Đoạn Đường Chiến Binh
Nơi ánh sáng đô thị không rọi tới
Tôi có đọc một bài viết từ rất lâu, về một cô gái người Việt lấy chồng tây, thường xuống xóm vạn chài ở ngoài bãi sông Hồng
Phương Bích - Tôi có đọc một bài viết từ rất lâu, về một cô gái người Việt lấy chồng tây, thường xuống xóm vạn chài ở ngoài bãi sông Hồng, để dạy học cho những đứa trẻ chưa từng được cắp sách tới trường. Tôi chỉ nhớ mang máng tên cô ấy là Ly. Hình như tôi còn được xem cả một chương trình truyền hình về cô ấy. Nhưng ngày ấy tôi chả quan tâm sâu sắc về một sự kiện nào cả. Đọc lướt để biết tin tức, rồi mọi cái cũng hững hờ trôi qua trong ký ức.
Cho đến một ngày gần đây, khi tôi nhìn thấy những bức ảnh trên facebook, về xóm trọ nghèo nàn bên bờ sông Hồng, thì câu chuyện năm xưa lại trở lại. Thật may nhờ có đám thanh niên tình nguyện tôi quen biết, đứng ra tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ ở xóm trọ đó, tôi mới có dịp tiếp cận cái nơi mà chỉ nhìn thấy trên ảnh thôi, cũng đã rùng cả mình.
Cô giáo tình nguyện
Chúng tôi gồm 4 người, hẹn hò nhau ở cổng chợ đầu mối Long Biên. Đi qua chợ đầu mối Long Biên, theo đường đê một đoạn rồi ngoặt về phía sông Hồng. Xe máy len theo cái ngõ nhỏ ngoằn nghèo, hẹp chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Vừa đi vừa hỏi đường loạn xạ rồi cũng đến nơi. Thậm chí tôi còn tưởng là đường cụt vì trước mặt chỉ là bãi rác. Chúng tôi đi trên rác, giữa cái mùi hôi thối khủng khiếp như đặc quánh lại. Một người dân quen với đám thanh niện tình nguyện bảo cứ gửi xe ở nhà họ, vì lối xuống bãi rất khó đi xe máy.
Lại đi trên rác, men theo một lối nhỏ xuống bãi. Tiếc là tôi đã không dừng lại để giở máy ảnh ra chụp, vì chỉ muốn chạy cho nhanh ra khỏi cái vùng kinh khủng đó. Xuống đến bãi sông rồi mà mùi hôi thối vẫn không chịu buông tha chúng tôi.
Mùa này nước cạn nên bãi lộ ra. Chúng tôi bước đi, cố tránh lớp phù sa dẻo quánh, màu nâu đen còn hơi ươn ướt. Trên một khoảng đất trống sát bờ, đám thanh niên dựng một cái “rạp” để cho lũ trẻ đón trung thu. Chưa đến giờ nên chỉ có chừng mươi đứa trẻ đang chơi đùa trên tấm bạt dứa trải trên nền đất. Tôi đi vào phía trong khu vực nom có vẻ là hậu cần để quan sát. Trên mặt đất gồ ghề, nham nhở, có hai nhóm đang hí húi chuẩn bị nấu nướng cái gì đó. Trong số này, tôi nhận ra một phụ nữ trẻ là bạn biểu tình và là bạn cả trên facebook, đang ngồi gọt mướp.
Trung thu thành phố
Theo chương trình, 7 giờ mới bắt đầu bày cỗ. Đám thanh niên sẽ tổ chức cho các cháu phá cỗ, giao lưu, ăn tối và ở lại qua đêm. Đám người lớn chúng tôi thì thực sự chưa sẵn sàng “3 cùng” với lũ trẻ, chỉ là muốn tìm hiểu đôi chút về cuộc sống của chúng thôi.
