Quán Bên Đường
Mắt ngọc
Riêng tặng T. Đ.
Dương Thượng Trúc.
Thụy vác ba lô bước xuống phi trường Cù Hanh vào một buổi chiều cuối Xuân hanh nắng.
Trời cao trong vắt. Nắng chan hòa khắp chốn. Gió nhè nhẹ mơn man. Tuy làn gió Xuân chỉ phơn phớt, nhưng mang theo hơi lạnh của núi đồi, khiến người lính trẻ vốn quen với cái oi bức, xô bồ của Saigon hoa lệ cũng cảm thấy gây gây. Pleiku đây rồi!
Pleiku đi dễ khó về.
Trai đi có vợ gái về có con.*
Vì bất đồng ý kiến với vị đại đội trưởng trong việc bố trí hành quân. Anh đã làm đơn xin thuyên chuyển.
Và bây giờ anh đang hiện diện tại đây, phố núi Pleiku với thật nhiều huyền thoại qua thơ văn và cũng vô cùng ác liệt về cường độ của chiến tranh.
Từ trên phi cơ nhìn xuống chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Núi san sát núi, rừng tiếp nối rừng, chẳng thấy đâu là nhà cửa phố thị. Chỉ vài giờ bay của con trâu già C.119 mà sao nghe Saigòn chừng như cách biệt ngàn trùng.
Cài lại khuy áo Field-Jaket, Thụy xốc ba lô, vác cây đàn guitar lên vai, lững thững đi ra cổng phi trường theo sự chỉ dẫn của mấy anh em Không Quân.
Đoạn đường không dài lắm. Nhưng cũng làm anh thấm mệt! Đã từ lâu, anh đâu có phải vác cái của nợ này trên lưng. Lúc còn ở Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân chỉ làm nhiệm vụ hành quân lục soát, chống pháo kích, sáng đi chiều về, nên chẳng cần đeo ba lô. Hơn nữa, hôm nay nó lại chứa gần như toàn bộ gia sản của một người lính: Hai bộ đồ trận, một cái võng cá nhân, một poncholine, quần áo lót, đồ vệ sinh cá nhân v.v... Nên, khi ra khỏi cổng phi trường, thì lưng áo Thụy đã lấm tấm mồ hôi. Anh dừng lại nghỉ mệt và định hướng.
Bỗng, Thụy thấy từ xa một chiếc Jeep lùn, trên mặt kính xe có vẽ hình con cọp to tổ chảng, anh biết là xe của binh chủng Biệt Động Quân. Nó đang phon phon chạy về hướng anh, nên bước vội ra ngoắc lia ngoắc lịa. Xe dừng lại sát bên Thụy. Trên xe chở bốn người. Anh tài xế, một viên Đại Úy trắng trẻo, có gương mặt dễ mến ngồi ghế trưởng xa. Hàng sau là hai người lính truyền tin với giàn máy móc kêu sè sè. Thụy đứng nghiêm chào ông theo lễ nghi quân cách. Vị Sĩ Quan chào lại và lên tiếng hỏi:
- Thiếu Uý cần gì?
- Thưa Đại Úy, tôi là Thiếu Uý Thụy ở Liên Đoàn 5 thuyên chuyển ra Tiểu Đoàn 11, nhưng không biết doanh trại ở đâu, nhờ Đại Úy giúp đỡ giùm.
- À! Hậu cứ Tiểu Đoàn 11 thì ở trong Biển Hồ kìa. Rất tiếc, bây giờ tôi phải qua họp với bên Thiết Giáp, hơi ngược đường, nếu không tôi sẽ đưa Thiếu Úy vào trong ấy.
- Dạ cám ơn Đại Úy, xin ông chỉ giúp hướng đi là được rồi.
- Bây giờ anh lên xe đi, tôi đưa anh ra Quốc Lộ, chỗ Cầu Số Ba. Nơi ấy có thể đón xe Lam chở khách vào tận Biển Hồ.
Thụy leo lên hàng ghế phía sau, ngồi chung với hai anh lính truyền tin.
Đoạn đường ngắn ngủi, nhưng trong chiếc Jeep trống huơ trống hoác từng cơn gió phần phật thổi vào khiến Thụy càng thấm thía với cái lạnh của núi rừng.
Xe dừng lại bên Quốc lộ, viên Đại Uý hướng dẫn anh đón xe lam thế nào để vào doanh trại. Ông chỉ về hướng tay trái và nói:
- Hướng này đi ra phố, ngược lại thì vào Biển Hồ. Anh cứ đứng đây, một lát sẽ có xe lam chở khách chạy qua. Trạm cuối của nó là chợ Biển Hồ. Từ đó anh hỏi thăm thì tìm được đường vào hậu cứ Tiểu Đoàn 11.
- Dạ! Tôi biết rồi. Cám ơn Đại úy
Ông ân cần dặn dò Thụy:
-Anh còn nhớ quân phong quân kỷ chứ? Là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khi buộc lòng phảì xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như xe đò, xe buýt, xe lam, phải cố gắng giữ gìn tác phong. Không để mọi người biết được cấp bậc của mình càng tốt.
