Có lẽ do tình thầy trò sắp chia tay nhau nên khi thoáng trông thấy Khương là bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện ra làm tôi cảm động, nhớ về những gian nan từng trải qua cùng anh em. Có những lần tiểu đoàn đụng nặng, cả trung đội Quân Y phải thức suốt đêm để cứu chữa thương binh, thầy trò chúng tôi tận dụng tất cả những gì đã học hỏi được để cấp cứu, cố mang họ ra khỏi bàn tay của tử thần rồi sáng sớm hôm sau chúng tôi bồn chồn lo lắng chờ đợi trực thăng tải thương đến. Có lần Khương đã nhanh tay giúp tôi cứu một thương binh mà tôi không bao giờ quên:
“Anh TQLC phía trước, cách tôi chừng 15m, bị trúng đạn đang lăn lộn, tôi ngập ngừng bò về phía nạn nhân thì nhiều tiếng súng tiếp theo khiến tôi điếng hồn toát mồ hôi toan quay trở lại, thì hai ba TQLC khác từ phía sau bò vượt qua tôi, họ loay hoay chưa biết làm gì để cứu đồng đội bị thương. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì sự nhút nhát của mình nên quyết định tiếp tục bò nhanh đến bên các anh. Anh thương binh đang thở đứt quãng, máu miệng và mũi đang phun ra kèm theo vài cái răng. Viên đạn trúng má phải xuyên qua má trái, máu chảy vào trong miệng khiến anh không thở được, tôi biết phải làm gì thật nhanh để cứu sống anh, tôi với tay lên túi cứu thương đang đeo trên vai để lấy dao mổ thì ..thất kinh, túi cứu thương đã bị bắn nát! Đang bối rối thì một bàn tay vỗ vai, tôi quay đầu lại thì y tá Khương đưa ra
con dao mổ, tôi vội giật con dao trong tay Khương và nói nhanh: “ống thở”. Tay tôi sờ cổ nạn nhân để tìm vị trí mổ, khi dao mổ vừa rút ra khỏi cổ anh lính thì Khương nhét ngay cái ống thở vào vết mổ, cả tôi và Khương cùng mừng nhìn sắc mặt người thương binh đang đổi từ tím sang hồng”.
Tiếng hô “NGHIÊM” của Trung Sĩ Khương làm tôi trở về hiện tại, tôi cho anh em thao diễn nghỉ, tôi đã định nói thật nhiều về trách nhiệm và bổn phận của người y tá ngoài mặt trận, nhưng khi nhìn những khuôn mặt rắn rỏi thân yêu, những cánh tay lực lưỡng xâm hai chữ “Sát Cộng”, lòng tôi bỗng bùi ngùi xúc động. Đã hai năm rồi chúng tôi chia ngọt xẻ bùi cùng cay đắng với nhau, nay là lúc tôi ra đi để nhường chỗ cho người y sỹ khác, sự chia tay này không dễ dàng như tôi tưởng. Tôi nghẹn ngào căn dặn anh em như một người anh cả trong gia đình:
_ “Bây giờ tình thế rất nghiêm trọng, Cộng quân có thể mở những trận đánh quyết định bất cứ lúc nào, tôi mong anh em đoàn kết bảo vệ lẫn nhau và giúp đỡ BS Thi hoàn thành nhiệm vụ”.
Sau khi bắt tay và an ủi từng người đệ tử cũ và chào ông bác sĩ mới, tôi lên ban 3 tiểu đoàn để chào từ giã các sĩ quan tham mưu và gọi máy C25 để từ biệt bốn ông đại đội trưởng. Lại một màn giã từ đầy cảm
động, tôi đã sống với TĐ.9/TQLC ngót hai năm, tình chiến hữu đã đổi thành tình huynh đệ, tôi không muốn rời khỏi tiểu đoàn trong tình thế nóng bỏng này. Bỗng một quyết định đến với tôi mà cho đến giờ phút này tôi cũng không biết đúng hay sai, lý doTĐ.9/TQLC bấy giờ đang trực thuộc LĐ.258/TQLC đóng tại Mỹ Thủy, Quảng Trị, nếu tôi về Đại Đội Quân Y/LĐ258 thì tôi vẫn có thể săn sóc thương binh của TĐ.9 khi trận chiến xảy ra, tôi liền mượn máy Tiểu Đoàn 9 gọi cho Tiểu Đoàn Quân Y của SĐ/TQLC tại Hương Điền để trình bày quyết định này.
May thay TĐT Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế hiểu được nhu cầu cần thiết trên tuyến đầu nên chấp thuận tăng phái tôi cho Đ QY/LĐ 258 trong vòng hai tuần lễ.Con đường từ bãi biển Gia Đẳng đến bãi biển Mỹ Thủy là một chi nhánh của Hương Lộ 555, đây là một HL tuyệt đẹp, một bên là cát trắng biển xanh bao la, một bên là những đồi dương liễu nên thơ, và hương lộ này cũng đã đi vào văn học lịch sử thế giới bởi nhà văn thân Cộng người Pháp quốc tịch Mỹ tên Bernard Fall.
Năm 1953 Bernard Fall đã đi theo đoàn quân viễn chinh Pháp hành quân trên HL.555 và đã chứng kiến đoàn quân này bị Trung Đoàn 95 Việt Minh đánh bại. Về nước, Bernard viết cuốn sách “Street Without Joy” trong đó anh ta đã thần thánh hóa TĐ.95/VM, đây là một cuốn sách rất nổi tiếng, được dịch ra nhiếu thứ tiếng và đã biến Bernard thành một đại văn hào.
Năm 1966, Bernard Fall trở lại Việt Nam để đi theo cuộc hành quân của TĐ.1 và TĐ.2/TQLC, đổ bộ tại Gia Đẳng, tiến quân đọc theo HL.555 lên phía Bắc, dồn Trung Đoàn 95 VC (Tr.Đoàn 95 VM dưới thời VNCH được gọi là Tr.đoàn 95 VC) tới bờ sông Vĩnh Định, Bích La Thôn và tiêu diệt trung đoàn này dưới con mắt đau buồn của Bernard. Sau khi chứng kiến TrĐ.95VC bị hai Tiểu Đoàn 1&2/TQLC dìm xuống lòng sông Vĩnh Định, Bernard Fall đã đi theo quân đội Mỹ hành quân trên HL555, nhưng quân đội Mỹ đã không bảo vệ anh như TQLC/VN mà anh ta đã không tiếc lời nguyền rủa và rồi Bernard đã đạp phải mìn bẫy của TRĐ. 95/VC còn sót lại và chết trên “Street Without Joy” của anh ta!
Nói đến HL555 mà không nói về Bích La Thôn thì quả là một sự thiếu sót, đây là một thôn làng xinh đẹp nằm bên bờ ngã ba sông Vĩnh Định, một con sông đẹp không kém gì sông Hương, nơi đây có một chiếc cầu thơ mộng mà dân địa phương gọi là cầu Ba-Bến. Tục truyền rằng cách nay hơn 200 năm, có một vị chúa Nguyễn đầy lòng nhân từ, trước khi qua đời ông đã ra lệnh thả tất cả các cung nữ của ông về Bích La Thôn để họ làm lại cuộc đời, không biết vì ảnh hưởng di truyền hay vì phong thủy hữu tình mà những người con gái của Bích La Thôn đều có một sắc đẹp lạ lùng, khác hẳn với các giai nhân những vùng khác của đất nước, ở đây họ sống mộc mạc nhưng vẫn giữ những tập tục của Hoàng Cung Huế. Bởi vậy tại miền Trung có câu tục ngữ: “Cau Vỹ Dạ, gái Bích La”. Đang mải nghĩ về anh văn sĩ người Pháp ngây thơ và lãng mạng, về những người đẹp Bích La Thôn thì xe đã đến Mỹ Thủy và rẽ vào BCH/LĐ.258/TQLC.Mỹ Thủy, Quảng Trị .. Ngày 08/3/1975 đến 18/3/1975.
Đèo Phước Tường, Huế .. Ngày 18/3/1975 đến 25/3/1975.
Đại đội QY/LĐ.258/TQLC có 3 y sĩ, ông ĐT là một người sống khắc khổ và chịu đựng, hai người y sĩ phụ tá là BS Nhi, anh là y sĩ bệnh viện Lê Hữu Sanh, vì phạm kỷ luật nên bị đày ra LĐ 258, sau 30/4/75 anh được giữ chức vụ quan trọng trong ngành y tế tại Saigon, vì anh có thân nhân làm lớn trong MTGPMN. Người kia là BS Duy, anh là ngôi sao đang lên của Quân Y TQLC, khi còn lội theo tiểu đoàn anh đã được gắn ADBT và được báo Sóng Thần của SĐ/TQLC khen, nhưng không ngờ anh lại là một tên tình báo của VC, và gần đây anh đã giải ngũ với cấp bậc trung tá tình báo CSBV. Vì đại đội quân y đã đủ y sĩ nên tôi chỉ làm những công việc lặt vặt coi như để chờ ..!
Ngày 11/3/1975, đài BBC loan tin Ban-Mê-Thuột bị thất thủ, tôi vội
lên Ban Ba Lữ Đoàn để biết thêm tin tức thì gặp Trung Tá Huỳnh Văn Lượm,
một vi. TĐT cũ của tôi và lúc này tôi mới biết ông đang là LĐP/LĐ.258,
(LĐTr. là Đại Tá Nguyễn Năng Bảo), chúng tôi vui mừng chào hỏi nhau rồi
anh Lượm mời tôi ăn cơm tối cùng với Đại Úy Quận Ban 2 LĐ. Trong bữa cơm
anh buồn bực nói:
_ “Cái “chiến lược” đem lực lượng tổng trừ bị căng ra để giữ đất không
khá được, trong khi VC chúng tụ quân đánh ta chỗ này chỗ khác. Đất mất
mà quân còn thì ta chiếm lại mấy hồi, còn quân mất thì làm sao giữ
đất?”.
Tôi hỏi ông liệu có một trận đánh quyết định tại QKI thì ông trầm ngâm:
_ “Quân CSBV bây giờ không mạnh bằng năm 1972, vì những quân tinh nhuệ
của chúng đã bị ta giết gần hết rồi, bây giờ chúng thay thế bằng đám
thanh niên mới thiếu kinh nghiệm tác chiến, chúng biết QĐ.I/QKI có 4 sư
đoàn thiện chiến, vũ khí đạn được tích trữ đầy đủ, dù có đánh nhau một
hai năm cũng chưa hết, vì thế chúng sẽ không mở một trận đánh quyết định
tại QKI mà chỉ bám sát, đợi lúc ta rút quân có sơ hở thì mới đánh”.
Sự tiên đoán của Trung Tá Lữ Đoàn Phó LĐ.258/TQLC khá chính xác, vì cho
tới ngày 29/3/1973 khi QĐ.I rút khỏi Đà Nẵng, đã không có một trận đánh
lớn nào xẩy ra.
Ngày 16/3/1975 Lữ Đoàn 369/TQLC, trong đó có TĐ.9 rời Quảng Trị di
chuyển về Đại Lộc, Thượng Đức để thay thế LĐ.3 Nhẩy Dù. Tôi chưa kịp xin
đổi về TĐQY thì ngày 18/3/1975, LĐ.258/TQLC cũng được lệnh di chuyển từ
Mỹ Thủy đến đèo Phước Tường để thay thế cho LĐ.2 ND, thế là tôi có mặt
trên đèo và đã nghe đã thấy tất cả những gì xẩy ra sau đó trên QL1, vì
đèo Phước Tường nằm trên QL1, phía Nam Huế và phía Bắc đèo Hải Vân.
