Đoạn Đường Chiến Binh
Phan Xuân Sinh – Gió bụi một thời
Tôi rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại.
Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế.
Nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật.
Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoàì phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v.v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xẩy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn.
24/3/1975 – Dân chúng di tản khỏi Đà Nẵng
Một hôm, ngồi một mình trên chiếc ghế kê sát vỉa hè của quán Thanh Bạch, tôi gặp Cường đang đi trên hè phố, mặc bộ đồ lính của Trinh Sát Trung đoàn 51, lon trung úy màu đen trên cổ áo. Bộ đồ lính thân quen với tôi, đến khi tôi bị bỏ cuộc tại chiến trường, mới rời nó. Tôi đứng dậy gọi Cường. Cường đứng lại nhìn tôi rồi chạy lại ôm tôi. Hai đứa ràn rụa nước mắt, không ngờ rốt cuộc hai đứa lại gặp nhau tại Sài Gòn. Cường không ngờ rằng tôi vào được Sài Gòn giữa lúc tình thế hổn loạn như thế nầy, với tấm thân tật nguyền của tôi, chứ Cường không biết tôi đã vào trước. Còn tôi không nghĩ gặp lại Cường vì đơn vị của Cường lúc đó đang trấn thủ tại địa đầu giới tuyến, không cách nào thoát được. Cường cùng một khóa với tôi ở quân trường Thủ Đức, hai đứa ra cùng một đơn vị đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 51/ Biệt lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi tôi bị thương trong Mùa-Hè-Đỏ-Lửa 1972 thì đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1. Sư Đoàn 3 vào Quảng Nam thay chổ của Trung Đoàn 51 cũ.
Tôi nhớ lại lúc mới ra trường, Cường với tôi làm trưởng toán viễn thám. Lúc nào nhảy viễn thám thì đi riêng theo toán của mình, còn lúc nào hành quân diện địa thì đi chung với nhau. Cường bao giờ cũng mang đầy đủ đồ đạc trong ba lô nặng trĩu khi đi hành quân, còn tôi sợ mang nặng nên đồ đạc mang theo đại khái. Trời lạnh tôi hay rúc vào chăn của Cường, hay khi dừng quân ăn cơm Cường bao giờ cũng chia cho tôi những đồ ăn mang theo. Tội nghiệp con bồ của nó ở Sài Gòn lấy chồng khác, làm cho nó mất ăn mất ngủ mấy tháng. Nó nói với tôi là tụi nó yêu nhau khi còn đi học hơn 2 năm rồi, ăn nằm với nhau như vợ chồng thế mà vẫn chia tay dễ dàng. Tôi nói đùa với nó là bởi vì mầy ăn nằm với con nhỏ thường xuyên, bây giờ mầy ở xa làm sao nó chịu nổi.
Chẳng lẽ đêm nào cũng nằm chàng hảng chờ mầy sao? Đâu được, phải kiếm ngay một thằng khác để làm chuyện đó chứ. Con gái như vậy mới thực dụng, yêu mấy thằng tác chiến làm gì cho khổ, trước sau gì cũng chết, rồi chít khăn tang, rồi cô nhi quả phụ, đủ thứ lỉnh kỉnh, rắc rối cuộc đời. Lấy một thằng lính kiểng ở Sài Gòn khỏe re, đêm nào cũng bắt nó làm tình cho bỏ ghét. Cái lý luận cùn của tôi coi vậy mà thằng Cường tin phong phóc. Sau khi ăn cơm chiều, 5 thằng sĩ quan viễn thám ra ngồi trước hiên hút thuốc. Cường nói với tôi là tau nghĩ đi nghĩ lại mấy ngày nay, mầy phân tích đúng, thôi thì để cho nó lấy chồng cho rồi chứ chờ mình biết khi nào mới xong. Mấy thằng ngồi quanh cười hể hả bắt tay Cường như chia sẻ một chút đắng cay.
Chúng tôi ngồi trước quán Thanh Bạch mấy tiếng đồng hồ, kể cho nhau nghe về chuyện của đơn vị, chuyện riêng tư, chuyện thiên hạ. Nghĩa là nhớ đâu kể đó, nhớ đâu hỏi đó. Tôi hỏi Cường về Sài Gòn có gặp lại con bồ cũ của nó không? Nó cười cười khoái chí: “Em nghe tau về có qua thăm, em khóc dữ lắm. Em bảo là gia đình của em bắt em phải lấy thằng đó cho an toàn. Còn tau ở tận ngoài Vùng I, chổ khỉ ho cò gáy, chết sống mong manh. Chờ làm chi cho uổng đời con gái. Có một điều lạ, là khi gặp lại em, trong lòng tau dửng dưng hết sức. Em bảo là muốn có với tau một đứa con, nên tau chìu ý em. Sau khi thằng chồng đi làm là em qua nhà tau ở tới chiều, ngày nào cũng vậy. Thôi thì mình cũng làm ơn, làm phước một lần”. Nghe cái giọng đểu cáng của nó, làm cho tôi khựng lại. Một thằng khi mới ra đơn vị hiền lành, ngô nghê, bị mấy thằng lính chọc quê. Thế mà trong vòng mấy năm chiến trường trui rèn cho nó trở thành một con người cứng cỏi, lọc lừa như vậy. Cường kể cho tôi nghe về chuyện bỏ Huế ra đi, nó không ngờ tan hàng nhanh quá trong lúc các đơn vị vẫn còn đóng quân tại chổ. Đài phát thanh Huế kêu gọi các đơn vị tử thủ để giữ Huế. Trên máy truyền tin cấp chỉ huy ra lệnh không được di chuyển đơn vị, nằm yên tại chổ chờ lệnh. Chờ dài cổ không có lệnh lạc gì cả, gọi lại Phòng 3 trung đoàn, sư đoàn, thì không liên lạc được vì nơi đó tắt máy yên lặng. 7 giờ tối nghe BBC mới biết Huế sắp mất. “Quần Thần lơ láo” mạnh ai nấy chạy.
Cường hỏi tôi: “Mầy còn nhớ thằng Thẻo không?”, tôi gật đầu. Thẻo là hạ sĩ mang trung liên của Trung đội Viễn Thám, nhà ở Cầu Hai, gia đình làm nghề đánh cá. Thẻo dẫn Cường chạy theo nó về nhà ở Cầu Hai rồi lấy ghe đưa Cường vào Lăng Cô, để nhập vào đoàn người chạy loạn vượt đèo Hải Vân vô Đà Nẵng. Từ đó Cường may mắn leo được lên tàu hải quân vào Vũng Tàu.
Trong những ngày gần cuối tháng 4 năm 75 tụi tôi sáng nào cũng đi uống café, chiều thì làm vài xị đế, nói chuyện đủ thứ trên đời, vui buồn, cười đùa, hằn học v.v… phần nhiều nói về đơn vị cũ. Sau nầy có một thằng bạn của Cường phục vụ tại tiểu khu Quảng Nam cấp bậc thiếu úy, chạy thục mạng, qua bao nhiêu gian truân mới vào được tới Sài Gòn. Nhập bọn với tụi tôi. Nó biết tôi là dân Đà Nẵng, nên cay đắng kể cho tôi nghe về những giờ phút hấp hối của Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3. Nó khinh tởm kể về những cấp chỉ huy hèn mạt của nó. Ngồi trên tàu cùng với vợ con chuẩn bị chạy vào Sài Gòn, mà vẫn ra lệnh trên máy truyền tin cho các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến giờ phút cuối mà còn lường gạt thuộc cấp của mình một cách hèn hạ như vậy, thì thử hỏi làm sao đất nước không rơi vào tay cộng sản nhanh chóng được. Tụi tôi những thằng sĩ quan cấp bậc tép riu, chỉ huy những đơn vị nhỏ, trấn giữ các tiền đồn heo hút làm sao chạy kịp. Khi đã biết mình bị bỏ rơi, thì liều mạng mở đường máu. Còn nếu không còn cách nào khác thì cùng với anh em, bắn tới viên đạn cuối cùng rồi tự tử. Tôi ngồi nghe mà thấm đau.