Hóa ra đây đâu phải là xóm vạn chài mà gọi là xóm liều mới đúng (tuy vẫn có tổ dân phố?). Họ là những người dân tứ xứ, bỏ làng ra thành phố để mưu sinh. Phần lớn, họ làm cửu vạn cho cái chợ đầu mối Long Biên lớn nhất Hà Nội này. Người có tiền thì thuê nhà trọ trên bờ, Người không có tiền thì làm cái nhà tạm trên mặt nước. Nghe bác Phan Khang đi cùng kể về những người nông dân bỏ quê lên thành phố, chấp nhận cuộc sống chả khác gì địa ngục như thế này. Hóa ra ở quê cũng “đất chật, người đông”, mỗi người chỉ có trên dưới sào ruộng.
Theo chính sách đất đai là sở hữu toàn dân, thì nguy cơ bị thu hồi đất là bất cứ lúc nào. Lại thêm không được phép chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất vườn, nên người nông dân không dám đầu tư theo hướng tư duy của họ. Khi đơn thuần chỉ là trồng trọt, không kết hợp được với chăn nuôi thì thu nhập đầu người là quá thấp. Cứ sau mỗi vụ gặt, nông dân chả biết làm gì với đống rơm rạ ngoài việc đốt tiêu hủy, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường vô cùng. Trong khi đó lên thành phố đi làm thuê bằng nghề cửu vạn, họ lại có thể dễ dàng kiếm tiền hơn rất nhiều.
Tôi chả hiểu dễ kiếm tiền hơn là như thế nào với cuộc sống như thế này. Dường như mọi lời nói đều là thừa trước những bức ảnh. Tất cả những đứa trẻ ở đây đã sinh ra và lớn lên trên bãi rác này, có lẽ chả còn con đường nào khác là nối gót cha anh. Hẳn rằng chúng chả bao giờ được đến trường, chả bao giờ biết đến mặt mũi con chữ là gì.
Hỏi chuyện mấy cháu thanh niên tình nguyện, tôi thực ngỡ ngàng vì những con người trẻ tuổi ấy. Họ là những sinh viên đã tốt nghiệp, vẫn chưa kiếm được công ăn việc làm. Tuy nhiên, thay vì lo cho bản thân, họ đã tìm đến cái xóm trọ nghèo nàn này để dạy cho lũ trẻ không chỉ là cái chữ, mà là cả những vốn sống mà chúng cũng từng phải vật lộn để tồn tại. Tôi hỏi, thế các cháu dạy như thế nào? Ở đâu?
Chúng nói tiện đâu thì dạy ở đó. Các tổ chức thiện nguyện cũng hỗ trợ bề nổi (chắc một phần kinh phí), còn nội dung dạy gì thì họ không can thiệp. Các cháu nói, nhiều người chỉ theo được vài ba tháng rồi bỏ, nhưng các cháu đã dạy cho lũ trẻ ở đây được hơn một năm nay.
Nhìn những gương mặt cũng gày guộc, đen đúa không kém gì lũ trẻ của các “thày cô giáo” không chuyên, tôi nghĩ về những vị quan chức béo tốt và láng coóng đi những chiếc xe bóng lộn, ở nhà cao cửa rộng, chỉ đủ tâm và tầm lo cho những dự án chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ, chứ hơi đâu nhìn xuống những thân phận người ở cái xóm bãi ven sông này. Một “cô giáo” trẻ kể, nghe nói thành phố sắp thu hồi khu vực này, chẳng biết sẽ để làm gì, nhưng như vậy là dân xóm bãi này sẽ mất nốt chốn nương thân, và rồi họ sẽ lại lập nên những túp lều trôi nổi trên sông, phó mặc mình cho số phận, chứ chẳng đời nào lại chịu về quê, bám vào cái đám ruộng chết đói ấy thì đằng nào mà chả thế.
