Nền âm nhạc của miền Nam trước năm 1975 đã để lại một gia tài đồ sộ, vô giá với hàng ngàn bài hát vượt thời gian, sống mãi qua hơn nửa thế kỷ. Hầu hết ca khúc sáng tác trước 1975 của Miền Nam vẫn còn được hát lại mãi cho đến tận hôm nay, kể cả trong lẫn ngoài nước.
Rất nhiều người sành nghe nhạc Việt Nam có cùng nhận định: cho dù sau này được hát lại với kỹ thuật âm thanh tối tân, phần hòa âm công phu hơn, nhưng những phiên bản của nhiều ca khúc Việt được hát trước 1975 vẫn là hay nhất. Có nhiều cách lý giải cho hiện tượng này: những giọng hát của ca sĩ miền Nam thời đó đang ở đỉnh cao phong độ, họ đã đặt cả con tim, tấm lòng vào bài hát nên có dạt dào cảm xúc. Còn người nghe gắn nhiều kỷ niệm của mình với những ca khúc này từ trước 1975, nên khi nghe lại đúng phiên bản xưa thì có nhiều cảm xúc hơn.
Băng nhạc Giáng Sinh Sơn Ca 3 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện
Băng nhạc Giáng sinh – Shotguns 10 của nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện
Băng nhạc Giáng Sinh do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện
Nhờ vào internet, mà hầu hết những phiên bản trước 1975 của ca khúc Miền Nam đều được lưu trữ lại. Ở đâu có internet, người yêu nhạc đều có thể tìm nghe lại những bài hát, những giọng ca mà mình yêu thích được ghi âm từ nửa thế kỷ năm trước.
Hãy cùng thưởng thức một số ca khúc giáng sinh Việt Nam bất hủ, phiên bản trước 1975.
Hang Bê Lem
Tác giả: Hải Linh
Ca sĩ: Lệ Thu
Hang Bê Lem (hay Đêm Đông Lạnh Lẽo) là một trong những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất của Việt Nam. Bài hát được nhạc sư Francisco Hải Linh sáng tác vào mùa Giáng Sinh 1945. Theo lời kể của tác giả, vào mùa Giáng sinh năm ấy, khi đi qua tòa soạn báo “Đường Sống” ở Nam Định, Hải Linh được ông Minh Châu – chủ nhiệm tờ báo – thách đố việc sáng tác nhanh một ca khúc về chủ đề Giáng sinh để đăng báo. Hải Linh đã nhận lời. 3 ngày sau trở lại, Hải Linh đưa bản nhạc “Hang Bêlem” tới tòa soạn và tập hát sơ qua cho một số nhân viên trong tòa soạn. Bài hát Hang Bê-lem được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh 1945.
Giọng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu không phải là giọng nữ cao. Vậy mà trong ca khúc này, tiếng hát Lệ Thu thanh thoát, nhẹ nhàng, hòa cùng phần bè phụ họa mang tính thánh ca, thật là độc đáo vô cùng.
Bài hát được sáng tác trong 3 ngày và được yêu thích đã hơn 70 năm.
Cao Cung Lên
Tác giả: Hoài Đức
Ca sĩ: Thái Thanh
Cao Cung Lên được sáng tác bởi Linh mục – nhạc sĩ Hoài Đức từ năm 1945. Hoài Đức có thời gian dài từng sống ở Ban Mê Thuột (từ 1969 – 1975). Theo ông, thời điểm 1940 chưa có thánh ca bằng tiếng Việt. Những bài hát trong phụng vụ đều bằng tiếng La Tinh. Sau năm 1940 mới xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn. Cao Cung Lên có thể được xem như mở đầu cho dòng nhạc thánh ca Việt Nam.
Chỉ cần nghe giọng Thái Thanh vút cao trong câu đầu tiên của bài hát này: “Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa….”, thính giả cũng đã cảm nhận được tiếng chuông ngân vang của mùa Giáng Sinh về…
Bài Thánh Ca Buồn
Tác giả: Nguyễn Vũ
Ca sĩ Thái Châu
Bài Thánh Ca Buồn trở thành bản tình ca nổi tiếng nhất của mọi mùa Giáng Sinh từ trước đến nay. Hầu như đi đâu ở miền Nam Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê trong mùa Noel, người ta cũng có thể nghe được Bài Thánh Ca Buồn. Ca khúc này kể về kỷ niệm mối tình một chiều năm 14 tuổi của Nguyễn Vũ với một cô gái lúc ông ở Đà Lạt. Bài Thánh Ca Buồn được viết vào tháng 10 năm 1972 tại Sài Gòn và được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện bài này.
Thái Châu thường nổi tiếng với những bản nhạc tình “mùi mẫn”. Khi hát Bài Thánh Ca Buồn, chất “mùi” của Thái Châu có bớt đi một chút, để pha lẫn thêm một chút trong sáng của một anh chàng ở độ tuổi mới lớn và kể về mối tình buồn trong mùa Giáng Sinh. Buồn nhưng vẫn trong sáng như tình yêu trong đêm thánh. Cái độc đáo là ở chỗ đó.
Niềm Tin
Tác giả: Anh Bằng
Ca sĩ Thanh Lan
Có những ca khúc Giáng Sinh viết cho “đời”, nhưng lại mang âm hưởng của những bài thánh ca. Trong đó có ca khúc Niềm Tin của nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ Kim Tuấn. Cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam này cả đời sống với Niềm Tin vào Chúa, cũng có nhiều sáng tác cho chủ đề tôn giáo. Ca khúc Niềm Tin của ông là nói lên tâm sự của một người lính, mỗi khi Giáng sinh về, từ tiền đồn nhớ về những mùa Giáng sinh thanh bình cùng người yêu:
Lại một Noel nữa
Mấy mùa Giáng sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
…
Nội dung bài hát rất đời thường. Nhưng giai điệu của Niềm Tin lại thánh thiện như một bản thánh ca. Đặc biệt, sau những giai điệu thứ buồn, để nói lên nỗi niềm của người lính, đoạn cuối của ca khúc này bỗng sáng bừng lên trong giai điệu trưởng, và đưa một câu thánh ca kinh điển vào, để kết thúc một cách hết sức tự nhiên, thanh thoát:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng sinh
…
Một số bài nhạc Giáng sinh – Noel nổi tiếng khác được thu âm trước 75:
Nguồn: Viet Du