Phần 1
Thái Tuấn, người tạo cảm hứng cho phê bình nghệ thuật
Trong bài mới viết Về Duy Thanh, tôi có đề cập đến Thái Tuấn, ông vừa là họa sĩ đồng thời là nhà phê bình hội họa nổi tiếng của Sài Gòn những thập niên 60-70 của thế kỷ trước đã nhận được một phản hồi từ nhà thơ và cũng là một nghệ sĩ gốm Nguyễn Quốc Chánh muốn biết rõ hơn về hội họa và các bài viết về mỹ thuật của Thái Tuấn, trong đó, Nguyễn Quốc Chánh nêu lên hoài nghi về khả năng thực hành hội họa của Thái Tuấn không hấp dẫn bằng hai người bạn thân của ông là Duy Thanh và Ngọc Dũng của một số đồng nghiệp và các bạn trẻ.
Ðây là một câu hỏi khó và đặt tôi vào một tình thế nan giải, chưa có tiền lệ. Thật là thiếu thận trọng nếu không muốn nói là khá liều lĩnh khi chạm tới một vấn đề “nhạy cảm” như việc đánh giá lại phẩm chất nghệ thuật hay những bài viết về mỹ thuật của một bậc đàn anh cùng nghề nghiệp với mình. Kẻ đi sau như tôi, trong chừng mực nào đó đã chịu ảnh hưởng ở ông về mặt kiến thức thông qua các bài viết có giá trị chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa của thế giới nghệ thuật hiện đại phương Tây, mà trước ông chưa có ai làm được một cách tường tận, không chỉ dành cho họa sĩ mà có cả những bài mang tính triết lý nghệ thuật dành cho người thưởng ngoạn.
Mặt khác, với cảm quan nghệ thuật sắc bén hiếm hoi, ông là một giám khảo có ảnh hưởng lớn nhất trong các quyết định chọn lựa, phát hiện tài năng hội họa trẻ để trao các giải thưởng mỹ thuật cấp quốc gia hằng năm ở Miền Nam Việt Nam vào những năm 1961,1962,1963 và 1964.
Do đó, tinh thần tiền phong trong việc khơi nguồn làm mới sáng tạo nghệ thuật cho Miền Nam Việt Nam mà ông đã cùng nhóm của mình hành động từ năm 1956, đã cho tôi một niềm tin những gì tôi đã và đang làm là những bước tiếp theo mang tính thừa kế chí hướng ấy, và nhất là vào lúc này thật cần thiết trước một thực tế nhiễu loạn các giá trị thực và giả, mới và cũ đang xảy ra trong nền mỹ thuật Việt Nam dù chắc chắn sẽ gặp rất nhiều phiền phức.
Thái Tuấn, một cơ duyên cho tôi
Trong bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng, Thái Tuấn là người lớn tuổi nhiều hơn. Ông sinh năm 1918, hơn Duy Thanh và Ngọc Dũng 13 tuổi, đều được sinh ra và trưởng thành ở miền Bắc Việt Nam.
Lúc vừa tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế và vào thẳng Sài Gòn vào mùa hè năm 1962 để tìm cho mình một môi trường nghệ thuật hầu phát triển nghề nghiệp mặc dù rất đơn độc và tay trắng. Hành trang tôi mang theo ngoài vài bộ quần áo cũ và một ít đồ nghề rất nghèo nàn, duy nhất có một thứ mà tôi yêu quý là bức sơn dầu với kích thước 70 x 1m00. Tôi đã vẽ nó ở Huế vào những tháng trước khi tốt nghiệp. Không ngờ, bức tranh này lại làm nên chuyện, đưa người vẽ ra nó từ chỗ tối tăm đến một vùng ánh sáng.
Câu chuyện bắt đầu từ việc tôi gửi nó một cách cầu âu tới ban tuyển chọn tranh Việt Nam để may ra được tham dự cuộc triển lãm quốc tế mỹ thuật Sài Gòn lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1962.
Không hy vọng gì vì tranh một trong 15 bức đại diện cho hội họa Việt Nam là điều quá gay go khi có cả trăm bức dự tuyển. Trong khi tôi đang không biết làm gì giữa một Sài Gòn quá mênh mông, quá sầm uất và cũng quá hoa lệ so với Huế hay Nha Trang, đang tha thẩn nơi ở nhờ trong cư xá Chu Mạnh Trinh – Phú Nhuận thì nghe tiếng gọi: “Ê Trịnh Cung! Tấm của ông được chọn chính thức rồi, biết chưa?” Thì là Nguyễn Lâm (lúc này còn là sinh viên Trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Sài Gòn) đến báo tin. Tôi mừng đến nghẹn lời chỉ nói được: “Thật không?” Lâm gật đầu rồi đạp xe đi.
