CHỈ LÀ PHẢN CẢM THÔI, HAY CÒN VI HIẾN VÀ PHẠM PHÁP?
Báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua đưa tin rằng theo điều tra riêng mà báo này thực hiện, gần đây hàng chục phạm nhân thụ án tại trại giam Z30A (còn gọi là trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai) đã được đưa đi “lao động” ngay tại công trình xây biệt thự của đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam, nằm trên mặt tiền đường Hồ Thị Hương nối dài (khu phố 2, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai).
Phóng viên của báo đã đến gặp và hỏi đại tá Hồ Phi Thắng, ông thừa nhận việc đưa phạm nhân đi ra làm phụ hồ ở căn biệt thự của mình là ... phản cảm. “Anh em thấy tôi sắp về hưu nên đưa phạm nhân ra phụ giúp,” theo lời ông Thắng. Một lãnh đạo của Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an) khi được hỏi cũng bảo rằng điều đó là sai nguyên tắc và phản cảm.
Sự việc trên thật ra là chuyện thường ngày ở tất cả các trại giam trên đất nước này. Không chỉ cán bộ cấp giám thị, mà mọi cán bộ có chức vụ trong trại giam, đều luôn trục lợi từ nguồn lao động không công của các tù nhân. Sự trục lợi đó vẫn luôn diễn ra, chứ không chỉ chờ đến lúc sắp nghỉ hưu mới tranh thủ.
Từ ngày đầu bước chân vào tù cho đến ngày cuối cùng bị giam cầm, tôi đều phải chứng kiến tình trạng cưỡng bức lao động trên thân xác của tù nhân. Nó đương nhiên đến nỗi từ tù nhân đến cán bộ quản giáo đều luôn miệng bảo nhau: "Nước sông, công tù!" Nước múc từ sông có tốn xu nào đâu mà dại gì không mang về dùng? Công tù có khác gì nước sông?
Lao động không công của tù nhân mang lại lợi ích kinh tế to lớn như thế cũng chính là lý do vì sao nhiều năm trước kế hoạch chuyển giao chức năng quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp để tuân theo chuẩn mực quốc tế đã từng được mang ra bàn thảo, nhưng thất bại. Bởi lẽ làm sao Bộ Công an có thể chấp nhận vuột mất miếng ăn bổ béo này vào tay bộ khác?
Xét về phương diện pháp lý, lao động tù là hình thức bị nghiêm cấm và lên án theo luật pháp các nước trên thế giới, sau lao động trẻ em. Phạt lao động công ích tuy được chấp nhận, nhưng bị giới hạn trong một số trường hợp và phạm vi cụ thể do luật pháp quy định rõ ràng. Hành vi cưỡng bức lao động tù cũng bị luật pháp của Việt Nam nghiêm cấm và trừng trị.
Khoản 3 Điều 35 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: "Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động [...]."
Khoản 1 Điều 283 của Bộ luật Hình sự về "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định như sau: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm."
Các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều 283 quy định thêm về tình tiết tăng nặng của tội phạm này và hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan trong một số trường hợp cụ thể.
Quy định của Hiến pháp và Bộ luật Hình sự rõ ràng như vậy, nhưng hàng chục năm nay (từ khi có thể chế cộng sản ở nước này) tình trạng "nước sông công tù" vẫn ngang nhiên tồn tại một cách nghiễm nhiên. Bây giờ báo chí đặt thành vấn đề, họ cũng chỉ xem đấy là "phản cảm" hoặc cùng lắm là "sai nguyên tắc" mà thôi. Nói cách khác, chưa bao giờ các quan chức công an ý thức được đó là hành vi bị Hiến pháp nghiêm cấm và luật pháp trừng trị, nói chi đến việc biết tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của tù nhân.
Tuổi trẻ
06/08/2016 09:19 GMT+7
TTO - Nhiều ngày qua, hàng chục phạm nhân thụ án tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai đã được đưa đi “lao động” ngay tại công trình xây biệt thự của đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam này.
Vụ việc gây bức xúc dư luận được người dân phản ảnh đến Tuổi Trẻ.
Sau khi ghi nhận toàn bộ vụ việc, ngày 5-8 PV Tuổi Trẻ đã đến gặp đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam trại giam Z30A (còn gọi là trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai).
Ông Thắng thừa nhận việc đưa phạm nhân đi ra làm phụ hồ ở căn biệt thự của mình là... phản cảm. “Anh em thấy tôi sắp về hưu nên đưa phạm nhân ra phụ giúp” - ông Thắng nói thêm.
Gần 20 phạm nhân phụ hồ cho biệt thự
Trước đó từ thông tin của người dân, ngày 4-8 PV Tuổi Trẻ đã chứng kiến nhiều phạm nhân được trại Z30A đưa đi làm phụ hồ ở căn biệt thự của ông Thắng nằm trên mặt tiền đường Hồ Thị Hương nối dài (khu phố 2, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai).
Qua xác minh, ngôi biệt thự nằm trong khu đất rộng hàng trăm mét vuông, phần thô của căn nhà cơ bản gần hoàn chỉnh.
Tại công trình ngoài những công nhân xây dựng, có gần 20 người mặc đồ phạm nhân (áo sọc trắng - xanh) đang phụ hồ. Gần công trình đang thi công có một chiếc xe tải chuyên dụng chở những phạm nhân.
