Quán Bên Đường
Những ngày xa xứ - Trần Nguơn Phiêu
Chiếc máy bay Constellation bốn cánh quạt của hãng hàng không Air France đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đưa Triệu rời xa đất nước vào một buổi sáng sớm. Từ trên cao nhìn lại thành phố Sài Gòn, Triệu cố nhận xem vị trí của các con đường quen thuộc, các công viên với những tàn cây xanh mướt, các chợ búa đông người rộn rịp... mà lòng thấy se thắt lại với cái cảm giác như ân hận đã bỏ lại sau lưng một đất nước còn đang trong vòng khói lửa. Xa Sài Gòn không bao lâu, nhìn xuống các sông ngòi chằng chịt, những thuở ruộng, vườn, đồng lúa với những mái nhà lá xiêu vẹo mà thấy xót thương cho người dân quê còn phải sống trong bao nhiêu nhọc nhằn, bất ổn.
Nhưng rồi phi cơ lên cao vút, nhìn ra ngoài chỉ thấy toàn là mây trắng. Nhìn xuống đất chỉ còn thấy núi đồi, làng mạc rải rác, mờ mờ khi ẩn khi hiện. Triệu cố nhắm mắt để tìm vào giấc ngủ nhưng vô vọng vì tiếng động đều đều của bốn máy phi cơ. Ðể cố quên đi phần nào tâm trạng u buồn của một người đã bỏ nước ra đi, Triệu bắt đầu quan sát những người đồng hành trong chuyến đi. Phần đông hành khách toàn là người ngoại quốc lớn tuổi. Triệu là người thanh niên độc nhất đi một mình trên chuyến phi cơ nầy. Một số nam nữ thiếu niên khác đều đi theo với gia đình họ. Người Pháp chiếm đa số trên phi cơ nhưng người Ấn Độ cũng không ít. Dung nhan họ là sắc dân Ấn nhưng ngôn ngữ họ trao đổi với nhau toàn là tiếng Pháp, có lẽ vì họ là những Ấn kiều của các lãnh thổ Ấn, nhượng địa của Pháp?
Ra khỏi xứ chưa bao xa nhưng Triệu thấy không khí đối xử giữa người với người trên phi cơ có chiều khác lạ với những cảnh ở Việt Nam. Những tiếp viên hàng không niềm nở, ân cần, lễ phép lo cho hành khách là lẽ tự nhiên nhưng giữa các hành khách với nhau, sự giao tế thấy cũng rất văn vẻ, không cục mịch như thường thấy ở đất “Nam kỳ thuộc địa” trước kia.
Trạm ngừng đầu tiên của chuyến bay là phi trường Karachi. Máy bay đến vào buổi chiều, trời sắp tối. Trong ánh nắng hoàng hôn, những tà áo sari nhiều màu sắc của phụ nữ Hồi phất phới bay trước gió tạo nên một hình ảnh vô cùng đẹp mắt. Trái lại, các món ăn dọn cho khách ở nhà hàng phi trường, nấu theo cách thức người Anh thì chỉ toàn là món luộc, từ rau đến thịt, lạt lẽo vô cùng!
Chặng ngừng kế tiếp vào nửa đêm về sáng là phi trường Li ban. Trái cây dọn ra cho khách là những trái táo hồng hào, những chùm nho thật mọng. Thịt là thịt trừu nướng thơm phức, đúng là cái không khí của xứ “một ngàn một đêm lẻ”.
Khi phi cơ đến không phận nước Pháp thì hành khách đã bắt đầu nhốn nháo vì sắp đến hết chặng cuối cùng của chuyến đi. Trong khi phần đông hành khách lo thu dọn để xếp gọn hành lý thì các phụ nữ đã lần lượt xếp hàng vào các phòng rửa mặt để tô điểm son phấn. Ðặc biệt các hành khách gốc Á Rập đã lên máy bay từ Li ban với những chiếc áo dài rộng thùng thình của xứ một ngàn một đêm lẻ đã trút bỏ quốc phục djellaba của họ để thay vào bằng những bộ Âu phục gọn gàng, cắt may rất đẹp. Các phụ nữ Á Rập giờ đây cũng chải chuốt phấn son, phục sức với áo và váy đầm lộng lẫy, đúng thời trang, không thua gì các phụ nữ Âu khác.
Triệu thấy lòng cũng nôn nao khi sắp được đặt chân lần đầu tiên trên kinh thành ánh sáng Paris. Máy bay lượn không lâu trên không phận phi trường Orly nhưng nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, Triệu thất vọng, chỉ thấy toàn sương mù dày đặc! Triệu đã không may, đến Paris vào một buổi sáng mây trời vần vũ.
Sau khi máy bay đã trút hết hành khách, các thủ tục nhập cảnh đã được thi hành mau chóng. Triệu vui mừng thấy anh bạn Mới đang đứng chờ Triệu ở cổng ra. Xa cách chỉ mới độ ba năm mà bây giờ Mới đã thật sự có nhiều thay đổi. Mặt mày nay trông già dặn, phương phi, mập mạp hơn trước. Mới lại mặc áo manteau nỉ nên trông người to lớn hơn ngày trước rất nhiều. Triệu thì lại cảm thấy lúng túng trong bộ áo nỉ may quá vừa vặn ở Việt Nam, không rộng thoải mái như Âu phục ở Paris!
Mới phụ giúp mang hành lý của Triệu để cùng xuống xe Métro về Paris và bảo Triệu: dân sinh viên nên ráng xuống đi xe điện ngầm; xe car hay taxi thì phải trả giá mắc hơn nhiều. Lần đầu tiên đi Métro, Triệu mới biết được cái mùi không khí đặc biệt của xe chạy trong đường hầm. Nhưng khi đến Porte d’Italie, Mới lại phải đưa Triệu lấy xe autobus để đi Kremlin Bicêtre. Vào thời khoảng các năm ấy, đường Métro chỉ đến Porte d’Italie là trạm chót. Về Kremlin Bicêtre phải đi tiếp bằng autobus. Ngồi trên xe ra ngoại ô, Triệu chỉ thấy hai bên đường những người áo quần lạnh trùm kín, đeo bao tay, đạp xe đạp lầm lũi đi trong sương mù giá lạnh. Hình ảnh cảnh vật ngày đầu tiên đến Paris thật vô cùng ảm đạm!
Về đến phòng trọ nhỏ của Mới, có lẽ gì giờ giấc Việt Pháp cách 12 tiếng nên Triệu đã lăn ra đánh một giấc, không biết trời trăng gì nữa cho đến khi thức giấc thì trời đã về chiều! Triệu không thấy đói, chỉ thấy khát và uống nước luôn miệng. Mới muốn Triệu tường thuật cho Mới các biến chuyển bên nhà kể từ Mới ra đi. Triệu thì nôn nóng muốn biết tin tức những bạn bè đã đến Pháp trong mấy năm qua.
Không gặp nhau chỉ vài năm mà nay Triệu nhận thấy bạn mình đã có nhiều đổi thay, không những về cách thức ăn mặc mà cả trong việc đi đứng, ăn nói... Mới có vẻ tự tin, chững chạc hơn trước. Môi thì lúc nào cũng ít thấy khi rời điếu thuốc thơm Lucky Strike, đôi mắt phưởng phất đượm buồn khi nghe nhắc đến những bạn bè tranh đấu còn ở bên nhà nhưng không may đang bị mắc trong lao tù. Mới cho biết việc một số đông sinh viên Việt từ bên nhà sang vẫn có những cơ hội tiếp xúc liên lạc, gặp nhau trong những ngày tổ chức hội hè, những tổ chức văn nghệ của Liên hiệp Việt kiều. Mới cũng tỏ vẻ chua chát khi cho biết việc một vài anh chị em lúc còn bên nhà thường cố tránh tiếp xúc với Mới và Triệu vì sợ “liên can chánh trị”, nay qua Pháp lại là những người được tin cậy trong tổ chức “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác”!
