HOUSTON, Texas (NV) – Tính đến hôm 4 Tháng Chín, cơn bão Harvey đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại về vật chất cho cộng đồng Việt tại Houston, Texas, nhưng nhìn chung không có người Việt nào thiệt mạng, mặc dù tổng số thương vong do cơn bão này gây nên là 47 người.
Ông Trúc Nguyễn, thiếu úy cảnh sát tại Houston, chia sẻ một tin vui: “Trong suốt thời gian qua, theo những thông tin tôi nhận được, không người gốc Việt nào bị thiệt mạng hay trở thành nạn nhân của những vụ hôi của cả.”
Không người Việt nào là nạn nhân và không người Việt nào phạm pháp.Nói về những vụ hôi của, vị cảnh sát viên khẳng định rằng rất ít trong khu vực ông tuần tiễu. Đặc biệt rất bình yên trong khu vực cộng đồng người gốc Việt.
Ông nói: “Nói chung, có vài vụ hôi của lặt vặt trong khu Baybrook Mall, lấy vài cái đồng hồ nhưng chỉ do một nhóm ba người tham lam, lợi dụng thời cơ làm ẩu thôi. Họ đã bị bắt rồi.”
Hoặc vài vụ đánh cắp bia rượu quanh vùng, không có gì khác hơn bình thường cả.
Ông cho biết so với nạn hôi của, hiếp dâm hồi trận bão Katrina năm 2005, lần này phải nói là không có gì. “Có thể là nhờ lệnh giới nghiêm của thành phố,” ông nói.
Ông thêm: “Tôi rất hãnh diện vì cộng đồng mình đã không làm gì phạm pháp. Ngoài ra, tôi cũng rất vui cho cộng đồng mình đã không gặp gì xui rủi đến tính mạng cả.”
Chỉ vào vòng dây đen ông đeo trên ngực áo, ông nói: “Đây là tôi để tang cho một cảnh viên viên bị nước cuốn đi trong khi thi hành nhiệm vụ. Tên ông ấy là Steve Perez, cấp bậc trung sĩ.”
Ông Trúc xua nỗi buồn bằng một nụ cười thật tươi và nói: “Cộng đồng mình may mắn không ai bị chết chóc là quá may mắn rồi. Tôi nghĩ Houston nên làm việc lại.”
- Dũng cảm cứu người
Trong cộng đồng người Việt có một người đã làm việc từ khi cơn lụt bắt đầu, khi cả Houston đang chìm ngập trong trận lụt. Đó là ông Nguyễn Văn Trung.
Nhà ông Trung trong khu Dickinson, thuộc Galveston County, ở phía Nam Houston.
“Ai cũng nói về Houston. Thực ra Dickinson là nơi bị ngập đầu tiên, trước Houston lâu, vì gần biển hơn,” ông Trung nói.
Ngay từ khi thấy nhà mình bị ngập nặng nề rồi, ông đưa gia đình đến nơi an toàn rồi lao mình vào cơn lụt, chèo ghe đi cứu người, bất chấp sinh mạng mình.
“Nhà tôi không có bảo hiểm lụt vì ngân hàng không đòi hỏi. Nhưng tôi không thèm lo chuyện đó, cứu người quan trọng hơn.”
Trong thời gian trầm trọng nhất của trận lụt, ông cứu được chín người tuổi từ 50 đến 70 và bảy con chó.
Ông kể: “Những lúc này tôi mới thấm chữ ‘tứ hải giai huynh đệ.’ Ai cũng là ruột thịt mình lúc nguy kịch. Nhìn người và thú vật run lẩy bẩy, răng đập ‘cộp cộp’ thương lắm. Cứu được người khác là một nỗi vui vô tận.”
- Làm việc lại thôi
Ở phía Tây Nam thành phố, sát cạnh Sugar Land, một khu may mắn không bị nước ngập vào nhà mà chỉ mé ở mặt đường mấy hôm trước, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: “Hôm nay thì tất cả đã đâu vào đó rồi. Đường xá đã khô ráo như xưa. Mẹ tôi ở gần đây, sang ở với tôi trong vào tuần rồi, cũng vừa về nhà hôm nay.”
Thực ra mẹ ông sang tạm trú nhà ông chỉ vì cẩn thận thôi chứ khu bà ở, một khu cho các vị cao niên, cũng không ai bị nước vào nhà cả.
Là kỹ sư dầu khí nên khi hỏi về tình trạng khan hiếm xăng tại các thành phố lân cận như Dallas và Austin, nơi đang thiếu xăng trầm trọng, ông Tuấn chia sẻ suy nghĩ: “Các nhà máy lọc dầu tại Houston vẫn làm việc trong thời gian qua dù có chậm đi chút ít.”
Ông cho rằng chẳng qua đây là do thông tin sai lạc cho rằng Houston không sản xuất kịp xăng nên mọi người ùa đi đổ xăng.
Ông nói: “Nếu cả hai thành phố ấy, người nào cũng đem hai, ba cái xe đổ đầy xăng một lúc thì dĩ nhiên là sẽ làm xăng khan hiếm. Thống đốc Texas Greg Abbott đã trấn an mà người ta cứ tin vào tin đồn nhảm nên mới như vậy. Nhưng đâu sẽ vào đấy thôi.”
Ông cười: “Houston phải làm việc lại thôi.”
Ông Tuấn tin chắc chắn rồi đời sống cư dân Houston và Texas sẽ trở lại bình thường như cũ.
Ở một góc khác của thành phố, ông Đinh Văn Kiếm đang lo sợ cho tính mạng vợ mình là bà Chu Huệ Mỹ nhưng vẫn giữ lòng lạc quan.
Ông kể: “Vợ tôi bị ung thư lưỡi đã sáu năm nay. Tháng rồi đau quá nên bác sĩ ‘lên lịch’ mổ vào Thứ Bảy, 26 Tháng Tám. Ai dè bữa đó là ngày Houston bị lụt. Dĩ nhiên là nhà thương đóng cửa, chỉ lo cho trường hợp cấp cứu thôi.”
Nghe tiếng rên la của bà Mỹ, dù rất thương vợ nhưng ông Kiếm vẫn cảm nhận được nỗi mất mát chung của cả thành phố nên chỉ cho vợ uống thuốc giảm đau và chờ đợi.
Ông nói nhỏ: “Tôi hiểu cơn đau của vợ tôi chỉ là một giọt nước trong cả một cơn lũ lụt này. Thôi chỉ cầu mong cho bác sĩ mau về nhà thương. Tôi cũng ngại, không gọi nhắc bà ấy như mấy bữa đầu nữa.”
Nhà không có bảo hiểm lụt, ông không quan tâm.
Bây giờ, ông chỉ mong cho vợ sớm được giải phẫu, chuyện xin FEMA trợ giúp, ông không màng.
Còn ông Trung cũng chưa có thời gian để nghĩ đến chuyện này. Ông còn đang vui vì việc thiện mình làm được.
Thiếu Úy Trúc Nguyễn nói: “Nhà tôi cũng không có bảo hiểm lũ lụt. May mà kỳ này không bị ngập. Thôi, Houston làm việc rồi.”
Những người gốc việt này đang cùng chung vai giúp Houston bình thường trở lại.
—
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com.
San Nguyen chuyen