* Mỹ yêu cầu điều tra nguyên nhân người Palestine nhận viện trợ thiệt mạng nhiều
* Mỹ tin tưởng Nga chưa sử dụng vũ khí hạt nhân
* Ba Lan bỏ tiền lớn mua vũ khí Mỹ
Mỹ kêu gọi điều tra vụ nã súng vào đoàn người Palestine chờ viện trợ
Vụ Israel bị tố nã đạn vào đoàn người Palestine chờ nhận hàng cứu trợ ngày 29-2 đã khiến Mỹ lên tiếng cùng ngày, gọi đây là sự việc "đáng báo động" nhưng thận trọng kêu gọi điều tra.
Từ chuyên cơ Air Force One, người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng vụ việc "cần được điều tra kỹ lưỡng" và nhấn mạnh bi kịch này cho thấy viện trợ nhân đạo cần được mở rộng hơn nữa đến Dải Gaza.
Theo giới chức y tế Dải Gaza, ít nhất 112 người chết và 200 người khác bị thương trong vụ việc xảy ra gần thành phố Gaza. Israel bị cáo buộc đã nổ súng bắn đoàn dân thường Palestine, một thông tin Tel Aviv bác bỏ ngay lập tức.
Người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel khẳng định nước này không tấn công đoàn xe viện trợ và những người thiệt mạng là do giẫm đạp trong lúc tranh nhau hàng tiếp tế.
Tuy nhiên, Hamas đã bác bỏ các giải thích của Israel và cảnh báo sự việc có thể gây nguy hiểm cho đàm phán ngừng bắn, thả con tin vốn được kỳ vọng sẽ diễn ra vào tuần tới.
Israel và Hezbollah sắp ngừng bắn?
Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters ngày 29-2, Thủ tướng tạm quyền Lebanon Najib Mikati tin rằng việc ngừng giao tranh ở Dải Gaza vào đầu tuần tới sẽ kích hoạt các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm chấm dứt các cuộc pháo kích giữa Hezbollah ở miền nam Lebanon với Israel.
Nhóm vũ trang Hezbollah do Iran hậu thuẫn, theo ông Mikati, sẽ ngừng bắn nếu Israel làm điều tương tự. Nhà lãnh đạo Lebanon cũng xác nhận ông đã gặp đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein vào tháng 2 tại Munich (Đức) và ông này "đang chuẩn bị cho chuyến thăm Lebanon thời gian tới".
Bản thân Hezbollah tuyên bố sẵn sàng dừng các cuộc tấn công xuyên biên giới nếu lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực.
Nga cấm xuất khẩu xăng từ hôm nay 1-3
Bắt đầu từ hôm nay 1-3, lệnh cấm xuất khẩu xăng kéo dài 6 tháng của Nga chính thức có hiệu lực. Trước mắt, vẫn chưa rõ tác động của động thái này đối với thị trường xăng thế giới.
Trong thông báo trên kênh Telegram ngày 29-2, Chính phủ Nga giải thích quyết định cấm xuất khẩu nhằm "duy trì ổn định trên thị trường nhiên liệu trong giai đoạn nhu cầu gia tăng liên quan đến hoạt động khai thác vào mùa xuân, các kỳ nghỉ lễ và tu sửa theo lịch trình các nhà máy lọc dầu".
Động thái diễn ra khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống tại Nga (từ ngày 15 đến 17-3). Một số nhà máy lọc dầu của Nga cũng được cho là đã bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công những tháng gần đây.
Mỹ: Chưa có dấu hiệu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng hạt nhân, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nước này có vũ khí để tấn công các mục tiêu ở phương Tây.
"Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta thấy những lời lẽ vô trách nhiệm từ ông Vladimir Putin", ông Miller nói. Tuy nhiên, vị này cũng cho hay Mỹ sẽ theo dõi sát các động thái của Nga thời gian tới.
Trong thông điệp liên bang ngày 29-2, Tổng thống Putin đã cảnh báo các nước phương Tây rằng họ có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu gửi quân tới Ukraine.
