Nguồn: Peter Apps, “Why Kim Jong Un wants the Korea talks“, Reuters, 12/01/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Năm ngoái, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm cả thế giới kinh động với tốc độ phát triển tên lửa hạt nhân, việc đàn áp các đối thủ cũng như nghi ngờ rằng ông đã ra lệnh ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của mình. Năm nay đến lượt các cuộc tấn công ngoại giao. Nhưng điều này không có nghĩa là đã diễn ra một sự thay đổi về mặt chiến lược.
Các quan chức Triều Tiên đã gặp các quan chức Hàn Quốc vào hôm thứ ba. Đây là lần đầu tiên các cuộc đối thoại như vậy diễn ra trong vòng 2 năm qua. Kết quả đạt được là một thỏa thuận cho phép Triều Tiên gửi một đoàn vận động viên tới dự Olympics Mùa đông tại Hàn Quốc vào tháng tới cũng như việc tiến hành các cuộc đối thoại quân sự song phương.
Sẵn lòng tiến hành đối thoại đương nhiên là một tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Triều Tiên có ý định làm chậm lại chương trình phát triển các tên lửa và đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt lớn hơn, đặc biệt là những tên lửa có thể đánh trúng lục địa Hoa Kỳ.
Thay vào đó, Bình Nhưỡng dường như đang theo đuổi một chiến lược có tính toán và ngày càng thành công nhằm gây chia rẽ giữa Washington và Seoul. Đó là một bước đi khiến cho hành động quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ chống lại chế độ họ Kim trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể.
Washington đã làm rõ mục tiêu quan trọng nhất của họ là ngăn Triều Tiên đạt được khả năng tấn công đất liền Hoa Kỳ. Ngược lại, Hàn Quốc đã nằm sẵn trong phạm vi tấn công của các kho vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân cũng như những vũ khí hóa học và sinh học mà Triều Tiên bị tình nghi ngờ là đang sở hữu.
Vì vậy, trong khi một số quan chức tại Washington chấp nhận liều lĩnh, thậm chí có thể tiến hành chiến tranh nhằm chặn đứng mối đe dọa tương lai đối với lục địa Hoa Kỳ, thì Seoul không hề mong muốn một chiến lược rủi ro như vậy.
Thực tế, có những hạn chế quan trọng trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm chia rẽ Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Hàn Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào quân đội Mỹ trong việc bảo vệ lãnh thổ và càng phụ thuộc hơn vào nước này về mặt cung cấp vũ khí.
Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng việc Hàn Quốc sốt sắng tiến hành ngoại giao vào lúc này một phần là do họ muốn tránh những tình huống khó xử hay các sự cố trong quá trình diễn ra Olympics Mùa đông mà họ lo sợ có thể bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công khủng bố hoặc tấn công mạng của Triều Tiên.
Điều mà Hàn Quốc cũng có thể muốn chứng kiến là việc Hoa Kỳ giảm các hành động mang tính đe dọa, đặc biệt là các đợt diễn tập không quân nhằm chứng minh khả năng Mỹ có thể tấn công vào các địa điểm hạt nhân của Triều Tiên nếu cần.
Dẫu vậy, Washington vẫn sẽ không hài lòng nếu Hàn Quốc bị Triều Tiên thuyết phục nối lại các hợp tác kinh tế gần gũi, ví dụ như bằng cách mở cửa trở lại một số khu kinh tế xuyên biên giới với Bình Nhưỡng. Chiến lược của Washington trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng làm chậm lại các tham vọng hạt nhân của họ phụ thuộc nặng nề vào việc cô lập Triều Tiên về mặt kinh tế.
Mục tiêu quan trọng nhất của Hàn Quốc vẫn là thuyết phục Mỹ không tiến hành bất cứ hành động đơn phương nào. Mặc dù ông Donald Trump không thể viếng thăm khu phi quân sự trong chuyến thăm Seoul vào năm ngoái, nhưng các quan chức Hàn Quốc đã đảm bảo rằng chuyến bay bằng trực thăng cho phép vị tổng thống Mỹ nhìn thấy thủ đô Hàn Quốc chỉ nằm cách biên giới 56 km. Điều đó đặt Seoul nằm ngay trong tầm đạn pháo của ông Kim Jong Un và các dự báo của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng ông Kim có thể giết chết tới 20.000 người Hàn Quốc mỗi ngày ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tóm lại, các động thái ngoại giao tuần này gần như chắc chắn sẽ làm giảm rủi ro Triều Tiên có các hành vi làm gián đoạn Olympics Mùa đông thông qua tấn công mạng hoặc các hành vi tồi tệ hơn khác. Cũng có thể họ đã thuyết phục được ông Kim làm giảm tốc độ các vụ thử vũ khí trong những tháng sắp tới. Nhưng họ chưa thể làm được gì để khắc phục vấn đề ẩn sâu bên dưới cuộc Khủng hoảng Triều Tiên.
Peter Apps là cây viết phụ trách các vấn đề toàn cầu của Reuters.