Văn Học & Nghệ Thuật
Thấy Mạc Ngôn đoạt Nobel mà sốt cả ruột!
Thấy Mạc Ngôn đoạt Nobel mà sốt cả ruột!
Dương Phương Vinh thực hiện
TP – Trong năm, nhà thơ nhà báo Trần Đăng Khoa hoạt động hết công suất trên VOV của anh và cả blog Lão Khoa. Ngày xuân, anh trải lòng về cái giải Nobel gây “sốt ruột và đau đớn”, cùng chuyện gẫu linh tinh khác nữa.
DPV: Vừa rồi đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh ngày tận thế. Vậy mà sau tận thế, vẫn có dịp tán gẫu với anh nhân Tết con rắn này Anh tuyên bố sẽ không bao giờ mua xe hơi vì nhiều lý do trong đó có lý do: Người ta lái xe đâm mình chết không sao, mình lái xe chẳng may đâm chết người, có mà ân hận cả đời. Anh cũng thương người ghê nhỉ?
TĐK: Thế thím tưởng chỉ có mỗi thím biết thương người sao? Còn lâu nhé. Nếu thím biết thương người thì đã chẳng có thời làm bao gã sống dở, chết dở. Còn ta, bao trùm lên mọi cảm giác là niềm kinh sợ.
Thực ra ta cũng đã định mua ô tô rồi đấy. Mua do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long kích động. Ta đã tính mua. Nếu mình không lái thì vợ lái. Long đã đưa ta đi xem xe, đã nộp cả tiền học lái xe.
Thế rồi một anh bạn bảo, anh phải bỏ ngay cái việc đi xe máy. Không an toàn đâu. Có thể ngỏm bất cứ lúc nào. Mình ngồi trên ô tô như ngồi trong cái lô cốt bằng sắt. Nếu có húc nhau thì đứa khác chết. Cùng lắm bỏ ra 30 triệu lo đám tang là xong.
Ta rùng mình ghê rợn. Chả nhẽ tính mạng một con người chỉ có thế thôi sao ? Có lẽ không ít gã cũng có những ý nghĩ lạnh lùng rùng rợn như anh bạn này.
Bởi vậy tai nạn giao thông ở ta mới khủng khiếp như thế. Đã thành kẻ giết người rồi thì liệu còn có thể sống yên ổn được nữa không? Có nhiều tội ác tòa án có thể bỏ sót. Nhưng lương tâm thì sao? Làm sao trốn được chính mình ?
Ta quyết định chấm dứt ý đồ mua xe riêng, cũng không khuyến khích vợ đam mê những cái lô cốt di động bằng sắt ấy. Vả lại có xe cũng đâu có sướng. Để có một cái xe tử tế phải chi vài tỉ.
Dùng số tiền ấy đi taxi, bao giờ mới hết được. Mà sướng như vua vì được hầu hạ. Làm vua vừa đi vừa ngủ, hay làm người hầu đánh xe, vã mồ hôi vì mệt mỏi, căng thẳng thì ai sướng hơn ai ? Vả lại nuôi cái xe bây giờ khổ gấp vạn lần nuôi trâu bò.
Tiền thuế đường. Tiền bảo dưỡng. Tiền gửi xe. Tiền hệ lụy rải suốt dọc đường. Khổ nhục lắm. Rồi còn lo xây sát, rồi giữ gìn, nâng niu. Đâu phải mình cưỡi xe. Chính cái xe nó… cưỡi mình đấy. Dại. Ta quyết cưỡi xe chứ không để xe nó cưỡi mình.
DPV: Có lần anh bảo tôi “Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy vợ rồi, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con của mình. Cứ thế”. Nghe thiên hạ đồn: Hồi học ở Nga, bạn cùng phòng có mang bạn gái về ngủ trong phòng anh cũng không hé mắt. Theo anh, cái căn tính ưa nhòm qua lỗ khóa nhà người khác và “hạnh phúc của kẻ khác là bất hạnh của ta” ở người Việt Nam mình, nhất là dân miền Bắc mình, đáng thương hay đáng giận?