Theo lệnh hành quân thì LĐ.258/TQLC có nhiệm vụ:
1. Bảo vệ trục giao thông trên QL1 để LĐ.147/TQLC, SĐ.1/BB, LĐ.14BĐQ,
Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, các TĐ Pháo Binh và các đơn vị khác của QĐ.I Tiền
Phương đang chiến đấu tại Quảng Trị, Huế rút về Đà Nẵng.
2. Làm lực lượng ngăn cản các đơn vị truy kích của CSBV sau khi các đơn vị kể trên rút an toàn về Đà Nẵng.
3. Cùng bảo vê. QL1 từ Huế đến đèo Hải Vân còn có Liên Đoàn 15/BĐQ từ
phái Bắc đèo Phước Tường đến phía Nam Huế và LĐ 468/TQLC từ phía Nam
sông Truồi đến đèo Hải Vân.
Từ ngày 19/3/1975 đến ngày 23/3/1975, dân chúng Quảng Trị, Huế đổ về
Đà Nẵng, họ dùng đủ mọi phương tiện, từ xe hơi, xe ba bánh, xe đạp và cả
đi bộ nữa, dòng người kinh hoàng sơ. VC đã chen chúc nhau trên QL1 ngày
cũng như đêm, nhiều người quá mệt mỏi ngã gục trên đường liền bị xe sau
cán qua! QĐ.I đã không làm bất cứ một cái gì để giúp đỡ họ, chẳng thấy
một ông lớn nào lên đài phát thanh hay bay trên trời để hướng dẫn hoặc
trấn an dân chúng! Dân đi thì đặc công, du kích VC cũng giả dạng tỵ nạn
đi theo, không thấy QĐ.I có biện pháp nào để thanh lọc chúng. Tôi tự hỏi
đã có bao nhiêu tiểu đoàn đặc công VC lọt vào Đà Nẵng một cách hợp pháp
?
Ngày 23/3/75, dòng người tỵ nạn đột nhiên chấm dứt, một số người bị
thương vì đạn AK của VC được mang đến cho chúng tôi điều trị. Theo lời
kể lại của các nạn nhân thì một toán VC đã lập một cái chốt gần cầu
Nong, xả súng bắn vào đoàn người di tản để ngăn chặn lưu thông trên đoạn
đường này.
Tối 23/3/75, đài phát thanh VC loan báo chúng đã “diệt gọn” LĐ.258 và
LĐ15 BDQ và chúng đang kiểm soát QL1 từ đèo Phước Tường cho đến Huế (?)
Sáng ngày 24/3/75, tôi đi theo xe cứu thương để cấp cứu một anh Tr/Sĩ BĐQ, anh bị trúng đạn vào vai phải, gặp tôi anh nói:
_ “Thiệt tức muốn chết được ông thầy, tôi canh me tụi nó từ chiều hôm
qua, ai ngờ nó làm tôi trước, vì nó có súng gắn ống nhắm, nếu tôi có cây
75 ly thì hốt trọn ổ tụi nó rồi”.
Tôi an ủi rồi băng bó cho anh thương binh xong rồi sai y tá đưa anh về
đèo Phước Tường để khâu lại vết thương. Anh Tr/Uy BĐQ có vẻ lo lắng cho
đệ tử nhưng tôi bảo anh an tâm, vì vết thương của tr/sĩ không nguy hiểm,
nhân tiện tôi hỏi anh về tình hình tại cầu Nong thì anh cho biết:
_ “Vẫn yên tĩnh, ngoại trừ cái chốt bắn sẻ cản trở lưu thông, chặn đồng
bào di tản, tôi đang chờ trung đội súng nặng đến tăng cường để dẹp cái
chốt này.”
Đoạn QL1 từ cầu Nong đến chân đèo Hải Vân là con đường huyết mạch và
duy nhất để tiếp tế tiếp viện và rút quân cho các đơn vị phía Bắc, mất
đoạn đường này có nghĩa là các đơn vị đang chiến đấu tại Quảng Trị và
Huế sẽ bị cô lập. Tối hôm trước, 23/3/75 VC đã loan tin láo khoét là
chiếm được đoạn đường này với mục đích làm hoang mang tinh thần chiến
đấu của các đơn vị này, vậy mà QĐ.I đã không cải chính để trấn an tinh
thần binh sĩ!
Từ ngày 19/3/75, quân CSBV đã bám sát LĐ.258, tiền sát viên của chúng
trà trộn vào dân tỵ nạn đến gần quân ta nên chúng điều chỉnh pháo binh
rất chính xác, đã có vài trái 130 ly rơi vào sân trực thăng phía sau
Đ/QY. Lữ đoàn cho mở những cuộc hành quân đẩy lui địch về phía Tây cách
QL1 ba, bốn km. Đ/QY Lữ Đoàn dựng một cái lều lớn trên bãi trực thăng để
làm trạm cứu thương, tôi được chỉ định làm việc tại đây. Trưa ngày
24/3/75, địch bắt đầu pháo nhiều hơn, chúng pháo từ hai ba vị trí khác
nhau ở phía Tây, đạn rơi chung quanh vị trí Lữ Đoàn rồi kéo từ từ lại
gần, cường độ khoảng ba bốn trái một phút. Chiều 24/3/75 tôi nghe nhiều
tiếng súng lớn nhỏ từ phía cầu Nong dội về, tôi biết BĐQ đang tấn công
nhổ cái chốt bắn sẻ. Một lúc sau y tá mang về cho tôi 2 thương binh BĐQ,
cả 2 anh đều bị bắn
bên vai phải (có lẽ tên bắn sẻ là tay mơ, quên điều chỉ nh độ dạt của
khẩu súng nên hắn nhắm đầu mà cả 3 nạn nhân lại bị trúng vai phải) và
các anh cho biết tên bắn sẻ đã bị hạ, bọn còn lại bỏ chạy vào rừng phía
Tây, BĐQ đã nhổ xong cái chốt trên cầu Nong, địch không còn, như vậy QL1
đã an toàn trở lại từ chiều ngày 24/3/75.
Khoảng 6 giờ chiều ngày 24/3/75, thương binh từ mọi nơi được mang về
trạm cứu thương Lữ Đoàn càng lúc càng nhiều. Có đủ loại thương tích,
những vết thương nhẹ thì lấy miểng đạn ra rồi khâu vá tại chỗ, nặng thì
phải làm những phẫu thuật cấp cứu đặc biệt. Có nhiều vết thương đứt động
mạch, khi mở băng ra thì máu phun có vòi lên mặt chúng tôi, nhưng đó là
chuyện nhỏ, chúng tôi phải cột động mạch và tĩnh mạch thật nhanh, nếu
chậm trễ thì thương binh mất nhiều máu nguy hiểm.
Vì lều cứu thương ở trên một vị trí trống trải lại không có bao cát che
chắn xung quanh nên tôi đành cho đặt cáng thương binh dưới đất và chúng
tôi cấp cứu họ trong tư thế ngồi.
Khi màn đêm xuống, vì tránh để lộ vị trí nên chúng tôi phải làm việc
trong ánh đèn bấm để chích thuốc, truyền nước biển, khâu vá vết thương,
điền phiếu tản thương cho gần 50 thương binh gồm TQLC và BĐQ. Khoảng 8
giờ tối, địch bắt đầu tấn công bằng bộ binh vào vòng đai phòng thủ của
LĐ, từng tràng M16 xen với tiếng AK47, tiếng lựu đạn, B40, M72, tiếng
súng cối, pháo binh đi và đến tạo nên một điệp khúc của tử thần, vài
trái 130 ly chạm nổ rơi ngay sân trực thăng, cách lều cứu thương hơn hai
chục thước, miểng đạn xuyên qua vải lều, bay trên đầu chúng tôi, cũng
may là chúng tôi ngồi làm việc nên không ai bị thương.
Lúc 2 giờ sáng 25/3/1975, tôi nhận được một thương binh là thiếu úy TQLC
khá lì, anh bị bắn vào vai trái, sau khi y tá lau sạch, tôi chích thuốc
tê vào xung quanh vết thương rồi dùng kim chọc vào theo chiều sâu vết
thương, tôi định được vị trí của miểng đạn, vì biết chung quanh miểng
đạn không có mạch máu và dây thần kinh nào quan trọng nên tôi dùng kẹp
mổ thọc vào vết thương để kẹp lấy mảnh đạn, với sự giúp đỡ của y tá, tôi
dùng dao mổ cắt những sợi thịt vướng vào cạnh của miểng đạn rồi lựa thế
kéo nó ra. Mảnh đạn lớn hơn đốt ngón tay, tôi gói cẩn thận tặng lại anh
để sau này “thiếu úy tặng cho người yêu” (lưu ý: đây chỉ là một lối mổ
dã chiến ngoài mặt trận, các bạn sinh viên y khoa nếu có đọc đoạn này
xin đừng làm như tôi).
Khi tôi khâu lại vết mổ cho thiếu úy vừa xong, anh ta không tỏ ra đau đớn hay mệt nhọc gì mà hỏi ngay:
_ “Bác sĩ cho tôi trở lại đơn vị được chưa?”
_ “Cần phải dưỡng thương cho vết mổ kín miệng, ông về đơn vị rồi nhiễm
trùng, xưng mủ, đứt chỉ khâu lúc đó ông quay trở lại càng vất vả cho
chúng tôi thêm. Nhưng sao thiếu úy lại mong trở lại chiến đấu ngay vậy?”
Anh vui miệng kể cho tôi nghe chi tiết của trận đánh rồi kết luận:
_ “Quân chính quy CSBV bây giờ không thiện chiến như năm 1972, bọn này
ngờ nghệch chỉ biết dàn hàng ngang xông tớ’i như lũ say thuốc nên lính
mình quạt chúng thật đã tay, khi thấy vài đồng bọn ngã xuống là chúng đi
thụt lùi. Những dịp này mà không có mặt ở đơn vị để đòi nợ chúng thì
thật uổng”.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 25/3/75, địch quân bị đẩy lui và bỏ chạy về phía
Tây QL1, pháo binh địch ngưng bắn, nhưng pháo ta vẫn bắn truy đuổi.
Khoảng 4 giờ sáng 25/3/1975, Tr/ Tá Lượm đến thăm trạm cứu thương, ông
hài lòng khi thấy tất cả thương binh đều đã được cứu chữa và ở trong
tình trạng ổn định để sẵn sàng tản thương, sau đó ông kéo rôi ra khỏi
lều cứu thương và nói nhỏ:
_ “Mình sẽ bỏ nơi đây để rút về Đà Nẵng trong vòng một giờ nữa”!
Tôi kinh ngạc hỏi:
_ “Lệnh của ai vậy thưa trung tá?”.
Ông nói:
_ “Đích thân Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh và ông cho lệnh Thiếu Tướng
Bùi Thế Lân phải thi hành vì TQLC mình đang tăng phái cho QĐ.I”.
Tôi thắc mắc:
_ “Vậy thì số phận Lữ Đoàn 147/TQLC và các đơn vị ở phía Bắc sẽ ra sao một khi mình bỏ vị trí trọng yếu này?”.
Trung Tá Lượm thở dài như không muốn nghe tôi hỏi, rồi ông buồn rầu nói:
_ “Giờ này tôi không thể cho anh biết được, tôi đâu muốn bỏ chỗ này,
mình dư sức giữ nó thêm vài tuần nữa mà, nhưng lệnh QĐ thì mình phải thi
hành”.
