Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Lịch sử Hồi giáo bị lãng quên của nước Anh
Nguồn: Jerry Brotton, “England’s Forgotten Muslim History,” The New York Times, 17/09/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vương quốc Anh đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Đất nước này đã quay lưng lại với châu Âu, và nữ hoàng đã đặt mục tiêu (tập trung vào) thương mại với phương Đông. Mặc dù điều này nghe có vẻ giống nước Anh ngày nay, nhưng nó cũng mô tả đất nước này vào thế kỷ 16, trong thời kỳ hoàng kim của quốc vương nổi tiếng nhất nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth I.
Một trong những phương diện bất ngờ nhất của nước Anh thời Elizabeth là chính sách ngoại giao và thương mại của nó được dẫn dắt bởi một liên minh sâu sắc với thế giới Hồi giáo, một sự thật dễ dàng bị ém đi bởi những người đang thúc đẩy luận điệu dân túy về chủ quyền quốc gia ngày nay.
Từ khi lên ngôi năm 1558, Elizabeth đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao, thương mại, và quân sự với các nhà cai trị Hồi giáo ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ma-rốc – với những lý do chính đáng. Năm 1570, khi chắc chắn nước Anh theo đạo Tin lành sẽ không trở lại với đức tin Công giáo, Giáo hoàng Pius V đã ra vạ tuyệt thông với Elizabeth và kêu gọi tước ngôi báu của bà. Chẳng bao lâu sau, một Tây Ban Nha theo Công giáo hùng mạnh đã chống lại bà, và một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Giới thương nhân người Anh bị cấm làm ăn với các thị trường giàu có của Hà Lan thuộc Tây Ban Nha. Sự cô lập về kinh tế và chính trị đe dọa phá hủy quốc gia mới chuyển sang đạo Tin lành này.
Elizabeth phản ứng bằng cách tiếp cận thế giới Hồi giáo. Đối thủ duy nhất của Tây Ban Nha là Đế chế Ottoman, cai trị bởi Sultan (Quốc vương) Murad III, có lãnh thổ trải dài từ Bắc Phi qua Đông Âu đến Ấn Độ Dương. Người Ottoman đã giao tranh với gia tộc Hapsburg trong nhiều thập niên, chinh phục nhiều vùng đất của Hungary. Elizabeth hy vọng liên minh với Ottoman sẽ bớt gánh nặng từ cuộc xâm lược quân sự của Tây Ban Nha, và cho phép các thương nhân của bà khai thác các thị trường béo bở ở phương Đông. Thêm vào đó, bà cũng tìm đến những đối thủ của người Ottoman, vị shah (Hoàng đế) của Ba Tư và quốc vương xứ Ma-rốc.
Vấn đề là các đế chế Hồi giáo hùng mạnh hơn đảo quốc nhỏ bé trôi nổi trong sương mù ngoài khơi châu Âu rất nhiều. Elizabeth muốn khám phá các liên minh thương mại mới, nhưng không đủ nguồn lực tài chính cho chúng. Phản ứng của bà là tận dụng một đổi mới thương mại chưa thịnh hành lúc bấy giờ – các công ty cổ phần – do chị gái bà, Mary Tudor, đưa ra.
Các công ty như thế là các hiệp hội thương mại thuộc sở hữu chung của các cổ đông. Vốn được dùng để tài trợ chi phí cho các chuyến tàu thương mại, và những khoản lãi – hay lỗ – cũng được chia sẻ. Elizabeth nhiệt tình ủng hộ Công ty Muscovy giao thương với Ba Tư, và tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho sự thành lập của Công ty Thổ Nhĩ Kỳ, trao đổi thương mại với người Ottoman, và Công ty Đông Ấn, công ty sau này sẽ chinh phục Ấn Độ.
Trong những năm 1580 bà đã ký các thỏa thuận thương mại sau này kéo dài hơn 300 năm với người Ottoman, cho phép các thương nhân của bà được tự do tiếp cận lãnh thổ Ottoman. Bà cũng thiết lập một liên minh tương tự với Ma-rốc, với lời hứa ngầm về việc hỗ trợ quân sự chống lại Tây Ban Nha.