Tôi quay ra nói chuyện với bác Phan Khang. Người lính đặc công năm nao khi giã từ quân ngũ, trở thành một nhà kinh doanh tỏ ra rất am hiểu về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Ai cũng hiểu cái cốt lõi không phải làm sao dẹp cho quang cái rác rưởi trên bãi sông này, mà làm sao phải thu hút được người dân trở về với ruộng đồng. Khi mà đó đây chính quyền cứ lần lượt thu hồi cả ngàn hecta đất để làm khu công nghiệp, hay khu du lịch sinh thái, hay sân gôn thì sẽ vẫn còn những người dân bỏ làng, bỏ những thẻo đất không đủ nuôi sống họ để ra thành phố. Câu chuyện dài lắm về nguyên nhân từ những nhà hoạch định chính sách, mang tầm vĩ mô khiến một người trình độ như tôi cứ gọi là loạn hết cả đầu lên. Thực tế không thiếu gì những nhà thông thái, chỉ rõ ra các sách lược phát triển kinh tế, nhưng đáng tiếc họ lại không phải là những người có quyền quyết định.
Cách đây cả chục năm đã có những bài báo nói về kiếp người làm cửu vạn cực nhọc ở chợ đầu mối Long Biên này. Chục năm sau vẫn thế, có chăng lượng cửu vạn đông hơn, xóm trọ ven sông lại dày đặc hơn, cứ thế kéo dài ra mãi, để rồi khi dẹp bỏ nó nếu được thì sẽ đẩy tất cả những con người này đi về đâu? Và Hà Nội đâu chỉ có một chợ đầu mối như chợ Long Biên này?
Trời bắt đầu nhá nhem, mặc dù các cháu bảo sẽ có đèn pin soi đường nếu trời tối, nhưng thú thực đám người lớn chúng tôi vẫn ngại dò dẫm đường trên những lối đi ngập rác. Một thằng cháu lại xăm sắn đi theo để dắt xe hộ tôi. Khi tôi đưa 10 nghìn trả tiền gửi xe, chủ nhà xua tay quầy quậy, bảo trông hộ thôi.
Lạ thế những con người này!
Dọc đường về, tôi mơ màng nghĩ về những thành phố cổ hàng trăm năm bên sông trên khắp thế giới. Biết đến bao giờ Hà Nội ơi???
Tôi tự nhủ, nhất định tôi sẽ sớm trở lại nơi này, và thầm mong có một ngày, dẫu có lụ khụ chống gậy, cũng được một lần đi dạo thảnh thơi bên bờ sông Hồng lộng gió...
Bàn ra tán vào (0)
Nơi ánh sáng đô thị không rọi tới
Tôi có đọc một bài viết từ rất lâu, về một cô gái người Việt lấy chồng tây, thường xuống xóm vạn chài ở ngoài bãi sông Hồng
Phương Bích - Tôi có đọc một bài viết từ rất lâu, về một cô gái người Việt lấy chồng tây, thường xuống xóm vạn chài ở ngoài bãi sông Hồng, để dạy học cho những đứa trẻ chưa từng được cắp sách tới trường. Tôi chỉ nhớ mang máng tên cô ấy là Ly. Hình như tôi còn được xem cả một chương trình truyền hình về cô ấy. Nhưng ngày ấy tôi chả quan tâm sâu sắc về một sự kiện nào cả. Đọc lướt để biết tin tức, rồi mọi cái cũng hững hờ trôi qua trong ký ức.
Cho đến một ngày gần đây, khi tôi nhìn thấy những bức ảnh trên facebook, về xóm trọ nghèo nàn bên bờ sông Hồng, thì câu chuyện năm xưa lại trở lại. Thật may nhờ có đám thanh niên tình nguyện tôi quen biết, đứng ra tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ ở xóm trọ đó, tôi mới có dịp tiếp cận cái nơi mà chỉ nhìn thấy trên ảnh thôi, cũng đã rùng cả mình.
Cô giáo tình nguyện
Chúng tôi gồm 4 người, hẹn hò nhau ở cổng chợ đầu mối Long Biên. Đi qua chợ đầu mối Long Biên, theo đường đê một đoạn rồi ngoặt về phía sông Hồng. Xe máy len theo cái ngõ nhỏ ngoằn nghèo, hẹp chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Vừa đi vừa hỏi đường loạn xạ rồi cũng đến nơi. Thậm chí tôi còn tưởng là đường cụt vì trước mặt chỉ là bãi rác. Chúng tôi đi trên rác, giữa cái mùi hôi thối khủng khiếp như đặc quánh lại. Một người dân quen với đám thanh niện tình nguyện bảo cứ gửi xe ở nhà họ, vì lối xuống bãi rất khó đi xe máy.