Sau đó một tuần, hai bài viết của Thái Tuấn, một cho tạp chí Xã Hội của giáo sư Lê Xuân Khoa và bài kia đăng trên tạp chí Bách Khoa, cả hai bài đều dành cho bức tranh sơn dầu “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của tôi những lời ngợi khen có sức mạnh khiến tôi bị choáng. Chưa dừng lại ở đó, Ng. Lâm hôm sau lại ghé qua chỗ tôi ở trọ báo tin: “Tấm của ông lọt vào chung kết giải thưởng, chắc huy chương đồng?” Tôi sướng quá, chỉ thốt được: “Thật không?” Ng. Lâm nói: “Ừa, ngày mai coi báo đi!” Thế là đêm hôm đó tôi mất ngủ để chờ ngày mai.
Sáng sớm hôm sau, tôi mua tờ Chính Luận, dò kết quả triển lãm. Không có tên mình trong các giải chính, đến phần 21 bằng danh dự cho mỗi quốc gia một họa sĩ, phần Việt Nam với tên tôi: Nguyễn Văn Liễu (tên thẻ căn cước). Thế là cũng tuyệt rồi, được huy chương thì chắc sướng điên thôi.
Câu chuyện trên cho thấy tài đánh giá tác phẩm nghệ thuật của nhà phê bình Thái Tuấn về bức “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của tôi đã phần nào trùng khớp với việc hội đồng giám khảo gồm 21 vị được quốc gia mình đề cử dù không vào được vòng huy chương, nhưng nó là tác phẩm hội họa duy nhất của Việt Nam vào đến vòng chung kết.
Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp và trò chuyện với Thái Tuấn tại xưởng vẽ cũng là nhà riêng của ông nằm sâu trong một con hẻm trên đường Yên Ðổ hoặc tại những phòng triển lãm ở Sài Gòn mỗi khi có những cuộc triển lãm đáng xem. Và cũng từ đó, tôi dần dần biết và hiểu nhiều về con người, hội họa và tư duy sáng tạo nghệ thuật của ông.
Thái Tuấn và chân dung ông
Tôi nhỏ hơn ông 21 tuổi, đáng tuổi con cháu ông, nhưng ông lúc nào cũng đối xử với tôi và các họa sĩ trẻ Sài Gòn khác như bạn, thân thiện và mở lòng. Ông trò chuyện hấp dẫn và truyền cảm.
Dáng vẻ rất nghệ sĩ, cao và gầy. Mái tóc dài rẻ ngôi rất hợp với khuôn mặt có trán cao của một nhà hiền triết, một nhà thơ lãng mạn phương đông hơn là một con người tân tiến hay là một họa sĩ hiện đại. Cái duy nhất mà tôi thấy thường ngày ở ông có một chút phương tây là cái tẩu thuốc trên môi và cái mũ phớt (chapeau feutre) màu xanh thẫm (bleu noir) đã bụi trần trên đầu mỗi khi ra đường. Cái mũ ấy sau hằng chục năm bụi trần, giang hồ, màu đã phai, sắc đã úa, ông đã tặng cho tôi khi từ Pháp hồi hương sau hơn 20 năm cùng gia đình sống lưu vong. Lúc này ông đã ngoài 80. Và sau khi ông mất vào năm 2011, tôi đã mang chiếc mũ ấy trả lại cho các con ông giữ làm kỷ vật của một người bố danh tiếng lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Suốt những năm tháng ở Sài Gòn từ ngày di cư vào Nam 1954, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Thái Tuấn luôn sống đơn giản cùng vợ và 5 con trong một căn nhà nhỏ có gác nằm sâu trong một con hẻm dài loằng ngoằng bắt đầu từ đường Yên Ðổ ăn thông ra sát kinh nước đen còn có tên địa phương là “Bến tắm ngựa”. Bà Thái Tuấn là một người đàn bà dân dã miền Bắc, hiền hậu, chỉ lui cui đảm đang việc nhà, ít giao thiệp. Bà là hiện thân của nhân vật phụ nữ trong các tranh Thái Tuấn vẽ về miền quê xứ Bắc.
Mặc dù cùng trào lưu văn nghệ tự do và hiện đại với Duy Thanh và Ngọc Dũng nhưng Thái Tuấn, theo tôi, rất khác tính cách với hai bạn mình về dáng dấp lẫn tình cảm ngoài đời lẫn trong tranh. Dáng dấp, Thái Tuấn có một dạng người của thi ca và của triết lý, thứ thi ca và triết lý phương Ðông. Một hình thức mang đậm tính cách của những Nguyễn Gia Trí hay Nguyễn Phan Chánh. Về tình cảm, ông giàu tính đại chúng hơn và tạo ra cơ hội cho giới trẻ tiến bước trên con đường canh tân nền hội họa Việt Nam bằng chính kiến thức trong các bài viết về mỹ thuật và lá phiếu có tính quyết định của ông trong các hội đồng giám khảo giải thưởng mỹ thuật cấp quốc gia. Ngoài ra, trên bình diện con người, một nghệ sĩ, Thái Tuấn có một góc đời lãng mạn riêng mà ông đã cất giấu nó trong vài bức tranh vẽ về gã “hề” hoặc chân dung phụ nữ.
TC – Bolsa tháng 7-2017