Những ngày kế tiếp sau đó, may mắn thay, bầu trời Paris bỗng có nắng trở lại. Mới đưa Triệu xuống xóm sinh viên Quartier Latin. Triệu đi giữa dòng tấp nập của những thanh niên thuộc nhiều sắc tộc chen nhau trên các đại lộ Saint Michel hoặc Saint Germain mà lòng thấy quặn đau, tưởng nhớ đến những thanh niên Việt, một dân tộc còn đang trong vòng bị thực dân đô hộ, chưa được cái may mắn thoát ra để tung bay tiếp tục học hỏi trong một xã hội thanh bình.
Dân chúng thong dong ngắm các mặt hàng chưng bày rất mỹ thuật ở các cửa tiệm, trên các đại lộ rộng lớn, công nhân tấp nập hối hả chen nhau lên xe điện ngầm Métro đi đến các cơ xưởng, các sạp bán báo chí thuộc mọi xu hướng chánh trị, từ tờ Humanité với hình búa liềm Cộng sản đến tờ Monde, France Soir... tất cả đều là chứng tích của một xã hội thanh bình, phong phú, hài hòa, khác với cái không khí ngột ngạt đầy lo âu, bất trắc của một Sài Gòn thời chiến.
Ðến Paris vào mùa lạnh, sương mù ảm đạm, Triệu bỏ ý định lên tháp Eiffel và đã dành nhiều thời giờ để viếng các bảo tàng viện, từ Louvres đến Rodin... Từ lâu, Triệu đã biết qua sách vở, hình ảnh, các tác phẩm nghệ thuật của viện bảo tàng Louvres nhưng nay chính mắt được nhìn những bức tranh thiếu nữ tròn trịa, dịu dàng mà Triệu hằng ưa thích của Renoir hoặc các tranh màu lóng lánh ánh nắng của các ao bông súng của Monet... Triệu ước mong sao một ngày nào đó, dân chúng lầm than ở đất nước mình cũng sẽ được dịp hưởng thụ hạnh phúc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân nhân loại. Trước kia, Triệu đã nhiều lần biết được kiến trúc mỹ thuật của nhà thờ Notre Dame de Paris soi bóng bên dòng sông Seine thơ mộng, nhưng nay đặt chân được ở chốn này mới biết được thêm các chi tiết như từ đường vào ngưỡng cửa của thánh đường, mặt đất vào thẳng trong đền, không có nền bệ cao thấp để chứng tỏ cửa đền sẵn sàng, bình đẳng đón nhận mọi người muốn đến với Ðức Bà.
Vào viện điêu khắc Rodin, Triệu đã thấy tim bồi hồi rung cảm trước hình ảnh trìu mến của bức tượng « Nụ hôn ». Chứng kiến được các nét tạc trên mặt thiếu nữ ngửng mặt chờ nụ hôn mới hiểu được vì sao bức tượng đã làm mê hoặc nhiều thế hệ!
Những ngày tiếp xúc hào hứng với thành phố hoa lệ Paris rồi cũng phải chóng tàn. Triệu còn phải tiếp tục chuẩn bị đáp tàu đi đến trường Bordeaux ở miền Nam. Mới đã đưa Triệu đến nhà ga lấy chuyến tàu đêm để đến Bordeaux vào sáng sớm. Một cuộc sống mới sẽ khởi đầu. Suốt đêm Triệu đã thao thức chờ nghe tiếng loa điểm tên từng ga đã đi qua vì không tài nào chợp mắt nghỉ được.
Buổi sáng tinh sương đến ga cuối cùng là Saint Jean ở Bordeaux lại cũng gặp một trời sương mù ảm đạm. Lòng đang bồn chồn lo lắng đến chốn mới lại càng cảm thấy tha thiết buồn hơn. Triệu lấy taxi đến tìm nhà trọ của Trương Minh Các, một bạn thâm giao từ Trung học Petrus Ký. Gặp lại được bạn quen, Triệu mới thấy hồi tâm, an tịnh một phần nào. Các ở trọ một phòng trên một quán cà phê. Trời còn sớm, hai đứa ngồi vào một bàn ở quán dưới nhà, điểm tâm với bánh croissant và cà phê crème. Các cho biết tin tức các bạn sinh viên Việt quanh vùng Bordeaux. Triệu mừng thầm khi biết nhiều bạn như Ðỗ Cao Minh còn đang học Nha, các chị Nguyễn Thị Công sẽ theo học Y như Triệu... Như vậy Triệu sẽ không còn e sợ cảnh lẻ loi nơi đất lạ.
Cuối cùng, Triệu từ giã Các để đến trình diện Trường Quân Y Hải Quân, bắt đầu một cuộc sống mới.
Ðây là một quân trường được thành lập rất lâu đời, từ năm 1890. Trong thời Ðệ Nhị Thế chiến, có lúc trường đã phải tạm dời về vùng Montpelier, Ðông Nam nước Pháp trong vài năm nhưng rồi sau cùng cũng trở về vị trí cũ ở số 147 Ðường La Marne, Bordeaux. Như phần nhiều các công trình kiến trúc lớn vùng Bordeaux, Trường được xây cất bền vững bằng đá trắng. Quân trường có sức chứa trên hai trăm sinh viên sĩ quan nội trú, có sân rộng làm vũ đình trường. Ngoài các tiện nghi như phòng học, thư viện, phòng ăn, phòng thể thao, phòng âm nhạc, đại giảng đường, trường còn có cả phòng thí nghiệm sinh hóa để sinh viên thực tập.
Căn bản quân sự do bộ tham mưu trường đảm nhận nhưng giáo dục y khoa thì sinh viên phải theo học ở Y khoa Ðại học Bordeaux. Sinh viên ở nội trú, nhưng lộ trình đi đến trường Ðại học hoặc các bịnh viện được trường ra chỉ thị định trước phải tuân hành. Ở cổng chánh các bịnh viện hay đại học đều có đặt nhân viên quân sự của Trường để điểm danh sinh viên sĩ quan đến lớp, tránh việc trốn học đi dạo phố!
Khóa của Triệu năm ấy vào khoảng hơn một trăm sinh viên. Sinh viên Việt Nam có cả thảy mười bạn, năm từ Ðại học Hà Nội và năm từ Sài Gòn đến. Theo truyền thống các quân trường, các khóa sinh mới vào năm đầu phải tỏ ra thuần phục các khóa sinh đàn anh. Người ngoài nhìn vào, thường có cảm tưởng đó là chuyện “ma cũ” ăn hiếp “ma mới”. Thật ra đây cũng là một thông lệ đặc biệt, để sinh viên sĩ quan bỏ được cái “ngã” của mình và chấp nhận kỷ luật quân đội: trên bảo dưới nghe. Ðặc biệt vì là trường Quân Y nên các tân khóa sinh được đàn anh gọi là lũ “bào thai” từ lúc vào trường cho đến khi có lễ đặt tên khóa học. Mỗi sinh viên được cấp cho một số thứ tự danh bộ. Số đầu là số của năm, các số sau là số của sinh viên. Khi xướng danh, có thể biết khóa sinh thuộc khóa của năm nào. Sau số năm, các sinh viên có cùng số nhưng ở các khóa khác năm nhau, được xem như thuộc một đại gia đình. Các đàn anh có truyền thống phải lãnh trách nhiệm lo cho các con, cháu, chít... của gia đình. Trong thời gian chưa có lễ đặt tên khóa, các sinh viên mới phải chấp nhận thi hành các chỉ thị của đàn anh. Ðây cũng là một loại thời gian “Huấn nhục” tinh thần, trước khi được chấp thuận gia nhập đại gia đình Quân Y.
