* Lữ đoàn 369 TQLC, từ Ba Lòng đến Mỹ Chánh:
Tuần trước, VB đã giới thiệu chiến tích của các tiểu đoàn Thủy quân Lục
chiến (TQLC) thuộc quyền điều động của hai lữ đoàn 147 và 258 TQLC tại
mặt trận Tây Bắc và Bắc Quảng Trị trong giai đoạn 1 của Cuộc chiến Mùa
Hè 1972, kể từ ngày 30/3/1972-ngày CSBV huy động 45 ngàn quân, vượt sông
Bến Hải, tấn công đồng loạt vào nhiều căn cứ hỏa lực và tiền cứ trọng
điểm của QL/VNCH tại giới tuyến, đến ngày 1 tháng 5/1972-ngày lực lượng
bộ chiến của Sư đoàn 3 BB và các đơn vị tăng phái tạm triệt thoái khỏi
Quảng Trị.
Như đã trình bày, trong suốt tháng 4/1972, được sự yểm trợ mạnh mẽ của
Không quân Việt-Mỹ, Pháo binh TQLC, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh VNCH, hai lữ đoàn
147 và 258 TQLC đã đánh bật nhiều đơn vị CSBV trong các trận tấn công
cường tập vào phòng tuyến Đông Hà, căn cứ Phượng Hoàng, Ái Tử… trong
tháng 4/1972. Sau các trận kịch chiến này, nhiều đơn vị TQLC bị tổn thất
gần 1/3 quân số. Trong cuộc triệt thoái vào đầu tháng 5/1972, dù lui
binh trong điều kiện khắc nghiệt, dưới hỏa lực pháo quá nặng của đối
phương, nhưng các đơn vị TQLC vẫn giữ được đội hình trong thế tác chiến,
nhờ đó đã tạo được thời gian trì hoãn và truy cản cần thiết để bộ Tổng
Tham mưu QL/VNCH và bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 tái phối trí lực lượng tiến
hành cuộc tổng phản công.
Sau ngày 2 tháng 5/1972, bờ Nam sông Mỹ trở thành tuyến phòng thủ tiền
phương của lực lượng VNCH tại chiến trường Trị-Thiên. Nỗ lực chính của
phòng tuyến trọng điểm này là lữ đoàn 369 Thủy quân Lục chiến. Trước khi
cuộc chiến Mùa Hè 1972 bùng nổ, lữ đoàn hoạt động tại mật khu Ba Lòng
tỉnh Quảng Trị bao gồm các căn cứ hỏa lực Mai Lộc, Holcomb, núi Bá Hô,
Sarge ngay phía Nam Khe Gió trên Quốc lộ 9 dẫn đến Khe Sanh. Đến hạ tuần
tháng 3/1972, lữ đoàn 369 TQLC bàn giao khu vực trách nhiệm cho lữ đoàn
147 TQLC về Sài Gòn để bổ sung quân số và tái chỉnh trang sau 4 tháng
hành quân tại Quảng Trị.
Dự tính, các đơn vị thống thuộc lữ đoàn sẽ được nghỉ ngơi tại hậu cứ 3
tuần lễ, nhưng chưa được 2 tuần lễ thì sáng ngày 1 tháng 4/1972, lữ đoàn
369TQLC được lệnh phải bổ sung quân số, đạn dược, lương thực gấp rút để
chuẩn bị di chuyển bất cứ giờ nào. Sáng sớm ngày 2 tháng 4/1972, theo
lệnh của Bộ Tổng Tham mưu QL/VNCH, Sư đoàn TQLC đã điều động bộ tham mưu
và các đơn vị yểm trợ sư đoàn, bộ chỉ huy lữ đoàn 369 và 3 tiểu đoàn
thống thuộc 2, 5 và 9 Thủy quân Lục chiến, tiểu đoàn 1 Pháo binh Thủy
quân Lục chiến không vận bằng C130 đến phi trường Phú Bài, cách Huế hơn
10 km đường chim bay về phía Nam. Đến Huế, lữ đoàn 369 TQLC đã nhanh
chóng di chuyển vào vùng hành quân ở Tây Nam Quảng Trị. Theo tài liệu
của cựu đại tá Phạm Văn Chung-nguyên lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369 TQLC,
tiến trình tham chiến của bộ chỉ huy lữ đoàn này và các đơn vị thống
thuộc được ghi nhận như sau:
Theo phân nhiệm, lữ đoàn 369 TQLC hoạt động trên một khu vực rộng khoảng
200 cây số vuông, về phía Bắc từ sông Nhung cách thị xã Quảng Trị
khoảng 5 km đường chim bay, phía Nam là sông Mỹ Chánh cách sông Nhung
gần 15 km-gần địa giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, phía Tây không
giới hạn khi vượt qua tiền cứ Barbara và Anne, phía Đông cách Quốc lộ 1
một km thuộc địa phận quận Hải Lăng.
