HOÀNG HẠC LÂU, THỰC ẢO VÀ BỐ CỤC ĐỘC ĐÁO
Giang Nam lãng tử
Cái ảo trong thơ
Người ta thường nói nhà thơ hay “mơ mộng”với ý diễu cợt lối sống lối cảm xa thực tế, viển vông. Người ta đã lầm lẫn giữa lối sống và lối tư duy thơ. Mơ mộng chính là lối tư duy thơ, tạo ra cái ảo trong thơ. Cái ảo gắn bó mật thiết với cuộc sống. Nghĩ cho cùng, cái ảo là phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Bản chất của cái ảo chính là tâm tưởng, chủ quan, tương phản bề ngoài với cái “hiện thực”.
Chúng ta thử đọc “Hoàng hạc lâu” theo cách xác định thực / ảo
Cảnh vật nào hiện trước mắt nhà thơ là cảnh “thực”, cảnh nào chỉ xuất hiện ở trong tâm tưởng, liên tưởng, tưởng tượng hoặc nhìn lầm gọi là cảnh “ảo”.
Hoàng hạc lâu
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút (cảnh ảo)
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi (cảnh thực)
Hạc vàng một lần đi, đi biệt (cảnh ảo)
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi (cảnh thực pha ảo)
Sông tạnh Hán Dương, cây sáng ửng (cảnh thực)
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời (cảnh thực)
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ? (cảnh thực pha ảo)
Khói sóng trên sông não dạ người (cảnh thực pha ảo)
(Khương Hữu Dụng dịch thơ)
Nào chúng ta thử theo gót thi nhân bước tới lầu Hạc vàng, theo sát từng cử chỉ của nhà thơ, qua từng câu một, xem sự thể và tâm trạng Thôi Hiệu ra sao.
Vừa bước chân đến lầu Hạc, nhà thơ chăm chú nhìn quanh xem hạc vàng có ở đó không và …không thấy hạc vàng, chỉ trơ cái lầu không…Nhà thơ chưa vội mất hi vọng, ông ngẩng đầu nhìn bầu trời, biết đâu hạc đang bay tới, sắp hạ cánh… Nhưng cũng chẳng thấy gì ngoài một đám bạch vân lơ lửng.
Đứng ngóng cổ mãi, mỏi mệt rồi, ông thất vọng, khẳng định não nề “Hạc vàng một lần đi, không trở lại” rồi. Chỉ còn “bạch vân” đồng cảm với ông, nó cũng đang thẩn thơ bay trên trời.
“Bạch vân thiên tải không du du” (Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi”. Thực tế là, đám mây trắng ấy chỉ tồn tại một ngày đêm, qua ngày sau sẽ là đám mây khác mới sinh.
Nhưng nhà thơ tưởng tượng (tin rằng) đám mây ấy đã sinh ra từ nghìn năm trước, từng đồng hành cùng hạc vàng trong chuyến đưa đạo sĩ Phí Văn Vi đến cõi Bồng Lai tiên cảnh (truyền thuyết). Đến nay nó (bạch vân nghìn năm trước) vẫn còn lững thững, thẫn thờ bay trên trời cao, cũng như Thôi Hiệu, nó ngóng chờ một chuyến hạc vàng đưa người khác nữa .“Bạch vân” đã được nhân cách hóa, trở nên một bạn đồng tâm đồng cảm với thi nhân, cùng mong ngóng hạc vàng trở lại. Thôi Hiệu đã sáng tạo một “nhân vật” tên là “bạch vân” cho đỡ cô độc, thật tuyệt vời lãng mạn phải không bạn?
Nhà thơ hạ tầm mắt, nhìn ra xung quanh lầu:
Sông tạnh Hán Dương, cây sáng ửng
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời
Đó là hai cảnh vật mà lúc mới tới ông không để tâm, bởi ông chỉ dõi tìm chim Hạc. Bây giờ ông mới chăm chú nhìn lại. Đó là hai cảnh đẹp, đầy sức sống như kêu gọi người thưởng thức. Giấc mơ thần tiên nhòa dần và tan đi trước cảnh sống thực ngan ngát bày ra trước mắt…
Trời đã về chiều, nhà thơ muốn quay trở về làng quê ông, nơi ông từ đó ra đi, định bụng một đi không trở lại. Có thể lúc đầu ông mất định hướng quê nhà khi đang ở một nơi xa xôi, lần đầu đặt chân tới (Ai cũng vậy cả).