Chợt thấy bác sĩ Duy bước ra khỏi hầm trú ẩn, Tr/Tá Lượm nói:
_ “Đại Úy Quận Ban 2 LĐ vừa cho tôi biết vài điều về ông BS mới, những điều tôi vừa nói với BS, chỉ một mình BS biết thôi”.
Thấy ông gọi tôi bằng BS nên tôi biết đây là chuyện hệ trọng nên vội đáp:
_ “Tôi hiểu ý Trung Tá”.
Tôi đau đớn suy nghĩ, anh em chúng tôi đã đổ xương máu để giữ cứ điểm
này, chúng tôi đang chiến thắng, xác địch quân vẫn chưa lạnh, tiếng súng
truy đuổi địch vẫn đang nổ ròn rã, chúng tôi chưa kịp thưởng thức vị
ngọt chiến thắng thì đã bị nếm vị cay chua của chiến bại! Bất giác tôi
cảm thấy cay mắt, và vì không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt cấp chỉ huy,
tôi vội đưa tay chào Trung Tá Lượm, ông bắt tay tôi thật lâu và thật
chặt, đôi mắt ông thật buồn và long lanh ngấn lệ dưới ánh sáng hỏa châu,
ông cúi đầu đi chậm chạp về phía BCH/Lữ Đoàn.
Thật không ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp ông, sau 30/4/75 ông đi tù và đã bi. CS sát hại bằng cách đẩy ông vào chảo nước sôi, vì ông đã ví chúng như những cái máy phát thanh, vắn nút “on” lên thì đứa nào cũng nói một giọng điệu. Xin vĩnh biệt Tr/Tá Huỳnh Văn Lượm, vi. TĐT giầu kinh nghiệm và tài giỏi của tôi.
Tôi trở lại trạm cứu thương, phân loại thương binh và phân chia nhiệm vụ cho các y tá, sau đó trở về hầm trú ẩn và tôi mới thấy mệt mỏi, căng thẳng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi thức trắng đêm để cứu chữa thương binh, lúc còn lội theo TĐ.9/TQLC, tôi đã làm việc này nhiều lần, nhưng là làm việc trong công sự chắc chắn, được đệ tử bảo vệ và tiếp sức bằng những ca café sữa nóng, điếu thuốc thơm và sau trận đánh, khi thương binh đã được tản thương, thầy trò tôi cùng các sĩ quan tham mưu tiểu đoàn quây quân bên ấm trà điếu thuốc, luận bàn về những kinh nghiệm. Nghĩ lại trận đánh vừa qua, có lẽ thương binh, các y tá và tôi là những người phơi mình dưới pháo địch, không hầm trú ẩn, không bao cát bảo vệ, cũng may là tất cả chúng tôi được bình yên. Tôi tự nhủ nếu sau này tôi làm cấp chỉ huy thì sẽ không bao giờ phạm vào những thiếu sót này.
Trong hơn một tuần lễ có mặt tại Phước Tường, tôi có cảm tưởng như QĐ.I đã quên chúng tôi! Từ việc QĐ đã bỏ rơi đám người di tản, không lập các trạm y tế và an ninh trên QL1 để giúp đỡ những người kiệt sức và thanh lọc những toán đặc công VC, không cải chính tin vịt do VC tung ra để trấn an binh sĩ, không có một ông lớn nào tới thị sát chiến trường, không có một máy bay nào bay trên vùng trời này và nay ra lệnh bỏ đoạn đường này, khúc xương cổ của QĐ.1, đây có phải là một bản án tử hình cho QĐI.Tiền Phương ?
Sáng 25/3/1975 lúc 5 giờ, bác sĩ đại đội trưởng ĐQY đi họp về và
chính thức thông báo lệnh bỏ Phước Tường, tôi được chỉ định đi bộ với
một thành phần của BCH/LĐ, BS ĐT và BS Duy thì đi bằng GMC cùng với
thương binh, còn bác sĩ Nhi thì đã rời Lữ Đoàn từ hồi nào không ai biết!
Tôi chạy về hầm trú ẩn, ăn vội mấy muỗng cơm gạo sấy còn lại từ hôm
trước, đổ đầy hai bi-đông nước, đeo dây ba chạc, kiểm soát lại khẩu súng
ngắn, nạp một viên vào nòng rồi khóa an toàn, ba-lô, nón sắt, áo giáp,
túi cứu thương, tôi xuống đồi và sát nhập vào toán TQLC đang di chuyển
trên QL1. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, hôm nay là lần cuồi
cùng nhưng lại là lần đầu tiên tôi đi bộ trên đó, thật là một kỷ niệm
khó quên.
Qua khỏi đỉnh đèo thì một cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt tôi: nền trời xanh nhạt điểm thêm mấy sợi mây trắng hồng của buổi bình minh, hai ngọn đồi Bạch Mã màu xanh đậm sừng sững phía Tây QL1. Dưới chân đồi, uốn éo giữa những mảng ruộng màu xanh lá mạ trải dài tới tận chân trời là sông Truồi. Sông Truồi nhận phụ lưu của sông Đá Bạc, nước chẩy đôi dòng phản chiếu ánh bình minh như môt dải lụa trắng. Phía Đông QL1 biển xanh bát ngát, sóng gọi rì rào, lác đác dưới chân đèo một vài thôn xóm vẫn còn ngủ say bên lũy tre xanh. Trong cái yên lặng của buổi chớm bình minh, một vài tiếng gà gáy sáng vọng về. Với phong thủy như vậy chẳng trách miền Trung có nhiều nhân tài, thiên thần cũng lắm mà ác quỷ cũng nhiều và những giai nhân tuyệt sắc làm nghiêng thành đổ nước.
Đại đội bảo vê. BCH/LĐ dàn đội hình tác chiến, tiền vệ hậu vệ và nhất là hai cánh phải trái đi sâu vào hai bên đường, những sĩ quan tham mưu và binh lính LĐ đi ở giữa. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến cầu Truồi, cây cầu xinh đẹp này đã bị đơn vị canh giữ phá hủy sáng nay khiến gây trở ngại không ít cho những toán quân đi sau.
Tôi lội qua sông Truồi, nước chỉ đến đầu gối và trong như lọc, qua
khỏi cầu Truồi chừng vài km, tôi gặp Thiếu Tá Trần Quang Duật,
TĐP/TĐ.16/TQLC, anh đang ngồi trên mũi xe jeep, để đầu trần, nón sắt bên
hông, tay cầm bản đồ, tay kia cầm ống liên hợp máy C25, đang liên lạc
với ai đó ở xa . Khi cuộc điện đàm đã xong, vì là bạn cùng lớp thời
trung học Chu Văn An nên tôi đến bên Duật hỏi:
_ “Duật, mày làm gì ở đây mà để đầu trần không sợ bể “gáo dừa” sao?”
_ “Tao đang chờ tụi mày”.
Rồi anh chỉ tay về phía rừng dưới chân đồi Bạch Mã nói tiếp:
_ “Cho ăn kẹo tụi nó cũng không dám bắn, lính cánh B* của tao đang phục ở
trong đó, cũng mong tụi nó xuất hiện để hốt gọn, nhưng hình như tụi
“con nít” này cố tránh TQLC mà chỉ bám theo đuôi, nhiều lúc tức thấy
mẹ”. (* mỗi TĐ TQLC có quân số từ 700-1000 và thường chia làm 2 cánh khi
đi hành quân, cánh A theo TĐT, cánh B đi theo TĐP)
Duật móc bao thuốc Capstan đầu lọc đưa tôi một diếu, hai đứa hút
thuốc, nhả khói gói bay về hướng Bắc, chúng tôi nhìn theo, bất giác tôi
hỏi Duật:
_ “Mày nghĩ Lữ Đoàn 147/TQLC rồi sẽ ra sao, lui về bằng đường nào?”
Duật cười nhạt:
_ “Tao làm sao biết được mưu cao của mấy ông tướng trong QĐ, nhưng tao
nghĩ LĐ.147 sẽ gặp ngàn vạn khó khăn, nếu không có KQ, HQ và PB yểm trợ
thì sẽ có thể từ chết tới bị thương”!
Tôi chán nản vứt thuốc đang hút dở xuống, lấy gót bốt-đờ-sô di di, nói:
_ “Thôi tao đi, mày ở lại, cẩn thận”.
Nhưng rồi Duật gọi giật tôi lại như muốn nói thêm điều gì, tay đưa khăn:
_ “Trông mày như thương binh, lau những vết máu trên mặt và cổ đi”
_ “Máu thương binh tao không muốn lau, đang đánh mà bắt phải lui thì tao sợ còn phải lau nước mắt nữa kìa”.
Khoảng 6 giờ chiều 25/3/1975, chúng tôi đến chân đèo Hải Vân, đây là
điểm hẹn của LĐ.258 và lúc này tôi cũng được biết LĐ.15BĐQ ở phía Bắc
đèo Phước Tường cũng đã rút quân an toàn phía sau chúng tôi. Vì còn phải
chờ những toán quân sau nên tôi vào quán nước bên đường gọi một xị rượu
đế để giải sầu, trong lúc đang uống, tôi chợt thấy một thương binh TQLC
chống nạng đứng cô đơn bên kia đường, tôi nghĩ đến Tùng Thiện Vương
Miên Thẩm, một thi sĩ nổi danh đời nhà Nguyễn và là chú của vua Tự Đức,
khoảng 150 năm về trước, ông đã có mặt tại nơi đây và nhìn thấy một
người lính của cu. Nguyễn Tri Phương bị thương khi đánh nhau với quân
Pháp tại Đà Nẵng, đang chống gậy khấp khểnh vượt đèo Hải Vân để về Huế,
ông đã xuất khẩu làm một bài thơ tuyệt tác để lại cho hậu thế:
Tàn Tốt:
Loạn thi tùng ý bạt thân hoàn.
Nhất lĩnh đơn y chiếu huyết ban.
Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm.
Tự ngôn sinh nhập Hải Vân Quan.
Tạm dịch:
Tàn Binh:
Lê chiếc thân tàn vượt đèo cao.
Một mảnh chiến y thắm máu đào.
Chống gậy cô đơn bên quán núi.
Thầm hẹn ngày về Hải Vân Quan.
Tôi mời anh thương binh bên kia đường vào quán, khi anh ngồi vào bàn
cùng uống rượu với tôi thì mới biết anh thuộc TĐ.1/TQLC và là một trong
những thương binh tôi cấp cứu tối hôm quạ
Khoảng 7 giờ tối 25/3, quân số Lữ Đoàn đã tập trung đầy đủ, tôi được chỉ
định mang các thương binh về Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng. Thương binh
được chở trên 2 chiếc GMC, có một trung đội TQLC đi theo bảo vệ, một
điều ngạc nhiên là anh trung đội trưởng lại chính là thiếu úy bị thương
mà tôi mới mổ lấy đạn ra lúc 2 giờ sáng hôm nay (25/3). Tôi thắc mắc về
sự lì này thì anh đáp:
_ “Nhằm gì vết mổ đó BS, tôi bị thương tay trái còn tay phải vẫn bắn được mà”.
Tôi biết anh bị thương khá nặng cần phải tĩnh dưỡng hơn tuần lễ nên ngay
sau khi mổ xong anh đòi trở lại đơn vị nhưng tôi đã không cho, nào ngờ
anh cãi lệnh bác sĩ điều trị và chuồn về đơn vị để tiếp tục chiến đấu.
Xin khâm phục tinh thần chiến đấu của anh em TQLC.
