Mỹ, đồng minh thân cận của Philippines nhưng có mối quan hệ khá rạn nứt với Manila từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống đã tuyên bố "quan ngại sâu sắc" với ch
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner
Mỹ, đồng minh thân cận của Philippines nhưng có mối quan hệ khá rạn
nứt với Manila từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành tổng thống đã tuyên
bố "quan ngại sâu sắc" với chiến dịch diệt tệ nạn ma túy tại Philippines
hiện nay.
Tính tới thời điểm
hiện tại, theo Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines, ông Ronald Dela
Rosa, phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện nước này, đã có khoảng
1.900 người bị giết chết kể từ khi ông Duterte chính thức trở thành tổng
thống, phần lớn bị chết trong chiến dịch bài trừ ma túy.
Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Mỹ Mark Toner đã lên tiếng về sự kiện này trong cuộc họp báo thường
kỳ của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 22.8 (giờ Mỹ): “Chúng tôi
tiếp tục làm rõ với Chính phủ Philippines mối lo ngại của chúng tôi về
nhân quyền và việc giết người không qua xét xử, nhưng chúng tôi cũng cam
kết bảo đảm mối quan hệ song phương của hai nước và việc tăng cường mối
quan hệ”.
"Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Philippines
đảm bảo việc thực thi pháp luật của họ tuân theo đầy đủ các nghĩa vụ
nhân quyền mà họ đã cam kết", ông Toner nói thêm.
Ông Toner còn nhấn mạnh Mỹ không thể làm
ngơ trước các hành vi lạm dụng nhân quyền, và mối quan hệ Washington -
Manila dù tốt đẹp nhưng vẫn là một mối quan hệ “trung thực và thẳng
thắn”.
Quan hệ giữa Philippines và Mỹ đã rạn
nứt trong thời gian qua khi ông Duterte trở thành Tổng thống
Philippines, chính trị gia được mệnh danh là "Donald Trump của châu Á"
thường xuyên có những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Washington.
Tổng thống Philippines từng nói thẳng
rằng chính Mỹ là nước đã phá hỏng trật tự thế giới, phá nát Trung Đông
qua những cuộc chiến tranh tại Iraq, Lybia và nay là Syria. Ông Duterte
cũng từng mắng Đại sứ Mỹ tại Philippines là "đồ con hoang, tên đồng
bóng", sau đó thẳng thừng nói sẽ không xin lỗi viên chức ngoại giao của
Mỹ vì ông này "không xin lỗi tôi khi gặp tôi".
Con
số tử vong được ông Dela Rosa cung cấp cao hơn con số trước đó (khoảng
1.800 trường hợp) được đưa ra vào chiều 22.8 với lý do số liệu đã được
cập nhật. Theo đó, có nghĩa tính trung bình mỗi ngày từ khi ông Duterte
nhậm chức có 35 người thiệt mạng liên quan đến chiến dịch chống ma túy.
Tuy nhiên, ông Dela Rosa cho biết chỉ có
khoảng 750 người bị cảnh sát giết, còn những trường hợp tử vong khác
đang được cảnh sát điều tra nguyên nhân.
"Không phải tất cả những vụ giết người
đang bị điều tra đều liên quan đến ma túy", ông Dela Rosa nói thêm, cho
biết ít nhất có khoảng 40 vụ giết người do xung đột cá nhân hoặc cướp
bóc.
Theo Cảnh sát trưởng quốc gia
Philippines, nhìn chung tình hình tội phạm tại Philippines đang giảm
nhanh chóng, dù số vụ giết người tại nước này đã tăng nhanh trong thời
gian qua. Khoảng 700.000 người nghiện ma túy và buôn bán ma túy đã tự
nộp mình cho cảnh sát để thoát khỏi chiến dịch bài trừ ma túy của ông
Duterte.
Các chỉ trích về nhân quyền tại
Philippines đang gia tăng sau những hành động cứng rắn của chính quyền
nước này nhằm xóa bỏ tệ nạn ma túy.
Hôm 21.8 ông Duterte thậm chí còn tuyên
bố Philippines có thể rút khỏi Liên Hợp Quốc (LHQ) và mời Trung
Quốc cùng các quốc gia khác thành lập một diễn đàn toàn cầu mới sau khi
các chuyên gia của tổ chức này chỉ trích chiến dịch chống ma túy của
Philippines. Ông Duterte cáo buộc LHQ không hoàn thành sứ mệnh của mình
trong việc bảo vệ nền hòa bình trật tự trên thế giới trong khi lại lên
án việc ông tấn công tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, sau đó Ngoại trưởng
Philippines Perfecto Yasay nói nước này sẽ tiếp tục là một thành viên
của LHQ, và nói rằng những tuyên bố của ông Duterte chỉ là một cách bày
tỏ “sự thất vọng và giận dữ sâu sắc” của người đứng đầu đất nước trước
những báo cáo "bất cẩn, một phía và không cụ thể" của các chuyên gia
LHQ.
“Chúng tôi cam kết gắn bó với LHQ cho dù
có một vài bất bình và thất vọng đối với tổ chức quốc tế này”, ông
Yasay nói tại một cuộc họp báo.
Dù chiến dịch tiêu diệt ma túy tại
Philippines hiện nay khá đẫm máu, nhưng quy mô của chiến dịch vẫn "còn
nhỏ" so với mức mà ông Duterte cam kết khi tranh cử Tổng thống. Khi đó,
Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ giết ít nhất 100.000 tội phạm buôn
bán ma túy trong 6 tháng đầu tiên nhậm chức. Khi vừa nhậm chức Tổng
thống Philippines, ông Duterte còn từng "nói đùa" rằng ngành dịch vụ mai
táng sẽ tăng trưởng mạnh khi ông nắm quyền.
Theo Tổ chức Human Rights Watch thì Mỹ
và các thành viên của EU "nên đưa ra thông điệp rõ ràng để ông Duterte
hiểu hành động kích động bạo lực như vậy là không thể chấp nhận và sẽ
phải gánh chịu các trừng phạt nặng về ngoại giao và kinh tế". "Nếu
không, khó có thể hình dung khi nào những vụ giết người sẽ kết thúc",
Human Rights Watch cho biết trong một tuyên bố.
Thiên Hà (theo ABC News, Reuters)