TĐK: Đó cũng là điều ghê rợn, chứ không còn là chuyện thương hay giận nữa. Mình học được nhiều điều rất hay của thiên hạ. Và đức tính mình thích nhất ở họ là chuyện đâu bỏ đó. Không chõ mũi vào nhà người khác, nếu chuyện đó không có gì liên quan đến mình.
Tôi có thời gian dài học ở Nga. Ở nước Nga, một cặp tình nhân khỏa thân ôm nhau trong phòng, dù có mở toang cửa cũng chẳng ai nhòm, thậm chí họ còn tránh xa để không làm phiền cặp uyên ương ấy.
Nhiều đôi ôm nhau, hôn nhau trong toa tầu điện ngầm, có ai để ý đâu. Đấy là cõi riêng của họ. Chỉ có họ ngự trị. Nếu có người nhìn thì chỉ là người Việt mình thôi. Đấy là một hành động rất man rợ mà chúng ta không tự biết. Ta học được của người Nga rất nhiều bài học ở bên ngoài giáo trình đại học như thế thím ạ.
Hồi ấy ta ở chung phòng với ông bạn Nga Ivan Navichxki. Ta đã viết khá nhiều về ông bạn mắt xanh mũi lõ này. Riêng có một chuyện ta không viết mà không hiểu tại sao thím lại biết? Đấy là chuyện riêng của Ivan.
Anh bạn có cô bồ trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Ta bảo: Các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến tớ làm gì. Mất vui. Cứ coi như tớ không có mặt trong căn phòng này. Thế là họ lên tiên. Còn ta nằm quay mặt vào tường và… đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối.
Nhưng cũng có một bài học rất hay của người Nga mà ta không học được. Sự kém cỏi này làm ông bạn Ivan rất …khinh bỉ ta.
Sự việc bắt đầu từ buổi ximêna tác phẩm của Nhina Rubacova, một cô bạn Nga rất đẹp. Thơ cô bé rất ngộ: Những quả đồi khỏa thân/ Nằm mê man như những người đàn bà/ Trong lúc chúa trời đang táy máy. Rồi Những con quạ/ Nhìn ta/ Bằng con mắt nghĩa địa/ Sỏi đá rì rầm/ Hiện tại của tôi là tương lai của bạn. Thơ ấy cũng không đến nỗi quá dở. Hay là đằng khác. Nhưng bè bạn chê dữ quá. Chỉ có mỗi ta khen.
Nhưng ta không khen thơ mà khen cô ấy đẹp. Ta còn nói với lũ đầu gấu đang xỉa xói cô ấy rằng: “Các bạn hãy nhìn lại đi. Có phải Natasa vừa bước từ trang sách của L. Tonxtoi ra không? Không! Natasa còn có vết chủng đậu mờ mờ ở cánh tay, còn nàng tiên cá này tinh khôi, không có khiếm khuyết gì cả. Cái nhược điểm lớn nhất của Nhina là không có nhược điểm gì”. Mọi người vỗ tay còn cô bé mặt đỏ bừng rạng rỡ.
Tưởng chỉ là chuyện vui. Ai ngờ tối ấy, Nhina gõ cửa phòng ta. Dạo ấy, nhà thơ Chế Lan Viên vừa gửi sang tặng ta tập thơ Hàn Mặc Tử do tỉnh Nghĩa Bình in, ông tuyển chọn và viết tựa.
Ta giới thiệu với Nhina về Hàn Mạc Tử và còn bảo: “Đây là B. Pasternac của Việt Nam đấy”. Rồi ta đọc một bài thơ bằng âm tiếng Việt để cô bé nghe nhạc điệu, rồi dịch ý một bài thơ bốn câu. Nhina bảo: “Sao giống thơ cổ điển Trung Quốc thế?”. Mình bảo, không phải thơ của chúng tớ giống thơ Đường Trung Quốc đâu, mà thơ Đường bắt chước thơ chúng tớ đấy.
Cả các công trình lăng tẩm, đền đài ở Huế cũng vậy, họ toàn bắt chước chúng tớ để xây dựng Tử Cấm thành, bắt chước chúng tớ nhưng lại xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm.
