Tin nóng trong ngày
Thế giới hôm nay: 11/05/2020
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Số ca nhiễm covid-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt 4 triệu, với hơn 277.000 ca tử vong. Mỹ, chiếm một phần ba số người thiệt mạng trên thế giới, vẫn là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Song, ngay cả các chính phủ dường như đã kiểm soát được căn bệnh này vẫn cảnh báo về khả năng nó xuất hiện trở lại. Hàn Quốc đã báo cáo 34 ca mới vào Chủ nhật – mức tăng đột biến lớn nhất trong một tháng – và tỷ lệ lây nhiễm của Đức cũng tăng tốc.
Ba thành viên cao cấp của tổ chuyên trách đối phó coronavirus của Nhà Trắng đang tự cách ly hai tuần sau khi tiếp xúc với người nhiễm covid-19. Họ là Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ; Robert Redfield, giám đốc CDC, và Stephen Hahn, ủy viên trưởng của FDA. Cuối tuần trước, hai nhân viên Nhà Trắng đã xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch dỡ bớt phong tỏa của Anh, khuyến khích những người không thể làm việc từ nhà trở lại làm việc và cho phép nhiều hoạt động ngoài trời hơn từ thứ Tư. Các cửa hàng và một số trường học có thể mở cửa trở lại vào tháng Sáu. Khẩu hiệu “hãy cảnh giác” (Stay alert) mới của ông Johnson đã bị một số người chỉ trích vì khó hiểu hơn khẩu hiệu trước đó là “hãy ở nhà”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra dấu hiệu cho thấy họ sẽ có biện pháp bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước sau đại dịch coronavirus. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ tăng tốc các điều chỉnh ngược chu kỳ và làm cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Họ sẽ tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra thêm các cải cách lãi suất để giảm chi phí vay và tăng thanh khoản.
Phát ngôn viên nội các Iran nói rằng vì covid-19, chính phủ đã chuẩn bị cho một cuộc trao đổi tù nhân vô điều kiện với Mỹ, theo truyền thông địa phương. Ali Rabiei cho biết Iran vẫn chưa nhận được hồi âm từ Washington về một cuộc trao đổi có thể xảy ra. Mỹ đang giữ vài chục người Iran, nhiều người bị buộc tội vi phạm các biện pháp trừng phạt. Nhưng không rõ có bao nhiêu người Mỹ đang bị Iran giam giữ.
Hãng hàng không đường dài Emirates báo cáo lợi nhuận tăng 21% trong năm tài chính cho đến 31 tháng 3, nhưng cho biết sẽ cần tăng nợ để bù đắp tác động của đại dịch coronavirus, vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động trong quý IV. Với mô hình kinh doanh dựa trên các chuyến bay quốc tế hiện đang phải ngưng trệ, hãng hàng không quốc doanh này đã được Dubai hứa tài trợ.
Ông chủ Tesla Elon Musk đã kiện một hạt của California nơi nhà máy xe của công ty ông đặt trụ sở, tuyên bố vào thứ Bảy rằng ông sẵn sàng rời khỏi bang này vì các quan chức chặn không cho nhà máy ông mở cửa trở lại. Thống đốc bang California đã phác thảo quy trình khởi động lại một số nhà máy, nhưng ủng hộ các quy tắc phong tỏa chặt chẽ hơn ở các khu vực như hạt Alameda, nơi có nhà máy của Tesla.
TIÊU ĐIỂM
Hạ viện Mỹ sắp họp lại
Vào cuối tháng 4, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết viện này sẽ họp lại vào ngày 11 tháng 5. Nhưng không như vậy: trong khi Thượng viện quay trở lại để tổ chức các phiên điều trần và phê chuẩn các thẩm phán vào tuần trước, Hạ viện vẫn nghỉ. Trong khi các bang láng giềng là Maryland và Virginia chuẩn bị mở cửa lại một phần, Washington, DC, vẫn giữ nguyên lệnh ở nhà, trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 vẫn tăng. Tránh tụ họp lớn trong nhà dường như là một chính sách hợp lý – đặc biệt là khi độ tuổi trung bình của Hạ viện là gần 58.
