Cuộc sống không ngừng chuyển động, mọi thứ đều có thể được thay thế bằng cái mới. Nhưng có hai từ không bao giờ thay thế được trong mỗi con người khi nói về nó: làng tôi!
Cuộc sống không ngừng chuyển động, mọi thứ đều có thể được thay thế bằng cái mới. Nhưng có hai từ không bao giờ thay thế được trong mỗi con người khi nói về nó: làng tôi!
Vỡ lòng
Tôi học lớp vỡ lòng với hai thầy, thầy Võ Trọng Cương và thầy Nguyễn Đởm, hai thầy ở hai nơi khác nhau. Thầy Cương ở Lộc An, thầy Đởm ở chợ Tréo. Hồi đó ai đặt tên vỡ lòng nghe hay thiệt.
Lớp học trong đình làng Lộc An. Trước đình là đồng chiêm trũng của huyện Lệ Thủy. Học trò kê bất cứ thứ gì để ngồi, viết trên tấm ván thuyền đã mục làm bàn. Lúc đó thầy Cương đã già, thế mà đến khi tôi đi bộ đội thầy vẫn còn dạy vỡ lòng.
Thầy không thuộc biên chế, dạy ăn điểm của hợp tác xã. Mỗi ngày thầy được 6 điểm (người đi làm mỗi ngày 10 điểm gọi là một công) dù thầy dạy hai buổi, hai lớp, lớp Lộc An hạ và Lớp Lộc An thượng. Thầy lại khá vụng, không biết làm gì ngoài dạy học, thế nên nhà thầy nghèo vào diện nhất làng.
Thầy Cương viết chữ rất đẹp nên sau này, học trò học lên, đứa nào từng học với thầy chữ cũng hao hao nhau, nói chung là từ khá đẹp đến rất đẹp.
Thầy nghiêm lắm. Đứa nào không thuộc bài đều bị quỳ trên đá tổ ong. Tôi hay viết tay trái nên bị quỳ mãi. Hết quỳ, cầm bút lại viết tay trái. Thầy cầm thước khẻ vào tay thì chuyển qua tay phải, thầy đi lại chuyển qua tay trái. Lâu quá thầy nản nên kệ.
Hồi đó thầy dạy trò bằng roi, bằng thước là chuyện bình thường, không ai đưa lên mạng như bây giờ.
Thầy hay sáng tác ra những bài hát để học trò nhớ chữ, bây giờ thấy ngô ngô nghê nghê, nhưng lúc đó chúng tôi hát say sưa:
O tròn như quả trứng gà/ Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu...
Hay: Anh em i, tờ (t)/ Bên anh cao tờ/ Này em có móc đứng
song/ Này em i ngắn/ Bên anh cao t/ i chấm trên đầu tờ có ngang...
Thầy giỏi tiếng Pháp nên mỗi khi tức quá, quát học trò thầy quên mất, cứ xổ tiếng Pháp ra, đến mức sau đó tụi học trò chửi nhau cũng bằng...tiếng Pháp.
Mỗi lần thầy có việc, như đi ăn kỵ chẳng hạn, thầy lại giao lớp cho tôi, dặn, trò Thịnh phải cho các bạn đọc đến thuộc hai bài này rồi tập viết 2 trang chữ "học thuộc bài".
Một lần thầy đi ăn kỵ về, thằng Trường giơ tay nói thưa thầy, lúc nãy thằng Thịnh hắn viết tay trái. Thầy bắt tôi đặt tay trái lên bàn khẻ mấy thước đau điếng. Tôi đi ngang, véo tai thằng Trường một cái, nó la oai oái, thầy hỏi chi rứa. Thằng Trường nói thưa thầy, trò Thịnh vặn tai em. Thầy kêu tôi lên đứng dưới bảng, cho thằng Trường vặn lại. Thằng Trường lớn hơn tôi đến 3 tuổi, lại to con nên hắn vặn tai tôi đau điếng. Khi về, tôi thù vặt, lấy chai mực sè sẹ đổ vô vạt áo sau của hắn rồi làm mặt lạnh vừa đi vừa hát. Hôm sau, hắn cởi áo mang lên nói, thưa thầy, trò Thịnh đổ mực vào áo em. Thầy gọi tôi lên bảng, cho thằng Trường lấy nhọ nồi (học trò mang đi lau bảng cho đen) quệt lên mặt tôi rồi bảo để thế ngồi học, về mới được lau. Tôi thù lắm. không biết làm sao được, đánh nhau thì thua là cái chắc, nghĩ cách trả thù không ra. Một hôm thằng Xô rủ tôi đi học sớm, nó trèo lên cây thị bẻ lá, tôi hỏi làm chi, thằng Xô nói mi cầm lá ni chà vô chỗ thằng Trường ngồi, vui lắm. Tôi chà.