Khi tiền đổ vào, Elizabeth bắt đầu viết thư gửi các quốc vương Hồi giáo, ca ngợi những lợi ích của thương mại song phương. Bà viết với thái độ bề dưới, gọi Murad là “nhà cai trị vĩ đại nhất của Vương quốc Thổ Nhĩ Kỳ, duy nhất và trên tất cả, và bậc quân vương tối cao của Đế chế phương Đông.” Bà cũng tận dụng sự thù địch chung của đạo Tin lành và Hồi giáo với Công giáo, mô tả mình là “người bảo hộ bất khả chiến bại và mạnh mẽ nhất của đức tin Cơ Đốc trước mọi sùng bái ngẫu tượng.” Giống người Hồi giáo, người Tin lành từ chối thờ phụng tượng ảnh, và họ chúc tụng ngôi lời của Chúa mà không qua trung gian, trong khi người Công giáo thích cầu nguyện qua các linh mục. Bà đã khéo léo khai thác việc người Công giáo coi người Tin lành và người Hồi giáo là hai mặt của cùng một đồng xu dị giáo.
Thủ đoạn này đã đem lại hiệu quả. Hàng ngàn thương nhân người Anh đã đi qua những khu vực ngày nay họ không thể đến, như Aleppo ở Syria và Mosul ở Iraq. Ở đó họ an toàn hơn nhiều so với trên hành trình tương tự qua châu Âu theo Công giáo, nơi họ có nguy cơ rơi vào tay Tòa án Dị giáo.
Giới cai trị Ottoman xem khả năng đón nhận mọi người thuộc mọi tín ngưỡng là một dấu hiệu của sức mạnh, chứ không phải điểm yếu, và quan sát cuộc xung đột giữa Tin lành và Công giáo trong hờ hững vô tư. Một số người Anh thậm chí đã cải sang đạo Hồi. Một số, như Samson Rowlie, một thương nhân từ Norfolk sau này trở thành Hassan Aga, thủ quỹ chính ở Algiers, thì bị ép cải đạo. Còn những người khác thì tự nguyện cải đạo, có lẽ họ xem Hồi giáo là một ván cược tốt hơn so với một đức tin Tin lành mới còn bấp bênh.
Giới quý tộc Anh rất thích lụa và gia vị từ phương Đông, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc không hứng thú mấy với len của Anh. Cái họ cần là vũ khí. Trong một hành động trả thù tôn giáo sâu sắc, Elizabeth đã tịch thu mọi thứ kim loại từ các nhà thờ Công giáo vốn bị tục hóa và nấu chảy chuông thờ làm đạn dược để bán sang Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ rằng các thỏa thuận bán vũ khí mờ ám của phương Tây đã tồn tại rất lâu trước bê bối Iran-Contra (khi Hoa Kỳ bí mật bán vũ khí cho Iran vốn đang bị cấm vận để lấy tiền tài trợ cho nhóm chống cộng Contra ở Nicaragua – NHĐ). Nữ hoàng đã khuyến khích những giao dịch tương tự với Ma-rốc, bán vũ khí và nhập diêm sinh, thành phần thiết yếu của thuốc nổ, và đường, báo hiệu sự thèm khát từ lâu và biến hàm răng của Elizabeth thành một màu đen khét tiếng (vì sâu răng).
Đường, lụa, thảm, và gia vị đã thay đổi cách ăn, cách trang trí nhà cửa, và cách mặc của người Anh. Những từ như “candy” (“kẹo”) và “turquoise” (“ngọc lam,” bắt nguồn từ “Turkish stone,” nghĩa là “đá Thổ”) trở nên thông dụng. Ngay cả Shakespeare cũng tham gia, ông viết vở Othello không lâu sau chuyến thăm kéo dài sáu tháng của vị đại sứ Ma-rốc đầu tiên.
Bất chấp sự thành công thương mại của các công ty cổ phần, nền kinh tế Anh đã không thể duy trì sự phụ thuộc vào thương mại phương xa. Ngay sau khi Elizabeth qua đời vào năm 1603, vị vua mới, James I, đã ký một hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha, chấm dứt sự lưu đày của Anh.
Chính sách Hồi giáo của Elizabeth đã ngăn chặn một cuộc xâm lược của Công giáo, biến đổi khẩu vị của người Anh, và thiết lập một mô hình mới cho đầu tư cổ phần, thứ sau này cung cấp tài chính cho Virginia, công ty thành lập khu định cư lâu dài đầu tiên ở Bắc Mỹ.
Hóa ra Hồi giáo, trong mọi biểu hiện của nó – đế quốc, quân sự, và thương mại – đã đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện của nước Anh. Ngày nay, khi luận điệu bài Hồi giáo thổi bùng tranh luận chính trị, cần nhớ rằng quá khứ của chúng ta phức tạp hơn chúng ta thường nghĩ.