Tính đến tuần trước, 14 thành viên của lực lượng Cảnh sát Quốc hội, có nhiệm vụ bảo vệ Quốc hội, đã dương tính với covid-19. Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo có vẻ thoải mái hơn trong việc tuân thủ các hướng dẫn về y tế cộng đồng so với Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo. Nhưng đến một lúc nào đó, Hạ viện sẽ phải trở lại. Thời điểm đó có thể đến sớm nhất là trong tuần này, bà Pelosi nói. Bà có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về một gói viện trợ kinh tế lớn cho chính quyền tiểu bang và địa phương, và về việc thay đổi luật để cho phép bỏ phiếu hộ – điều mà đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối.
Vòng đàm phán hậu Brexit tiếp theo
Các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU họp lại từ hôm nay, qua video. Sau vòng trước, EU cáo buộc phía Anh không đáp ứng yêu cầu của họ rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào đều phải phụ thuộc vào việc Anh chấp nhận các điều kiện sân chơi bình đẳng, cụ thể là không cắt xén các quy tắc trợ cấp xã hội, môi trường, lao động và trợ cấp nhà nước như của EU; EU cũng muốn tiếp tục tiếp cận các ngư trường của Anh.
Anh trả lời rằng EU phải thay đổi cách đàm phán để chấp nhận rằng, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Anh không thể chấp nhận các yêu cầu như vậy. Khả năng cao sẽ chẳng bên nào chịu bên nào trong tuần này. Song chỉ còn một cuộc họp nữa được lên kế hoạch trước hội nghị thượng đỉnh tháng 6, khi các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh quyết định xem các cuộc đàm phán hiện tại có đạt được tiến triển hay không. Một lựa chọn lúc đó sẽ là kéo dài thời gian chuyển tiếp hiện tại qua sau tháng 12, điều Anh khẳng định sẽ không đồng ý. Nguy cơ không có thỏa thuận thương mại đang ngày càng hiện rõ.
Ngành ô tô Mỹ sản xuất trở lại, nhưng chậm rãi
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, giống như các hãng còn lại trên thế giới, đang bắt đầu sản xuất trở lại sau khi covid-19 buộc tất cả các dây chuyền lắp ráp trên khắp cả nước phải đóng cửa vào tháng Ba. Các nhà máy ô tô không có nghiệp đoàn của Hyundai-Kia (Hàn Quốc) và BMW và Daimler (Đức) đã mở cửa trở lại một tuần trước. Hôm nay Toyota và Honda cũng quay lại nhà máy. “Big Three” của Detroit – Ford, General Motors và Fiat Chrysler – dự kiến trở lại vào giữa tháng Năm.
Nhưng tăng tốc sản xuất sẽ khó khăn. Công nhân phải đối mặt với các kiểm tra y tế. Giãn cách xã hội trong các nhà máy ô tô rất khó thực hiện ở một số giai đoạn lắp ráp vì công nhân cần phải ở gần nhau. Các bộ phận lắp ráp cũng cần phải chảy qua chuỗi cung ứng nhưng các doanh nghiệp không thiết yếu ở Mexico, nguồn của 2/5 linh kiện nhập khẩu, vẫn đóng cửa cho đến ngày 30/5. Và việc kinh doanh đã bị hạn chế nghiêm trọng ở một số bang hơn so với các bang khác, bao gồm cả Michigan, trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Phải vài tuần hoặc vài tháng nữa sản xuất mới đạt đỉnh.