Thế mới đểu chứ. Cô bé cười ngặt nghẽo. Ivan về giơ một ngón tay lên, làm một cử chỉ rất kỳ quặc, chỉ có ma mới hiểu, rồi anh bạn ôm chăn mền ra ngoài phòng.
Mình chẳng hiểu gì cả. Rồi đêm ấy, không thấy Ivan về. Mình lại thấy Nhina ôm chăn mền sang trải trên chiếc giường của Ivan.
Rồi cô bé tắt điện trút bỏ quần áo chui vào chăn. Mình lại tưởng phòng cô bạn có khách, nên phải sang ngủ nhờ giường Ivan. Thế là bọn mình lại tiếp tục chõ miệng sang giường bên trò chuyện. Rồi mình ngủ lúc nào chẳng biết nữa.
Sáng hôm sau, Ivan “khinh bỉ” mình ra mặt: “Mày là một thằng nhà thơ rất tốt nhưng là một thằng đàn ông vô cùng tồi tệ. Mày không phải là đàn ông”. Bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn thấy bàng hoàng. Đúng là mình kinh tởm thật!
DPV: Nghe nói anh hâm mộ Mạc Ngôn nhiệt liệt. “Phong nhũ phì đồn”, “Đàn hương hình” quả là kiệt tác. Nhưng anh đã đọc diễn từ nhận giải Nobel của ông ấy chưa, cứ gọi là dở kinh khủng, con tằm nó ăn lá dâu nhả ra tơ và kể những chuyện không đáng. Thế mới biết không ai “oách” được toàn phần?
TĐK:Có người viết rất hay nhưng nói rất dở. Có người viết dở nhưng nói rất hay. Có người viết hay mà nói cũng tuyệt. Mạc Ngôn ở dạng thứ nhất. Và thế là tuyệt vời rồi.
Nhà văn Nguyễn Khải bảo: Tinh hoa nhà văn là ở các trang văn. Còn ngoài đời, chúng tôi chỉ là những cái bã. Nói vậy, nhưng Nguyễn Khải cả trong văn và ngoài đời đều rất thông minh. Ông nói gì cũng ấn tượng, hấp dẫn.
Nguyễn Minh Châu ngược lại. Ông viết rất hay nhưng nói lại vụng. Ông bảo, nhiều lúc lão Khải giễu mình, mình tức lắm. Nhưng mình nghĩ được câu phản đòn thì lão đã bàn sang chuyện khác từ tám hoánh nào rồi.
Bảo Ninh cũng vậy. Anh viết tuyệt vời, nhưng nói cũng cứ dấp dính, biểu hiện của một tư duy rối rắm, không hề mạch lạc. Mình thích những nhà văn viết hay nhưng lại ngơ ngác ở ngoài đời. Sắc quá, lưỡi nhọn như lưỡi rắn, rợn chết đi được.
Còn Mạc Ngôn thì ta mê ông ấy từ rất lâu rồi. Cách đây hơn chục năm, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có phỏng vấn ta, hỏi ta đang đọc cuốn gì. Ta cũng đã thưa với chị ấy rằng, tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Dù bận mấy cũng không bỏ đọc. Nhưng chỉ có Mạc Ngôn là đáng đọc thôi.
Ở thời điểm ấy, anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn) còn có đôi chút cường điệu, chứ Đàn hương hình thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh này ở chính thời điểm này.
Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh cùng trang lứa với chúng tôi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ ta thì ta sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng da vàng mũi tẹt như mình mà lão làm được nhiều việc lớn như thế, mà mình cứ bi bét mãi.
Trong một cuộc hội thảo về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: “Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn”. Ta không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó Mạc Ngôn có mà chúng ta không có. Cái đó nằm ngoài tầm tay chúng ta.
Ngô Thị Kim Cúc tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay ở ta hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước Marquez”.
Ta có nói với nữ nhà văn rằng, tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin bạn lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em nhà văn mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết.
Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng không dễ đâu. Tôi có đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách này nghe đồn có vấn đề, đang bị đề nghị cấm.
Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có tí nhược điểm là… không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn.
Tôi kêu thì tác giả bảo: “Ông đã đọc Mạc Ngôn và Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém”. Tôi thật sự kinh ngạc. Hóa ra ông bạn chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối.
Quả trong Trăm năm cô đơn của Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, trong vắt, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng.
Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp phía sau. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm.
Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả là phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn cả sự thật.
Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn trong vắt, thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không có chỗ nương náu thì cái đẹp ấy phải “biến” thôi.
Toàn bộ những chi tiết cởi truồng kia chỉ là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn tôi dường như chỉ học được mỗi phép cởi truồng và cứ tưởng cởi truồng là Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng kia cơ.
DPV: Ngày Tết, người ta thường nhâm nhi mấy câu thơ. Anh có bài thơ xuân nào…
TĐK: Ta chỉ có thơ nịnh vợ, nhưng lại tặng bà hàng xóm. Thím thử đọc chơi nhé:
THƠ XUÂN DÂNG VỢ
Tặng một bà hàng xóm
Những đóa hoa rừng đẹp nhất
Đều tàn theo gió, theo mưa
Riêng em, một nhành tím biếc
Cứ tươi xinh suốt bốn mùa
Hương sắc ngàn xuân tụ lại
Bừng trong da thịt em đây
Thảo nào mà ngài phỗng đá
Cũng còn rạo rực, ngất ngây…
Đến cả lão Khoa nghễnh ngãng
Oai phong như bác…cóc già
Phen này khéo lão hóa bướm
Rập rình chao lượn quanh hoa…
DPV: Khiếp, lão Khoa mà hóa bướm…
TĐK: Thì bướm cũng có nhiều loại. Có bướm nâu, bướm chúa, rồi còn có cả bướm ma nữa chứ. Đời thế mới vui. Nếu tẻ nhạt thì ta với thím treo cổ từ lâu rồi. Chả còn hào hứng ngồi tán toàn những chuyện phiếm như thế này nữa…
Bàn ra tán vào (0)
Thấy Mạc Ngôn đoạt Nobel mà sốt cả ruột!
Thấy Mạc Ngôn đoạt Nobel mà sốt cả ruột!
Dương Phương Vinh thực hiện
TP – Trong năm, nhà thơ nhà báo Trần Đăng Khoa hoạt động hết công suất trên VOV của anh và cả blog Lão Khoa. Ngày xuân, anh trải lòng về cái giải Nobel gây “sốt ruột và đau đớn”, cùng chuyện gẫu linh tinh khác nữa.
DPV: Vừa rồi đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh ngày tận thế. Vậy mà sau tận thế, vẫn có dịp tán gẫu với anh nhân Tết con rắn này Anh tuyên bố sẽ không bao giờ mua xe hơi vì nhiều lý do trong đó có lý do: Người ta lái xe đâm mình chết không sao, mình lái xe chẳng may đâm chết người, có mà ân hận cả đời. Anh cũng thương người ghê nhỉ?
TĐK: Thế thím tưởng chỉ có mỗi thím biết thương người sao? Còn lâu nhé. Nếu thím biết thương người thì đã chẳng có thời làm bao gã sống dở, chết dở. Còn ta, bao trùm lên mọi cảm giác là niềm kinh sợ.
Thực ra ta cũng đã định mua ô tô rồi đấy. Mua do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long kích động. Ta đã tính mua. Nếu mình không lái thì vợ lái. Long đã đưa ta đi xem xe, đã nộp cả tiền học lái xe.
Thế rồi một anh bạn bảo, anh phải bỏ ngay cái việc đi xe máy. Không an toàn đâu. Có thể ngỏm bất cứ lúc nào. Mình ngồi trên ô tô như ngồi trong cái lô cốt bằng sắt. Nếu có húc nhau thì đứa khác chết. Cùng lắm bỏ ra 30 triệu lo đám tang là xong.
Ta rùng mình ghê rợn. Chả nhẽ tính mạng một con người chỉ có thế thôi sao ? Có lẽ không ít gã cũng có những ý nghĩ lạnh lùng rùng rợn như anh bạn này.