Tôi thầm nghĩ Trung Tá Huỳnh Văn Lượm đã quá cẩn thận khi cho cả một
trung đội bảo vệ thương binh và tôi, nhưng tôi đã lầm, khi gần đến thành
phố, tôi đã thấy khói lửa bốc lên. Khi vào trong thành phố thì cảnh
tượng tết Mậu Thân tái xuất hiện trước mắt tôi, nhà cháy, xe dân sự
cháy, xe nhà binh cháy, thỉnh thoảng những tiếng nổ lớn phát ra từ những
đám cháy làm ngọn lửa phụt lên cao.
Dưới lòng đường, trên hè phố, từng toán năm bẩy tên, đủ mọi sắc phục,
cầm súng hướng lên trời bắn những loạt đạn vu vợ Trong ánh lửa tôi nhìn
thấy những cái nhìn căm thù trong mắt chúng, những cặp mắt quen thuộc
của bọn đặc công hay du kích khi trước bị chúng tôi tóm cổ trói lại, nay
chúng chưa bắn chúng tôi vì chúng biết chắc chắn sẽ gục ngay bởi trung
đội TQLC hộ tống. Cám ơn đại bàng Huỳnh Văn Lượm đã biết lo xa cho sinh
mạng của thuộc cấp.
Thành phố này đang chết! Không bóng người dân, không cảnh sát, không
quân cảnh, giờ này họ ở đâu? Đi thêm vài cây số nữa, một cảnh thương tâm
hiện ra, những người dân tỵ nạn Trị-Thiên nheo nhóc nằm ngồi đầy hai
bên đường, không chăn, không chiếu, chỉ còn những cặp mắt đã cạn khô
nước dương lên nhìn chúng tôi!
Năm 1972, mùa Hè Đỏ Lửa tôi đã có mặt tại QKI, trong Liên Đoàn 71 QY, tình trạng ban đầu cũng như vậy, nhưng từ khi Tướng Ngô Quang Trưởng ra nhậm chức TLQK, ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh, cảnh sát bắt nhốt tất cả những tên giả dạng thường dân, sinh viên học sinh để sách động quần chúng, ông ra lệnh sử bắn những tên du kích, đặc công cải trang làm lính giã ngũ để phá rối cướp bóc. Ông cho lập các trại tạm trú để dân tỵ nạn có nơi che mưa nắng, có cơm ăn áo mặc, có bác sĩ săn sóc sức khỏe, vì vậy tình hình mau chóng yên tĩnh trở lại và các binh sĩ yên tâm, tiếp tục chiến đấu mang lại chiến thắng vẻ vang cho QKI. Nhưng giờ này, 25/3/1975, ông và các phụ tá của ông ở đâu? Tại sao không làm những việc cần thiết đó như các ông đã làm năm 1972. Trong lúc binh sĩ vẫn vững tay súng ngoài mặt trận mà quý ông để hậu phương tang thương như thế thì còn đâu tinh thần chiến đấu của anh em chúng tôi!
Chúng tôi đến TYV Duy Tân lúc 9 giờ đêm, cổng chính của TYV không có
đèn và cũng không có lính gác, tuy nhiên phòng nhận bệnh còn có ánh đèn,
nhìn kỹ tôi thấy mấy quân y tá đang cặm cụi làm việc. Tại đây, trong
ánh đèn vàng tại cửa phòng nhận bệnh, tôi gặp Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn
Lương, một niên trưởng nổi tiếng của chúng tôi, anh hiện là trưởng khu
giải phẫu của TYV, nhưng vì đa số các y sĩ đã bỏ đi nên anh phải đảm
trách thêm công tác nhận bệnh, anh hứa sẽ săn sóc cho thương binh của
tôi. Khi tôi tỏ ý bất bình về các y sĩ bỏ đi, anh Lương nói:
_ “Không thể trách họ được, họ là những y sĩ bệnh viện, không một tấc
sắt trong tay, không có binh sĩ bảo vệ như y sĩ tiền tuyến, thành phố
bây giờ đầy đặc công VC và giặc cướp, QĐI thì chẳng có quân lệnh gì để
đối phó nên các y sĩ họ .!”
Anh bỏ ngang câu nói “ho…” rồi chợt vui trở lại với tôi:
_ “TQLC các cậu đã về, tôi tin tưởng tình hình sẽ khá hơn”.
Nghe anh nói tôi bỗng thấy một nỗi buồn và cô đơn dâng lên, trong thế
trận có tính cách chiến lược này, sự thắng bại không nằm trong tay của
những người lính ngoài mặt trận, quanh năm chỉ có gạo sấy với cá khô mục
như chúng tôi mà ở trong ý chí quyết chiến quyết thắng của những ông
tướng ngồi trong phòng có gắn máy lạnh tại QKI, Bộ TTM và Dinh Độc Lập.
Những sự việc tôi đã quan sát từ một tuần lễ nay cho phép tôi tiên đoán
sự sụp đổ của QKI, bất giác hai hàng nước mắt rơi trên má, vị mặn và
tanh của máu và nước mắt kéo tôi về thực tế, tôi đứng nghiêm, đưa tay
chào vi. Y Sĩ quân đội đúng nghĩa và từ giã ANH để trở về với đồng đội
mà không ngờ đây là lần đầu và cũng là lần cuối cùng tôi gặp ANH, niên
trưởng Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương! Vì sau khi CSBV vào Đà Nẵng, chúng
đuổi các thương binh ra khỏi TYV, bắt các y sĩ vào trại tù cải tạo và
anh Lương đã tự sát để phản đối chính sách tù đầy dã man vô nhân đạo của
chúng!
Khi công tác tải thương hoàn tất vào lúc 9 giờ 30 đêm, qua máy C25,
tôi nhận được lệnh của Tiểu Đoàn QY/TQLC phải trình diện TĐ ngay lập
tức. Tôi đến BCH/SĐ/TQLC đang đóng tại căn cứ Non Nước vào lúc 10 giờ
đêm. Căn cứ được phòng thủ cẩn thận, đèn đuốc sáng rực, BCH/ TĐ/QY nằm
trong một cái hangar lớn sau cổng chính phía tay phải, tại đây tôi gặp
hầu hết các Y Sĩ của bệnh viện Lê Hữu Sanh, Thủ Đức, họ cho biết vì SĐ
không có phương tiện chở thương binh về Thủ Đức nên họ phải ra đây để
điều trị tại chỗ, tôi nhìn vào trong hangar, có đến năm sáu trăm giường
bệnh đầy thương binh! Tôi đến trình diện Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế,
TĐT/TĐQY sau đó.
Ngay sau khi tôi đứng nghiêm chào TĐT thì anh Thế chưa chào lại mà chăm
chú nhìn tôi từ đầu tới chân, vẻ mặt đầy lo lắng rồi anh hỏi:
_ “Toa bị thương hả, sao máu đầy người thế này?”
_ “Không, đấy là máu thương binh nhưng tôi chưa kịp thay quân phục”.
Y Sĩ Trung Tá không chào lại theo lối nhà binh mà anh nắm tay tôi thật
chặt, tay kia để lên vai tôi vỗ nhè nhẹ, tôi cảm nhận được tấm lòng đầy
tình đồng đội, tình anh em của người chỉ huy, nó có sức mạnh hơn ngàn
lời nói hay huy chương lúc này, anh chỉ cái ghế đối diện, khi cả hai
cùng ngồi, anh mệt mỏi nói:
_ “Hiện giờ Lữ Đoàn 147/TQLC đang kẹt tại bãi biển Thuận An, vì HQ không
vào đón, ngày mai SĐ sẽ mở một cuộc hành quân về phía Bắc đèo Hải Vân
để tiếp cứu anh em mình, nhiệm vụ của toa là chỉ huy một toán quân y tá
TQLC và 5 xe cứu thương do Liên Đoàn 71QY tăng phái, mọi tiếp liệu và
lương thực thì Đại Úy Sanh, sĩ quan tiếp liệu đã lo xong”.
Tôi nhận lệnh của anh Thế với tâm trạng hoang mang, nửa mừng nửa lo.
Hoang mang vì mới sáng nhận lệnh rút lui của ông tướng TL QK, bây giờ
lại nhận lệnh của ông Tướng khác tiến trở lại, không biết chuyện gì đã
xẩy ra trong nội bộ của các ông! Nhưng rồi tôi vui vì được tham dự một
cuộc hành quân giải cứu chính anh em mình, nhưng cũng hơi lo, vì tôi
biết địa thế phiá Bắc đèo Hải Vân rất hiểm trở, đơn vị tấn công sẽ gặp
nhiều thiệt hại, không biết một mình tôi có cáng đáng nổi nhiệm vụ được
giao phó hay không?
Đà Nẵng ngày 26 và 27 tháng 3 năm 1975.
Lúc 6 giờ sáng ngày 26/3/1975, toán y tá TQLC đã sẵn sàng trình diện,
tôi kiểm soát y cụ cứu thương, thuốc men, lương thực, nón sắt, áo giáp,
mặt nạ chống hơi độc v.v.. tất cả trong tình trạng hoàn hảo, riêng vũ
khí cá nhân M16 thì thiếu bảo trì, tôi cho anh em 15 phút để lau chùi
súng ống. Trong cuộc chiến tàn bạo này, quân y tá và y sĩ là một trong
những mục tiêu ưu tiên của những tên VC bắn sẻ, y sĩ thuộc binh chủng
TQLC có số lượng tử vong ngoài mặt trận cao nhất trong các quân binh
chủng QLVNCH, vì vậy tôi muốn súng cá nhân của họ phải trong tình trạng
sẵn sàng, không hẳn là để tác chiến mà mục đích chính là tự vệ và yểm
trợ cho nhau trong khi thi hành nhiệm vụ cứu thương. Sau đó tôi chia anh
em ra làm 3 toán có nhiệm vụ rõ ràng: Toán thâu lượm thương, toán cấp
cứu, toán tải thương. Tôi cũng yêu cầu đại Úy Sanh trang bị nón sắt áo
giáp cho các tài xế của 5 xe tải thương. Tải thương trên đường đèo mà
tài xế bị thương thì sẽ gây ra những hậu quả không lường.
Đến 6 giờ 30 sáng 26/3/75 tôi báo cáo lên TĐQY là chúng tôi đã sẵn sàng,
tôi được lệnh chờ tại chỗ, tới 11 giờ thì lệnh hành quân được hủy bỏ mà
tôi không biết lý do, nhưng toán quân y của tôi thì được lệnh ra bến
thương cảng Đà Nẵng để đón Lữ đoàn 147/TQLC.
Khoảng 12 giờ, tôi thấy hai chiếc tàu “há mồm” cập bến, hai chiếc tàu
này chở một trung đoàn thuộc SĐ.2/BB từ Chu Lai về Đà Nẵng, quân số của
họ chỉ còn lại chừng ba đến bốn trăm người, quân phục nhầu nát, khi đi
qua cầu tầu, một số anh vứt súng M16 của họ xuống biển! Đi sau cùng là
hai thiếu tá bị thương nơi đầu, họ dìu nhau xuống cầu tầu, tôi và đệ tử
giúp hai ông một tay và đề nghị cấp cứu cho họ nhưng cả hai ông cám ơn
vì phải di chuyển ngay với binh sĩ của họ. Khâm phục trước thái độ huynh
đệ chi binh này, tôi chào hai ông và chúc bình an. Nghe tôi chúc, một
trong hai ông đưa tay bắt và như muốn thanh minh:
_ “Đã đánh đấm gì đâu, đang đi hành quân thì có lệnh rút, mà lệnh rút không rõ ràng nên anh em chúng tôi rất bực mình”.
