Tuy nhiên bất chấp ý kiến của nhiều chuyên gia, hồi đầu Tháng Mười, 2014, chính phủ vẫn chấp thuận dự án xây phi trường Long Thành. Do Quốc Hội lưỡng lự, chính phủ xin Bộ Chính Trị “có ý kiến.”
Dự án vừa kể vốn là một phần của dự án phi trường Long Thành (chi $16 tỷ để thu hồi 5,600 hécta, dùng 5,000 hécta cho phi trường, 600 hécta còn lại cho tái định cư và xây dựng nghĩa trang). Lấy lý do việc thu hồi đất, giải tỏa thường kéo dài, dễ phát sinh vướng mắc, khiến chi phí gia tăng, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội đã đề nghị Quốc Hội cho phép tách việc “thu hồi đất, bồi thường, tái định cư” trong kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành thành một dự án riêng.
Đáng lưu ý là dù biết chắc, riêng “thu hồi đất, bồi thường, tái định cư” cần 23,000 tỷ đồng và chính phủ chỉ mới “thu xếp” được 5,000 tỷ đồng, còn 18,000 tỷ đồng vẫn chưa biết sẽ lấy từ đâu, song ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, vẫn đề nghị các đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu thông qua đề nghị của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Đáng ngạc nhiên là gần như tất cả các đại biểu Quốc Hội vẫn “nhất trí!”
Dự án phi trường Long Thành được soạn thảo cách nay khoảng 10 năm với lý do phi trường Tân Sơn Nhất sẽ kẹt cứng vào năm 2020. Theo dự án thì phi trường Long Thành có thể thay thế hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất và trở thành phi trường trung chuyển cho các chuyến bay quốc tế qua khu vực Đông Nam Á, giúp tăng nguồn thu cho công quỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mong muốn vừa kể khó khả thi, bởi lâu nay, những phi trường ở Thái Lan và Singapore đã được các hãng hàng không quốc tế chọn làm điểm trung chuyển. Chưa kể những phi trường hiện có tại Việt Nam như Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh vốn đã là phi trường quốc tế, các hãng hàng không có thể sắp xếp để phi cơ của họ bay thẳng tới đó và không cần phi trường Long Thành như một điểm trung chuyển nội địa.
Bên cạnh đó, vì chi phí quá lớn (lúc đầu dự trù $18.7 tỷ, sau đó điều chỉnh giảm xuống còn $15.8 tỷ, mới đây lại nâng lên một chút là $16 tỷ), việc xây dựng phi trường Long Thành sẽ khiến nợ nần của Việt Nam thêm nặng nề.
Tuy nhiên bất chấp ý kiến của nhiều chuyên gia, hồi đầu Tháng Mười, 2014, chính phủ vẫn chấp thuận dự án xây phi trường Long Thành. Do Quốc Hội lưỡng lự, chính phủ xin Bộ Chính Trị “có ý kiến.”
Hồi đầu Tháng Năm, 2015, tại Hội Nghị Lần Thứ 11 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 11, giới lãnh đạo đảng xác định, dự án phi trường Long Thành là một trong bốn vấn đề quan trọng của quốc gia.
Một tháng sau, Quốc Hội… “nhất trí” xây dựng phi trường Long Thành. Từ đó đến nay, họ liên tục “gật” với mọi đề nghị dính dáng đến dự án này kể cả khi không biết sẽ đào đâu ra tiền để triển khai và tương lai của hàng chục ngàn gia đình, số phận vài chục ngàn người chưa biết ra sao. (G.Đ)