Những nhọc nhằn, nghiệt ngã đối với anh em chúng tôi trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, nó giống như những vở kịch mà người ta mang những mặt nạ cho thích nghi với cuộc sống, thay lên đổi xuống không ngượng ngập.
Đầu óc của anh em chúng tôi trong veo, cả tin và chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thượng cấp. Ngồi kể cho nhau nghe mà lòng của tụi tôi đầy ngán ngẫm, mọi thần tượng trong quân đội trước đây tụi tôi rất kính trọng, bây giờ đều sụp đổ.
Một lần ngồi uống rượu ngà ngà, Cường hỏi tôi có còn nhớ lần nhảy viễn thám ở quận Đức Dục không? Nghe nhắc lại tôi tỉnh người ngay. Làm sao tôi quên được một kỷ niệm khó quên. Lúc đó tôi và Cường mới về đơn vị. Trung đội tôi được chia thành 3 toán để đi nhảy viễn thám. Tôi, Cường và Sơn (Sơn ra đơn vị trước tụi tôi 3 tháng) là toán trưởng của ba toán đó. Toán của tôi nhảy đầu, tôi vừa từ trực thăng nhảy xuống thì nghe tiếng hô “xung phong” vang dội núi rừng. Thằng lính truyền tin chỉ kịp bấm vào ống liên hợp của máy PRC25, báo cho đại đội biết là toán đã bị phát hiện, rồi tháo máy vất lại đó bỏ chạy. Sau nầy tôi được Cường cho biết là toán của tôi bị phát hiện nên hai toán còn lại rút về ngay, chứ không nhảy viễn thám bữa đó. Trong 5 thằng tụi tôi trên người chỉ còn lại bộ đồ đang mặc còn tất cả vất hết. Vì phải lo thoát thân ra khỏi vùng bị phát hiện nên không biết địa hình và phương hướng. Từ sáng chạy tới chiều, mọi người mệt lả mới tìm chổ nghỉ chân. Khi tỉnh người lại tôi mới thất kinh, bây giờ tôi làm sao định hình để tìm điểm đứng của mình hiện tại, núi rừng trùng trùng điệp điệp trên tay không có máy tuyền tin, súng ống, bản đồ, la bàn v.v… Chuẩn úy mới ra lò, kinh nghiệm chiến trường không có, mà lại cầm mạng sống của năm thằng lính ngu ngơ như mình. Tôi không biết phải tính sao với cái vốn liếng chiến trường là con số không nầy, chỉ biết ngữa mặt lên trời phó thác cho số mạng. Lúc nầy tôi mới thấy sợ, đang ở trong vùng địch đóng mà trên tay không có một tấc sắt hộ thân, chỉ biết trông cậy vào đôi chân”chạy” của mình. Những bài học về “Mưu Sinh Thoát Hiểm” ở quân trường Thủ Đức sợ quá bay đi đâu mất. Trong đầu cũng chẳng còn một chút xíu nào trang bị cho một người lính khi gặp hiểm nguy. Tôi tự trách mình, khi học ở quân trường xem thường các bài học về chiến thuật, cứ ngủ gà ngủ gật, đêm ngày cứ lo viết thư tình cho mấy con bồ, không để tâm trí cho cái chuyện “làm quan” của mình, cái chuyện chết sống của đời mình. Tôi nghĩ trong đầu, nếu có dịp trở về Thủ Đức để học lại, hay tu nghiệp tôi sẽ không bao giờ bỏ sót một tiết học nào. Thế nhưng bây giờ thì quá muộn.
Ngồi nghỉ chừng một tiếng đồng hồ, tôi hỏi chung chung: ”Bây giờ mình đi, hay ngồi nghỉ ở đây?”, Hợi (trung sĩ, toán phó) trả lời: “Chạy từ sáng tới giờ, chân tay bủn rủn đứng không nổi thì làm sao mà đi được. Để anh em nghỉ đêm ở đây rồi mai tính sau, Thiếu úy ạ” – Thường thường trong các đơn vị quân đội, các thuộc hạ hay gọi chỉ huy của mình lên một cấp bậc.- Nghe nó gọi mình là “Thiếu úy”, trước đây thì không sao, nhưng bây giờ tôi thấy nó mỉa mai quá.
Một thằng sĩ quan ngu ngơ, mặt mày búng ra sữa mà chỉ huy bốn thằng kinh nghiệm đầy mình trên trận mạc. Tự nhiên sao tôi cảm thấy thẹn quá. Để đỡ bớt chút thẹn thùng nầy, tôi nói: “Thôi được, mình di chuyển vào phía trong, tránh đường mòn xa xa để họ khỏi phát hiện. Tìm một lùm cây, anh em mình nằm chung với nhau, sống thì sống hết, còn chết thì cũng vậy cho có bạn”.
Thằng Hải Con (sau nầy nó làm tài lọt cho tôi) xoay qua tôi: “Đi hành quân, đừng nói chuyện “chết”, xui lắm Thiếu úy ơi”. Tôi làm thinh, cùng với anh em đi tìm chổ nghỉ. Tôi không tài nào ngủ được, một tiếng động nhỏ cũng làm cho tôi hết hồn. Nhìn qua bên cạnh, tôi thấy mọi người đều ngủ say, hình như họ quen với chuyện hiểm nguy, nên cứ tỉnh bơ. Còn tôi lần đầu tiên gặp hoàn cảnh nguy kịch nầy, sợ hãi và lo lắng không làm cho tôi chợp mắt được. Tôi ngồi dậy bò ra bên ngoài dựa lưng vào gốc cây, lấy nón lưỡi trai che kín để hút thuốc vừa canh chừng cho anh em ngủ. Hít một hơi thuốc thật dài, tôi thấy nó “đã” làm sao đâu, một hơi thuốc mà cả ngày không đụng tới, không thấy thèm, không nghĩ tới nó vì vừa sợ, vừa chạy. Còn bây giờ được ngồi yên một chỗ, định thần trở lại, bụng đói meo nhưng điếu thuốc cần hơn. Lật đồng hồ trên tay, bây giờ mới 5 giờ chiều mà núi rừng đã tối mò, còn một đêm dài dằng dặc phải nghĩ ra cách thoát khỏi nơi đây. Nhớ lại cái thời Đông Châu, nghĩ cái chuyện thoát thân thôi mà Ngũ Tử Tư sau một đêm đầu bạc trắng.