- Dạ tôi hiểu, thưa Đại Úy. Cám ơn ông đã nhắc nhở.
Anh đứng nghiêm chào ông trước khi chiếc Jeep hòa vào giòng xe cộ đang di chuyển trên quốc lộ 14.
Anh thầm ngưỡng mộ người đàn anh tốt bụng trong binh chủng.
Nắng chiều đã ngã, xa xa những dãy núi xanh mờ ảo vươn cao lên nền trời một cách uy nghi hùng vĩ. Gió gây gây lạnh, nhất là khi những đoàn xe GMC chở đầy binh sĩ đủ các sắc lính vùn vụt lướt qua.
Xe nhà binh nhiều hơn xe dân sự. Và trên các phương tiện di chuyển qua lại thì những bộ quân phục đủ màu, đủ sắc vẫn chiếm đa số.
Thành phố của lính có khác.
Chiếc xe lam dừng lại đón anh chỉ còn một chỗ trống duy nhất.
Ngay vào giờ tan trường, nên toàn bộ hành khách trên xe là những nàng nữ sinh của phố núi. Có lẽ họ là học sinh của các trường Pleime, Minh Đức, Bồ Đề theo như sự tìm hiểu của anh truớc đây…
Với áo dài trắng thướt tha, với má đỏ môi hồng, mà lần đầu tiên được diện kiến thật gần gũi, khiến Thụy thật sự cảm phục nhà thơ đã có một sáng tác để đời nói về Phố núi Pleiku và những cô gái môi hồng, mà đỏ.
Theo các khoa học gia thì những người con gái ở xứ lạnh nói chung, cần có sức đề kháng với khí hậu, nên số lượng hồng huyết cầu được tăng cường ở những nơi có làn da tiếp xúc với cái lạnh nhiều nhất, như khuôn mặt chẳng hạn. Nên các cô chẳng cần phải thoa kem, dồi phấn, mà lúc nào môi cũng đỏ, má cũng hồng, làm ngất ngây biết bao anh hùng, hảo hán dù chỉ một lần gặp gỡ.
Thụy được nhét vào ngồi ở ngay cuối băng ghế. Anh vừa đặt cái balô và cây đàn lên sàn xe, đã nghe một cô nào đó đọc lanh lảnh hai câu thơ đường phố:
Vì chàng, thiếp mang balô đằng trước.
Vì nước, chàng đeo balô đằng sau…*
Một trận cười rộn ràng vang lên hưởng ứng sự tinh nghịch ấy.
Thụy ngồi như phỗng đá, anh biết là gặp các cô học trò lý lắc này mà lên tiếng, chỉ có thiệt thân thôi.
Kề bên anh là cô gái có mái tóc thề óng ả, nụ cười vô tư như trẻ thơ, khoe cái răng khểnh hết sức duyên dáng và đôi mắt của cô thật đặc biệt. Nó trong vắt, long lanh như hai hạt ngọc. Khi cô cười dường như đuôi mắt cũng cười theo, khiến gương mặt cô trở nên rạng rỡ, dễ để lại trong lòng người đối diện những cảm xúc thân thiết khó quên.
Thụy thật sự bất ngờ, và hơi lúng túng khi ở vào trong tình trạng “Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa” như thế này.
Lúc xe bắt đầu chuyển bánh, các cô đã ước lượng được sự tương quan lực lượng giữa hai phe. Thấy khí thế của các cô bao trùm trận địa vì trên xe có mười chỗ ngồi, thì các cô chiếm hết chin.
Chín đánh một, không chột cũng què… mà
Anh nghe loáng thoáng các câu bình phẩm vu vơ:
- Chà! Nghệ sĩ với cây đàn đó nhe, mấy o!
- Hổng phải, tay súng tay đàn…
Và một giọng hát vang lên nhè nhẹ:
…Hẹn một ngày mai, đàn thay tay súng
tạ từ niềm vui đèo cao gió núi…
Người lính thất hứa và hay quên,
đem chiếc áo cưới nhờ thêu thêm
một câu ngắn “Anh đền”**
- Mà lính thì hay quên lắm, phải không mấy o?
- Ừa! Nhiều khi hổng phải quên, mà giả bộ quên nữa chứ...
- Lỗi hẹn thì đổ thưa đi hành quân, bận công vụ...
- Bởi vậy mỗi lần lính nói thì phải lột dép ra...
- Chi vậy?
- Xin keo chứ làm chi...
- Mi làm như mi đã từng là người yêu của lính không bằng...
- Hổng dám đâu...
Cứ thế, một cô tung, năm ba cô hứng, rồi thì các cô phá lên cười với nhau, coi như không có mặt anh chàng lính thành phố của chúng ta trên chuyến xe lam chiều này vậy. Giọng nói các cô líu lo như chim hót và rộn ràng tươi vui khiến đoạn đường như thu ngắn lại. Đúng là: Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò.
Các cô thật quá quắt, sau khi thẩm định thấy Thụy chỉ là một con nai vàng ngơ ngác, nên chẳng buông tha. Cái cô gái có mái tóc bum bê, cái mũi hênh hếch nghịch ngợm, ngồi đối diện anh, khi thấy Thụy đã yên vị, cũng lên tiếng:
- Nè, các bạn có thấy gì không?