Jerry Brotton, giáo sư ngành nghiên cứu Phục hưng tại Đại học Queen Mary, London, là tác giả cuốn The Sultan and the Queen: The Untold Story of Elizabeth and Islam (Penguin, 2016).
http://nghiencuuquocte.org/
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Lịch sử Hồi giáo bị lãng quên của nước Anh
Nguồn: Jerry Brotton, “England’s Forgotten Muslim History,” The New York Times, 17/09/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vương quốc Anh đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Đất nước này đã quay lưng lại với châu Âu, và nữ hoàng đã đặt mục tiêu (tập trung vào) thương mại với phương Đông. Mặc dù điều này nghe có vẻ giống nước Anh ngày nay, nhưng nó cũng mô tả đất nước này vào thế kỷ 16, trong thời kỳ hoàng kim của quốc vương nổi tiếng nhất nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth I.
Một trong những phương diện bất ngờ nhất của nước Anh thời Elizabeth là chính sách ngoại giao và thương mại của nó được dẫn dắt bởi một liên minh sâu sắc với thế giới Hồi giáo, một sự thật dễ dàng bị ém đi bởi những người đang thúc đẩy luận điệu dân túy về chủ quyền quốc gia ngày nay.
Từ khi lên ngôi năm 1558, Elizabeth đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ ngoại giao, thương mại, và quân sự với các nhà cai trị Hồi giáo ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ma-rốc – với những lý do chính đáng. Năm 1570, khi chắc chắn nước Anh theo đạo Tin lành sẽ không trở lại với đức tin Công giáo, Giáo hoàng Pius V đã ra vạ tuyệt thông với Elizabeth và kêu gọi tước ngôi báu của bà. Chẳng bao lâu sau, một Tây Ban Nha theo Công giáo hùng mạnh đã chống lại bà, và một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Giới thương nhân người Anh bị cấm làm ăn với các thị trường giàu có của Hà Lan thuộc Tây Ban Nha. Sự cô lập về kinh tế và chính trị đe dọa phá hủy quốc gia mới chuyển sang đạo Tin lành này.
Elizabeth phản ứng bằng cách tiếp cận thế giới Hồi giáo. Đối thủ duy nhất của Tây Ban Nha là Đế chế Ottoman, cai trị bởi Sultan (Quốc vương) Murad III, có lãnh thổ trải dài từ Bắc Phi qua Đông Âu đến Ấn Độ Dương. Người Ottoman đã giao tranh với gia tộc Hapsburg trong nhiều thập niên, chinh phục nhiều vùng đất của Hungary. Elizabeth hy vọng liên minh với Ottoman sẽ bớt gánh nặng từ cuộc xâm lược quân sự của Tây Ban Nha, và cho phép các thương nhân của bà khai thác các thị trường béo bở ở phương Đông. Thêm vào đó, bà cũng tìm đến những đối thủ của người Ottoman, vị shah (Hoàng đế) của Ba Tư và quốc vương xứ Ma-rốc.
Vấn đề là các đế chế Hồi giáo hùng mạnh hơn đảo quốc nhỏ bé trôi nổi trong sương mù ngoài khơi châu Âu rất nhiều. Elizabeth muốn khám phá các liên minh thương mại mới, nhưng không đủ nguồn lực tài chính cho chúng. Phản ứng của bà là tận dụng một đổi mới thương mại chưa thịnh hành lúc bấy giờ – các công ty cổ phần – do chị gái bà, Mary Tudor, đưa ra.
Các công ty như thế là các hiệp hội thương mại thuộc sở hữu chung của các cổ đông. Vốn được dùng để tài trợ chi phí cho các chuyến tàu thương mại, và những khoản lãi – hay lỗ – cũng được chia sẻ. Elizabeth nhiệt tình ủng hộ Công ty Muscovy giao thương với Ba Tư, và tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho sự thành lập của Công ty Thổ Nhĩ Kỳ, trao đổi thương mại với người Ottoman, và Công ty Đông Ấn, công ty sau này sẽ chinh phục Ấn Độ.
Trong những năm 1580 bà đã ký các thỏa thuận thương mại sau này kéo dài hơn 300 năm với người Ottoman, cho phép các thương nhân của bà được tự do tiếp cận lãnh thổ Ottoman. Bà cũng thiết lập một liên minh tương tự với Ma-rốc, với lời hứa ngầm về việc hỗ trợ quân sự chống lại Tây Ban Nha.
