* Cuộc hành quân Sóng Thần 5-72 ở Bắc Mỹ Chánh:
Như đã trình bày, sau khi lực lượng VNCH triệt thoái khỏi thị xã Quảng
Trị vào đầu tháng 5/1972, bờ Nam sông Mỹ Chánh trở thành phòng tuyến đầu
ngăn chận các sư đoàn CSBV muốn tiến về Huế. Lực lượng chính là hai lữ
đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) được phân nhiệm như sau: lữ đoàn 258
trách nhiệm phòng thủ phía Tây Quốc lộ 1 từ bờ sông Mỹ lên đến vùng núi,
lữ đoàn 369 TQLC trách nhiệm phòng thủ phía Đông từ Quốc lộ 1 ra đến bờ
biển. Ngày 5 tháng 4/1972, bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 khởi sự soạn thảo kế
hoạch phản công tái chiếm các khu vực ở Bắc Mỹ Chánh, mục tiêu đầu tiên
là khu vực phía Tây của thị trấn Diên Sanh- quận lỵ quận Hải Lăng. Ngày N
được chọn là ngày 12 tháng 5/1972 với nỗ lực chính là ba tiểu đoàn
3,8,9 TQLC.
Theo tài liệu của cựu trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3
Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, và một số bài viết của tạp chí KBC, đặc san
Sóng Thần, đối chiếu với tài liệu của Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ, diễn tiến
về các cuộc phản công và giao tranh trong trung tuần tháng 5/1972 tại Mỹ
Chánh được ghi nhận như sau:
Đêm 12/5/1975, theo kế hoạch hành quân của bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 và bộ
Tư lệnh Sư đoàn 369 TQLC, bộ chỉ huy lữ đoàn 369 Thủy Quân lục chiến mở
cuộc hành quân Sóng Thần 5-72. Một bộ phận viễn thám Thủy quân Lục chiến
vượt sông Mỹ Chánh ban đêm, chiếm cứ một vị trí ở phía bắc sông Mỹ
Chánh để sáng 13/5/1975 đặt bộ chỉ huy cuộc hành quân tại đây.
Sáng ngày 13 tháng 5/1975, các phi đội trực thăng của Lữ đoàn 9 Thủy bộ
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ quân vận hạm Okinawa bay vào bốc 2 tiểu
đoàn 3 và 8 TQLC đổ bộ xuống vùng kế cận phía Tây quận lỵ Hải Lăng, 10
cây số phía Nam thị xã Quảng Trị. Cuộc hành quân trực thăng vận được
tiến hành chớp nhoáng khiến cho Cộng quân không trở tay kịp. Trên 1,200
quân sĩ Thủy quân Lục chiến đã hoàn tất cuộc trực thăng vận vào lúc 9
giờ sáng ngày 13/5/1972, chỉ có 1 trực thăng bị trúng đạn nhưng đã được
phá hủy tại chỗ. Ngay khi nhảy xuống trận địa, hai tiểu đoàn TQLC mở
ngay cuộc tảo thanh nhanh chóng về hướng Nam để “bắt tay” với tiểu đoàn 9
TQLC cũng vượt sông Mỹ Chánh sáng ngày 13/4/1975 tiến về hướng Bắc, 3
tiểu đoàn TQLC đồng loạt tấn công từ hai phía Bắc và Nam vào khu đóng
quân của Trung đoàn 66 CSBV. Bị tấn công bất ngờ, trung đoàn CSBV này đã
phải phân tán lực lượng và cố né tránh giao tranh. Trong cuộc hành quân
này, trên 240 Cộng quân bị bỏ xác tại trận do hỏa lực của phi pháo. Về
phía 3 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến chỉ bị tổn thất nhẹ. Sau khi hoàn
tất cuộc hành quân chớp nhoáng, 3 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đã nhanh
chóng trở lại bờ nam sông Mỹ Chánh ngay trong buổi chiều cùng ngày.