Vì đây là lần đầu tiên Trường nhận các sinh viên Việt Nam nên các sinh viên đàn anh đã nương tay không hành hạ các sinh viên Việt như họ đã thường đối đãi với sinh viên Pháp. Chưa hề có sinh viên Việt bị các hình phạt như phải bị cạo trọc đầu hay bị nhốt hằng giờ trong tủ áo... Thường chỉ có các việc như phải đứng nghiêm đọc thực đơn cho đàn anh trước buổi ăn, hoặc những khổ hình như hít đất mới thỉnh thoảng thấy xảy ra.
Kỷ luật quân trường, như phần đông ở các quân trường trên thế giới, rất khắt khe trong các năm đầu để uốn nắn sinh viên vào khuôn khổ. Mỗi sáng trước giờ đi học, phải qua cuộc điểm danh và kiểm soát quân phục. Quần áo lúc nào cũng phải thẳng nếp, áo sơ mi trắng phải giữ cổ nhúng hồ ủi thẳng, giày da đen phải đánh xi bóng loáng.
Triệu đã may mắn hòa đồng với bạn bè và thích ứng dễ dàng với đời sống quân ngũ mà không thấy chút khổ sở. Thật tình nếu so sánh với đời sống trước kia thì nay, Triệu chỉ có việc phải cố gắng học, khỏi còn có những lo âu về ăn mặc, mua sắm. Trường là nơi sinh viên được tuyển chọn qua những kỳ thi tuyển gắt gao nên gồm toàn là thanh niên thông minh và hiếu học. Việc cạnh tranh trong học vấn rất gắt gao mà sức khỏe họ rất dồi dào nên muốn vượt lên họ cũng phải nhiều cố gắng vất vả. Trong các bạn của Triệu có một anh bạn tên Ðăng được cả trường biết tiếng vì ngày này qua ngày khác, sau buổi cơm chiều, trở về phòng là lo ngay việc nấu một son cháo nhỏ trước khi đem tập vở xuống thư viện học cho đến khuya mới trở về phòng ăn cháo trước khi ngủ.
Qua đến mùa xuân của năm học đầu, khóa của Triệu đã được chánh thức đặt tên trong một buổi lễ long trọng với sự hiện diện của Thủ tướng chánh phủ. Ông Thủ tướng vào thời bấy giờ, đặc biệt lại cũng là Thị trưởng của thành phố Bordeaux. Khóa sinh đại diện cho các quân trường lớn như Saint Cyr, Polytechnique, Trường Quân Y nước Bỉ... đã được mời đến tham dự cũng như các quan chức trong vùng và phụ huynh các khóa sinh. Vào buổi tối có mở Dạ hội tổ chức ở nhà hát lớn của thành phố.
Ðây là một cơ hội quan trọng hằng năm của thành phố Bordeaux. Hải cảng này là một trong những hải cảng quan trọng của Pháp bên Ðại Tây dương, có truyền thống lâu đời về giao dịch thương mãi với các xứ Phi Châu. Giới thượng lưu và trung lưu của thành phố phần đông thuộc dòng dõi những nhà tài phiệt lớn của Pháp. Những gia đình thượng lưu này vẫn có thông lệ đưa các thiếu nữ con cháu đến tuổi cập kê đến tham dự dạ hội hằng năm của trường Quân Y để móc nối tìm các chàng rể tương lai. Ðây là cơ hội để các tiểu thư đua nhau trình bày các bộ áo dạ tiệc thời trang, các nghệ thuật trang điểm mới lạ.
Triệu đã thật sự choáng mắt trước cảnh trí hoành tráng, sang trọng của giới thượng lưu của một thành phố lớn, có tiếng là giàu sang của một hải cảng có quá khứ giao dịch với các thuộc địa Phi Châu, xứ Tây Ban Nha và cả Châu Mỹ La Tinh. Các sinh viên quân y, trong tương lai sẽ là các bác sĩ nên đã được các gia đình trong thành phố rất quý trọng. Trong lớp đàn anh của Triệu có một sinh viên sắp ra trường, vốn dòng hoàng tộc nhà Nguyễn, được sinh viên gọi tên là Hoàng thân Vĩnh Chí. Anh đã kết hôn với con gái một gia tộc danh tiếng ở Bordeaux nên toán sinh viên Việt Nam của Triệu nhờ thế đã được ân cần tiếp đãi.
Triệu đã được giới thiệu khiêu vũ với nhiều thiếu nữ duyên dáng, phần đông là các nữ sinh các trường Trung học. Tuổi trẻ là tuổi thích hội họp vui đùa nhất là trong không khí lễ hội lớn nên Triệu đã có dịp lân la góp chuyện từ nhóm này qua nhóm khác. Trong các môn huấn luyện cho sĩ quan tương lai, ngoài chuyên môn y khoa và quân sự, quân trường của Triệu cũng có những giờ dạy về cách sinh sống xã giao ngoài xã hội như ăn mặc, tiệc tùng, âm nhạc, khiêu vũ... nên Triệu đã không gặp khó khăn, bỡ ngỡ để gia nhập vào sinh hoạt đêm dạ vũ. Tuy đã dặn lòng trước là trong buổi tiệc, nên nhân cơ hội làm thân với nhiều người bao nhiêu càng tốt nhưng Triệu cũng đã đặc biệt, nhiều lần riêng mời ra sàn nhảy một nữ sinh tên R. được giới thiệu là học sinh ban Triết sắp tốt nghiệp Trung học trong năm. Triệu đã để ý đến R. vì khi phần đông các thiếu nữ Pháp đều có mái tóc màu nâu hay vàng óng ả, thì R. mặc dầu sắc da rất trắng nhưng mái tóc lại là mái tóc đen huyền như tóc phụ nữ Á Ðông. Ðôi mắt của R. cũng đen và khẽ xếch lên trên như người phương Ðông. Lòng mắt đen, sâu của R. khiến cho chân dung R. có một vẻ huyền bí lạ lùng.
Tên của R. cũng có âm hưởng khác với các tên thông thường của người Pháp. Trong câu chuyện sau đó, Triệu mới biết R. vốn là người gốc Basque, một sắc dân đặc biệt có vị trí giữa hai bên biên giới Pháp-Y pha nho. Phần đông người Basque đều ở về phía bên Y pha nho và trong quá khứ, họ vẫn có những cuộc tranh đấu vận động để có một quy chế biệt lập với xứ Y pha nho. Chuyện vì sao lại có một nhóm dân sắc diện phưởng phất Á đông, với thổ ngữ ná ná như dân các hải đảo Polynesia lại chen sống giữa người Âu, đến nay vẫn còn là một bí hiểm lịch sử.
