Mới đây, gia đình ông Tư Rớt (53 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) và người hàng xóm đã khiến mọi người một phen không nhịn được cười. Số là, ông Rớt và người hàng xóm có hiềm khích từ trước vì chuyện cái ranh đất. Sau nhiều tháng đứng bên giậu mồng tơi chửi đổng, đánh chó đuổi gà, tuy chưa có chuyện “động thủ” nhưng tình hình càng trở nên căng thẳng. Thấy xóm giềng không có bao nhiêu nóc gia mà lại xảy ra xung đột nên ông trưởng ấp mới đứng ra hòa giải.
Dân miền Tây vốn dĩ ăn nói huỵch toẹt, thích dỗ ngọt nên sau vài câu thấu lý, đạt tình, xóm giềng “tối lửa, tắt đèn” có nhau thì ông Tư Rớt và người hàng xóm cũng bắt tay làm hòa. Để ăn mừng sự hòa thuận này, ông tổ trưởng đứng ra tổ chức tiệc nhậu để mời 2 người đàn ông trụ cột gia đình qua nhậu. Để chứng tỏ lòng thành, mỗi nhà người mang rượu, người mang mồi cùng góp niềm vui chung. Khi uống vài ly, ông Tư Rớt đã mạnh miệng nói lời xin lỗi anh hàng xóm. Mỗi lần kể ra “cái lỗi”, ông Tư Rớt lại xin chịu phạt 1 ly.
Sau khi phạt qua, phạt lại hết 2 lít rượu chuối hột, ông Tư Rớt và ông hàng xóm lại so kè nhau chuyện lỗi của ai nặng hơn. Từ tiệc nhậu ăn mừng “hòa bình lặp lại”, ai ngờ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã biến thành trận chiến đấu khẩu, ông tổ trưởng làm trọng tài lúc này cũng say bí tỉ không thể can ngăn. Sau một lúc cãi nhau, ông Tư Rớt đứng lên hất luôn bàn nhậu. Tức giận, ông hàng xóm nhảy bổ vào đạp một phát khiến ông Tư Rớt ngã nhào. Đến lúc này, 2 bà vợ không biết chuyện gì xảy ra, mạnh ai nấy bênh vực chồng, dẫn đến trận đấu khẩu giữa hai bà nội trợ. Rốt cuộc, vì nhậu mà 2 gia đình tiếp tục xảy ra xung đột.
Có lúc dân nhậu không nhậu vì chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà là nhậu để so kè tửu lượng cao thấp. Cách nay vài năm, 4 anh công nhân bốc vác gạo ở nhà máy xay xát của ông Hai L., ở Trung An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ phải nhập viện vì ngộ độc rượu. Số là trong lúc nghỉ trưa, thay vì về nhà ăn cơm cùng vợ con, 4 người đã cao hứng rủ nhau nhậu. Trong lúc nhậu, 2 người trong nhóm đã hứng chí so kè với nhau xem tửu lượng của ai cao hơn.
Thế là 1 can 7 lít rượu trắng được đặt trước mặt, 2 trong nhóm 4 người thi nhau uống trong sự cổ vũ nhiệt tình của 2 người bạn. Vì lo mãi nốc rượu mà quên “xơi mồi”, khiến 2 người bị xuất huyết bao tử lăn đùng ra ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Sau trận nhậu đó, 2 anh công nhân được bạn bè đặt cho biệt danh “thằng 7 lít”. Giờ, dù vẫn chưa cai được rượu nhưng khi có ai khích bác rủ nhậu kình là 2 anh công nhân lắc đầu chào thua.
Trường hợp anh P. ở xã An Ninh Đông, Đức Hòa, Long An vì so kè rượu mà đã phải về “chầu ông bà” ở cái tuổi ngoài 40. P. thuộc loại nghiện rượu. Sáng sớm, P. ra quán cóc ven xóm kêu chủ quán bán một ly xây chừng để “súc miệng”. Thấy ngứa mắt, một anh hàng xóm nói khích, “Nhìn mặt mày đi ngang lò rượu đã thấy xỉn lăn quay, bày đặt súc miệng, ngứa mắt quá!”.
Bị chọc quê, P. lớn tiếng thách, “dám uống với tao không mà nói?”. Thế là P. và anh hàng xóm “cáp độ” bằng cách chỉ nhậu rượu, không cần mồi, gọi là uống khan. Ai thua sẽ trả tiền rượu, chung thêm 1 bao thuốc lá Hero. Chưa đầy nửa giờ, 5 lít rượu trắng cạn sạch. Đến ly rượu cuối cùng, anh hàng xóm lăn quay ra sùi bọt mép, mắt trợn ngược.
Mọi người tức tốc đưa anh ta vào bệnh viện Đức Hòa cấp cứu, trong khi anh P. thì ngất ngưởng đi về nhà ngủ. Đến chiều, người nhà gọi mãi mà không thấy P. tỉnh dậy nên cũng đưa anh ta ra bệnh viện. Đến tối, P. đã tử vong vì ngộ độc rượu do cấp cứu chậm. Còn anh hàng xóm phải nằm viện đến một tuần sau mới hồi phục sức khỏe. Kẻ thắng cuộc đã chết, kẻ thua cuộc giờ nghe nhắc đến rượu thì thề đoạn tuyệt với ma men.
Nhắc đến nhậu phải kể đến hội nhậu “anh hùng Lương Sơn Bạc” ở thị xã Tân An, Long An, với gần 20 thành viên. Nhóm nhậu này thường hay tụ tập ở một quán cà phê cóc ven kênh Bảo Định. Xuất xứ của hội này là vào khoảng năm 1990, có một tay bác sĩ giỏi vì buồn chuyện gia đình, chuyện công việc nên cứ mỗi sáng trước khi vào làm, anh ta hay ra quán cà phê cóc uống… rượu thay cho cà phê.