* Trận xa chiến trong hai ngày 21 và 22 tháng 5/1975 ở phòng tuyến Mỹ Chánh:
Sau khi bị tấn công bất ngờ vào hậu tuyến, ngày 21 tháng 5/1972, CQ điều
động một lực lượng bộ binh hùng hậu với sự yểm trợ của chiến xa tấn
công vào khu vực trách nhiệm của lữ đoàn 369 TQLC. Không như những cuộc
tấn công trước đây của CQ thường khai triển theo chiến thuật sử dụng hỏa
lực pháo binh “dọn đường” cho bộ binh tấn công cường tập, trong đợt tấn
công này, CQ đã khai triển đội hình bộ binh và chiến xa hiệp đồng tác
chiến hẳn hoi. Địch quân tấn công vào tuyến Mỹ Chánh theo hướng hương lộ
555 gần bờ biển thuộc địa phận quận Hải Lăng. Khi phát hiện đoàn chiến
xa địch ồ ạt tiến lên, đơn vị Địa phương quân trú đóng tại đây đã cố
gắng kháng cự nhưng cuối cùng trước áp lực quá nặng, đơn vị này đã phải
rút về phía sau phòng tuyến 2 km. Theo đà, CQ đã thọc sâu vào tuyến
phòng ngự trung tâm của Thủy quân Lục chiến và đánh bọc hậu hai tiểu
đoàn 3 và 9 TQLC. Hai tiểu đoàn này đã khẩn cấp tái phối trí lực lượng
để vừa ngăn chận địch, vừa trám lại lỗ hổng nhỏ trên tuyến phòng thủ
chính. Cũng cần ghi nhận rằng ngay sau khi Địa phương quân rút khỏi vị
trí tiền đồn, một vài toán CQ đã xâm nhập được vào phía Nam sông Mỹ
Chánh, gây gián đoạn trục lộ tiếp tế cho TQLC từ quận Phong Điền đến
phía Đông Bắc của phòng tuyến trong vài giờ.
Trước tình hình đó, bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến quyết định
tung thêm tiểu đoàn 39 thuộc liên đoàn 1 Biệt động quân (tăng phái cho
TQLC) vào trận chiến. Tiểu đoàn BĐQ này di chuyển từ Phong Điền đến tiếp
giáp với tiểu đoàn 8 TQLC đang trú đóng tại 3 km phía Nam phòng tuyến
để phối với đơn vị này truy quét và thanh toán các chốt của CQ vừa thiết
lập trong đợt xâm nhập hôm qua. Cùng lúc đó, hai tiểu đoàn 3 và 9 TQLC
nỗ lực chận địch ở mặt Bắc không cho đối phương tràn xuống.
Chiều ngày 21 tháng 5/1972, lực lượng TQLC và đơn vị tăng phái đã triệt
hạ các chốt CQ quanh khu vực hành quân. Cũng trong buổi chiều cùng ngày,
tiểu đoàn 3 TQLC tung thêm 1 đại đội tiến xa về hướng Đông, vượt qua
con sông Ô Lâu- chi nhánh của phá Tam Giang ăn thông với sông Mỹ Chánh,
rồi bố trí chận địch tại đây.
11 giờ đêm, Cộng quân điều động 1 đoàn chiến xa khoảng 30 xe tăng T 54,
PT 76, PT 85 với bộ binh tùng thiết chia làm hai mũi từ Bắc và Đông Bắc
Mỹ Chánh ồ ạt tiến xuống tấn công tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 3 và
tiểu đoàn 9 TQLC. Tại phòng tuyến của tiểu đoàn 3 TQLC, trung tá Lê Bá
bình-tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho các đại đội trực thuộc sẵn sàng sử
dụng hỏa tiễn cá nhân M72 và chờ CQ đến gần chỉ còn cách khoảng 100 mét
mới khai hỏa. Ngay đợt tấn công đầu tiên, các Cọp Biển đã bắn hạ 7 PT
76. Nhằm không cho các đơn vị TQLC yểm trợ lẫn nhau, nên cùng lúc tung
chiến xa và bộ binh tấn công tiểu đoàn 3 TQLC, Cộng quân đã pháo kích dữ
dội vào tuyến đóng quân của tiểu đoàn 9 TQLC.
Tại tuyến tiền đồn của tiểu đoàn 3 TQLC ở sông Ô Lâu, CQ cũng tấn công
mạnh vào đại đội phòng ngự tại đây. Sau ba giờ giao tranh, đại đội TQLC
nói trên đã phải rút về phía sau con sông Ô Lâu 1 cây số. Phi cơ soi
sáng được điều động vào vùng trách nhiệm của lữ đoàn 369 TQLC, hai bên
tiếp tục giao tranh quyết liệt. Nhờ hỏa lực yểm trợ khẩn cấp của Không
quân Việt-Mỹ, đồng thời Pháo binh TQLC và Thiết giáp của lữ đoàn 1 Kỵ
Binh yểm trợ tiếp cận, các đơn vị TQLC đã đánh bật CQ lùi trở lại tuyến
cũ ngay trong trước khi trời sáng.
Rạng sáng ngày 22/5/1972, Cộng quân lại điều động một lực lượng bộ binh
khác với 20 chiến xa T 54 và PT 76 yểm trợ tấn công vào tuyến của tiểu
đoàn 8 Thủy quân Lục chiến, tiểu đoàn 3 Pháo binh TQLC và bộ chỉ huy lữ
đoàn 369. Các Cọp Biển đã sử dụng hỏa tiễn TOW và M 72 bắn cháy nhiều
chiến xa của địch, trong đó có 5 chiến xa PT 76 bị bắn cháy, về phía bộ
binh địch có 452 CQ bỏ xác tại trận địa. Theo bài ký sự chiến trường
được phổ biến vào năm 1972 của thiếu tá Huỳnh Văn Phú- sĩ quan thuộc
Khối Chiến tranh chính trị Sư đoàn TQLC, có mặt tại trung tâm hành quân
lữ đoàn 369 TQLC khi trận chiến xảy ra, diễn tiến về cuộc giao tranh này
được ghi lại như sau:
Cánh quân thứ hai của địch tưởng rằng đã chọc thủng phòng tuyến rồi nên
cố gắng thọc sâu hơn về phía Nam từ 4 giờ sáng ngày 22 tháng 5/1972.
