Ngô Thế Long
Trời Cam Ranh bây giờ mùa đông, mây trời xám thật buồn và thời tiết thì thật lạnh. Tôi ngồi đây, trong khu vườn nhỏ nhìn ra bầu trời mênh mông lòng không nguôi nghĩ đến những kỉ niệm của ngày xưa, một ngày cuối đông năm Quý Sửu cùng đồng đội chiến đấu trong trận HC HOÀNG SA. Vậy mà đến nay đã được 40 năm. 40 năm dài, lòng tôi đau đáu khi nghĩ về những đồng đội anh dũng, hào hung đã chiến đấu vì Tổ Quốc Việt Nam thân yêu – những người lính VNCH hết lòng vì Tổ quốc đánh giặc ngoại xâm.
Tôi còn nhớ, ngày ấy tôi là SQNV kiêm CTCT trên khu trục hạm Trần Khánh Dư- HQ-4. Đây được xem là chiến hạm hiện đại nhất của HQ/ VNCH bấy giờ. Khoảng trung tuần tháng Giêng-1974, chiến hạm tôi nhận lệnh đi tuần dương miền Trung. Khi tàu chúng tôi tiếp cận khu vực Hoàng Sa cùng HQ-10, HQ16,HQ5 thì biết rằng chiến sự sắp xảy ra với TC. Súng đã lên nòng, chỉ chờ giờ khai hỏa.
Tôi vẫn còn nhớ không khí chiến sự vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên phía VNCH cố giữ hòa khí, cố tránh xa va chạm. Song tàu của HQ TC thì luôn khiêu khích. Chúng tôi dùng ngôn ngữ Hoa, Anh cũng như quang hiệu, kì hiệu để báo cho phía Trung Quốc biết rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam chúng tôi, không được xâm phạm, nhưng phía Trung Quốc với hành động hiếu chiến, hung hãn, đã chẳng những không lùi mà còn lấn tới.
Tôi còn nhớ rất rõ, đêm đó, sau bữa cơm chiều vội vã, Trung Tá HT. Vũ Hữu San tập trung toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu lại và bằng giọng nói mạnh mẽ, cương quyết. Ông nói:” Đây là cuộc chiến mà chúng ta không chờ đợi, nhưng với sự hiếu chiến của quân thù, chúng ta phải cầm sung để bảo vệ hải đảo của quốc gia. Như các bạn đã biết, đất nước ta bao đời nay đã bị giặc Tàu ức hiếp, xâm lân bờ cõi nhưng dân ta đã một lòng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Đời nhà Trần vào thế kỷ XIII, người Việt Nam ta cũng đã phá tan giặc Nguyên bằng thủy quân và hôm nay, chúng ta sẽ đánh giặc TC lần đầu tiên bằng tàu sắt. Trong trận chiến hôm nay có thể tôi, các anh có thể ngã xuống nhưng quyết chúng ta không chịu lùi bước, chúng ta hãy cùng nhau một lòng đánh giặc”.
Đứng trước hàng quân bằng hào khí oai hung của một người tướng cầm quân ra trận, xem cái chết tựa lông hồng, Trung tá HT Vũ Hữu San dõng dạc đọc lên bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão- một danh tướng đời Trần- 1 trều đại oai dùng đã 3 lần đánh giặc xâm lược Nguyên-Mông.
“ Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.
Bài thơ được đọc lên với niềm cảm xúc dâng tràn, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn hình dung được hào khí ấy vẫn còn sôi sục trong huyết quản của tôi.
Suốt đêm 18/1/1974, tôi được HT chỉ thị cho mở phóng thanh lien tục với các bài hùng ca :” Tiếng sóng Vân Đồn” và “ Bạch Đằng giang”. Lời bài hát nay vẫn còn vang vọng trong tôi:”… Đây Bạch Đằng giang song hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống oai hùng Nam-Bắc-Trung…”
Tiếng hát đã làm dậy sóng những tâm hồn trẻ của những chàng trai Việt chúng tôi, làm chí khí chiến đấu trong chúng tôi càng thêm sôi sục. Bởi vì chúng tôi biết rằng trận đánh này mang một ý nghĩa cao cả, đó là chống kẻ thù xâm lược.
Hôm nay ngồi ôn lại quá khứ với hoài niệm chưa chan- 40 năm đã trôi qua; đồng đội tôi ngày ấy kẻ còn người mất, phiêt bạt bốn phương trời. Lòng tôi luôn có một nỗi cảm hoài tiếc thương cho 74 đồng đội chiến sĩ HQ Quân đội VNCH đã hy sinh để bào vệ Tổ quốc, các anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả mênh mông.
Cá nhân tôi bây giờ đã bước vào tuổi “ xưa nay hiếm”. Cái tuổi mà Khổng Tử nói “ Sở dục bất du củ” ( ý muốn không ra ngoài khuôn phép) nhưng vẫn muốn rằng: trận chiến Hoàng Sa chống Trung Quốc năm xưa hãy được đưa vào lịch sử- hãy vinh danh những người lính đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc, để lịch sử vẻ vang ngàn đời chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.
Sắp đến ngày kỷ niệm trận HC Hoàng Sa, báo chí trong vào ngoài nước nhắc nhở nhiều đến sự kiện vẻ vang này làm tôi lại nhớ đến ngày xưa.
– Ngày xưa của một thời tuổi trẻ vàng son. Tôi lại nhớ đến các anh. Các anh ơi-xin hãy yên nghĩ, toàn dân Việt Nam ngàn đời nhớ thương các anh.
NGÔ THẾ LONG
Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4