Khi biết được Triệu là người Việt, R. cho Triệu biết là người Basque vốn có tiếng là những người đầu bếp giỏi danh tiếng ở Âu Mỹ. Họ có một loại rượu khai vị Basque lừng danh tên Yzarra pha chế với thảo mộc vùng Pyrénées. Rượu Yzarra lại là sản phẩm phát minh do một phụ nữ Việt có chồng người Basque. Bà này đã dùng bông hoa, cây trái vùng núi Pyrénées, pha biến giống như toa thuốc gia truyền của bà để chế ra loại rượu mà nhiều người đã ưa thích. Rượu này cuối cùng đã được phổ biến như một đặc sản của vùng đất Basque.
Một tuần sau buổi dạ hội, Triệu đã có được cơ hội gặp lại R. ở một quán ăn. Vì không còn trang điểm phấn son lộng lẫy như trong đêm Ðại lễ, vì thiếu ánh đèn huyền ảo của sàn nhảy, Triệu thất vọng nhận thấy làn da của R. tuy thật trắng nhưng nhìn kỹ sẽ thấy lỗ chỗ rất nhiều chấm nâu, không giống như làn da trắng một màu đã một thuở làm Triệu ngây ngất. Sau nhiều lần gặp gỡ, Triệu mới được biết thêm là sắc dân Basque, phần lớn sống bên kia biên giới Y pha nho, vẫn có truyền thống tranh đấu để có được một thể chế chánh trị tự chủ. Họ không đòi được độc lập nhưng đòi hỏi một quy chế tự trị để bảo tồn nét văn hóa đặc thù của họ. Sự đàn áp chủ trương này dưới thể chế độc tài của Tướng Franco rất quyết liệt nhưng người Basque vẫn duy trì được sự đấu tranh này, trong khi phong trào dân chủ chống Franco đã được coi như đã tan biến sau cuộc nội chiến ở Y pha nho năm 1939. R. tuy còn là một học sinh Trung học nhưng đã tỏ ra vô cùng sôi động khi nhắc đến cuộc tranh đấu không ngừng này của các đồng hương của mình.
Triệu cũng có những tiếp xúc đậm đà với những người tị nạn chánh trị Y pha nho đã phải bỏ nước ra đi sau khi nhà độc tài Franco nắm được chánh quyền ở xứ này. Khi còn ở Việt Nam, Triệu đã từng đọc được nhiều sách vở về cuộc nội chiến Tây Ban Nha và đã có trước cảm tình với những người đã tham dự vào cuộc chiến tranh tuy là nội chiến nhưng đã đánh dấu bước đầu cho cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa độc tài và dân chủ. Tâm hồn Triệu đã bị quyến rũ vào cuộc đấu tranh này sau khi đọc được quyển “Pour qui sonne le glas” (Hồi chuông Báo tử Hồn ai?) của Ernest Hemingway. Triệu đã được cơ hội tiếp xúc thân cận với giới cách mạng lưu vong Tây Ban Nha cũng do một nhân duyên tình cờ.
Ðược tiếp cận với phong trào tân nhạc Việt Nam vào giai đoạn phôi thai khi còn là học sinh ở Trung học Petrus Ký, thời của những bài hát Con Thuyền Không Bến của Ðặng Thế Phong, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Buồn Tàn Thu của Văn Cao... Triệu đã từng say mê tự học trước tiên với đàn mandoline và về sau với đàn guitare. Sinh viên Việt Nam vào thời trước chỉ có được cơ hội dùng các loại đàn ấy mà thôi. Piano hay violon chỉ có con cái các gia đình thượng lưu mới dám nghĩ tới. Guitare được coi như đàn piano của giới người nghèo!
Qua Pháp, một hôm Triệu đi xem phim Les jeux interdits, một phim trắng đen, loại tình cảm đã được diễn xuất với bối cảnh là nhạc đệm guitare réo rắt của một bản dân gian cổ điển. Âm hưởng của dòng nhạc đã ám ảnh Triệu suốt cả tuần. Tình cờ một chiều thứ Bảy, khi đang lang thang ở một con đường nhỏ cạnh hồ tắm của thành phố, Triệu bỗng nghe lại được bản nhạc được độc tấu guitare liên tục từ một căn nhà ngang cửa hồ tắm. Triệu mê mải dựng xe đạp trước nhà tiếp tục lắng nghe bản nhạc được lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi tiếng đàn dứt hẳn. Sau đó, một người đàn ông lớn tuổi, râu tóc bạc phơ đã mở cổng để đưa ra và từ giã một thanh niên mặc quân phục cùng trường với Triệu. Lên tiếng chào người bạn đồng ngũ, Triệu lân la hỏi chuyện mới được biết là Guliani, tên anh bạn này, người gốc dân Corse, đã đến đây từ lâu để học đàn guitare cổ điển với một nhạc sĩ Y Pha Nho đã hồi hưu.
Tuần sau đó, Triệu đã đến xin gặp và đã được người nghệ sĩ chuyên đàn guitare cổ điển tên Pascan này chấp nhận cho theo làm môn sinh. Ông là một người tị nạn chánh trị như phần đông các người gốc Y Pha Nho sinh sống ở miền Nam đất Pháp. Sau khi cuộc nội chiến tranh đấu dân chủ năm 1936 kết thúc và tướng độc tài Franco dành được chánh quyền, họ đã phải vượt biên giới đến tá túc trên đất Pháp. Ông Pascan, một thời đã có chân trong ban nhạc của hí viện thành phố Bordeaux trước khi đến tuổi hồi hưu. Ông sống an nhàn cùng với bà vợ, một phụ nữ lớn tuổi, vốn là một thợ may nên vẫn còn tiếp nhận may, sửa áo quần cho những người quanh vùng. Cũng giống như các ông thầy đồ nghiêm khắc Á Ðông, ông Pascan rất khắt khe trong việc giảng dạy, chú trọng từ cách ngồi, cách cầm đàn, cách bấm phím, cách gẩy đàn... Ông rất quý ba cây đàn guitare hiệu Ramirez của ông nên mặc dầu đàn đã từ bao nhiêu năm tháng phải qua tay bao nhiêu học trò nhưng trông vẫn còn như mới! Ông chỉ dẫn cho học sinh biết nhận thức giá trị của loại cây đã được nhà làm đàn danh tiếng Ramirez ở Madrid đã tuyển lựa được từ bao nhiêu thập niên trước. Các sớ gỗ khít khao chứng tỏ là gỗ đã được chọn từ trong lỏi và đã được người làm đàn lưu giữ riêng biệt. Vì phải được sản xuất từ loại gỗ quý này nên mỗi năm, nhà làm đàn Ramirez thông thường chỉ làm hơn hai trăm cây theo đơn đặt hàng mà thôi. Học sinh mỗi lần cầm đàn đều phải nhớ để một tấm khăn nhung che sau lưng đàn để tránh các nút áo hay giây thắt lưng không cạ trầy lưng đàn; các ngón tay phải khi khảy đàn lúc nào cũng chú trọng không được đụng lên mặt đàn để tránh làm trầy, ngay cả những khi phải gẩy mạnh tay các khúc nhạc flamenco. Nhờ có được nhiều dịp tiếp chuyện thân mật nhiều năm với ông bà Pascan, Triệu lần lần biết rõ và thông cảm với hơn tình huống của những người tị nạn Y Pha Nho. Họ đã phải từ bỏ xóm làng quê hương thân thương để cam nhận đến tị nạn chánh trị ở một quốc gia khác.
