Tôi với Thạnh có nhiều liên hệ:
1. Bạn cùng khóa
2. Người cùng quê
3. Thạnh là em rể, chồng của cô em con ông Chú
Tất nhiên thời gian còn ở trường chúng tôi chỉ có một liên hệ là cùng quê, nhưng tôi lại sinh sống trong Nam từ lâu nên khônh hề quen nhau, còn em rể thì sau này mới có. Khi ra trường hai đứa phục vụ hai binh chủng khác nhau: Tôi Thiết Giáp, Thạnh không Quân, nên hầu như không hề gặp nhau mà chỉ biết tin Thạnh qua cô em gái.
Tôi và đơn vị bị kẹt lại tại cửa biển Thuận An, mãi đến ngày 26 tháng 3 năm 1975 tôi mới tuyên bố giải tán đơn vị và nhờ vài thuộc cấp từng làm nghề biển giúp đưa ra khơi để lên tàu. Sáng ngày 28 tháng 3 vào tới Đà Nẵng với muôn vàn hỗn độn. Tôi dùng xe Honda chạy quanh, vừa tìm kiếm thân nhân thất lạc, vừa xem có cách nào cùng gia đình thoát vào Nam.
Đến trước mặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I tôi gặp Đỗ Thạnh chạy chiếc Lambretta ngược chiều, chúng tôi đều ngừng lại. Tôi hỏi Thạnh
– Sao nghe mày đã vào Sàigòn rồi mà lại ở đây?
– Tau trở ra rước bà Ngoại
Rồi Thạnh để xe nhào nghiên giữa đường, đến cạnh tôi nói một hơi dài nghiêm trọng
– Mày biết không, nội ngày mai Việt Cộng sẽ đến đây, bọn mình chỉ có
nước hoặc phải thoát hay phải chết. Chiều nay tau vào lại Sàigòn. Máy
bay tau hiện đang ở trong phi trường, có thể gắng chở thêm hai chỗ, ngay
bây giờ mày trở về đem chị cùng vào phi trường với tau. Chị giờ đang ở
đâu?
– Ở nhà tau, bên kia cầu.
Gặp lúc đang bối rối không biết cách gì đưa gia đình đi trong khung
cảnh vô cùng hỗn độn của một thành phố bỏ ngỏ không chính phủ, quân đội
không có cấp chỉ huy. Có máy bay của Thạnh trong lúc này như được phao
lúc chìm thuyền, nhưng tôi phân vân hỏi Thạnh
– Mày có thể đèo 3 chổ được không?
Thạnh trả lời dứt khoát
– Chỉ 2 chổ là quá trọng tải rồi,
– Vậy thì tau không đi được, vì giữa Mẹ và Vợ, tau không để ai lại được cả.
Thạnh góp ý
– Bác già rồi, ở lại không sao đâu, để giải quyết sau, mày và chị đi trước đã.
– Thôi cám ơn máy, tau không đành làm việc đó, hơn nữa tau cũng đang tìm cách, biết đâu gặp hoàn cảnh tiện lợi hơn, thôi mày đi trước đi
Vừa nói xong, đột nhiên Thạnh ôm chầm lấy tôi làm chiếc Honda muốn nhào xuống đất, và khóc thật nghẹn ngào.
– Lúc này tau chẳng biết phải làm sao, thôi mày cố gắng tìm cách đưa gia đình đi nhé, không biết bao giờ mới gặp lại mày.
Đúng như lời Thạnh nói, ngày 29 tháng 3, Việt Cộng vào Đà Nẵng, tôi và gia đình bị kẹt lại. Vào tù từ ngày 4 tháng 4 năm 1975, gặp người cậu của vợ Thạnh ở cùng trại, anh cho biết máy bay của Thạnh đã bị pháo chay trước khi cât cánh. Thạnh đã chết cùng với một người bạn là Trung Úy Không Quân
Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ những giọt nước mắt cuối cùng của Thạnh, ngoài tình cảm gia đình, bạn bè, còn là một điềm báo trước. Thạnh sẽ trở về với cát bụi.
Trần Cảnh