GNsP (21.10.2016) – Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ giáo xứ Phú Yên, là vị mục tử được biết nhiều đến các hoạt động bảo vệ con chiên như: đồng hành với bà con giáo dân cũng như lương dân đòi lại đất bị giới chức cưỡng chiếm một cách vi pháp và yêu cầu họ bồi thường cho bà con dân oan một cách thỏa đáng; nâng đỡ và dâng các thánh lễ cầu nguyện cho các Tù nhân lương tâm; khai trí cho bà con giáo dân tại giáo xứ sở tại nắm bắt và hiểu rõ hơn về các thực trạng xã hội; thấu hiểu nỗi khổ đau của bà con ngư dân và tìm phương cách giúp bà con tìm lại công lý…
Thông qua các hoạt động này, bà con giáo dân giáo xứ cũng như vùng lân cận đã đặt niềm tin vào cha Nam, khiến nhà cầm quyền cộng sản ghen tỵ, sợ hãi và khát khao được người dân tin tưởng như thế. Cho nên, sau chiến dịch tuyên truyền chống bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (sống ở Nha Trang bị bắt tạm giam với cáo buộc theo Điều 88 BLHS) thì giới chức cộng sản đang và sẽ tìm cách hoặc chuẩn bị một âm mưu “chống lại” cha Nam. Cụ thể là qua hai văn bản của huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An đã liên tiếp gửi đến cho các Đức Giám mục Giáo phận Vinh và cha Nam.
Trong văn bản UBND huyện Quỳnh Lưu gửi cho cha Nam cũng như những vị đại diện có liên quan áp dụng ba quy định pháp luật: Thứ nhất, Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 103/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính Phủ về hoạt động văn hóa và kinh doanh, dịch vụ văn hóa công cộng (“Qui chế”). Thứ hai, Điều 16 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX ngày 11/3/2011 của UBND tỉnh Nghệ An. Thứ ba, Điều 31, 32 của Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, để từ đó cho rằng Cha Nam vi phạm.
Ủy ban huyện Quỳnh Lưu xác nhận chống Formosa là chống lại Nhà nước CHXHCNVN
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 của Qui chế, được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điều 2 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL thì phạm vi điều chỉnh các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng “bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác…”. Như vậy, nếu nhà cầm quyền cho rằng cha Nam vi phạm, thì trong toàn bộ “phạm vi điều chỉnh” này, chỉ có thể cho là cha đã “viết, đặt biển hiệu”.
Với nội dung trên, nhà cầm quyền đã qui kết cha Nam đã “viết” những câu khẩu hiệu nói lên nguyện vọng của bà con như: “Formosa con đường diệt vong”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “500 triệu đô không đủ mua quan tài cho dân Việt”, “Hủy hoại môi trường là tội ác”… là vi phạm luật khi nội dung của những “biển hiệu” này không theo quy định tại Điều 23 Qui chế và Điều 9 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL. Đồng thời các “biển hiệu” này được treo trên các ngả đường làng của giáo xứ Phú Yên.
Nhà cầm quyền cố tình “ép” cha Nam vào cái gọi là “hành vi vi phạm” liên quan “viết, đặt biển hiệu” vừa trái qui định, vừa thể hiện tầm của các quan huyện Quỳnh Lưu. Vì lẽ, theo Điều 22 Qui chế biển hiệu là “nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”. Và được Điều 9 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL hướng dẫn cụ thể cách viết: “Tên cơ quan chủ quản trực tiếp viết trên biển hiệu…”. Như thế, các qui định này chẳng liên quan gì đến việc “treo mắc các băng rôn… đặt pano…” của giáo xứ cha Nam.
Vậy thì chỉ có thể hiểu, thông điệp của văn bản UBND huyện gửi cha Nam nhắm đến qui định “cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” là không được “kích động nhân dân chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân;” quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 Qui chế.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, UBND huyện Quỳnh Lưu xác nhận rằng, cha Nam và bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã có các “hoạt động văn hóa” có những nội dung “chống lại Formosa”, là vi phạm điều cấm “chống lại Nhà nước CHXHCNVN”.
Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An – Mò kim đáy biển
Tìm trên công báo cũng như trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định thì không thể nào “tìm thấy” Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An được soản thảo vào ngày 11.03.2011.
