Hồi tháng 8, sau nhiều tháng đàm phán Mỹ đã công bố chiến lược mới của họ ở Nam Á, xem Ấn Độ như là trung tâm giải quyết vấn đề Afghanistan và mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Chúng tôi cho rằng chúng tôi đã rất khôn khéo khi chọn Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược", ông Tillerson nói trong một cuộc họp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ lưu ý thêm là Ấn Độ vào năm 2020 sẽ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và nước này sẽ có dân số đông hơn Trung Quốc trong vòng 10 năm tới.
"Chúng ta sẽ không thể có mối quan hệ tương tự với Trung Quốc", ông Tillerson khẳng định. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Mỹ không muốn khu vực Thái Bình Dương trở thành con tin của những rối loạn, xung đột và "một nền kinh tế ăn cướp".
Ông Tillerson nói rằng Ấn Độ cần phải chuẩn bị để đảm nhận vai trò an ninh lớn hơn tại châu Á, nước này nên đầu tư để có được lực lượng quân sự mạnh hàng đầu thế giới. Washington cũng đang tìm cách tạo ra một cấu trúc an ninh mới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với trụ cột là Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ và các nước đồng minh khác gồm cả Úc.
"Chúng ta sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cấu trúc này. Ấn Độ và Mỹ nên tham gia tăng cường viện trợ vũ khí cho các nước khác để họ bảo vệ chủ quyền của mình", ông Tillerson nói.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là tuyên bố mới nhất trong một loạt các tuyên bố khác của các quan chức nước này thể hiện sự lo lắng của Washington trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ mới đây cho rằng Trung Quốc là một "thách thức" của khu vực và yêu cầu Bắc Kinh ngừng "các hành động khiêu khích" trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong một cuộc hội thảo ờ Singapore.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington hiện chuẩn bị cung cấp một loạt công nghệ quân sự tối tân nhất cho Ấn Độ nhằm "thay đổi cuộc chơi" tại châu Á.
"Mỹ đã cung cấp cho Ấn Độ một loạt lựa chọn quốc phòng gồm UAV, máy bay không vũ trang, chiến đấu cơ F-16 và F-18, công nghệ chế tạo tàu sân bay. Đó là tất cả những gì có thể để giúp họ đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực và chúng tôi biết họ muốn đóng góp nhiều hơn cho khu vực", ông Tillerson cho biết.
Dù vậy, trên thực tế không phải là không có những cản trở trong hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ. Ví dụ Washington muốn bán chiến đấu cơ F-16 cho New Delhi, nhưng các quan chức Ấn Độ không mấy hài lòng vì đây là chiến đấu cơ cũng được Mỹ bán cho Pakistan, đại kình địch của họ.
Ái Vi (theo Financial Times)
VT chuyển