Hoàng Khởi Phong
“… Trong ví ta này, một tờ chứng chỉ.
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu.
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười giờ gia hạn ở nơi đâu?…”
1- Có một loại văn chương tôi rất ghét, đó là loại… tán.
Xin thưa đây không phải là tán gái, mặc dù đã là đàn ông thì ai cũng qua
cái cầu tán này cả chục lần trước khi cuộc đời yên bề gia thất, đâu vào
đấy. Và khi đời đã đâu vào đấy rồi thì khôn hồn nên có mồm thì cắp, có
nắp thì đậy kẻo không rất là phiền. Cái loại văn chương… tán đây đôi khi
còn gọi là văn chương suy luận và diễn giải.
Đó là những cái truyện ngắn, tùy bút hay đoản văn cứ độ một hai
trang là phải có trích một câu thơ, một câu hát, hay một câu danh ngôn.
Tất nhiên những câu thơ đó phải là của các thi sĩ nổi danh, trong những
bài thơ tuyệt tác. Nhạc cũng vậy, không ai dại gì mà trích những câu
trong các bài nhạc sến kiểu tiền lính tính liền.
Tất nhiên về danh ngôn không ai trích lời… phó Kỳ. Đó là những cái
truyện hay những đoản văn hệt như một cái áo vá chằng vá đụp, mảnh nọ
chồng lên mảnh kia, bất kể mầu sắc, bất kể nguyên liệu. Những cái truyện
này nếu cắt bỏ hết những câu trích và phần bình luận hay gợi ý liên
quan đến phần trích, thì tác giả không còn gì ngoài cái tên và những
hàng chữ đầu Ngô mình Sở. Loại văn chương này tuy nhiên gây rất nhiều
phấn khởi cho không ít những người đang cần một cái gì đó bên cạnh những
cái nhà rất to, rất đẹp và những cái xe rất chiến.
Những cái truyện ngắn hay tùy bút loại này, là những dòng chữ rất
kêu, lổn nhổn những từ ngữ. Nhưng quả thật bên trong những dòng chữ đó
không có chất sống, không có hồn. Đó là những cái truyện ngắn mang đời
sống của những cây tầm gửi, mà các tác giả cố viết cho đầy trang sách,
nắm khư khư lấy những vạt áo của các đại thi sĩ, nhạc sĩ, các nhà văn
lớn, các danh nhân và tưởng chừng như sẽ nương vào đường đi của các vị
này nghênh ngang bước vào văn học hay lịch sử. Hình ảnh hệt như một cậu
bé khôn lỏi, coi xi-nê cọp đi lẽo đẽo theo sau các người lớn qua mặt
nhân viên xé vé.
Thế mà hôm nay tôi phải nắm vạt áo của một ông bạn văn là nhà văn
Lê Tất Điều đồng thời là thi sĩ Cao Tần, mượn đỡ ông bốn câu thơ để dẫn
vào cái truyện ngắn viết về một ông bạn khác của tôi. Bởi vì suốt hai
mươi năm văn học miền Nam, đặc biệt là văn nghệ quân đội, không có một
ông thi sĩ nào lại bỏ phí thì giờ viết vài chữ về một anh… Quân Cảnh.
Thiếu gì những người lính anh hùng mũ xanh, mũ đỏ, mũ nâu, mũ đen để mà
ca tụng. Ai lại đi làm thơ về một anh chuyên môn thổi tu huýt bắt bớ
người khác, mất cả vui.
Phải đợi đến khi tan hàng mà không có cơ hội… cố gắng, trong một
chiều lang thang nơi xứ người mới có một thi sĩ nghĩ về quá khứ, lục ví
thấy một cái căn cước, giấy chứng chỉ tại ngũ, hay là giấy phép gì đó dể
mà nhớ tới cái nơi phải đến để gia hạn. Cái nơi gia hạn đó chính là cái
đồn Quân Cảnh, chỗ của ông bạn tôi, nhân vật chính trong truyện này.
Tôi cũng xin cẩn thận mà thưa rằng tôi cũng là Quân Cảnh, nhưng dứt
khoát tôi chưa bao giờ là một người lính gương mẫu, tôi bị phạt nhòe cả
người ra, và theo lời Chiến tôi là một thằng rã ngũ, kể từ nay không
nên nói về quân đội, nó kỳ… Do đó truyện ngắn này dứt khoát không phải
là hồi ký của tôi. Nhưng nhân vật thì có thật. Tôi có cả hình chụp ông
ta và nếu có ai không tin, xin liên lạc với tôi để tôi cung cấp số điện
thọai. Bạn tôi tên là Chiến, mới sang Mỹ trong chương trình H.O.
Phải đợi tới khi không còn Quân Đội nữa, trong một lúc buồn tình ông
Cao Tần mới nhớ tới những hoạt động của binh chủng chúng tôi, và có lẽ
đây là những câu thơ duy nhất có liên hệ tới một anh Quân Cảnh, thì còn
đợi gì mà không nắm cái vạt áo của ông Cao Tần, nhà thơ tiêu biểu cho
tâm trạng những người ly hương trong những năm đầu lang thang nơi xứ lạ
quê người. Phải vồ gấp mấy câu thơ của ông để dẫn vào cái truyện ngắn
này cho bảnh.
2- Năm 1966 Chiến hai mươi lăm tuổi, được thăng trung úy cũng y
hệt mọi người sau khi đã mang thiếu uý hai năm. Anh làm Quyền Đại Đội
Trưởng một Đại Đội Quân Cảnh. Thời đó là thời chiến. Nơi anh đồn trú lại
là một vùng đất nhiều giao tranh cho nên tứ thời bát tiết mọi người đều
mặc quân phục tác chiến, nói cho gọn là đồ trận. Nhưng trong tủ của
Chiến lúc nào cũng có một bộ đồ vàng để đi phép, nếp ủi thẳng như dao
cạo, mũ casquette đen, mầu mũ riêng không giống mầu mũ của bất cứ một
quân binh chủng nào bỏ trong một cái bao ni-lông vì sợ bụi bặm. Bên cạnh
bộ quân phục đi phép này là một bộ đồ hành sự của Quân Cảnh gồm đủ lệ
bộ từ dây còi, dây danh dự, dây biểu chương, dây chiến thắng, băng tay
Quân Cảnh hành sự, nịt da đánh si-ra bóng loáng, và một cái mũ nhựa có
sơn hai chữ Q.C to tổ bố, mà lính tráng hay gọi đùa là nón cá lóc. Lính
tráng cũng hay đọc hai chữ Q.C là quỷ chùa hay là quýnh cẳng. Thú thật
là tôi chưa bao giờ mặc đầy đủ bộ đồ vía này vì tôi quê, nhưng Chiến thì
thỉnh thoảng anh mặc một cách trịnh trọng những khi cần phải làm gương
cho lính.