Brazil loay hoay chống phá rừng Amazon
Các binh sĩ Brazil hôm nay tiến đến rừng nhiệt đới Amazon để giúp chống lại nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, vốn năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm qua và tiếp tục tăng trong đại dịch. Các nhà môi trường đổ lỗi cho Tổng thống Jair Bolsonaro, người dù đã huy động quân đội chống phá rừng song cũng thu nhỏ các cơ quan chế tài và khuyến khích canh tác cũng như khai thác trên các vùng đất được bảo vệ. Vào tháng Tư, với số lượng chó canh còn ít hơn, nạn phá rừng đã tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Coronavirus cũng làm dư luận không chú ý tới các vụ giết các nhà lãnh đạo người bản địa gần đây, việc sa thải các quan chức chính phủ, những người đã cố gắng bảo vệ các lãnh đạo bản địa, và thay đổi quy tắc cho phép các chủ sở hữu tư nhân đưa ra yêu sách đối với các vùng lãnh thổ bản địa đang chờ phân định chính thức. Quốc hội có thời gian từ giờ đến ngày 19 tháng 5 để phê chuẩn hoặc từ chối một sắc lệnh của tổng thống cho phép những người khai hoang dễ dàng được chuyển nhượng đất liên bang. Bước đầu tiên của công thức chiếm đất: chặt cây và đốt.
Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa lại từ từ
Thổ Nhĩ Kỳ có ca nhiễm covid-19 được xác nhận cao thứ chín toàn cầu. Nhưng nước này đã cố gắng hạn chế sự lây lan của virus trong tháng qua và do đó đang từng bước hướng tới gỡ phong tỏa. Chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh. Từ ngày 10 tháng 5, người cao tuổi, vốn bị đặt dưới lệnh giới nghiêm chặt chẽ khi đại dịch bùng phát, được phép ra ngoài vài giờ, lần đầu tiên sau gần hai tháng. Những người còn lại đều phải ở nhà.
Istanbul, một thành phố nhộn nhịp với ít nhất 15 triệu dân, giờ đây tựa như một khu nghỉ mát hưu trí yên tĩnh bên bờ biển. Các trường học vẫn đóng cửa, nhưng trung tâm mua sắm, tiệm làm tóc và thợ cắt tóc sẽ mở cửa trở lại từ hôm nay. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tuyệt vọng để khôi phục lại nền kinh tế của đất nước. IMF dự đoán GDP của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm 5% trong năm nay, đồng lira đang ở mức thấp kỉ lục, và tỷ lệ thất nghiệp gần với mức cao nhất từng được ghi nhận. Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay sẽ công bố số liệu việc làm mới nhất.
Bàn ra tán vào (0)
Thế giới hôm nay: 11/05/2020
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Số ca nhiễm covid-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt 4 triệu, với hơn 277.000 ca tử vong. Mỹ, chiếm một phần ba số người thiệt mạng trên thế giới, vẫn là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Song, ngay cả các chính phủ dường như đã kiểm soát được căn bệnh này vẫn cảnh báo về khả năng nó xuất hiện trở lại. Hàn Quốc đã báo cáo 34 ca mới vào Chủ nhật – mức tăng đột biến lớn nhất trong một tháng – và tỷ lệ lây nhiễm của Đức cũng tăng tốc.
Ba thành viên cao cấp của tổ chuyên trách đối phó coronavirus của Nhà Trắng đang tự cách ly hai tuần sau khi tiếp xúc với người nhiễm covid-19. Họ là Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ; Robert Redfield, giám đốc CDC, và Stephen Hahn, ủy viên trưởng của FDA. Cuối tuần trước, hai nhân viên Nhà Trắng đã xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch dỡ bớt phong tỏa của Anh, khuyến khích những người không thể làm việc từ nhà trở lại làm việc và cho phép nhiều hoạt động ngoài trời hơn từ thứ Tư. Các cửa hàng và một số trường học có thể mở cửa trở lại vào tháng Sáu. Khẩu hiệu “hãy cảnh giác” (Stay alert) mới của ông Johnson đã bị một số người chỉ trích vì khó hiểu hơn khẩu hiệu trước đó là “hãy ở nhà”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra dấu hiệu cho thấy họ sẽ có biện pháp bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước sau đại dịch coronavirus. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ tăng tốc các điều chỉnh ngược chu kỳ và làm cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Họ sẽ tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra thêm các cải cách lãi suất để giảm chi phí vay và tăng thanh khoản.