Mọi người nhao nhao lên;
- Thấy gì vậy???
- Con Thu hôm nay có điểm tựa vững chắc rồi đó nhe. Ai mà lộn xộn là có chuyện ngay.
Một tràng cười lại vang lên làm rộn ràng khoang xe chật hẹp. Thì ra người con gái ngồi cạnh anh có cái tên của một mùa đẹp nhất trong năm: Thu. Trận cười chưa dứt thì chiếc xe Lam quẹo hơi gắt ở một ngã ba, khiến cô bé ngã hẳn ngưòi tựa lên vai Thụy.
Những sợi tóc mây vô tình mơn man trên mặt, trên cổ anh, cùng hương thơm ngọt ngào trinh trắng, toát ra từ cô gái, tạo cho anh một cảm giác lâng lâng, mê đắm. Gượng lấy lại thăng bằng, cô gái lí nhí:
- Xin lỗi anh nhé.
- Có gì đâu mà phải xin lỗi, hở cô Thu?
Cả xe đều tỏ ra ngạc nhiên, khi Thụy nói đến tên Thu, dù anh đã cố tình hạ thật thấp giọng xuống. Và rồi những tràng cười trêu ghẹo lại vỡ bùng ra trong lòng xe.
…Bùm… Chợt mọi người im bặt, vì một tiếng nổ khá lớn vang lên, sau đó là những tiếng la hét thất thanh khi chiếc xe chao đảo như muốn lật ngang. Lê lết thêm một đoạn nữa xe dừng hẳn lại bên đường. Các cô nhao nhao lên hỏi. Rồi tiếng bác tài thông báo qua giọng trọ trẹ của một người Tàu nói tiếng Việt chưa rành:
- Xe pể pánh rồi pà con ơi. Chịu khó xuống lón xe khác dề giùm ngộ li. Nếu không thì phải lợi lâu lắm đó.
Thụy bước xuống, đến đứng dựa một gốc cây bên lề đường, lôi cái nón “ bo” nhét trong túi quần chụp lên đầu. Lặng lẽ châm điếu thuốc, nhả khói nhìn các cô đang lục tục rời chiếc xe lam, miệng không ngớt càm ràm bác tài xế. Trong khi ông ta loay hoay thay bánh xe sơ cua. Vài chiếc xe lam chạy qua, và số người đứng bên lề cũng đã vơi dần.
Cuối cùng chỉ còn lại Thụy và cô gái có đôi mắt ngọc. Cô đang đứng kia, lưng dựa vào một gốc cây sao, cặp sách che trước ngực. Tà áo dài trắng tung bay trong nắng chiều Xuân, tóc mây vờn gió. Thụy bước đến hỏi thăm người bạn đồng hành:
- Đây là đâu vậy, cô Thu?
- Dạ đây là ngã ba đồi Đức Mẹ. Anh nhìn thấy ngọn đồi bên kia không?
Quay mắt theo ngón tay trỏ của cô gái, Thụy thấy một ngọn đồi thoai thoải bên kia đường.
- Từ đây vào đến Biển Hồ còn xa lắm không?
- Dạ Biển Hồ thì gần đến rồi, còn vào bến thì phải thêm một đoạn nữa ạ!
- Cô Thu học trường nào vậy, lớp mấy rồi nhỉ?
- Dạ em học lớp Đệ Tam, trường Pleime.
- Thu chẳng mặc áo ấm, không thấy lạnh hay sao?
- Dạ không, em quen rồi…
- Mấy người bạn của côThu vui tính nhỉ!
- Trời ơi! Bọn chúng phá như quỷ...
- Tuổi học trò mà, bây giờ không vui trọn vẹn, mai kia vào đời rồi sẽ thấy tiếc nuối tháng ngày hoa mộng biết bao.
Thụy như tự nói với chính mình… Hai người trao đổi những điều thật vu vơ chả đâu vào với đâu. Chợt Thu lên tiếng:
- Hình như anh… mới thuyên chuyển ra đây, về Tiểu Đoàn nào vậy?
- Phải, hôm nay là ngày đầu tiên, tôi đặt chân lên Pleiku và sẽ trình diện Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, vào ngày mai. Tôi tên Thụy.Thu cứ gọi tên cho tiện. Ánh mắt cô gái chợt sáng lên và mở to như hai viên ngọc:
- Dạ! Anh Hai của Thu cũng ở 11. Ở đây anh chỉ cần nói Tiểu Đoàn mấy, là người nghe cũng hiểu rồi.
- Thế à! Vậy mình là người nhà rồi. Cám ơn cô Thu, quả thật tôi không biết điều đó.
Một chiếc xe Jeep dừng lại bên lề, gần chỗ hai người đứng. Thu reo to khi nhìn thấy người đang cầm vô lăng:
- Anh Hai…
Vị quân nhân trẻ tuổi trong quân phục hoa rừng, lên tiếng:
- Có chuyện gì mà em đứng đây vậy, Thu?