Bởi vậy tai nạn giao thông ở ta mới khủng khiếp như thế. Đã thành kẻ giết người rồi thì liệu còn có thể sống yên ổn được nữa không? Có nhiều tội ác tòa án có thể bỏ sót. Nhưng lương tâm thì sao? Làm sao trốn được chính mình ?
Ta quyết định chấm dứt ý đồ mua xe riêng, cũng không khuyến khích vợ đam mê những cái lô cốt di động bằng sắt ấy. Vả lại có xe cũng đâu có sướng. Để có một cái xe tử tế phải chi vài tỉ.
Dùng số tiền ấy đi taxi, bao giờ mới hết được. Mà sướng như vua vì được hầu hạ. Làm vua vừa đi vừa ngủ, hay làm người hầu đánh xe, vã mồ hôi vì mệt mỏi, căng thẳng thì ai sướng hơn ai ? Vả lại nuôi cái xe bây giờ khổ gấp vạn lần nuôi trâu bò.
Tiền thuế đường. Tiền bảo dưỡng. Tiền gửi xe. Tiền hệ lụy rải suốt dọc đường. Khổ nhục lắm. Rồi còn lo xây sát, rồi giữ gìn, nâng niu. Đâu phải mình cưỡi xe. Chính cái xe nó… cưỡi mình đấy. Dại. Ta quyết cưỡi xe chứ không để xe nó cưỡi mình.
DPV: Có lần anh bảo tôi “Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy vợ rồi, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con của mình. Cứ thế”. Nghe thiên hạ đồn: Hồi học ở Nga, bạn cùng phòng có mang bạn gái về ngủ trong phòng anh cũng không hé mắt. Theo anh, cái căn tính ưa nhòm qua lỗ khóa nhà người khác và “hạnh phúc của kẻ khác là bất hạnh của ta” ở người Việt Nam mình, nhất là dân miền Bắc mình, đáng thương hay đáng giận?
TĐK: Đó cũng là điều ghê rợn, chứ không còn là chuyện thương hay giận nữa. Mình học được nhiều điều rất hay của thiên hạ. Và đức tính mình thích nhất ở họ là chuyện đâu bỏ đó. Không chõ mũi vào nhà người khác, nếu chuyện đó không có gì liên quan đến mình.
Tôi có thời gian dài học ở Nga. Ở nước Nga, một cặp tình nhân khỏa thân ôm nhau trong phòng, dù có mở toang cửa cũng chẳng ai nhòm, thậm chí họ còn tránh xa để không làm phiền cặp uyên ương ấy.
Nhiều đôi ôm nhau, hôn nhau trong toa tầu điện ngầm, có ai để ý đâu. Đấy là cõi riêng của họ. Chỉ có họ ngự trị. Nếu có người nhìn thì chỉ là người Việt mình thôi. Đấy là một hành động rất man rợ mà chúng ta không tự biết. Ta học được của người Nga rất nhiều bài học ở bên ngoài giáo trình đại học như thế thím ạ.
Hồi ấy ta ở chung phòng với ông bạn Nga Ivan Navichxki. Ta đã viết khá nhiều về ông bạn mắt xanh mũi lõ này. Riêng có một chuyện ta không viết mà không hiểu tại sao thím lại biết? Đấy là chuyện riêng của Ivan.
Anh bạn có cô bồ trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Ta bảo: Các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến tớ làm gì. Mất vui. Cứ coi như tớ không có mặt trong căn phòng này. Thế là họ lên tiên. Còn ta nằm quay mặt vào tường và… đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối.
Nhưng cũng có một bài học rất hay của người Nga mà ta không học được. Sự kém cỏi này làm ông bạn Ivan rất …khinh bỉ ta.
