Thông tin từ gia đình cho biết Lý Chánh Trung vừa qua đời ở tuổi 89 lúc 5h50 ngày 13/3 tại nhà riêng sau khoảng một tháng nằm bệnh với chứng viêm phổi từ lâu tái phát.
Lý Chánh Trung sinh năm 1928, thuộc thế hệ trí thức Việt Nam nổi tiếng ở hải ngoại từ thời chống Pháp.
Một người đồng đội và là bạn thân của ông, nhà nghiên cứu
Nguyễn Đình Đầu, bày tỏ nỗi bàng hoàng khi hay tin ông Lý Chánh Trung
vừa mất. “Chúng tôi biết nhau từ năm 1952, khi đó anh Lý Chánh Trung học
cử nhân ở Bỉ, sang Pháp chuẩn bị làm tiến sĩ, còn tôi học ở Pháp, cả
hai gặp nhau tại Thư viện quốc gia Pháp” – ông Nguyễn Đình Đầu nhớ lại.
|
Ký giả Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), nhà văn Sơn Nam, dân biểu Lý Chánh Trung…trong ngày xuống đường vì tự do báo chí. Ảnh: Báo Điện Tín / tư liệu báo
Tuổi Trẻ |
“Chúng tôi có cùng nhau viết một số bài báo về Việt Nam trong
thời kỳ này. Đặc biệt chúng tôi có hai người đàn anh là GS Hoàng Xuân
Hãn và Nguyễn Mạnh Hà, nhóm chúng tôi cùng ủng hộ cách mạng Việt Nam và
chống chiến tranh.
Sau Hiệp định Genève 1954, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Mạnh Hà
chủ trì lập tờ báo Thống Nhất bằng tiếng Việt tại Pháp. Nhưng hai ông
lớn tuổi, giao lại cho tôi và anh Lý Chánh Trung làm phần lớn công việc.
Cuối năm 1954, anh Lý Chánh Trung về Sài Gòn, rồi về quê Trà Vinh luôn.
Đầu năm 1955 tôi cũng về Sài Gòn, tôi nhớ có từng về Trà Vinh dự đám
cưới của anh Lý Chánh Trung, thân nhau là vậy.
Anh Lý Chánh Trung có lúc làm Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục của chính quyền Sài Gòn.
Khoảng năm 1962, giới Công giáo tiến bộ chống chiến tranh của
chúng tôi tại Sài Gòn có tổ chức ra một tờ báo dành cho giáo dân, tên
là Sống Đạo, do Lý Chánh Trung làm chủ bút, tôi làm giám đốc, quá trình
làm báo này chúng tôi liên lạc cả với Dương Văn Minh và với Mặt trận Dân
tộc giải phóng. Cả tôi và Lý Chánh Trung đều nằm trong sổ đen của chính
quyền Ngô Đình Diệm nhưng chưa bị bắt bớ gì.
Đến năm 1975 thì cả tôi và Lý Chánh Trung đều thuộc Thành phần thứ ba (những người chống chiến tranh).
Ở phương diện công việc, anh Lý Chánh Trung là một trí thức
chân thực. Anh chuyên về triết, viết văn và viết báo đều sâu sắc, người
ta thường nói người miền nam viết báo không sâu sắc, nhưng theo tôi, Lý
Chánh Trung viết báo rất sắc bén. Còn nói về tính chân thực trí thức,
thì anh Lý Chánh Trung là người có độ chân thực trí thức rất cao, cả
trong lập trường và trong cư xử”.
Sau năm 1975, Lý Chánh Trung là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ
quốc Việt Nam TP HCM, Đại biểu Quốc Hội ba khóa VI, VII, VIII.
Giai đoạn GS Lý Chánh Trung làm Đại biểu Quốc hội, theo ông
Nguyễn Đình Đầu ghi nhận thì ông có đóng góp nhiều ý kiến, ông Võ Văn
Kiệt lúc sinh thời cũng rất mến GS Lý Chánh Trung.
Chương trình tang lễ:
14h ngày 13/3: Tẩn liệm, nhập quan. Linh cữu được quàn tại nhà. Lễ viếng bắt đầu ngay sau đó.
9h ngày 15/3: lễ động quan, di quan đi an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Ngày 13/11/1988, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật từng đăng bài viết Về
một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học của GS Lý Chánh
Trung, gây xôn xao dư luận bấy giờ do những điều ông “nói thẳng” về cách
giảng dạy môn chủ nghĩa Mác-Lenin.
Trước đó, vào năm 1966, trong quyển sách Cách mạng và Đạo
đức, GS Lý Chánh Trung đã bày tỏ niềm tin đáng kính trọng về một tương
lai của Việt Nam: “Tôi tin rằng giới thanh niên miền Nam, sau khi đã
chạy theo những ảo ảnh, danh từ, huyền thoại, sau khi đã đi tận cùng cái
kinh nghiệm chua cay của hận thù, sẽ nhìn thấy những con người cụ thể,
những vấn đề cụ thể, sẽ nhìn nhau để nói chuyện về đất nước Việt Nam, về
con người Việt Nam”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, cách nay mấy năm,
GS Lý Chánh Trung gần như bị mất hết trí nhớ bởi cú sốc vì người con út
qua đời sau thời gian dài nằm bệnh do tai nạn.
————
http://news.zing.vn/Giao-su-Ly-Chanh-Trung-tu-tran-post633514.html