Mỗi sáng thứ hai trung úy Chiến đại đội trưởng đi duyệt đại đội nơi
sân cờ. Chào cờ xong bao giờ anh cũng bỏ mười, mười lăm phút để khen
ngợi những người lính tốt, la rầy may cậu ba gai, đọc nhật lệnh, huấn
thị của các cấp chỉ huy tối cao trong quân đội. Chiến chỉ huy đơn vị với
vẻ điềm đạm của một sĩ quan trẻ tuổi, có học.
Trong vòng sáu tháng ngắn ngủi anh làm thay đổi bộ mặt đơn vị.
Trước anh đơn vị có nhiều nét của quân đội Pháp còn sót lại, giữa quan
và lính là một khoảng cách xa. Chiến thực sự coi quân đội là nhà, nên
những người lính của anh coi anh như là một người anh trong tình huynh
đệ chi binh thực sự, chứ không phải là điều chót lưỡi đầu môi. Đời quân
ngũ của Chiến đang đẹp rực rỡ thì Tết Mậu Thân nổ ra trên toàn quốc.
Năm Mậu Thân Cộng Sản tấn công và đã xâm nhập vào được thị xã có
đơn vị của Chiến đồn trú. Đơn vị của Chiến vì nằm hẳn ở ngoài Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn, nên phải chiến đấu đơn độc để giữ vững được vị trí. Anh giữ
vững được doanh trại của anh sau vài lần bị pháo kích, đột kích cũng như
tấn công. Trong ba ngày đó đại đội do Chiến chỉ huy bị chết vài người
lính, và bị thương khá nhiều. Trung úy Chiến đại đội trưởng là một trong
những người bị thương này. Anh là một trong số rất hiếm sĩ quan Quân
Cảnh được tưởng thưởng anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc, được tuyên
dương công trạng trước Sư Đoàn và cũng được cả chiến thương bội tinh
trong dịp này. Nằm bệnh viện hai tháng xong anh được thăng cấp đại úy và
thuyên chuyển đi đơn vị khác.
Chiến và tôi hồi nhỏ cùng học một trường, một lớp đến khi lớn đi
lính cùng một khóa, rồi đến cùng ngành. Ra trường thì mỗi người một tiểu
đoàn. Mãi cho tới năm Mậu Thân, Chiến mới đổi về cùng một đơn vị với
tôi. Nói cho đúng ra thì đây là đơn vị thứ sáu của tôi, còn Chiến thì
mới là đơn vị thứ hai sau năm năm rời khỏi quân trường Thủ Đức. Gặp lại
nhau tay bắt mặt mừng, sau những thăm hỏi thường tình, tôi vẫn mày tao
với Chiến thì anh nghiêm mặt lại nói:
– Hết giờ làm việc thì tao với mày là bạn, nhưng khi nào trong giờ
làm việc và trong lúc tôi mặc quân phục yêu cầu trung úy gọi tôi bằng
cấp bậc.
Xém chút nữa thì tôi cho Chiến ăn một tá những của không ngon. Tôi
đã từng có khá nhiều ngày phạt về tội vô lễ với các cấp chỉ huy còn lớn
lon hơn Chiến và Chiến biết điều này hơn ai hết. Trong binh chủng của
tôi có khá nhiều anh thượng đội hạ đạp. Tôi đã từng cho một anh thiếu tá
hắc ám nhất trong ngành của tôi tức đến độ nghẹt thở, mà không làm gì
được tôi hơn là thuyên chuyển tôi đi nơi khác.
Thế là trúng kế của tôi rồi. Tôi coi quân đội là chỗ để đi giang
hồ. Chưa đầy năm năm đã đủ bốn vùng chiến thuật thì cái tiếng ba gai
chắc là phải ăn trùm. Tôi biết rõ Chiến thế nào thì ngược lại Chiến cũng
biết rõ về tôi y hệt như chỉ trong bàn tay vậy. Đợi cho tôi thở xong
vài cái Chiến búa thêm một câu:
– Trung úy đừng quên là tôi với trung úy chơi với nhau đến nay là
hai chục năm. Hỗn với tôi bây giờ là tôi tặng cho vài ngày trong quyền
hạn phạt của tôi, rồi hết giờ làm việc nếu trung úy muốn dợt đánh bốc
thì tôi cũng hầu trung úy được vài hiệp. Nhân tiện cũng thông báo cho
trung úy biết trong mấy năm xa nhau, trung úy chỉ lo dê gái với làm thơ,
còn phần tôi thì tôi đã có cái đai đen Thái cực đạo.
Tôi tức câu sau hơn là câu đầu vì nó nói lên hết tất cả những cái
gì tôi thua Chiến. Học thì cả hai thằng như nhau, nhưng đá banh, bơi
lội, bóng bàn, nhu đạo cái gì Chiến cũng bảnh hơn tôi.
Cuối năm 68, tôi cũng chó ngáp phải ruồi lên đại úy nhờ đã bị đưa
ra Phú Quốc làm việc, lại giữ hai chức vụ có cấp số thiếu tá nên mới
được thăng cấp đặc biệt. Tôi gửi cho Chiến một cái thư báo cho Chiến
biết tôi cũng đã là… đại úy như Chiến. Tôi nhận được thư trả lời là dù
thế nào, tôi vẫn phải chào trước vì Chiến thâm niên hơn tôi những chín
tháng và… mười ngày lẻ.
Nhận được thư trả lời của Chiến xong, sẵn giấy ngay trên bàn lại là
thư quân đội, không phải dán tem tôi gửi cho Chiến đúng một giòng gồm
năm chữ C, kế đó là một câu tái bút nếu không đoán được gọi điện thoại
cho tôi, tôi sẽ dịch cho nghe năm chữ C đó là cái gì. Chiến cũng chẳng
thèm gọi thành thử tôi cũng không có dịp giải thích cho Chiến biết năm
chữ C đó là:” Chào Cái Con Củ Cặc” Bẵng đi vài năm tôi và Chiến lại đụng
nhau trong một khóa tham mưu trung cấp ở Đà Lạt. Nhận nơi ăn chốn ở
xong Chiến mời tôi và hai sĩ quan Quân Cảnh khác đi uống cà phê ở quán
Tùng. Anh nói với chúng tôi:
– Có tới cả trăm sĩ quan các quân binh chủng đi học khóa này, tôi
yêu cầu các bạn nên giữ mầu cờ sắc áo binh chủng chúng ta cho cẩn thận.