Còn tôi bây giờ không biết có được may mắn như ông không? Sau một đêm phờ phạc, chẳng nghĩ ra được cách thoát thân, hay sớ rớ bị họ tóm cổ. Tôi thông cảm tâm trạng của người trong tư thế cùng đường, vì chính tụi tôi đang ở trong tình huống nầy. Sau nầy qua Mỹ, tôi có làm một bài thơ về nhân vật nầy:
*“…Ngài vượt qua cửa ải thoát thân
Ta cũng trốn chạy năm lần bảy lượt
Cái nguy của ta Ngài đâu sánh được
Rừng thẳm bể sâu tan xác như chơi
Ta mạc kiếp kẻ bất phùng thời
Sống chết trong đường tơ kẻ tóc
Thân rời rã, hồn xiêu phách lạc
Mê man mù tịt cõi đi về…”
Nửa đêm, tất cả đều thức dậy thầm thì bàn chuyện thoát thân. Tôi đề nghị, phải tìm cho ra một con suối rồi men theo bờ suối đi xuống đất liền. Để giải quyết tình trạng”khát nước” của tất cả anh em, còn “đói” có thể chịu đựng được vài ngày. “Còn tới được đất liền, thì đi đâu?”, một thằng toán viên làm khó tôi? Hỏi một câu mà tôi chưa nghĩ ra được cách trả lời. Tôi buộc miệng: “Nhắm hướng mặt trời mọc mà đi”. Trời ơi, sao tôi thông minh quá vậy. Bài học ngày xưa thời tiểu học mà không biết đấng vô hình nào nhắc cho tôi nhớ lại.
Miền Trung của tôi phía tây giáp núi, phía đông giáp biển. Cứ theo hướng đông mà đi thế nào cũng gặp Quốc Lộ I, con đường xuyên Việt nầy là cái xương sống của đất nước, bao giờ cũng được lính Quốc Gia bảo vệ. Từ toán Phó cho tới toán viên mới bắt đầu tin tưởng vào tôi, thằng chuẩn úy non sữa nầy cũng còn có chút thông minh, đáng tin cậy được. Tôi nói với trung sĩ Hợi áp tai xuống đất nghe xem có tiếng nước chảy gần đây không? Hợi làm theo lời tôi và nói có nghe nhưng chắc còn xa lắm, vì tiếng kêu quá nhỏ. Tôi bảo cứ 15 phút thì áp tai một lần, nếu không nghe tức là mình đi trật hướng, còn nếu nghe tiếng nước rỏ hơn, tức là mình đi đúng hướng. Thế mà tìm ra được con suối chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ. Tới nơi, việc đầu tiên là uống một bụng nước, tắm rửa nghỉ ngơi, sáng hôm sau đi tiếp. Đường trên núi thì chúng tôi ngày đi đêm nghỉ, còn dưới đồng bằng thì ngược lại ngày nghỉ đêm đi. Thật tình thì chúng tôi di chuyển rất chậm, đường trên rừng núi phải luồn lách để vượt qua và giữ cự ly với con suối để giải quyết tình trạng khát nước của anh em.
Một lần chúng tôi đi gần vào chổ đóng quân của quân giải phóng (tôi đoán như vậy). Vì chúng tôi thấy họ tắm giặt dưới suối. Tìm một bụi cây rậm rạp, cách con suối 50 mét chúng tôi nằm yên bất động, để chờ không còn người nào thì chúng tôi mới di chuyển tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi mới chạm mặt với những con người của giải phóng quân. Buồn cười nhất, có một người vắt cái khăn trên vai, vừa đi vừa nghêu ngao hát “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao. Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”. Bản nhạc Duyên Kiếp của Lam Phương, bản nhạc mà tụi tôi sau nầy hay đùa là nó cũng đã vượt lằn ranh của thù hận, tụi tôi nhìn nhau mĩm cười. Người anh em bên kia chiến tuyến cũng tình tứ quá đi chứ. Sau lớp đàn ông tắm xong, thì tới lớp đàn bà tắm. Con mắt mấy thằng tụi tôi muốn nổ tung, vì cái cảnh thay áo quần của họ.
Gần ba ngày sau, chúng tôi mới xuống được đất liền. Sức khỏe của anh em rất bệ rạc. Tôi bảo với trung sĩ Hợi là leo lên cây thật cao để quan sát tình hình chung quanh, đến chạng vạng tối là tụi tôi di chuyển thật nhanh. Đêm hôm sau vào lúc 1 giờ sáng chúng tôi tới được một khu nhà tranh cách một cái đồi chừng 500 mét. Đói quá không còn chịu nổi, chúng tôi mò vào nhà bếp của một trong những căn nhà đó để tìm cơm nguội. Không ngờ một ông cụ trong nhà phát hiện. Ông nằm trên nhà nói vọng xuống bếp: “Mấy ông là Quốc Gia hay Giải Phóng?”. Thằng Hải bò lên gần cửa nhà trên, trả lời nho nhỏ: “Quốc Gia”. Ông thắp đèn dầu đi xuống bếp, rồi cũng nói nho nhỏ cho chúng tôi đủ nghe: “Đi khỏi đây nhanh lên, căn cứ West đóng trên ngọn đồi đã mất cách đây mấy ngày”. Thằng Hải nói: “Đói quá bác ơi, năm ngày ni không có hạt cơm bỏ bụng, làm sao đi nổi. Bác làm ơn cho tụi con một chén cơm được không?”. Ông già gật đầu, bảo tụi tôi lên nhà trên ngồi ở đó rồi ông nấu cho một nồi cơm, rang một lon đậu phụng, xong mang chén đủa lên nhà trên cho tụi tôi ăn trong bóng tối. Ông chỉ cho tụi tôi chạy theo đường mòn trước nhà, chừng 5 cây số sẽ thấy một cái đồn nghĩa quân. Chúng tôi không ngờ gặp được một người tốt như vậy. Quốc gia hay cộng sản đối với người dân vùng nầy lúc đó chẳng có gì quan trọng. Miễn sao để cho họ yên thân, còn bên nào cũng được. Tôi hứa trong lòng có dịp trở lại vùng nầy, tôi sẽ tìm gặp ông, cám ơn ông thật nhiều mà trong lúc nguy biến gấp quá, chúng tôi không nói gì được. Làm sao phải trả lại ông một món nợ vô cùng to lớn mà ông đã giúp cho chúng tôi trên con đường sinh tử của chiến tranh. Nghĩ vậy nhưng không bao giờ có một dịp gặp lại ông lão ấy. Một điều lạ, sau khi ăn uống xong trong người thấy phục hồi ngay, có lẽ vì quá sợ sẽ bị bắt nếu chần chờ trể nãi, vì vậy đứa nào cũng cảm thấy đủ sức chạy đường dài. Chạy đến 5 giờ sáng chúng tôi mới nhìn thấy đồn nghĩa quân hiện ra giữa cánh đồng mờ mờ, bao bọc chung quanh nhiều lớp concertina.