Vùng tập trung hỏa lực của lữ đoàn 369 TQLC tại hơn 3 km về phía Nam
phòng tuyến với tiểu đoàn 8 TQLC, hai pháo đội của tiểu đoàn 3 Pháo binh
TQLC và một số chiến xa (thống thuộc lữ đoàn 1 Kỵ Binh). Năm giờ sáng,
phi cơ bắt đầu soi sáng vị trí của tiểu đoàn 8 TQLC.
Khi trái sáng cuối cùng vừa dứt, tôi nhìn đồng hồ: 5 giờ 55 phút. Mặt
trời chưa lên. Đó là lúc “bình minh hàng hải” vừa đủ để trông thấy mọi
vật một cách lờ mờ. Cánh quân của địch vừa thoát xuống chia thành hai
mũi dùi tiến thẳng tới vị trí của tiểu đoàn 8 TQLC và hai pháo đội của
tiểu đoàn 3 Pháo binh TQLC. Lúc bấy giờ mọi người đã sẵn sàng. Xạ trường
ở phía trước hoàn toàn trống trải toàn là đồng ruộng, xa hơn 500 thước
là những lùm cây thấp. Xe tăng địch lù lù tiến đến, vừa tác xạ dữ dội
với đủ loại súng trên xe cũng như của quân di chuyển bộ. Các chiến sĩ
Tiểu đoàn 8 TQLC và tiểu đoàn 3 Pháo binh TQLC vẫn bình tĩnh chờ đợi,
không một ai nao núng.
Xe tăng địch còn cách 500 thước, rồi 400 thước, 300 thước, 200 thước rồi
150 thước… tất cả súng M 72 đồng loạt khai hỏa. Các khẩu pháo binh 105
ly thì bắn trực xạ. Ngay trong phút đầu tiên, các pháo thủ của pháo đội K
do trung úy Vũ Quang Vinh chỉ huy đã hạ được một chiếc PT 76 bốc cháy.
Rồi lần lượt các chiến xa khác của địch trên một trận tuyến dài 500
thước đều bốc cháy. Tiếng súng hai bên vẫn nổ dòn. Trước mắt tôi, một
chiếc xa PT 76 bị bắn cháy nhưng vẫn còn chạy được, trông không khác gì
một con chuột bị người ta tẩm xăng đốt cháy. Chiếc hỏa tiễn TOW-loại vũ
khí chống chiến xa mới nhất do Hoa Kỳ cung cấp, đặt từ trong tuyến phòng
thủ phóng bồi theo một quả nữa. Chiếc xe tăng của địch đang cháy bỗng
khựng lại, ngọn lửa bùng cháy cao hơn. Lúc bấy giờ chung quanh tôi rào
rào tiếng vỗ tay reo hò của lính.
Một chiếc T 54 khác thì thê thảm hơn: bị bắn cháy lật nằm nghiêng, ngọn
lửa bùng lên từng chập như có ai đổ dầu thêm. Trong vòng 15 phút đồng
hồ, tất cả xe tăng của địch tiến vào đều bị hạ. Mọi người ai cũng thấy
phấn chấn và lên tinh thần. Hai chiếc xe tăng khác hoảng sợ không dám
tiến vào nữa mà ẩn núp sau lùm cây thấp và bị phát giác nhờ ống nhắm của
hỏa tiễn TOW khi thấy hai cái ăng ten của hai chiếc lô lên. Lập tức hai
phản lực cơ được gọi đến ngay tại chỗ. Lúc này thì trời sáng, ánh sáng
tạm đủ để nhìn thấy cảnh vật qua lớp sương mờ. Vài chiếc xe tăng không
bị trúng đạn cố tháo chạy về phía Bắc cũng bị phi cơ đuổi theo oanh kích
cháy nốt. Trải dài trước mắt tôi, dọc theo tuyến phòng thủ thành một
hình vòng cung là 9 xác xe tăng của địch, từ PT-76 tới T-54 nằm la liệt,
lửa từ trong các xe bốc lên hừng hực. Trận chiến xảy ra như một cảnh
trong cinéma…
https://vietbao.com/a38091/t-doan-3-8-9-tqlc-vuot-song-kich-chien-toan-khu-my-chanh