Sinh Tồn chuyển
Những ngày xa xứ - Trần Nguơn Phiêu
Chiếc máy bay Constellation bốn cánh quạt của hãng hàng không Air France đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đưa Triệu rời xa đất nước vào một buổi sáng sớm. Từ trên cao nhìn lại thành phố Sài Gòn, Triệu cố nhận xem vị trí của các con đường quen thuộc, các công viên với những tàn cây xanh mướt, các chợ búa đông người rộn rịp... mà lòng thấy se thắt lại với cái cảm giác như ân hận đã bỏ lại sau lưng một đất nước còn đang trong vòng khói lửa. Xa Sài Gòn không bao lâu, nhìn xuống các sông ngòi chằng chịt, những thuở ruộng, vườn, đồng lúa với những mái nhà lá xiêu vẹo mà thấy xót thương cho người dân quê còn phải sống trong bao nhiêu nhọc nhằn, bất ổn.
Nhưng rồi phi cơ lên cao vút, nhìn ra ngoài chỉ thấy toàn là mây trắng. Nhìn xuống đất chỉ còn thấy núi đồi, làng mạc rải rác, mờ mờ khi ẩn khi hiện. Triệu cố nhắm mắt để tìm vào giấc ngủ nhưng vô vọng vì tiếng động đều đều của bốn máy phi cơ. Ðể cố quên đi phần nào tâm trạng u buồn của một người đã bỏ nước ra đi, Triệu bắt đầu quan sát những người đồng hành trong chuyến đi. Phần đông hành khách toàn là người ngoại quốc lớn tuổi. Triệu là người thanh niên độc nhất đi một mình trên chuyến phi cơ nầy. Một số nam nữ thiếu niên khác đều đi theo với gia đình họ. Người Pháp chiếm đa số trên phi cơ nhưng người Ấn Độ cũng không ít. Dung nhan họ là sắc dân Ấn nhưng ngôn ngữ họ trao đổi với nhau toàn là tiếng Pháp, có lẽ vì họ là những Ấn kiều của các lãnh thổ Ấn, nhượng địa của Pháp?
Ra khỏi xứ chưa bao xa nhưng Triệu thấy không khí đối xử giữa người với người trên phi cơ có chiều khác lạ với những cảnh ở Việt Nam. Những tiếp viên hàng không niềm nở, ân cần, lễ phép lo cho hành khách là lẽ tự nhiên nhưng giữa các hành khách với nhau, sự giao tế thấy cũng rất văn vẻ, không cục mịch như thường thấy ở đất “Nam kỳ thuộc địa” trước kia.
Trạm ngừng đầu tiên của chuyến bay là phi trường Karachi. Máy bay đến vào buổi chiều, trời sắp tối. Trong ánh nắng hoàng hôn, những tà áo sari nhiều màu sắc của phụ nữ Hồi phất phới bay trước gió tạo nên một hình ảnh vô cùng đẹp mắt. Trái lại, các món ăn dọn cho khách ở nhà hàng phi trường, nấu theo cách thức người Anh thì chỉ toàn là món luộc, từ rau đến thịt, lạt lẽo vô cùng!
Chặng ngừng kế tiếp vào nửa đêm về sáng là phi trường Li ban. Trái cây dọn ra cho khách là những trái táo hồng hào, những chùm nho thật mọng. Thịt là thịt trừu nướng thơm phức, đúng là cái không khí của xứ “một ngàn một đêm lẻ”.
Khi phi cơ đến không phận nước Pháp thì hành khách đã bắt đầu nhốn nháo vì sắp đến hết chặng cuối cùng của chuyến đi. Trong khi phần đông hành khách lo thu dọn để xếp gọn hành lý thì các phụ nữ đã lần lượt xếp hàng vào các phòng rửa mặt để tô điểm son phấn. Ðặc biệt các hành khách gốc Á Rập đã lên máy bay từ Li ban với những chiếc áo dài rộng thùng thình của xứ một ngàn một đêm lẻ đã trút bỏ quốc phục djellaba của họ để thay vào bằng những bộ Âu phục gọn gàng, cắt may rất đẹp. Các phụ nữ Á Rập giờ đây cũng chải chuốt phấn son, phục sức với áo và váy đầm lộng lẫy, đúng thời trang, không thua gì các phụ nữ Âu khác.
Triệu thấy lòng cũng nôn nao khi sắp được đặt chân lần đầu tiên trên kinh thành ánh sáng Paris. Máy bay lượn không lâu trên không phận phi trường Orly nhưng nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, Triệu thất vọng, chỉ thấy toàn sương mù dày đặc! Triệu đã không may, đến Paris vào một buổi sáng mây trời vần vũ.
Sau khi máy bay đã trút hết hành khách, các thủ tục nhập cảnh đã được thi hành mau chóng. Triệu vui mừng thấy anh bạn Mới đang đứng chờ Triệu ở cổng ra. Xa cách chỉ mới độ ba năm mà bây giờ Mới đã thật sự có nhiều thay đổi. Mặt mày nay trông già dặn, phương phi, mập mạp hơn trước. Mới lại mặc áo manteau nỉ nên trông người to lớn hơn ngày trước rất nhiều. Triệu thì lại cảm thấy lúng túng trong bộ áo nỉ may quá vừa vặn ở Việt Nam, không rộng thoải mái như Âu phục ở Paris!
Mới phụ giúp mang hành lý của Triệu để cùng xuống xe Métro về Paris và bảo Triệu: dân sinh viên nên ráng xuống đi xe điện ngầm; xe car hay taxi thì phải trả giá mắc hơn nhiều. Lần đầu tiên đi Métro, Triệu mới biết được cái mùi không khí đặc biệt của xe chạy trong đường hầm. Nhưng khi đến Porte d’Italie, Mới lại phải đưa Triệu lấy xe autobus để đi Kremlin Bicêtre. Vào thời khoảng các năm ấy, đường Métro chỉ đến Porte d’Italie là trạm chót. Về Kremlin Bicêtre phải đi tiếp bằng autobus. Ngồi trên xe ra ngoại ô, Triệu chỉ thấy hai bên đường những người áo quần lạnh trùm kín, đeo bao tay, đạp xe đạp lầm lũi đi trong sương mù giá lạnh. Hình ảnh cảnh vật ngày đầu tiên đến Paris thật vô cùng ảm đạm!
Về đến phòng trọ nhỏ của Mới, có lẽ gì giờ giấc Việt Pháp cách 12 tiếng nên Triệu đã lăn ra đánh một giấc, không biết trời trăng gì nữa cho đến khi thức giấc thì trời đã về chiều! Triệu không thấy đói, chỉ thấy khát và uống nước luôn miệng. Mới muốn Triệu tường thuật cho Mới các biến chuyển bên nhà kể từ Mới ra đi. Triệu thì nôn nóng muốn biết tin tức những bạn bè đã đến Pháp trong mấy năm qua.
Không gặp nhau chỉ vài năm mà nay Triệu nhận thấy bạn mình đã có nhiều đổi thay, không những về cách thức ăn mặc mà cả trong việc đi đứng, ăn nói... Mới có vẻ tự tin, chững chạc hơn trước. Môi thì lúc nào cũng ít thấy khi rời điếu thuốc thơm Lucky Strike, đôi mắt phưởng phất đượm buồn khi nghe nhắc đến những bạn bè tranh đấu còn ở bên nhà nhưng không may đang bị mắc trong lao tù. Mới cho biết việc một số đông sinh viên Việt từ bên nhà sang vẫn có những cơ hội tiếp xúc liên lạc, gặp nhau trong những ngày tổ chức hội hè, những tổ chức văn nghệ của Liên hiệp Việt kiều. Mới cũng tỏ vẻ chua chát khi cho biết việc một vài anh chị em lúc còn bên nhà thường cố tránh tiếp xúc với Mới và Triệu vì sợ “liên can chánh trị”, nay qua Pháp lại là những người được tin cậy trong tổ chức “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác”!
