Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, không có mấy biểu hiện rằng chính phủ Syria đang tuân thủ kế hoạch hòa bình, chấm dứt bạo lực.
Sau khi họp với Hội đồng Bảo an, ông Ban cảnh báo rằng nguy cơ nội chiến ở Syria đang hiện hữu và tình hình có thể leo thang chuyển sang chiến sự.
Thế nhưng ông nhấn mạnh rằng kế hoạch hòa bình mà đặc phái viên LHQ Kofi Annan đề ra vẫn "là trọng tâm chú ý của chúng ta".
Bình luận của ông Ban Ki-moon được đưa ra sau khi có tin rằng 78 người bị sát hại ở miền trung Syria.
Các nhân vật đối lập cáo buộc rằng vụ sát hại dân làng Qubair là do quân chính phủ thực hiện nhưng chính quyền nói đây là bàn tay của "quân khủng bố".
Các điều phối viên LHQ đang tìm cách tới làng này, chỉ vài sau khi ngớt tiếng súng. Ông Ban cho hay không ai trong số họ hề hấn gì.
Trước đó ông tổng thư ký cũng đưa ra một số trường hợp khi quan sát viên LHQ suýt thì bị thương. Ông nói hỏa lực nặng đã nã xuống gần một đoàn tuần tra và đạn chống chiến xa đã trúng vào ít nhất một chiếc xe.
Liên Hiệp Quốc có 297 quan sát viên không được trang bị vũ khí hoạt động tại Syria để kiểm chứng việc thực hiện kế hoạch hòa bình mà ông Annan làm trung gian. Trong đó có việc ngừng bắn mà theo lịch đáng ra phải diễn ra từ giữa tháng Tư.
Quân sự hóa tình hình
Ông Ban Ki-moon đã phát biểu tại một cuộc họp báo chung với ông Annan và Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập Nabil al-Arabi, tổ chức sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an về cuộc khủng hoảng Syria.
Ông tổng thư ký nói: "Nguy cơ của một cuộc chiến tranh quy mô đang hiện hữu".
Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an cất tiếng "nói cùng một giọng".
"Nguy cơ của một cuộc chiến tranh quy mô đang hiện hữu."
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Ông Ban cảnh báo rằng tình trạng bạo lực gần đây ở Syria "có thể dẫn tới tội ác chống lại loài người".
Trong khi tái khẳng định rằng LHQ cam kết ủng hộ kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Kofi Annan, ông nói cần có các cuộc hội đàm khẩn cấp để làm sao thúc đẩy kế hoạch này.
Lời ông Ban được ông Annan lặp lại, trong khi cảnh báo rằng "việc quân sự hóa xung đột có thể dẫn tới hậu quả bi thảm".
Các cuộc thảo luận mới nhất tại Hội đồng Bảo an đã cho thấy sự chia rẽ trong các thành viên.
Hoa Kỳ yêu cầu phải có hành động dứt khoát, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn phản đối can thiệp từ bên ngoài.
Tranh cãi về Iran
Tại cuộc họp báo, ông Kofi Annan cũng xác nhận rằng đang có thảo luận về việc hình thành một nhóm liên lạc bao gồm các quốc gia chủ chốt để giải quyết khủng hoảng Syria.
Ông nói nhóm này sẽ tăng áp lực lên cả chính quyền Bashar al-Assad lẫn phe đối lập nhằm buộc các bên tuân thủ kế hoạch hòa bình.
Các phóng viên cho rằng ý tưởng kết nạp Iran vào nhóm liên lạc này có thể gây ra tranh cãi mới.
Tuy ông Annan bày tỏ hy vọng rằng Iran sẽ có vai trò trong quá trình tìm giải pháp, Mỹ và Anh trước đó đã phản đối sự tham gia của Tehran.