Đại học Cornell, NY. và Giáo sư Qiang ở Đại học Auburn Montgomery, AL., Hoa Kỳ.
Với khả năng Việt ngữ (và tiếng Thailand) Christopher Goscha sử dụng khá nhiều tư liệu từ Việt Nam trong các biên khảo về lịch sử và Đảng Cộng sản trong Phong trào Cộng sản quốc tế và Khoa học Quân sự Việt Nam. Được đào tạo tại các đại học Mỹ, Úc và Pháp, Christopher Goscha hiện là giáo sư khoa sử tại Đại học Québec ở Montréal, Canada.
Tác giả Nguyễn T. Liên-Hằng là phó giáo sư ban sử của Đại học Kentucky. Hiện nay Dr. Nguyen đang nghiên cứu về Lịch sử Quốc tế Chiến tranh việt Nam thời kỳ 1968-1973. Đây có lẽ là một trong những nhà nghiên cứu phương tây về lịch sử Việt Nam trong thế hệ trẻ nhất hiện nay.
Tuan Le chuyen