Cõi Người Ta
Lời nói dối của cha
Cha mẹ nó cưới nhau trong cảnh nghèo túng, ngày đó vì yêu mẹ nó mà cha đã quyết định ở lại quê hương, bỏ lỡ chuyến tàu vượt biển cùng cả gia đình nội
Cha mẹ nó cưới nhau trong cảnh nghèo túng, ngày đó vì yêu mẹ nó mà cha đã quyết định ở lại quê hương, bỏ lỡ chuyến tàu vượt biển cùng cả gia đình nội. Lúc đó, gia đình nghèo khó, cha mẹ nó chỉ có trong tay căn nhà chòi ven sông và mảnh vườn nho nhỏ, sống qua ngày với bó rau con cá. Rồi mẹ nó dường như không an phận chịu sống cảnh nghèo túng nên đã bỏ cha con nó đi theo người đàn ông khác ra tận ngoài miền trung sinh sống để nuôi mộng được đổi đời giàu sang. Cha nó tần tảo sống cảnh gà trống nuôi con, dạy dỗ bốn anh em nó nên người. Nhà ven sông, ngày ngày cha vẫn cứ lặng lẽ ra đó chèo xuồng đánh cá, bắt ốc mò tôm, có hôm đánh bắt được nhiều, cha lại mang ra chợ đổi lấy dăm ba bó rau, vài lạng thịt nạc, hay vài ba trái xoài, trái ổi cho mấy anh em nó. Nhưng rồi đến ngày trái gió trở trời, cha đau yếu liên miên, nên có ngày đi câu chẳng được gì, vì vậy lúc đó, có được bữa cơm với cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”.
Cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”! Photo courtesy: Scmp.com
Nó nhanh nhảu thắc mắc: “Tại sao hả cha?”
Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì cha lớn tuổi rồi, hay bị đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau, cái này ông bà mình gọi là ăn óc bổ óc, ăn đầu bổ đầu, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”
Với tâm hồn trẻ con vô tư hồn nhiên, anh em nó cứ đinh ninh là cha nói thật. Vậy là mỗi ngày đến bữa ăn, nó còn nhanh nhau sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Bốn anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, hỏi đi hỏi lại cha có muốn ăn thịt cá không, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho cha ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như cha thôi.”
Thời gian thấm thoát trôi qua, anh em nó lớn lên, ông bà nội ở Mỹ bảo lãnh cha và bốn anh em nó sang Mỹ định cư. Vài năm sau ngày đến Mỹ sống cùng gia đình bên nội, cha nó đã già, anh em nó cũng đủ trưởng thành để hiểu biết những lời cha nó nói trước đây là nói dối và đó cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn rất nhiều. Anh em nó lúc này người là bác sĩ, dược sĩ, người là kỹ sư, còn nó là một doanh nhân thành đạt. Vì thế mà anh em nó cũng thường xuyên mua nhiều thịt cá, bào ngư, tổ yến về nấu cháo, nấu súp tẩm bổ cho cha. Nhưng mặc nhiên lúc này nó chẳng còn để tâm gì đến chuyện ngày xưa ở quê nhà, có lẽ vì ngày trước là trẻ con hồn nhiên, bồng bột không dám, không thể ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn mà nó cũng chẳng còn nhớ rõ. Rồi cha nó mất. Anh em nó vẫn cố gắng sống tốt đẹp và trở thành những người thành đạt trong xã hội ở xứ người.
Giờ đây, khi đã là một doanh nhân thành đạt ở xứ người có vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng. Cuộc sống sung túc của nó đầy đủ với dòng đời hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm với nhiều thứ cao lương mỹ vị khác.
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó. Nó đứng trước bàn thờ, nhìn di ảnh cha gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng, chợt nó thấy nhớ, nhớ lắm nụ cười và ánh mắt trìu mến của cha nó và nhớ cả những ngày xưa cũ ở quê nhà khi anh em nó được sống hạnh phúc bên cha trong căn nhà chòi nhỏ ven sông. Cái nỗi nhớ cồn cào day dứt ấy bỗng dưng lại cào xé lòng nó sau bao nhiêu năm ngủ yên và tưởng chừng như đã quên lãng. Nhưng không… Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận, như có một thứ gì đó đang cấu xé lòng nó. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông với cái rổ đựng con cá, con cua mỗi khi xế chiều bên bờ sông sau nhà với nỗi nhớ da diết trong tim, nhớ đến đau xót, cồn cào. Rồi sau đó là những những cơn đau triền miên hành hạ cha nó mỗi đêm trái gió trở trời. Lúc này, nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu ngày ấy cha ăn nhiều thịt cá hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn vái trước bàn thờ cha, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” nghẹn ngào từ trong cổ họng.
Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.
Có lẽ vợ nó hiểu vì trước khi cưới nhau, có đôi lần nó kể về những ký ức tuổi thơ của nó ở quê nhà cho vợ nghe. Rồi vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó nhiều xương, dễ bị mắc nghẹn ở cổ họng, sẽ làm đau ba đấy”. Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chờ chực nơi cổ họng vào trong, và nói “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con”. Cái cảm giác nghẹn ngào ấy, lời nói dối ấy, giống hệt như ngày xưa, ngày thơ bé sống nghèo khó và hạnh phúc bên cha.
Nó vừa ăn vừa cố giấu những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm. Vì giờ đây, nó mới nhận ra rằng lời nói dối ngày xưa của cha chứa đựng biết bao tình thương dành cho anh em nó nhưng đã quá muộn để anh em nó báo hiếu lời nói dối ấy của cha.