Chiến chỉ vào mặt tôi và tiếp:
– Tôi chỉ ớn có một mình ông bạn cố tri này thôi. Tôi nói có hai
ông này làm chứng, hễ mà đổ đốn ra là tôi kiếm cớ tôi khện, khện xong
rồi tôi còn về tôi mách ông cụ. Ông đừng quên là nhà tôi với nhà ông
liên hệ với nhau tới mấy đời.
Thế là suốt khóa đó tôi cũng mon men được liệt vào hạng những sĩ
quan siêng năng chăm chỉ. Khi mãn khóa Chiến lại đỗ đầu, phần tôi đứng
thứ năm trên tổng số một trăm sĩ quan thụ huấn thì cũng đáng kể là một
thành tích.
Phải đợi tới dịp thụ huấn ở Đà Lạt đó tôi mới thực sự hiểu rõ về
Chiến, người bạn thiếu thời thuở xưa. Trước đó chúng tôi cùng ăn, cùng
học, cùng chơi thành thử có bao giờ tôi nghĩ tới tìm hiểu người bạn làm
gì. Tôi với Chiến đâu có phải là cái lối bạn kiểu người ta hay nói bạn
nhà binh, tình nhà thổ đâu. Lại còn cái câu: ‘Bạc như dân, bất nhân như
lính’ đó là chỉ lính thời nào và dân ở đâu chứ trong thời chúng tôi,
lính và dân tuy chưa được là cá với nước, nhưng cũng không bao giờ là cá
với thớt. Chúng tôi đã cùng lớn lên, cùng đi học, cùng chơi đùa xém
chút nữa thì cùng tán một mợ nhỏ học Trưng Vương, song ít có dịp trao
đổi với nhau những ý nghĩ về đời sống, về quân đội, về chiến tranh cũng
như về tình cảm trai gái. Một lần ngồi ngay Thủy Tạ chỉ có tôi và Chiến,
anh đã nói với tôi:
– Thế là tôi với ông đã toi mất mười năm tuổi trẻ. Cái chính nghĩa
thì cứ mỗi ngày mỗi teo lại. Mười năm nữa không biết tôi và ông đang làm
gì, đang ở đâu? Càng lúc tôi càng cảm thấy cuộc chiến tranh này vô ích.
Bên nào thắng cũng vô ích vì thật sự đây không phải là cuộc chiến cần
thiết cho cả hai miền Nam và Bắc vì không phe nào có đủ chính nghĩa dân
tộc.
Tôi nhìn lại Chiến thật kỹ. Tôi thấy anh có dáng mệt mỏi, đó là
điều chưa bao giờ xẩy đến với Chiến, anh không bao giờ có giọng bi phẫn
như thế. Anh là người lạc quan, anh là người không bao giờ đòi hỏi, thắc
mắc. Anh chấp nhận mọi may rủi đến với anh trong cuộc đời.
Tôi nói với anh:
– Ông thắc mắc làm gì. Mới lấy vợ, mới có con mà sao thở ra những
lời không phấn khởi như thế. Kệ mẹ đời tới đâu hay tới đó, thắc mắc chi
cho mệt.
– Tôi thèm được vô tư như ông, riêng khoản ba gai thì tôi nhường ông hết.
– Tại ông ham được lên thiếu tá nên mới phải gìn giữ cái sổ quân bạ
cho nó sạch sẽ, còn tôi đâu có muốn ở lính. Giờ này mà cho giải ngũ và
cho lên thiếu tá ông chọn cái nào.
– Tôi không thích cái lối nói chuyện bằng ví dụ. Mình sẽ chẳng bao
giờ được chọn lựa, nếu mà được chọn thì cả tôi và ông đâu có đi lính.
Ông còn nhớ ngày mãn khóa ở Thủ Đức không? Rồi còn nhớ ngày chọn đơn vị
và binh chủng không? Tôi cũng chẳng hiểu sao tôi với ông lại cùng về
Quân Cảnh. Nhưng nếu bây giờ mình là Nhẩy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến thì
có lẽ một là xanh cỏ hai là đỏ ngực rồi.
Khóa mình đi Biệt Động Quân mười lăm người, bây giờ chẳng còn được
bao nhiêu. Đã có nhiều lúc tôi cho là mình may mắn, nhưng vài năm nay
tôi nghĩ khác. Nếu bây giờ mình phải đi Thủ Đức lại khi ra trường tôi sẽ
chọn tác chiến.
– Tại sao?
– Mấy năm nay ông ham chơi bời tới độ lú lẫn rồi, ông không thấy
những gì đang xẩy ra chung quanh chúng ta sao? Một bầu không khí vẩn đục
bao trùm từ trên xuống dưới, từ quân đội sang tới hành chánh. Ở đâu đâu
cũng là chỗ mua quan bán tước, còn tệ hơn là thời Lê mạt, còn tệ hơn là
thời Nguyễn Sơ.
– Thế thì ăn nhậu gì đến cái vụ phải xin đi tác chiến?
– Ăn nhậu chứ sao không. Cứ tình hình chính trị cái kiểu độc diễn
với lại dân biểu gia nô này trong vài năm nữa chết không có chỗ mà chôn.
Đi tác chiến để giữ thêm được ngày nào hay ngày ấy. Mai kia mốt nọ thời
thế xoay vần, may ra miền Nam có được một cấp lãnh đạo đúng nghĩa thì
mới có thể lèo lái con thuyền quốc gia ra khỏi cơn ba đào này.
– Mẹ kiếp ông là học trò cụ Ưu Thiên Bùi Kỷ hồi nào vậy? Chưa tới
cái thứ đại úy, thiếu tá như ông lo chuyện trời sập. Đúng là hết khôn
dồn đến dại. Đừng có hóa khùng mà xin ra mặt trận đó nghe cha nội.
– Trễ rồi, bệnh đã vô tới gan ruột rồi, thuốc tiên cũng vô ích mà thôi.
Mãn khóa tham mưu trung cấp xong ai về đơn vị nấy. Đầu năm 73, sau
năm năm mang lon đại úy Chiến được đề nghị thăng cấp thiếu tá. Anh làm
phó cho một trung tá có tiếng là vừa ngu, vừa dốt, mà lại còn hèn. Nhưng
được cái ông ta rất nể Chiến. Có gì mà không nể vì công việc đổ hết lên
đầu Chiến, còn ông xếp thì cứ tha hồ mà phè cùng với bắt áp phe.