Hoàng hôn về đó quê đâu tá ? Vượt ra ngoài cảnh hiện thực trước mắt, nhà thơ nghĩ về làng quê mình, ngơ ngác quay bốn hướng rõi tìm! Đây là cảnh ảo sinh ra trong trí tưởng tượng của nhà thơ…
Lòng buồn rười rượi, ông viết “khói sóng trên sông” khiến ông “buồn” (sử nhân sầu). Bạn đọc thông cảm với cách nói tránh né của nhà thơ. Chúng ta biết, vì thất vọng trên đường tìm đến cõi thần tiên nên nhà thơ buồn rầu, nhưng ông khó thừa nhận sự thật ấy. Vậy nên ông tạm thời quy lỗi cho “khói sóng” vậy.
2. Bàn thêm về bố cục (được coi là kết cấu đơn giản nhất của một tác phẩm nghệ thuật, nhìn qua biết liền. Ví dụ chương, hồi của tiểu thuyết Minh Thanh. Khổ thơ của bài thơ. Số chương của bản nhạc giao hưởng .v.v….). Một bài văn (tiểu luận) của học trò hay một diễn văn quan trọng cỡ như “Tuyên ngôn độc lập” đều có bố cục/ dàn bài 3 phần như nhau: Mở bài -Thân bài - Kết luận.
Bố cục bài thơ bát cú tuy gọi là 4 phần nhưng có thể sắp xếp lại thành 3 phần thôi . “Đề” tương ứng với “Mở bài”, “Thực” và “Luận” gom chung vào “Thân bài”, và “Kết” thì tương ứng với “Kết luận”. So sánh để thấy rằng “bố cục” của Bát cú rất hiện đại và cũng dễ hiểu. Tuy nhiên bố cục 4 phần của Đường thi có thể gây nhàm, trùng lặp giữa các bài thơ. Thực tế, các nhà thơ đều phá cách, tạo ra một kết cấu mới (bố cục mới) ẩn kín trong tác phẩm, không dễ nhìn ra ngay. Tóm lại, có hai bố cục song song tồn tại, một theo công thức, một là sáng tạo cá nhân… Đọc Hoàng hạc lâu có thể nhìn thấy được bố cục 04 phần theo công thức như đã trình bày ở trên, nhưng Lãng tử còn nhận thấy một kết cấu ngầm bên trong HHL đó là bố cục thực /ảo đan xen, liên tục. Đây là bố cục độc đáo làm nổi bật tâm trạng nhà thơ.
Thôi Hiệu đã phát minh một cấu trúc mới “Thực -Ảo” xuyên suốt cả bài thơ. Bố cục này chỉ rõ tâm trạng ngẩn ngơ giữa hai lựa chọn: đi tìm cõi thần tiên (ảo) hay là trở về thực tạ (thực) ?. Hẳn là, sau khi “giấc mộng hạc vàng” tan vỡ, Thôi Hiệu phải quay về chấp nhận thực tại chán chường dù ông không muốn.
Phụ lục
Dư âm của Hòang hạc lâu
1. Ca khúc THU, HÁT CHO NGƯỜI
Vũ Đức Sao Biển
(Nghe bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=g52MtLf9Dfg)
Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt,
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa ?
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ (*1).
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó (*2),
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm (*3) ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
(…)
Chù thích: Ca khúc của Vũ Đức Sao Biển vận dụng ba bài thơ:
*1: “Hoàng hạc lâu “ của Thôi Hiệu
*2: Bài thơ “Mối tình đầu” của Lưu Trọng Lư
*3: Bài thơ “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu
2. Nhà thơ Ngô Văn Tao viết bài thơ haiku bằng Hán tự:
Tương kiến hề! Cố nhân
Vũ khúc hoàn lai hoàng hạc khứ (*)
Hồng Lâu hoa táng lệ (**)
Nghệ sĩ Trịnh Công Sơn dịch thơ:
Còn đây lễ lạc con người
Vườn hoa, gác cũ lệ đời đã xa
(Hán tự hài cú, Ngô Văn Tao, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001)
Giang Nam Lãng tử dịch nghĩa:
Gặp lại nhau rồi, cố nhân ơi
Hạc vàng quay trở về nhảy múa,
Lệ chôn hoa rỏ đẫm chốn Lầu Hồng.
(Lãng tử chú thích: (*) Hoàng hạc lâu, (**): Tiểu thuyết Hồng lâu mộng
GNLT
http://bloganhvu.blogspot.com/2013/04/thuc-va-ao-trong-hoang-hac-lau-giang.html |
|
|
|