Những ngày kế tiếp sau đó, may mắn thay, bầu trời Paris bỗng có nắng trở lại. Mới đưa Triệu xuống xóm sinh viên Quartier Latin. Triệu đi giữa dòng tấp nập của những thanh niên thuộc nhiều sắc tộc chen nhau trên các đại lộ Saint Michel hoặc Saint Germain mà lòng thấy quặn đau, tưởng nhớ đến những thanh niên Việt, một dân tộc còn đang trong vòng bị thực dân đô hộ, chưa được cái may mắn thoát ra để tung bay tiếp tục học hỏi trong một xã hội thanh bình.
Dân chúng thong dong ngắm các mặt hàng chưng bày rất mỹ thuật ở các cửa tiệm, trên các đại lộ rộng lớn, công nhân tấp nập hối hả chen nhau lên xe điện ngầm Métro đi đến các cơ xưởng, các sạp bán báo chí thuộc mọi xu hướng chánh trị, từ tờ Humanité với hình búa liềm Cộng sản đến tờ Monde, France Soir... tất cả đều là chứng tích của một xã hội thanh bình, phong phú, hài hòa, khác với cái không khí ngột ngạt đầy lo âu, bất trắc của một Sài Gòn thời chiến.
Ðến Paris vào mùa lạnh, sương mù ảm đạm, Triệu bỏ ý định lên tháp Eiffel và đã dành nhiều thời giờ để viếng các bảo tàng viện, từ Louvres đến Rodin... Từ lâu, Triệu đã biết qua sách vở, hình ảnh, các tác phẩm nghệ thuật của viện bảo tàng Louvres nhưng nay chính mắt được nhìn những bức tranh thiếu nữ tròn trịa, dịu dàng mà Triệu hằng ưa thích của Renoir hoặc các tranh màu lóng lánh ánh nắng của các ao bông súng của Monet... Triệu ước mong sao một ngày nào đó, dân chúng lầm than ở đất nước mình cũng sẽ được dịp hưởng thụ hạnh phúc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân nhân loại. Trước kia, Triệu đã nhiều lần biết được kiến trúc mỹ thuật của nhà thờ Notre Dame de Paris soi bóng bên dòng sông Seine thơ mộng, nhưng nay đặt chân được ở chốn này mới biết được thêm các chi tiết như từ đường vào ngưỡng cửa của thánh đường, mặt đất vào thẳng trong đền, không có nền bệ cao thấp để chứng tỏ cửa đền sẵn sàng, bình đẳng đón nhận mọi người muốn đến với Ðức Bà.
Vào viện điêu khắc Rodin, Triệu đã thấy tim bồi hồi rung cảm trước hình ảnh trìu mến của bức tượng « Nụ hôn ». Chứng kiến được các nét tạc trên mặt thiếu nữ ngửng mặt chờ nụ hôn mới hiểu được vì sao bức tượng đã làm mê hoặc nhiều thế hệ!
Những ngày tiếp xúc hào hứng với thành phố hoa lệ Paris rồi cũng phải chóng tàn. Triệu còn phải tiếp tục chuẩn bị đáp tàu đi đến trường Bordeaux ở miền Nam. Mới đã đưa Triệu đến nhà ga lấy chuyến tàu đêm để đến Bordeaux vào sáng sớm. Một cuộc sống mới sẽ khởi đầu. Suốt đêm Triệu đã thao thức chờ nghe tiếng loa điểm tên từng ga đã đi qua vì không tài nào chợp mắt nghỉ được.
Buổi sáng tinh sương đến ga cuối cùng là Saint Jean ở Bordeaux lại cũng gặp một trời sương mù ảm đạm. Lòng đang bồn chồn lo lắng đến chốn mới lại càng cảm thấy tha thiết buồn hơn. Triệu lấy taxi đến tìm nhà trọ của Trương Minh Các, một bạn thâm giao từ Trung học Petrus Ký. Gặp lại được bạn quen, Triệu mới thấy hồi tâm, an tịnh một phần nào. Các ở trọ một phòng trên một quán cà phê. Trời còn sớm, hai đứa ngồi vào một bàn ở quán dưới nhà, điểm tâm với bánh croissant và cà phê crème. Các cho biết tin tức các bạn sinh viên Việt quanh vùng Bordeaux. Triệu mừng thầm khi biết nhiều bạn như Ðỗ Cao Minh còn đang học Nha, các chị Nguyễn Thị Công sẽ theo học Y như Triệu... Như vậy Triệu sẽ không còn e sợ cảnh lẻ loi nơi đất lạ.
Cuối cùng, Triệu từ giã Các để đến trình diện Trường Quân Y Hải Quân, bắt đầu một cuộc sống mới.
Ðây là một quân trường được thành lập rất lâu đời, từ năm 1890. Trong thời Ðệ Nhị Thế chiến, có lúc trường đã phải tạm dời về vùng Montpelier, Ðông Nam nước Pháp trong vài năm nhưng rồi sau cùng cũng trở về vị trí cũ ở số 147 Ðường La Marne, Bordeaux. Như phần nhiều các công trình kiến trúc lớn vùng Bordeaux, Trường được xây cất bền vững bằng đá trắng. Quân trường có sức chứa trên hai trăm sinh viên sĩ quan nội trú, có sân rộng làm vũ đình trường. Ngoài các tiện nghi như phòng học, thư viện, phòng ăn, phòng thể thao, phòng âm nhạc, đại giảng đường, trường còn có cả phòng thí nghiệm sinh hóa để sinh viên thực tập.
Căn bản quân sự do bộ tham mưu trường đảm nhận nhưng giáo dục y khoa thì sinh viên phải theo học ở Y khoa Ðại học Bordeaux. Sinh viên ở nội trú, nhưng lộ trình đi đến trường Ðại học hoặc các bịnh viện được trường ra chỉ thị định trước phải tuân hành. Ở cổng chánh các bịnh viện hay đại học đều có đặt nhân viên quân sự của Trường để điểm danh sinh viên sĩ quan đến lớp, tránh việc trốn học đi dạo phố!
Khóa của Triệu năm ấy vào khoảng hơn một trăm sinh viên. Sinh viên Việt Nam có cả thảy mười bạn, năm từ Ðại học Hà Nội và năm từ Sài Gòn đến. Theo truyền thống các quân trường, các khóa sinh mới vào năm đầu phải tỏ ra thuần phục các khóa sinh đàn anh. Người ngoài nhìn vào, thường có cảm tưởng đó là chuyện “ma cũ” ăn hiếp “ma mới”. Thật ra đây cũng là một thông lệ đặc biệt, để sinh viên sĩ quan bỏ được cái “ngã” của mình và chấp nhận kỷ luật quân đội: trên bảo dưới nghe. Ðặc biệt vì là trường Quân Y nên các tân khóa sinh được đàn anh gọi là lũ “bào thai” từ lúc vào trường cho đến khi có lễ đặt tên khóa học. Mỗi sinh viên được cấp cho một số thứ tự danh bộ. Số đầu là số của năm, các số sau là số của sinh viên. Khi xướng danh, có thể biết khóa sinh thuộc khóa của năm nào. Sau số năm, các sinh viên có cùng số nhưng ở các khóa khác năm nhau, được xem như thuộc một đại gia đình. Các đàn anh có truyền thống phải lãnh trách nhiệm lo cho các con, cháu, chít... của gia đình. Trong thời gian chưa có lễ đặt tên khóa, các sinh viên mới phải chấp nhận thi hành các chỉ thị của đàn anh. Ðây cũng là một loại thời gian “Huấn nhục” tinh thần, trước khi được chấp thuận gia nhập đại gia đình Quân Y.