Tháng tư năm 75 ập tới. Chiến giữ đơn vị tới phút chót trong khi
ông xếp đã lén lút xuống tầu hải quân của một ông bạn từ cả tuần lễ
trước. Rồi cũng như mọi người sĩ quan khác của QLVNCH, anh đi trình diện
học tập và bị giam tất cả mười hai năm. Trong mười hai năm đó anh bị
chuyển trại sáu bẩy chỗ, có lần bị giam giữ ở Phú Quốc, nơi anh đã từng
có thời gian phục vụ với chức vụ tiểu đoàn phó một tiểu đoàn Quân Cảnh
canh gác tù binh Cộng Sản ở đây vào năm 1970.
3- Tôi may mắn hơn Chiến vào năm 75, lê được cái thân tàn
ma dại sang Mỹ. Đôi lần nghĩ về những năm tháng cũ bao giờ trí óc tôi
cũng bị ám ảnh về người bạn thuở thiếu thời.
Theo những người sang sau, đã từng cùng đi cải tạo với Chiến thì
vào trong trại anh vẫn giữ nguyên vẹn con người cũ. Anh ngẩng mặt lên
sống một cách thản nhiên trước những chà đạp về tinh thần cũng như thể
xác của các cán bộ quản giáo. Anh không bao giờ xun xoe, khúm núm. Anh
cũng không bao giờ tham dự những ngày kỷ niệm được tổ chức lén lút trong
tù. Anh không bao giờ tỏ thái độ chống lại như những người đã từng chết
anh hùng. Anh hùng thật sự thì trăm phần có đến chín mươi chín phần
chết. Anh chỉ kiên nhẫn sống và kiên nhẫn giữ nhân cách một sĩ quan cấp
tá của mình. Thỉnh thoảng có dịp nói với vài người bạn thân trong tù,
anh cho họ biết anh chưa làm người hùng, nhưng không bao giờ anh hèn. Vả
lại theo anh làm anh hùng đôi khi cũng dễ thôi, chẳng qua mười người
anh hùng thì hết chín người do những tình cờ may mắn của số mạng. Tất
nhiên cũng phải có sẵn cái chất người hùng, chứ còn trong người chỉ chẩy
toàn là máu hèn, thì khi may mắn cũng chỉ là một thằng hèn được thời mà
thôi.
Ngoài cái chất anh hùng hay hèn hạ ai cũng phải có, con người còn
có những tiêu chuẩn khác để dựng lên nhân cách của mình. Do đó mà có
những người hết sức anh hùng mà vẫn hết sức tởm, và có những người hết
sức hèn yếu nhưng lại là một người có nhiều lòng nhân ái, biết sót
thương người.
Chiến còn nói là trong thời gian ở tù đó anh mới tạm hiểu thế nào
là những con người. Do sự thanh liêm của anh nên trong nhà chẳng có cái
gì quý giá, khi anh đi học tập vợ anh phải vất vả nuôi hai con, chống đỡ
cho những khó khăn của thời sau 75, nên có khi cả hai ba năm cũng không
đi thăm nuôi một lần. Nhưng không vì thế mà Chiến tỏ ra cầu cạnh những
người nhờ xưa kia có cơ hội tham nhũng, mua quan bán tước, nhà lầu xe
hơi để bây giờ có thừa tiền bạc, đồng hồ, máy ảnh hối lộ cho bọn quản
giáo, thăm nuôi, tiếp tế. Anh cũng không bao giờ vì một miếng cơm cháy
mà phải đánh nhau, vì một miếng thịt lợn mà có thể lên lớp những người
bạn tù khác, trong khi phê và tự phê mỗi buổi tối.
Anh kiên nhẫn sống, gìn giữ từng hơi thở, từng cử động, từng lời
nói để quản giáo không có cơ hội xúc phạm đến nhân cách của anh. Nhưng
đâu có phải ai ở trong tù cũng cố gắng tu thân kiểu đó. Trong trại tù đa
số là những người bình thường, cúi mặt nín thở qua sông. Nói chung
người ta vẫn giữ được những tình nghĩa cũ, nhưng những người xấu không
phải là hiếm. Người xấu thì mánh mung, ăng ten, nịnh bợ, ăn cắp của
nhau, người xấu thì tính toán hơn thiệt to nhỏ từng miếng đường, từng
quả ớt, từng câu nói, từng cử chỉ. Chiến cặm cụi sống, tuyệt không bao
giờ nói tới chuyện kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Quân Cảnh ở trong
tù, không tham dự ngày Quân Lực, bởi vì chính anh đã từng nói với tôi,
trong một lần cả hai phải soạn kế hoạch điều hòa lưu thông cho ngày lễ
này vào năm 68, ở vùng II chiến thuật, rằng cái ngày xứng đáng để gọi là
ngày quân lực phải được chọn lại. Nó có thể là kỷ niệm trận Đống Đa,
trận Bạch Đằng, trận Vạn Kiếp, trận Chi Lăng hay là một trận lừng danh
nào đó trong lịch sử giữ nước, chứ không phải là một ngày binh biến có
tính chất nội bộ của miền Nam như hiện tại. Đã suy nghĩ như thế tất
nhiên trong tù anh tránh tham gia vào những việc tổ chức các ngày kỷ
niệm này.
Chiến hiểu rõ hơn ai hết người Cộng Sản sẽ chỉ thực sự kiềm chế
được tinh thần của miền Nam, khi nào họ đánh vỡ được cái phong cách tiểu
tư sản của những người đang nằm trong tay của họ. Ngày nào mà còn những
người bo bo lo cho cái nhân cách của mình, thì ngày đó Cộng Sản còn
chưa thể xoa tay tự mãn. Những hành vi anh hùng tất nhiên là đáng khâm
phục, nhưng kiểu anh hùng bốc đồng chỉ là những cái cớ cho bọn quản giáo
hành hạ, chà đạp toàn thể anh em trong trại.
Tất nhiên cùng là bạn tù Chiến không hề chỉ trích bất cứ ai.
Tuy nhiên anh bình tâm chiêm nghiệm về hành vi của mình cũng như
của những người khác. Anh nghiệm được một điều con người ta thật là phức
tạp, cũng một con người sao có lúc anh hùng đủ điều, mà chỉ vài ngày
sau lại có thể trái ngược như nước với lửa. Phần anh, anh tự xoay trở để
sống với những tháo vát của một người hướng đạo sinh, của một người
lính được huấn luyện. Anh chú tâm vào để sống, sống như một con người.
