"Trong lúc người dân không muốn nhìn mặt nhiều người còn sống thì Bộ VH-TT-DL lại cấm nhìn mặt người đã chết! Thật là đi ngược trào lưu của "nhân loại tiến bộ".
|
Thái độ dứt khoát! |
(Xung quanh việc NSUT Kim Chi từ chối bằng khen của Thủ tướng)
BVB – Khi thấy sự xuất hiện của một vài đồng chí X,Y,Z trên màn hình là mấy bà hàng xóm quanh tôi có thói quen lập tức bấm chuyển kênh, không muốn nhìn mặt những vị mà họ hết tín nhiệm, không muốn nghe. Ấy vậy mà vừa rồi Thủ tướng lại ký một “Nghị (bất) định”, được Bộ VH-TT-DL diễn ra quy định không cho người thân nhìn mặt người chết (trừ quốc tang - ông nhớn). GS. Trần Hữu Dũng: "Trong lúc người dân không muốn nhìn mặt nhiều người còn sống thì Bộ VH-TT-DL lại cấm nhìn mặt người đã chết! Thật là đi ngược trào lưu của "nhân loại tiến bộ".
Không chờ đến đầu năm 2012, mà từ nhiều năm trước, sụ nhạy cảm, óc thường trực phản biện, ý thức cảnh giác trong lòng nhân dân đã rất dị ứng với những vị ở một số cương vị lãnh đạo không NVL (- nói và làm - Nguyễn Văn Linh), nói hay nói giỏi, hứa ngon dụ ngọt mà không làm hoặc làm ngược lại. Nam bộ qọi là “ba xạo, cà chớn cà nhum, ăn nói tùm lum”. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi từ chối không nhận bằng khen của Thủ tướng là sự tỏ rõ thái độ thực lòng và kiên quyết với những giá trị ảo, không đích thực. Một phản ứng quay lưng rất “quyết liệt”, một cú bất ngờ đánh đầu đẩy bóng ra…Có những chính khách, những nghệ sĩ được người đời ngưỡng mộ, họ đem sổ tay đến và trân trọng xin chữ ký. Nhưng có những chữ ký người ta không muốn nhìn, mà nếu để trong nhà thì ...xui xẻo lắm!
* * *
* GS Nguyễn Huệ Chi: Nói thật, xưa nay, trong mắt của nhiều người, vẫn coi văn nghệ sĩ là đám háo danh, nhiều khi chỉ vì cái danh hão mà khom lưng quỳ gối trước mọi thứ, đặc biệt là trước quyền lực. Người ta vẫn kể cho nhau nghe nghệ sĩ nọ chạy vạy để được giải thưởng, nhà thơ kia luồn lách bằng đầu gối để được kết nạp vào hội kia. Trong bối cảnh như vậy, việc NSUT Nguyễn Thị Kim Chi từ chối bằng khen của thủ tướng quả là một chuyện “xưa nay hiếm”.
Không những từ chối, chị còn tuyên bố rõ ràng: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Xin lỗi chị, tôi và những người thuộc lớp hậu sinh, không rõ lắm những cống hiến trước đây của chị, thậm chí không từng nhớ là chị đã từng đóng những vai nào trong những phim nào. Nhưng với hành động hôm nay, chị đã dạy cho chúng tôi một bài học về lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính. Người có lòng tự trọng thời nào cũng hiếm, đặc biệt thời này lại càng hiếm.
Trong bối cảnh giả dối tràn lan, cái ác tràn lan, sự vô liêm sỉ tràn lan như một căn bệnh trong xã hội thì hành động của chị chẳng khác nào một lời tuyên chiến. Trả lời BBC, chị cho rằng mình có thể bị phiền hà, bị gây khó dễ, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng vì hành động của mình, nhưng chị không sợ.
Đến đây, tự dưng tôi nhớ đến “Thất trảm sớ” của thầy giáo Chu Văn An ngày trước. Hai hành động khác nhau nhưng cùng thể hiện cốt cách của kẻ sĩ, của người trí thức trước cuộc đời. Quả thật, cuộc đời vẫn còn có người tốt và vẫn còn những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta phía trước, miễn là chúng ta dám đứng thẳng trước cường quyền.
* Ba Sàm: Những cái chết như của BS Thùy Trâm và nhiều người khác có vô ích hay không? Có lẽ đến thập niên đầu của thế kỷ XXI này, các câu hỏi đại loại như trên dần dần tích tụ lại, đang trở thành một băn khoăn quặn lòng lúc nào cũng mơ hồ đặt ra trong tâm trí những người đã từng sống hết mình cho một quá khứ mà họ tin là tốt đẹp. Hành động mới đây của nghệ sĩ điện ảnh ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi là câu trả lời sáng rõ nhất: nếu ta đã sống, đã hành động với tất cả niềm tin trong sáng và giữ được đến cuối đời phẩm chất lương thiện của mình, thì sự đổ vỡ của cái hiện thực mà mình từng dâng trọn niềm tin chỉ có ý nghĩa của một bi kịch chứ không bao giờ là hài kịch. Mà đối với bi kịch, phẩm giá con người chỉ càng được tôn lên chứ không bao giờ bị hạ thấp xuống. “Không nghi ngờ gì nữa, bi kịch là một điều gì đó của CÁI ĐẸP, khi chính nó bị đụng chạm ghê gớm” (La tragédie, sans doute, est quelquechose de beau quand elle est bien touchée – Molière).
* Sao Hồng: Nó vạch trần, bằng hình ảnh tương phản bi hài giữa tư cách của kẻ ban ơn, khen tặng người xứng đáng được khen, về sự nguy hại của cả một hệ thống khổng lồ được gọi là “thi đua khen thưởng” đã bị lạm dụng, biến thái cao độ, dùng chính tiền của người dân để tạo ra môi trường sống cho bầy sâu mọt, cho thói đạo đức giả, thói háo danh, làm băng hoại đạo đức toàn xã hội với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Nó giáng xuống đúng lúc người ta vừa cố diễn màn tấu hài, vội vã gắn huy hiệu 65 tuổi đảng cho Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tại giường bệnh trước khi ông lìa đời đúng một ngày.
Cuối cùng, nó góp phần thức tỉnh giới văn nghệ sĩ đang “sống trong sợ hãi” và danh lợi, các đấng nam nhi, hãy bằng tri thức và tiếng tăm của mình, nói thay, dẫn dắt dân chúng cùng lên tiếng, thức tỉnh những người cầm quyền, rằng thời cơ đã đến rồi, hãy biết sám hối bằng quyết tâm tự gột rửa, hành động vì dân, vì nước, trước khi quá muộn.
* Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Một tập thể lãnh đạo đầy quyền lực của một đất nước có thể không kỷ luật nỗi một cá nhân “làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân”.
Nhưng một “Nghệ sỹ cộng sản chính hiệu” với “trái tim của một người cộng sản” có thể đã khơi nguồn cảm hứng cho một trào lưu trong mọi tầng lớp nhằm tẩy chay (và bất tín nhiệm) những lãnh đạo đã, đang và sẽ làm giàu cho “nhóm lợi ích”, dòng họ gia đình của mình mà “làm nghèo đất nước và làm khổ nhân dân” !
Chị Kim Chi. Chị đáng kính trọng hơn biết bao thằng đàn ông vừa hèn vừa nịnh, chúng có tất cả trừ nhân cách.
Theo Nguyễn Văn Thiện (quechoa)