Hôm đó thằng Trường cứ ngồi cuống một lúc lại đánh rắm cái ủm, cả lớp lại cười ồ, nó xấu hổ quá giơ tay lên nói, thưa thầy, không phải em, tại trò Thịnh...Thầy nói trò Thịnh ngồi bàn đầu trò ngồi bàn cuối răng nói trò Thịnh. Cả lớp lại cười ồ.
Tan lớp, thằng Trường không biết làm sao trả thù nên nghĩ ra cách gọi tên ba mạ tôi (hồi đó gọi tên cha mẹ là húy kỵ lắm). Ba tôi tên Đô, mạ tôi tên Vi, nên nó nói lái đi vô, đi vô (đô vi) làm tôi tức sặc máu. Tôi nói mi chờ đó, tau nậy (lớn) lên biết tay. Nói thế nhưng không biết tôi lớn thì nó cũng lớn.
Ù mọi
Hồi đó con nít quanh đi quẩn lại chỉ có mấy trò chơi: đánh bi, ô làng, du kích, ù mọi và đánh bợ trôốc...Mỗi khi chơi ù mọi, đứa nào trong lớp cũng ưa về phe thằng Trường, nó khỏe và ù hơi rất dài nên phe nó luôn thắng. Bọn tôi ức lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thằng Trường thì không bao giờ cho tôi về cùng phe với nó. Càng ức hơn.
Trò ù mọi tương đối giống với môn thể thao kabaddi được đưa vào thi đấu ở Á vận hội mới rồi, nhưng tôi thấy ù mọi ở làng tôi hay hơn. Sân chơi thì do mỗi đội nhiều hay ít người mà tự quy ước với nhau bằng cách vẽ vạch lên trên đất. Luật chơi cũng rất đơn giản. Đội nào bắt thăm được ù trước thì cử một người chạy qua vạch giữa sân, miệng ù ù...không ngớt (chỉ ù một hơi, ngắt quảng coi như “chết”). Trong thời gian ù đó, nếu đập trúng vào người nào bên phe đối phương rồi chạy về phía đội mình qua vạch giữa sân mà đối phương không bắt lại được thì số người bị đập trúng phải “chết”. Số người (có thể chỉ một người) đó phải “chết” và bị đội ù trước (tạm gọi là đội 1) bắt nhốt vào cái vòng cuối sân của phía mình làm tù binh. Đến lượt đội 2 ù, người ù có thể đập trúng người đội 1 hoặc đập trúng vào người đội mình bị nhốt mà vẫn chạy về được phía sân nhà mình thì người đội 1 phải “chết” và người đang bị nhốt được đập trúng tay coi như được cứu, về sân tiếp tục chơi. Cứ như thế cho đến khi đội nào “chết” hết trước thì thua. (Môn kabaddi không ù mà quy định 30 giây mỗi đợt tấn công của một người và không có chuyện “cứu tù binh” trực tiếp như ù mọi nên không vui bằng).
Thằng Trường khi mô cũng cho con Hằng về phe nó. Con Hằng con o Ba xóm tôi rất xinh, học giỏi và viết chữ rất đẹp. Vì thế khi tụi tôi ù, vì tức thằng Trường giành con Hằng nên mỗi lần ù qua sân đối phương cứ nhắm con Hằng mà đập để bắt làm tù binh. Mỗi lần con Hằng bị bắt làm tù binh thế nào thằng Trường cũng tranh ù để sang cứu. Cả đội chúng tôi liều mình xông vào, đè bằng được thằng Trường. Tay nó đập trúng ai để cứu kệ nhưng nhất thiết không cho đập trúng con Hằng. Nhưng mà thằng trâu đó đúng là trâu. Hắn ù hơi rất dài lại vùng rất mạnh nên khó lòng đè được nó. Nó mà cứu được con Hằng về thế nào cũng bảo cả đội “dề” chúng tôi. (Hồi đó “dề” là một hình phạt, ví như ai học không thuộc bài, thầy cho cả lớp “dề”. Cả lớp chỉ tay về phía người đó và đống thanh nói dề dề ề ề.....Thế là nhục lắm).