Nếu những người đang giam giữ anh muốn đồng hóa anh xuống như là một con
vật, thì những hành vi anh hùng cũng tốt, nhưng có một cách chống trả
hữu hiệu hơn, cao cả hơn là thản nhiên mà sống như một con người, âm
thầm và bền bỉ sống như một con người. Chính những điều giản dị này đã
làm cho người Cộng Sản đau đòn hơn, bởi vì họ hiểu được một điều là cho
dù bạo tàn tới đâu con người cũng vẫn là con người.
Cho tới khi giam giữ mãi rồi thì cũng phải thả. Anh đến Mỹ chậm hơn
tôi mười sáu năm, nhưng vẫn là người bạn thiếu thời của tôi không một
chút thay đổi, không hờn oán, không trách cứ, không buồn phiền và cũng
không hề gào lên là đã từng có thành tích trong trại cải tạo. Anh âm
thầm đi làm những công việc nặng nhọc để cho con anh có thể có thêm
những học cụ cần thiết nơi trường ốc mới.
4- Ngày Chiến đặt chân lên đất Mỹ, tất nhiên tôi phải đi
đón. Anh không hề mất đi một chút nào con người cũ, có một điều thay đổi
duy nhất là hai mươi năm đã qua, anh già đi. Bắt tay xong, anh đẩy
người tôi ra xa một chút để có khoảng cách nhìn toàn bộ con người tôi,
rồi mới kéo lại với một cái ôm thân ái. Chiến nói:
– Mày cũng vẫn không có gì thay đổi nhiều. Tao có được đọc mấy cái
thư mày viết về nhà, hồi ông, bà cụ mày còn sống đó. Mày cũng vẫn là cái
thằng ruột để ngoài da, ghét ai thì để lộ ra mặt. Tất nhiên văn chương
mày có đỡ thối hơn hồi trước, ít nhất thì cũng phải thế. Cái nền văn
nghệ… quân đội đó thì cũng nên thôi đi. Cái nền văn chương… chống Cộng
đó cũng nên rà lại. Tất nhiên là phải chống Cộng, chống thế nào thì tao
chưa biết. Nhưng cái kiểu chống Đ.M mày Cộng Sản đó không hữu hiệu.
Chiến vẫn có lối nói như vậy, thản nhiên và đi thẳng vào vấn đề,
không quanh co, úp mở. Vì qua chậm nên Chiến phải chạy nước rút. Anh đi
học Anh văn buổi tối, cái gì cũng tự làm, hỏi nếu không biết và không
bao giờ dựa vào những giúp đỡ của các bạn cũ. Đi thi bằng lái xe, đi bác
sĩ, đi học, đi làm cái gì anh cũng tự túc. Anh tập cho ba đứa con anh
một điều là tự tin, chớ có tự ti. Tự ti là con đường ngắn nhất để chôn
mình ngay khi còn sống. Một năm liền anh không hề đến đám đông, không
hội họp, không đoàn thể, không ái hữu, không cựu này cựu nọ. Một năm
sau, đúng một năm sau ngày tới Mỹ anh mời tôi tới nhà ăn cơm. Ăn cơm
xong anh nói với tôi từ bây giờ trở đi anh có thể tham dự một số sinh
hoạt.
Năm ngoái anh đi dự ngày 30-4 về, anh gọi điện thoại mời tôi đến
nhà anh uống cà phê. Đang uống anh gằn ly cà phê xuống bàn một cái chát.
Anh hỏi tôi năm 75 mày đi hồi nào. Tôi trả lời là tôi đi sau khi ông
Mẫu lên đài phát thanh đuổi người Mỹ ra khỏi miền Nam, tôi vô Biệt Khu
Thủ Đô không thấy một xếp nào cả, đứng lớ ngớ mãi không có ai chỉ huy
tôi về, thì hôm sau ông Minh hạ lệnh buông súng.
Tôi ra bến tầu rồi nhẩy đại lên một cái tầu sắp nhổ neo.
Chiến cười khà khà rồi nói thế là mày còn khá, mày không phải là
thằng đào ngũ, nhưng mày cũng chưa được ai ký giấy giải ngũ, như thế thì
trong bao nhiêu năm nay trong những lần hội họp mày coi mày là loại
nào?
Tôi trả lời Chiến là tôi đâu có thích hội họp. Tôi lè phè khoái mấy
chỗ có không khí tươi mát chứ không thích những chỗ cứ vài phút là phải
có những khẩu hiệu được gào lên. Nhất là những anh hay gào đó quay đi
quay lại là y như rằng chỉ một thời gian sau là điều ong tiếng ve mù
trời đất. Tôi khoái làm thật, đánh thật, nếu có vụ đó thì tôi nhào vô
thật. Cái kiểu đánh võ mồm, khuynh đảo lẫn nhau, chụp mũ lẫn cho nhau,
ném bùn vào mặt nhau là không có tôi.
– Nhưng mà mày cũng phải tự cho mày là một thành phần nào đó chứ?
Tất nhiên tôi tự cho tôi là đã làm đủ bổn phận với quân đội nói
chung và với binh sĩ của tôi nói riêng. Tôi không có gì để thẹn với
mình, nên tôi cũng có quyền tránh xa cái chỗ nào tôi không thích.
Tôi vặn lại Chiến:
– Thế mày cho mày thuộc loại nào?
Chiến trả lời ngay lập tức:
– Tao là một người lính bình thường, không anh hùng mà cũng không
hèn. Tao không đào ngũ cũng không rã ngũ như cái anh trung tá nào đó
đăng đàn phát biểu ngày hôm nay. Mẹ kiếp tao nghe rồi mà về nhà tới bây
giờ còn lùng bùng lỗ tai.
– Đó là lý do tại sao tao không thích lại những chỗ hội họp.
Những chỗ đó mày sẽ còn gặp nhiều kỳ nhân dị sĩ. Cỡ cái anh trung
tá rã ngũ đó chỉ mới vừa phải thôi. Có những nhân vật hồi xưa khi không
bị… cụt ngón tay trỏ của bàn tay phải, nghĩa là không bắn được súng,
không thể đi lính bây giờ thích nói truyện đi kháng chiến. Cũng được đi
lòng căm thù Cộng Sản làm cho ngón tay… mọc được ra. Cái anh mới mọc
ngón tay này hô hào, mắng mỏ người khác quá mức. Có điều anh đó chỉ hô
hào người khác đóng góp tiền của và nếu cần xương máu, còn anh ta thì
chỉ nói xuông thôi.