Dừng lại giữa đường, tôi nói với tất cả anh em là mình ra nằm ngoài bờ ruộng, vì đứng lại trên đường rất nguy hiểm. Một phần sợ nghĩa quân trong đồn bắn ra, một phần sợ du kích phát hiện, chúng tôi cùng nhau bò ra bờ ruộng để chờ trời sáng, nằm trong tư thế yên lặng. Khi mặt trời bắt đầu lên, mọi vật đều trông thấy rõ ràng, tôi giơ cao áo thun trắng cho lính gác trong đồn trông thấy, chúng tôi đứng trên bờ ruộng chờ đợi. Tôi thấy anh em nghĩa quân chạy ra giao thông hào trong tư thế sẳn sàng tác chiến, mọi họng súng chỉa đến chúng tôi. Một người lính trên vọng gác ra lịnh cho tụi tôi chỉ 1 người đến gần hàng rào nói chuyện, còn mấy người kia đứng yên tại chổ. Tôi bước đến trước nói chuyện với một người chỉ huy trong đồn (tụi tôi sau nầy mới biết đó là trung đội trưởng nghĩa quân). Tôi cho anh biết tên đơn vị của chúng tôi, nhảy viễn thám bị VC phát hiện nên phải chạy thoát. Bây giờ nhờ anh liên lạc giùm để cho trực thăng đến đón chúng tôi. Anh vào trong trại gọi máy chừng nửa giờ rồi bước ra báo cho tôi biết 1 giờ sau trực thăng sẽ tới. Anh ra lệnh cho anh em trong đồn ra mở cổng cho tụi tôi vào bên trong. Khi vào trong đồn lúc ấy tụi tôi mới chắc chắn mình còn giữ được mạng sống. Anh nấu nước mời chúng tôi uống và hỏi chuyện đủ thứ. Trong lời nói chuyện anh rất nể nang chúng tôi, vì anh nghĩ hai chữ “Trinh Sát” của tụi tôi đang mang là thuộc loại lính thứ dữ, chứ anh đâu biết bây giờ tụi tôi chỉ là những con “thỏ đế” run sợ trước mọi thứ. Tôi thầm khâm phục tinh thần của anh em nghĩa quân, sự chiến đấu dũng cảm của họ giữa cái đồn heo hút, súng ống không đầy đủ, lương bổng chẳng bao nhiêu và mọi thứ đều thiếu thốn, thế mà họ là mối khiếp sợ của du kích trong vùng đó. Sức chiến đấu gan lì của họ không thua gì các đơn vị chủ lực.
Người lính nghĩa quân
Anh lính nghĩa quân gác ngoài cổng gọi vào cho biết, có 3 chiếc trực thăng trên bầu trời. Tụi tôi mừng quá chạy ra bên ngoài nhìn lên, tất cả đưa tay vẫy. Tôi nói với anh Trung đội trưởng nghĩa quân cho tôi xin một trái lựu đạn khói, rồi bảo một người lính của tụi tôi chạy ra tìm một bãi trống ném trái khói ra đó để trực thăng đáp. Chúng tôi lần lượt bắt tay từng người lính nghĩa quân và nói lời cám ơn, rồi ra bãi chờ trực thăng bốc. Một chiếc sà xuống bãi để bốc chúng tôi, còn hai chiếc gunship bay phía trên làm nhiệm vụ yểm trợ. Leo lên được máy bay chúng tôi đưa tay vẩy chào các anh nghĩa quân trong đồn.
Khi máy bay lên cao độ nhìn xuống tôi mới biết cái đồn nghĩa quân nầy heo hút thật. Tội nghiệp những con người chiếu đấu âm thầm không một lời than thở. Bay chừng nửa giờ, chúng tôi nhìn xuống thấy phi trường trực thăng của trung đoàn phía dưới, phi trường thân quen mà chúng tôi từng đi hành quân viễn thám hay diều hâu bằng trực thăng. Trông thấy lính đứng lố nhố dưới sân bay, tôi biết anh em trong đại đội trinh sát ra đón chúng tôi, tâm trạng buồn bã của mọi người trong 5 ngày mất tích của tụi tôi, như “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Họ mừng biết mấy thấy chúng tôi trở về, tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ thương nhau lắm.
Chúng tôi bước xuống máy bay, cả đại đội ào ra ôm lấy tụi tôi. Mừng mừng, tủi tủi như người chết đi sống lại. Đại úy Điệp, đại đội trưởng của tụi tôi đến bắt tay rồi ôm tôi, ông nói những lời khen tôi sẽ là một sĩ quan giỏi sau nầy.
Tôi không có dịp thể hiện bài học Lãnh Đạo Chỉ Huy mà trong quân trường đã dạy, không ra một mệnh lệnh nào để cả toán chúng tôi tránh được sự truy lùng của VC. Chỉ biết chạy và trong cái may mắn đó là trên con đường di chuyển chúng tôi không đối mặt với họ. Thế thì tôi không biết làm thế nào tôi trở thành một sĩ quan tác chiến giỏi được. Tôi cúi mặt cảm thấy thẹn thùng với lời khen tặng đó. Trong trung đội viễn thám của tụi tôi các sĩ quan ở chung một phòng. Trung đội trưởng là Thiếu úy Âu (khoá 24 sĩ quan Đà Lạt, Âu cũng học một lớp với tôi thời trung học), trung đội phó là Thiếu úy Nguyên. Sơn, Cường và tôi chuẩn úy làm trưởng toán. 8 giờ tối ngày hôm đó, mệt quá tôi lo đi ngủ trước, còn những người khác ngồi đánh domino. Đang thiu thiu thì Sơn dựng tôi dậy bảo là Đại úy bồi dưỡng cho mầy, ngồi dậy ăn. Tôi nhìn trên bàn có một dĩa thịt gà lớn và một soong cháo. Thằng lính làm ở Câu Lạc Bộ mang đồ ăn cho tụi tôi. Sơn nói với nó là xuống lấy 1 lít đế lên, ghi sổ cho Thiếu úy Âu thiếu chịu. Âu hỏi Sơn tại sao lại ghi chịu cho tau. Sơn giải thích là Đại đội trưởng bồi dưỡng thức ăn thì Trung đội trưởng phải bồi dưỡng rượu chứ. Âu gật gù bảo với thằng lính còn đứng đó, mang cho tau 3 lít, để tau cho tụi nầy chết đêm nay. Thế là anh em tụi tôi ngồi uống tới sáng.
Tuổi trẻ của tụi tôi thế đó, được trui rèn và trưởng thành trong chiến tranh.
Ngụp lặn giữa một biển lửa ngùn ngụt thiêu hủy tất cả. Sống sót được đó là một phép lạ. Tôi nhìn Cường ngồi gật gù trên ghế, mới có 6 năm trong chiến trường, mới có 27 tuổi đầu trông như một ông cụ non. Cái hồn nhiên không có trong tuổi trẻ của chúng tôi, mà hạt mầm nầy nó đã chai cằn và lụi tàn trong bệnh hoạn. Những gì nhớ lại đã trải qua trong thời chinh chiến, nó giống như một cơn lốc cuốn phăng tất cả chỉ còn để lại hoang tàn đổ nát cho một đất nước điêu linh, lòng người tan vỡ.
Dallas, 30 tháng 7 năm 2007
Phan xuân Sinh
Theo http://www.phanxuansinhusa.com/gio-bui-mot-thoi-2/
*(Bài thơ nầy trong tập “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, so sánh cái hiểm nguy của Ngũ-Tử-Tư và cái nguy hiểm của tôi khi tìm đường thoát thân ra khỏi đất nước. Ông thì ra khỏi đất nước nuôi chí lớn rất thành công. Còn tôi thì nuôi chí nhỏ lụn bại suốt cả cuộc đời. Khi viết bút ký nầy tôi thấy cái tình huống tương đối giống nhau nên tôi để mấy câu thơ vào.)
Sinh Tồn chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Phan Xuân Sinh – Gió bụi một thời
Tôi rời Đà Nẵng gần cuối năm 1974 để vào sống tại Sài Gòn. Trong dự trù, sau khi giải ngũ tôi được lãnh số tiền trợ cấp hàng tháng để yên tâm đi học trở lại.
Số tiền nầy dư giả cho tôi trang trải mọi chi phí về chuyện ăn ở tại Sài Gòn mà không cần sự trợ cấp của gia đình. Tất cả hồ sơ giải ngũ của tôi từ Trung Tâm I Quản Trị được gửi vào Trung Tâm III Quản Trị. Nếu không có biến chuyển gì thì tháng 4 năm 75 tôi sẽ ra Hội Đồng để duyệt xét mức độ tàn phế.