- Dạ em đi học về, xe lam bị bể bánh…
- Lên xe về với anh…
- Dạ, còn… còn anh… anh lính này nữa…
Thụy bước đến giơ tay chào nghiêm chỉnh, khi nhìn thấy hai bông mai đen thêu trên ve áo người ấy, anh nói:
- Thưa Trung úy, tôi là Thiếu úy Thụy từ trong Nam thuyên chuyển ra Tiểu Đoàn 11…
- Lên xe luôn, tôi là Quang, Sĩ Quan Hậu Cứ của 11 đây. Thu, em lại trả tiền xe cho bác tài xế đi rồi về.
- Để tôi trả luôn cho cô Thu. Thụy bước nhanh đến trả tiền cho tài xế và vác hành lý bỏ lên xe của Quang.
Mọi người lục tục lên xe.
Chỉ vài phút sau, chiếc Jeep dừng lại trước khoảng sân rộng của một căn nhà khang trang quay mặt ra đường đất đỏ, có giàn tigôn tím lãng mạn làm cổng, và hàng rào bằng hoa dâm bụt, được cắt tỉa gọn gàng trồng chung quanh. Vừa nhảy xuống xe, Quang vừa nói:
- Anh Thụy tối nay nghỉ ngơi lại gia đình tôi, rồi ngày mai hãy vào Tiểu Đoàn nhé.
- Dạ cám ơn Trung úy, tôi e bất tiện.
- Đừng ngại gì cả, đây là nhà riêng của chúng tôi mà. Cả ba má tôi cũng sống ở đây. Ba tôi phục vụ Tiểu Đoàn này từ lúc còn đóng ngoài vùng một kìa. Sau đó, xảy ra vụ lùm sùm của ông Tôn Thất Trực, nên hoán chuyển cho Tiểu Đoàn 21. Tôi ra trường Thủ Đức rồi cũng xin về 11.
Thu chen vào:
- Hay anh Thụy ở lại đây ăn cơm chiều xong rồi vào Tiểu Đoàn sau.
- Cám ơn cô Thu, để tôi vào trong câu lạc bộ dùng cái gì lót dạ cũng được…
- Trong ấy giờ này anh em họ nghỉ việc hết rồi, Tiểu Đoàn thì đang trên vùng hành quân…
- Sau này có dịp, tôi sẽ thăm hai bác và cô. Còn bây giờ tôi cũng cần có chỗ để tắm giặt, thay đổi quần áo. Xin Trung úy cho tôi vào trong Tiểu Đoàn.
Thấy vẻ cương quyết của Thụy, Quang ngồi vào tay lái. Thu cũng leo lên sau xe:
- Em cũng đi với các anh…
Chiếc xe jeep luồn lách trong khu phố nhỏ, Quang giải thích:
- Đây là nơi mà các anh em quân nhân hay ra vui chơi, giải trí sau các cuộc hành quân. Anh nhìn thấy tấm bảng hiệu kia không?
- Dạ thấy, Cà phê Cường…
- Quán lúc nào cũng đông nghẹt! Chẳng biết tại cà phê ngon hay tại vẻ xinh xắn và dễ thương của hai cô con gái Thượng Sĩ Cường nữa.
Xe bắt đầu đi vào vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn, vửa lái xe, Quang vừa giải thích:
- Đây là sân trực thăng của đơn vị mình, phía sau lưng kia là Khu Gia Binh,
Xe lượn một vòng trong sân cờ rộng rãi sạch sẽ, rồi dừng lại trước văn phòng Tiểu Đoàn. Hai người nhảy xuống. Một viên trung sĩ nhất bước ra chào Quang, anh nói:
- Hải à! Đây là Thiếu úy Thụy, mới được bổ sung về Tiểu Đoàn mình. Còn đây là Hải, hạ sĩ quan trực hôm nay. Có gì cần anh Thụy cứ hỏi, Hải sẽ lo liệu.
Hải bước đến đứng nghiêm chào Thụy, anh chào lại, bắt tay anh ta và nói:
- Anh Hải giúp giùm cho tôi chỗ nghỉ ngơi đêm nay là cám ơn rồi…
- Thiếu úy yên tâm, mọi chuyện đàn em sẽ lo hết.
Quang vỗ vai Thụy:
- Ngày mai chúng ta gặp lại…
- Dạ. Xin chào và cám ơn Trung úy. Xin chào cô Thu, có dịp sẽ gặp sau…
- Dạ. Chào anh Thụy…
Quang nhảy lên đề máy, chiếc xe Jeep lượn một vòng quanh khuôn viên sân cờ, hướng đầu về lối ra cổng sau của Tiểu Đoàn, bụi đỏ tung bay theo những vòng quay của bánh xe.
Xe đã khuất sau dãy nhà ngủ binh sĩ, Thụy còn nhìn thấy ánh mắt long lanh của Thu đang ngoái lại nhìn anh qua làn bụi đỏ. Đôi mắt tròn và long lanh như hai viên ngọc mà khi cô cười, đuôi mắt cũng cười theo.
Thụy biết rằng rồi đây đôi mắt ấy sẽ mãi mãi theo bước anh trên vạn nẻo gió sương của cuộc đời chinh chiến
Thủy Gia Trang
Xuân Tân Mão 2011
Biên Hùng chuyển
* Ca dao dân gian.