Khi tiền đổ vào, Elizabeth bắt đầu viết thư gửi các quốc vương Hồi giáo, ca ngợi những lợi ích của thương mại song phương. Bà viết với thái độ bề dưới, gọi Murad là “nhà cai trị vĩ đại nhất của Vương quốc Thổ Nhĩ Kỳ, duy nhất và trên tất cả, và bậc quân vương tối cao của Đế chế phương Đông.” Bà cũng tận dụng sự thù địch chung của đạo Tin lành và Hồi giáo với Công giáo, mô tả mình là “người bảo hộ bất khả chiến bại và mạnh mẽ nhất của đức tin Cơ Đốc trước mọi sùng bái ngẫu tượng.” Giống người Hồi giáo, người Tin lành từ chối thờ phụng tượng ảnh, và họ chúc tụng ngôi lời của Chúa mà không qua trung gian, trong khi người Công giáo thích cầu nguyện qua các linh mục. Bà đã khéo léo khai thác việc người Công giáo coi người Tin lành và người Hồi giáo là hai mặt của cùng một đồng xu dị giáo.
Thủ đoạn này đã đem lại hiệu quả. Hàng ngàn thương nhân người Anh đã đi qua những khu vực ngày nay họ không thể đến, như Aleppo ở Syria và Mosul ở Iraq. Ở đó họ an toàn hơn nhiều so với trên hành trình tương tự qua châu Âu theo Công giáo, nơi họ có nguy cơ rơi vào tay Tòa án Dị giáo.
Giới cai trị Ottoman xem khả năng đón nhận mọi người thuộc mọi tín ngưỡng là một dấu hiệu của sức mạnh, chứ không phải điểm yếu, và quan sát cuộc xung đột giữa Tin lành và Công giáo trong hờ hững vô tư. Một số người Anh thậm chí đã cải sang đạo Hồi. Một số, như Samson Rowlie, một thương nhân từ Norfolk sau này trở thành Hassan Aga, thủ quỹ chính ở Algiers, thì bị ép cải đạo. Còn những người khác thì tự nguyện cải đạo, có lẽ họ xem Hồi giáo là một ván cược tốt hơn so với một đức tin Tin lành mới còn bấp bênh.
Giới quý tộc Anh rất thích lụa và gia vị từ phương Đông, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc không hứng thú mấy với len của Anh. Cái họ cần là vũ khí. Trong một hành động trả thù tôn giáo sâu sắc, Elizabeth đã tịch thu mọi thứ kim loại từ các nhà thờ Công giáo vốn bị tục hóa và nấu chảy chuông thờ làm đạn dược để bán sang Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ rằng các thỏa thuận bán vũ khí mờ ám của phương Tây đã tồn tại rất lâu trước bê bối Iran-Contra (khi Hoa Kỳ bí mật bán vũ khí cho Iran vốn đang bị cấm vận để lấy tiền tài trợ cho nhóm chống cộng Contra ở Nicaragua – NHĐ). Nữ hoàng đã khuyến khích những giao dịch tương tự với Ma-rốc, bán vũ khí và nhập diêm sinh, thành phần thiết yếu của thuốc nổ, và đường, báo hiệu sự thèm khát từ lâu và biến hàm răng của Elizabeth thành một màu đen khét tiếng (vì sâu răng).
Đường, lụa, thảm, và gia vị đã thay đổi cách ăn, cách trang trí nhà cửa, và cách mặc của người Anh. Những từ như “candy” (“kẹo”) và “turquoise” (“ngọc lam,” bắt nguồn từ “Turkish stone,” nghĩa là “đá Thổ”) trở nên thông dụng. Ngay cả Shakespeare cũng tham gia, ông viết vở Othello không lâu sau chuyến thăm kéo dài sáu tháng của vị đại sứ Ma-rốc đầu tiên.
Bất chấp sự thành công thương mại của các công ty cổ phần, nền kinh tế Anh đã không thể duy trì sự phụ thuộc vào thương mại phương xa. Ngay sau khi Elizabeth qua đời vào năm 1603, vị vua mới, James I, đã ký một hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha, chấm dứt sự lưu đày của Anh.
Chính sách Hồi giáo của Elizabeth đã ngăn chặn một cuộc xâm lược của Công giáo, biến đổi khẩu vị của người Anh, và thiết lập một mô hình mới cho đầu tư cổ phần, thứ sau này cung cấp tài chính cho Virginia, công ty thành lập khu định cư lâu dài đầu tiên ở Bắc Mỹ.
Hóa ra Hồi giáo, trong mọi biểu hiện của nó – đế quốc, quân sự, và thương mại – đã đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện của nước Anh. Ngày nay, khi luận điệu bài Hồi giáo thổi bùng tranh luận chính trị, cần nhớ rằng quá khứ của chúng ta phức tạp hơn chúng ta thường nghĩ.
Jerry Brotton, giáo sư ngành nghiên cứu Phục hưng tại Đại học Queen Mary, London, là tác giả cuốn The Sultan and the Queen: The Untold Story of Elizabeth and Islam (Penguin, 2016).
http://nghiencuuquocte.org/