Nhưng chiến cuộc leo thang, mọi dự định liên quan đến cuộc đời tôi đều trật.
Tháng 3 Đà Nẵng mất, suốt ngày tôi lang thang ngoàì phố, ngồi các quán café Thu Hương, Thanh Bạch v.v… ở đường Lê Lợi tìm người quen mới chạy thoát vào Sài Gòn, để hỏi thăm tin tức liên quan tới Đà Nẵng, liên quan đến gia đình đang kẹt lại. Mọi tin tức tôi thu lượm được đều xấu. Tối về mở radio để nghe BBC hay VOA về tình hình chiến sự ngoài đó, tôi đều thất vọng. Làn sóng di dân vào phía Nam bằng mọi phương tiện nhiều vô kể, trong đó những thảm cảnh xẩy ra cho người dân không ít. Chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả tang thương nhất trên con đường chạy loạn.
24/3/1975 – Dân chúng di tản khỏi Đà Nẵng
Một hôm, ngồi một mình trên chiếc ghế kê sát vỉa hè của quán Thanh Bạch, tôi gặp Cường đang đi trên hè phố, mặc bộ đồ lính của Trinh Sát Trung đoàn 51, lon trung úy màu đen trên cổ áo. Bộ đồ lính thân quen với tôi, đến khi tôi bị bỏ cuộc tại chiến trường, mới rời nó. Tôi đứng dậy gọi Cường. Cường đứng lại nhìn tôi rồi chạy lại ôm tôi. Hai đứa ràn rụa nước mắt, không ngờ rốt cuộc hai đứa lại gặp nhau tại Sài Gòn. Cường không ngờ rằng tôi vào được Sài Gòn giữa lúc tình thế hổn loạn như thế nầy, với tấm thân tật nguyền của tôi, chứ Cường không biết tôi đã vào trước. Còn tôi không nghĩ gặp lại Cường vì đơn vị của Cường lúc đó đang trấn thủ tại địa đầu giới tuyến, không cách nào thoát được. Cường cùng một khóa với tôi ở quân trường Thủ Đức, hai đứa ra cùng một đơn vị đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 51/ Biệt lập, đóng quân tại Quảng Nam. Sau khi tôi bị thương trong Mùa-Hè-Đỏ-Lửa 1972 thì đơn vị ra Huế sáp nhập vào Sư Đoàn 1. Sư Đoàn 3 vào Quảng Nam thay chổ của Trung Đoàn 51 cũ.
Tôi nhớ lại lúc mới ra trường, Cường với tôi làm trưởng toán viễn thám. Lúc nào nhảy viễn thám thì đi riêng theo toán của mình, còn lúc nào hành quân diện địa thì đi chung với nhau. Cường bao giờ cũng mang đầy đủ đồ đạc trong ba lô nặng trĩu khi đi hành quân, còn tôi sợ mang nặng nên đồ đạc mang theo đại khái. Trời lạnh tôi hay rúc vào chăn của Cường, hay khi dừng quân ăn cơm Cường bao giờ cũng chia cho tôi những đồ ăn mang theo. Tội nghiệp con bồ của nó ở Sài Gòn lấy chồng khác, làm cho nó mất ăn mất ngủ mấy tháng. Nó nói với tôi là tụi nó yêu nhau khi còn đi học hơn 2 năm rồi, ăn nằm với nhau như vợ chồng thế mà vẫn chia tay dễ dàng. Tôi nói đùa với nó là bởi vì mầy ăn nằm với con nhỏ thường xuyên, bây giờ mầy ở xa làm sao nó chịu nổi.
Chẳng lẽ đêm nào cũng nằm chàng hảng chờ mầy sao? Đâu được, phải kiếm ngay một thằng khác để làm chuyện đó chứ. Con gái như vậy mới thực dụng, yêu mấy thằng tác chiến làm gì cho khổ, trước sau gì cũng chết, rồi chít khăn tang, rồi cô nhi quả phụ, đủ thứ lỉnh kỉnh, rắc rối cuộc đời. Lấy một thằng lính kiểng ở Sài Gòn khỏe re, đêm nào cũng bắt nó làm tình cho bỏ ghét. Cái lý luận cùn của tôi coi vậy mà thằng Cường tin phong phóc. Sau khi ăn cơm chiều, 5 thằng sĩ quan viễn thám ra ngồi trước hiên hút thuốc. Cường nói với tôi là tau nghĩ đi nghĩ lại mấy ngày nay, mầy phân tích đúng, thôi thì để cho nó lấy chồng cho rồi chứ chờ mình biết khi nào mới xong. Mấy thằng ngồi quanh cười hể hả bắt tay Cường như chia sẻ một chút đắng cay.
Chúng tôi ngồi trước quán Thanh Bạch mấy tiếng đồng hồ, kể cho nhau nghe về chuyện của đơn vị, chuyện riêng tư, chuyện thiên hạ. Nghĩa là nhớ đâu kể đó, nhớ đâu hỏi đó. Tôi hỏi Cường về Sài Gòn có gặp lại con bồ cũ của nó không? Nó cười cười khoái chí: “Em nghe tau về có qua thăm, em khóc dữ lắm. Em bảo là gia đình của em bắt em phải lấy thằng đó cho an toàn. Còn tau ở tận ngoài Vùng I, chổ khỉ ho cò gáy, chết sống mong manh. Chờ làm chi cho uổng đời con gái. Có một điều lạ, là khi gặp lại em, trong lòng tau dửng dưng hết sức. Em bảo là muốn có với tau một đứa con, nên tau chìu ý em. Sau khi thằng chồng đi làm là em qua nhà tau ở tới chiều, ngày nào cũng vậy. Thôi thì mình cũng làm ơn, làm phước một lần”. Nghe cái giọng đểu cáng của nó, làm cho tôi khựng lại. Một thằng khi mới ra đơn vị hiền lành, ngô nghê, bị mấy thằng lính chọc quê. Thế mà trong vòng mấy năm chiến trường trui rèn cho nó trở thành một con người cứng cỏi, lọc lừa như vậy. Cường kể cho tôi nghe về chuyện bỏ Huế ra đi, nó không ngờ tan hàng nhanh quá trong lúc các đơn vị vẫn còn đóng quân tại chổ. Đài phát thanh Huế kêu gọi các đơn vị tử thủ để giữ Huế. Trên máy truyền tin cấp chỉ huy ra lệnh không được di chuyển đơn vị, nằm yên tại chổ chờ lệnh. Chờ dài cổ không có lệnh lạc gì cả, gọi lại Phòng 3 trung đoàn, sư đoàn, thì không liên lạc được vì nơi đó tắt máy yên lặng. 7 giờ tối nghe BBC mới biết Huế sắp mất. “Quần Thần lơ láo” mạnh ai nấy chạy.
Cường hỏi tôi: “Mầy còn nhớ thằng Thẻo không?”, tôi gật đầu. Thẻo là hạ sĩ mang trung liên của Trung đội Viễn Thám, nhà ở Cầu Hai, gia đình làm nghề đánh cá. Thẻo dẫn Cường chạy theo nó về nhà ở Cầu Hai rồi lấy ghe đưa Cường vào Lăng Cô, để nhập vào đoàn người chạy loạn vượt đèo Hải Vân vô Đà Nẵng. Từ đó Cường may mắn leo được lên tàu hải quân vào Vũng Tàu.