Vì đây là lần đầu tiên Trường nhận các sinh viên Việt Nam nên các sinh viên đàn anh đã nương tay không hành hạ các sinh viên Việt như họ đã thường đối đãi với sinh viên Pháp. Chưa hề có sinh viên Việt bị các hình phạt như phải bị cạo trọc đầu hay bị nhốt hằng giờ trong tủ áo... Thường chỉ có các việc như phải đứng nghiêm đọc thực đơn cho đàn anh trước buổi ăn, hoặc những khổ hình như hít đất mới thỉnh thoảng thấy xảy ra.
Kỷ luật quân trường, như phần đông ở các quân trường trên thế giới, rất khắt khe trong các năm đầu để uốn nắn sinh viên vào khuôn khổ. Mỗi sáng trước giờ đi học, phải qua cuộc điểm danh và kiểm soát quân phục. Quần áo lúc nào cũng phải thẳng nếp, áo sơ mi trắng phải giữ cổ nhúng hồ ủi thẳng, giày da đen phải đánh xi bóng loáng.
Triệu đã may mắn hòa đồng với bạn bè và thích ứng dễ dàng với đời sống quân ngũ mà không thấy chút khổ sở. Thật tình nếu so sánh với đời sống trước kia thì nay, Triệu chỉ có việc phải cố gắng học, khỏi còn có những lo âu về ăn mặc, mua sắm. Trường là nơi sinh viên được tuyển chọn qua những kỳ thi tuyển gắt gao nên gồm toàn là thanh niên thông minh và hiếu học. Việc cạnh tranh trong học vấn rất gắt gao mà sức khỏe họ rất dồi dào nên muốn vượt lên họ cũng phải nhiều cố gắng vất vả. Trong các bạn của Triệu có một anh bạn tên Ðăng được cả trường biết tiếng vì ngày này qua ngày khác, sau buổi cơm chiều, trở về phòng là lo ngay việc nấu một son cháo nhỏ trước khi đem tập vở xuống thư viện học cho đến khuya mới trở về phòng ăn cháo trước khi ngủ.
Qua đến mùa xuân của năm học đầu, khóa của Triệu đã được chánh thức đặt tên trong một buổi lễ long trọng với sự hiện diện của Thủ tướng chánh phủ. Ông Thủ tướng vào thời bấy giờ, đặc biệt lại cũng là Thị trưởng của thành phố Bordeaux. Khóa sinh đại diện cho các quân trường lớn như Saint Cyr, Polytechnique, Trường Quân Y nước Bỉ... đã được mời đến tham dự cũng như các quan chức trong vùng và phụ huynh các khóa sinh. Vào buổi tối có mở Dạ hội tổ chức ở nhà hát lớn của thành phố.
Ðây là một cơ hội quan trọng hằng năm của thành phố Bordeaux. Hải cảng này là một trong những hải cảng quan trọng của Pháp bên Ðại Tây dương, có truyền thống lâu đời về giao dịch thương mãi với các xứ Phi Châu. Giới thượng lưu và trung lưu của thành phố phần đông thuộc dòng dõi những nhà tài phiệt lớn của Pháp. Những gia đình thượng lưu này vẫn có thông lệ đưa các thiếu nữ con cháu đến tuổi cập kê đến tham dự dạ hội hằng năm của trường Quân Y để móc nối tìm các chàng rể tương lai. Ðây là cơ hội để các tiểu thư đua nhau trình bày các bộ áo dạ tiệc thời trang, các nghệ thuật trang điểm mới lạ.
Triệu đã thật sự choáng mắt trước cảnh trí hoành tráng, sang trọng của giới thượng lưu của một thành phố lớn, có tiếng là giàu sang của một hải cảng có quá khứ giao dịch với các thuộc địa Phi Châu, xứ Tây Ban Nha và cả Châu Mỹ La Tinh. Các sinh viên quân y, trong tương lai sẽ là các bác sĩ nên đã được các gia đình trong thành phố rất quý trọng. Trong lớp đàn anh của Triệu có một sinh viên sắp ra trường, vốn dòng hoàng tộc nhà Nguyễn, được sinh viên gọi tên là Hoàng thân Vĩnh Chí. Anh đã kết hôn với con gái một gia tộc danh tiếng ở Bordeaux nên toán sinh viên Việt Nam của Triệu nhờ thế đã được ân cần tiếp đãi.
Triệu đã được giới thiệu khiêu vũ với nhiều thiếu nữ duyên dáng, phần đông là các nữ sinh các trường Trung học. Tuổi trẻ là tuổi thích hội họp vui đùa nhất là trong không khí lễ hội lớn nên Triệu đã có dịp lân la góp chuyện từ nhóm này qua nhóm khác. Trong các môn huấn luyện cho sĩ quan tương lai, ngoài chuyên môn y khoa và quân sự, quân trường của Triệu cũng có những giờ dạy về cách sinh sống xã giao ngoài xã hội như ăn mặc, tiệc tùng, âm nhạc, khiêu vũ... nên Triệu đã không gặp khó khăn, bỡ ngỡ để gia nhập vào sinh hoạt đêm dạ vũ. Tuy đã dặn lòng trước là trong buổi tiệc, nên nhân cơ hội làm thân với nhiều người bao nhiêu càng tốt nhưng Triệu cũng đã đặc biệt, nhiều lần riêng mời ra sàn nhảy một nữ sinh tên R. được giới thiệu là học sinh ban Triết sắp tốt nghiệp Trung học trong năm. Triệu đã để ý đến R. vì khi phần đông các thiếu nữ Pháp đều có mái tóc màu nâu hay vàng óng ả, thì R. mặc dầu sắc da rất trắng nhưng mái tóc lại là mái tóc đen huyền như tóc phụ nữ Á Ðông. Ðôi mắt của R. cũng đen và khẽ xếch lên trên như người phương Ðông. Lòng mắt đen, sâu của R. khiến cho chân dung R. có một vẻ huyền bí lạ lùng.
Tên của R. cũng có âm hưởng khác với các tên thông thường của người Pháp. Trong câu chuyện sau đó, Triệu mới biết R. vốn là người gốc Basque, một sắc dân đặc biệt có vị trí giữa hai bên biên giới Pháp-Y pha nho. Phần đông người Basque đều ở về phía bên Y pha nho và trong quá khứ, họ vẫn có những cuộc tranh đấu vận động để có một quy chế biệt lập với xứ Y pha nho. Chuyện vì sao lại có một nhóm dân sắc diện phưởng phất Á đông, với thổ ngữ ná ná như dân các hải đảo Polynesia lại chen sống giữa người Âu, đến nay vẫn còn là một bí hiểm lịch sử.
