Như đã trình bày, từ năm 1967, bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ban
hành văn thư phát triển lực lượng Mũ Nâu. Theo đó, tại mỗi Vùng chiến
thuật, thành lập một liên đoàn Biệt động quân đặt thuộc quyền điều động
của bộ Tư lệnh Quân đoàn/Vùng chiến thuật. Tại Miền Tây Nam phần, liên
đoàn 4 Biệt động quân được thành lập với sự tập hợp 5 tiểu đoàn Biệt
động quân đang yểm trợ cho 3 Sư đoàn Bộ binh:
– Tiểu đoàn 32 Biệt động quân, hậu cứ tại Mỹ Tho và tiểu đoàn 41 Biệt
động quân ở Kiến Hòa: yểm trợ cho Sư đoàn 7 Bộ binh. (Đến năm 1972, tiểu
đoàn 32 Biệt động quân tách khỏi liên đoàn 4 BĐQ và bổ sung cho liên
đoàn 7 Biệt động quân vừa được thành lập).
– Tiểu đoàn 43 Biệt động quân ở Sa Đéc yểm trợ cho Sư đoàn 9 Bộ binh.
– Tiểu đoàn 42 Biệt động quân ở Bạc Liêu và tiểu đoàn 44 Biệt động quân ở Sóc Trăng yểm trợ cho Sư đoàn 21 Bộ binh.
Trong hai năm 1970 và 1971, liên đoàn 4 Biệt động quân là một trong
những nỗ lực chính của Quân đoàn 4 trong các cuộc hành quân ở Cam Bốt và
dọc theo biên giới ở Miền Tây. Tháng 4/1972, liên đoàn được bộ Tổng
tham mưu QL/VNCH điều động tăng viện cho chiến trường Quảng Trị. Tháng
5/1972, liên đoàn trở lại Miền Tây để cùng với các lực lượng Bộ binh của
Quân đoàn 4 tham gia nhiều cuộc hành quân giải tỏa áp lực của Cộng quân
tại Định Tường và các tỉnh biên giới.
Gần cuối năm 1973, sau chiến thắng tại Núi Dài ở Miền Tây, liên đoàn 4
Biệt động quân được điều động tăng viện cho Quân đoàn 2, hành quân tảo
thanh Cộng quân tại Phú Yên. Đến dầu năm 1974, do tình hình Bắc Bình
Định sôi động, liên đoàn 4 được bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 giao trách nhiệm
giải tỏa áp lực Cộng quân tại khu vực Tam Quan, Bồng Sơn. Tại chiến
trường này, sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV đã điều động 1 trung đoàn đánh chiếm
và tổ chức chốt chận dọc theo dãy núi phía Bắc Bình Định, bắn phá các
xe cộ lưu thông trên Quốc lộ 1. Trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ nhổ chốt
được giao cho hai tiểu đoàn 42 và 44 Biệt động quân. Hai tiểu đoàn này
mất gần một tháng, tung các đại đội ra “nhổ” từng chốt của Cộng quân.
Nhưng do đối phương tận dụng địa thế đồi núi của đèo Bình Khê-một rặng
thuộc dãy núi Trường Sơn đâm ra biển, đoạn đường đi ngang qua đèo quanh
co khúc khuỷu-để tổ chức cụm chốt ngay trên đỉnh đèo cắt đứt Quốc lộ 1.
Đèo Bình Đê gần địa giới hai tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định là một trong
những đèo chiến lược trên Quốc lộ 1.
* Tiểu đoàn 43 Biệt động quân và trận đánh trên đỉnh đèo Bình Đê:
Dể tái lập giao thông trên đoạn đường từ Tam Quan đến Sa Huỳnh, bộ chỉ
huy liên đoàn 4 Biệt động quân giao nhiệm vụ “nhổ” chốt hiểm hóc này cho
tiểu đoàn 43 Biệt động quân. Sau khi nghiên cứu địa thế, tiểu đoàn đã
di chuyển ban chỉ huy lên sát mục tiêu, chỉ cách đỉnh đèo khoảng 300 mét
để điều động các đại đội khởi động cuộc tấn công. Biết được nỗ lực của
Biệt động quân là giải tỏa đèo, Cộng quân đã sử dụng Pháo binh từ hướng
An Lão pháo kích vào bộ chỉ huy Tiểu đoàn 43 BĐQ. Cùng lúc đó, ở đỉnh
đèo, từ các vị trí trú ẩn sau hốc đá, Cộng quân đã dùng AK, B 40 bắn
xuống các trung đội Biệt động quân đang tìm cách vượt qua cánh đồng lầy
dưới chân núi. Trong ba ngày liên tiếp, bộ chỉ huy tiểu đoàn bị pháo
kích liên tục, các cánh quân bị dặc công CQ bò đến gần quấy rối, số
thương vong của tiểu đoàn đã lên tới 20 người.