Trong những ngày gần cuối tháng 4 năm 75 tụi tôi sáng nào cũng đi uống café, chiều thì làm vài xị đế, nói chuyện đủ thứ trên đời, vui buồn, cười đùa, hằn học v.v… phần nhiều nói về đơn vị cũ. Sau nầy có một thằng bạn của Cường phục vụ tại tiểu khu Quảng Nam cấp bậc thiếu úy, chạy thục mạng, qua bao nhiêu gian truân mới vào được tới Sài Gòn. Nhập bọn với tụi tôi. Nó biết tôi là dân Đà Nẵng, nên cay đắng kể cho tôi nghe về những giờ phút hấp hối của Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3. Nó khinh tởm kể về những cấp chỉ huy hèn mạt của nó. Ngồi trên tàu cùng với vợ con chuẩn bị chạy vào Sài Gòn, mà vẫn ra lệnh trên máy truyền tin cho các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến giờ phút cuối mà còn lường gạt thuộc cấp của mình một cách hèn hạ như vậy, thì thử hỏi làm sao đất nước không rơi vào tay cộng sản nhanh chóng được. Tụi tôi những thằng sĩ quan cấp bậc tép riu, chỉ huy những đơn vị nhỏ, trấn giữ các tiền đồn heo hút làm sao chạy kịp. Khi đã biết mình bị bỏ rơi, thì liều mạng mở đường máu. Còn nếu không còn cách nào khác thì cùng với anh em, bắn tới viên đạn cuối cùng rồi tự tử. Tôi ngồi nghe mà thấm đau.
Những nhọc nhằn, nghiệt ngã đối với anh em chúng tôi trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, nó giống như những vở kịch mà người ta mang những mặt nạ cho thích nghi với cuộc sống, thay lên đổi xuống không ngượng ngập.
Đầu óc của anh em chúng tôi trong veo, cả tin và chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của thượng cấp. Ngồi kể cho nhau nghe mà lòng của tụi tôi đầy ngán ngẫm, mọi thần tượng trong quân đội trước đây tụi tôi rất kính trọng, bây giờ đều sụp đổ.
Một lần ngồi uống rượu ngà ngà, Cường hỏi tôi có còn nhớ lần nhảy viễn thám ở quận Đức Dục không? Nghe nhắc lại tôi tỉnh người ngay. Làm sao tôi quên được một kỷ niệm khó quên. Lúc đó tôi và Cường mới về đơn vị. Trung đội tôi được chia thành 3 toán để đi nhảy viễn thám. Tôi, Cường và Sơn (Sơn ra đơn vị trước tụi tôi 3 tháng) là toán trưởng của ba toán đó. Toán của tôi nhảy đầu, tôi vừa từ trực thăng nhảy xuống thì nghe tiếng hô “xung phong” vang dội núi rừng. Thằng lính truyền tin chỉ kịp bấm vào ống liên hợp của máy PRC25, báo cho đại đội biết là toán đã bị phát hiện, rồi tháo máy vất lại đó bỏ chạy. Sau nầy tôi được Cường cho biết là toán của tôi bị phát hiện nên hai toán còn lại rút về ngay, chứ không nhảy viễn thám bữa đó. Trong 5 thằng tụi tôi trên người chỉ còn lại bộ đồ đang mặc còn tất cả vất hết. Vì phải lo thoát thân ra khỏi vùng bị phát hiện nên không biết địa hình và phương hướng. Từ sáng chạy tới chiều, mọi người mệt lả mới tìm chổ nghỉ chân. Khi tỉnh người lại tôi mới thất kinh, bây giờ tôi làm sao định hình để tìm điểm đứng của mình hiện tại, núi rừng trùng trùng điệp điệp trên tay không có máy tuyền tin, súng ống, bản đồ, la bàn v.v… Chuẩn úy mới ra lò, kinh nghiệm chiến trường không có, mà lại cầm mạng sống của năm thằng lính ngu ngơ như mình. Tôi không biết phải tính sao với cái vốn liếng chiến trường là con số không nầy, chỉ biết ngữa mặt lên trời phó thác cho số mạng. Lúc nầy tôi mới thấy sợ, đang ở trong vùng địch đóng mà trên tay không có một tấc sắt hộ thân, chỉ biết trông cậy vào đôi chân”chạy” của mình. Những bài học về “Mưu Sinh Thoát Hiểm” ở quân trường Thủ Đức sợ quá bay đi đâu mất. Trong đầu cũng chẳng còn một chút xíu nào trang bị cho một người lính khi gặp hiểm nguy. Tôi tự trách mình, khi học ở quân trường xem thường các bài học về chiến thuật, cứ ngủ gà ngủ gật, đêm ngày cứ lo viết thư tình cho mấy con bồ, không để tâm trí cho cái chuyện “làm quan” của mình, cái chuyện chết sống của đời mình. Tôi nghĩ trong đầu, nếu có dịp trở về Thủ Đức để học lại, hay tu nghiệp tôi sẽ không bao giờ bỏ sót một tiết học nào. Thế nhưng bây giờ thì quá muộn.
Ngồi nghỉ chừng một tiếng đồng hồ, tôi hỏi chung chung: ”Bây giờ mình đi, hay ngồi nghỉ ở đây?”, Hợi (trung sĩ, toán phó) trả lời: “Chạy từ sáng tới giờ, chân tay bủn rủn đứng không nổi thì làm sao mà đi được. Để anh em nghỉ đêm ở đây rồi mai tính sau, Thiếu úy ạ” – Thường thường trong các đơn vị quân đội, các thuộc hạ hay gọi chỉ huy của mình lên một cấp bậc.- Nghe nó gọi mình là “Thiếu úy”, trước đây thì không sao, nhưng bây giờ tôi thấy nó mỉa mai quá.
Một thằng sĩ quan ngu ngơ, mặt mày búng ra sữa mà chỉ huy bốn thằng kinh nghiệm đầy mình trên trận mạc. Tự nhiên sao tôi cảm thấy thẹn quá. Để đỡ bớt chút thẹn thùng nầy, tôi nói: “Thôi được, mình di chuyển vào phía trong, tránh đường mòn xa xa để họ khỏi phát hiện. Tìm một lùm cây, anh em mình nằm chung với nhau, sống thì sống hết, còn chết thì cũng vậy cho có bạn”.
Thằng Hải Con (sau nầy nó làm tài lọt cho tôi) xoay qua tôi: “Đi hành quân, đừng nói chuyện “chết”, xui lắm Thiếu úy ơi”. Tôi làm thinh, cùng với anh em đi tìm chổ nghỉ. Tôi không tài nào ngủ được, một tiếng động nhỏ cũng làm cho tôi hết hồn. Nhìn qua bên cạnh, tôi thấy mọi người đều ngủ say, hình như họ quen với chuyện hiểm nguy, nên cứ tỉnh bơ. Còn tôi lần đầu tiên gặp hoàn cảnh nguy kịch nầy, sợ hãi và lo lắng không làm cho tôi chợp mắt được. Tôi ngồi dậy bò ra bên ngoài dựa lưng vào gốc cây, lấy nón lưỡi trai che kín để hút thuốc vừa canh chừng cho anh em ngủ. Hít một hơi thuốc thật dài, tôi thấy nó “đã” làm sao đâu, một hơi thuốc mà cả ngày không đụng tới, không thấy thèm, không nghĩ tới nó vì vừa sợ, vừa chạy. Còn bây giờ được ngồi yên một chỗ, định thần trở lại, bụng đói meo nhưng điếu thuốc cần hơn. Lật đồng hồ trên tay, bây giờ mới 5 giờ chiều mà núi rừng đã tối mò, còn một đêm dài dằng dặc phải nghĩ ra cách thoát khỏi nơi đây. Nhớ lại cái thời Đông Châu, nghĩ cái chuyện thoát thân thôi mà Ngũ Tử Tư sau một đêm đầu bạc trắng.