Vũ khí "Made in Ukraine" được sử dụng ngày càng nhiều
Ukraine đã tăng đáng kể việc sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự sản xuất trong nước, một nỗ lực nhằm tự chủ hơn trong bối cảnh viện trợ quân sự của phương Tây đang suy giảm.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk cho biết 46 loại thiết bị sản xuất trong nước đã được gửi cho lực lượng vũ trang trong hai tháng đầu năm 2024, một số lượng mà ông cho là "nhiều hơn đáng kể" so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để Ukraine dần trở nên tự chủ trong việc cung cấp cho lực lượng phòng thủ những vũ khí cần thiết", Hãng tin Reuters trích lời ông Havryliuk ngày 29-2.
Quan chức Ukraine kế đó kêu gọi các đối tác nước ngoài của Kiev tăng cường đầu tư và tham gia sản xuất vũ khí chung với các công ty Ukraine. Kiev đã ký hàng chục hợp đồng cùng sản xuất hoặc trao đổi công nghệ với các đồng minh phương Tây.
Ông Trump kháng cáo việc bị loại khỏi bầu cử sơ bộ
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã kháng cáo phán quyết của Thẩm phán bang Illinois Tracie Porter ngày 29-2, theo Đài CBS News.
Hôm 28-2, ông Trump, người được xem là ứng viên tổng thống số 1 của Đảng Cộng hòa, đã bị thẩm phán Porter loại khỏi danh sách ứng cử viên cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này.
Vị thẩm phán này viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ và cáo buộc ông Trump liên quan đến cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6-1-2021. Chiến dịch tranh cử của ông Trump phản ứng bằng việc gọi quyết định của ông Porter là vi hiến.
Trước đó, tòa án ở hai bang Colorado và Maine cũng đưa ra các phán quyết tương tự đối với ông Trump. Cả hai phán quyết này đều đang bị hoãn thi hành do ông Trump tiến hành kháng cáo. Tòa án Tối cao Mỹ sẽ là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này.
Ba Lan chi 2,5 tỉ USD mua hệ thống chỉ huy tác chiến hiện đại của Mỹ
Ngày 29-2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đã thay mặt Chính phủ nước này ký với phía Mỹ hợp đồng cung cấp hệ thống chỉ huy phòng không và chống tên lửa tích hợp (IBCS) cho các chương trình phòng thủ WISLA và NAREW trong giai đoạn 2.
Tham dự lễ ký về phía Mỹ có Thứ trưởng Quốc phòng Pawel Bejda cùng Đại sứ Mỹ tại Vacsava Mark Brzezinski.
Giá trị của hợp đồng khoảng 2,53 tỉ USD. Hợp đồng sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2031, theo đó Washington sẽ cung cấp IBCS cho Vacsava, bao gồm các thiết bị chỉ huy và liên lạc cần thiết cho 6 khẩu đội trong hệ thống phòng thủ WISLA và 23 tổ hợp phòng không trong hệ thống NAREW.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách, ngăn chính phủ đóng cửa
Với 320 phiếu thuận và 99 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua một dự luật sẽ giúp Chính phủ Mỹ tránh khỏi cảnh đóng cửa một phần vào ngày 1-3 (giờ Mỹ).
Đây là dự luật ngân sách tạm thời thứ tư được thông qua kể từ khi Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện khóa này. Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 29-2 còn đặc biệt ở chỗ có 207 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 113 nghị sĩ Cộng hòa gật đầu.
Thượng viện Mỹ dự kiến cũng sẽ thông qua dự luật tạm thời này và chuyển đến Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
Tuy nhiên, theo tờ The Hill, dự luật lần này mang tính "chữa cháy" khi chỉ cấp ngân sách chi tiêu trong thời gian ngắn nhằm câu giờ cho các cuộc đàm phán cam go hơn tại Quốc hội.
Đây, cháy rừng
Cột đèn trước cửa một ngôi nhà đã bị tan chảy trong trận cháy rừng Smokehouse Creek tại bang Texas, Mỹ ngày 28-2. Đây là một trong những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử bang này.