** Xin Đừng trách Anh - Phượng Linh
Mắt ngọc
Riêng tặng T. Đ.
Dương Thượng Trúc.
Thụy vác ba lô bước xuống phi trường Cù Hanh vào một buổi chiều cuối Xuân hanh nắng.
Trời cao trong vắt. Nắng chan hòa khắp chốn. Gió nhè nhẹ mơn man. Tuy làn gió Xuân chỉ phơn phớt, nhưng mang theo hơi lạnh của núi đồi, khiến người lính trẻ vốn quen với cái oi bức, xô bồ của Saigon hoa lệ cũng cảm thấy gây gây. Pleiku đây rồi!
Pleiku đi dễ khó về.
Trai đi có vợ gái về có con.*
Vì bất đồng ý kiến với vị đại đội trưởng trong việc bố trí hành quân. Anh đã làm đơn xin thuyên chuyển.
Và bây giờ anh đang hiện diện tại đây, phố núi Pleiku với thật nhiều huyền thoại qua thơ văn và cũng vô cùng ác liệt về cường độ của chiến tranh.
Từ trên phi cơ nhìn xuống chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Núi san sát núi, rừng tiếp nối rừng, chẳng thấy đâu là nhà cửa phố thị. Chỉ vài giờ bay của con trâu già C.119 mà sao nghe Saigòn chừng như cách biệt ngàn trùng.
Cài lại khuy áo Field-Jaket, Thụy xốc ba lô, vác cây đàn guitar lên vai, lững thững đi ra cổng phi trường theo sự chỉ dẫn của mấy anh em Không Quân.
Đoạn đường không dài lắm. Nhưng cũng làm anh thấm mệt! Đã từ lâu, anh đâu có phải vác cái của nợ này trên lưng. Lúc còn ở Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân chỉ làm nhiệm vụ hành quân lục soát, chống pháo kích, sáng đi chiều về, nên chẳng cần đeo ba lô. Hơn nữa, hôm nay nó lại chứa gần như toàn bộ gia sản của một người lính: Hai bộ đồ trận, một cái võng cá nhân, một poncholine, quần áo lót, đồ vệ sinh cá nhân v.v... Nên, khi ra khỏi cổng phi trường, thì lưng áo Thụy đã lấm tấm mồ hôi. Anh dừng lại nghỉ mệt và định hướng.
Bỗng, Thụy thấy từ xa một chiếc Jeep lùn, trên mặt kính xe có vẽ hình con cọp to tổ chảng, anh biết là xe của binh chủng Biệt Động Quân. Nó đang phon phon chạy về hướng anh, nên bước vội ra ngoắc lia ngoắc lịa. Xe dừng lại sát bên Thụy. Trên xe chở bốn người. Anh tài xế, một viên Đại Úy trắng trẻo, có gương mặt dễ mến ngồi ghế trưởng xa. Hàng sau là hai người lính truyền tin với giàn máy móc kêu sè sè. Thụy đứng nghiêm chào ông theo lễ nghi quân cách. Vị Sĩ Quan chào lại và lên tiếng hỏi:
- Thiếu Uý cần gì?
- Thưa Đại Úy, tôi là Thiếu Uý Thụy ở Liên Đoàn 5 thuyên chuyển ra Tiểu Đoàn 11, nhưng không biết doanh trại ở đâu, nhờ Đại Úy giúp đỡ giùm.
- À! Hậu cứ Tiểu Đoàn 11 thì ở trong Biển Hồ kìa. Rất tiếc, bây giờ tôi phải qua họp với bên Thiết Giáp, hơi ngược đường, nếu không tôi sẽ đưa Thiếu Úy vào trong ấy.
- Dạ cám ơn Đại Úy, xin ông chỉ giúp hướng đi là được rồi.
- Bây giờ anh lên xe đi, tôi đưa anh ra Quốc Lộ, chỗ Cầu Số Ba. Nơi ấy có thể đón xe Lam chở khách vào tận Biển Hồ.
Thụy leo lên hàng ghế phía sau, ngồi chung với hai anh lính truyền tin.
Đoạn đường ngắn ngủi, nhưng trong chiếc Jeep trống huơ trống hoác từng cơn gió phần phật thổi vào khiến Thụy càng thấm thía với cái lạnh của núi rừng.
Xe dừng lại bên Quốc lộ, viên Đại Uý hướng dẫn anh đón xe lam thế nào để vào doanh trại. Ông chỉ về hướng tay trái và nói:
- Hướng này đi ra phố, ngược lại thì vào Biển Hồ. Anh cứ đứng đây, một lát sẽ có xe lam chở khách chạy qua. Trạm cuối của nó là chợ Biển Hồ. Từ đó anh hỏi thăm thì tìm được đường vào hậu cứ Tiểu Đoàn 11.
- Dạ! Tôi biết rồi. Cám ơn Đại úy
Ông ân cần dặn dò Thụy:
-Anh còn nhớ quân phong quân kỷ chứ? Là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khi buộc lòng phảì xử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như xe đò, xe buýt, xe lam, phải cố gắng giữ gìn tác phong. Không để mọi người biết được cấp bậc của mình càng tốt.
- Dạ tôi hiểu, thưa Đại Úy. Cám ơn ông đã nhắc nhở.