Còn tôi bây giờ không biết có được may mắn như ông không? Sau một đêm phờ phạc, chẳng nghĩ ra được cách thoát thân, hay sớ rớ bị họ tóm cổ. Tôi thông cảm tâm trạng của người trong tư thế cùng đường, vì chính tụi tôi đang ở trong tình huống nầy. Sau nầy qua Mỹ, tôi có làm một bài thơ về nhân vật nầy:
*“…Ngài vượt qua cửa ải thoát thân
Ta cũng trốn chạy năm lần bảy lượt
Cái nguy của ta Ngài đâu sánh được
Rừng thẳm bể sâu tan xác như chơi
Ta mạc kiếp kẻ bất phùng thời
Sống chết trong đường tơ kẻ tóc
Thân rời rã, hồn xiêu phách lạc
Mê man mù tịt cõi đi về…”
Nửa đêm, tất cả đều thức dậy thầm thì bàn chuyện thoát thân. Tôi đề nghị, phải tìm cho ra một con suối rồi men theo bờ suối đi xuống đất liền. Để giải quyết tình trạng”khát nước” của tất cả anh em, còn “đói” có thể chịu đựng được vài ngày. “Còn tới được đất liền, thì đi đâu?”, một thằng toán viên làm khó tôi? Hỏi một câu mà tôi chưa nghĩ ra được cách trả lời. Tôi buộc miệng: “Nhắm hướng mặt trời mọc mà đi”. Trời ơi, sao tôi thông minh quá vậy. Bài học ngày xưa thời tiểu học mà không biết đấng vô hình nào nhắc cho tôi nhớ lại.
Miền Trung của tôi phía tây giáp núi, phía đông giáp biển. Cứ theo hướng đông mà đi thế nào cũng gặp Quốc Lộ I, con đường xuyên Việt nầy là cái xương sống của đất nước, bao giờ cũng được lính Quốc Gia bảo vệ. Từ toán Phó cho tới toán viên mới bắt đầu tin tưởng vào tôi, thằng chuẩn úy non sữa nầy cũng còn có chút thông minh, đáng tin cậy được. Tôi nói với trung sĩ Hợi áp tai xuống đất nghe xem có tiếng nước chảy gần đây không? Hợi làm theo lời tôi và nói có nghe nhưng chắc còn xa lắm, vì tiếng kêu quá nhỏ. Tôi bảo cứ 15 phút thì áp tai một lần, nếu không nghe tức là mình đi trật hướng, còn nếu nghe tiếng nước rỏ hơn, tức là mình đi đúng hướng. Thế mà tìm ra được con suối chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ. Tới nơi, việc đầu tiên là uống một bụng nước, tắm rửa nghỉ ngơi, sáng hôm sau đi tiếp. Đường trên núi thì chúng tôi ngày đi đêm nghỉ, còn dưới đồng bằng thì ngược lại ngày nghỉ đêm đi. Thật tình thì chúng tôi di chuyển rất chậm, đường trên rừng núi phải luồn lách để vượt qua và giữ cự ly với con suối để giải quyết tình trạng khát nước của anh em.
Một lần chúng tôi đi gần vào chổ đóng quân của quân giải phóng (tôi đoán như vậy). Vì chúng tôi thấy họ tắm giặt dưới suối. Tìm một bụi cây rậm rạp, cách con suối 50 mét chúng tôi nằm yên bất động, để chờ không còn người nào thì chúng tôi mới di chuyển tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi mới chạm mặt với những con người của giải phóng quân. Buồn cười nhất, có một người vắt cái khăn trên vai, vừa đi vừa nghêu ngao hát “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao. Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”. Bản nhạc Duyên Kiếp của Lam Phương, bản nhạc mà tụi tôi sau nầy hay đùa là nó cũng đã vượt lằn ranh của thù hận, tụi tôi nhìn nhau mĩm cười. Người anh em bên kia chiến tuyến cũng tình tứ quá đi chứ. Sau lớp đàn ông tắm xong, thì tới lớp đàn bà tắm. Con mắt mấy thằng tụi tôi muốn nổ tung, vì cái cảnh thay áo quần của họ.
Gần ba ngày sau, chúng tôi mới xuống được đất liền. Sức khỏe của anh em rất bệ rạc. Tôi bảo với trung sĩ Hợi là leo lên cây thật cao để quan sát tình hình chung quanh, đến chạng vạng tối là tụi tôi di chuyển thật nhanh. Đêm hôm sau vào lúc 1 giờ sáng chúng tôi tới được một khu nhà tranh cách một cái đồi chừng 500 mét. Đói quá không còn chịu nổi, chúng tôi mò vào nhà bếp của một trong những căn nhà đó để tìm cơm nguội. Không ngờ một ông cụ trong nhà phát hiện. Ông nằm trên nhà nói vọng xuống bếp: “Mấy ông là Quốc Gia hay Giải Phóng?”. Thằng Hải bò lên gần cửa nhà trên, trả lời nho nhỏ: “Quốc Gia”. Ông thắp đèn dầu đi xuống bếp, rồi cũng nói nho nhỏ cho chúng tôi đủ nghe: “Đi khỏi đây nhanh lên, căn cứ West đóng trên ngọn đồi đã mất cách đây mấy ngày”. Thằng Hải nói: “Đói quá bác ơi, năm ngày ni không có hạt cơm bỏ bụng, làm sao đi nổi. Bác làm ơn cho tụi con một chén cơm được không?”. Ông già gật đầu, bảo tụi tôi lên nhà trên ngồi ở đó rồi ông nấu cho một nồi cơm, rang một lon đậu phụng, xong mang chén đủa lên nhà trên cho tụi tôi ăn trong bóng tối. Ông chỉ cho tụi tôi chạy theo đường mòn trước nhà, chừng 5 cây số sẽ thấy một cái đồn nghĩa quân. Chúng tôi không ngờ gặp được một người tốt như vậy. Quốc gia hay cộng sản đối với người dân vùng nầy lúc đó chẳng có gì quan trọng. Miễn sao để cho họ yên thân, còn bên nào cũng được. Tôi hứa trong lòng có dịp trở lại vùng nầy, tôi sẽ tìm gặp ông, cám ơn ông thật nhiều mà trong lúc nguy biến gấp quá, chúng tôi không nói gì được. Làm sao phải trả lại ông một món nợ vô cùng to lớn mà ông đã giúp cho chúng tôi trên con đường sinh tử của chiến tranh. Nghĩ vậy nhưng không bao giờ có một dịp gặp lại ông lão ấy. Một điều lạ, sau khi ăn uống xong trong người thấy phục hồi ngay, có lẽ vì quá sợ sẽ bị bắt nếu chần chờ trể nãi, vì vậy đứa nào cũng cảm thấy đủ sức chạy đường dài. Chạy đến 5 giờ sáng chúng tôi mới nhìn thấy đồn nghĩa quân hiện ra giữa cánh đồng mờ mờ, bao bọc chung quanh nhiều lớp concertina.