– May năm nay tao nghe nói mày cũng viết lách ghê gớm lắm phải
không? Chữ nghĩa của mày thì tao biết từ ngày còn đi học. Sao mày không
viết về những kỳ nhân dị sĩ của mày.
– Viết không xuể, tao chỉ có một mình với hai tay mà kỳ nhân dị sĩ
không một ngàn thì cũng tới tám trăm. Giả dụ có viết chăm thì mỗi tuần
cũng chỉ viết được cho một vị. Đó là viết vội, tám trăm tuần lễ là mười
sáu năm. Tao già rồi để tao sống thoải mái đi, viết về những anh đó thì
dù muốn hay không cũng bị những thứ không thơm đó ám vào người.
– Có cách nào làm bớt được những con người dối trá, giả hình đó không?
– Theo tao thì cứ để đó rồi thì mọi chuyện cũng qua đi. Vả lại
chính các dị nhân đó cũng khiền nhau kỹ lắm, trắng đen cũng chỉ một thời
gian ngắn là lộ ra liền, mày bận tâm làm gì.
– Thú thật với mày trong thời gian tao bị đi tù — học tập cải tạo
cái mẹ gì, tù thì gọi là tù — có lần một tên quản giáo ngồi thuyết tụi
tao. Nó mắng như tát nước vào mặt. Trong một trăm câu nó chửi thì cũng
có mươi câu nó chửi đúng. Vả lại cái lối chửi khơi khơi đó thì ai chửi
mà không được. Mọi người cúi gằm mặt xuống vì thẹn, vì buồn, vì nhục, vì
ức.
Mày biết tính tao khi nói truyện cũng như nghe truyện tao luôn nhìn
thẳng vào mắt người đang nói. Chẳng hiểu khi ánh mắt giao nhau tao
không nhớ là tao có cười mỉa không mà tên quản giáo gầm lên là tao không
nghiêm chỉnh khi nghe quản giáo dậy dỗ. Nó bắt tao đi biệt giam, cùm
chân tao trong vài ngày rồi thả. Khi thả ra vài ngày sau tao cũng bị
nhốt lại vì quen tính nhìn thẳng. Trước sau năm lần khi thì vài ba ngày,
khi thì năm mười ngày. Lạ lắm mày ạ khi nói thì gian dối tới đâu mày cứ
chú mục nhìn thẳng vào mắt hoài là có lúc nó ngượng, và khi nó ngượng
là mời cậu đưa cái chân đây. May hồi này tao thỉnh thoảng có đi sinh
hoạt vớ vẩn cho vui, đôi khi mình buồn thì cũng nên đi cho giãn gân cốt
thôi. Tao đã nhìn thẳng vào mặt nhiều nhân vật ở hải ngoại này. Nói thật
mày nghe sao có nhiều lúc tao thấy khá nhiều cha nội ở hải ngoại này
phong thái giống hệt cái mặt thằng quản giáo ngày trước quá. Có điều
khác là cái ngôn ngữ ở chiều ngược lại mà thôi.
– Tao thì không biết mặt ngang mũi dọc những thằng quản giáo của
mày, nhưng mấy cha nội ở đây thì tao kính nhi viễn chi. Hễ mà sợ bị
người ta chửi cái gì là cứ y như rằng tìm một người khác gán cho cái tội
đó, rồi gầm lên. Bọn mày bị tù, bị tra tấn cả tâm hồn lẫn thể xác, nên
có những người bước ngang trong khi cả hàng quân đi dọc thì cũng là
chuyện dễ hiểu. Nhưng ở đây thì nhiều khi chỉ là một cái danh hão, một
mối lợi nhỏ, thậm chí có khi chỉ là một vụ ái tình lẩm cẩm mà người ta
cũng có thể hạ đòn độc trí mạng, đến độ không thể nhìn mặt nhau được
nữa. May năm đầu xa nhà, lại cô quạnh thỉnh thoảng tao cũng có đi sinh
hoạt, riết rồi tao thôi, quay về viết lách vớ vẩn vui hơn. Ngay cả việc
viết ở đây cũng có những khi phải lách y hệt như ngày xưa có cái phòng
kiểm duyệt của Bộ Thông Tin vậy.
5- Một hôm vợ Chiến gọi điện thoại cho tôi. Trong lúc nói chuyện chị cứ ấp úng. Tôi cảm thấy có cái gì lạ nên hỏi bâng quơ:
– Ông Chiến hồi này làm gì mà bặt tăm vậy?
Vợ Chiến đột nhiên đổi giọng, từ ấp úng đến nghiêm trọng trong một
chớp mắt. Chị khẩn khoản nói tôi tới nhà ngay, chị muốn chỉ cho tôi
những cái kỳ cục của Chiến đang làm khổ vợ con. Chị mong tôi trong tư
cách bạn thân khuyên bảo Chiến đôi điều. Tôi nghĩ thầm là chắc lại ghen
tuông vớ vẩn đây. Chả là trước khi lấy vợ Chiến có một cô bạn gái, bây
giờ cô bạn đó sang Mỹ đã lâu, đã ly dị và sống với hai đứa con. Từ khi
biết Chiến sang cô đó hay liên lạc điện thoại. Có lần cô đó tới thăm vợ
chồng Chiến. Nghĩ vậy tôi chạy lại liền, bụng bảo dạ đã mấy chục năm nay
Chiến cứ đóng vai đạo mạo đứng đắn mãi. Chỉ làm bộ.
Tới nơi Chiến không có nhà. Bà vợ Chiến dẫn tôi vào phòng trong, mở
một cái cánh cửa tủ sắt chỉ cho tôi một bộ đồ vàng, lon lá cẩn thận, mũ
casquette đen đúng tiêu chuẩn, bảng tên nơi ngực đúng kiểu Phước Hùng.
Chỉ thiếu mấy cái cuống huy chương nữa là đủ lệ bộ của một sĩ quan đi du
học hồi trước 75. Vợ Chiến nói với tôi là hồi này anh hay la cà nơi chợ
trời với lại những tiệm bán đồ cũ quân đội rước về những món đồ nhà
binh cũ. Người ta ác ôn tham nhũng chỉ bị đi có ba bốn năm, là sĩ quan
gương mẫu làm chi để phải đi tới mười hai năm.
Sang tới đây ai cũng lo quên chuyện cũ, làm ăn, mua nhà, mua xe.