Anh đứng nghiêm chào ông trước khi chiếc Jeep hòa vào giòng xe cộ đang di chuyển trên quốc lộ 14.
Anh thầm ngưỡng mộ người đàn anh tốt bụng trong binh chủng.
Nắng chiều đã ngã, xa xa những dãy núi xanh mờ ảo vươn cao lên nền trời một cách uy nghi hùng vĩ. Gió gây gây lạnh, nhất là khi những đoàn xe GMC chở đầy binh sĩ đủ các sắc lính vùn vụt lướt qua.
Xe nhà binh nhiều hơn xe dân sự. Và trên các phương tiện di chuyển qua lại thì những bộ quân phục đủ màu, đủ sắc vẫn chiếm đa số.
Thành phố của lính có khác.
Chiếc xe lam dừng lại đón anh chỉ còn một chỗ trống duy nhất.
Ngay vào giờ tan trường, nên toàn bộ hành khách trên xe là những nàng nữ sinh của phố núi. Có lẽ họ là học sinh của các trường Pleime, Minh Đức, Bồ Đề theo như sự tìm hiểu của anh truớc đây…
Với áo dài trắng thướt tha, với má đỏ môi hồng, mà lần đầu tiên được diện kiến thật gần gũi, khiến Thụy thật sự cảm phục nhà thơ đã có một sáng tác để đời nói về Phố núi Pleiku và những cô gái môi hồng, mà đỏ.
Theo các khoa học gia thì những người con gái ở xứ lạnh nói chung, cần có sức đề kháng với khí hậu, nên số lượng hồng huyết cầu được tăng cường ở những nơi có làn da tiếp xúc với cái lạnh nhiều nhất, như khuôn mặt chẳng hạn. Nên các cô chẳng cần phải thoa kem, dồi phấn, mà lúc nào môi cũng đỏ, má cũng hồng, làm ngất ngây biết bao anh hùng, hảo hán dù chỉ một lần gặp gỡ.
Thụy được nhét vào ngồi ở ngay cuối băng ghế. Anh vừa đặt cái balô và cây đàn lên sàn xe, đã nghe một cô nào đó đọc lanh lảnh hai câu thơ đường phố:
Vì chàng, thiếp mang balô đằng trước.
Vì nước, chàng đeo balô đằng sau…*
Một trận cười rộn ràng vang lên hưởng ứng sự tinh nghịch ấy.
Thụy ngồi như phỗng đá, anh biết là gặp các cô học trò lý lắc này mà lên tiếng, chỉ có thiệt thân thôi.
Kề bên anh là cô gái có mái tóc thề óng ả, nụ cười vô tư như trẻ thơ, khoe cái răng khểnh hết sức duyên dáng và đôi mắt của cô thật đặc biệt. Nó trong vắt, long lanh như hai hạt ngọc. Khi cô cười dường như đuôi mắt cũng cười theo, khiến gương mặt cô trở nên rạng rỡ, dễ để lại trong lòng người đối diện những cảm xúc thân thiết khó quên.
Thụy thật sự bất ngờ, và hơi lúng túng khi ở vào trong tình trạng “Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa” như thế này.
Lúc xe bắt đầu chuyển bánh, các cô đã ước lượng được sự tương quan lực lượng giữa hai phe. Thấy khí thế của các cô bao trùm trận địa vì trên xe có mười chỗ ngồi, thì các cô chiếm hết chin.
Chín đánh một, không chột cũng què… mà
Anh nghe loáng thoáng các câu bình phẩm vu vơ:
- Chà! Nghệ sĩ với cây đàn đó nhe, mấy o!
- Hổng phải, tay súng tay đàn…
Và một giọng hát vang lên nhè nhẹ:
…Hẹn một ngày mai, đàn thay tay súng
tạ từ niềm vui đèo cao gió núi…
Người lính thất hứa và hay quên,
đem chiếc áo cưới nhờ thêu thêm
một câu ngắn “Anh đền”**
- Mà lính thì hay quên lắm, phải không mấy o?
- Ừa! Nhiều khi hổng phải quên, mà giả bộ quên nữa chứ...
- Lỗi hẹn thì đổ thưa đi hành quân, bận công vụ...
- Bởi vậy mỗi lần lính nói thì phải lột dép ra...
- Chi vậy?
- Xin keo chứ làm chi...
- Mi làm như mi đã từng là người yêu của lính không bằng...
- Hổng dám đâu...
Cứ thế, một cô tung, năm ba cô hứng, rồi thì các cô phá lên cười với nhau, coi như không có mặt anh chàng lính thành phố của chúng ta trên chuyến xe lam chiều này vậy. Giọng nói các cô líu lo như chim hót và rộn ràng tươi vui khiến đoạn đường như thu ngắn lại. Đúng là: Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò.
Các cô thật quá quắt, sau khi thẩm định thấy Thụy chỉ là một con nai vàng ngơ ngác, nên chẳng buông tha. Cái cô gái có mái tóc bum bê, cái mũi hênh hếch nghịch ngợm, ngồi đối diện anh, khi thấy Thụy đã yên vị, cũng lên tiếng:
- Nè, các bạn có thấy gì không?