Các điểm quan trọng chế ngự đường tiến quân của CQ gồm các cứ điểm trọng
yếu: căn cứ Barbara, Nancy, sông và cầu sông Nhung, sông và cầu Ô Khe,
sông và cầu Mỹ Chánh. Tất cả cầu này đều nằm trên Quốc Lộ 1.
* Trận chiến tháng 4 của 3 tiểu đoàn 2, 5, 6 Thủy quân Lục chiến:
2 giờ chiều ngày 3 tháng 4/1972, bộ chỉ huy lữ đoàn triệu tập cuộc họp
các đơn vị trưởng thống thuộc ngay tại phía Bắc cầu Mỹ Chánh trong khi
đoàn quân xa và GMC kéo đại bác hơn 200 chiếc đang chở quân sĩ vào khu
vực hành quân. Trong buổi họp, đại tá Phạm Văn Chung-lữ đoàn trưởng- đã
phân vùng hoạt động cho các tiểu đoàn. Theo đó, tiểu đoàn 2 TQLC (có
biệt danh là Trâu Điên; tiểu đoàn trưởng: trung tá Nguyễn Xuân Phúc),
được chỉ định tiến chiếm căn cứ Barbara và khai triển lực lượng hoạt
động tại vùng Nam khu vực sát sông Mỹ Chánh sâu về phía Tây khoảng 10
km. Tiểu đoàn 5 TQLC (biệt danh là Hắc Long, tiểu đoàn trưởng: thiếu tá
Hồ Quang Lịch), được phân nhiệm bảo vệ các cầu cống trên Quốc lộ 1, bộ
chỉ huy lữ đoàn, vị trí hỏa lực các pháo đội, đồng thời là lực lượng trừ
bị của lữ đoàn. Tiểu đoàn 9 TQLC do thiếu tá Nguyễn Kim Để-tiểu đoàn
trưởng chỉ huy, trách nhiệm từ bờ Nam sông Nhung, đẩy xa CQ về phía Tây.
Ngay sau khi các đơn vị thống thuộc lữ đoàn 369 TQLC vào vùng, Cộng quân
đã gây áp lực nặng “phủ đầu” bằng hỏa lực pháo binh. Suốt ngày đêm, bộ
chỉ huy lữ đoàn đặt tại căn cứ Nancy, và căn cứ Barbara của tiểu đoàn 2
TQLC bị CQ pháo kích dồn dập, nhiều hoạt động bị tê liệt, số quân sĩ bị
thương hoặc tử trận tăng mỗi ngày. Đại tá Phạm Văn Chung-lữ đoàn trưởng,
phải đổi chiến thuật, không đặt nặng việc giữ các căn cứ chỉ định,
ngoại trừ cầu cống trên Quốc lộ 1. Các đơn vị được lưu động hóa, di
chuyển và ẩn hiện bất thường trong khu vực hành quân, các căn cứ gần như
bỏ trống, chỉ để lại một trung đội chốt trong các hầm hố kiên cố. Thay
đổi chiến thuật tỏ ra hữu hiệu, pháo binh CQ không xác định được vị trí
đóng quân của TQLC nên chỉ tác xạ vu vơ, thăm dò. Với chiến thuật này,
các tiểu đoàn TQLC đã dễ dàng điều động các đại đội để truy kích CQ
trong vùng trách nhiệm.
Trong một báo cáo gửi cho bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến HK, thiếu tá
Robert Sheridan-cố vấn lữ đoàn 369 TQLC, đã tường trình như sau: Lữ đoàn
không cho phép một đơn vị nào ở vị trí quá 36 tiếng đồng hồ. Suốt trong
tháng 4 chúng tôi phải di chuyển theo bộ chỉ huy lữ đoàn 21 lần. Các
pháo đội pháo binh thường là mục tiêu chính của pháo binh CQ cũng phải
di chuyển thường xuyên. Trong thời gian 24 tiếng đồng hồ gần những ngày
cuối tháng 4, tiểu đoàn Pháo binh TQLC đã thay đổi vị trí 4 lần, có 1
pháo đội phải thay đổi vị trí 6 lần. Phải di động như thế để tránh pháo
binh địch nhưng các tiểu đoàn tác chiến vẫn được yểm trợ hỏa lực đầy đủ
khi họ yêu cầu.