Vào lúc 2 giờ chiều thì một chiếc LCU từ từ cập bến, khi bửng tàu mở ra,
tôi rất mừng vì thấy màu áo rằn ri quen thuộc, đi đầu là mấy anh em
khiêng xác của 3 tử sĩ, xác họ được gói kỹ trong những chiếc poncho, một
trong 3 xác này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam TĐP/TĐ.4/ TQLC, sau đó là
Đại Tá Nguyễn Thế Lương LĐT/LĐ 147, ông bị thương ở chân, mặc dù được
các quân y tá dìu xuống cầu tàu nhưng ông di chuyển rất khó khăn và đau
đớn. Theo sau LĐT là bác sĩ Rậu, bác sĩ Khoa và toán y tá cùng khoảng
100 thương binh. Cuối cùng là khoảng hai trăm quân nhân thuộc các tiểu
đoàn TQLC hiện đang bị
kẹt lại tại bãi biển Thuận An. Tôi nhanh chóng phân loại các thương binh
rồi ra lệnh mang họ lên đoàn xe tải thương để về căn cứ Non Nước. Theo
Bác Sĩ Bùi Văn Rậu ĐT/QY/LĐ.147 thì ông dược sĩ Lữ Đoàn và 4 ông y sĩ TĐ
được ghi nhận là mất tích tại Thuận An. Buổi chiều, sau khi tải thương
xong, tôi hỏi thăm tình hình, BS Khoa nói vắn tắt:
_ “Khi TQLC ra đến bãi biển Thuận An vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/3/1975
thì được lệnh dừng quân để tàu Hải Quân vào đón, nhưng chờ đến 6 giờ
chiều mà không có một chiếc tầu nào vào, LĐ 147 phải dàn đội hình phòng
thủ để tiếp tục chờ tầu HQ thì VC tấn công, loạt đạn đầu tiên có 4 TQLC
tử thương, anh em mang xác họ đến ĐQY, nhưng sau đó thì súng nổ khắp
nơi, bị thương và tử thương rất nhiều nên chết ở đâu thì chôn ở đó. Sáng
ngày 26/3/1975 khoảng hơn 8 giờ khi một chiếc LCU vào đón thương binh
và BCH/LĐ thi 4 tử sĩ được mang lên tàu, nhưng xác của Đ/Úy Tô Thanh
Chiêu ĐT/TĐ.4 bị rơi xuống biển nên chỉ cỏn 3.”
Tôi được giao nhiệm vụ săn sóc 20 thương binh thuộc LĐ. 147, trong đó
có một chuẩn úy mới ra trường, trước kia anh là giáo sư trung học, anh
bị bắn vào đùi, vết thương không nặng lắm, sau khi lau chùi băng bó xong
tôi ngồi lại nghe anh kể chi tiết cuộc rút quân của LĐ.147/TQLC, sau đó
anh phẫn uất vừa khóc vừa nói:
_ “Bác sĩ biết không, cả một lữ đoàn bị lùa vào cái rọ, một bãi cát
trống, tứ bề là nước mênh mông, không có lối thoát, không có địa thế ẩn
núp, làm bia cho CSBV bắn, như bị trói tay dẫn ra pháp trường cát, mà
người đưa LĐ.147 này ra pháp trường cát lại những vị chỉ huy cao cấp của
Quân Đội! Họ thuộc phe nào?”
Nhận thấy thương binh này quá xúc động và phẫn uất, dù chỉ là cấp chỉ huy trung đội, nhưng đã có một cái nhìn và nhận xét khá chính xác và chân thật, tôi vỗ vai anh an ủi và nói y tá chích cho anh một mũi thuốc an thần để anh nghỉ ngơi.
Sáng 27/3/1975, tin tòan bộ lực lượng QĐ.I Tiền Phương dưới quyền chỉ
huy của Tướng Lâm Quang Thi* bị tan rã, trong đó có LĐ.147/TQLC, như
một tiếng sét ngang tai, thoạt đầu không ai tin, vẫn cho rằng CSBV tung
ra như đã từng rêu rao trên đài phát thanh tối 23/3 là chúng đã “diệt
gọn LĐ.258 ngụy” để làm lung lay tinh thần chúng tôi.
Không thể được, bởi vì lực lượng QĐ.I/TP gồm những đơn vị thiện chiến
của QLVNCH đó là: SĐ.1/BB gồm có 4 trung đoàn và Đại Đội Hắc Báo, một sư
đoàn nổi danh đã bảo vệ vùng hỏa tuyến và luôn luôn chiến thắng. Đó là
Lữ Đoàn 147/TQLC với 4 tiểu đoàn tác chiến tinh nhuệ cùng với Pháo Binh
và Đ Viễn Thám, một đạo quân chưa bao giờ biết lui. Đó là LĐ.1 Thiết Kỵ
với chiến xa M48 tối tân đã từng gây kinh hoàng cho 8 SĐ/CSBV năm 1972.
Đó là LĐ/BĐQ chỉ biết “sát Cộng” và còn bao tiểu đoàn pháo binh nặng nhẹ
cùng các đơn vi. Địa Phương Quân và Nghĩa Quân v.v..
Cỏn về vũ khí đạn dược ư ? Chỉ riêng kho đạn pháo binh tiền phương của TQLC cũng đã có 100.000 trái đại bác 105 lỵ
Với một lực lượng như trên, giữ vững tay súng và y chí từ trên xuống dưới, cộng thêm hỏa lực yểm trợ của SĐ.1KQ và Hải Pháo vùng I Duyên Hải thì CSBV sẽ không thể làm gì được họ. Khi chúng tôi nhận được lệnh bỏ QL1, đoạn đường Huế-Đà Nẵng thì chúng tôi đã tiên đoán được các lực lượng tiền phương QĐ.I sẽ gặp muôn bàn khó khăn và nguy hiểm, gần như họ bị dồn vào tuyệt lộ! Nhưng không lý do gì khiến chỉ trong 2 ngày mà lực lượng Tiền Phương bị tan rã! Nhưng tin tức dồn dập đưa về, bắt chúng tôi phải tin và đó đúng là sự thật!
Chúng tôi đau đớn cho đồng đội, tức giận và nghi ngờ khả năng của các cấp chỉ huy của QĐ.I, của bô. TTM, của Dinh Độc Lập, không biết vì nguyên nhân nào, vì bị áp lực nào hay vì quyền lợi và mạng sống bản nhân, phe nhóm mà họ nỡ bỏ rơi để quân CSBV tàn sát một đạo quân tinh nhuệ đã, đang hy sinh để bảo vệ đất nước ?
Bây giờ thì đến thân phận chúng tôi, không biết rồi sẽ ra sao? Chúng
tôi chỉ còn biết trông cậy vào nhau, những đồng đội của binh chủng TQLC.
Chiều ngày 27/3/1975, tôi lên TTHQ/SĐ để tìm hiểu thêm tin tức thì gặp
Thiếu Tá Trần Vệ, một bạn cũ, hiện anh là trung tâm trưởng TTHQ, anh
buồn rầu cho biết QĐ.I TP của Tướng Lâm Quang Thi* đã thực sự tan vỡ,
mấy hôm nay rồi không nhận được lệnh gì từ trên QĐ, và khi có việc gấp
anh phải đích thân lên QĐ thì chẳng còn thấy ai ở trên đó nữa! Ngoài ra
tin cho biết Quảng Nam, Quảng Ngãi đã “thất thủ” (?) vì SĐ.2/BB đã được
lệnh rút khỏi nơi này mặc dù chưa bi. CSBV tấn công, cuộc rút quân đã
xảy ra trong hỗn loạn!
Như vậy cho đến 27/3/1975, lãnh thổ QKI chỉ còn thành phố Đà Nẵng! Tôi chán nản lo lắng, quay trở lại TĐQY.
Quảng Trị, Huế ngày 24,25,26,27/3/1975.
Trong khoảng thời gian trên, tôi đã có mặt tại đèo Phước Tường, trên QL1, đèo Hải Vân và Đà Nẵng, nhờ vậy mà tôi biết những điều như sau:
1.Lệnh bỏ đèo Phước Tường và QL1 Bắc đèo Hải Vân do đích thân Tướng TL/QKI Ngô Quang Trưởng ra lệnh lúc 4 giờ sáng ngày 25/3/1975
2.QL1 từ cầu Nong, phía Nam Huế đến đèo Hải Vân trong những ngày 24
và 25 tháng 3/1975 vẫn an toàn để rút quân, ngày 25/3/1975, LĐ.258/TQLC
và LĐ.15/BĐQ rút quân trên đoạn đường này đã hoàn toàn yên tĩnh, không
một viên đạn lớn nhỏ nào bắn về phía chúng tôi. Tháng 4/2009, tôi đến
thăm Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, LĐT/LĐ.258, là người có trọng trách bảo vệ
đoạn đường này, ông khẳng định: _ “Đoạn QL1 này cho đến ngày 25/3/75 vẫn
sử dụng đươc”.
Gần đây, tôi được đọc một điện thư của Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh
văn phòng của TT/TL/SĐTQLC, gửi cho một niên trưởng, nguyên văn như sau:
“Thưa niên trưởng. Một buổi sáng tháng 3/75, tôi quên ngày rồi, tôi
đọc lệnh hành quân từ Tướng Thi gửi xuống, tôi trình ngay lên Thiếu
Tướng Tư Lệnh và xin ông đọc ngay. Đọc xong, ông: “đ..m..thế này thì
chết lính tao rồi!”. Đó là cái lệnh mà Đại Tá Trí đã ghi lại lệnh rút
lui của Tướng Thị Sau đó Thiếu Tướng Tư Lệnh đi liên lạc với Đại Tá Trí
tại TTHQ/SĐ. Ngày hôm sau, tôi lấy trực thăng bay ra Thuận An đưa tận
tay lá thư của TT Lân cho Đ/Tá Lương, kèm theo lời dặn của TT/TL/
SĐTQLC: “Tìm ra quốc lộ 1 mà đi”. Nhưng tiếc thay, Đại Tá Lương lại đi
theo HQ cho dễ dàng ..và oan khiên, nhiều người lại đổ lên đầu ông
TT/TLTQLC!!! Niên trưởng cũng biết lúc đó mình đã biệt phái LĐ.147 cho
Tiền Phương QĐI, Tướng Lân không được phép điều động LĐ.147 mà phải đưa
tôi lên đèo Hải Vân để liên lạc với các NT 20 thôi. Chuyện còn dài, tôi
sẽ kể sau với NT. Kính chào NT. Đan”.
Ngoài ra, cũng theo nguồn tin này, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân đã gửi Đại Tá
Quế TMT/SĐTQLC qua BTL/HQ vùng I DH để đôn đốc HQ đón LĐ.147 trong
trường hợp Đại Tá Lương LĐT/LĐ.147 vì lý do nào đó phải rút quân bằng
HQ.
3. Nếu Tướng Ngô Quang Trưởng không cho lệnh rút lực lượng bảo vệ đoạn đường QL1 này và Tướng Tiền Phương Lâm Quang Thi quyết định dùng QL1 để hành quân lui binh thì các ông đã đem về Đà Nẵng toàn bộ lực lượng Tiền Phương, bảo toàn LLTP thì cuộc chiến QKI đã không bi đát như đã xảy ra.
Với con mắt của một người lính chiến, dù là lính chuyên môn, chúng tôi tin tưởng lui binh theo QL1 sẽ bảo toàn được lực lượng tiền phương. Tại sao? Tuy cuộc hành quân lui binh bao giờ cũng khó khăn hơn hành quân tấn công, nhưng trong trường hợp này, QL1 vẫn nẳm trong tay ta và được bảo vệ bởi những đơn vị tinh nhuệ, địa thế dọc theo QL1 từ Huế đến đèo Hải Vân quá quen thuộc với mọi cấp quân cán chính vùng I. Khởi đi Từ Dạ Lê, nơi có BTL/SĐ.1/BB và TTHL/SĐ, qua Phú Bài , Nong , Truồi , Lăng Cô , Hải Vân , Đà Nẵng.