Phát ngôn viên nội các Iran nói rằng vì covid-19, chính phủ đã chuẩn bị cho một cuộc trao đổi tù nhân vô điều kiện với Mỹ, theo truyền thông địa phương. Ali Rabiei cho biết Iran vẫn chưa nhận được hồi âm từ Washington về một cuộc trao đổi có thể xảy ra. Mỹ đang giữ vài chục người Iran, nhiều người bị buộc tội vi phạm các biện pháp trừng phạt. Nhưng không rõ có bao nhiêu người Mỹ đang bị Iran giam giữ.
Hãng hàng không đường dài Emirates báo cáo lợi nhuận tăng 21% trong năm tài chính cho đến 31 tháng 3, nhưng cho biết sẽ cần tăng nợ để bù đắp tác động của đại dịch coronavirus, vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động trong quý IV. Với mô hình kinh doanh dựa trên các chuyến bay quốc tế hiện đang phải ngưng trệ, hãng hàng không quốc doanh này đã được Dubai hứa tài trợ.
Ông chủ Tesla Elon Musk đã kiện một hạt của California nơi nhà máy xe của công ty ông đặt trụ sở, tuyên bố vào thứ Bảy rằng ông sẵn sàng rời khỏi bang này vì các quan chức chặn không cho nhà máy ông mở cửa trở lại. Thống đốc bang California đã phác thảo quy trình khởi động lại một số nhà máy, nhưng ủng hộ các quy tắc phong tỏa chặt chẽ hơn ở các khu vực như hạt Alameda, nơi có nhà máy của Tesla.
TIÊU ĐIỂM
Hạ viện Mỹ sắp họp lại
Vào cuối tháng 4, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết viện này sẽ họp lại vào ngày 11 tháng 5. Nhưng không như vậy: trong khi Thượng viện quay trở lại để tổ chức các phiên điều trần và phê chuẩn các thẩm phán vào tuần trước, Hạ viện vẫn nghỉ. Trong khi các bang láng giềng là Maryland và Virginia chuẩn bị mở cửa lại một phần, Washington, DC, vẫn giữ nguyên lệnh ở nhà, trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 vẫn tăng. Tránh tụ họp lớn trong nhà dường như là một chính sách hợp lý – đặc biệt là khi độ tuổi trung bình của Hạ viện là gần 58.
Tính đến tuần trước, 14 thành viên của lực lượng Cảnh sát Quốc hội, có nhiệm vụ bảo vệ Quốc hội, đã dương tính với covid-19. Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo có vẻ thoải mái hơn trong việc tuân thủ các hướng dẫn về y tế cộng đồng so với Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo. Nhưng đến một lúc nào đó, Hạ viện sẽ phải trở lại. Thời điểm đó có thể đến sớm nhất là trong tuần này, bà Pelosi nói. Bà có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về một gói viện trợ kinh tế lớn cho chính quyền tiểu bang và địa phương, và về việc thay đổi luật để cho phép bỏ phiếu hộ – điều mà đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối.
Vòng đàm phán hậu Brexit tiếp theo
Các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU họp lại từ hôm nay, qua video. Sau vòng trước, EU cáo buộc phía Anh không đáp ứng yêu cầu của họ rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào đều phải phụ thuộc vào việc Anh chấp nhận các điều kiện sân chơi bình đẳng, cụ thể là không cắt xén các quy tắc trợ cấp xã hội, môi trường, lao động và trợ cấp nhà nước như của EU; EU cũng muốn tiếp tục tiếp cận các ngư trường của Anh.
Anh trả lời rằng EU phải thay đổi cách đàm phán để chấp nhận rằng, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Anh không thể chấp nhận các yêu cầu như vậy. Khả năng cao sẽ chẳng bên nào chịu bên nào trong tuần này. Song chỉ còn một cuộc họp nữa được lên kế hoạch trước hội nghị thượng đỉnh tháng 6, khi các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh quyết định xem các cuộc đàm phán hiện tại có đạt được tiến triển hay không. Một lựa chọn lúc đó sẽ là kéo dài thời gian chuyển tiếp hiện tại qua sau tháng 12, điều Anh khẳng định sẽ không đồng ý. Nguy cơ không có thỏa thuận thương mại đang ngày càng hiện rõ.