Rước chi mấy bộ đồ trận đã cũ có ngày mắc bệnh truyền nhiễm. Hai đứa con
Chiến thì cứ thỉnh thoảng lại bịt miệng cười mỗi khi mẹ nói về cái gàn
dở của bố.
Thú thật tôi không hiểu nổi Chiến muốn gì. Ở đây nhiều người không
có một ngày lính, hay là lính kiểng nhưng đã mặc đồ lính thì người ta
hay mặc đồ bông cho oai, kiếm được mấy cái nón thì phải là thứ có mầu
xanh, đỏ, nâu. Có nhiều người tự động thăng hai ba cấp, có người chơi
bạo trung sĩ xưng là trung tá. Tất nhiên có rất nhiều người khiêm tốn
trốn luôn, đại tá, trung tá xưng là hạ sĩ cho nó đỡ lôi thôi phiền phức.
Ai lại thẳng ruột ngựa như ông bạn tôi. Sắm đồ thì cũng phải có lúc mặc
chứ. Tôi còn đang phân vân trước bộ đồ vía của Chiến thì có tiếng Chiến
đã về.
Cả hai ra ngồi phòng khách, tôi nhìn lại bạn tôi thấy anh hoàn toàn
không có gì là bị tâm trí, đúng là bạn tôi con người uy vũ bất năng
khuất của hai mươi năm trước.
Đột nhiên tôi nói thẳng như hồi nhỏ chúng tôi vẫn nói thẳng với nhau:
– Ông rước mấy cái đồ tập tàng đó về nhà làm gì?
– Đồ tập tàng nào?
– Thì mấy bộ quân phục lon lá cẩn thận đó, bộ ông muốn nát người ta à?
– Hà hà, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Tôi đâu có mù mà không
thấy bà vợ tôi với lũ nhỏ cho là tôi khùng. Đã bao lâu nay tôi luôn tự
nhủ hãy sống cho thực với những gì mình có, bởi vì tất cả những gì giả
trá đều không sớm thì muộn sẽ lộ mặt thật, cho dù mình có dấu được tất
cả mọi người thì mình cũng không dấu được chính mình. May hồi này tôi
hay đi sinh hoạt thấy người ta sống với những điều giả trá quá nhiều.
Tôi định nhắc những người nào tôi biết tôi là thiếu tá Quân Cảnh.
– Biết ông là thiếu tá Quân Cảnh rồi ông làm gì người ta? Bộ ăn
thịt người ta chắc? Bộ ông bắt người ta đem nhốt được như ngày xưa hả?
– Đúng thế, để rồi mày coi Ngày Quân Lực năm nay tao sẽ hành nghề
lại. Tại sao không? Các Quân Binh Chủng ở đây ai người ta cũng thành lập
Hội Ái Hữu. Mình phải hoạt động lại cho nó có vẻ đúng là một Quân Lực
thật sự, kẻo không bọn Mỹ nó cười. Mày có nhớ câu “Nhìn quân phục biết
tư cách” không?
– Nhớ, rồi thì làm sao?
– Trăng với sao gì. Tao sẽ chỉnh lại quân phục của các trự ăn mặc
không đúng quân phong quân kỷ trong ngày Quân Lực. Hiện nay chúng ta
không còn thao trường, nên cái câu ”Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường
bớt đổ máu” có lẽ phải đổi lại.
Tôi nhìn lại Chiến. Bạn tôi coi bộ khật khùng đến nơi. Chiến không
đợi cho tôi hết ngạc nhiên. Anh bồi thêm một câu nữa tôi nghe mà chới
với:
– Ở đây chúng ta chỉ có những hội trường nên tao nghĩ: “Hội Trường
hăng thảo luận, chiến trường bớt đổ máu.” Nghe có thuận tai không mày?
– Mày đừng có đùa, kẻo không ăn đòn hộc gạch ra thì lại khổ vợ con mà thôi.
– Đùa là thế nào. Mày cứ chong con mắt ra, đợi tới ngày Quân Lực mà coi tao xuất quân.
– Tao thấy mày nên lo đi làm, nuôi tụi nhỏ nên người là việc cần
thiết nhất. Mày đã làm đủ bổn phận của mày, giờ này là lúc lo cho tụi
nhỏ. Vả lại ai cho phép mày khơi khơi nói chuyện kiểm soát quân phong,
quân kỷ ở đây?
– Chính là chỗ đó. Mấy người nào hay nói là chưa giải ngũ, hay chửi
mắng người khác là đào ngũ hay là rã ngũ gì đó thì tao lễ phép tới hỏi
chứng chỉ tại ngũ. Mấy anh chào kính không đúng điệu nhà binh là tao
cũng xin phép được sửa lại một chút cơ bản thao diễn.
Mấy anh trong giờ sinh hoạt hay làm ồn, mắng mỏ người khác thì tao
đề nghị để cho tao giữ trật tự. Mấy anh không phải là lính mà cứ mặc đồ
lính thì tao năn nỉ về thay đồ. Ngày xưa không phải là lính mà lạm dụng
quân phục là đi ở tù. Mấy anh anh hùng không gian lả lướt trên trời cao,
thì tao nhã nhặn nhắc các anh ấy là mình đang ở dưới đất. Mấy anh họp
bàn chuyện quan trọng, chuyện cứu nước thì tao xin phép đứng gác cửa.
Phòng gian bảo mật là nghề cũ an ninh trung tâm hành quân của bọn mình
phải không? Nói tóm lại tao chỉ làm cái việc cũ của chúng ta ngày trước.
Tao không có tham vọng chính trị. Tao chỉ muốn tất cả chúng ta gọi mọi
việc bằng đúng cái tên của nó. Chỉ đơn giản thế thôi.
– Mày đừng có phá đám chỗ người khác đang tập dượt, có ngày mày bị
người ta vu oan giá họa rồi bị chửi mục mả ra. Đừng có đốc chứng ra khổ
lây tới vợ con.
– Tao nghĩ kỹ rồi, muốn vu cho tao cũng đâu có dễ. Tao học tập cải
tạo mười hai năm, nếu muốn kiểm chứng thì nhân chứng còn ối ra đó. Tao
đã không coi những năm tù đó là thành tích để làm chính trị. Tao chỉ coi
nó là thành tích đủ cho phép tao xin một cái chức khiêm tốn là gác an
ninh cho mấy anh đó làm việc lớn. Nói cho cùng tao chỉ mặc quân phục
thật đàng hoàng rồi tao ngồi nhìn thật thẳng vào mắt các anh ấy. Giống
như hồi xưa đi học tao hay nhìn thật thẳng vào các ông thầy.