Lại đi trên rác, men theo một lối nhỏ xuống bãi. Tiếc là tôi đã không dừng lại để giở máy ảnh ra chụp, vì chỉ muốn chạy cho nhanh ra khỏi cái vùng kinh khủng đó. Xuống đến bãi sông rồi mà mùi hôi thối vẫn không chịu buông tha chúng tôi.
Mùa này nước cạn nên bãi lộ ra. Chúng tôi bước đi, cố tránh lớp phù sa dẻo quánh, màu nâu đen còn hơi ươn ướt. Trên một khoảng đất trống sát bờ, đám thanh niên dựng một cái “rạp” để cho lũ trẻ đón trung thu. Chưa đến giờ nên chỉ có chừng mươi đứa trẻ đang chơi đùa trên tấm bạt dứa trải trên nền đất. Tôi đi vào phía trong khu vực nom có vẻ là hậu cần để quan sát. Trên mặt đất gồ ghề, nham nhở, có hai nhóm đang hí húi chuẩn bị nấu nướng cái gì đó. Trong số này, tôi nhận ra một phụ nữ trẻ là bạn biểu tình và là bạn cả trên facebook, đang ngồi gọt mướp.
Trung thu thành phố
Theo chương trình, 7 giờ mới bắt đầu bày cỗ. Đám thanh niên sẽ tổ chức cho các cháu phá cỗ, giao lưu, ăn tối và ở lại qua đêm. Đám người lớn chúng tôi thì thực sự chưa sẵn sàng “3 cùng” với lũ trẻ, chỉ là muốn tìm hiểu đôi chút về cuộc sống của chúng thôi.
Hóa ra đây đâu phải là xóm vạn chài mà gọi là xóm liều mới đúng (tuy vẫn có tổ dân phố?). Họ là những người dân tứ xứ, bỏ làng ra thành phố để mưu sinh. Phần lớn, họ làm cửu vạn cho cái chợ đầu mối Long Biên lớn nhất Hà Nội này. Người có tiền thì thuê nhà trọ trên bờ, Người không có tiền thì làm cái nhà tạm trên mặt nước. Nghe bác Phan Khang đi cùng kể về những người nông dân bỏ quê lên thành phố, chấp nhận cuộc sống chả khác gì địa ngục như thế này. Hóa ra ở quê cũng “đất chật, người đông”, mỗi người chỉ có trên dưới sào ruộng.
Theo chính sách đất đai là sở hữu toàn dân, thì nguy cơ bị thu hồi đất là bất cứ lúc nào. Lại thêm không được phép chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất vườn, nên người nông dân không dám đầu tư theo hướng tư duy của họ. Khi đơn thuần chỉ là trồng trọt, không kết hợp được với chăn nuôi thì thu nhập đầu người là quá thấp. Cứ sau mỗi vụ gặt, nông dân chả biết làm gì với đống rơm rạ ngoài việc đốt tiêu hủy, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường vô cùng. Trong khi đó lên thành phố đi làm thuê bằng nghề cửu vạn, họ lại có thể dễ dàng kiếm tiền hơn rất nhiều.
Tôi chả hiểu dễ kiếm tiền hơn là như thế nào với cuộc sống như thế này. Dường như mọi lời nói đều là thừa trước những bức ảnh. Tất cả những đứa trẻ ở đây đã sinh ra và lớn lên trên bãi rác này, có lẽ chả còn con đường nào khác là nối gót cha anh. Hẳn rằng chúng chả bao giờ được đến trường, chả bao giờ biết đến mặt mũi con chữ là gì.
Hỏi chuyện mấy cháu thanh niên tình nguyện, tôi thực ngỡ ngàng vì những con người trẻ tuổi ấy. Họ là những sinh viên đã tốt nghiệp, vẫn chưa kiếm được công ăn việc làm. Tuy nhiên, thay vì lo cho bản thân, họ đã tìm đến cái xóm trọ nghèo nàn này để dạy cho lũ trẻ không chỉ là cái chữ, mà là cả những vốn sống mà chúng cũng từng phải vật lộn để tồn tại. Tôi hỏi, thế các cháu dạy như thế nào? Ở đâu?