Theo qui định pháp luật hiện hành vào năm 2011, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân 2004, “văn bản quy phạm pháp luật kể …từ ngày công bố hoặc ký ban hành …phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.”; “Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này.”
Do đó, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An phải được đăng công báo sau khi công bố hoặc ký ban hành. Nhưng tìm mãi chả thấy, liệu văn bản trên của UBND tỉnh Nghệ An không có thật?
Giả thiết rằng, tỉnh Nghệ An có ra văn bản Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX vào ngày 11.03.2011. Theo Luật, trước khi soạn thảo văn bản phải được “cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, chỉ thị”; Văn bản phải được ban hành theo nguyên tắc “số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật”, theo đó, hoàn toàn không có các ký hiệu chấm (.) như Quyết định số 664/QĐ.UBND.VX. Sau khi ban hành văn bản phải được “đăng công báo, niêm yết, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản” được quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 37, Khoản 1 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004.
Phải chăng, Nghệ An muốn trở thành “một vương quốc tự trị riêng”, nên có quyền ra Luật riêng không cần “lấy ý kiến”, và các văn bản không cần theo nguyên tắc “số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật”, không cần “đăng công báo, niêm yết, đưa tin, gửi và lưu trữ văn bản” theo đúng quy định trình tự thủ tục của Luật định?
Nghệ An – Vương quốc tự trị riêng !?
Về các hoạt động của cha Nam, Văn bản UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, cha đã “tổ chức giảng đạo, truyền đạo tại các cuộc lễ ngoài giáo xứ Phú Yên ở xứ Mành Sơn xã Tiến Thủy; xứ Văn Thai, xã Sơn Hải, xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc… vi phạm vào điều 31, 32 của Nghị định 92/2012/NĐ-CP của chính phủ”. Trong khi Điều 31, 32 của Nghị định này quy định các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra “ngoài cơ sở tôn giáo” và giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành “ngoài cơ sở tôn giáo” mới cần đăng ký, chấp thuận.
Khoản 7 Điều 3 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.”
Như viện dẫn trên, giới chức cầm quyền đánh lận con đen và cố tình đánh tráo khái niệm “cơ sở tôn giáo” và “ngoài cơ sở tôn giáo”. Họ xác nhận rằng cha Nam thực hành các lễ nghi tôn giáo trong nhà thờ tại các giáo xứ Mành Sơn, Văn Thai, Song Ngọc… thì đây chính là “cơ sở Tôn giáo”, không thể là “ngoài cơ sở tôn giáo”. Rõ ràng, cha Nam đã dâng lễ, giảng đạo cho bà con giáo dân trong nhà thờ – “cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự”- là theo đúng quy định của pháp luật.
Trong văn bản của UBND huyện Quỳnh Lưu còn cho rằng, “bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa đã nhiều lần tham gia các cuộc lễ ngoài địa bàn của giáo xứ…”, để nhận định rằng, các giáo dân này đã vi phạm pháp luật khi nghe lời cha Nam xuống đường biểu tình phản đối Formosa một cách ôn hòa.
Điều này càng cho thấy rõ, nhà cầm quyền Nghệ An muốn trở thành một “vương quốc tự trị riêng” khi ngang nhiên ngăn cấm, cấm cản giáo dân không được đi tham dự thánh lễ ở giáo xứ khác, mà chỉ được đi tham dự thánh lễ tại giáo xứ sở tại là Phú Yên. Bà con giáo dân giáo xứ Phú Yên bận việc, đi làm việc xa nhà thì cũng không được phép đi lễ tại các giáo xứ khác hay sao? Đúng là vùa ngang nhiên vi phạm quyền tự do Tôn giáo, thể hiện “tri thức pháp luật” nông cạn, kém hiểu biết, nếu không phải vì cố tình “ép” đánh cha Nam?
Nội dung văn bản của UBND huyện Quỳnh Lưu chỉ “hù” được những người yếu bóng vía, yếu tim, không hiểu biết pháp luật … Còn xét về khía cạnh pháp luật, văn bản số 1488/UBND-NV của huyện Quỳnh Lưu không có giá trị gì cả! Giới chức cộng sản “đánh” cha Nam kém quá!
Huyền Trang, GNsP