Ngành ô tô Mỹ sản xuất trở lại, nhưng chậm rãi
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, giống như các hãng còn lại trên thế giới, đang bắt đầu sản xuất trở lại sau khi covid-19 buộc tất cả các dây chuyền lắp ráp trên khắp cả nước phải đóng cửa vào tháng Ba. Các nhà máy ô tô không có nghiệp đoàn của Hyundai-Kia (Hàn Quốc) và BMW và Daimler (Đức) đã mở cửa trở lại một tuần trước. Hôm nay Toyota và Honda cũng quay lại nhà máy. “Big Three” của Detroit – Ford, General Motors và Fiat Chrysler – dự kiến trở lại vào giữa tháng Năm.
Nhưng tăng tốc sản xuất sẽ khó khăn. Công nhân phải đối mặt với các kiểm tra y tế. Giãn cách xã hội trong các nhà máy ô tô rất khó thực hiện ở một số giai đoạn lắp ráp vì công nhân cần phải ở gần nhau. Các bộ phận lắp ráp cũng cần phải chảy qua chuỗi cung ứng nhưng các doanh nghiệp không thiết yếu ở Mexico, nguồn của 2/5 linh kiện nhập khẩu, vẫn đóng cửa cho đến ngày 30/5. Và việc kinh doanh đã bị hạn chế nghiêm trọng ở một số bang hơn so với các bang khác, bao gồm cả Michigan, trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Phải vài tuần hoặc vài tháng nữa sản xuất mới đạt đỉnh.
Brazil loay hoay chống phá rừng Amazon
Các binh sĩ Brazil hôm nay tiến đến rừng nhiệt đới Amazon để giúp chống lại nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, vốn năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm qua và tiếp tục tăng trong đại dịch. Các nhà môi trường đổ lỗi cho Tổng thống Jair Bolsonaro, người dù đã huy động quân đội chống phá rừng song cũng thu nhỏ các cơ quan chế tài và khuyến khích canh tác cũng như khai thác trên các vùng đất được bảo vệ. Vào tháng Tư, với số lượng chó canh còn ít hơn, nạn phá rừng đã tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Coronavirus cũng làm dư luận không chú ý tới các vụ giết các nhà lãnh đạo người bản địa gần đây, việc sa thải các quan chức chính phủ, những người đã cố gắng bảo vệ các lãnh đạo bản địa, và thay đổi quy tắc cho phép các chủ sở hữu tư nhân đưa ra yêu sách đối với các vùng lãnh thổ bản địa đang chờ phân định chính thức. Quốc hội có thời gian từ giờ đến ngày 19 tháng 5 để phê chuẩn hoặc từ chối một sắc lệnh của tổng thống cho phép những người khai hoang dễ dàng được chuyển nhượng đất liên bang. Bước đầu tiên của công thức chiếm đất: chặt cây và đốt.
Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa lại từ từ
Thổ Nhĩ Kỳ có ca nhiễm covid-19 được xác nhận cao thứ chín toàn cầu. Nhưng nước này đã cố gắng hạn chế sự lây lan của virus trong tháng qua và do đó đang từng bước hướng tới gỡ phong tỏa. Chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh. Từ ngày 10 tháng 5, người cao tuổi, vốn bị đặt dưới lệnh giới nghiêm chặt chẽ khi đại dịch bùng phát, được phép ra ngoài vài giờ, lần đầu tiên sau gần hai tháng. Những người còn lại đều phải ở nhà.
Istanbul, một thành phố nhộn nhịp với ít nhất 15 triệu dân, giờ đây tựa như một khu nghỉ mát hưu trí yên tĩnh bên bờ biển. Các trường học vẫn đóng cửa, nhưng trung tâm mua sắm, tiệm làm tóc và thợ cắt tóc sẽ mở cửa trở lại từ hôm nay. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tuyệt vọng để khôi phục lại nền kinh tế của đất nước. IMF dự đoán GDP của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm 5% trong năm nay, đồng lira đang ở mức thấp kỉ lục, và tỷ lệ thất nghiệp gần với mức cao nhất từng được ghi nhận. Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay sẽ công bố số liệu việc làm mới nhất.