Nhìn thật thẳng vào lòng con người ta là một nghệ thuật vì chính
lòng mình cũng phải thật thẳng, chớ có cong queo. Cứ nhìn như thế sớm
muộn mày cũng biết được ai thật ai giả. Bây giờ ai cũng có thể chửi
người khác được thì chỉ có một cách đó để tìm người thật của thật. Tao
chỉ muốn nhìn, nhìn, nhìn thật kỹ những con người của ngày mai. Chẳng lẽ
vì thế mà người ta cũng có thể mang tao ra mà thóa mạ được sao? Vả lại
nghe chửi thì ăn thua gì. Chửi đâu có chết ai được đâu. Phần tao, tao đã
từng cách cái chết có một sợi tóc thôi. Mấy câu chửi đó ai chửi nấy
nghe.
Tôi có một cảm giác bất ổn khi nghe Chiến nói. Tôi hồi hộp đợi ngày
19-6 tới. Bản thân tôi, tôi ít thích những chỗ trang nghiêm, thế mà năm
nay vì những lời của Chiến đã khiến tôi phải xuất hiện nơi người ta cử
hành đại lễ. Giờ khai mạc đã bắt đầu, toán hầu Quốc Kỳ và Quân Kỳ đã
duyệt qua địa điểm hành lễ. Những bộ quân phục mới tinh hảo, những đôi
giầy Map bóng loáng. Nhìn lá cờ rực rỡ tung bay, tôi nhớ tới những năm
tháng trước khi tôi còn trẻ. Tôi ngóng mãi ra bãi đậu xe. Quái sao không
thấy Chiến có mặt. Anh là người nói như đinh đóng cột, anh là Hướng Đạo
Sinh gạo cội có tuyên hứa. Từ bao năm nay, anh nổi tiếng là người nói
một lời, thế mà hôm nay anh nuốt lời. Tự trong thâm tâm tôi, tôi hơi
mừng mừng khi thấy Chiến không có mặt nơi đây, vì nếu anh thực hiện
những điều anh đã nói thì thế nào cũng có chuyện.
Tan lễ tôi ra về. Tiện đường ghé qua một tiệm phở. Tôi thấy Chiến ngồi ăn với một người bạn cũ của anh. Tôi hỏi Chiến:
– Sao hồi nẫy tại chỗ hành lễ không thấy ông? Té ra ông cũng là một trự nói phét.
– Mày ngu bỏ mẹ. Thật đúng là một thằng rã ngũ chưa ở tù Cộng Sản ngày nào.
Tôi không hiểu nổi Chiến. Chẳng lẽ Cộng Sản đã làm thay đổi được
bản chất của bạn tôi nhiều như thế sao. Tôi hỏi kháy Chiến một câu:
– Té ra ông mua quân phục về treo trong tủ để nhát tụi nhỏ ở nhà.
– Mày nói lộn rồi, tao cho nói lại. Quân phục đó tao đích thân mang
đi. Ngày đó vợ tao cự quá trời, riếc tao đủ điều. Cái quần để ở rương
quần áo của con gái tao, cái áo để trong rương của thằng con trai. Cái
bao vải của mũ casquette tao tháo ra cho vào túi quần khi lên máy bay.
Chỉ có khung mũ không thể mang đi nên tao mua ở bên này. Đúng bộ quân
phục treo trong tủ, nhưng là để nhát tao, chứ không phải nhát tụi nhỏ.
6- Cái truyện ngắn này tôi không ký bút hiệu của tôi mà ký
tên là Cao Chiến Phong. Cao là Cao Tần, tên một thi sĩ mà tôi đã mượn
bốn câu thơ để dẫn tới người bạn cũ tên là Chiến. Phong là tên tôi. Nội
cái tên bất ngờ này cũng cho mọi người thấy là tôi thua ông bạn cũ của
tôi keo nữa. Nghĩa là gọi sự việc bằng đúng cái tên của nó.
Đối với nhiều người đây có thể là những truyện ấm ớ của một anh
khật khùng nào đó. Nhưng nếu chẳng may nó lọt vào mắt xanh của một đàn
anh chủ báo nào đăng lại, tôi chỉ yêu cầu một điều nhỏ là nên nhớ bạn
tôi không được bình thường. Những năm lao tù đã làm cho bạn tôi mất đi
phần nào cái tính an nhiên tự tại.
Ngày Quân Lực năm nay nếu quý vị có gặp một người mặc quân phục rất
đàng hoàng, lại có vẻ ngang ngang xin quý vị đừng để ý. Đó là con người
lúc nào cũng có vẻ trật đường rầy. Anh ta hiền và vô hại với quý vị.
Anh ta chỉ muốn nhìn ngắm quý vị, và thỉnh thoảng nhắc quý vị một chút
nếu có những sơ sót dù nhỏ nhặt tới đâu trong phạm vi nghề nghiệp của
anh ta.
Mới đây chị Chiến còn cho tôi biết là anh đang đi làm và để dành
tiền để mua đấu giá một chiếc xe Jeep nhà binh cũ. Anh còn đe là sẽ thực
hiện một chiếc xe Quân Cảnh thật sự để dùng trong những dịp đại lễ.
Không hiểu rồi anh sẽ làm thế nào để tuyển được lính, ít nhất cũng phải
bốn người ngồi cho đủ một chiếc xe tuần tiễu.
Năm nay thì chắc chắn là Chiến không kịp mang xe jeep đi dự ngày
Quân Lực. Nhưng với con người kiên nhẫn và bền bỉ sống trong trại tù
mười hai năm, mà lúc nào cũng giữ được nhân cách của mình đó, không sớm
thì muộn anh cũng sắm được xe đấu giá. Xin đọc cái truyện ngắn này như
là một lời xin lỗi trước trong trường hợp bạn tôi mạo phạm tới quý vị.
Riêng phần tôi, ngoài cái truyện ngắn ký bằng cái tên chắp vá này,
tôi mong rằng tôi không bao giờ phải nắm vạt áo của một nhà thơ, nhà văn
nào khác để đẻ ra những cái tên lạ hoắc nữa cho các truyện sắp tới. Tôi
không thích điều này, còn Chiến người bạn mà tôi không bao giờ theo kịp
đó, lúc nào cũng muốn gọi mọi sự kiện bằng đúng cái tên của nó.
Cao Chiến Phong
(từ: DĐTK)