Một thời gian sau, một vài tay nhậu khác nhìn thấy cũng đến làm quen và ngồi nhậu chung bàn, thế là thành hội. Nhóm này nhậu không cần mồi ngon, đôi khi là gói xôi, bịch đậu phộng hay trái cóc và mỗi người “súc miệng” bằng 1 xị đế là đủ nạp năng lượng để làm việc. Sau khi tan sở, nhóm lại hẹn giờ tụ họp, mỗi người kẹp nách một chai 3 xị đến nhà một chiến hữu nào đó để hàn huyên chuyện đời. Luật nhậu của hội này là “3 không, 3 phải”.
Cụ thể 3 phải là: phải đem theo 3 xị rượu, phải có mồi, phải có địa điểm cụ thể. Còn 3 không là: không nhậu bằng tiền của vợ con, mà phải tự làm việc kiếm tiền; say xỉn không quậy phá xóm giềng; không rủ rê các chiến hữu khác mà không thông báo trước với thành viên trong hội. Hơn 20 thành viên của hội đều có việc làm, người làm bác sĩ, người bán củi, người hớt tóc… đủ thành phần và ai cũng tự tạo thu nhập cho mình. Nhưng có điều, hầu hết chỉ làm vừa đủ sống, bởi làm ra bao nhiêu đều đổ vào rượu hết nên không còn dư dả.
Việc không rủ rê nhậu là kinh nghiệm “xương máu” của hội này. Vì lúc đầu, mọi người gặp bạn hay rủ đi nhậu. Cứ vô tư rủ mà không biết tính nết vợ con của bạn nên đã nhiều lần xảy ra chuyện dở khóc, dở cười. Có một lần hội đang nhậu, bỗng xuất hiện bà vợ của một người mới nhập hội, đứng tru tréo chửi, “mấy ông nhậu cứ nhậu, đừng rủ rê, lôi kéo để chồng tui còn phải làm lo vợ con”.
Sau nhiều trận bị mấy bà vợ quậy tới bến, nên các ông trong hội đã ra luật “3 không, 3 phải” để đưa hội vào nền nếp như thế. Sau thời gian tồn tại gần 20 năm, đến nay hội nhậu “Lương Sơn Bạc” đã giải tán, bởi năm nào cũng có ít nhất 1 chiến hữu hy sinh vì… rượu. Có người bị xơ gan cổ trướng, bệnh tim mạch, người bị tai nạn giao thông… Để tưởng nhớ bạn nhậu, khi hay tin có chiến hữu mất, những người bạn nhậu đến viếng tang bằng cách kẹp nách 3 xị rượu đến trước quan tài uống để tiễn đưa lần cuối. Dù gia đình tang gia khó chịu nhưng vì “nghĩa tử là nghĩa tận” nên họ cũng không dám phiền hà gì với hội nhậu “có 1 không 2” này.
Cách nay 2 tuần, gia đình bà Chín D., ngụ Ô Môn, TP.Cần Thơ cũng lao đao cũng vì… rượu. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến lễ vu quy của đứa con gái thứ hai của bà. Vì đám cưới ngay mùa mưa và mùa nước nổi nên bà Chín D. đã tính trước mọi chuyện và đã mượn sân của người em chồng tên Mười O., nhà sát vách để dựng rạp, đãi khách cho rộng rãi, sạch sẽ. Sau khi đã dựng rạp xong, gia đình nấu mâm cơm đãi họ hàng và hàng xóm đến làm giúp. Vì ngày vui nên trong nhà lúc nào cũng có rượu, thịt ê hề nên xong bữa cơm ai cũng ngà say.
Ông Mười O. cũng về nhà nằm ngủ, vừa mới chợp mắt bỗng dưng nhà cúp điện. Đang say rượu, mà trời lại nóng nực khiến ông Mười O. nổi quạu đi kiểm tra nguồn điện mới phát hiện người hàng xóm tự ý ngắt điện (vì nhà ông Mười O. câu điện ké hàng xóm – PV) nhà ông để nhường nguồn điện tiếp tế cho nhà bà Chín D. Nghĩ là bà Chín D. chơi xỏ mình, sẵn có rượu trong người nên ông Mười O. đã chửi bới ỏm tỏi và đùng đùng buộc bà Chín D. phải tháo rạp xuống không cho mượn sân nữa.
Chẳng những thế, ông Mười O. còn đi mua hàng rào B40 về rào lại ranh nhà không cho ai bén mảng qua nhà, kể cả những người đến dự đám cưới. Mặc dù hàng xóm đã hết lời năn nỉ nhưng Mười O. đã cương quyết không thèm dự đám cưới và cũng bặt giao tình nghĩa anh em. Báo hại, ngày vui của con gái cũng là ngày hai anh em ông Mười O. trở mặt. Dù không bén mảng qua đám cưới nhưng ông Mười O. mượn rượu say, đứng bên hàng rào chửi xiên, chửi xỏ khiến những người đến dự đám cưới ai cũng ngán ngại.
Bởi vậy mới biết, dù là rượu tình, rượu nghĩa, rượu xã giao và có luật rõ ràng nhưng có ai dám chắc rằng, khi rượu đã thấm vào cơ thể có ai làm chủ được lý trí, làm chủ được hành động của mình. “Rượu vào lời ra”, dù dân "nhậu sỉ" hay "nhậu lẻ" gì một khi đã say xỉn thì khó mà đoán trước được việc gì xảy ra. Nếu dân nhậu biết liều lượng, biết dừng đúng mực thì tiệc nhậu sẽ trở thành cuộc vui đúng nghĩa chứ không phải “tàn cuộc” theo nghĩa đen của nó.
Kỳ Anh (Dòng Đời