Ngoài ra, các đơn vị yểm trợ hỏa lực như Pháo Binh, Không Quân, Hải Quân vẫn còn đầy đủ, nhất là Hải Pháo, di động dọc theo bờ biển thì có một xạ trường lý tưởng hơn bất cứ chiến trường nào khác. Một yếu tố quan trọng nữa là áp lực địch chưa có gì. Và giả dụ chúng có 2 hay 3 sư đoàn bám theo truy kích thì vẫn không làm gì được với đoàn quân tinh nhuệ của QĐ.ITP, và chính trong giai đoạn này chúng mới là mồi ngon, là bia hứng đạn của những anh hùng Không Quân SĐ.1/KQ, những anh hùng Hải Pháo của HQ vùng I. Với tất cả những yếu tố đó, dù là kinh nghiệm của một người lính, chúng tôi cũng thấy dùng QL1 làm trục lui binh là hợp lý là khả thị QL1 không phải và không bao giờ có thể giống như Liên Tỉnh Lộ 7 của QKII được.
Vậy tại sao Tướng Tư Lệnh Tiền Phương QĐ.I Lâm Quang Thi lại quyết định chọn lui binh bằng HQ tại bãi biển Thuận An để toàn bộ lực lượng Tiền Phương QĐI của ông tan rã! Một vị tướng tiền phương tài ba có tất cả những lý do để ông chọn đường lối lui binh qua ngả Thuận An, xuôi Nam để về Đà Nẵng, mà yếu tố quyết định sống chết vẫn là cái CẦU PHAO tại cửa Tư Hiền.
Dĩ nhiên ông và các phụ tá của ông biết những yếu tố cần có để thiết lập cầu phao, đặc biệt là Công Binh và HQ. Vậy mà nó không có! Đó là điều chúng tôi không thể hiểu nổi nên mới tâm sự với những đồng đội của tôi đã sống sót từ bãi cát bờ biển Thuận An nhân dịp ông Tướng xuất bản cuốn “Hell In An Lộc”.
Trong hồi ký “Ngày Tháng Không Quên: 8/3/75-30/4/75”, Đại Tá Nguyễn
Thành Trí TLP/SĐTQLC kiêm Tư Lệnh Lực Lượng Tây- Bắc Huế, sau khi họp
với Trung Tướng Lâm Quang Thi, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm TL/SĐ.1BB,
Đại Tá Lê Ngọc Hy TMT/TP, Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ TKT/Thừa Thiên cùng có
nhận định khó bảo vệ được Huế nên Tướng Thi đề nghị rút quân khỏi Huế
lên Tướng Trưởng như sau: “Lực lượng Tây-Bắc do tôi chỉ huy sẽ rút về
Thuận An, sau đó di chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây Hải Quân và Công Binh
QĐ.I sẽ phối hợp thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh
chóng và dễ dàng. Lữ Đoàn 468/ TQLC từ đèo Hải Vân sẽ cử một đơn vị đến
chiếm núi Vĩnh Phong để bảo vệ điểm vượt sông đồng thời làm thành phần
tiếp đón SĐ.1/BB do Tường Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục quốc lộ 1 và sẽ
tập trung về điểm vượt sông song song với cánh quân TQLC. Tất cả các vật
liệu nặng, pháo binh, chiến xa không thể di chuyển hay vượt sông được,
đều phải được phá hủy tại chỗ.”.(TT2/TQLC, trang 538)
Sau đó thì Tướng Thi chỉ định Tướng Điềm và Đại Tá Hy bay trực thăng vào
Đà Nẵng đệ trình kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Trưởng, còn Đại
Tá Nguyễn Thành Trí thì thông báo ngay cho các đơn vị trực thuộc biết để
chuẩn bị tinh thần, tổ chức gọn gàng và sẵn sàng thi hành khi có lệnh.
Ông viết tiếp:
_ “Khoảng 1730 giờ, Đại Tá Hy đáp trực thăng đến và trao cho tôi công
điện mang tay. Ông nói thêm là công điện này xác nhận việc thi hành kế
hoạch rút quân như đã bàn thảo khi trưa tại BCH Hải Quân. Tôi ra lệnh
cho các đơn vị sẽ bắt đầu thi hành kế hoạch như đã thông báo vào lúc
1800 giờ. Suốt đêm theo dõi tùng cánh quân rút về mà lòng se lại! Những
người lính Mũ Xanh ấy đến giờ phút chót vẫn giữ vững tay súng, đẩy lui
từng đợt xung phong của quân thù mưu toan lấn chiếm chia cắt. Chưa có vị
trí nào bị mất trên hành lang sông Bồ hay Hiền Sĩ, Cổ Bị Địch chưa hề
thực hiện nổi mộng cắt ngang An Lỗ để ngăn đôi Quảng Trị Huế. Nhưng giờ
đây mọi người phải rút đi như những kẻ thua cuộc!”( TT2/TQLC trang 538).
Cùng với ĐạiTá Tư Lệnh Phó SĐTQLC, các tiểu đoàn trưởng thuộc quyền
như Thiếu Tá Phạm Cang TĐT/TĐ.7, Thiếu Tá Phạm Văn Tiền TĐT/TĐ.5, các
Đại Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng như Cao Xuân Huy, Phan Văn Đuông, Toàn,
Minh v.v.. đã ghi lại những đoạn đường chiến binh máu và nước mắt của
các anh trong giai đoạn bị bắt buộc phải rút quân này.
Các Tiểu Đoàn 3,4,5/TQLC, TĐ.2PB, Đại Đội Viễn Thám đang ở thế thượng
phong đối đầu với các trung đoàn CSBV tại Quảng Trị thì nhận được lệnh
rút quân hỏa tốc về cửa Thuận An lúc 6 giờ chiều ngày 24/3/1975! Họ đoạn
chiến với địch, rút ra QL1. Trở ngại thứ nhất là rút quân hỏa tốc trên
đoạn đường dài hơn 30 km, không có phương tiện chuyên chở nên vũ khí
nặng và lương thực phải phá hủy tại chỗ, chỉ còn đem theo vũ khí cá
nhân! Trở ngại thứ hai là khi tới bến phà Tân Mỹ, những phà chở quân đã
bị kéo sang bên kia bờ phá Tam Giang và bị phá hủy! Các chiến đỉnh của
HQ và LCM của Quân Vận cũng đã bỏ đi! Tại đây một số anh em TQLC phải bỏ
tiền túi thuê ghe go. của dân để qua phá. Riêng TĐ.7/TQLC đóng tại
Hương Điền, gần với Thuận An nên quân số và vũ khí được bảo toàn. Lúc 8
giờ sáng ngày 25/3/1975, tất cả lực lượng TQLC thuộc LĐ.147 đã tập trung
đầy đủ tại bãi biển Thuận An để chuẩn bị suôi Nam, đi về cửa Tư Hiền
như lệnh của Tướng Tư Lệnh Tiền Phương.
Nhưng cuộc lui binh của LĐ.147/TQLC đã không thực hiện được vì 3 yếu tố “KHÔNG” sau đây:
– Không có cầu phao tại cửa Tư Hiền!
– Không có các giang đoàn và duyên đoàn bảo vệ bãi biển Thuận An.
– Không có KQ, HQ yểm trợ, tiếp viện và tiếp tế cho LĐ. 147/TQLC.
1/-Không có cầu phao! Cầu phao bắc qua của Tư Hiền đã không được thực hiện như trong lệnh hành quân! Cầu phao này thuộc trách nhiệm của Công Binh QĐI và HQ. Không cầu phao làm sao đưa quân sang sông vượt cửa Tư Hiền! Thế là Lực Lượng Tiền Phương của Tướng Thi “chết đứng” trên bãi biển. Không rõ số phận các đơn vị khác ra sao nhưng vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 25/3/1975 thì LĐ.147/TQLC của Đ/Tá TQLC Nguyễn Thế Lương nhận được lệnh từ QĐ.1TP:
_ “Dừng quân trên bãi biển phía Nam cửa Thuận An để tàu HQ vào đón”.
Thời điểm 10.30 sáng 25/3/1975 tình hình còn yên tĩnh, LĐ. 147/TQLC
dàn quân phòng thủ trật tự để chờ tàu. Ngoài khơi một tàu lớn bỏ neo,
người từ trong bờ còn trông rõ chữ HQ 801, như vậy khoảng cách không xa,
ngoài ra còn 5 chiếc LCM chạy vòng vòng còn TQLC trên bờ thì vẫn chờ,
và chờ tới 5 giờ chiều mà vẫn không có tàu nào vào đón, và địch quân đã
đến bao vây quân ta trên bãi cát!
Hơn 6 tiếng đồng hồ chờ đợi, nằm ôm súng ngắm tàu diễn hành và cũng là
khoảng thời gian cần và đủ để địch đuổi kịp quân ta và dĩ nhiên bãi đáp
đã mất an ninh.
Theo hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”, Phó Đ Hồ Văn Kỳ Thoại, TLHQ
vùng I Duyên Hải thì trong các ngày 24,25,26/3/1975, ông đã thành lập
Liên Đoàn Đặc Nhiệm do Trung Tá Lê Thành Uyển chỉ huy. Liên Đoàn này gồm
có 8 chiến hạm và 4 chiến đỉnh để bảo vệ vùng biển Thuận An. Ngoài ra
tại đây ông còn có 4 LCU và 18 LCM8, cả hai là loại tàu đáy bẳng, có thể
vào sát bờ (LCU chở được 400 quân, LCM8 chở được 200). Và xin nghe
tướng Hồ Văn Kỳ Thoại giải thích lý do HQ không vào đón TQLC được trong
ngày 25/3 như sau:
– “Vì sóng biển cấp 2, sóng cao từ 1/2 đến 1m và bờ biển có sóng ngầm”! Rồi ông tiếp:
– “Khoảng chừng 100 quân nhân phải dùng phao và ghe nhỏ hoặc bơi ra và được các chiến đỉnh vớt”
Ông Tướng nói thì chúng tôi biết thế thôi! tuy nhiên cũng cám ơn Hải
Quân là vào sáng ngày 26/3/1975 đã có một chiếc LCU vào đón được
BCH/LĐ.147, tử sĩ và thương binh cùng một số TQLC. Rủi thay LCU này bị
trúng hỏa tiễn AT3 của VC khiến một số tử thương và bị thương, trong đó
có Đại Tá Lương bị thương vào chân, còn chiếc LCU thứ 2 thì bị mắc cạn
và KHÔNG CÒN chiếc nào vào nữa. Cũng đúng thôi, theo lệnh hành quân, tầu
vào bờ đã trễ hơn một ngày, dư thời gian cho CSBV nhắm AT3 và đủ mọi
loại vũ khí vào TQLC và tàu HQ! “Chiến trường mỗi phút giá đáng ngàn
sinh mạng đấy các ông ơi!”
Trong hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại”, PĐ Thoại không nói gì đến
nỗ lực của HQ về việc thiết lập cầu phao tại cửa Tư Hiền trong ngày
24/3/1975, như Tướng Tư Lệnh TP đã nói trong lệnh hành quân mà ông chỉ
nói đến nỗ lực này trong ngày 26/3/1975! Quá trễ rồi! Ngoài ra PĐ có đề
cập đến một chi tiết khá lạ: trang 200 và 204 ông Tướng cho biết: Tướng
Thi và bô. Tham Mưu của ông khoảng 100 người lên soái hạm HQ5 vào buổi
trưa ngày 24/3/75, tại đây Tướng Thi ra lệnh cho Tr/Tá Uyển, chỉ huy
liên đoàn đặc nhiệm, bằng tiếng Mỹ: “Go South”. Nhưng không được Tướng
Thoại chấp Thuận. Lúc 4 giờ 20
chiều ngày 25/3/75, Tướng Thi lên HQ715 để về Đà Nẵng! Chúng tôi mong
rằng chi tiết này không có thật, vì tôi tin rằng không có một ông Tướng
nào có thể bỏ cả một đạo quân dưới quyền đang lâm nguy.