Vương Vi
PN chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Lời nói dối của cha
Cha mẹ nó cưới nhau trong cảnh nghèo túng, ngày đó vì yêu mẹ nó mà cha đã quyết định ở lại quê hương, bỏ lỡ chuyến tàu vượt biển cùng cả gia đình nội
Cha mẹ nó cưới nhau trong cảnh nghèo túng, ngày đó vì yêu mẹ nó mà cha đã quyết định ở lại quê hương, bỏ lỡ chuyến tàu vượt biển cùng cả gia đình nội. Lúc đó, gia đình nghèo khó, cha mẹ nó chỉ có trong tay căn nhà chòi ven sông và mảnh vườn nho nhỏ, sống qua ngày với bó rau con cá. Rồi mẹ nó dường như không an phận chịu sống cảnh nghèo túng nên đã bỏ cha con nó đi theo người đàn ông khác ra tận ngoài miền trung sinh sống để nuôi mộng được đổi đời giàu sang. Cha nó tần tảo sống cảnh gà trống nuôi con, dạy dỗ bốn anh em nó nên người. Nhà ven sông, ngày ngày cha vẫn cứ lặng lẽ ra đó chèo xuồng đánh cá, bắt ốc mò tôm, có hôm đánh bắt được nhiều, cha lại mang ra chợ đổi lấy dăm ba bó rau, vài lạng thịt nạc, hay vài ba trái xoài, trái ổi cho mấy anh em nó. Nhưng rồi đến ngày trái gió trở trời, cha đau yếu liên miên, nên có ngày đi câu chẳng được gì, vì vậy lúc đó, có được bữa cơm với cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”.
Cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”! Photo courtesy: Scmp.com
Nó nhanh nhảu thắc mắc: “Tại sao hả cha?”
Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy: “Vì cha lớn tuổi rồi, hay bị đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau, cái này ông bà mình gọi là ăn óc bổ óc, ăn đầu bổ đầu, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?”
Với tâm hồn trẻ con vô tư hồn nhiên, anh em nó cứ đinh ninh là cha nói thật. Vậy là mỗi ngày đến bữa ăn, nó còn nhanh nhau sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Bốn anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, hỏi đi hỏi lại cha có muốn ăn thịt cá không, những khi như thế, cha nó lại bảo: “Hồi nhỏ, ông bà nội cho cha ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như cha thôi.”
Thời gian thấm thoát trôi qua, anh em nó lớn lên, ông bà nội ở Mỹ bảo lãnh cha và bốn anh em nó sang Mỹ định cư. Vài năm sau ngày đến Mỹ sống cùng gia đình bên nội, cha nó đã già, anh em nó cũng đủ trưởng thành để hiểu biết những lời cha nó nói trước đây là nói dối và đó cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn rất nhiều. Anh em nó lúc này người là bác sĩ, dược sĩ, người là kỹ sư, còn nó là một doanh nhân thành đạt. Vì thế mà anh em nó cũng thường xuyên mua nhiều thịt cá, bào ngư, tổ yến về nấu cháo, nấu súp tẩm bổ cho cha. Nhưng mặc nhiên lúc này nó chẳng còn để tâm gì đến chuyện ngày xưa ở quê nhà, có lẽ vì ngày trước là trẻ con hồn nhiên, bồng bột không dám, không thể ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách cho “lời nói dối” được anh em nó chấp nhận hơn mà nó cũng chẳng còn nhớ rõ. Rồi cha nó mất. Anh em nó vẫn cố gắng sống tốt đẹp và trở thành những người thành đạt trong xã hội ở xứ người.
Giờ đây, khi đã là một doanh nhân thành đạt ở xứ người có vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng. Cuộc sống sung túc của nó đầy đủ với dòng đời hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm với nhiều thứ cao lương mỹ vị khác.
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó. Nó đứng trước bàn thờ, nhìn di ảnh cha gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng, chợt nó thấy nhớ, nhớ lắm nụ cười và ánh mắt trìu mến của cha nó và nhớ cả những ngày xưa cũ ở quê nhà khi anh em nó được sống hạnh phúc bên cha trong căn nhà chòi nhỏ ven sông. Cái nỗi nhớ cồn cào day dứt ấy bỗng dưng lại cào xé lòng nó sau bao nhiêu năm ngủ yên và tưởng chừng như đã quên lãng. Nhưng không… Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận, như có một thứ gì đó đang cấu xé lòng nó. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông với cái rổ đựng con cá, con cua mỗi khi xế chiều bên bờ sông sau nhà với nỗi nhớ da diết trong tim, nhớ đến đau xót, cồn cào. Rồi sau đó là những những cơn đau triền miên hành hạ cha nó mỗi đêm trái gió trở trời. Lúc này, nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ “nếu ngày ấy cha ăn nhiều thịt cá hơn, thì đã không già yếu như thế”. Vừa khấn vái trước bàn thờ cha, nó lại bất giác kêu lên những tiếng “cha” nghẹn ngào từ trong cổ họng.
Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi”.
Có lẽ vợ nó hiểu vì trước khi cưới nhau, có đôi lần nó kể về những ký ức tuổi thơ của nó ở quê nhà cho vợ nghe. Rồi vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó nhiều xương, dễ bị mắc nghẹn ở cổ họng, sẽ làm đau ba đấy”. Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chờ chực nơi cổ họng vào trong, và nói “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con”. Cái cảm giác nghẹn ngào ấy, lời nói dối ấy, giống hệt như ngày xưa, ngày thơ bé sống nghèo khó và hạnh phúc bên cha.
Nó vừa ăn vừa cố giấu những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm. Vì giờ đây, nó mới nhận ra rằng lời nói dối ngày xưa của cha chứa đựng biết bao tình thương dành cho anh em nó nhưng đã quá muộn để anh em nó báo hiếu lời nói dối ấy của cha.
Vương Vi
PN chuyển