* Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bảo vệ hoạt động của UNRWA - cơ quan cứu trợ cho người Palestine
* Ngân hàng Trung ương Mỹ giữ lãi suất ổn định trong khoảng 5,25% đến 5,5%
* Nhóm BRICS tăng thành viên để định hình trật tự thế giới mới
Xung đột Israel - Hamas
* Liên Hiệp Quốc họp về phán quyết của ICJ. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 31-1 đã họp đánh giá các phán quyết tạm thời của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan tới xung đột Israel - Hamas ở Gaza và tình hình cứu trợ nhân đạo tại đây.
Tháng trước, ICJ yêu cầu Israel phải thực thi các biện pháp để ngăn hành động diệt chủng trong cuộc xung đột với Hamas ở Gaza, đồng thời kêu gọi Hamas trả tự do ngay lập tức cho các con tin.
Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định các phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của ICJ, cũng như luật nhân đạo quốc tế, cần phải được tuân thủ trong mọi hoàn cảnh.
Ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay ở Gaza đã dẫn tới hậu quả là dân thường thiệt mạng và hạ tầng bị tàn phá với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong những năm gần đây. Do đó Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) là "xương sống" cho nỗ lực nhân đạo tại đây.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu chỉ trích UNRWA đồng lõa với Hamas và kêu gọi thay thế cơ quan này bằng các tổ chức nhân đạo khác. Trong khi đó, Mỹ cho rằng cơ quan này cần cải tổ để có thể tiếp tục nhận tài trợ từ Washington.
* Khả năng ngừng bắn 6 tuần. Hãng tin AFP dẫn các nguồn tin cho hay các nỗ lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn mới ở Dải Gaza đang tiến triển tích cực.
Theo đó, phong trào Hồi giáo Hamas đang nghiên cứu đề xuất được các bên trung gian đưa ra sau cuộc họp ở Paris, Pháp, nhằm ngừng bắn trong 6 tuần để đổi lấy việc nhóm này thả thêm con tin còn lại đang bị giam giữ ở Gaza.
Một số quan chức Hamas tiết lộ đề xuất ngừng bắn sẽ bao gồm 3 giai đoạn, trong đó Hamas sẽ thả những con tin thường dân còn lại, sau đó là binh sĩ Israel bị bắt và cuối cùng là thi thể của những con tin đã chết.
"Sẽ chỉ có phụ nữ, trẻ em và nam giới bị bệnh trên 60 tuổi" được thả, theo nguồn tin từ Hamas. Ngoài ra, cũng sẽ có "các cuộc đàm phán xung quanh việc rút quân của Israel", trao đổi thêm con tin - tù nhân, tái thiết Gaza.
Đại sứ Mỹ tại LHQ ngày 31-1 đã kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất này, nói rằng nó sẽ cho phép nhiều nguồn cung cấp thực phẩm, nước và thuốc quan trọng hơn vào Gaza.
Mỹ tấn công phủ đầu tên lửa của Houthi đe dọa máy bay Mỹ
Quân đội Mỹ xác nhận lực lượng của nước này trong ngày 31-1 đã phá hủy một tên lửa của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen, sắp tấn công máy bay Mỹ.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết "đã tấn công và phá hủy một tên lửa đất đối không mà Houthi sắp phóng" sau khi xác định rằng nó "là mối đe dọa sắp xảy ra đối với máy bay Mỹ". CENTCOM không xác định loại máy bay bị đe dọa hoặc địa điểm chính xác của cuộc tấn công, chỉ nói rằng nó diễn ra ở "các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen".
Trước đó, Đài Al-Masirah do Houthi điều hành cho biết máy bay Mỹ và Anh đã nhắm mục tiêu vào thành phố Saada phía bắc Yemen nhưng không nói rõ mục tiêu hay thông tin về thiệt hại hoặc thương vong.
Mỹ cùng với Anh thời gian qua đã tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi để ngăn nhóm này nhắm vào các tàu hàng quốc tế.
Tuy nhiên, Houthi ngày 31-1 tuyên bố nhóm này thực hiện một chiến dịch nhắm vào một "tàu thương mại Mỹ" ở vịnh Aden vài giờ sau khi bắn tên lửa vào tàu khu trục Gravely của hải quân Mỹ.
Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Sarea nói rằng mục tiêu của họ là tàu container mang cờ Liberia KOI được điều hành bởi Oceonix Services có trụ sở tại Anh. Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh xác định một tàu thương mại đã báo cáo về một vụ nổ ở mạn phải sau khi nó bị tấn công bằng tên lửa khi đang di chuyển cách Aden, Yemen 69 hải lý về phía tây nam.
Ngân hàng Trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất cao
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp, nhưng không nói rõ bao giờ sẽ cắt giảm.
Trong thông báo ngày 31-1, giờ địa phương, Fed xác nhận mức lãi suất chuẩn sẽ được giữ ổn định trong khoảng 5,25% đến 5,5%, cho rằng khó có thể giảm lãi suất nếu không có "niềm tin lớn hơn" về việc lạm phát đang hướng về mốc mục tiêu 2%.
"Lạm phát đã giảm bớt trong năm qua nhưng vẫn ở mức cao", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Fed sau cuộc họp kéo dài 2 ngày.
Dù vậy, Fed cho rằng nguy cơ trong việc đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đang trở nên "cân bằng hơn".
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nói lãi suất đã chạm đỉnh và ngân hàng này có thể cắt giảm lãi suất "vào thời điểm nào đó trong năm nay".
"Rõ ràng là Fed không vội nới lỏng nhanh chóng như giá thị trường. Họ vẫn cần dữ liệu lạm phát hứa hẹn hơn nữa để có thể thực hiện đợt giảm lãi suất đầu tiên", nhà phân tích thị trường Michael Brown nhận định.
Trước đó, giới chuyên gia cho rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Tuy nhiên, ông Powell cho rằng điều này không chắc chắn và Fed sẽ tiếp tục cân nhắc dữ liệu lạm phát của tháng 2 trước khi ra quyết định.
* Mỹ thay đặc phái phiên khí hậu John Kerry. Nhà Trắng ngày 31-1 xác nhận cố vấn cấp cao về năng lượng sạch John D. Podesta sẽ thay thế cựu ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên khí hậu Mỹ. Vào tháng trước, ông Kerry cũng tuyên bố ông sẽ rời vị trí này để tham gia chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.
Ông Podesta, 75 tuổi, đã làm việc dưới thời một số tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ như Bill Clinton, Barack Obama. "Ngoại trưởng Kerry đã đưa nước Mỹ quay trở lại vị thế lãnh đạo trong lĩnh vực khí hậu trên toàn thế giới… Chúng tôi sẽ đảm bảo duy trì động lực đã được xây dựng từ những nỗ lực của ông", ông Podesta nói với báo Washington Post.
* 5 nước xác nhận tham gia BRICS. Ngày 31-1, Nam Phi cho biết Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xác nhận sẽ tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sau khi được mời.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8-2023, khối BRICS gồm 5 thành viên Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã mời 5 quốc gia trên cùng với Argentina gia nhập. Tuy nhiên, Argentina từ chối tham gia.
BRICS cho rằng việc mở rộng thành viên sẽ giúp định hình lại một trật tự thế giới mà nhóm cho là đã lỗi thời, theo Reuters.