Khi biết được Triệu là người Việt, R. cho Triệu biết là người Basque vốn có tiếng là những người đầu bếp giỏi danh tiếng ở Âu Mỹ. Họ có một loại rượu khai vị Basque lừng danh tên Yzarra pha chế với thảo mộc vùng Pyrénées. Rượu Yzarra lại là sản phẩm phát minh do một phụ nữ Việt có chồng người Basque. Bà này đã dùng bông hoa, cây trái vùng núi Pyrénées, pha biến giống như toa thuốc gia truyền của bà để chế ra loại rượu mà nhiều người đã ưa thích. Rượu này cuối cùng đã được phổ biến như một đặc sản của vùng đất Basque.
Một tuần sau buổi dạ hội, Triệu đã có được cơ hội gặp lại R. ở một quán ăn. Vì không còn trang điểm phấn son lộng lẫy như trong đêm Ðại lễ, vì thiếu ánh đèn huyền ảo của sàn nhảy, Triệu thất vọng nhận thấy làn da của R. tuy thật trắng nhưng nhìn kỹ sẽ thấy lỗ chỗ rất nhiều chấm nâu, không giống như làn da trắng một màu đã một thuở làm Triệu ngây ngất. Sau nhiều lần gặp gỡ, Triệu mới được biết thêm là sắc dân Basque, phần lớn sống bên kia biên giới Y pha nho, vẫn có truyền thống tranh đấu để có được một thể chế chánh trị tự chủ. Họ không đòi được độc lập nhưng đòi hỏi một quy chế tự trị để bảo tồn nét văn hóa đặc thù của họ. Sự đàn áp chủ trương này dưới thể chế độc tài của Tướng Franco rất quyết liệt nhưng người Basque vẫn duy trì được sự đấu tranh này, trong khi phong trào dân chủ chống Franco đã được coi như đã tan biến sau cuộc nội chiến ở Y pha nho năm 1939. R. tuy còn là một học sinh Trung học nhưng đã tỏ ra vô cùng sôi động khi nhắc đến cuộc tranh đấu không ngừng này của các đồng hương của mình.
Triệu cũng có những tiếp xúc đậm đà với những người tị nạn chánh trị Y pha nho đã phải bỏ nước ra đi sau khi nhà độc tài Franco nắm được chánh quyền ở xứ này. Khi còn ở Việt Nam, Triệu đã từng đọc được nhiều sách vở về cuộc nội chiến Tây Ban Nha và đã có trước cảm tình với những người đã tham dự vào cuộc chiến tranh tuy là nội chiến nhưng đã đánh dấu bước đầu cho cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa độc tài và dân chủ. Tâm hồn Triệu đã bị quyến rũ vào cuộc đấu tranh này sau khi đọc được quyển “Pour qui sonne le glas” (Hồi chuông Báo tử Hồn ai?) của Ernest Hemingway. Triệu đã được cơ hội tiếp xúc thân cận với giới cách mạng lưu vong Tây Ban Nha cũng do một nhân duyên tình cờ.
Ðược tiếp cận với phong trào tân nhạc Việt Nam vào giai đoạn phôi thai khi còn là học sinh ở Trung học Petrus Ký, thời của những bài hát Con Thuyền Không Bến của Ðặng Thế Phong, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Buồn Tàn Thu của Văn Cao... Triệu đã từng say mê tự học trước tiên với đàn mandoline và về sau với đàn guitare. Sinh viên Việt Nam vào thời trước chỉ có được cơ hội dùng các loại đàn ấy mà thôi. Piano hay violon chỉ có con cái các gia đình thượng lưu mới dám nghĩ tới. Guitare được coi như đàn piano của giới người nghèo!
Qua Pháp, một hôm Triệu đi xem phim Les jeux interdits, một phim trắng đen, loại tình cảm đã được diễn xuất với bối cảnh là nhạc đệm guitare réo rắt của một bản dân gian cổ điển. Âm hưởng của dòng nhạc đã ám ảnh Triệu suốt cả tuần. Tình cờ một chiều thứ Bảy, khi đang lang thang ở một con đường nhỏ cạnh hồ tắm của thành phố, Triệu bỗng nghe lại được bản nhạc được độc tấu guitare liên tục từ một căn nhà ngang cửa hồ tắm. Triệu mê mải dựng xe đạp trước nhà tiếp tục lắng nghe bản nhạc được lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi tiếng đàn dứt hẳn. Sau đó, một người đàn ông lớn tuổi, râu tóc bạc phơ đã mở cổng để đưa ra và từ giã một thanh niên mặc quân phục cùng trường với Triệu. Lên tiếng chào người bạn đồng ngũ, Triệu lân la hỏi chuyện mới được biết là Guliani, tên anh bạn này, người gốc dân Corse, đã đến đây từ lâu để học đàn guitare cổ điển với một nhạc sĩ Y Pha Nho đã hồi hưu.
Tuần sau đó, Triệu đã đến xin gặp và đã được người nghệ sĩ chuyên đàn guitare cổ điển tên Pascan này chấp nhận cho theo làm môn sinh. Ông là một người tị nạn chánh trị như phần đông các người gốc Y Pha Nho sinh sống ở miền Nam đất Pháp. Sau khi cuộc nội chiến tranh đấu dân chủ năm 1936 kết thúc và tướng độc tài Franco dành được chánh quyền, họ đã phải vượt biên giới đến tá túc trên đất Pháp. Ông Pascan, một thời đã có chân trong ban nhạc của hí viện thành phố Bordeaux trước khi đến tuổi hồi hưu. Ông sống an nhàn cùng với bà vợ, một phụ nữ lớn tuổi, vốn là một thợ may nên vẫn còn tiếp nhận may, sửa áo quần cho những người quanh vùng. Cũng giống như các ông thầy đồ nghiêm khắc Á Ðông, ông Pascan rất khắt khe trong việc giảng dạy, chú trọng từ cách ngồi, cách cầm đàn, cách bấm phím, cách gẩy đàn... Ông rất quý ba cây đàn guitare hiệu Ramirez của ông nên mặc dầu đàn đã từ bao nhiêu năm tháng phải qua tay bao nhiêu học trò nhưng trông vẫn còn như mới! Ông chỉ dẫn cho học sinh biết nhận thức giá trị của loại cây đã được nhà làm đàn danh tiếng Ramirez ở Madrid đã tuyển lựa được từ bao nhiêu thập niên trước. Các sớ gỗ khít khao chứng tỏ là gỗ đã được chọn từ trong lỏi và đã được người làm đàn lưu giữ riêng biệt. Vì phải được sản xuất từ loại gỗ quý này nên mỗi năm, nhà làm đàn Ramirez thông thường chỉ làm hơn hai trăm cây theo đơn đặt hàng mà thôi. Học sinh mỗi lần cầm đàn đều phải nhớ để một tấm khăn nhung che sau lưng đàn để tránh các nút áo hay giây thắt lưng không cạ trầy lưng đàn; các ngón tay phải khi khảy đàn lúc nào cũng chú trọng không được đụng lên mặt đàn để tránh làm trầy, ngay cả những khi phải gẩy mạnh tay các khúc nhạc flamenco. Nhờ có được nhiều dịp tiếp chuyện thân mật nhiều năm với ông bà Pascan, Triệu lần lần biết rõ và thông cảm với hơn tình huống của những người tị nạn Y Pha Nho. Họ đã phải từ bỏ xóm làng quê hương thân thương để cam nhận đến tị nạn chánh trị ở một quốc gia khác.
Sinh Tồn chuyển