Khởi hành hôm 18/11 vừa qua từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, trong 21 ngày đoàn xe lửa đã chạy qua 8 nước trong đó có Nga, Ba Lan, Đức và Pháp, thực hiện một hành trình đường sắt dài nhất thế giới.
Sự kiện kết nối giao thông này mang ý nghĩa quan trọng cho việc triển khai chiến lược « mở một con đường tơ lụa mới » mà Bắc Kinh muốn hướng tới phương tây, theo như phát biểu của lãnh đạo tỉnh Chiết Giang trong buổi lễ long trọng đón tàu đến tại Madrid.
Trung Quốc đã nối nhiều tuyến vận tải đường sắt trực tiếp và thường xuyên với nước Đức. Đó là các tuyến từ thành phố Trung Khánh (miền trung Trung Quốc ) tới cảng Duisbourg ở phía tây nước Đức, hay tuyến từ Bắc Kinh đi Hambourg.
Theo công ty Euro Cargo Rail, chi nhánh của tập đoàn vận tải đường sắt Đức DB Shenker Rail, nếu kết quả của chuyến tàu thử nghiệm này tích cực, thì ngay đầu năm tới hành trình nối với Trung Quốc sẽ được thực hiện đều đặn với 2 chuyến quay vòng mỗi tháng.
Đoàn tàu chở 40 toa container hàng, trên hành trình đã dỡ bớt 10 toa hàng. Tàu chở đến châu Âu những hàng hóa phục vụ Noel gia công tại tỉnh Chiết Giang. Chuyến quay về, tàu sẽ chuyên chở các mặt hàng như rượu vang, dầu ô-liu, thịt jambon của Tây Ban Nha về Trung Quốc phục vụ dịp đón năm mới.
Hiện tại khoảng 80% hàng hóa buôn bán trên thế giới được chuyên chở qua đường hàng hải, vận tải đường sắt quốc tế vẫn gặp phải nhiều trở ngại do quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật ở mỗi nước khác nhau.
Tuy nhiên, đường sắt vẫn là loại hình vận tải mang lại lợi nhuận cao, sạch và hiệu quả hơn so với vận tải hàng không hay đương biển. Nếu vận chuyển bằng đường biển giữa hai thành phố Trung Quốc và Tây Ban Nha thường phải mất gấp đôi so với thời gia dùng đường sắt.
RFI