Chính sách dân túy (populist) là những chính sách được các chính trị gia đưa ra trong các cuộc tranh cử hướng tới vị trí cao trong chính phủ của nước mình. Các chính sách dân túy được cho là đứng về phía nhân dân, bảo vệ người nghèo, người bị áp bức và chống lại các tầng lớp đặc quyền, đặc lợi.
Trong những chính sách này, các chính trị gia hứa hẹn sẽ giải quyết một vấn đề bất công nào đó, đem lại quyền lợi và công lý cho người dân. Tuy nhiên, một số chính sách dân túy được lãnh đạo của các quốc gia đưa ra chỉ nhằm trấn an người dân, củng cố vị trí quyền lực của mình nhiều hơn là có những giải pháp kinh tế rõ ràng để giúp cho chính sách của mình thực sự hiệu quả.
Chính sách khí đốt ở Ucraina
Thủ tướng Ukraine 2005 - 2010: Bà Yulia V. Tymoshenko |
Trong thời gian tại vị chức Thủ tướng Ucraina từ năm 2005 đến 2010, bà Yulia V. Tymoshenko đã từng đưa ra một chính sách khí đốt được cho là nhằm “mua chuộc” lòng dân để liên tục tại vị trên chức vụ cấp cao của mình. Năm 2007, để tiếp tục giữ cương vị thủ tướng, bà đã hứa với người dân Ucraina sẽ bán khí đốt giá rẻ cho họ.
Trong các năm 2008 đến 2010, chính phủ của bà Tymoshenko đã mua khí đốt của Nga với giá 330 USD cho 1000 m3, nhưng lại bán cho người dân với giá 50 USD. Cơ quan báo chí nước này đã công bố thông tin trong gần 3 năm, nợ quốc gia đã tăng gấp 3 lần và đạt đến con số 316 tỷ grivna (tương đương 39 tỷ USD). Số nợ này đã khiến mỗi người dân Ucraina phải gánh một khoản nợ lên tới 7000 grivna (861 USD) vào thời điểm đó. Cứ mỗi năm, bà Tymoshenko đã tiêu phí của Ukraine khoảng 100 tỷ grivna ( 12,3 tỷ USD).
Chính sách “vì dân” này đã góp phần đẩy Ukraine vào suy thoái cuối năm 2008 và đã bị Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF từ chối tiếp tục cho vay tiền vào năm 2009. Để đối phó với khủng hoảng kinh tế và nhận lại được khoản tiền vay từ IMF, chính phủ kế nhiệm sau khi bà Tymoshenko thất bại trong cuộc bầu cử năm 2010 đã phải tăng giá bán khí đốt cho người dân lên mức 230 USD/1000m3.
Cũng bởi chính sách khí đốt này, bà Tymoshenko đã vướng vào vòng pháp luật vì bị cho là lạm dụng quyền hạn trong các hợp đồng mua bán khí đốt với Nga và chịu mức phạt 7 năm tù.
Chính sách lúa gạo của Thái Lan
Để dành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7/2011, Đảng cầm quyền Pheu Thái mà đứng đầu là Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đưa ra chính sách hỗ trợ nông dân trồng lúa.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra |
Ý tưởng của Chính phủ Thái Lan mang đầy tham vọng. Họ muốn sử dụng vị trí truyền thống của nước này với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhằm gây ảnh hưởng lên thị trường ngũ cốc toàn cầu thông qua găm giữ nguồn cung gạo thay vì xuất khẩu. Cách làm này được cho là sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao, đảm bảo mức sống cao hơn cho nông dân Thái trong những năm tới, trong khi Chính phủ Thái sẽ từ từ rút lui khỏi thị trường.
Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan và số liệu mới nhất của Bộ Thương mại nước này cho biết, năm 2012, Thái Lan xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo, giảm 35,5% từ 10,7 triệu tấn so với năm ngoái. Trong số 6,9 triệu tấn này, có 1,7 triệu tấn đã được xuất đi dưới dạng các chương trình trao đổi giữa các chính phủ, điều khiến cho Hiệp hội lúa gạo cũng như các doanh nghiệp tư nhân Thái Lan phải đặt câu hỏi.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu đổ lỗi cho tình trạng bỏ rơi xuất khẩu bởi cái gọi là chương trình cam kết lúa gạo của Chính phủ Thái Lan. Theo đó, Chính phủ nước này đồng ý mua gạo trắng từ nông dân ở mức giá cố định 15.000 baht (484 USD)/tấn và loại gạo hoa nhài chất lượng cao ở mức 20.000 baht (645 USD)/tấn. Kho thóc tạm trữ của Thái hiện đã lên tới mức kỷ lục 12 triệu tấn quy gạo.
Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của chính sách này chưa thấy đâu, trong khi đó Thái Lan đã chính thức mất ngôi vương trong thị trường xuất khẩu gạo của thế giới và ngân sách nước này đang phải chịu một khoản thâm hụt khoảng 300 tỷ baht, tương đương 9,9 tỷ USD mỗi năm. Cuối năm 2012, chương trình này được gia hạn, với khoản ngân sách ban đầu được thông qua là 240 tỷ Baht để can thiệp thị trường trong niên vụ 2012-2013.
Chính sách nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc
Một cam kết đưa đến chiến thắng của tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye là rút ngắn nghĩa vụ quân sự bắt buộc còn từ 3 đến 18 tháng. Điều này đang làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu quân và sự suy yếu khả năng chiến đấu của nước này.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự báo khi kế hoạch này cần được thực hiện trong năm nay, quân đội nước này sẽ phải chịu sự thiếu hụt hàng năm khoảng 27.000 quân vào năm 2030. Tính toán này phù hợp với kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giảm số lượng từ 639.000 quân xuống còn 522.000 quân trong năm 2022.
Các chuyên gia chỉ ra rằng sự thiếu hụt này có thể tồi tệ hơn trong những thập kỷ kế tiếp bởi tốc độ gia tăng dân số Hàn Quốc đang giảm và có xu hướng già hóa. Các nhà lãnh đão đã đưa ra phương án giải quyết vấn đề bằng cách sẽ thuê binh lính, tuy nhiên chi phí trả lương và phúc lợi nhà ở cho nhóm này dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ won (941 triệu USD) mỗi năm.
Một số nhà phê bình đã kêu gọi hủy bỏ kế hoạch, gọi đó là “chủ nghĩa dân túy”. Họ đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ Triều Tiên và vấn đề tranh chấp lãnh thổ cùng tình hình an ninh bất ổn ở Đông Á.
Họ cũng tranh luận rằng sức mạnh quân sự Triều Tiên hiện nay chỉ đứng sau Hàn Quốc. Theo sách trắng quốc phòng 2012 của Seoul, Triều Tiên hiện có khoảng 1,19 triệu quân bao gồm 1,02 triệu lính chính quy. Số quân của Hàn Quốc hiện nay là 639.000 người. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Triều Tiên được cho là lên đến 10 năm.
Nếu Hàn Quốc không đưa ra được các chính sách hợp lý trong việc tuyển dụng quân dân, nước này có thể gặp rắc rối trong việc kêu gọi nghĩa vụ quân sự của người dân khi chiến tranh thực sự xảy ra.