Sự việc bắt đầu từ buổi ximêna tác phẩm của Nhina Rubacova, một cô bạn Nga rất đẹp. Thơ cô bé rất ngộ: Những quả đồi khỏa thân/ Nằm mê man như những người đàn bà/ Trong lúc chúa trời đang táy máy. Rồi Những con quạ/ Nhìn ta/ Bằng con mắt nghĩa địa/ Sỏi đá rì rầm/ Hiện tại của tôi là tương lai của bạn. Thơ ấy cũng không đến nỗi quá dở. Hay là đằng khác. Nhưng bè bạn chê dữ quá. Chỉ có mỗi ta khen.
Nhưng ta không khen thơ mà khen cô ấy đẹp. Ta còn nói với lũ đầu gấu đang xỉa xói cô ấy rằng: “Các bạn hãy nhìn lại đi. Có phải Natasa vừa bước từ trang sách của L. Tonxtoi ra không? Không! Natasa còn có vết chủng đậu mờ mờ ở cánh tay, còn nàng tiên cá này tinh khôi, không có khiếm khuyết gì cả. Cái nhược điểm lớn nhất của Nhina là không có nhược điểm gì”. Mọi người vỗ tay còn cô bé mặt đỏ bừng rạng rỡ.
Tưởng chỉ là chuyện vui. Ai ngờ tối ấy, Nhina gõ cửa phòng ta. Dạo ấy, nhà thơ Chế Lan Viên vừa gửi sang tặng ta tập thơ Hàn Mặc Tử do tỉnh Nghĩa Bình in, ông tuyển chọn và viết tựa.
Ta giới thiệu với Nhina về Hàn Mạc Tử và còn bảo: “Đây là B. Pasternac của Việt Nam đấy”. Rồi ta đọc một bài thơ bằng âm tiếng Việt để cô bé nghe nhạc điệu, rồi dịch ý một bài thơ bốn câu. Nhina bảo: “Sao giống thơ cổ điển Trung Quốc thế?”. Mình bảo, không phải thơ của chúng tớ giống thơ Đường Trung Quốc đâu, mà thơ Đường bắt chước thơ chúng tớ đấy.
Cả các công trình lăng tẩm, đền đài ở Huế cũng vậy, họ toàn bắt chước chúng tớ để xây dựng Tử Cấm thành, bắt chước chúng tớ nhưng lại xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm.
Thế mới đểu chứ. Cô bé cười ngặt nghẽo. Ivan về giơ một ngón tay lên, làm một cử chỉ rất kỳ quặc, chỉ có ma mới hiểu, rồi anh bạn ôm chăn mền ra ngoài phòng.
Mình chẳng hiểu gì cả. Rồi đêm ấy, không thấy Ivan về. Mình lại thấy Nhina ôm chăn mền sang trải trên chiếc giường của Ivan.
Rồi cô bé tắt điện trút bỏ quần áo chui vào chăn. Mình lại tưởng phòng cô bạn có khách, nên phải sang ngủ nhờ giường Ivan. Thế là bọn mình lại tiếp tục chõ miệng sang giường bên trò chuyện. Rồi mình ngủ lúc nào chẳng biết nữa.
Sáng hôm sau, Ivan “khinh bỉ” mình ra mặt: “Mày là một thằng nhà thơ rất tốt nhưng là một thằng đàn ông vô cùng tồi tệ. Mày không phải là đàn ông”. Bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn thấy bàng hoàng. Đúng là mình kinh tởm thật!
DPV: Nghe nói anh hâm mộ Mạc Ngôn nhiệt liệt. “Phong nhũ phì đồn”, “Đàn hương hình” quả là kiệt tác. Nhưng anh đã đọc diễn từ nhận giải Nobel của ông ấy chưa, cứ gọi là dở kinh khủng, con tằm nó ăn lá dâu nhả ra tơ và kể những chuyện không đáng. Thế mới biết không ai “oách” được toàn phần?
TĐK:Có người viết rất hay nhưng nói rất dở. Có người viết dở nhưng nói rất hay. Có người viết hay mà nói cũng tuyệt. Mạc Ngôn ở dạng thứ nhất. Và thế là tuyệt vời rồi.