Chúng nói tiện đâu thì dạy ở đó. Các tổ chức thiện nguyện cũng hỗ trợ bề nổi (chắc một phần kinh phí), còn nội dung dạy gì thì họ không can thiệp. Các cháu nói, nhiều người chỉ theo được vài ba tháng rồi bỏ, nhưng các cháu đã dạy cho lũ trẻ ở đây được hơn một năm nay.
Nhìn những gương mặt cũng gày guộc, đen đúa không kém gì lũ trẻ của các “thày cô giáo” không chuyên, tôi nghĩ về những vị quan chức béo tốt và láng coóng đi những chiếc xe bóng lộn, ở nhà cao cửa rộng, chỉ đủ tâm và tầm lo cho những dự án chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ, chứ hơi đâu nhìn xuống những thân phận người ở cái xóm bãi ven sông này. Một “cô giáo” trẻ kể, nghe nói thành phố sắp thu hồi khu vực này, chẳng biết sẽ để làm gì, nhưng như vậy là dân xóm bãi này sẽ mất nốt chốn nương thân, và rồi họ sẽ lại lập nên những túp lều trôi nổi trên sông, phó mặc mình cho số phận, chứ chẳng đời nào lại chịu về quê, bám vào cái đám ruộng chết đói ấy thì đằng nào mà chả thế.
Tôi quay ra nói chuyện với bác Phan Khang. Người lính đặc công năm nao khi giã từ quân ngũ, trở thành một nhà kinh doanh tỏ ra rất am hiểu về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây. Ai cũng hiểu cái cốt lõi không phải làm sao dẹp cho quang cái rác rưởi trên bãi sông này, mà làm sao phải thu hút được người dân trở về với ruộng đồng. Khi mà đó đây chính quyền cứ lần lượt thu hồi cả ngàn hecta đất để làm khu công nghiệp, hay khu du lịch sinh thái, hay sân gôn thì sẽ vẫn còn những người dân bỏ làng, bỏ những thẻo đất không đủ nuôi sống họ để ra thành phố. Câu chuyện dài lắm về nguyên nhân từ những nhà hoạch định chính sách, mang tầm vĩ mô khiến một người trình độ như tôi cứ gọi là loạn hết cả đầu lên. Thực tế không thiếu gì những nhà thông thái, chỉ rõ ra các sách lược phát triển kinh tế, nhưng đáng tiếc họ lại không phải là những người có quyền quyết định.
Cách đây cả chục năm đã có những bài báo nói về kiếp người làm cửu vạn cực nhọc ở chợ đầu mối Long Biên này. Chục năm sau vẫn thế, có chăng lượng cửu vạn đông hơn, xóm trọ ven sông lại dày đặc hơn, cứ thế kéo dài ra mãi, để rồi khi dẹp bỏ nó nếu được thì sẽ đẩy tất cả những con người này đi về đâu? Và Hà Nội đâu chỉ có một chợ đầu mối như chợ Long Biên này?
Trời bắt đầu nhá nhem, mặc dù các cháu bảo sẽ có đèn pin soi đường nếu trời tối, nhưng thú thực đám người lớn chúng tôi vẫn ngại dò dẫm đường trên những lối đi ngập rác. Một thằng cháu lại xăm sắn đi theo để dắt xe hộ tôi. Khi tôi đưa 10 nghìn trả tiền gửi xe, chủ nhà xua tay quầy quậy, bảo trông hộ thôi.
Lạ thế những con người này!
Dọc đường về, tôi mơ màng nghĩ về những thành phố cổ hàng trăm năm bên sông trên khắp thế giới. Biết đến bao giờ Hà Nội ơi???
Tôi tự nhủ, nhất định tôi sẽ sớm trở lại nơi này, và thầm mong có một ngày, dẫu có lụ khụ chống gậy, cũng được một lần đi dạo thảnh thơi bên bờ sông Hồng lộng gió...