Qua đến ngày thứ 4, đại tá Vũ Phi Hùng, liên đoàn trưởng liên đoàn 4
Biệt động quân, đã liên lạc với chi khu Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở
phía Bắc đèo Bình Đê) mượn đường cho đại đội Trinh sát của liên đoàn đổ
quân xuống đỉnh một ngọn núi trong quận này cách cụm chốt của Cộng quân
khoảng 2 km rồi từ đây âm thầm di chuyển về hướng mục tiêu. Trong khi
đó, tiểu đoàn 43 Biệt động quân được lệnh gia tăng cường độ tấn công từ
phía Nam lên để đánh lạc hướng địch. Nửa đêm ngày thứ 4, đại đội Trinh
sát báo cáo cho đại tá Hùng là cánh quân đã đến vị trí ấn định. Vị liên
đoàn trưởng liên đoàn 4 BĐQ ra lệnh cho pháo đội Pháo binh kéo các khẩu
pháo 105 ly đến chân một hẻm núi chuẩn bị tác chiến khi có lệnh khai
hỏa.
Kế hoạch sắp xếp xong thì trời vừa rạng sáng, liên đoàn trưởng liên đoàn
4 BĐQ đã có mặt dưới chân đèo và ra lệnh cho Pháo binh khai hỏa. Hàng
trăm trái đạn 105 ly bắn trực xạ lên đỉnh đèo, khói bụi mịt mù, đá núi
văng xuống chân đèo. Pháo binh kết thúc giai đoạn hỏa tập với quả đạn
khói trắng tín hiệu để cho đại đội Trinh sát-đã bố trí sẵn từ khuya,
nhào lên nhanh chóng thanh toán mục tiêu. Cùng với cuộc tấn công của
Trinh sát, tiểu đoàn trưởng 43 Biệt động quân cho lệnh 2 đại đội tiến
nhanh qua cánh đồng lầy, để tấn công lên đèo. Khoảng nửa giờ sau, đại
đội Trinh sát đã làm chủ trận địa, báo cáo về bộ chỉ huy liên đoàn là đã
hạ sát 32 Cộng quân tại chỗ. Hai đại đội của tiểu đoàn 43 Biệt động
quân được lệnh tiếp tục truy kích đánh tràn xuống phía bên kia chân núi.
Cánh quân này đã khám phá một vị trí đóng quân và kho quân lương của
địch quân được ước định là cấp tiểu đoàn.
* Trinh sát Biệt động quân nhảy vào mật khu An Lão:
Sau khi bị đánh bật ra khỏi đèo Bình Khê, vào một đêm tháng Hai/1974,
Cộng quân đã điều động 1 đơn vị khác thuộc sư đoàn 3 Sao Vàng tấn công
chiếm lại đỉnh đèo chiến lược này. Quân trú phòng đã đẩy lùi đối phương,
hạ sát hơn 30 Cộng quân và bắt tại trận 2 tù binh. Để thăm dò các hoạt
động của địch quân trong thung lũng An Lão, trung úy Huỳnh Văn Thơm, đại
đội trưởng Đại đội Trinh sát liên đoàn 4 BĐQ đã đích thân dẫn hai binh
sĩ và 1 sĩ quan CQ hồi chánh vào tận mật khu của đối phương. Toán BĐQ và
hồi chánh viên mặc quân phục CSBV. Sau ba ngày thám sát, trung úy Thơm
đem về một xấp ảnh chụp lính CSBV, xe Molotova tiếp tế của CQ di chuyển
ngang qua cầu bắc qua suối và ba tù binh CQ mới từ Bắc vào. Cũng cần ghi
ràng mật khu An Lão là căn cứ địa của sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV và cũng
là khu trung chuyển của các đơn vị chủ lực CSBV trên đường xâm nhập vào
chiến trường Quân khu 2.