Nhà văn Nguyễn Khải bảo: Tinh hoa nhà văn là ở các trang văn. Còn ngoài đời, chúng tôi chỉ là những cái bã. Nói vậy, nhưng Nguyễn Khải cả trong văn và ngoài đời đều rất thông minh. Ông nói gì cũng ấn tượng, hấp dẫn.
Nguyễn Minh Châu ngược lại. Ông viết rất hay nhưng nói lại vụng. Ông bảo, nhiều lúc lão Khải giễu mình, mình tức lắm. Nhưng mình nghĩ được câu phản đòn thì lão đã bàn sang chuyện khác từ tám hoánh nào rồi.
Bảo Ninh cũng vậy. Anh viết tuyệt vời, nhưng nói cũng cứ dấp dính, biểu hiện của một tư duy rối rắm, không hề mạch lạc. Mình thích những nhà văn viết hay nhưng lại ngơ ngác ở ngoài đời. Sắc quá, lưỡi nhọn như lưỡi rắn, rợn chết đi được.
Còn Mạc Ngôn thì ta mê ông ấy từ rất lâu rồi. Cách đây hơn chục năm, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có phỏng vấn ta, hỏi ta đang đọc cuốn gì. Ta cũng đã thưa với chị ấy rằng, tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Dù bận mấy cũng không bỏ đọc. Nhưng chỉ có Mạc Ngôn là đáng đọc thôi.
Ở thời điểm ấy, anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn) còn có đôi chút cường điệu, chứ Đàn hương hình thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh này ở chính thời điểm này.
Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh cùng trang lứa với chúng tôi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ ta thì ta sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng da vàng mũi tẹt như mình mà lão làm được nhiều việc lớn như thế, mà mình cứ bi bét mãi.
Trong một cuộc hội thảo về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: “Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn”. Ta không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó Mạc Ngôn có mà chúng ta không có. Cái đó nằm ngoài tầm tay chúng ta.
Ngô Thị Kim Cúc tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay ở ta hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước Marquez”.
Ta có nói với nữ nhà văn rằng, tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin bạn lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em nhà văn mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết.
Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng không dễ đâu. Tôi có đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách này nghe đồn có vấn đề, đang bị đề nghị cấm.
Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có tí nhược điểm là… không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn.
Tôi kêu thì tác giả bảo: “Ông đã đọc Mạc Ngôn và Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém”. Tôi thật sự kinh ngạc. Hóa ra ông bạn chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối.
Quả trong Trăm năm cô đơn của Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, trong vắt, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng.
Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp phía sau. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm.
Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả là phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn cả sự thật.
Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn trong vắt, thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không có chỗ nương náu thì cái đẹp ấy phải “biến” thôi.
Toàn bộ những chi tiết cởi truồng kia chỉ là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. Ông bạn tôi dường như chỉ học được mỗi phép cởi truồng và cứ tưởng cởi truồng là Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng kia cơ.
DPV: Ngày Tết, người ta thường nhâm nhi mấy câu thơ. Anh có bài thơ xuân nào…
TĐK: Ta chỉ có thơ nịnh vợ, nhưng lại tặng bà hàng xóm. Thím thử đọc chơi nhé:
THƠ XUÂN DÂNG VỢ
Tặng một bà hàng xóm
Những đóa hoa rừng đẹp nhất
Đều tàn theo gió, theo mưa
Riêng em, một nhành tím biếc
Cứ tươi xinh suốt bốn mùa
Hương sắc ngàn xuân tụ lại
Bừng trong da thịt em đây
Thảo nào mà ngài phỗng đá
Cũng còn rạo rực, ngất ngây…
Đến cả lão Khoa nghễnh ngãng
Oai phong như bác…cóc già
Phen này khéo lão hóa bướm
Rập rình chao lượn quanh hoa…
DPV: Khiếp, lão Khoa mà hóa bướm…
TĐK: Thì bướm cũng có nhiều loại. Có bướm nâu, bướm chúa, rồi còn có cả bướm ma nữa chứ. Đời thế mới vui. Nếu tẻ nhạt thì ta với thím treo cổ từ lâu rồi. Chả còn hào hứng ngồi tán toàn những chuyện phiếm như thế này nữa…