Mọi người nhao nhao lên;
- Thấy gì vậy???
- Con Thu hôm nay có điểm tựa vững chắc rồi đó nhe. Ai mà lộn xộn là có chuyện ngay.
Một tràng cười lại vang lên làm rộn ràng khoang xe chật hẹp. Thì ra người con gái ngồi cạnh anh có cái tên của một mùa đẹp nhất trong năm: Thu. Trận cười chưa dứt thì chiếc xe Lam quẹo hơi gắt ở một ngã ba, khiến cô bé ngã hẳn ngưòi tựa lên vai Thụy.
Những sợi tóc mây vô tình mơn man trên mặt, trên cổ anh, cùng hương thơm ngọt ngào trinh trắng, toát ra từ cô gái, tạo cho anh một cảm giác lâng lâng, mê đắm. Gượng lấy lại thăng bằng, cô gái lí nhí:
- Xin lỗi anh nhé.
- Có gì đâu mà phải xin lỗi, hở cô Thu?
Cả xe đều tỏ ra ngạc nhiên, khi Thụy nói đến tên Thu, dù anh đã cố tình hạ thật thấp giọng xuống. Và rồi những tràng cười trêu ghẹo lại vỡ bùng ra trong lòng xe.
…Bùm… Chợt mọi người im bặt, vì một tiếng nổ khá lớn vang lên, sau đó là những tiếng la hét thất thanh khi chiếc xe chao đảo như muốn lật ngang. Lê lết thêm một đoạn nữa xe dừng hẳn lại bên đường. Các cô nhao nhao lên hỏi. Rồi tiếng bác tài thông báo qua giọng trọ trẹ của một người Tàu nói tiếng Việt chưa rành:
- Xe pể pánh rồi pà con ơi. Chịu khó xuống lón xe khác dề giùm ngộ li. Nếu không thì phải lợi lâu lắm đó.
Thụy bước xuống, đến đứng dựa một gốc cây bên lề đường, lôi cái nón “ bo” nhét trong túi quần chụp lên đầu. Lặng lẽ châm điếu thuốc, nhả khói nhìn các cô đang lục tục rời chiếc xe lam, miệng không ngớt càm ràm bác tài xế. Trong khi ông ta loay hoay thay bánh xe sơ cua. Vài chiếc xe lam chạy qua, và số người đứng bên lề cũng đã vơi dần.
Cuối cùng chỉ còn lại Thụy và cô gái có đôi mắt ngọc. Cô đang đứng kia, lưng dựa vào một gốc cây sao, cặp sách che trước ngực. Tà áo dài trắng tung bay trong nắng chiều Xuân, tóc mây vờn gió. Thụy bước đến hỏi thăm người bạn đồng hành:
- Đây là đâu vậy, cô Thu?
- Dạ đây là ngã ba đồi Đức Mẹ. Anh nhìn thấy ngọn đồi bên kia không?
Quay mắt theo ngón tay trỏ của cô gái, Thụy thấy một ngọn đồi thoai thoải bên kia đường.
- Từ đây vào đến Biển Hồ còn xa lắm không?
- Dạ Biển Hồ thì gần đến rồi, còn vào bến thì phải thêm một đoạn nữa ạ!
- Cô Thu học trường nào vậy, lớp mấy rồi nhỉ?
- Dạ em học lớp Đệ Tam, trường Pleime.
- Thu chẳng mặc áo ấm, không thấy lạnh hay sao?
- Dạ không, em quen rồi…
- Mấy người bạn của côThu vui tính nhỉ!
- Trời ơi! Bọn chúng phá như quỷ...
- Tuổi học trò mà, bây giờ không vui trọn vẹn, mai kia vào đời rồi sẽ thấy tiếc nuối tháng ngày hoa mộng biết bao.
Thụy như tự nói với chính mình… Hai người trao đổi những điều thật vu vơ chả đâu vào với đâu. Chợt Thu lên tiếng:
- Hình như anh… mới thuyên chuyển ra đây, về Tiểu Đoàn nào vậy?
- Phải, hôm nay là ngày đầu tiên, tôi đặt chân lên Pleiku và sẽ trình diện Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, vào ngày mai. Tôi tên Thụy.Thu cứ gọi tên cho tiện. Ánh mắt cô gái chợt sáng lên và mở to như hai viên ngọc:
- Dạ! Anh Hai của Thu cũng ở 11. Ở đây anh chỉ cần nói Tiểu Đoàn mấy, là người nghe cũng hiểu rồi.
- Thế à! Vậy mình là người nhà rồi. Cám ơn cô Thu, quả thật tôi không biết điều đó.
Một chiếc xe Jeep dừng lại bên lề, gần chỗ hai người đứng. Thu reo to khi nhìn thấy người đang cầm vô lăng:
- Anh Hai…
Vị quân nhân trẻ tuổi trong quân phục hoa rừng, lên tiếng:
- Có chuyện gì mà em đứng đây vậy, Thu?