* Những trận tấn công cường tập vào hạ tuần tháng 4/1972:
Ngày 22 tháng 4/1972 khi vòng đai phòng thủ của lực lượng bộ chiến thuộc
Sư đoàn 3 BB và các đơn vị tăng phái lùi dần, từ phía Bắc, và phía Tây
Bắc Quảng Trị thì vùng hoạt động của lữ đoàn 369 TQLC bị áp lực nặng của
sư đoàn 304 CSBV từ phía Tây.
Tiểu đoàn 2 TQLC bị trung đoàn 24 CSBV tấn công dữ dội. Với chiến thuật
tiền pháo hậu xung, Cộng quân đã mở hàng loạt xung phong biển người vào
các vị trí hành quân của tiểu đoàn này quanh căn cứ Barbara. Ý định của
CQ là muốn chiếm căn cứ này để uy hiếp căn cứ Nancy, bộ chỉ huy lữ đoàn
369, cầu Mỹ Chánh, Quốc lộ 1. Trước áp lực của đối phương, tiểu đoàn
trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã linh động trong chiến thuật: phân tán mỏng
tiểu đoàn rồi bất chợt tập trung nhanh chóng tấn công vào điểm sơ hở
nhất của đối phương vào lúc bất ngờ nhất vào lúc trời sắp tối hoặc vừa
rạng sáng. Ngoài ra, cố vấn tiểu đoàn là đại úy Merl Sexton đã kịp thời
liên lạc điều không để hướng dẫn Không quân Hoa Kỳ từ hạm đội 7 ngoài
biển yểm trợ tiếp cận.
Trong thời gian này, có một lần tiểu đoàn 2 TQLC cũng bị trung đoàn
24CSBV bao vây chia cắt làm hai để cố tình tiêu diệt đơn vị này, nhưng
tất cả quân sĩ tiểu đoàn Trâu Điên đã quá quen thuộc địa thế vùng hành
quân nên dễ dàng phân tán ra khỏi vùng trận địa, rồi sau đó, nhanh chóng
tập trung ngay vào điểm đã được chỉ định sẵn.
Cùng lúc khởi động cuộc tấn công vào tiểu đoàn 2 TQLC, sư đoàn 304 CSBV
đã điều động trung đoàn 9 và trung đoàn 66 tiến hành các đợt tấn công
vào tuyến đóng quân của tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 9 TQLC. Quân sĩ của 2
tiểu đoàn TQLC này đã nỗ lực đẩy lùi các trung đoàn nói trên ra khỏi các
cao điểm ở phía Tây chế ngự kiểm soát Quốc lộ 1. Các trận tấn công của
CQ và các cuộc phản công của TQLC tiếp diễn hàng ngày. Lực lượng tiểu
đoàn 5 và 6 TQLC cố gắng vận dụng sự yểm trợ của Pháo binh và Không quân
để chận đứng các cuộc tấn công cường tập của CQ: ban ngày thì xin Không
quân oanh tạc các vị trí của địch quân bằng bom nặng, đêm thì liên lạc
xin yểm trợ các phi vụ chiến thuật C 130 Specter Gunship gắn đại bác 105
ly trực xạ từ phi cơ xuống máy bay rất chính xác.
Ngày 29 tháng 4/1972, vào hơn 1 giờ trưa, bộ chỉ huy lữ đoàn 369 TQLC
nhận được lệnh từ bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn TQLC là Quân đoàn 1 sẽ
rút 1 tiểu đoàn TQLC để tăng cường cho Sư đoàn 3 BB giải tỏa áp lực của
CQ trên Quốc Lộ 1 từ bờ bắc sông Nhung đến phía Nam thị xã Quảng Trị dài
khoảng 5 km. Vào ngày này chiến trường Quảng Trị đang ở vào những giờ
phút khốc liệt nhất…
https://vietbao.com/a18085/lu-doan-369-tqlc-tu-chien-o-phong-tuyen-tay-my-chanh