* Trận tấn công từ bờ biển khu vực Bồng Sơn:
Khai thác lời khai của tù binh, liên đoàn 4 Biệt động quân mở cuộc hành
quân tảo thanh một số làng đánh cá dọc theo ven biển trong địa hạt Bồng
Sơn. Theo tin tức của ban Hai chi khu, khu vực mà liên đoàn 4 Biệt động
quân sắp hành quân là khu bất khả xâm phạm của du kích CQ ở Bình Định.
Lực lượng Địa phương quân Bồng Sơn đã tổ chức vài cuộc hành quân tảo
thanh nhưng đều bị tổn thất do mìn bẫy của địch quân cài dày dặc từ Quốc
lộ 1 ra đến ven biển. Để có đủ yếu tố khởi động cuộc hành quân, liên
đoàn trưởng liên đoàn 4 Biệt động quân ra lệnh cho tiểu đoàn 44 BĐQ điều
động các toán nhỏ đi thám sát địa thế. Các toán này báo cáo là không
thể tổ chức tấn công từ Quốc lộ 1 vào được. Trong buổi họp hành quân,
thiếu tá Nguyễn Văn Tước, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 43 Biệt động quân
đề nghị liên đoàn ủy nhiệm cho tiểu đoàn của ông khởi động cuộc tấn công
từ biển lên theo chiến thuật của Thủy quân Lục chiến.
Đêm hôm đó, đợi cho nước thủy triều rút xuống, tiểu đoàn 43 Biệt động
quân rời tuyến xuất phát từ một bãi biển trong quận Tam Quan ở phía Bắc.
Các đại đội của tiểu đoàn lợi dụng tiếng sóng biển vỗ vào bờ, âm thầm
di chuyển dọc theo bờ biển về hướng Nam (Bồng Sơn). Khi mặt trời ló
dạng, đại tá Hùng cùng ban tham mưu bay chỉ huy trên 1 trực thăng đã
hướng dẫn hai trực thăng võ trang yểm trợ cho ba đại đội của tiểu đoàn
43 Biệt động quân dàn hàng ngang vượt qua sóng biển tiến vào khu làng
đánh cá. Bị tấn công bất ngờ, Cộng quân kháng cự yếu ớt rồi tháo chạy.
Tiểu đoàn 43 Biệt động quân tung quân lục soát khu vực, tịch thu được
hơn 1000 bao gạo Trung Cộng hàn kín trong các bao nylon để trên các ghe
chài lớn. Những bao gạo này được thả từ ngoài khơi, do sóng biển đưa
vào, du kích Bình Định thu hồi rồi đợi đêm xuống tải vào thung lũng An
Lão. Từ đó, bộ phận hậu cần của sư đoàn 3 Sao Vàng dùng Molotova chở lên
Cao nguyên phân phối cho các đơn vị chính quy CSBV.
* Trung úy Huỳnh Văn Thơm, đại đội trưởng Trinh sát, tự sát ngay tại trận địa:
Tháng 4/1974, liên đoàn 4 Biệt động quân bàn giao khu trách nhiệm ở Bắc
Bình Định cho liên đoàn 6 Biệt động quân, di chuyển xuống phía Nam giải
tỏa phi trường Phù Cát. Sau một tuần giao tranh, liên đoàn 4 Biệt động
quân đã loại ngoài vòng chiến hơn 200 Cộng quân rồi lập tuyến án ngữ ở
phía Bắc quận Bình Định. Giữa năm 1974, sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV tiếp tục
áp lực các quận phía Bắc Bình Định, liên đoàn 4 Biệt động quân lại được
lệnh tăng phái cho Sư đoàn 22 Bộ binh. Trong một trận giao tranh kéo
dài 5 ngày, các chiến sĩ liên đoàn 4 Biệt động quân loại khỏi trận địa
hơn 1 tiểu đoàn CQ, buộc đối phương phải rút về An Lão. Trong trận đánh
này, phía Biệt động quân có 37 quân nhân tử trận, 50 bị thương, trong đó
có trung úy Huỳnh Văn Thơm, đại đội trưởng Trinh Sát, sau khi biết mình
sẽ phải cưa chân, đã dùng súng K 59 (tịch thu của CQ) bắn vào đầu tự
sát. Trung úy Thơm đã vĩnh viễn ở lại với chiến trường Bình Định như một
hiệp sĩ trong các phim truyện chiến tranh! (Viết theo tài liệu của cựu
đại tá Vũ Phi Hùng, nguyên liên đoàn trưởng liên đoàn 4 BĐQ).
https://vietbao.com/a51116/lien-don-4-biet-dong-quan-tran-danh-lon-o-deo-binh-de