2/Không có lực lượng bảo vệ bãi biển Thuận An! Bãi biện Thuận An có
thể ví như một cù lao nổi lên trên mặt nước. Phía trước là biển Đông,
phía sau là đầm Thủy Tú, đầm Hà Trung và Phá Tam Giang, phía Bắc là cửa
Thuận An, phía Nam là cửa Tư Hiền, (hai cửa này là nơi thông thương giữa
biển và các đầm kể trên, bề ngang của hai cửa này rộng trung bình từ
200m đến 500m.). Khu vực này theo Tướng Thoại thì được bảo vệ bởi 2
Giang Đoàn và 2 Duyên Đoàn vậy mà trong chiều ngày 25/3/75 quân CSBV ung
dung, không tốn một viên đạn đã vượt qua đầm, qua sông để bao vây bãi
biển Thuận An, nơi LĐ.147/
TQLC tập trung để HQ vào đón như lệnh của QĐITP lúc 10 giờ 30 sáng 25/3/1975! Lực lượng bảo vệ đã đi đâu? và theo lệnh của ai?
3/Không có KQ, HQ yểm trợ và tiếp tế khi bị bao vây! Theo lệnh QĐ.I/TP lúc sáng ngày 25.3, LĐ.147/TQLC chờ tầu trên bãi cát, vì không có hai yếu tố 1 và 2 kể trên nên đã bi. CSBV đuổi kịp, bao vây và tấn công! VC chiếm các đồi cao với đầy đủ vũ khí nặng nhẹ, TQLC với súng cá nhân, họ nằm phơi mình trên bãi cát trống trải! Chuyện gì sẽ xẩy ra?
a/ Họ đã bị bỏ rơi trước mắt một lực lượng Hải Quân vùng I/Duyên Hải
của Tướng Thoại vô cùng hùng hậu với hỏa lực Hải Pháo kinh hồn, những
khẩu đại pháo đã không khai hỏa!
b/ Họ đã bị bỏ rơi khi trên trời có cả một SĐ1/KQ của Tướng Khánh với
bao nhiêu phản lực xé gió, bao nhiêu trực thăng võ trang! Trực thăng
nhiều đến độ không còn chỗ chứa phải di tản bớt về các phi trường phía
Nam! Lính TQLC mơ thấy từng phi đoàn phản lực, hàng đàn trực thăng võ
trang đến yểm trợ, tiêu diệt VC đang phơi mình trên đồi cát. Nhưng
không, đó chỉ là giấc mơ còn thực tế là những đàn chim biển, những con
hải âu bay lượn thảnh thơi, vô tình, vô tư kiểu “Sống chết mặc bay”!
LĐ.147/TQLC hoàn toàn bị bỏ rơi trên bãi biển, nước mênh mông mà không
có một giọt nước để uống tương tự như
có hỏa lực hùng hậu KQ, HQ mà phải đi lượm từng viên đạn M16 rơi trên
bãi cát để tự vệ và tự tử! Sự thật là vậy đó thưa quý vi. Tư Lệnh Tiền
Phương, TLKQ, TLHQ vùng I. Cho đến chiều ngày 26/3/1975, không còn đạn
để tự vệ, họ đã “tiết kiệm” bằng cách chỉ dùng một trái lựu đạn M26 để
mà tự sát tập thể! Và đã có nhiều cuộc tự sát tập thể như vậy! Ngoài
khơi, trên cao làm sao quý vị nghe được những tiếng nổ này của M26! Sức
cùng lực kiệt, tất cả những gì còn lại của LĐ.147/TQLC đã bi. CSBV bắt
trói sớm hơn ! giống như Tổng Thống “một ngày” khi ông ra lệnh bàn giao
QLVNCH cho CSBV! Những người lính TQLC đổ bao nhiêu xương máu và nước
mắt nơi địa đầu giới tuyến, lính Tổng Trừ Bị bị sử dụng làm quân địa
phương giữ đất cho QKI, thì vào lúc 3 giờ sáng ngày 27/3/1975 đã bị tan
hàng một một cách đau đớn không vì địch quân mà vì chính những người
..vắt chanh!
Sự tan rã Lực Lượng Tiền Phương QĐ.I nói chung và LĐ. 147/TQLC nói
riêng là hậu quả tất yếu đưa đến QĐ.I phải bo? Đà Nẵng vào sáng
29/3/1975.
Thưa Tướng Tư Lệnh Tiền Phương QĐI. Được biết trường đại học University
of North Texas vừa xuất bản cuốn sách “Hell in An-Lộc” do chính ông viết
bằng Anh Ngữ, cuốn sách nói về trận chiến An Lôc năm
1972. Tuy ông không chỉ huy hay có mặt tại chỗ, nhưng ông đã sưu tầm tất
cả dữ kiện để viết “Hell in An Lộc”, để nói cho người Mỹ hiểu rõ về
tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Đội VNCH không như một số truyền
thông phản chiến đã có định kiến sai lạc bất lợi cho chúng ta về cuộc
chiến này. Cuốn sách “Hell In An Lộc” được nói đến nhiều nhưng cá nhân
chúng tôi không dám có ý kiến khi tôi chẳng
biết gì về trận chiến ở đó cả, nhưng chúng tôi đã có mặt, đổ máu và nước
mắt từ Quảng Trị, Huế và chỉ rời Đà Nẵng vào 8 giờ sáng ngày 29/3/1975
tại bãi biển NON NƯỚC nên chúng tôi mong ước Trung Tướng Tư Lệnh Tiền
Phương Quân Đoàn I viết một cuốn sách về trận chiến do đích thân Trung
Tướng chỉ huy, cuốn sách được viết bằng chữ quốc ngữ (Việt Nam) để những
người lính chúng tôi, dù đã khuất hay sắp khuất đọc và biết được những
khó khăn trong cuộc chiến tại đây đưa đến hậu quả cả một đoàn quân tinh
nhuệ đứng khoanh tay, chịu trói!
Thưa Trung Tướng Tiền Phương. Với cái nhìn hạn hẹp của một người lính
về tình hình và địa thế thì tôi cứ thắc mắc cho tới ngày nay rằng tại
sao:
a/ Tư Lệnh không cho Lực Lượng Tiền Phương QĐ.I lui binh theo đường bộ,
lấy QL.1 làm trục chính? Như tôi đã trình bày từ đầu bài viết này, những
điểm quan trọng trên QL1 đều có quân ta trấn giữ và vẫn còn an ninh.
Thiết tưởng không cần nêu lên những yếu tố khả thi khi rút theo QL1 và
những vô kế khả thi khi đi ra biển mà những con tàu HQ không chịu vào
bờ.
b/ Khi Tư Lệnh rút lui theo bờ biển hẳn là có lý do gây bất ngờ cho địch
và tiết kiệm thời gian di chuyển cho quân ta vì có tàu Hải Quân yểm
trợ. Nhưng cái bất ngờ nhất mà Tư Lệnh gặp phải, nguyên nhân chính gây
đau thương cho thuộc cấp là cầu phao tại cửa Tư Hiền đã không có, không
được Công Binh và HQ phối hợp thực hiện như trong lệnh hành quân! Lý do
tại sao? Ai chịu trách nhiệm?
c/ Khi cầu phao ở cửa Tư Hiền không được thực hiện thì kế hoạch lui binh
của Tư Lệnh thay đổi là Hải Quân vào đón Bộ Binh. Thật là nhanh chóng
gọn gàng và chắc chắn thành công nếu như HQ thi hành kế hoạch. Nhưng HQ
đã không tuân lệnh! Ở đây chúng tôi không dám thắc mắc với Phó Đề Đốc Hồ
Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh HQ Vùng I, vì thực tế hay lý thuyết thì Tướng
Thoại vẫn là thuộc cấp của Tư Lệnh QĐ. Vậy thì cái gì khiến Tư Lệnh
không điều động được Hải Quân như kế hoạch đã định khiến gần 4000 quân
thiện chiến đứng làm bia cho CSBV tập bắn hoặc làm mồi cho cá biển
Đông?.
d/ Không Quân Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối trong trận chiến này, SĐ.1
Không Quân của Tướng Khánh vẫn còn nguyên vẹn, hùng mạnh. Vậy mà không
có bất cứ một phi vụ oanh tạc nào lên đầu địch quân. Một người lính như
tôi còn biết hỏa lực KQ là yếu tố quyết định thành công cho lui binh,
vậy thì thưa Tư Lệnh, những phản lực đã bay đi thả bom ở đâu? Những trực
thăng bay đi đâu cho đến nỗi không có một chiếc để tải thương và tiếp
tế cho đoàn quân đang phơi mình trên bãi biển.?
Mũ Xanh Nguyễn Thế Thụy, âm thoại viên của Tư Lệnh SĐ/ TQLC viết:
_ ” Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh văn phòng TL/SĐTQLC và tôi được lệnh
dùng trực thăng của Tư Lệnh chở gạo sấy đề tiếp tế cho LĐ.147 tại bãi
biển Thuận An. Chúng tôi cố nhét cho thật nhiều, nhưng chỉ một chiếc
trực thăng như thế này thì phải bay bao nhiêu phi vụ để tiếp tế gạo cho
gần 4000 người trong khi thời gian thì quá ít. Đến địa điểm, Đại Úy Đan
và tôi đẩy những thùng gạo sấy xuống cho các anh em o? dưới rồi quay về
gấp làm chuyến khác. Khi chuyến thứ 3 vừa xong, từ Thuận An bay về Non
Nước thì phi công báo là trực thăng của Tướng Điềm TL/SĐ.1/BB bị nạn cần
cấp cứu, họ xin ý kiến Đại Úy Đan và anh Đan đã OK, mặc dầu không phải
nhiệm vụ. Trực thăng đổi hướng phải, rồi hướng Bắc, phát hiện trực thăng
Tướng Điềm nằm gần QL1, phía Bắc Lăng Cô chừng 10 km. Khi chúng tôi vừa
chạm
đất thì phi hành đoàn, Tướng Điềm và một Thiếu tá chạy về phía chúng tôi
và cũng là lúc VC từ bìa làng khai hỏa. Chuẩn Tướng Điềm chạy khập
khiễng trên cát, chúng tôi đã chạy lại dìu ông lên trực thăng của Lạng
Sơn và đưa họ về Đà Nẵng, rồi trực thăng đi đổ xăng và chấm dứt tiếp tế
gạo sấy cho anh em”!
Sự thật nó là như thế đấy, bao nhiêu trực thăng đi đâu cả rồi thưa Tư
Lệnh? Khốn nạn cho đến nỗi không còn một chiếc nào để tải thương và
tiếp tế đạn đươc cho LĐ.147, tiếp tế cho anh em vài thùng gạo sấy để
nhai thì phải dùng đến trực thăng chỉ huy của Tư Lệnh TQLC! Và rồi cũng
chỉ còn một chiếc trực thăng duy nhất của TL/SĐTQLC đi cấp cứu
TL/SĐ.1/BB! Chuyện tưởng đùa mà có thật!
