Trong những tên tuổi Trung Quốc bị vạch trần trong Panama Papers, có những nhân vật quan trọng trong các gia đình lãnh đạo, phần lớn đều thuộc diện « quý tộc đỏ »
Panama Papers: Quý tộc đỏ Trung Quốc lộ diện
Phải chăng « Panama Papers » là một vụ xì căn đan về Trung Quốc ? Theo nhật báo Anh The Guardian ngày 07/04/2016, một phần ba (1/3) số công ty bình phong offshore do công ty luật Mossack Fonseca thiết lập để giúp trốn thuế hay che giấu tài sản đều do đề xuất của gần một chục văn phòng tại Trung Quốc của công ty luật này. Các tiết lộ trong « Hồ Sơ Panama » đang làm rõ hình ảnh của các thành phần gọi là giới quý tộc đỏ tại Trung Quốc.
Theo Stéphane Lagarde, nguyên thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, dựa theo những lời chế diễu trên mạng Trung Quốc hôm thứ Năm tuần qua – Nếu không phải là ngươi, thì là anh vợ ngươi – thì vụ tai tiếng Panama Papers đã tạo ra một nạn nhân đầu tiên ở Trung Quốc : đó là từ ngữ « jie fu », tức là tả phu hay tỷ phu, nghĩa là anh rể.
Hai từ "tỷ phu" và "Panama" : Nạn nhân của kiểm duyệt Trung Quốc !
Từ ngữ này đã hoàn toàn biến mất khỏi các màn hình vi tính dưới nhát kéo của guồng máy kiểm duyệt, nhất là trên mạng Vi Bác, tương đương với mạng Twitter tại Trung Quốc. Cùng số phận với « tỷ phú » là từ ngữ « Panama », tên gọi quốc gia là xuất phát điểm của cơn bão táp. Chỉ trong một sớm một chiều, Panama đã bị các nhà kiểm duyệt gạch bỏ, nếu không phải là trên bản đồ thì ít ra là trên các công cụ tìm kiếm.
Nhưng tại sao từ « anh rể » lại bị kiểm duyệt ? Rất đơn giản : Đó là vì trong danh sách các đại gia bị nêu tên trong « Panama Papers » có ông Đặng Gia Quý (Deng Jiagui), và nhân vật này không ai khác hơn là anh rể của đương kim chủ tịch Tập Cận Bình, tức là chồng của bà Tề Kiều Kiều (Qi Qiao Qiao), chị lãnh đạo Trung Quốc
Ông Đặng Gia Quý là người điều hành hai công ty đăng ký ở đảo Virgin thuộc Anh trong một năm rưỡi. Hai công ty bình phong này đã bị dẹp bỏ ngay trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
8 « hoàng đế đỏ » trong tầm nhắm của Hồ Sơ Panama
Trong những tên tuổi Trung Quốc bị vạch trần trong Panama Papers, có những nhân vật quan trọng trong các gia đình lãnh đạo, phần lớn đều thuộc diện « quý tộc đỏ », trong đó có 8 thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc, đương nhiệm và mãn nhiệm. Và đây chính là đỉnh của kim tự tháp quyền lực, những người thường được mệnh danh là các « hoàng đế » của Trung Quốc hiện đại.
Theo Stéphane Lagarde, giới lãnh đạo Trung Quốc rất thận trọng. Họ hiếm khi trực tiếp dính vào những vụ chuyển tiền ra nước ngoài. Những ai cả gan làm việc này như cựu lãnh đạo ngành công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) đã phải trả giá đắt.
Thông thường, chính những người thân của các lãnh đạo cao cấp đứng ra làm trung gian. Một ví dụ là người con rể của ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), hiện là nhân vật đứng thứ 7 trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trương Cao Lệ đồng thời là con rể cố lãnh tụ tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Người con rể này xuất hiện trong hồ sơ của công ty luật Mossack-Fonseca.
Một ví dụ khác là trường hợp của Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), cũng là thành viên bộ Chính Trị. Tên tuổi nhiều người thân cận của ông đã bị nêu lên trong hồ sơ Panama Papers.
Cả phe cải cách lẫn bảo thủ đều có liên can
Việc các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc bị các « thiên đường thuế » thu hút không có gì mới lạ, và không phe cánh nào thoát khỏi. Những người cho là cởi mở, theo xu hướng tự do, cũng như cánh bảo thủ đều bị liên can trong các tiết lộ tai tiếng.
Trong phe đối nghịch với chủ tịch Trung Quốc, thì một cái tên đã trở đi trở lại : đó là bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), người trước đây là vợ của Bạc Hy Lai, và đã bị kết án tù chung thân do tham nhũng và vụ ám sát một người Anh. Một phần tài sản của gia đình này nằm trong sổ sách của công ty luật Panama, trong đó có một biệt thự ở Pháp mà báo chí Trung Quốc đã nhắc đến nhiều vào thời diễn ra phiên xét xử.
Trong những cái tên bị Panama Papers nêu lên và có tác dụng như sấm nổ trong tai chính quyền Trung Quốc còn có Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin), được mệnh danh là « Nữ hoàng quyền lực» và là con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng, người đàn áp phong trào Thiên An Môn năm 1989.
Điều mỉa mai của lịch sử, hay đúng hơn là của thời sự, là bên cạnh bà Lý Tiểu Lâm, Panama Papers cũng nêu tên của con trai ông Hồ Diệu Bang, cựu tổng bí thư đã bị phe bảo thủ mà Lý Bằng là điển hình gạt khỏi chính quyền sau khi ủng hộ đòi hỏi của sinh viên Thiên An Môn.
Kiểm duyệt
Ngay từ đầu vụ việc, guồng máy kiểm duyệt thông tin ở Bắc Kinh như đã chạy hết công suất, không để một chút sơ hở nào. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc nhắc đi nhắc lại là họ không có gì phải che giấu, nhật báo Mỹ Wall Street Journal đã ghi nhận là họ vẫn đang giấu giếm điều gì đó, vì đài CNN bị nhiều lần cắt sóng.
Trung Quốc còn là một trong những quốc gia hiếm hoi mà báo chí không nói về « Panama Papers ». Nếu chính thức mà nói, không có gì cấm cản một người nào đó đầu tư vào các công ty offshore, nhưng những tiết lộ như vừa qua gây ra nhiều phiền phức vì nó được đưa ra ngay giữa chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, một chiến dịch chưa bao giờ mạnh bạo như thế mà chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động từ khi lên nắm quyền.
Ông Tập Cận Bình luôn nhắc đi nhắc lại là lãnh đạo phải làm gương, phải cho thấy lối sống đơn giản,chừng mực. Nếp sống xa hoa, đồi trụy trong đảng giờ đây đã bị chính thức đàn áp.
Việc giới lãnh đạo Trung Quốc bị các « thiên đường thuế » quyến rũ có thể được giải thích bằng việc đó là cách duy nhất cho phép họ che giấu một khối tài sản quá lộ liễu và không phải lúc nào cũng tích lũy được một cách hợp pháp. Hoa Lục và Hồng Kông đã nổi lên thành thị trường lớn của công ty luật Panama Mossack Fonseca. Ho đã mở không dưới tám văn phòng tại Trung Quốc và các chi nhánh này đã làm việc không ngơi tay trong suốt mười lăm năm qua.
Sắp tới đây, chắc chắn sẽ có nhiều tên tuổi Trung Quốc khác bị Hồ Sơ Panama tiết lộ, và người ta có cảm giác là chế độ Bắc Kinh đang phải chứng kiến thực tế ngày càng được phơi bày và tìm cách đối phó bằng việc kiểm duyệt thông tin.