*
Một hôm thằng Ty gọi tôi và thằng Xô đến thì thầm thế này thế này...Tụi tôi nói hay hay rồi đem bàn với mấy đứa khác. Giờ ra chơi hôm đó tụi tôi chia phe ù mọi. Thằng Trường lại giành con Hằng về phe mình. Con Hằng chậm nên tụi tôi ù lần đầu là nhằm vào nó mà đập, nó “chết” liền, bắt nhốt tù binh. Thằng Trường ức lắm, ù sang, nhằm phía con Hằng mà chạy tới để cứu...Tụi tôi đồng loạt lao ra ôm lại, thằng Ty túm lấy thắt lưng quần thằng Trường giựt cái phựt (hồi đó đi học mặc quần đùi giải rút chứ không phải cao su), tụi tôi nhanh chóng kéo ống quần thằng Trường xuống. Thằng Trường theo đà rướn tới nên cái quần tuột xuống đầu gối. Nó la lên nên tắt tiếng ù, “chết”. Tụi con gái thấy quần thằng Trường tụt ré lên, chạy toán loạn. Tụi tôi khoái chí tập trung lại “dề” thằng Trường một trận. Hắn một tay xách lưng quần, một tay oánh tới tấp làm tụi tôi chạy một bữa thở không ra hơi.
Từ đó không ai về đội thằng Trường cả vì Trường bị gắn với cái tên "Trường dái lẹo". (Lẹo là bên to bên nhỏ). Trường ta ức không thể nào kể được.
Từ đó không hiểu bắt đầu như thế nào mà Trường chơi thân tôi như hai anh em, thân lắm.
Săn chim
Một đêm tôi đi bắt chim bên cây rơm của đội 5 thì gặp thằng Trường. Khác với mọi lần, hắn không bắt nạt tôi, ngược lại còn đi theo tôi, nhìn tôi bắt chim ra chiều thích thú lắm.
Hồi đó còn làm theo đội sản xuất của HTX, cái chi cũng làm chung, chỉ chấm điểm tính công. Lúa của đội sản xuất gặt về, đạp, tuốt lấy thóc, còn rơm phơi khô xây thành những cây rơm cao ngất trời để mùa rét cho trâu ăn.
Trên những cây rơm đó, chim manh manh (chim sẻ) về làm tổ vô khối. Trời mùa đông, tụi chim không làm tổ cũng chui vào trú ngụ. Tôi và mấy đứa bạn mang theo cái thang bắc lên, chiếu đèn pin làm tụi chim sẻ "đóng đèn" nằm im, chúng tôi cứ thế mà bắt bỏ vào cái giỏ đi đánh cá (quê tôi gọi là cái rôộng). Ba tôi đi cán bộ nên có tiêu chuẩn, gửi pin Con thỏ, pin Văn Điển về (hồi đó pin hiếm, không bán ngoài). Tôi có cái đèn 3 pin sáng quắc, chiếu một cái, chim sẻ cứ nói là nằm im như chết. Có đêm tôi bắt được cả một giỏ đầy đến mấy trăm con.
Thằng Trường cứ đi theo tôi, ánh mắt hắn thán phục lắm. Hóa ra hắn thán phục là thán phục cái đèn pin của tôi.
*
Làng tôi nhà nào cũng có 4 nạp tre quanh vườn, vừa trồng để lấy tre làm nhà, làm vật dụng trong nhà, vừa để ngăn gió bão và lấy bóng mát. Mùa hè, chim tôộc rôộc làm tổ treo lủng lẳng đầy cành tre. Tổ chim tôộc rôộc đan rất công phu, lấy về có thể đi vào chân như giày cỏ. Ngoài tổ để đẻ trứng, nó còn làm cái tổ như cái võng để đứng hót. Mùa hè, gió Nam thổi từ đồng chiêm vào rười rượi, lũ tôộc rôộc vừa đưa võng vừa hót líu lo. Buổi trưa, người làng mắc võng dưới gốc tre, vừa nằm, vừa nghe chúng hót, nhiều con hót thành dàn đồng ca nghe đã tai lắm!
Lũ con nít thì biết chim làm tổ từ ngày nào, lúc nào thì có trứng, lúc nào nở con...Nên cứ đến lúc đó lại lấy sào khều về, mỗi tổ dăm ba quả, hàng trăm tổ được cả hàng trăm trứng đem về nhúng nước sôi rồi nút.
*
Những đêm mùa đông chúng tôi thường đi săn chim ở các lòi, lùm. Chim rét về tổ nằm trú, bọn trẻ dùng dạ (một loại chất kết dính chế từ hoa quả dẻo và dính như keo dính chuột bây giờ) bôi vào đầu cây, chiếu đèn, thấy chim thì từ từ đưa cái cây dính vào mình nó rồi bắt.