Thưa Tư Lệnh Tiền Phương. Những thắc mắc nêu trên không phải của riêng
cá nhân tôi mà của tất cả những quân sĩ dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh
mà họ đã nằm lại vĩnh viễn ở “Bờ Biển Thuận An, Pháp Trường Cát”! Của
những quân nhân dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh mà họ đã bị bỏ rơi một
cách tàn nhẫn để rồi những tên du kích VC mang dây kẽm gai đến cột chung
họ lại với nhau! Tất cả chúng tôi mong ước được nghe Tư Lệnh giải thích
hầu chia sẻ với Tư Lệnh những khó khăn mà Tư Lệnh gặp phải, cho dù
những khó khăn đó đến từ bất cứ đâu.
Quan trọng hơn nữa là lời giải thích của Tư Lệnh sẽ trả lại uy tín và
danh dự cho tất cả các cấp chỉ huy ngoài chiến trường, đánh tan tin đồn
của những kẻ vô trách nhiệm ở hậu phương rằng cấp chỉ huy ngoài mặt trận
đã bỏ lính!
Dầu sao đối với người Mỹ thì dù Tư Lệnh có giải thích hay không thì
chuyện cũng đã thuộc về quá khứ, còn đối với các anh em cựu quân nhân
chúng tôi thì vẫn cần và rất cần uy tín của Tư Lệnh nói riêng và các Tư
Lệnh khác nói chung vì cuộc chiến cho Việt Nam Tự Do vẫn còn tiếp diễn,
cuộc chiến còn thì chúng tôi vẫn cần những cấp chỉ huy có uy tín.
Thay cho lời kết:
Lúc 8 giờ tối ngày 28/3/1975, Trung Tướng Ngô Quang Trươ?ng, Tư
Lệnh Quân Khu I, họp các đơn vị trưởng của QĐ.I tại BTL/Hải Quân Vùng I
Duyên Hải; Tại đây, ông đã ra lệnh rút bỏ Quân Khu I bằng Hải Quân vào
lúc 6 giờ sáng ngày 29/3/1975. Vì chỉ có 10 tiếng đồng hồ để chuẩn bị
nên cuộc rút quân này đã diễn ra trong hỗn loạn và ..đẫm máu!
Như vậy, tính từ 6 giờ chiều ngày 24/3/1975, khi các đơn vi. TQLC bắt
đầu rút khỏi Quảng Trị cho đến 6 giờ sáng ngày 29/3/1975 khi Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng bơi ra tàu Hải Quân từ Trung Tâm Hành Quân TQLC trong
căn cứ Non Nươc Đà Nẵng, Quân Đoàn I đã bị tan rã trong vòng 4 ngày
rưỡi!
Về việc rút quân này, lúc 6 giờ sáng ngày 29/3/1975, trươc khi bơi ra
tàu Hải Quân, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã nói với Đại Tá Nguyễn
Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC một câu đáng để chúng ta và hậu thế
suy ngẫm: “Coi như đây là một cuộc tự thoát”! (TT2/TQLC trang 548)
Bằng-Phong.
Tài liệu tham khảo:
1/TT2/TQLC.
2/ Can Trường Trong Chiến Bại của PĐ Hồ Văn Kỳ Thoại.
3/ Street without Joy và Last Reflections of a War của Bernard Fall.
***
2002, nghĩa là 7 năm trước khi viện đại học này xuất bản tác phẩm “Hell in An Loc.” Tôi nghĩ rằng anh đã viết bài “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” trước khi anh đọc quyển “Hai Mươi Lăm Năm Thế Kỷ” vì quyển sách này có một chương rất dài nói về sự sụp đổ VICT, và vì thế có thể giài đáp những thắc mắc về sự triệt thoái khỏi Huế và Đànẳng tháng 3, 1975.Tuy nhiên, tôi vẫn trả lời vắn tắt sau đây những thắc mắc của các đồng đội của anh để anh phổ biến đến các anh em này.
Theo tôi thấy thì anh đã nêu lên những thắc mắc chánh sau đây:
a). tại sao không rút lui theo QL1;
b) tại sao không có cây cầu nổi bắt qua Cửa Tư Hiền và Hải Quân gập nhiều khó khăn để bốc LĐ147 TQLC phía nam Thuận An và
c) tại sao không có sự yểm trợ đầy đủ của Không Quân.
Về điểm thứ nhứt, trong quyên “25 Năm Thế Kỷ” (trang 476, 477), tôi đã có tường thuật rằng trong đêm 22 tháng 3, Trung Đoàn 101 của SĐ325 BV, sau nhiều đợt tấn công dữ dội, đã đánh bật TD60 BDQ ra khỏi đồi 500 kế cận phía tây QL1 và vì thế địch quân đã kiểm soát được hành lang Phú Lộc. Sau khi hay tin Đồi 500 đã rơi vào tay địch, tôi gọi Tướng Trưởng và yêu cầu ông chỉ thị LĐ258TQLC đóng phía bắc Đèo Hải Vân phối hợp với LĐ15BĐQ để phản công tái chiếm Đồi 500 và giải tỏa QL1. (Lúc bấy giờ SĐ1BB bung ra quá mỏng và không còn lực lượng trừ bị để phản công). Tướng Trưởng hứa sẽ nghiên cứu những gì có thể làm được, nhưng cuối cùng cuộc phản công, không rõ vì lý do gì, đã không được thực hiện. Và cũng vì vậy cho nên Của Tư Hiền và bải biển Thuận An là đường lui quân duy nhất còn lại.
Kế hoặch triệt thoái của tôi là SĐ1 sẽ di chuyển qua ngã Tư Hiền và
LĐ147 sẽ được lực lượng đặc nhiệm HQ – do Saìgòn gởi ra tăng cường QĐI
và gồm nhiều chiếc LST (Landing Ship, Tank) – bốc lên ở phía nam Thuận
An. Tôi nhấn mạnh với Tướng Trưởng rằng sự triệt thoái SĐ1 chỉ có thể
thực hiện với hai điều kiện: (1) một cây cầu nổi phải được bắc ngang
Đầm Của Tư Hiền và (2) Núi Vĩnh Phong, cao điểm phía nam cửa Tư Hiền,
phải do một đơn vi. TQLC chiếm đóng. Tướng Trưởng hỏi ý kiến của BTM của
ông và họ cho là hai điều kiện này có thể thoả mãn được. Chiều ngày 23,
Tướng Trưởng họp với Tướng Lân, TL.SĐTQLC, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại,
TL.HQVICT, và trung tá chỉ huy trưởng Lữ Đoàn 10 Công Binh. Ông Thoại
bảo đảm với Tướng Trưởng rằng ông sẽ cho đánh chìm một chiếc tàu HQ ở
giữa Cửa Tư Hiền để cho SĐ1 di qua và Tướng Lận cũng bảo đảm rằng ông sẽ
cho chiếm đóng các cao điểm phía nam cửa Tư Hiền. Nhưng cuối cùng hai
nhiệm vụ này cũng không được thực hiện, và điều này đã gây nhiều tổn
thất cho các đơn vị rút quân qua ngã Tư Hiền.
Mặc khác, rủi ro cho LĐ 147TQLC, các tàu LST của BTL.HQ tăng cường cho QĐI gặp rất nhiều khó khăn cặp bải để đón các anh em vì biển động, sóng to và các bãi biển cạn. Mặc dầu vậy, phần lớn anh em TQLC của LĐ147 đã được bốc về Đà Nẵng trong những ngày 24, 25 và 26 tháng Bạ
Về điểm LĐ147 TQLC không được KQ yểm trợ đầy đủ, dó cũng là hậu quả của việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho QLVNCH. Thật vậy, ngày 4 tháng Tư, 1974, Quốc Hội Hoa Kỳ, một lần nữa, cắt viện trợ quân sự cho Nam VN từ 1 tỉ MK xuống còn 750 triệu MK cho tài khóa 1974-1975. Nhưng trong số 750 triệu MK này, 300 triệu dành để trả lương cho nhân viên Văn Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ ở Sàigòn. Một điểm đáng được lưu ý là Do Thái nhận được 2 tỷ rưỡi MK viện trợ quân sự trong trận chiến ba tuần Yom Kippur năm 1973. Nói khác đi, trong vòng một năm, NVN nhận được 21% của sự viện trơ. Do Thái nhận được trong vòng ba tuần lễ.
Trong lúc các đơn vị Lục Quân thiếu thốn trầm trọng về xe vận tải và đạn dược thì Không Quân cũng rất thiếu thốn về nhiên liệu và quân dụng thay thế; quân chũng này phải cho nằm ụ tổng số là 224 phi cơ đủ loại: chiến đấu cơ AD6, các phi cơ vận tải C47, và C113. Trong lúc năm 1972, KQ có thể di chuyển một trung đoàn từ Quân Khu này đến Quân Khu khác, năm 1975 KQ chỉ có thể di chuyển vào khoảng một tiểu đoàn mà thôi. Riêng tại VICT, trực thăng khiển dụng chỉ có thể chuyên chở một đại đội Bộ Binh cùng một lúc. Cũng vì thế cho nên không yểm cho các đơn vị chạm địch cũng bị hạn chế rất nhiều. Hơn nữa, trong lúc các đơn vị Bắc Đèo Hải Vân đang rút quân thì hai tỉnh cực nam của VICT đang bị tấn công nặng và có thể bị tràn ngập bất cứ lúc nào. Do đó không yểm của SĐ1 KQ ở Đà Nẵng, vốn đã bị hạn chế, còn phải được xử dụng để yểm trợ cho các đơn vị phía nam VCT.
***
Tôi hy vọng những chi tiết trên đây sẽ giài tỏa những thắc mắc của
anh em TQLC. Trưóc khi chấm dứt, tôi có đôi lời nhắn nhủ với các chiến
hữu. Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại lời nói của Tướng Charles De
Gaulle của Pháp trong kỳ Đệ II Thế Chiến. Sau khi rút tàn quân Pháp qua
Anh Quốc để chờ ngày trở về giải phóng quê hương, Tướng De Gaulle tuyên
bố một câu bất hủ: “Nous avons perdu une bataille, mais nous navons pas
perdu la guerre” (Chúng ta đã thua một trận đánh, nhưng chúng ta chưa
thua cuộc chiến tranh)
Chúng ta cũng vậy; chúng ta đã thua một trận đánh năm 1975, nhưng
cuộc Chiến Tranh VN còn đang tiếp diễn duới mọi hình thức. CSVN hiện nay
đang đứng trên bờ vực thẩm vì chúng đang phải đương
đầu với những bế tắc không lối thoát trên phuơng diện kinh tế và chánh
trị. Vì thế, nếu chúng ta tiếp tục xử dụng quyền lực kinh tế và chánh
trị càng ngày càng tăng gia của Cộng Đồng VN Hải Ngoại để gây ảnh hưởng
có lợi cho cuộc chiến đấu của chúng ta; nếu chúng ta tiếp tục khai thác
các phưong tiện truyền thông hiện đại để khuyến khích và giúp đở người
dân trong nước đứng lên đói quyền sống của mình; nếu chúng ta tiếp tục
khuyến khích các thê hệ hậu duệ mạnh dạn dấn thân vào hệ thống chánh trị
các xứ tạm dung để tiếng nói chúng ta càng ngày được lắng nghe, thì tôi
tin chắc rằng cuộc Chiến Tranh VN Thứ Hai, cuộc chiến tranh để đem lại
tự do, dân chủ, và nhân quyền cho quê hương VN, cuộc chiến tranh này
nhứt định chúng ta sẽ thắng.
Lâm Quang Thi
https://bienxua.wordpress.com/2017/02/18/nhung-nguoi-linh-bi-bo-roi/