Dừng lại giữa đường, tôi nói với tất cả anh em là mình ra nằm ngoài bờ ruộng, vì đứng lại trên đường rất nguy hiểm. Một phần sợ nghĩa quân trong đồn bắn ra, một phần sợ du kích phát hiện, chúng tôi cùng nhau bò ra bờ ruộng để chờ trời sáng, nằm trong tư thế yên lặng. Khi mặt trời bắt đầu lên, mọi vật đều trông thấy rõ ràng, tôi giơ cao áo thun trắng cho lính gác trong đồn trông thấy, chúng tôi đứng trên bờ ruộng chờ đợi. Tôi thấy anh em nghĩa quân chạy ra giao thông hào trong tư thế sẳn sàng tác chiến, mọi họng súng chỉa đến chúng tôi. Một người lính trên vọng gác ra lịnh cho tụi tôi chỉ 1 người đến gần hàng rào nói chuyện, còn mấy người kia đứng yên tại chổ. Tôi bước đến trước nói chuyện với một người chỉ huy trong đồn (tụi tôi sau nầy mới biết đó là trung đội trưởng nghĩa quân). Tôi cho anh biết tên đơn vị của chúng tôi, nhảy viễn thám bị VC phát hiện nên phải chạy thoát. Bây giờ nhờ anh liên lạc giùm để cho trực thăng đến đón chúng tôi. Anh vào trong trại gọi máy chừng nửa giờ rồi bước ra báo cho tôi biết 1 giờ sau trực thăng sẽ tới. Anh ra lệnh cho anh em trong đồn ra mở cổng cho tụi tôi vào bên trong. Khi vào trong đồn lúc ấy tụi tôi mới chắc chắn mình còn giữ được mạng sống. Anh nấu nước mời chúng tôi uống và hỏi chuyện đủ thứ. Trong lời nói chuyện anh rất nể nang chúng tôi, vì anh nghĩ hai chữ “Trinh Sát” của tụi tôi đang mang là thuộc loại lính thứ dữ, chứ anh đâu biết bây giờ tụi tôi chỉ là những con “thỏ đế” run sợ trước mọi thứ. Tôi thầm khâm phục tinh thần của anh em nghĩa quân, sự chiến đấu dũng cảm của họ giữa cái đồn heo hút, súng ống không đầy đủ, lương bổng chẳng bao nhiêu và mọi thứ đều thiếu thốn, thế mà họ là mối khiếp sợ của du kích trong vùng đó. Sức chiến đấu gan lì của họ không thua gì các đơn vị chủ lực.
Người lính nghĩa quân
Anh lính nghĩa quân gác ngoài cổng gọi vào cho biết, có 3 chiếc trực thăng trên bầu trời. Tụi tôi mừng quá chạy ra bên ngoài nhìn lên, tất cả đưa tay vẫy. Tôi nói với anh Trung đội trưởng nghĩa quân cho tôi xin một trái lựu đạn khói, rồi bảo một người lính của tụi tôi chạy ra tìm một bãi trống ném trái khói ra đó để trực thăng đáp. Chúng tôi lần lượt bắt tay từng người lính nghĩa quân và nói lời cám ơn, rồi ra bãi chờ trực thăng bốc. Một chiếc sà xuống bãi để bốc chúng tôi, còn hai chiếc gunship bay phía trên làm nhiệm vụ yểm trợ. Leo lên được máy bay chúng tôi đưa tay vẩy chào các anh nghĩa quân trong đồn.
Khi máy bay lên cao độ nhìn xuống tôi mới biết cái đồn nghĩa quân nầy heo hút thật. Tội nghiệp những con người chiếu đấu âm thầm không một lời than thở. Bay chừng nửa giờ, chúng tôi nhìn xuống thấy phi trường trực thăng của trung đoàn phía dưới, phi trường thân quen mà chúng tôi từng đi hành quân viễn thám hay diều hâu bằng trực thăng. Trông thấy lính đứng lố nhố dưới sân bay, tôi biết anh em trong đại đội trinh sát ra đón chúng tôi, tâm trạng buồn bã của mọi người trong 5 ngày mất tích của tụi tôi, như “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Họ mừng biết mấy thấy chúng tôi trở về, tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ thương nhau lắm.
Chúng tôi bước xuống máy bay, cả đại đội ào ra ôm lấy tụi tôi. Mừng mừng, tủi tủi như người chết đi sống lại. Đại úy Điệp, đại đội trưởng của tụi tôi đến bắt tay rồi ôm tôi, ông nói những lời khen tôi sẽ là một sĩ quan giỏi sau nầy.
Tôi không có dịp thể hiện bài học Lãnh Đạo Chỉ Huy mà trong quân trường đã dạy, không ra một mệnh lệnh nào để cả toán chúng tôi tránh được sự truy lùng của VC. Chỉ biết chạy và trong cái may mắn đó là trên con đường di chuyển chúng tôi không đối mặt với họ. Thế thì tôi không biết làm thế nào tôi trở thành một sĩ quan tác chiến giỏi được. Tôi cúi mặt cảm thấy thẹn thùng với lời khen tặng đó. Trong trung đội viễn thám của tụi tôi các sĩ quan ở chung một phòng. Trung đội trưởng là Thiếu úy Âu (khoá 24 sĩ quan Đà Lạt, Âu cũng học một lớp với tôi thời trung học), trung đội phó là Thiếu úy Nguyên. Sơn, Cường và tôi chuẩn úy làm trưởng toán. 8 giờ tối ngày hôm đó, mệt quá tôi lo đi ngủ trước, còn những người khác ngồi đánh domino. Đang thiu thiu thì Sơn dựng tôi dậy bảo là Đại úy bồi dưỡng cho mầy, ngồi dậy ăn. Tôi nhìn trên bàn có một dĩa thịt gà lớn và một soong cháo. Thằng lính làm ở Câu Lạc Bộ mang đồ ăn cho tụi tôi. Sơn nói với nó là xuống lấy 1 lít đế lên, ghi sổ cho Thiếu úy Âu thiếu chịu. Âu hỏi Sơn tại sao lại ghi chịu cho tau. Sơn giải thích là Đại đội trưởng bồi dưỡng thức ăn thì Trung đội trưởng phải bồi dưỡng rượu chứ. Âu gật gù bảo với thằng lính còn đứng đó, mang cho tau 3 lít, để tau cho tụi nầy chết đêm nay. Thế là anh em tụi tôi ngồi uống tới sáng.
Tuổi trẻ của tụi tôi thế đó, được trui rèn và trưởng thành trong chiến tranh.
Ngụp lặn giữa một biển lửa ngùn ngụt thiêu hủy tất cả. Sống sót được đó là một phép lạ. Tôi nhìn Cường ngồi gật gù trên ghế, mới có 6 năm trong chiến trường, mới có 27 tuổi đầu trông như một ông cụ non. Cái hồn nhiên không có trong tuổi trẻ của chúng tôi, mà hạt mầm nầy nó đã chai cằn và lụi tàn trong bệnh hoạn. Những gì nhớ lại đã trải qua trong thời chinh chiến, nó giống như một cơn lốc cuốn phăng tất cả chỉ còn để lại hoang tàn đổ nát cho một đất nước điêu linh, lòng người tan vỡ.
Dallas, 30 tháng 7 năm 2007
Phan xuân Sinh
Theo http://www.phanxuansinhusa.com/gio-bui-mot-thoi-2/
*(Bài thơ nầy trong tập “Đứng Dưới Trời Đổ Nát”, so sánh cái hiểm nguy của Ngũ-Tử-Tư và cái nguy hiểm của tôi khi tìm đường thoát thân ra khỏi đất nước. Ông thì ra khỏi đất nước nuôi chí lớn rất thành công. Còn tôi thì nuôi chí nhỏ lụn bại suốt cả cuộc đời. Khi viết bút ký nầy tôi thấy cái tình huống tương đối giống nhau nên tôi để mấy câu thơ vào.)
Sinh Tồn chuyển