- Dạ em đi học về, xe lam bị bể bánh…
- Lên xe về với anh…
- Dạ, còn… còn anh… anh lính này nữa…
Thụy bước đến giơ tay chào nghiêm chỉnh, khi nhìn thấy hai bông mai đen thêu trên ve áo người ấy, anh nói:
- Thưa Trung úy, tôi là Thiếu úy Thụy từ trong Nam thuyên chuyển ra Tiểu Đoàn 11…
- Lên xe luôn, tôi là Quang, Sĩ Quan Hậu Cứ của 11 đây. Thu, em lại trả tiền xe cho bác tài xế đi rồi về.
- Để tôi trả luôn cho cô Thu. Thụy bước nhanh đến trả tiền cho tài xế và vác hành lý bỏ lên xe của Quang.
Mọi người lục tục lên xe.
Chỉ vài phút sau, chiếc Jeep dừng lại trước khoảng sân rộng của một căn nhà khang trang quay mặt ra đường đất đỏ, có giàn tigôn tím lãng mạn làm cổng, và hàng rào bằng hoa dâm bụt, được cắt tỉa gọn gàng trồng chung quanh. Vừa nhảy xuống xe, Quang vừa nói:
- Anh Thụy tối nay nghỉ ngơi lại gia đình tôi, rồi ngày mai hãy vào Tiểu Đoàn nhé.
- Dạ cám ơn Trung úy, tôi e bất tiện.
- Đừng ngại gì cả, đây là nhà riêng của chúng tôi mà. Cả ba má tôi cũng sống ở đây. Ba tôi phục vụ Tiểu Đoàn này từ lúc còn đóng ngoài vùng một kìa. Sau đó, xảy ra vụ lùm sùm của ông Tôn Thất Trực, nên hoán chuyển cho Tiểu Đoàn 21. Tôi ra trường Thủ Đức rồi cũng xin về 11.
Thu chen vào:
- Hay anh Thụy ở lại đây ăn cơm chiều xong rồi vào Tiểu Đoàn sau.
- Cám ơn cô Thu, để tôi vào trong câu lạc bộ dùng cái gì lót dạ cũng được…
- Trong ấy giờ này anh em họ nghỉ việc hết rồi, Tiểu Đoàn thì đang trên vùng hành quân…
- Sau này có dịp, tôi sẽ thăm hai bác và cô. Còn bây giờ tôi cũng cần có chỗ để tắm giặt, thay đổi quần áo. Xin Trung úy cho tôi vào trong Tiểu Đoàn.
Thấy vẻ cương quyết của Thụy, Quang ngồi vào tay lái. Thu cũng leo lên sau xe:
- Em cũng đi với các anh…
Chiếc xe jeep luồn lách trong khu phố nhỏ, Quang giải thích:
- Đây là nơi mà các anh em quân nhân hay ra vui chơi, giải trí sau các cuộc hành quân. Anh nhìn thấy tấm bảng hiệu kia không?
- Dạ thấy, Cà phê Cường…
- Quán lúc nào cũng đông nghẹt! Chẳng biết tại cà phê ngon hay tại vẻ xinh xắn và dễ thương của hai cô con gái Thượng Sĩ Cường nữa.
Xe bắt đầu đi vào vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn, vửa lái xe, Quang vừa giải thích:
- Đây là sân trực thăng của đơn vị mình, phía sau lưng kia là Khu Gia Binh,
Xe lượn một vòng trong sân cờ rộng rãi sạch sẽ, rồi dừng lại trước văn phòng Tiểu Đoàn. Hai người nhảy xuống. Một viên trung sĩ nhất bước ra chào Quang, anh nói:
- Hải à! Đây là Thiếu úy Thụy, mới được bổ sung về Tiểu Đoàn mình. Còn đây là Hải, hạ sĩ quan trực hôm nay. Có gì cần anh Thụy cứ hỏi, Hải sẽ lo liệu.
Hải bước đến đứng nghiêm chào Thụy, anh chào lại, bắt tay anh ta và nói:
- Anh Hải giúp giùm cho tôi chỗ nghỉ ngơi đêm nay là cám ơn rồi…
- Thiếu úy yên tâm, mọi chuyện đàn em sẽ lo hết.
Quang vỗ vai Thụy:
- Ngày mai chúng ta gặp lại…
- Dạ. Xin chào và cám ơn Trung úy. Xin chào cô Thu, có dịp sẽ gặp sau…
- Dạ. Chào anh Thụy…
Quang nhảy lên đề máy, chiếc xe Jeep lượn một vòng quanh khuôn viên sân cờ, hướng đầu về lối ra cổng sau của Tiểu Đoàn, bụi đỏ tung bay theo những vòng quay của bánh xe.
Xe đã khuất sau dãy nhà ngủ binh sĩ, Thụy còn nhìn thấy ánh mắt long lanh của Thu đang ngoái lại nhìn anh qua làn bụi đỏ. Đôi mắt tròn và long lanh như hai viên ngọc mà khi cô cười, đuôi mắt cũng cười theo.
Thụy biết rằng rồi đây đôi mắt ấy sẽ mãi mãi theo bước anh trên vạn nẻo gió sương của cuộc đời chinh chiến
Thủy Gia Trang
Xuân Tân Mão 2011
Biên Hùng chuyển
* Ca dao dân gian.
** Xin Đừng trách Anh - Phượng Linh