Gilles Paris nhận định « cuộc tấn công của Nga tại Ukraina là đỉnh cao thất bại » của sáng kiến hòa giải Mỹ, mà « một phần lớn nguyên nhân là do các phân tích sai lầm của ngoại giao Hoa Kỳ ». Nội dung chính của bài viết dựa trên cuốn sách về Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà đồng tác giả là chuyên gia về Nga Fiona Hill. Tác phẩm « Mr Putin, Operative in Kremlin » (tạm dịch « Ông Putin. Tay gián điệp tại Kremlin »), vừa được tái bản với nhiều bổ sung.
Fiona Hill phụ trách ban Châu Âu tại viện tư vấn Brookings, bà từng là cố vấn về Nga và khối Âu-Á cho Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ.
Theo Fiona Hill, ngay trước thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ dưới chính quyền Bush đã thực sự mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, một trong những sai lầm lớn được Fiona Hill nhắc đến trong cuốn sách là người Nga « cảm thấy bị sỉ nhục với việc người Mỹ không ngừng nhắc lại với họ rằng biện pháp này (tức hệ thống lá chắn tên lửa mà Hoa Kỳ muốn xây dựng tại Châu Âu để chống lại các lực lượng thù địch) không nhằm vào Nga ». Chuyên gia về Nga giải thích, điều này tương đương với việc cho rằng Nga không được coi trọng, ngược lại với Trung Quốc, « quốc gia vừa được coi là mối đe dọa, vừa là một đối tác kinh tế không thể bỏ qua ».
Theo chuyên gia Mỹ, trong một thời kỳ rất dài cho đến gần đây, Hoa Kỳ vẫn nhìn nhận nước Nga của Putin giống như dưới thời Boris Eltsin, với nền kinh tế kém phát triển, trong khi đó trên thực tế, Nga đã bước sang một giai đoạn thịnh vượng dưới thời Putin. Và bên cạnh đó Washington cũng không thấy được rằng Vladimir Putin đã tập trung quyền lực chưa từng có trong tay, kể cả về chính trị, kinh tế và quân sự, ngay khi còn đảm nhiệm chức Thủ tướng (giữa hai nhiệm kỳ Tổng thống).
Chuyên gia Fiona Hill nhận xét chính sách của Mỹ với Nga khiến hai nước như « sống trong các thế giới hoàn toàn khác biệt ». Có thể thấy được điều này qua hình ảnh cuộc hội kiến đầu tiên giữa hai nguyên thủ năm 2012, tại Los Cabos, Mehico. Một hình ảnh không toát lên mối liên hệ nào giữa hai bên.
Cuốn sách của Fiona Hill hẳn mang lại nhiều thông tin thú vị về quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để hiểu đúng mối quan hệ này, cuốn sách cần được đối chiếu thêm với các tiếp cận khác.
Donbass : « Nhà hát múa bóng » của các thủ lĩnh ly khai
Trong khi Libération giới thiệu kế hoạch làm tan hoang Ukraina của Tổng thống Nga cách nay một năm (qua bài « Ukraina : một cuộc xâm lăng được Kremlin tính toán kỹ »), được một tờ báo đối lập tại Nga công bố, Le Figaro có bài « Nhà hát múa bóng của các thủ lĩnh ly khai ». Bài do đặc phái viên Regis Gente gửi về từ Donetsk vạch rõ bàn tay nước Nga đằng sau các hoạt động của phe ly khai miền Donbass. Nhà báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến sự kiện lãnh đạo phe ly khai quyết định lấy ngày 23/02 hàng năm làm ngày lễ chính thức của « nước cộng hòa tự phong ». 23/02 là ngày thành lập Hồng quân Liên Xô (năm 1918). Nghi thức được cử hành trên nền nhạc Xô viết và các biểu tượng của đạo Chính thống
Le Figaro dẫn lời chuyên gia chính trị học Ukraina, gốc Donbass, ông Alexandre Nikonorov, theo đó, cuộc nổi dậy vũ trang tại miền đông Ukraina thoạt tiên do các thủ lĩnh người Nga chỉ huy, như A. Borodai, người từng làm thủ tướng nước Cộng hòa tự phong Donestk. Khó có thể khẳng định ông ta làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Nga, nhưng việc thủ lĩnh này và nhiều người khác đã từng làm việc cho các cơ quan gián điệp Nga cho phép khẳng định mối ngờ vực.
Một đoạn camera quay được ngày 11/02 tại Minsk cho thấy lãnh đạo ly khai Ukraina đi cùng xe hơi với ông Vladislav Sourkov - cố vấn thân cận của Tổng thống Nga – bị tình nghi nhúng tay vào vụ hạ sát nhiều người biểu tình tại quảng trường Maidan. Một lãnh đạo phe nổi dậy biện minh, phe ly khai có quyền trao đổi với « những người bạn Nga », giống như phía Ukraina với người Mỹ. Vẫn theo nhà chính trị học Alexandre Nikonorov, chính quyền Nga đã có rất nhiều nỗ lực tuyên truyền để làm mọi người tin rằng các thủ lĩnh Donbass thực sự là những nhà cầm quân.