Một hôm thằng Trường qua, nói Thịnh, tau biết có chỗ con triếc nằm to lắm, mi bắt không. Tôi nói mi chộ răng mi không bắt mà nói tau. Hắn nói mi có đèn pin. Thế là hai thằng đi. Hắn tranh cầm đèn, vừa đi vừa hoa hoa cái đèn lên trời sung sướng vô cùng.
Qua Nhà Giàng, đến Khuông Đá, nó đưa tay lên miệng suỵt suỵt rồi chiều đèn tìm. Tìm mãi chẳng thấy con triếc đâu, tôi nói thôi mi, ưng mượn đèn thì nói cho rồi bày đặt bắt triếc. Tôi nghĩ thế vì con triếc có thể to đến mấy cân, được nó cả nhà chén một bữa kềnh, nó thấy không vồ liền lới lạ. Nhưng nó suỵt suỵt rồi chỉ chỉ. Tôi nhìn vào lùm cây, thấy con triếc nằm thu lu, co đầu vào cánh, to một đống. Thằng Trường vẫy tay bảo tôi đứa cành cây bôi dạ dí vào con triếc, kéo ra. Lúc bầy giờ con triếc giật mình bay lên. Tôi túm lấy chân nó, nhưng nó khỏe quá, đập cánh liên tục làm tôi hết muồn giữ nổi. Bổng nhiên nó quay cái mỏ dài ngoẳng mổ một phát súyt trúng mắt làm tôi đau điềng, buông tay. Vừa lúc thằng Trường lao đến, nó ôm chặt con triếc trong bụng. Con triêc giẫy, nó ghì, vật lộn mãi cuối cùng thì nó cũng túm được.
Thấy tôi máu ne đầy má, thằng Trường hoảng hốt buông con triếc ra, nói mi răng rồi. Tôi không lo cho tôi lại tiếc con triếc, kêu, đè nó xuống. Thằng Trường quay lại, vồ, đè cả người lên con triếc. Hai thằng trói chân, trói cánh, xỏ cái cây vào khiêng về.
*
Mạ tôi thắp đèn lên, thấy màu me đầy má thì nạt thằng Trường, kêu răng cháu đánh thằng Thịnh. Thằng Trường nói không phải dì ơi, con triếc mổ nó. Nói xong thì chỉ vào con triếc ngoài sân.
Tôi giúp mạ bắc nước sôi làm triếc, thằng Trường thì cầm cái đèn pin thỉnh thoảng lại bấm chỉ lên trời, hoa hoa, hỏi tôi, chiếu ri e thấu trời mi hè. Tôi nói ừ. Hắn lại nói, trời có chói mắt không mi hè. Tôi nói có. Hắn lại hỏi, răng họ tài ri mi hè. Tui nói ừ, tài...
Mạ tôi xẻ con triếc làm đôi, bỏ một nửa vào cái mủng kêu nó mang về nhưng nó nhất định không mang. Nói sao nó cũng không chịu. Mãi sau, khi mạ tôi mang thịt triếc sang nhà nó thì nó mới kêu tôi ra góc vườn nói đêm mai mi cho tau mượn đèn pin đi một chặp nghe. Tôi biết liền thằng này mà, nhưng trong thế đã rồi, tôi ừ.
Đêm sau thằng Trường bị dượng Đạt đuổi một trận chạy bán sống bán chết vì dám chiếu đèn pin vào mặt dượng. Dượng Đạt là ba con Hằng.
Té ra hắn mượn đè pin không phải đi bắt chim mà đi làm le với con Hằng. ***
Thằng Trường, thằng Vinh, thằng Ty tuy cùng lứa nhưng lớn tuổi nên đi bộ đội trước tôi và cả ba đều hy sinh trước ngày giải phóng, lúc tôi đang học phổ thông. Thằng Sinh bạn thân thưở nhỏ đi bộ đội cùng ngày với tôi cũng đã hy sinh. Những đứa khác bây giờ đã con cái đuề huề, thậm chí đã lên chức ông, chức bà...Làng tôi bọn trẻ không còn chơi trò ù mọi. Đèn pin bây giờ không còn là vật dùng để làm le. Trường học cũng không còn ở dưới mái đình nữa.
Nhưng làng Lộc An vẫn thế, ở đó lưu giữ ký ức của biết bao thế hệ. Ký ức đọng trên từng ngọn cây, lá cỏ, trên từng viên sỏi mỗi ngày bước qua, trong dòng nước Kiến Giang hiền hòa thơ mộng...
Đó là làng tôi!
http://nguyenthethinh.blogspot.com/2013/02/lang-toi.html