Đến chiều 4-8, PV Tuổi Trẻ chứng kiến nhóm phạm nhân làm phụ hồ ở căn biệt thự được cho leo lên xe chuyên dụng đưa về trại giam.
Theo một số người dân sống gần khu vực căn biệt thự đang xây, phạm nhân đã được đưa đến căn biệt thự làm phụ hồ và giúp việc cho gia chủ khoảng 10 ngày qua. Công việc của phạm nhân chủ yếu phụ cho thợ thi công phần tường rào và các hạng mục phụ xung quanh căn biệt thự.
“Việc làm tình nghĩa”
Khi PV Tuổi Trẻ đề cập cụ thể về chuyện đưa phạm nhân đi thi công biệt thự, đại diện UBND phường Xuân Hòa cho biết công trình này có đầy đủ giấy phép xây dựng.
Riêng chuyện chủ nhà gọi ai vào xây thì địa phương không thể can thiệp được, nhưng gọi phạm nhân đi phụ hồ như thế là “rất phản cảm” và không biết phạm nhân của đơn vị nào quản lý.
Còn trả lời Tuổi Trẻ về việc “Bộ Công an có quy định nào cho phép đưa phạm nhân ra làm phụ hồ thế này hay không?”, đại tá Hồ Phi Thắng thừa nhận: “Chưa có quy định nào dẫn phạm nhân ra phục vụ hay ký kết hợp đồng với nhà thầu đi xây dựng các công trình ngoài đơn vị”.
Đại tá Thắng nói: “Anh em thấy tôi cống hiến với ngành nên đưa phạm nhân ra phụ giúp, xem đó như là tình nghĩa với tôi”.
Đại tá Thắng còn giải thích trong quá trình công tác tại trạm giam Xuân Lộc, ông đã có một căn nhà gần đơn vị nhưng không muốn vướng bận gì thêm nên mua miếng đất diện tích 200m2 ở thị xã Long Khánh để chuyển toàn bộ gia đình qua đó ở và làm vườn lúc nghỉ hưu.
“Nghe PV báo Tuổi Trẻ hỏi chuyện phạm nhân được đưa ra làm phụ hồ ở biệt thự của tôi thì tôi nhận thấy phản cảm nên không cho phạm nhân ra nữa” - đại tá Thắng nói thêm.
Sai nguyên tắc và phản cảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an) cho biết trong chương trình cải tạo tại các trại giam có nội dung dạy nghề cho phạm nhân.
Trong quá trình dạy nghề, các trại giam có thể tổ chức đưa phạm nhân đến làm tại một số công trình xây dựng để có thực tế, nâng cao tay nghề và được va chạm cuộc sống.
Tuy nhiên việc này cũng rất hạn chế và khi tổ chức phải làm theo các nguyên tắc, đúng quy trình nghiêm ngặt.
“Khi đưa phạm nhân ra ngoài phải theo kế hoạch, phải báo các cơ quan cấp trên và khi có sự đồng ý thì mới được làm. Trong quá trình phạm nhân làm việc tại các công trường thì lực lượng chức năng phải tổ chức giám sát chặt chẽ, công tác an ninh được thắt chặt...” - vị lãnh đạo này nói.
Đề cập đến trường hợp cụ thể của đại tá Thắng, lãnh đạo Tổng cục VIII cho rằng việc đưa phạm nhân đến xây nhà riêng của giám thị trại là sai nguyên tắc và phản cảm.
Trong các văn bản, thông tư liên quan đến quản lý phạm nhân quy định rõ việc đưa phạm nhân ra khỏi trại giam phải theo kế hoạch, chứ giám thị không được tự ý điều động phạm nhân đến xây nhà riêng của mình.
“Việc đưa phạm nhân đến các công trường xây dựng để có thực tế và nâng cao tay nghề nếu có theo kế hoạch cũng rất hạn chế, thường thì thi công các công trình nhà nước, các công trình của chính trại giam mà họ đang cải tạo.
Mặt khác, việc đảm bảo an toàn cho chính phạm nhân, đảm bảo không mất an ninh trật tự nơi thi công các công trình cũng cần chuẩn bị kỹ."
"Nếu điều động phạm nhân đến xây nhà như vậy mà để xảy ra sự cố phạm nhân bỏ trốn hoặc tai nạn lao động thì giám thị đó phải chịu trách nhiệm lớn” - lãnh đạo Tổng cục VIII nói.
Yêu cầu giám thị tường trình
Đại tá Hồ Phi Thắng còn nói: “Trường hợp riêng tôi, anh em thấy tôi đã cống hiến ở đơn vị gần 40 năm và sắp về hưu rồi (tháng 10-2016) nên mới linh động dẫn một số phạm nhân ra phụ giúp, dọn sơ quanh công trình trong một hai ngày để kịp chuyển qua ở, chứ không hề có chuyện bắt phạm nhân xây như mọi người nghĩ”.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chiều 5-8 lãnh đạo Tổng cục VIII đã liên hệ với trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) yêu cầu báo cáo vụ việc.
Tổng cục đã yêu cầu ông Thắng chấm dứt ngay việc để phạm nhân đến thi công tại nhà riêng, đồng thời cũng yêu cầu giám thị trại giam này phải làm tường trình về vụ việc.